Nước Đức Trong Cơn Sốt Bầu Cử

Phạm Hồng-Lam

Nước Đức Trong Cơn Sốt Bầu Cử


Ngày 24 tháng 9 tới đây dân Đức bầu đại biểu quốc hội, để chọn 598 vị đại diện cho mình. Nước Đức theo quốc hội chế, nên Quốc Hội và vị Thủ Tướng được bầu từ Quốc Hội nắm vai trò chính, khác với chế độ tổng thống chế như ở bên Pháp. Và họ cũng chọn lối bầu kết hợp vừa đa số vừa theo tỉ lệ, chứ không chỉ có một lối đa số như ở Hoa-kì hay Anh.
Bầu cử theo lối tỉ lệ là một cách chọn người phức tạp và đòi hỏi trình độ dân trí cao. Sở dĩ chọn lối bầu phức tạp này, vì họ muốn làm sao để được công bằng và tối đa hoá cơ hội thắng cử cho mọi đảng lớn nhỏ tranh cử.
Mỗi cử tri hôm đó nhận được hai lá phiếu, một phiếu bầu trực tiếp ứng viên dân biểu trong đơn vị bầu cử của mình và một phiếu bầu cho chính đảng nào mình ưa. Cử tri chỉ việc đánh dấu vào tên ứng viên nào mình muốn (Phiếu I) và đánh dấu vào tên đảng nào mình thích (Phiếu II). Như vậy sẽ có 299 ứng viên được bầu trực tiếp với đa số tương đối từ 299 đơn vị bầu cử. Số phiếu bầu cho đảng (Phiếu II) sẽ là căn cứ để phân chia số 299 dân biểu (gián tiếp) còn lại, được chọn theo thứ tự từ các bảng ứng viên do các đảng tranh cử trong mỗi tiểu bang đưa ra trước đó. Lá Phiếu II là cách để cho Quốc Hội có được sự hiện diện của nhiều chuyên viên trong mọi lãnh vực.
Trên nguyên tắc, tổng số dân biểu là 598 người. Nhưng vì hệ quả của lối tính tỉ lệ, thực tế con số này luôn luôn cao hơn khoảng trên dưới một chục người. Và chỉ có những đảng nào có số Phiếu II từ 5% tổng số phiếu trở lên hoặc đã có ít nhất một dân biểu được bầu trực tiếp thì mới được chia ghế, bẳng không thì bị loại. Biện pháp 5% này là để Quốc Hội không bị quá manh mún. Lá Phiếu II cũng là cơ hội để các cử tri thực hiện sự hình thành liên minh nắm quyền theo tính toán của mình. Nếu cảm thấy đảng mình chọn có thể nắm quyền một mình thì dồn cả hai Phiếu (I và II) cho đảng đó. Bằng không, họ bỏ Phiếu II cho một đảng khác mà mình muốn ghép liên minh với đảng chính. Như đã nói, hệ thống bầu cử của Đức đòi hỏi trí tuệ và í thức cao của người dân.
Theo thăm dò hiện tại CDU/CSU (CDU: Liên Minh Dân Chủ Ki-tô Giáo; từ „Liên Minh“ ở đây có nghĩa là liên minh giữa Công Giáo và Tin Lành. Tiền thân của CDU là Đảng Zentrum của người công giáo; sau thế chiến thứ hai, Konrad Adenauer đã dẹp nó và lập ra CDU chung cho cả người tin lành và công giáo. CSU: Liên Minh Xã Hội Ki-tô Giáo, một đảng chị em với CDU, chỉ hiện hiện ở bang Bayern mà thôi) sẽ đạt 36%, SPD (Dân Chủ Xã Hội) 23%, FDP (Dân Chủ Tự Do) 9%, Linke (Đảng Tả) 9%, AfD (Chọn Lựa Khác Cho Nước Đức) 11% và Grüne (Xanh) 8%. CDU/CSU muốn liên minh với FDP hoặc với Đảng Xanh. Nếu FDP hoặc Đảng Xanh không đủ tỉ lệ phiếu để có thể cùng với CDU/CSU nắm quyền, thì hoặc là SPD lại phải tiếp tục liên minh nắm quyền với CDU/CSU hoặc là sẽ có liên minh tay ba giữa CDU/CSU với FDP và Xanh. Nhưng FDP và Xanh hiện là hai thái cực, không biết rồi ra họ có chịu sống chung với nhau không. Bằng không thì phải bầu lại. CDU/CSU không chấp nhận ngồi chung với Linke (cộng sản cũ) và AfD (cực hữu).
Vì khả năng thắng của bà đương kim Thủ Tướng Merkel (CDU/CSU) đã rõ, nên cuộc vận động tranh cử năm nay kém hào hứng. Liên minh hai đảng lớn CDU/CSU và SPD đang đưa nước Đức vào một thời kì tốt đẹp: thất nghiệp giảm, kinh tế lên, xã hội ổn định, tiền thuế thu vào dư đầy. Do đó, chẳng ai có thể vẽ ra một viễn kiến tương lai đẹp hơn, để tranh đua. Thiếu đề tài nóng. Khi đã no, ít ai muốn phiêu lưu. Báo chí vì thế phàn nàn về một „mùa vận động bầu cử buồn chán“.
Luật ở Đức không cho phép vận động qua điện thoại. Tới từng nhà vận động cũng không phổ biến. Năm nay, các chính đảng bắt đầu dồn nỗ lực vào việc vận động qua mạng truyền thông. Dù thế, quảng cáo công cộng trước sau vẫn là phương cách thông dụng nhất. Kì này CDU bỏ ra 24 triệu âu-kim và SPD 20 triệu cho việc phổ biến các bích chương quảng cáo công cộng.
Cứ mỗi lần bầu cử, tôi lại có cái thú quan sát tìm hiểu các tấm quảng cáo nhan nhản nơi mọi ngã đường. Nội dung của chúng giúp ta bắt mạch được tâm tư của một dân tộc trong một thời điểm.
Hãy xem thí dụ của hai đảng lớn: CDU với bà Merkel và SPD với ứng viên thủ tướng Martin Schulz, nguyên Chủ Tịch Quốc Hội Liên Minh Âu Châu.
Khẩu hiệu nền của CDU kì này: „Cho một nước Đức, trong đó chúng ta muốn sống và sống thoải mái“. Một câu đơn giản, nhưng hiệu quả tâm lí thì rất cao. Mà câu này cũng tốn bộn tiền. Nó là sản phẩm đắt giá của một nhà tư vấn quảng cáo người thuỵ-sĩ thành công nhất hiện nay ở Đức. Nó gợi cho người đọc hiểu rằng: Mọi sự đều tốt đẹp, cứ an tâm mà tiến. Còn gì hơn được sống trong một đất nước mà mình muốn sống và được sống thoải mái! Nghe ra như như câu vàng ngọc của một tay nào đó bên nước Cộng Hoà Xã Hội Việt Nam: „Chưa có bao giờ đất nước được như hôm nay“ hoặc „Mình có thế nào…“ thì mới được như thế chứ!! Tấm quảng cáo đồng thời đẩy trọng tâm vào nhân vật Merkel, một nhân vật hiện có chỉ số tin tưởng cao nhất tại Đức, trẻ trung (63), tươi cười đầy lạc quan. Và hậu cảnh là thấp thoáng màu lá cờ nước Đức gợi lên sự hãnh diện về đất nước (thời buổi dân tuý mà!). Chỉ thấp thoáng thôi, vì nếu màu cờ quá nhiều, nó có cơ nguy dấy lên tinh thần dân tộc, một điều cấm kị tại đất nước này.


 Khẩu hiệu của SPD là „Thời điểm để gia tăng công bằng“, nghĩa là tập trung vào mặt kiến tạo công bình xã hội. Trong lúc CDU nói tới sự thịnh vượng, thì SPD nói tới làm sao phân phối đồng đều sự thịnh vượng đó. Đòi hỏi công bình xã hội dĩ nhiên chẳng bao giờ lỗi thời, nhưng nghe ra trừu tượng và thiếu sức bật. Câu trên xuất hiện trên mọi mô-típ quảng cáo của đảng, nhưng lại được viết nhỏ để làm hậu cảnh cho những nội dung cụ thể hơn khác. Tâm điểm của tấm quảng cáo này là hình ảnh một Martin Schulz, (61) rất tự nhiên, dễ mến, không nói mà đang muốn lắng nghe, bên cạnh khẩu hiệu lớn: „Tương lai cần những sáng kiến mới. Và cần một người thực hiện những sáng kiến đó.“ Có lẽ vì biết khẩu hiệu công bình ít sức bật, SPD đổ dồn vào yếu tố nhân vật Schulz, một con người xuất thân từ giai tầng bình dân, không có tới bằng tú tài, nhưng lại tự thân nỗ lực để đạt tới đỉnh thành công, thông thạo nhiều ngoại ngữ, làm tới chức tỉnh trưởng, dân biểu rồi Chủ Tịch Quốc Hội Liên Âu; một tín hữu công giáo bình dị, nhưng lại có quan điểm rất cấp tiến: chấp nhận hôn nhân cho mọi loại người, bất luận nam nữ. Có thể những cái cấp tiến như thế này, tuy được lòng những thành phần trè và xa lạ với tôn giáo, sẽ khiến ông sẽ mất phiếu nơi các thành phần lớn tuổi và những người còn gắn bó với tôn giáo. Mẹ ông lại là người suốt đời chỉ bầu cho CDU!