Đi Đâu? Về Đâu?

Bài của Jan Ross. Die Zeit, ngày 14.09.2017. Phạm Hồng-Lam dịch.

Thảm Kịch Người Rohingya Ở Miến-điện

gười Rohingya hồi giáo là những đứa con mồ côi của chủ nghĩa đế quốc. Việc họ bị đuổi cách tàn bạo ra khỏi Miến-điện là một hậu quả trễ nãi của chính sách thực dân của Anh. Bài của Jan Ross. Die Zeit, ngày 14.09.2017. Phạm Hồng-Lam dịch.

Từ cuối tháng 8, hơn 300 ngàn (nay đã lên tới khoảng 400 ngàn. Người dịch) người Rohingya, một sắc dân hồi giáo thiểu số ở Miến-điện, đã rời nước này chạy sang lánh nạn ở quốc gia lân cận Bangladesh. Họ chạy trốn vì sợ những đàn áp của quân đội và công an Miến trước một loạt hành vi bạo động của du kích quân Rohingya. Những người tị nạn kể về chuyện người Miến giết hại, cưỡng hiếp, tra tấn và thiêu huỷ có chính sách toàn bộ nhà cửa và làng mạc của họ.
Việc xua đuổi người Rohingya quả khủng khiếp nhưng đồng thời cũng thật khó hiểu. Số phận của họ không những đánh động công luận thế giới, mà còn tạo nên những phản ứng chính trị dữ dội nơi thế giới hồi giáo. Tổng thống Thổ-nhĩ-kì Erdogan nói tới một cuộc „diệt chủng“, Mã-lai và Pakistan chống đối về mặt ngoại giao, từ Nigeria cho tới Indonesia người dân bày tỏ sự giận dữ của họ trên mạng truyền thông hoặc hô hào quyên góp đồ cứu trợ cho những người bị nạn.
Chuyện thật khó hiểu. Tại sao quân đội và cảnh sát Miến đã không muốn kiểm soát và trị an những vùng đất có người Rohingya, có thể bằng những biện pháp tàn bạo, mà xem ra lại chủ trương đốt sạch đuổi sạch giống dân này ra khỏi nước? Tại sao bà Aung San Suu Kyi, người lãnh giải Nobel hoà bình năm 1991, một người hàng chục năm dài chống lại chế độ đen tối của các tướng lãnh và đấu tranh cho dân chủ và giờ là nhân vật lãnh đạo Miến, nay lại im lặng trước những bạo hành và vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với người Rohingya này? Phải chăng Rohingya là thứ dân „vô tổ quốc“?
Muốn có câu trả lời, phải tìm hiểu lịch sử – lịch sử của giai đoạn thực dân ở châu Á trong thế kỉ 19. và đầu thế kỉ 20. Dân Rohingya là những đứa con mồ côi cuối cùng của chủ nghĩa đế quốc. Về mặt lịch sử, họ là thành phần phiêu bạt còn sót lại của thời kì trước khi các quốc gia hình thành, khi các biên giới chưa định hình và các sắc dân trong các đại đế quốc đang sống trà trộn với nhau. Đó là thời kì ban đầu của di dân, toàn cầu hoá và chủ nghĩa đa văn hoá. Về sau, trong một thế giới sặc mùi quốc gia chủ nghĩa với những mâu thuẫn gấu ó giữa các cộng đồng tôn giáo, thiểu số này dần trở thành một thứ vật lạ trong xã hội của sắc dân đa số.
Ngày nay chính quyền miến cả quyết rằng, Rohingya là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Còn phía Rohingya thì lại bảo, họ đã sống nhiều đời, nếu không nói là từ thủa nguyên sơ, trên đất nước này. Quả thật, có thể nhiều tổ tiên của họ đã tới Miến trong thế kỉ 19. Lúc đó chưa có các quốc gia mang tên trên bản đồ hiện nay. Bangladesh lúc đó là một phần thuộc đế quốc thực dân Anh ở Ấn-độ, phần đất này được cai trị do chính quyền ở Kolkata. Nước gọi là Miến-điện (Myanmar) ngày nay lúc đó có tên là Vương Quốc Burma.
Từ năm 1824 tới 1826 Anh đã tiến chiếm được một phần đất phía tây của Vương Quốc Burma dọc theo bờ biển – phần mà nay có tên là Rakhine và là nơi sinh cư của Rohingya. Sau đó dần dần trong nhiều chục năm, Anh đã thu tóm toàn bộ Vương Quốc Burma và nhập nó vào trong vùng thực dân của mình ở Ấn. Vấn đề Rohingya nẩy sinh chủ yếu do hệ quả của những đổi thay to lớn về kinh tế, xã hội và dân số. Theo chân những ông chủ thực dân mới, các „thợ khách“ đủ loại từ Ấn vào làm ăn ở Miến: các nhà tài chánh và thương mại nắm vai trò chủ động nền kinh tế của Miến; công chức và tư chức nắm giữ nhiều vị trí trong bộ máy hành chính; các nông dân sang lấp đầy nhu cầu cho những đồng ruộng do người Anh ồ ạt khai phá để xuất cảng gạo.
Nhiều vùng đất trong tỉnh mà nay gọi là Rakhine được người Anh cho các địa chủ hồi giáo từ Bangladesh thuê; các ông chủ này lại cho các tá điền hồi giáo mướn tiếp. Một phần lớn người Rohingya hiện nay có thể là dân lao động nhập cư trong thời này. Ngày nay, nếu bảo họ là „dân nhập cư“ thì quả là hai lần sai. Thứ nhất việc „nhập cư“ đã xẩy ra rất lâu rồi. Thứ hai, họ không phải là người từ một quốc gia này tới một quốc gia khác, mà đúng ra họ di chuyển từ tỉnh này sang một tỉnh khác trong cùng một quốc gia.
Trong thế kỉ thứ 20 việc di dân trong đế quốc Ấn (thuộc Anh) dần trở thành một điểm kết tinh tinh thần quốc gia cực đoan nơi người Miến: họ đổ cho Rohingya tội làm vẫn đục bản sắc dân tộc của họ. Họ mơ ước về một quốc gia dân tộc miến thuần chủng và đoàn kết trong một tôn giáo duy nhất: Phật Giáo. Một tài liệu đả kích năm 1938 nói lên sự bực tức, vì  từ hàng quán giày dép cho tới toà án đâu đâu cũng chỉ thấy toàn là „dân lạ“. Ngay năm 1930 ở Rangun (Yangon) xẩy ra cuộc đụng độ giữa công nhân bến tàu người Ấn và người Miến, nghe đâu có nhiều trăm người chết. Trong thế chiến thứ hai (Miến phải chiến đấu giữa hai phía người Anh và người Nhật) người ta đã lợi dụng những tranh chấp hận thù ngày càng tăng giữa các sắc tộc, để tập kích cướp phá lẫn nhau và đánh đuổi cư dân.
Người Rohingya trong vùng Rakhine không phải là không có lỗi trong việc làm ô nhiễm không khí chính trị. Cuối thập niên 1940, khi Anh phải bỏ thuộc địa, người Rohingya đã từ chối gia nhập vào một Miến-điện độc lập, mà trái lại muốn kết nhập vào quốc gia mới thành hình là Bangladesh. Khi kế hoạch không thành, họ mở ra một cuộc chiến tranh du kích đậm màu hồi giáo chống lại chính quyền trung ương. Những vụ tấn kích đồn cảnh sát hiện nay của các tay súng Rohingya đã khiến quân đội và cảnh sát Miến mở ra những đợt càn quét bạo hành đối với dân Rohingya. Và chính quyền miến coi những vụ tấn công kia là sự tiếp nối của một lịch sử cũ của đám người vô tổ quốc và phản bội.
Dù vậy, rõ ràng kẻ mang trách nhiệm chính trong tai ương hiện tại là chính quyền và xã hội đa số. Cái tư duy loại trừ người ngoài để mình trở nên một dân tộc thuần chủng tại Miến có ảnh hưởng mạnh về mặt chính trị. Nó là một thứ phản ứng bệnh hoạn chống lại sự đa nguyên do người ngoài áp đặt trong thời thực dân.
Trong thập niên 1960 tướng độc tài Ne Win ra lệnh trục xuất hầu hết thành phần trung lưu người Ấn ở trong các thành thị. Năm 1982 chính quyền ra một đạo luật phân biệt đối xử về quốc tịch. Đạo luật này cho phép cấp quốc tịch trọn vẹn cho những sắc dân nào đã có mặt ở Miến trước năm 1824, nghĩa là trước khi Anh đặt nền thuộc địa. Trên nguyên tắc người Rohingya cũng có thể được cấp một thứ quốc tịch cấp thấp, nhưng thực tế họ đã bị ngăn chận bởi các điều khoản gây khó dễ. Thành ra họ là dân vô tổ quốc.
Sự trà trộn sắc tộc thời thuộc địa và nỗi sợ bệnh hoạn đối với người ngoại quốc nẩy sinh từ đó là hậu trường của những cuộc truy quét quân sự tàn bạo hiện nay ở Miến. Có nhiều dấu chỉ cho thấy, quân miến quả thật không những không muốn kiểm soát dân Rohingya của mình, mà còn muốn tống họ ra khỏi nước. Và đấy có lẽ là lí do im lặng và thái độ tòng phạm của bà Aung San Suu Kyi: Có thể trong tận thâm tâm Bà cũng chia sẻ tâm tình quốc gia chủ nghĩa sặc mùi thù hận này hoặc là Bà cũng có í muốn chống lại, nhưng không đủ can đảm nói ra. (Ngày 19 tháng 9 vừa rồi Bà đã lên tiếng kết án bạo lực trong những ngày qua, dù lời lẽ còn rào đón. Người dịch).