«Tôi là Charlie»: Một lỗi lầm đạo đức và chính trị


athena01

«Tôi là Charlie»: Một lỗi lầm đạo đức và chính trị
(« Je suis Charlie »: une faute éthique et politique)
Blog LaCroix
POSTÉ PAR THIBAUD COLLIN LE 14 JANVIER 2015

Xế trưa Chúa nhật, cũng như nhiều đồng hương khác, tôi đã đi tuần hành. Những biến cố tuần qua là cơ hội để ý thức lại rằng, cho dù tất cả những gì chia cách chúng ta, muốn hay không muốn, chúng ta đều làm thành một cơ chế chính trị. Đối với tôi, đi tuần hành như thế là một cách để tỏ bày sự biểu đồng tình của tôi về mối liên hệ thâm sâu hơn là tất cả những gì đang chia rẽ chúng ta. Trước tầm quan trọng của sự kiện xảy ra, chúng ta không thể nêu lên những nguy cơ bị xếp loại thế nầy hay thế khác theo lối đánh giá hời hợt thông thường hoặc nêu lên những lo âu sợ bị các ý đồ chính trị lợi dụng. Có những thời khắc hòa hoản như thế, chúng ta nên hưởng nhận. Nhưng, thắn mắc về ý nghĩa cuộc tuần hành đó còn nguyên ; nó không kém phần quan trọng như chính cuộc tuần hành. Chính xác hơn, cần phải đặt lại vấn đề. Đã đến lúc đất nước chúng ta cần tranh luận và kiểm điểm lương tâm.

Sự thành công ấn tượng của biểu ngữ «tôi là Charlie» nhắc chúng ta ý thức rằng chúng ta đang gặp  khủng hoảng. Mong rằng biểu ngữ «tôi là Charlie» đó đừng làm cho cuộc khủng hoảng thêm gia trọng,vì, theo tôi, một biểu ngũ như thế nó bị vướng mắc phải hai sai lầm về nhận thức và đánh giá, trên bình diện  đạo đức cũng như chính trị. Đề cao biểu ngữ nầy, cho dù vì bị thôi thúc bởi một xung đông nhất thời mà ta có thể giải thích được, nhưng việc đó có nghĩa là nhiều công dân nước Pháp, có người còn cho rằng chính nước Pháp, tự đồng hoá mình với một tuần san mà sinh hoạt chính nhằm châm biếm mọi thứ liên quan xa gần đến quyền bính hiện hữu. Luận cứ đưa ra để biện minh cho việc đồng hoá đó được hiểu rằng những tên sát nhân khi «giết Charlie» có nghĩa là đã tấn công chống sự tự do ngôn luận, vốn là một giá trị nền tảng của nền Cộng Hoà chúng ta. Do hoán dụ, Charlie trở thành chính nước Pháp. Một lối lý luận như thế giả định trước rằng cách thức mà Tuần San Charlie đã từng sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình nay trở thành hiện thân của nền văn hoá quốc gia của chúng ta.
Rập khuôn tinh thần 68, tờ báo đó không ngừng vận dụng giấy bút để chế giễu và mạ lị các tín ngưỡng tôn giáo, châm biếm những định chế mà họ xem là đáng ghét, nếu không muốn nói là họ xem như phát-xít. Một số người sống sót trong nhóm, (cũng không có gì là khó hiểu), đã ồn ào bóp méo ý nghĩa sự xúc động của quần chúng và đã đi ngược với những hỗ trợ vốn không liên quan gì với « tinh thần Charlie ».
Trung thành với đường hướng tự do thác loạn và vô chính phủ, họ không hề chủ ý chỉnh sửa cung cách sử dụng quyền tự do ngôn luận của họ. Đó là quyền của họ nhưng người ta cũng có thể thẩm định thái độ ngoan cố đó là một sự mù quáng. Thực ra, làm sao mà không nhận thức được rằng tự do không phải là một giá trị tách rời, không liên hệ với bất cứ những giá trị khác ; tư do phải mật thiết nối liền với một tổng thể rộng lớn hơn, như với tinh thần trách nhiệm, sự tôn trọng kẻ khác và hơn hết là ăn nhịp với phép tắc của lý trí. Sự tự do đề cập ở đây là thứ tự do diễn đạt những gì mà lý trí phát biểu. Lý trí đó là một công cụ của sự hiểu biết, phán đoán, biện luận ; và chính với danh nghĩa đó, lý trí có thể triển khai năng lực phê phán để phản bác. Đồng hoá sự tự do ngôn luận với quyền duy nhất tuyệt đối để xúc phạm kẻ khác, và coi đó là điều thiêng liêng nhất, đối với tôi luận chứng nầy xem ra đi ngược với bản chất của lý trí. Tóm lại, còn có một thứ đạo đức của lý trí. Hẳn nhiên, người ta có quyền cho rằng những tín ngưỡng hay những thực hành tôn giáo là nguy hiểm hay lỗi thời, nhưng thảo luận thay vì mạ lị không phải là thích đáng hơn và ngay cả hữu hiệu hơn, không phải vậy hay sao ? Chẳng hạn, ai có thể tin được rằng một bức tranh vẽ Đức Biển Đức XVI đang kê giao một em bé sẽ khiến cho những tín hữu Công Giáo suy nghĩ về vấn nạn ấu dâm trong Giáo Hội ?
Một sai lầm về nhận thức và đánh giá khác của sự đồng hoá dân chúng Pháp với «Charlie» xem ra có tính cách chính trị. Rõ ràng một số đông rất lớn tín đồ Hồi Giáo công phẩn bởi việc ấn hành thường xuyên những bức vẽ xem ra báng bổ đối với họ. Một số người giải quyết vấn đề bằng cách tự giới hạn vào phương pháp tiếp cận thuần pháp lý: vì «tội báng bổ từ rất lâu không còn trong luật pháp nước Pháp», từ đó đi đến kết luận về một cái gọi là  «quyền được báng bổ», không khác gì cho rằng xúc phạm người khác là một cái quyền của con người ! Điều đó chứng tỏ sự nông nổi và ngay cả bất nhất nữa, bởi vì cũng chính những nguời chủ trương như vậy hẳn sẽ  kết án một nhà bình luận nào đó là «chống Hồi Giáo», một khi họ tố cáo nhà bình luận ấy «xúi giục những cộng đồng nầy chống lại những cộng đồng kia». 
 Làm cho những tín đồ Hồi Giáo Pháp tin rằng «Charlie, chính là nước Pháp», đó là làm cho tâm trí nhiều người nghĩ rằng rõ ràng họ là người bên ngoài cơ cấu chính trị liên hệ. Làm sao người ta có thể tự cảm thấy mình là thành viên của cộng đồng quốc gia nếu cộng đồng nầy tự chọn cho mình biểu hiệu xúc phạm đến tín ngưỡng thiêng liêng nhất của họ? Một hành động như thế là phương cách tốt nhất đào lên một chiếc hố không thể vượt qua được trong tâm trí và những con tim. Đòi buộc một người Hồi Giáo trở nên một công dân tốt bằng cách gắn bó với những giá trị của nền Cộng Hoà mà viên đá thử vàng lại là «Charlie», thực tế đó là loại trừ họ và như thế ném họ vào tay những tên quá khích đang mong sự việc đó xảy ra.Vậy chúng ta đừng nên rơi vào cạm bẫy của những người Hồi Giáo quá khích đang giăng ra, cạm bẫy đó là cắt đứt những tín hữu Hồi Giáo Pháp ra khỏi cộng đồng quốc gia. 

Viện Nhân Quyền chuyển qua việt ngữ