THUYẾT SÁNG TẠO VÀ THUYẾT TIẾN HÓA

Chu Tất Tiến

Một yếu tố rất quan trọng trong vấn đề tranh luận giữa Thuyết Tiến Hóa (Theory of Evolution) và Thuyết Sáng Tạo (Theory of Creation) mà đa số những tranh luận viên đều cố tình quên hoặc không để ý, đó là chữ “Thuyết” (Theory). Cả hai đều là “Thuyết”, không phải là những định luật (law) khoa học. Tuy nhiên, vì Thuyết Tiến Hóa là một hệ thống suy đoán, lý luận được xây dựng dựa theo những quan sát công phu một số sự kiện và sự thu thập những mẫu vật có số tuổi lên đến hàng triệu năm nên những người có trình độ nhận thức khoa học của thế kỷ 19 và giữa thế kỷ 20 thấy khâm phục rồi tin rằng đó chính là những sự kiện khoa học (scientific facts).
 Trong khi ấy, những người theo Thuyết Sáng Tạo lại không thể chứng minh được sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng những dữ kiện khoa học. mà chỉ chứng minh bằng những di cảo, những cổ văn, cổ ngữ có từ khi loài người mới văn minh, biết ghi chép trên các loại giấy cổ mà họ gọi là Cựu Ước hay Tân Ước, cùng với những sự kiện, tuy có thực, nhưng mang tính huyền bí, “phép lạ”, khó dẫn chứng được mắt xích khoa học liên hệ từ chuyện nọ đến chuyện kia. Hơn nữa, các cổ văn, cổ thư đã được viết từ ngàn năm trước, khi mà trình độ suy luận, diễn giải của người thời đó hoàn toàn khác với phương cách suy luận, diễn giải của người thời nay, nên khi đọc các cổ văn, cổ thư đó, nếu không tìm hiểu trước về cách diễn giải của người thời xưa, thì nhất định sẽ hiểu lầm tai hại.

Thí dụ như khi nói về sự Sáng Thế, nhiều người đời nay còn tin rằng Thiên Chủa đã tạo ra vũ trụ chỉ trong Bẩy (7) ngày theo Dương Lịch! Những kẻ chế nhạo đạo Công Giáo thường mang vấn đề “sáng thế trong 7 ngày” ra mà cười cợt. Họ đều quên một yếu tố quan trọng là cuốn lịch hiện tại với ngày tháng năm mà chúng ta đang xử dụng hôm nay chỉ mới được thống nhất từ ngày 24 tháng 2 năm 1582, thế kỷ thứ 16, do Giáo Hoàng Công Giáo là Pope Gregory 13 ban hành! Trong khi đó, cổ thư Do Thái lại được viết trước đó.. cả chục thế kỷ! Thời gian của một “Ngày” trong cổ thư có thể dài hay ngắn hơn thời gian của “Ngày” của người hiện tại nhiều phút giây. Hơn nữa, cho dù có chấp nhận sự đo đạc thời gian “ngày” của hôm nay chính xác bằng với thời gian “ngày” trong cổ thư, cũng lại hoàn toàn sai lạc với ý định của người viết Sáng Thế Ký nếu diễn giải sách Sáng Thế hoàn toàn theo nghĩa đen.
Thứ nhất, không có Con Người nào có mặt lúc sáng tạo vũ trụ cả, làm sao mà biết được ngày nào và bao nhiêu thời gian mà Thiên Chúa đã tạo ra Trời và Đất? Thứ hai, theo lịch sử văn học của người Do Thái, những người viết cổ sử thời đó không viết theo thứ tự thời gian (Chronological order) mà thường tập hợp những điều giống nhau rồi cho vào một mục. Do đó, mới có một ngày cho “Ánh Sáng và Bóng Tối”, một ngày cho “Nước và Trời” , rồi “Đất và Biển”, “Ngày và Đêm, Mặt Trời và các ngôi sao”, rồi một ngày cho chim muông, và một ngày cho Con Người… Ngay trong ẩn dụ “ngày và đêm” đó, thì mãi đến “ngày” thứ Ba (?) mới có “ngày và đêm”, vậy hai “ngày” trước không thể biết được là bao lâu!  Vì thế, nếu không tìm hiểu phương pháp ghi chép có tính “ghép loại” như thế, những người chỉ trích Thuyết Sáng Tạo là “tưởng tượng, hão huyền, không hợp lý, không khoa học” và rồi dựa theo đó mà tấn công Thiên Chúa Giáo thì lại chính là những người không có một chút ý niệm gì về khoa học cả! Trong khi đó, những người tin theo Thuyết Sáng Tạo lại không chú tâm vào việc giải thích những điều trên mà chỉ nói rằng đó là do sự “Mặc Khải của Thiên Chúa”, một ngôn ngữ còn khó hiểu hơn chuyện “Bẩy ngày đêm” nữa, nên càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn và tạo cớ cho những kẻ vô thần nhạo báng tôn giáo.

1.Thuyết Sáng Tạo và Khoa học.


Thực tế, Thuyết Tiến Hóa dễ thuyết phục được nhiều loại người của thế kỷ 19 và giữa thế ký 20: những người tin theo  khoa học thực nghiệm một cách tuyệt đối và từ chối chấp nhận tất cả những gì mà khoa học không chứng minh được và những người, tuy hiểu rằng Thuyết Sáng tạo cũng có những điểm hữu lý,  nhưng vì mục tiêu cá nhân nào đó mà cứ cố gắng chống đối thuyết này cho đến cùng; trên hết là một số khoa học gia làm khoa học trong một phương diện chuyên môn nào đó nhưng chưa tới trình độ có thể cảm ứng được toàn bộ các ngành khoa học khác.   Vonn Braun, khoa học gia về hỏa tiễn, cha đẻ của hỏa tiển V2, kỹ sư không gian, kiến trúc sư không gian lừng danh thế giới, người mà trí não lúc nào cũng đầy những phương trình và các con số, đã nói:
“Khoa học và tôn giáo không phải đối nghịch nhau. Ngược lại, chúng là chị em với nhau. Trong khi khoa học cố học hỏi nhiều hơn về Sự Sáng Tạo (Creation), tôn giáo cố gắng hiểu nhiều hơn về Đấng Sáng Thế. Trong khi khoa học gia cố gắng thắng bớt những lực của thiên nhiên chung quanh ông ta, thì qua tôn giáo, ông ta lại cố gắng để thắng bớt lực thiên nhiên trong chính ông ta.” Ông còn khẳng định một cách rõ ràng: “Những kinh nghiệm với khoa học của tôi đã dẫn tôi tới Chúa. Chúng thách đố khoa học chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhưng liệu chúng ta có phải thực sự đốt lên một ngọn nến đế ngắm nhìn mặt trời không?” (http://en.wikipedia.org/wiki/Wernher_von_Braun#Personal_life).
Ý tưởng này của Vonn Braun cũng tương tự như ý tưởng của Pascal, nhà thiên tài toán học, triết gia, nhà vật lý, người phát minh ra chiếc máy tính đầu tiên của nhân loại vào thế kỷ 17, đã nói: “Khoa học nông cạn làm cho người ta xa Thiên Chúa, khoa học cao siêu làm cho người ta gần Thiên Chúa.”
Gần đây, các nhóm chuyên tấn công Công Giáo đã thường trích dẫn những lý luận của Stephan Hawking, người bênh vực Thuyết Tiến Hóa và chống lại Thuyết Sáng Tạo, như những lý luận xác thực và mạnh mẽ nhất của Khoa học đã “đánh đổ” được Thuyết Sáng Tạo. Thực tế, “Stephan Hawking của đại học Cambridge, cũng phải công nhận ý nghĩa tôn giáo của các định luật vật lý. Trong tác phẩm nổi tiếng “Stephen Hawking’s Universe”, ông đã tuyên bố “Tỷ lệ nghịch với khả năng thế giới vật chất hiện nay ra từ một vụ nổ lớn chỉ bởi tình cờ thật là khổng lồ. Tôi nghĩ chắc phải có nguyên nhân sâu xa có tính cách tôn giáo.” (Trích bài “Sáng Tạo vs Tiến Hóa” của Tiến Sĩ Nguyễn Lê Ân Điển, 2003)

2.Thuyết Tiến Hóa và Sự Ngẫu Nhiên.


Thực tế nữa, là trong thế kỷ 21, cùng lúc với các khám phá, phát minh có thể nói là “phép lạ” của các nhà khoa học thuộc nhiều ngành khác nhau như Sinh Vật Học, Vật Lý, Toán Học, Khoa Học Hữu Cơ, Khoa Học Thực Nghiệm, Y Khoa…người ta càng thấy rõ có một sự “thiết kế cực kỳ thông minh” trong tất cả mọi vấn đề. Các nhà khoa học đã không thể chấp nhận Thuyết Tiến Hóa là thuyết chủ trương “mọi sinh vật, mọi loài trong vũ trụ đều xuất phát từ 1 tế bào đơn độc một cách ngẫu nhiên.” Người ta hòan toàn bác bỏ lý thuyết cho rằng 1 đơn bào có thể “tự biên, tự diễn” biến thành một khoa học gia, triết gia, các kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, kiến trúc sư.. với những công trình khổng lồ, phức tạp hàng tỷ tỷ lần sự chuyển động của một chiếc đồng hồ tối tân. Tiến sĩ Jonathan Sarfati chế nhạo, “Làm sao mà một tế bào đơn giản mà ngẫu nhiên lại trở thành một Tiến Sĩ được?” (Jonathan Sarfati, Refuing Evoluion, 1999).
Sở dĩ vẩn còn một số các nhà khoa học vẫn duy trì quan niệm bảo vệ Thuyết Tiến Hóa, không phải vì Thuyết Tiến Hóa đúng mà vì các khoa học gia đó “chống” lại thuyết đối lập của Thuyết Tiến Hóa là Thuyết Sáng Tạo mà họ cho là không có cơ sở. Nhà Sinh Vật Học theo thuyết Tiến Hóa Richard Dickerson dẫn giải: “Khoa học, căn bản, chỉ là một trò chơi. Đó là một trò chơi với một luật bao trùm và được định nghĩa như sau: Luật số 1: Hãy để chúng ta tìm kiếm xem xa bao nhiêu và với sự nối dài nào mà chúng ta có thể giải thích được tính chất của vật lý và cái vũ trụ vật chất này thuần túy bằng những danh từ và nguyên nhân vật lý, mà không có sự can thiệp của một lực siêu nhiên nào” (R.E. Dickerson, J.Molecular Evolution, 1992).
Những vị này thật sự là ngoan cố. Họ không chấp nhận thuyết Thiết Kế Thông Minh hay Thuyết Sáng Tạo chỉ vì họ không muốn chấp nhận là họ thua trong những vấn đề mà họ không thể có khả năng giải thích được. Để “đánh đổ” các lý luận của Thuyết Tiến Hóa, triết gia C.S.Lewis viết: “Nếu cả hệ mặt trời được tạo ra bởi một va chạm ngẫu nhiên trong một tai nạn, thì sự hiện hữu của một đơn bào trên trái đất này cũng là tai nạn ngẫu nhiên, rồi cả sự tiến hóa của Loài Người cũng là một tai nạn ngẫu nhiên. Nếu thế, thì các tư tưởng của chúng ta cũng là thuần túy do ngẫu nhiên, những sản phẩm có tính cách ngẫu nhiên của sự di chuyển của các nguyên tử vật lý. Lý thuyết tai nạn ngẫu nhiên này cũng áp dụng cho các nhà vật chất học và các nhà thiên văn học cùng mọi người khác. Nhưng nếu tư tưởng của các nhà Vật Chất học và các nhà Thiên văn Học đều là các sản phẩm tạo ra từ các tai nạn ngẫu nhiên, làm sao chúng ta có thể tin tưởng họ là đúng được? Tôi không tìm thấy lý do nào để tin rằng một tai nạn ngẫu nhiên có thể cho ra những nguyên nhân đứng đắn cho mọi tai nạn ngẫu nhiên khác.” (C.S.Lewis, God in the Dock, 1970)
Chúng ta, ai có học qua khoa học, đều biết rằng các chuyển động của các nguyên tử, phân tử của vật chất đều theo một định luật, quy tắc nhất định, bất di bất dịch. Cấu tạo cũng như chuyển động của các nguyên tử của sắt, của đồng, của kẽm, của nước.. hoàn toàn khác nhau. Vì bắt được quy luật của các nguyên tử như thế, mà Einstein mới tìm ra được định luật E=mc2. Dựa vào phương trình bất di bất dịch này mà những khoa học gia kế tiếp mới làm ra bom nguyên tử! Nếu tất cả vật chất đều được tạo thành do sự ngẫu nhiên, thì .. còn khuya mới có bom nguyên tử! Cũng thế, các quy luật toán học, khoa học khác đều bất di bất dịch. Như theo định luật bảo toàn năng lượng, không một vật chất nào biến mất, chúng chỉ thay đổi đặc tính. Nước (H20) khi bị đun sôi thì thành hơi nước. Nước ở biển, sông bị sức nóng làm cho bốc hơi lên trời, gặp lạnh, đọng lại thành mưa, mưa làm cho sông, biển dâng lên, gặp hơi nóng mặt trời, lại bốc hơi.. Quy trình này diễn tiến từ hàng tỷ năm trước đến tỷ năm sau vẫn không thay đổi. Nếu tất cả quy trình chuyển hóa của vật chất mà theo sự ngẫu nhiên, tùy hứng, thì có lẽ địa cầu này bị triệt tiêu thành lỗ đen từ khuya, vì có lúc mà hơi nước biến thành mây, mưa, có lúc lại biến thành đất, đá, rơi xuống lỗ đầu thiên hạ! Có lúc cấu tạo của nguyên tử sắt thay đổi theo hứng, đột nhiên cục sắt biến thành kim cương cho thiên hạ lóa mắt chơi, lúc khác lại trở thành nhão nhẹt… Có lúc cơm, thịt, cá sau khi tiêu hóa thành phân thải ra ngoài, lúc khác nổi hứng ngẫu nhiên trở ngược lên miệng, thì Ô hô, ai tai!….
Cũng thế, với con người, sự phối hợp và phát triển các “genes” của cha và mẹ đều phải tuân theo một định luật nhất định, mới ra được một đứa con lành lặn, giống cha hoặc giống mẹ, hoặc giống ông, bà, chú, dì, cô, cậu…Theo Mendel, người vẽ ra một quy trình lai giống, và cũng là người tin theo thuyết Sáng Tạo, cho biết rằng sự nhân giống của con người cũng như của hạt đậu, đều tuân theo một quy luật rõ ràng, cho dù khuôn mặt, thân thể, tính tình của đứa con có khác cha và mẹ. Và, quy luật ấy là của Thiên Chúa ấn định! Nếu có “genes” nào của một cá nhân hay của một hột đậu nào mà bất tuân thượng lệnh, để phát triển một cách ngẫu nhiên, thì cá nhân ấy, hột đậu ấy phải giã từ thế giới này mà đi sang thế giới khác với căn bệnh mà người ta gọi là … Ung Thư (với con người), Ung Thối (với đậu)!
Nên nhớ rằng, mỗi đứa con ra đời chỉ mang theo một nửa “information” của “genes” cha hoặc mẹ. Thì dụ, như người cha có máu O, người mẹ có máu AB (nghĩa là có cả các đôi nhiễm sắc thể (chromosomes) A và B, thì đứa nhỏ sẽ có những đôi nhiễm sắc thể hoặc là AO hoặc BO, chứ không thể có AB. Đó là quy luật! Chẳng may mà đứa nhỏ có những đôi nhiễm sắc thể mà khang khác một tí, thì đời đứa bé coi như đi đong! Làm sao mà thuyết Ngẫu Nhiên có thể thực hiện được trên vật chất và con người được?
Như vậy, Thuyết Tiến Hóa, thật ra, chỉ là một sự giả thiết mang tính võ đoán khá cao về sự “ngẫu nhiên” tức là “tình cờ”, là “chẳng có nguyên nhân nào cả, mà đột nhiên xẩy ra như vậy”.
Thuyết Tiến Hóa tin rằng ngẫu nhiên mà đơn bào thành đa bào, ngẫu nhiên mà cá bò lên cạn, ngẫu nhiên mà bốn cái vây cá biến thành bốn cái chân, rồi ngẫu nhiên giống ở dưới nước biến thành giống ở trên bờ, ngẫu nhiên cá biến thành khỉ, ngẫu nhiên khỉ biến thành người…
“Chỉ có một phương pháp làm cho chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào những điều xẩy ra trong quá khứ xa lắc xa lơ là nếu chúng ta có được các nhân chứng. Nhưng với Thuyêt Tiến Hóa thì hoàn toàn không có các nhân chứng nào cả. Những ý tưởng của họ thì hoàn toàn được lấy ra từ những suy đoán!” (Jonathan Sarfati, trang 29, sách đã dẫn).

  1. Thuyết Tiến Hóa và Sự Phản Kháng để sinh tồn.


Duy nhất chỉ có một điều mà Thuyết Tiến Hóa có vẻ đúng khi nói về sự phản kháng để sinh tồn. Chúng ta đều biết là từ khi phát minh ra Penicilline, thì đa số các vi trùng đều bị môn thuốc này giết chết, đa số các bệnh do vi trùng đều được điều trị bằng Penicilline. Nhưng với thời gian, vì con người lạm dụng Penicilline, nên vi trùng bắt đầu phản kháng lại và một số trở thành trơ trước loại thuốc trụ sinh này. Từ những “dose” nhỏ, người bệnh sau này phải dùng “dose” lớn và mạnh hơn. Vi Trùng đã tiến hóa để sinh tồn theo suy đoán của Darwin trong “sư lựa chọn của thiên nhiên” (Natural Selection)! Vì sự tiến hóa đó, mà con người phải chạy theo để tìm ra thuốc mới mạnh hơn và hiệu quả hơn. Thế kỷ này mà nghe nói đến dùng Penicilline hay Sulfamide (kháng sinh) để trị bệnh nhiềm trùng thì thật là cổ lỗ sĩ!
Nhưng có thật có thuyết tiến hóa để sinh tồn với vi trùng không? Thực tế, không hẳn như thế. Vi trùng có khuynh hướng tiết ra chất “penicilinase” để tiêu diệt “peniciline”. Vì con người dùng “Peniciline” tràn ngập, cho nên vi trùng cũng biến thái (mutation) tiết ra chất “penicilinase” tràn ngập để chống lại. Điều này làm cho vi trùng có khả năng biến thành “trơ” trước “peniciline” mà thôi.
Thuyết tiến hóa ngẫu nhiên để sinh tồn, do vậy, bị loại bỏ ở trường hợp này. Ngoài ra, thuyết tiến hóa cũng không giải thích được hiện tượng có nhiều chủng loại vi khuẩn mới với những “genetic information” mới, hoàn toàn không có liên hệ gì với các chủng loại cũ mà người ta đã khám phá thấy được.
Điều nực cười và đơn giản nhất mà người ta ít chú ý đến là đa số những mẫu vật mà Darwin thu thập được đều ở vùng Phi Châu và một số nước Á Châu, không thấy nhiều ở Châu Âu (Bắc Âu, Đông Âu), Bắc Mỹ và nhiều miền khác. Như vậy, thì sự tiến hóa của các sinh vật và động vật gồm loài người và các loại thú ở các miền khác ra sao?
Có theo đúng quy luật của sự “tự nhiên chọn lựa” của Darwin không?

  1. Thuyết Tiến Hóa và sự Thoái Hóa.


Khi nói đến sự Tiến Hóa của các sinh vật, Darwin không chứng minh được sự tiến hóa của Thực Vật!  Darwin không thể nói được cây ổi, cây xoài…tiến hóa từ tế bào nào? Tại sao có trái chôm chôm? Thuở trời đất hồng hoang ấy, đã có những tế bào nguyên thủy của các cây cối hiện tại chưa? Điều thấy rõ là, cũng như các sinh vật, động vật, cây cối càng ngày càng nhỏ đi, yếu hơn xưa nhiều, có nghĩa là đang “thoái hóa” dần, mà không “tiến hóa”. Các cây ngày xưa có thể có cả ngàn tuổi và to đùng; ngày nay, kiếm một cây vài trăm tuổi rất hiếm. Thực vật ngày xửa ngày xưa chịu đựng sương nắng, gió, cát, bão bùng dai dẳng hơn bây giờ còn cây bây giờ trốc gốc rất nhanh trước các cơn gió bão. Các giống lúa và cây thực phẩm ngày nay, nếu không có bàn tay con người biến đổi “gene” thì dần dần èo uột và triệt tiêu. Sinh vật và động vật cũng thế, ngày xửa ngày xưa, con nào con nấy to lớn khủng khiếp, sao bây giờ lại nhỏ con đi? Giả sử mà lý thuyết tiến hóa để sinh tồn của Darwin mà đúng, có lẽ bây giờ con voi phải to hơn cái bin-đinh 10 tầng chứ, vì càng ngày trái đất càng chật hẹp, thức ăn, thực phẩm càng ngày càng hiếm, sự cạnh tranh gay gắt càng ngày càng phức tạp hơn, như vậy, động vật và sinh vật đều phải phát triển to hơn, mạnh hơn, dài hơn để tranh ăn.. Nhưng, rất tiếc, thực tế đã chứng minh hoàn toàn ngược lại, con gì, cái gì bây giờ cũng nhỏ hơn tổ tiên của chúng. Điều quan trọng nữa để đánh gục thuyết Tiến Hóa và Chọn Lựa Tự Nhiên của Darwin là sự thoái hóa và lão hóa, sau cùng là cái Chết! Nếu đã khẳng định là mọi loài (all species) phải tiến hóa để sống còn, sao sự phát triển của mọi loài chỉ tới một giới hạn là đứng lại, lão hóa, và chết? Quy luật nào đã hãm sự tiến hóa lại? Con rùa sống dai nhất cũng chỉ trên dưới 100 năm. Con người sống lâu nhất là hơn 110 tuổi. Và cứ đúng đến tuổi 50,60, lập tức mọi cơ phận của con người bắt đầu đi ngược lại chu trình tiến hóa, trở thành lão hóa, và cuối cuộc đời là cái quan tài dưới hai thước đất (bây giờ thì hỏa thiêu, nghĩa là không còn “gần đất, xa trời” nữa). Tại sao vậy? Thuyết Tiến Hóa cũng bị bế tắc khi cho rằng mọi sinh vật phải tự chọn lọc và biến đổi cuộc sống của mình cho thích hợp với môi trường chung quanh hầu tồn tại, nhưng lại không thể dẫn giải sự việc con cá hồi cứ đâm đầu từ biển vào sông, leo ngược qua bao nhiêu thác đứng, nhẩy ngược qua bao tảng đá chặn đường mà không tìm hiểu chiều cao của thác, của đá tương xứng với thân hình nhỏ bé của mình là bao nhiêu, để rồi chết bờ, chết bụi khi nhẩy hụt, hay khi đập đầu vào đá…chưa kể bị mấy chú gấu đứng chặn đầu thác, thong dong chộp lấy cho vào miệng! Mùi vị gì đã dẫn dắt đàn cá hồi đi trở về nguyên quán như thế? Tiếng gọi nào réo trong tim cá, buộc cá tìm cái chết như thế? Trường hợp này, nếu đem thuyết Tiến Hóa mà áp dụng thì thật là vụng về và ngớ ngẩn.
Điều quan trọng cuối cùng là ngay trong quan niệm về Tiến Hóa và Luật chọn lọc tự nhiên để sinh tồn đã khẳng định rằng có Thượng Đế, có Thiên Chúa. Khi nói rằng muôn loài đều tiến hóa, có nghĩa là con cá ở Bắc Cực, con chim cánh cụt ở Nam Cực, con chuột ở châu Á, hay con đại bàng ở Mỹ Châu cũng đều phải theo cái quy trình ấy. Vậy thì khi đã có một quy trình chung cho muôn loài, thì tất nhiên, phải hiểu là có một “luật” ràng buộc muôn loài ở trên khắp mặt địa cầu phải tiến hóa trong cùng một cường độ, tốc độ, và cùng một tần số, và nếu đã là “luật” thì phải có một sức mạnh (power), một đối tượng (object) tạo ra cái luật ấy và cai quản cái luật ấy. Sức Mạnh hay Đối Tượng ấy là Ai? Dĩ nhiên, để có thể điều khiển muôn loài theo quy trình tiến hóa, Sức Mạnh ấy phải ở Trên và Bao Trùm muôn vật, và phải là Toàn Năng (Omnipotence), Toàn Diện, ở khắp mọi nơi (Omnipresence), và Toàn Trí (Omniscience) thì mới có thể điều khiển muôn loài tiến hóa chung với nhau, không để chỉ mình con khỉ tiến lên nhưng lại để con voi đi lùi, không để con chó săn cừu ở Trung Đông mọc lông dầy trong khi bỏ mặc con ngựa ở vùng Siberia lông mỏng sinh sống trong cùng một thời tiết lạnh…
Như thế, với các khám phá về khoa học hiện đại, thuyết Tiến Hóa đã thật sự trở thành lỗi thời, lạc hậu. Và, nếu không chấp nhận Thuyết Sáng Tạo, người ta không có khả năng chứng minh sự hiện hữu của muôn loài, sự thiết kế thông minh trong từng hơi thở, từng tế bào của con người hay của các vi sinh vật, kể cả vi trùng và vi khuẩn.
Để tìm hiểu về Thuyêt Sáng Tạo, những người thực tâm muốn biết nguyên lý của các sinh hoạt của vũ trụ, chỉ cần cầm lấy một chiếc lá nhỏ bé trong tay, với một tâm hồn cầu tiến thật trong sáng, vô vụ lợi, không dục vọng, không ham danh hám lợi, mà suy nghĩ về sự hình thành của chiếc là từ khi còn là một nụ non, rồi lắng nghe nhịp chẩy của dòng nhựa trong chiếc lá, suy nghĩ về sự phân phối khí Oxy đến từng tế bào trong lá, thì sẽ thấy ngay BÓNG DÁNG CỦA MỘT ĐẤNG TOÀN NĂNG, Đấng đã sáng tạo ra chiếc lá nhỏ bé đó cũng như cả vũ trụ mênh mông này.
Thật vậy, trí óc của con người đang tập trung mọi nỗ lực hầu mong vươn tới những nơi cao hơn, xa hơn, khó khăn hơn, mù mịt hơn…để tìm gặp Đấng Toàn Năng ấy, Đấng mà con người đặt tên là Thiên Chúa, hay là Thượng Đế (Vua ở trên cao), hay Ông Trời.  Dĩ nhiên, con đường ấy sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, vì có những điều khó chứng minh bằng khoa học thực nghiệm, tuy nhiên, nếu hiểu rằng có những sự kiện vật chất mà chúng ta không thể cân, đo, đong, đếm trên bàn cân được, nhưng vẫn hiện diện trong đời sống, như ý nghĩ, hơi thở, không khí, gió.. Người ta không thể mang ý nghĩ lên bàn cân, nhưng ý nghĩ vẫn tràn ngập trong trí não. Người ta cũng không thể đưa hơi thở và không khí cũng như gió lên màn ảnh để xem chúng nó hình thù như thế nào, nhưng không có chúng, thì đời sống không có thực. Trên hết, là người ta không thể mang linh hồn ra mà chụp hình, nhưng nhất định có linh hồn, vì nếu không có linh hồn thì cái điều gì đã mất đi khi một con người nằm xuống, bất động, và chết? Tại sao khi một phút trước, cái xác thân đó cử động, suy nghĩ, và làm việc mà chỉ một phút sau, đã trở thành một đống thịt ghê sợ?
Có một ẩn số X đã mất đi khi người ta chết.
Người sống – (ẩn số X) = Người Chết!
Nói khác đi,
Người Sống – Người Chết = ẩn số X
Có phải ẩn số X là linh hồn không? Và, nếu tin là con người có linh hồn, thì phải tin có Thượng Đế, có Ông Trời, có Thiên Chúa.
Đó là con đường tìm hiểu của các nhà khoa học chân chính. Mặc cho các lời phỉ báng đến từ các kẻ vô thần, mặc cho chính các người tin vào sự hiện hữu của Linh Hồn và Thiên Chúa đã làm muôn vàn tội lỗi khiến cho bóng dáng của Thiên Chúa mờ đi trước nhân loại, nhưng Thiên Chúa vẫn hiện diện, vô thủy vô chung, đời đời kiếp kiếp với tình thương bao la bảo bọc cho Con Người sống yêu thương nhau mãi mãi.
Chu Tất Tiến.