Giáo hội Tông Đồ Mới


(Neuapostolische Kirche) 

Tiến sĩ Andreas Fincke /Tiến sĩ Michael Utsch

Bản dịch: Phạm Hồng-Lam

Trong thập niên đầu của thế kỉ 21 các giáo phái ki-tô giáo nở rộ ở Âu châu. Trước tình trạng tranh tối tranh sáng nguy hiểm cho đức tin, Giáo Hội Đức đã yêu cầu một số chuyên gia tôn giáo trình bày ngắn gọn về một số giáo phái chính. Họ đã chuyển dịch ra nhiều ngôn ngữ và cho phổ biến để rộng đường hướng dẫn tín hữu của mình. PTGDVNHN đã được nhờ chuyển dịch các tài liệu ra tiếng Việt.  

Với 370.000 tín hữu, giáo hội Tông Đồ Mới (TĐM) là cộng đoàn lớn nhất trong các phái ki-tô giáo, đặc biệt tại Đức. Số tín hữu của cộng đoàn này còn cao hơn tổng số tín hữu của các thành viên thuộc hiệp hội các „Giáo Hội Tin Lành Tự Do“ [1] ở Đức nhập lại. TĐM hiện có khoảng 11 triệu tín hữu trên khắp toàn thế giới. Chỉ tính từ năm 1988 tới 1998, số tín hữu của họ tăng gấp đôi. Phát triển nhanh và mạnh nhất là ở châu Phi, việc truyền giáo của họ trong vùng Đông Âu cũng không kém mạnh mẽ. Nhưng số tín hữu của họ ở Đức, Áo và Thụy-sĩ không gia tăng, mà còn hơi giảm sút.

Lịch sử và Hiện nay


TĐM bắt nguồn từ nước Anh vào thế kỉ thứ 19. Nhiều phong trào tông đồ mới bùng lên trong những năm 20 của thế kỉ đó. Do ảnh hưởng của Cách Mạng Pháp cũng như những hệ quả của cuộc kĩ nghệ hoá tại Anh, các Ki-tô hữu có tinh thần dấn thân trong nhiều vùng nước Anh đã tụ họp nhau lại để cầu nguyện và dựa trên Kinh Thánh chia sẻ cho nhau về những rối ren âu lo của thời đại. Từ đó, trong những năm 30, đã hình thành lên nhiều „Cộng đoàn công giáo tông đồ“. Cũng một quan điểm như phái Mormon – xuất hiện ở Hoa-kì cùng một thời gian -, các cộng đoàn tông đồ mới tự coi mình là „công trình cứu chuộc do Chúa chúng ta tái lập“, như là giáo hội đích thực của Chúa Ki-tô trong thời mạt thế. Từ năm 1832 tới 1835 các cộng đoàn này đã cử ra mười hai „Tông đồ“. Họ cho rằng, giáo hội đích thực của Chúa Ki-tô cần phải được tái dẫn dắt bởi các tông đồ, và họ trông đợi từng phút từng giây sự tái lâm của Chúa Ki-tô. Năm 1855, sau khi ba người trong số các Tông đồ qua đời, người ta tranh luận nhau về việc có nên cử ra ba người khác thế hay giữ nguyên trạng.
Các cuộc tranh luận dẫn đến việc li khai của „Giáo đoàn tông đồ ki-tô chung“ (Allgemeine christliche apostolische Mission) tại Hamburg vào năm 1863.Và từ gốc này, sau nhiều xích mích tiếp nữa, đã hình thành nên „Cộng đoàn tông đồ mới“ hay „Giáo hội tông đồ mới“ (Neuapostolische Kirche).
Ngay từ đầu, lịch sử của TĐM đã đong đầy những tranh cãi về giáo lí. Cả trong thế kỉ chúng ta đang sống, TĐM vẫn luôn phải chứng kiến cảnh li khai liên tiếp của nhiều nhóm hay cộng đoàn. Không có một cộng đoàn ki-tô đặc biệt nào có nhiều những cuộc chia tay như nhóm TĐM.
Trong nhiều chục năm, TĐM đã chọn cho mình một cuộc sống tự cách li. Nhưng tình trạng này đã thay đổi nhiều trong những năm gần đây. Từ 1995, qua những biện pháp cải tổ nội bộ, do những chỉ trích hàng loạt của các tín hữu bỏ cộng đoàn và nhất là do những khả năng trao đổi qua mạng lưới thông tin điện tử, TĐM đã tự mở ra một cách ngoạn mục. Không hiểu rồi đây lãnh đạo TĐM có thay đổi chính sách thông tin hiện có của họ không. Trong hai năm qua, họ đã tổ chức nhiều buổi thông tin trực tuyến trên mạng, qua đó cho thấy tiến trình mở cửa cẩn trọng của họ. Tất cả những thông báo có thể đọc trên trang www.nak.org của họ.

Về giáo lí


TĐM tự cho mình là sự „tiếp nối của Giáo hội tiên khởi“. Theo quan niệm của TĐM, giáo hội đích thực của Chúa Ki-tô phải gắn liền với chức vụ tông đồ. Và cũng theo họ, muốn được cứu rỗi, cần phải có vai trò tông đồ. Các vị này sẽ chuẩn bị việc tái lâm gần kề của Chúa Ki-tô cho các tín hữu. Đặc biệt TĐM tin rằng, những người gia nhập TĐM đã được ấn dấu bởi các tông đồ đều được cứu rỗi. Niềm xác tín này là điểm thần học nền tảng của TĐM, nó làm cho TĐM khác với các giáo hội đại kết khác. Những giáo hội đại kết này thì cho rằng, chức vụ tông đồ trong Kinh Thánh gắn liền với sự uỷ nhiệm trực tiếp của Chúa Ki-tô nên tác vụ đó chỉ hạn chế trong một thời gian mà thôi.
Theo một tài liệu tương đối mới của TĐM thì vị „Tông đồ cả“ (Stammapostel) còn được Chúa trao cho quyền „loan báo những mạc khải mới của Chúa Thánh Thần“. Các nhà phê bình cho đó là một yếu điểm lớn của TĐM, bởi lẽ các tông đồ thường là những giáo dân chẳng có vốn thần học nào. Điều đó cho thấy TĐM đã không có những nghiên cứu tường tận các bản văn kinh thánh, nên nhiều khi họ diễn giải một cách rất cưỡng ép. Xem ra giới lãnh đạo TĐM ngày nay đã nhận ra điểm này. Mới đây, họ tổ chức những khoá tu nghiệp thần học cho hàng chức sắc của họ và khuyến khích các vị này năng tham khảo sách vở chuyên môn. Điểm nổi bật nhất của TĐM là niềm tin rằng, Chúa Giêsu Ki-tô sắp sửa trở lại trần thế – Người sẽ trở lại trong tư cách vừa là vị Cứu tinh vừa là Quan toà xét xử. Theo lối hiểu hiện nay của TĐM, có hai lần „tái lâm“: Một lần để mang hiền thê của Người về, và lần thứ hai là để thiết lập Vương Quốc Hoà Bình của Người. Gộp cả hai lần đó lại là cuộc Phục sinh thứ nhất, trong đó không những linh hồn của các hiền thê đã được đóng ấn, mà cả những ai trong cơn nguy biến đã tin theo Chúa Ki-tô, nghĩa là những kẻ tử vì đạo, đều được tham dự vào. Khi Vương Quốc Hoà Bình kết thúc, sẽ tới giờ phán xét tối hậu, qua đó Thiên Chúa sẽ dùng công lí phân xử con người theo những việc làm của họ. Nhưng nơi toà phán xét tối hậu này Thiên Chúa cũng gia ơn cứu rỗi cho những ai Người muốn. TĐM nhấn mạnh điểm này là để nói lên quyền độc lập của Thiên Chúa; chính Người, khi trở lại để mang hiền thê về, có thể loại trừ người này kẻ nọ, nhưng đồng thời cũng có thể ban ơn cứu rỗi cho những ai chưa là thành viên của TĐM.
Trong một buổi thông tin ban chiều vào tháng giêng năm 2006, TĐM đã sửa đổi phần nào giáo lí ơn cứu rỗi của họ. Theo đó, họ công nhận phép rửa của các giáo hội khác. Nhưng TĐM vẫn phân biệt hai thứ phép rửa. Một phép rửa bằng nước („việc thông truyền nền tảng hồng ân của Thiên Chúa ba ngôi“) và một phép rửa thánh thần („việc đóng dấu thánh“). Phép rửa thánh thần chỉ nhận được qua sự đặt tay và cầu nguyện của một tông đồ. Việc „đóng dấu thánh“ rất quan trọng, nó được coi là bí tích thứ ba sau phép rửa và bữa tiệc li.
Tiến trình xích lại gần các giáo hội khác là điểm đáng mừng. Nhưng trước sau TĐM vẫn bám chặt vào một vài giáo lí riêng, nên nó không được xếp vào tổ chức các Giáo Hội Tin Lành Tự Do (Freikirchen) ở Đức. Những khác biệt thần học cơ bản nằm ở quan niệm về Giáo hội và chức vụ hoặc nơi quan niệm về việc uỷ quyền ban bí tích cho người chết. Trong nhiều năm dài đã có những cuộc trao đổi không chính thức ở bang Baden-Würtenberg giữa đại diện của TĐM và của Nhóm công tác của các giáo hội tin lành. Kết quả của những cuộc tiếp xúc này là việc phát hành „Bản hướng dẫn“ nhằm giúp các giáo hội có được liên hệ tốt với các cộng đoàn TĐM tại địa phương (http://www.ack-bw.de/dateien/NAK-ACK.pdf). Nhưng cho tới nay vẫn không có cuộc tiếp xúc nào liên quan tới việc thu nhận TĐM vào tổ chức các Giáo Hội Tin Lành Tự Do. Chỉ đang còn ở trong giai đoạn tiếp xúc làm quen giữa các nhóm ở cấp địa phương. Cũng chưa có việc tổ chức nghi thức tiệc thánh chung với TĐM. Không thể có được những nghi lễ thờ phượng và ban phép lành chung với T ĐM.

Chức vụ tông đồ


Hiện trên thế giới có khoảng 360 tông đồ. Hội đồng tông đồ được tổ chức theo thứ bậc: Đứng đầu là „Tông đồ cả“ có trụ sở tại Zürich. Chúa Giêsu Ki-tô được coi là đầu giáo hội, và „Tông đồ cả“ là „đầu của các tông đồ“, là „thẩm quyền tinh thần tối cao“. Chức vụ và tiếng nói của vị này đóng vai trò quyết định. Suốt nhiều chục năm, Tông đồ cả được coi là vị „đại diện Chúa ở trần gian“. Từ 1998 người ta không còn nói đến vai trò đại diện Chúa đó nữa, nhưng đã cố gắng tương đối hoá chức vụ này.
Trong thập niên 1950, vị trí của Tông đồ cả quả rất đặc biệt. Năm 1951, tông đồ cả Johann Gottfried Bischoff, lúc đó 80 tuổi, tuyên bố là Chúa Giêsu Ki-tô sẽ tái lâm lúc ông hãy còn sống. Thông điệp này không phải phản ảnh một hi vọng riêng của ông, mà nó còn trở thành một chân lí cứu rỗi: Ai không tin vào chân lí này, bị đuổi ra khỏi giáo hội. Ngày nay ta có thể nói rằng, thông điệp rủi ro đó đã gây ra bao nhiêu rối loạn và đau khổ. Hậu quả của nó là nhiều cộng đoàn đã tự li khai hoặc bị đuổi ra khỏi tổ chức. Sau khi Bischoff mất năm 1960, lãnh đạo TĐM vẫn giữ nguyên thông điệp của ông. Rõ ràng Bischoff đã sai, nhưng các cộng đoàn vẫn xác tín: „Chúng tôi khẳng định Tông đồ cả đã không sai lầm“. Thật lạ, ngay cả Ban „Nghiên cứu lịch sử TĐM“ cũng không đá động gì tới chuyện sai quấy của vị Tông đồ cả trong bản tường trình năm 2007 của họ.

Nhận định


Trong những năm gần đây TĐM đã có những bước mở ra với các giáo hội khác. Cụ thể là trong các buổi tụ họp của TĐM người ta đã dùng bản dịch Kinh Thánh của Luther (1984) và họ cũng đã sửa kinh Lạy Cha cho giống với bản văn của hiệp hội các Giáo Hội Tin Lành Đức (EKD). Dù vậy, từ cái nhìn ki-tô giáo, cũng cần phải nói tới mấy điểm sau:
Việc thành lập chức vụ tông đồ như hiện nay là có vấn đề, vì thiếu nền tảng kinh thánh.
Cái hay lớn của TĐM là họ tổ chức như một gia đình (đức tin), trong đó mỗi người có được chỗ đứng và vai trò của mình. Nhưng các nhà phê bình và những người bỏ TĐM, đặc biệt từ những năm 1990, đã lên tiếng than phiền rằng, thành viên của TĐM bị „canh chừng, kiểm soát và đàn áp“. Tính cách „gia đình“ của TĐM, như vậy, được cảm nhận cách khác nhau: Mặt tích cực, nó giúp thành viên kinh nghiệm về một cộng đoàn ki-tô và về bổn phận gắn bó; mặt tiêu cực, nó bị xem là một cỗ máy kiểm soát và chuyên quyền. Những kẻ rời tổ chức nói tới những xung đột gia trọng ít nhiều xẩy ra vì sự lệ thuộc tinh thần của đoàn viên vào tổ chức TĐM. Họ chỉ trích lối truyền bá giáo lí đã gây khó khăn mọi mặt cho nhiều tín hữu. Họ cho biết, có những giới chức bị trừng phạt vì không thi hành đầy đủ yêu cầu của các tông đồ.
Việc coi ơn cứu rỗi chỉ được thông truyền qua tổ chức mình mà thôi và sự mong đợi (mang tính đe doạ) cuộc tái lâm cận kề của đức Ki-tô (như là một thẩm phán xét xử thế giới) luôn tạo ra những mâu thuẫn và xung đột. Là vì, theo TĐM, phép rửa nước chỉ tạo nên một „tương quan gần gũi đầu tiên“ với Thiên Chúa mà thôi. Chỉ sau khi đã chịu thêm bí tích đóng dấu thánh của TĐM thì tín hữu mới được tái sinh từ nước và Thánh Thần. Tín hữu chỉ trở thành con Chúa sau khi nhận cả hai phép rửa. Như vậy, một cách gián tiếp, các tín hữu ki-tô khác đều không được xem là con Chúa một cách trọn đầy.
Bí tích „đóng dấu thánh“ cùng với quan niệm độc quyền cứu rỗi cuối cùng khiến cho TĐM bị xem là một „giáo phái“. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trong nội tình TĐM đã có nhiều biến chuyển. Người ta đã thay đổi quan điểm về tương quan với các giáo hội đại kết và về quan niệm độc quyền cứu rỗi. Rồi TĐM sẽ đi về đâu, lúc này chưa thể quyết đoán được. Phải chờ cho tới khi cuốn sách giáo lí mới của TĐM ra đời vào năm 2010, trong đó quan điểm độc quyền cứu rỗi sẽ được xét lại, ta mới rõ thêm về TĐM.

Tiến sĩ Andreas Fincke /Tiến sĩ Michael Utsch, tháng tư 2009.
Bản dịch: Phạm Hồng-Lam

[1] Hiệp Hội Các Giáo Hội Tin Lành Tự Do (Vereinigung Evangelischer Freikirchen) là một tổ chức gồm các nhóm tin lành thiểu số (như Mormon, Menonit, Báp-tít, Ngũ Tuần…). Các nhóm này không nằm trong hiệp hội các Giáo Hội Tin Lành tại Đức (Evangelische Kirche in Deutschland – EKD). EKD hiện có 22 thành viên là những giáo hội tin lành phái Luther, được tổ chức độc lập theo vùng lãnh thổ. EKD hiện có gần 25 triệu tín hữu tại Đức.