TRUNG QUỐC NHẬN TIN XẤU KHI TRUMP - KIM KHÔNG ĐẠT ĐƯỢC THOẢ THUẬN


TRUNG QUỐC NHẬN TIN XẤU KHI TRUMP - KIM KHÔNG ĐẠT ĐƯỢC THOẢ THUẬN TỪ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH

Tổng thống Donald Trump đã dứt khoát khép lại cuộc nói chuyện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sau khi ông Kim không thể đưa ra bất kỳ cam kết nào có thể kiểm chứng được về vấn đề phi hạt nhân hóa để đổi lại việc Mỹ quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Một kết thúc khiến người ta nản lòng ở một hội nghị thượng đỉnh thu hút sự chú ý toàn cầu, đặc biệt là khi nó bắt đầu với nhiều thiện chí được thể hiện từ cả hai bên.


Tuy nhiên, không đạt được thoả thuận không phải là sự thất bại khi ông Trump ít nhất đã đạt được một trong những mục tiêu của mình - đó là giữ ổn định khu vực với việc không có các thử nghiệm hạt nhân. Mặt khác, không có thỏa thuận nào cũng là một thành công bởi nó có nghĩa là Mỹ đã không thỏa hiệp, không tuỳ tiện dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và không viện trợ tiền khi đàm phán với chế độ cộng sản. Việc ông Trump không để mình bị lừa gạt, bỡn cợt bởi chế độ cộng sản là một thành công lớn. Cả ông Trump lẫn ông Pompeo đã không đột ngột phá vỡ kết nối với Triều Tiên và vẫn thể hiện sự thiện chí cho các cuộc đàm phán thêm trong tương lai.

Không thỏa thuận có nghĩa là ông Kim Jong Un đã từ chối một cơ hội tuyệt vời để biến đổi đất nước của mình thành một xã hội mở. Chính quyền Trump thậm chí còn dụng ý sắp xếp cơ hội cho ông Kim thấy được sự thành công kinh tế ở Singapore và Việt Nam. Ông Kim đã tận hưởng màn ngoại giao "vinh quang" tại hội nghị thượng đỉnh mà bộ máy tuyên truyền nhà nước của ông sẽ dành những lời ca ngợi bất tận và mang đến những hy vọng lớn. Nhưng, bây giờ ông Kim phải đối diện với nhiều áp lực hơn từ chính những người đồng hội đồng thuyền với mình vì chuyến đi đã không mang lại kết quả nào.

Những cột trụ chính mà ông Kim dùng để chống đỡ chế độ của mình là vũ khí hạt nhân và tuyên truyền chống Mỹ. Và hiện tại, cả hai cột trụ đều bị tê liệt khi nhà lãnh đạo Triều Tiên đương đại không thể phát triển vũ khí hạt nhân hoặc tiếp tục thử nghiệm hạt nhân hơn nữa vì chính ông đã hứa trước truyền thông toàn cầu rằng sẽ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Và nhà lãnh đạo này có lẽ cũng không thể tấn công Mỹ mạnh mẽ qua bộ máy tuyên truyền của mình vì cuộc đối thoại liên tục với ông Pompeo và Trump sẽ giữ Triều Tiên ở bàn đàm phán. Những gì mà ông Kim có thể làm là đổ lỗi cho Mỹ đã bắt nạt Triều Tiên. Và ông Kim cần phải lo lắng liệu Mỹ có lại tiếp tục các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc hay không.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có lẽ đang cảm thấy lo lắng ở thời điểm này. Khi hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim không mang lại bất kỳ tiến triển nào hơn nữa nữa về phi hạt nhân hóa bán đảo Triểu Tiên, những nỗ lực hòa bình của ông Moon vào năm ngoái trước vấn đề Triều Tiên dường như rất nhạt nhoà. Tổng thống Moon Jae-in có thể sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích hơn vì phiên bản chính sách của "Ánh Dương" với Kim Jong Un.

Một nhân vật khác không thể ăn ngon ngủ yên là ông Tập Cận Bình. Trong cuộc họp báo ở Hà Nội, ông Trump đã chỉ rõ rằng Trung Quốc cung ứng đến 93% lượng hàng hóa cho Triều Tiên. Đây là lời chỉ trích gián tiếp dành cho Trung Quốc về việc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Điều này sẽ trở thành một lợi điểm mặc cả khác cho Mỹ tại bàn đàm phán trong hội đàm thương mại Mỹ - Trung.

Chính quyền Trump đã không hài lòng trước việc Trung Quốc liên tục hỗ trợ chính quyền Maduro ở Venezuela. Cả Chavez và Maduro đều là những học trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Maduro đang kế thừa các các thủ đoạn mà ĐCSTQ đã sử dụng để vu khống sinh viên Trung Quốc trong phong trào dân chủ năm 1989, khi đó ĐCSTQ đã đốt các xe tải quân sự và đổ lỗi cho các sinh viên làm việc đó. Và hiện tại, Maduro đang đổ lỗi cho Mỹ vì đã đốt các xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo hôm 23/2.

Việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều không có kết quả cùng với sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chính quyền Maduro sẽ khiến chính quyền Trump thấy rõ rằng việc đối phó với các chế độ xã hội chủ nghĩa hay cộng sản không bao giờ là một quá trình trơn tru vì các nhà lãnh đạo các nước này không quan tâm đến cuộc sống của người dân và tương lai của đất nước.

Rời Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận không phải là kết quả mà chính quyền Trump hài lòng và nhiều nhà phê bình nói rằng ông Trump đã mất một chiến thắng rất cần thiết. Tuy nhiên, bất cứ điều gì mà ông Trump đã bỏ lỡ ở Hà Nội, ông sẽ đưa nó ra các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Vì vậy, không có thỏa thuận nào từ hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim thực sự là tin xấu đối với Trung Quốc. Việc không ký kết một thỏa thuận tồi thể hiện bản chất của Trump là một doanh nhân sắc sảo và ý chí mạnh mẽ để tuân thủ các nguyên tắc. Ông Tập Cận Bình sẽ phải lo lắng: Liệu Trump cũng sẽ rời cuộc đàm phán với mình khi mình gặp lại Trump ở Mar-a-Lago?

Tác giả: Tiến sĩ Xiaoxu Sean Lin, cựu sĩ quan quân đội Hoa Kỳ có chuyên môn về các bệnh truyền nhiễm, giám sát và y tế công cộng toàn cầu. Ông là người đồng sáng lập và cựu phó chủ tịch điều hành của Sound of Hope Radio Network, đồng thời tổ chức các chương trình trò chuyện về các vấn đề thời sự Trung Quốc trên NTDTV ( New Tang Dynasty Television, đài truyền hình Hoa ngữ độc lập lớn nhất bên ngoài Trung Quốc). Hiện tại, ông là người sáng lập và tổng giám đốc của đài phát thanh WQER-LP. Ông cũng là nhà phân tích tin tức và bình luận viên thường xuyên cho Sound of Hope Radio Network, tập trung vào sức khỏe cộng đồng toàn cầu, an ninh quốc gia và quan hệ đối ngoại liên quan đến các vấn đề châu Á.

Biên dịch từ The Epoch Times bởi Fanpage VDKN.