Tiến Hoá là một diễn biến có đích điểm hay chỉ là ngẫu nhiên?

Phạm Hồng Lam

Thuyết Tiến Hoá của Darwin cho rằng, Tiến Hoá là một diễn biến hoàn toàn ngẫu nhiên. Trong khi đó, thế giới thời ông sống lại tin rằng, tiến hoá là một diễn biến có đích điểm. Vì thế, nhiều người đã đánh đồng một cách lầm lẫn rằng, Darwin có âm mưu chống lại sự hiện hữu của Thiên Chúa. Như thế, từ một cuộc tranh luận về thuyết Tiến Hoá người ta đã biến thành một cuộc tranh luận về sự hiệu hữu của Thiên Chúa.


Học thuyết Tiến Hoá đã có trước Darwin và đã được nhiều người trước đó chấp nhận. Cái mới và cũng là cái làm cho nhiều người dị ứng nơi học thuyết Darwin: Tiến Hoá là một diễn biến hoàn toàn ngẫu nhiên. Sở dĩ như vậy là bởi thế giới lúc đó tin rằng, mọi hiện tượng thiên nhiên đều diễn biến theo một đích điểm nào đó. Đối với nhiều người, diễn biến có đích điểm này là minh chứng hùng hồn nhất về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thuyết của Darwin đã làm thay đổi tận căn quan điểm đương thời và mở ra một lối nhìn mới cho Thời Mới. Cái khiêu khích nơi thuyết Darwin là xem ra ông này phản bác niềm tin phổ quát thời đó vào sự tiến hoá có đích điểm. Và nhiều người đã đánh đồng một cách lầm lẫn sự phản bác này cũng là âm mưu chống sự hiện hữu của Thiên Chúa. Như thế, từ một cuộc tranh luận về thuyết Tiến Hoá người ta đã biến thành một cuộc tranh luận về sự hiệu hữu của Thiên Chúa.

Nhưng, điều trước tiên cần biết, đó là khoa học tự nhiên hoàn toàn chẳng có thẩm quyền gì trên câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa, là bởi Thiên Chúa không thuộc về thiên nhiên và khoa học tự nhiên không thể minh chứng hay phản bác gì được về sự hiện hữu của Người.

Nhưng phải hiểu thế nào về sự diễn biến có đích điểm của tiến hoá?
Rõ ràng tiến hoá không diễn ra để đáp ứng một mục tiêu nào đó; đấy là điều không thể chối cãi, và trong í nghĩa đó, nó là một diễn biến thuần „ngẫu nhiên“. Tuy nhiên, nếu vì thế mà bảo rằng, chẳng có gì trong thiên nhiên xẩy ra mà lại không đáp ứng một mục tiêu nào cả, thì quan điềm này lại sai. Từ nhận thức trên, người ta thường suy ra là toàn thể tiến hoá chẳng có đích điểm nào cả. Suy đoán như vậy là sai. Mỗi một tiến hoá riêng biệt có thể không có một tiêu đích, nhưng điều này không có nghĩa là toàn bộ tiến trình tiến hoá cũng không có đích điểm.

Ta sẽ dùng hai thí dụ để minh chứng. Thí dụ thứ nhất: việc đùa giỡn của các con thú con. Đùa giỡi là một hành vi chẳng nhằm đáp ứng một mục tiêu nào. Mỗi một hành động đùa giỡn của thú con như vậy không có mục tiêu. Nhưng sự đùa giỡn, xét trong tổng thể, lại là một cuộc tập dượt về khả năng săn mồi, giao cấu, tự vệ và các khả năng sinh tồn khác về sau của con thú.

Thí dụ thứ hai là thị trường. Trong kinh tế thị trường, mỗi hành vi kinh tế của cá nhân diễn ra là để phục vụ lợi ích cá nhân, chứ không phải vì lợi ích chung. Dù vậy, chúng ta vẫn chọn kinh thế thị trường, là vì xét chung nền kinh tế này mang lại công ích nhiều hơn các loại hình kinh tế khác. Lí thuyết gia kinh tế Mandeville (1670-1733) đã diễn tả điều này qua một công thức nổi tiếng, khi ông bảo „private vices“ („thói hư cá nhân“: hành động vì tư lợi cá nhân) lại dẫn tới „public benefits“ („công ích“: gia tăng công ích).

Như vậy, những biến hoá riêng rẽ không tiêu đích chẳng nói lên gì được là toàn bộ Tiến hoá có đích điểm hay không. Nhiều người khẳng định, khoa học tự nhiên đã minh chứng: Tiến hoá, xét trong tổng thể, diễn ra do ngẫu nhiên chứ không vì tiêu đích nào cả. Khẳng định này sai, nếu nhìn vào hai thí dụ trên. Đấy là chưa nói tới việc thuyết Tiến Hoá không cách nào dùng ngẫu nhiên để giải thích được mọi cấp độ và hình thái chuyển tiếp của sinh vật. Hãy cứ để cho các nhà khoa học tự nhiên yên tâm đi tìm câu trả lời cho phạm vi này.

Darwin cũng nói tới „đấu tranh sinh tồn“ („survival of the fittest“), nghĩa là theo ông, chỉ những sinh vật nào khoẻ, mạnh, có ưu thế nhất mới có thể tồn tại. Khả năng sinh tồn rõ ràng không hẳn hoàn toàn nằm nơi những yếu tố nội tại của sinh vật, các yếu tố khác như tỉ số truyền sinh và ảnh hưởng của thiên tai cũng có tầm quan trọng lớn. Nhưng nếu chỉ đề cập tới những yếu tố nội tại của sinh vật mà thôi, như khả năng thích ứng và tỉ số truyền sinh, thì đây lại là những đặc tính có mục tiêu, chúng nhằm bảo tồn sự sống cho các chủng loại. Như vậy, xoay qua xoay lại, thì ta lại chẳng thấy ngẫu nhiên ở đâu cả, mà chỉ thấy tiến hoá có điểm đích.

Những thí dụ trên đây chưa hoàn toàn minh chứng cho yếu tố mục tiêu trong tiến hoá, nhưng chúng cho thấy, nếu bỏ qua yếu tố mục đích, thuyết Tiến Hoá của Darwin sẽ chẳng giải thích được gì. Tuy sự việc đã rõ như thế, con người ngày nay vẫn cứ khăng khăng ôm lấy „ngẫu nhiên“, coi đó là yếu tố duy nhất của toàn bộ tiến hoá. Xét thuần tuý về mặt khoa học tự nhiên, ta có thể nói như vậy tiến hoá ở cấp đầu là „ngẫu nhiên“ và ở cấp cao hơn là có mục tiêu. Lại nữa, khoa học tự nhiên cũng không thể trả lời được câu hỏi tiến hoá có điểm đích hay không. Lí do là vì khoa học tự nhiên chỉ tìm hiểu những quy luật („luật tự nhiên“) vận hành của một dữ kiện, sau khi những điều kiện ban đầu của dữ kiện đó đã được xác định. Và nó còn tìm hiểu đặc tính cũng như hậu quả của vận hành đó. Còn những gì vượt lên trên các phạm vi này, khoa học tự nhiên đành chịu: Chẳng hạn như câu hỏi về trách nhiệm đạo đức của một hành động cố í, hay câu hỏi về lí do vượt tự nhiên của một biến cố thiên nhiên.

Thế thì thuyết Tiến Hoá có í nghĩa gì trong việc nhận thức tạo dựng?

Nếu Thiên Chúa tạo ra một thế giới khác với Người, thì thế giới này hẳn phải có một sự tự lập tương đối nào đó. Nghĩa là nó có những quy luật vận hành riêng cho nó và cho muôn loài sống trong nó. Tạo dựng là con đẻ của Thiên Chúa và hoàn toàn lệ thuộc vào Người. Nhưng đứa con này không hiện diện như một con rối, trái lại được Thiên Chúa trao ban cho tự do để đi theo quy luật riêng, mà vẫn không làm giảm đi quyền năng của đấng Tạo Hoá. Đấy chính là điểm đã được thuyết Tiến Hoá xác nhận. Thuyết này cho thấy quyền năng sáng tạo to lớn của Thiên Chúa, to lớn đến nỗi Người gần như để mặc cho tác phẩm tạo dựng của mình vận hành theo những quy luật riêng của thế giới, trong đó có cả cuộc tiến hoá. Hiểu như thế thì thuyết Tiến Hoá đâu có gì là ngăn trở cho niềm tin vào Thiên Chúa. Trái lại nó còn giúp ta hiểu ra cặn kẽ í nghĩa của tạo dựng: Sự lớn lao và cao cả của Thiên Chúa chính là chỗ Người cưu mang và gìn giữ mọi tạo vật trong tay, đồng thời lại trao ban cho tạo vật của Người một sự tự lập thật lớn.

Harald Schöndorf (SJ)
Người dịch: Phạm Hồng-Lam