50 năm Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo

Phạm Hồng Lam
Ngày 28.10.1965 Đức Thánh Cha Phao-lô VI kí ban hành Tuyên Ngôn Nostra Aetate (Tự do tôn giáo). Tuyên Ngôn trước đó đã được các nghị phụ công đồng thảo luận và biểu quyết một cách khó khăn. Chúng tôi cho đăng lại bài thuyết trình nhân dịp kì niệm 20 năm thành lập Phong Trào, trong đó đặc biệt bàn đến Tuyên Ngôn Nostra Aetate.

Vào một buổi sáng mát trời tháng 10 năm 1962, hai cha con chúng tôi đang cày dọn thửa rẫy để chuẩn bị cho vụ mùa tới, bỗng chuông nhà thờ đổ dồn. Rẫy chúng tôi cách xa làng định cư không xa, độ hơn một cây số đường chim bay. Ba tôi dừng cuốc, bảo: Quái lạ, không phải tiếng chuông báo tử, chuông gì mà đổ hồi như thế? Hay chuông mừng Công đồng?
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghe đến chữ „Công đồng“. Về sau, mới biết đó là tiếng chuông làng mừng Công đồng Vaticanô II khai diễn. Và hôm nay đây, chúng ta kỉ niệm 50 năm biến cố lịch sử có một không hai này.
Vaticanô II được giáo chủ Gioan 23 triệu tập ngày 11.10.1962 và kéo dài tới cuối năm 1965 với 4 kì họp, mỗi kì kéo dài 2 tới 3 tháng, từ tháng 9 tới tháng 12 mỗi năm. Kết quả: 16 văn kiện được biểu quyết và công bố, trong đó gồm 4 Hiến chế, 9 Sắc lệnh và 3 Tuyên ngôn.
Những từ Hiến Chế, Sắc Lệnh và Tuyên Ngôn cho chúng ta cảm tưởng rằng, những văn kiện được biểu quyết có tầm quan trọng khác nhau. Theo đó, Hiến chế phải quan trọng hơn Sắc lệnh; Sắc lệnh phải trói buộc hơn Tuyên ngôn. Nhưng thực tế sự khác nhau chỉ ở mặt hình thức. Nội dung của mọi văn kiện đều trói buộc như nhau. Công đồng Trento (1545-1563) chỉ có 3 Sắc lệnh, vậy mà nó được kể là một trong những CĐ quan trọng nhất trong lịch sử Giáo hội công giáo, Trentô mở ra kỉ nguyên hiện đại cho Giáo hội công giáo.
Lí do mở Công đồng
Cứ mỗi lần gặp khủng hoảng lớn hay có những vấn đề quá khó khăn, các giáo chủ thường tìm cách giải quyết qua một cuộc họp lấy í kiến chung của các giám mục hoàn vũ, các bề trên dòng tu và những nhà thần học danh tiếng đương thời. Các cuộc họp này gọi là Công đồng chung.
Chẳng hạn, CĐ Nixê (325) đã được triệu tập để giải quyết câu hỏi: Đức Giêsu là Thiên Chúa hay chỉ là phàm nhân? Lúc đó Giáo hội đang gặp hoang mang lớn, vì một số giám mục và Giáo hội địa phương không công nhận bản tính thiên chúa nơi đức Giêsu. Họ tin Người chỉ là một sứ giả đặc biệt của Thiên Chúa, chứ không thể là vị ngang hàng với Thiên Chúa. Và kết quả của CĐ Nixê là bản kinh Tin Kính mà Kitô giáo đang có ngày nay. Gần 1700 năm nay, bản kinh này vẫn mang giá trị tuyệt đối, trong đó đức Giêsu được định tín vừa là một phàm nhân đồng thời cũng là Thiên Chúa.
CĐ Trento là một phản ứng lại phong trào Tin lành. Sau khi Martin Luther và một số giáo sĩ tách ra khỏi Giáo hội để lập ra các cộng đoàn tin lành với những giáo lí (bốn Duy: duy Kinh, duy Ân, duy Tin, duy Kitô) và nghi thức phụng tự mới, giáo triều Roma nhận thấy nhu cầu phải xác định làn ranh giáo thuyết giữa Công giáo và Tin lành, đồng thời phải cấp bách chấn chỉnh lại những thiếu sót và bất cập của mình. Giáo huấn và phụng vụ của Tin lành đã làm cho tín hữu khắp nơi hoang mang; họ không biết đâu vào đâu nữa, vì mọi thứ giờ đây trở nên bấp bênh, mập mờ. Vì thế qua CĐ Trento, Giáo hội công giáo đã ra một sách lễ mới, gọi là Sách Lễ Roma, trong đó hướng dẫn rõ ràng các nghi thức phải theo trong việc phụng tự. Sách lễ này có giá trị tới năm 1965 thì được thay thế bởi sách lễ hiện hành với những cải tổ mới của Vaticano II. Trento đã đặt ra chương trình huấn luyện và mở ra các chủng viện để đạo tạo hàng giáo sĩ. Về mặt tín lí, dựa trên kết quả CĐ, nhiều sách Giáo lí đã được soạn để nâng cao trình độ tín hữu, trong đó phải kể bộ Giáo lí công giáo lớn và quan trọng đầu tiên (dưới hình thức 213 câu hỏi vấn đáp) của linh mục dòng Tên tiên khởi ở Đức là Petrus Canisius. Bộ này, lúc tác giả còn sinh thời, đã được tái bản tới 200 lần. Một phần nhờ bộ Giáo lí này và những nỗ lực hoạt động không mỏi mệt của dòng Tên đặc biệt trên bình diện giáo dục, Giáo hội công giáo nước Đức vốn từ tình trạng co rút cố thủ trong phần đất còn lại ở miền nam đã dần bung ra tạo lại được thế cân bằng với Tin lành như hiện nay. Nói tóm lại, hầu như toàn bộ giáo lí, phụng vụ, chương trình đào tạo và sinh hoạt của giáo sĩ mà Giáo hội công giáo đang có hôm nay là thành quả của Trento hoặc đã được Trento định chế.
Vaticanô II diễn ra trong bối cảnh tục hoá và tân tiến hoá của thế giới. Bối cảnh này là kết quả của một tiến trình biến chuyển xã hội và tâm thức con người lâu dài khởi đi từ thế kỉ 18 (thế kỉ Ánh sáng lí trí). Việc đề cao lí trí và sự tin tưởng quá mức vào tiến bộ khoa học từ đó đã xói mòn niềm tin vào Thiên Chúa nơi con người và đã đẩy Giáo hội vào thế bị động. Trước đó, phong trào Cải cách đã phá vỡ sự độc quyền của Giáo hội công giáo. Và sự trỗi dậy của các chủ nghĩa quốc gia cũng đã đẩy lùi ưu thế của thần quyền trên thế quyền, chúng dần tách đạo đời thành hai chiến tuyến. Đặc biệt, cuộc cách mạng Pháp (1789) kéo theo việc đàn áp Giáo hội tại đây và cuộc cách mạng ở Í kéo theo việc xoá sổ Quốc Gia Giáo Hội (756-1870) và dồn Quốc gia này vào trong một chu vi nhỏ hẹp Vatican hiện nay, là hai biến cố đẩy Giáo hội càng thêm co cụm lại. Giáo hội đóng cửa tự vệ, quay lưng lại với thế giới, trở về lo chuyện trong nhà. Vài minh hoạ cụ thể cho thái độ này: Năm 1874 giáo chủ Piô 9 ra dụ cấm tín hữu công giáo Í không được tham gia chính trị, và để phản đối việc mất Quốc Gia Giáo Hội, ngài đã tự giam mình trong triều không bước ra khỏi Vatican kể từ 1871 cho tới khi mất vào năm 1878.
Đạo Đời xa nhau, kết án sát phạt nhau. Hai bên nói hai thứ ngôn ngữ khác nhau, không còn hiểu được nhau. Hậu quả: Giáo hội mất dân, đặc biệt giới thợ thuyền và dân nghèo. Vì thế, các tầng lớp này đã quay ra đi theo những hô hào cứu rỗi của chủ nghĩa Mác.
Thái độ quay lưng là chuyện dễ hiểu. Là vì kể từ khi được hoàng đế Konstantin cho tự do hành đạo, Kitô giáo từ thế kỉ thứ 4 trở đi phát triển rất mạnh, tới độ cuối cùng đồng hoá luôn thế quyền vào giáo quyền. Giáo chủ Roma lãnh đạo các hoàng đế. Các giám mục địa phương trở thành lãnh chúa. Vì thế, giáo triều Roma đã không dễ dàng chấp nhận những mất mát uy quyền và tài sản quá lớn như thế.
Nhưng sứ mạng của Giáo hội là để cứu đời, phải ở giữa đời để làm biến đổi đời.
Vì thế, sau khi được bầu vào chức vụ giáo chủ, đức Gioan 23 đã triệu tập CĐ Vaticanô II để thực hiện một cuộc „Aggiornamento“, nghĩa là tạo lại hoà khí giữa Giáo hội và Thế giới, đưa Giáo hội cập nhật với một thế giới đang biến chuyển phức tạp và nhanh chóng. Ngài muốn dấy lên một sức sống mới trong Giáo hội, muốn tạo cho Giáo hội một bộ mặt tươi trẻ và tìm ra một ngôn ngữ dễ hiểu và dễ chấp nhận cho con người thời đại.
Do đó, Vaticanô II có thể nói trước hết và trên hết là một CĐ về Giáo hội. Cả 4 Hiến chế và 9 sắc lệnh đều quy vào việc chấn chỉnh và định hình lại Giáo hội. Vaticanô II đã không kết án ai, đây là điểm khác hẳn mọi CĐ khác trong suốt lịch sử Giáo hội. Ngược lại, CĐ đã là dịp để hai Giáo hội công giáo và chính thống công khai giải vạ tuyệt thông cho nhau, vạ mà hai bên đã ra cho nhau năm 1054. Với Hiến chế Tín lí về Giáo hội, CĐ đã tái khám phá ra chiều kích ba ngôi thiên chúa của Giáo hội , nghĩa là Giáo hội vừa hữu hình vừa huyền nhiệm (đa nguyên): vừa có sứ mạng nhập thế cứu độ của đức Kitô, đồng thời vừa mang trong mình chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha và nỗ lực thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Do đó, Giáo hội không thể bị giản lược thành một bộ phận phụ thuộc của lịch sử, của thế giới hữu hình và tuỳ nghi. Trước Vaticanô II, thần học công giáo quá đặt nặng vào khía cạnh cơ chế tổ chức hữu hình của GH (nhất nguyên), nên chi nó đã dễ dàng thoả hiệp và đồng hoá với Trần thế. Mà cũng vì chủ trương đồng hoá với thế quyền nên GH càng cương lên về mặt cơ chế.
Nét đặc trưng thứ hai: CĐ quan niệm GH ngày nay là một thực thể trong thời gian (inter tempora), nghĩa là Giáo hội trong Trần thế, chứ không phải Giáo hội và Trần thế, Đạo giữa Đời, chứ không phải Đạo và Đời. Theo đó, GH là một đoàn người đang trên đường lữ hành tìm về Nước Trời. Như vậy, Giáo hội chưa phải là cùng đích, mà chỉ là một phương tiện, một con đường (Ecclesia viatorum). Tính cách phương tiện hay con đường nói lên tính tạm thời, chưa hoàn hảo. Và để phương tiện có được khả tín và thuyết phục, nó phải chứng tỏ được sự hữu hiệu của nó, nghĩa là GH phải làm gương, phải có được nhiều chứng nhân.
Vì là „trong thời gian“ nên tính cách „thế tục“ (Laizität) trở thành chiều kích quan trọng của GH. Tính cách này bao hàm í nghĩa: GH có trách nhiệm đối với lịch sử nhân loại; GH mang vào mình thân phận âu lo và hi vọng của con người, có nhiệm vụ cụ thể đối với con người trong việc giúp họ cứu rỗi.
Tính cách „thế tục“ cũng có nghĩa là GH công nhận giá trị độc lập của các thực tại (tổ chức chính trị, văn hoá, xã hội…) trần gian. Như vậy, chủ trương một GH nhất nguyên toàn trị luôn tìm cách thu tóm thế quyền trước đây không còn chỗ đứng, song được thay bằng hình ảnh một GH tông đồ (rao truyền), chính trị (hướng con người về đường ngay), đối thoại và phục vụ.
Và cuối cùng, tính cách „thế tục“ đòi buộc phải công nhận phẩm giá, tự do, độc lập và sự đồng trách nhiệm của mỗi con người cá nhân, trong cũng như ngoài GH.
Vaticanô II và Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo (TN)
Tại sao phải ra Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo?
Theo giám mục De Smedt , người trình bày lược đồ trước các nghị phụ, có bốn lí do. Trước hết là lí do „chân lí“: GH phải cổ võ tự do tôn giáo vì đây là lời dạy của Chúa Kitô. Thứ hai, lí do „bảo vệ”: GH phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo, vì hơn một nửa nhân loại hiện đang phải sống trong cảnh bị đàn áp tôn giáo bởi các chế độ vô thần, độc tài. Thứ ba, lí do „sống chung hoà bình”: Trong một thế giới ngập tràn các lí thuyết khác nhau, GH phải đưa ra những đường hướng dẫn đến việc chung sống và cộng tác rộng rãi cho mọi người. Thứ tư, lí do „hiệp nhất“: vì nhiều người ngoài Công giáo nghi ngờ thành tâm của GH công giáo, rằng GH này chỉ cổ động tự do tôn giáo nơi nào tín hữu công giáo là thiểu số mà thôi, nên GH cần phải cố gắng làm sáng tỏ vấn đề.
TN là một bản văn ngắn. Nó không đề cập gì tới tín lí, chỉ khai triển vấn đề Tự do tôn giáo trên bình diện xã hội và pháp lí. Dù vậy, theo giáo sư Philippe Chenaux , hiện là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu „CĐ Vaticanô II“ thuộc Đại học Giáo chủ Lateran ở Roma, đó là một trong những „văn kiện mang í nghĩa lịch sử và quan trọng nhất“. Giáo sư Joseph Leclerc ở „Institut Catholique“ thì viết rằng, TN là một „biến cố bất thường“ trong lịch sử Công đồng. Tuy nhiên TN lại là đứa con khó sanh nhất của CĐ. Thoạt tiên, nó chỉ là một chương trong dự thảo về Đại kết và đã được đưa ra thảo luận từ kì họp năm 1963, nhưng đã gặp quá nhiều phản đối. Lần lượt nó đã được sửa đi soạn lại tới 6 lần. Trong lần họp tháng 11.1964, bản văn được tách ra thành một văn kiện độc lập, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Cuối cùng, với sự can thiệp của chính giáo chủ Phaolô 6, bản văn đã được chấp nhận trong tổng quát. Nhưng trong phiên họp khoáng đại tháng 10 năm 1965 để biểu quyết từng phần, bản văn vẫn chưa hết sửa đổi. Và nó chỉ được thông qua toàn bộ ngay trước khi kết thúc CĐ, với 2308 phiếu thuận, 70 phiếu chống và 8 phiếu bất hợp lệ.
Tại sao khó khăn như vậy?
Là vì có sự mâu thuẫn giữa hai phe „bảo thủ“ và „cấp tiến“. Trong lúc các giám mục Bắc Mĩ và một số từ Đông Âu, đặc biệt từ Ba-lan, nhất quyết cổ võ cho Tự do tôn giáo, thì phía bảo thủ bị lấn cấn về hai chuyện: tương quan giữa Tự do và Sự thật trên bình diện thần học và tương quan giữa Giáo hội và Nhà nước tân tiến trên bình diện chính trị tôn giáo.
Phía bảo thủ quan niệm: Sự thật ưu tiên hơn Tự do; và vì Đạo Chúa là Sự thật duy nhất nên không thể chấp nhận Tự do trong lầm lỗi. Một châm ngôn khá phổ biến lúc đó: „Chỉ sự thật mới có quyền, chứ lầm lỗi chẳng có quyền gì cả“. Và phải chăng, cũng theo họ, chấp nhận tự do tôn giáo có nghĩa là hết nhiệm vụ truyền giáo?
Ngoài ra, một số đông nghị phụ lúc đó vẫn còn mơ về thời hoàng kim Đạo Đời là một trong quá khứ. Họ vẫn tin rằng, mọi quyền bính đời đều xuất phát từ Thiên Chúa, Nhà nước do đó phải đáp ứng mọi nhu cầu của Đạo. Cứ xem quan điểm về tự do tôn giáo được đề cập nơi chương IX của văn kiện dự thảo „Về Giáo hội“ năm 1962 , ta sẽ rõ hơn về điểm này. Bản văn đưa ra quan điểm rất thịnh hành trong thế kỉ 19 và nó nói lên sự bất bao dung của Giáo hội công giáo: Nếu trong một nước có đa số dân là công giáo, thì chính quyền nước đó phải là công giáo. Những người theo tôn giáo khác trong nước đó không có quyền hành đạo mình một cách công khai. Vì công ích, nhà nước có thể và phải tạm dung các tôn giáo đó. Trái lại, khi đa số dân không phải công giáo, thì nhà nước phải hành xử theo luật tự nhiên, nghĩa là phải để cho mỗi người công giáo và Giáo hội công giáo được tự do. Như vậy, bao dung chỉ có nghĩa là tạm dung, và đâu là tự do tôn giáo? Vì thế, chương này đã bị loại ngay trong lần thảo luận đầu tiên và giáo chủ Gioan 23 đã uỷ cho Ban thư kí đặc trách Hợp nhất Kitô giáo đưa ra một văn kiện riêng về tự do tôn giáo.
Quan điểm bất tương dung giữa Tôn giáo và Tự do cũng như chủ trương Đạo Đời gắn bó trên đây, cũng theo giáo sư Chenaux, là hậu quả của phong trào Cải cách và chống Cải cách cũng như do không khí quá khích chung trong thế kỉ 19 tạo ra. Và chúng là đường lối chính thức của Giáo hội công giáo, ít nhất cho tới cuối triều Piô 12 (1939-1958). Tuy nhiên, kể từ trước thế chiến thứ hai, Giáo hội công giáo đã phải đối diện với các chủ nghĩa độc tài (cộng sản, phát-xít, quốc-xã) và phải đau đớn nhận ra rằng, Đạo không còn sai khiến được Đời nữa, và hơn nữa giờ đây Giáo hội phải cổ xuý Tự do để bảo vệ Đạo trước sự đàn áp của các chế độ này.
Đã có lí do để biện minh cho việc đưa ra TN. Nhưng phải đề cập vấn đề bằng cách nào? Nói cách khác, phải dựa vào đâu để cổ xuý quyền tự do tôn giáo?
Đây là một trong những điểm khó khăn nhất. Dựa vào í niệm cổ truyền „bao dung“ của Kitô giáo ư? Đúng là Đạo Chúa vốn bao dung, nhưng lịch sử cận đại của Giáo hội khó thuyết phục về điểm này. Hay dựa trên quyền của một lương tâm sai lầm? Nghĩa là phải chấp nhận tự do tôn giáo vì lương tâm con người có thể sai lầm? Í niệm này lại quá khó hiểu và dòi hỏi nhiều tế nhị. Cuối cùng, các nghị phụ đã gặp được í niệm Nhân phẩm, và í niệm này đã trở thành nền tảng căn bản duy nhất cho TN:
„Thánh công đồng Vaticanô này tuyên bố con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này hệ tại con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách của cá nhân, đoàn thể xã hội hay của bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng. Hơn nữa, thánh CĐ còn tuyên bố rằng, sự tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên phẩm giá con người, một phẩm giá đúng như lời mạc khải và chính lí trí cho biết được. Quyền tự do tôn giáo này… phải được chấp nhận là một quyền dân sự“ (Số 2) .
Khi xác định Nhân phẩm là nền tảng của Tự do tôn giáo, nghĩa là „quyền tự do tôn giáo đặt nền tảng trên chính bản tính con người“, CĐ không bàn gì tới sự đúng hay sai của một tôn giáo, vì thế mọi tôn giáo phải được tự do. Về điểm này, GH công giáo đã tiến một bước còn xa hơn nhiều nhà nước tân tiến hiện nay. Một khi nền tảng của Tự do là Nhân phẩm, thì mọi cá nhân đều được tôn trọng, dù người đó theo Đạo nào chăng nữa. CĐ tha thiết kêu gọi tín hữu công giáo học hỏi, thấu hiểu và trung thành với giáo lí, sẵn sàng loan truyền và bảo vệ Đạo Chúa, nhưng không được dùng „những phương tiện đi ngược lại tinh thần của Tin Mừng“. Ở đây, CĐ loại trừ mọi hình thái cưỡng bách không những đối với người bên ngoài, mà cả giữa các tín hữu trong lòng GH.
Với nội dung triệt để của TN, GH công giáo, cũng theo giáo sư Chenaux, đã giải quyết được hai trong những vấn nạn gay go nhất mà GH đã phải đấu tranh ít nhất từ hơn hai thế kỉ nay, đó là tương quan loại trừ giữa Chân lí và Tự do và tương quan lẫn lộn giữa GH và Nhà nước tân tiến. Và như vậy, thế giới giờ đây có quyền tin vào thành tâm và thiện chí của GH công giáo trong nỗ lực phục vụ con người và cởi mở với thế giới.

Phạm Hồng-Lam