Tâm Việt phỏng dịch
Trong
một bài báo gần đây (trên Wall Street Journal ngày 9 tháng 10, 2015),
ông Niall Ferguson, người viết tiểu-sử của cựu-Ngoại-trưởng Henry
Kissinger, cho rằng Tổng-thống Obama thực-sự không có chính-sách
ngoại-giao mà chỉ tìm cách phản-ứng tức-thời với tình-hình chung quanh
thế-giới, cuối cùng gây ra một tình-trạng thế-giới nguy hiểm gấp bội sau
bảy năm cầm quyền.
Có
hai “bịnh” rất đặc-thù của Hoa-kỳ giải-thích vì sao không có suy nghĩ
chiến-lược thuần nhất, trước sau như một trong chính-sách ngoại-giao của
Hoa-kỳ. Một là người cầm đầu chính-quyền đã được lựa chọn dựa trên
những kỹ-năng khác. “Điển-hình cho một nhà lãnh-đạo chính-trị trong một
xã-hội hiện-đại đặt nặng vấn-đề quản-lý,” theo ông Kissinger, “là một
người có quyết-sách, khả-năng cao thu phiếu bầu của người dân, nhưng
không có quan-niệm rõ ràng lắm là khi vào Toà Bạch-ốc thì sẽ làm cái
gì.”
Cái
“bịnh” thứ hai là ở trong chính-quyền đầy dẫy những người đã từng được
huấn luyện để ra làm luật-sư. Để làm chính-sách ngoại-giao, trái lại,
ông Kissinger đã có lần khẳng-định, “ta cần biết ứng-dụng lịch-sử ra
sao.” Ngược lại, luật-sư lại “chính là nhóm đông nhất ở trong
chính-quyền” Hoa-kỳ mà những người này thì lại đặc-biệt “yếu kém về kiến
thức lịch-sử.” Đây là một định-kiến mà ông Kissinger đã có từ rất lâu.
“Những anh luật-sư khôn ranh điều hành chính-quyền [Mỹ],” ông ta giận
dữ viết cho một người bạn từ năm 1956, đã làm cho đất nước này yếu hẳn
đi “vì họ chỉ đi tìm những rủi ro tối-thiểu, một đặc-điểm rõ ràng nhất”
trong chính-sách ngoại-giao của Hoa-kỳ.
Ta
hãy thử nhìn lại xem. Một người giỏi đi vận-động tranh cử. Một lô
luật-sư. Và một sự “đi tìm những rủi ro tối-thiểu.” Nghe có vẻ quen
quen, phải không ạ?
Tôi
đã bỏ ra nhiều giờ, ông Niall Ferguson nói, trong bảy năm qua để tìm
hiểu chiến-lược của ông Obama là cái gì cho nước Mỹ. Trong suốt
thời-gian đó, như đã có lần một vị tướng trong quân-đội nhận-định với
ông Ferguson về chiến-lược của vị tổng-tư-lệnh ngồi ở Tòa Bạch-ốc,
“chúng tôi đã phải dựa vào các bài diễn-văn của ông ta để mà hiểu.”
Không muốn giống những người tiền-nhiệm
Thoạt
kỳ thủy, ông Ferguson cho rằng ông Obama không muốn giống người đi
trước—một điều có thể hiểu được. Nhất là khi ông Bush cũng đã làm một
số lỗi lầm trong chính-sách đối với Iraq, dẫn đến sự mất tin tưởng trong
quần-chúng. “Tôi đã đọc bài nói chuyện của ông Obama ở Cairo, Ai-cập,
vào năm 2009” với những đoạn trích dẫn kinh Coran của người Hồi-giáo hứa
hẹn “một bước đi mới giữa Hoa-kỳ và người Hồi-giáo trên khắp thế-giới”
như một tuyên-ngôn chống lại chính-sách của vị tiền-nhiệm, ông Bush.
Nhưng
đi vào thực-tế thì chuyện đó có nghĩa như thế nào thì lại không rõ.
Vội vàng rút quân ra khỏi Iraq nhưng lại cho tăng quân đột-xuất một
thời-gian ở Afghanistan? Một sự “văn lại” đồng-hồ trong chính-sách đối
với Nga song không có vẻ quan-tâm lắm đối với châu Âu? Một sự “quay
gót” về Á-châu nhưng lại đưa ra những tín-hiệu mập mờ đối với
Trung-quốc? Rồi, để đáp ứng với các “cách mạng hoa lài” ở Tunisia,
Ai-cập, Syria và Libya, thì là một sự hỗn-độn hoàn-toàn mà cực-điểm thấp
nhất là vụ đặt ra “cái vạch đỏ” vào tháng 9 năm 2013 khi ông Obama
khẳng-quyết là sẽ trừng phạt chế-độ của ông Assad ở Syria nếu như ông
này dùng vũ-khí hóa-học rồi không dám đi tới, với lời chống chế
tội-nghiệp “nước Mỹ không phải là sen đầm của thế-giới.”
Có
người đùa rằng để hiểu chính-sách của ông Obama thì ta có thể dựa vào
chuyến đi của ông ta vào tháng 4 năm ngoái (2014) vì sau chuyến đi đó
về, các phụ-tá của ông nói với các phóng-viên ký-giả đi theo rằng
“chủ-thuyết Obama ấy à,” đó là “Đừng làm những chuyện ngu xuẩn!”
Nhưng theo ông Ferguson thì có lẽ chủ-thuyết Obama có nội-dung khá hơn thế!
Ông
Obama đã từ lâu không chỉ muốn bác bỏ chính-sách ngoại-giao của ông
George W. Bush. Trong một cuộc tranh-luận với ứng-cử-viên Tổng-thống
Cộng-hòa Mitt Romney, ông Obama cho biết là ông cũng quay lưng vào cả
chính-sách của cựu-tổng-thống Ronald Reagan. “Những năm 1980 đang đòi
hỏi chúng ta phải trả lại cho họ chính-sách ngoại-giao của thời ấy,” ông
phản-bác, “bởi Chiến-tranh Lạnh đã kết thúc từ hơn 20 năm rồi.” Ý ông
muốn nói là ông Romney đang chủ-trương một chính-sách ngoại-giao
lỗi-thời. Nhưng nhìn kỹ lại thì khi ông Romney gọi nước Nga là
“địch-thủ số 1 của Hoa-kỳ về mặt địa-chính-trị” thì xem ra ông ta có vẻ
nhìn xa và xác-thực hơn trong khi ông Obama lại huênh hoang trong một
bài phỏng vấn với tờ New Yorker tháng 1/2014 là “ngay giờ tôi thực-sự
không cần một ông George Kennan,” [ông Kennan là cha đẻ của chính-sách
“be bờ” mà Mỹ đem ra áp-dụng suốt trong thời-gian Chiến-tranh Lạnh
(1947-1991)]. Nói vậy, ông Obama xem chừng như muốn vất bỏ hết
kinh-nghiệm của gần một nửa thế-kỷ trong chính-sách ngoại-giao với CS.
Chỉ hai tháng sau, ông Vladimir Putin sát nhập bán-đảo Crimea và nước
Nga.
Ông
Obama nghĩ là ông ta có kế-hoạch riêng cho vùng Trung-Đông. “Sẽ là vô
cùng có lợi” cho nhân-dân các nước trong vùng “nếu như các người theo
hai phái Sunni và Shia [hai ngành chính tranh cãi nhau trong
truyền-thống Hồi-giáo] đừng tìm cách giết nhau như ngóe nữa,” ông Obama
tuyên-bố trong cùng cuộc phỏng vấn đó. “Nếu chúng ta có thể lôi cuốn
được Iran vào cộng-tác một cách có trách-nhiệm—không tài-trợ cho các
tổ-chức khủng-bố nữa, không tìm cách xúi giục những sự bất đồng phe phái
trong các nước khác, và không khai triển vũ-khí hạt-nhân—thì ta sẽ thấy
một sự cân-bằng lực-lượng được tạo ra giữa các nước mà đa-số theo phái
Sunni ở một bên và Iran ở một bên.”
Như
vậy ta có thể thấy là ông Obama cũng có chiến-lược đấy chứ--một
chiến-lược nhắm vào việc tạo ra một tình-hình cân-bằng mới ở Trung-Đông!
Việc bắt tay với Iran trong vấn-đề vũ-khí hạt-nhân là một phần trong
chiến-lược của ông (như ông đã giải thích cho ký-giả Jeffrey Goldberg
hồi tháng 5 năm nay) “nhắm tìm những đối-tác hữu hiệu—không riêng gì ở
Iraq mà còn cả ở Syria, cũng như ở Yemen và Libya.” Ông Obama tuyên-bố
ông muốn “tạo ra một liên-minh quốc-tế và một không-khí mà trong đó
những người thuộc các phe phái khác nhau sẵn sàng thỏa-hiệp để làm việc
với nhau nhằm cung-cấp cho thế-hệ tới một ‘cơ-hội đấu tranh’ để đi đến
một tương-lai sáng sủa hơn” (“a fighting chance to a better future”
trong tiếng Anh).
Cũng
lối suy nghĩ lùng bùng (nếu không muốn nói là dở hơi) đó nằm đằng sau
bài diễn-văn của ông Obama ở Đại-hội-đồng Liên-hiệp-quốc vào tuần trước.
Ông bắt đầu bằng cách nói rằng ông “muốn làm việc với các quốc gia
khác dưới sự che phủ của các tiêu-chuẩn, nguyên-tắc và luật-pháp
quốc-tế” nhưng ngay sau đó, ông lại nói, riêng trường-hợp Syria, ông sẵn
sàng làm việc với Nga và Iran—cả hai nước này đều không có thành-tích
làm việc dưới sự bao che của quốc-tế--ngày nào mà họ bằng lòng đẩy đi
một nhà độc-tài Trung-Đông nữa.
Thế
mà là “một cơ-hội đấu tranh cho một tương-lai sáng sủa hơn” ở
Trung-Đông chăng? Ông Niall Ferguson cho rằng có lẽ phải gọi đó là “một
cơ-hội tốt hơn để đi đến chiến-tranh trong tương-lai” (“a better chance
at future fighting”).
Thảm-bại
Rõ
ràng là chiến-lược của ông Obama đang thảm-bại. Tính từ năm 2010 đến
nay thì số tử vong từ các trận chiến trên thế-giới đã tăng lên gần 4
lần, theo Viện Quốc-tế Nghiên-cứu Chiến-lược (International Institute of
Strategic Studies) ở Anh. Tổng-số tử vong do các thành-phần khủng-bố
gây ra đã tăng lên gấp 6 theo sự tính toán của Trường Đại-học Maryland
nghiên-cứu Khủng-bố và các cách Đáp ứng Khủng-bố. Gần như tất cả những
sự chết chóc này đều nằm ở trong một vùng kéo dài từ Bắc-Phi qua
Trung-Đông và tới A-phú-hãn và Pakistan (Hồi-quốc). Và có tất cả những
dấu hiệu cho thấy là thứ bạo-lực này sẽ leo thang khi các quốc-gia Sunni
ở trong vùng tìm cách ngăn cản Iran trở thành bá-quyền thay thế Mỹ ở
trong vùng.
Ngày
hôm nay, Hoa-kỳ đứng trước ba thách thức chiến-lược: vùng bão tố trong
thế-giới Hồi-giáo, những mưu-đồ của một nước Nga tuy đã yếu nhưng rất
hung hãn, và tham-vọng của một nước Trung-quốc vẫn đang lên. Cách đáp
ứng của Tổng-thống Obama trong cả ba trường-hợp đều rất thiếu sót.
Những
người biết nhiều về cách điều-hành nội-bộ trong Tòa Bạch-ốc tự hỏi tại
sao ông Obama, một người lên làm Tổng-thống mà hầu như không có chút
kinh-nghiệm ngoại-giao nào, lại cũng không tìm cách thuê những phụ-tá có
chuyên-môn chiến-lược trong ngành này. Để cho công-bằng cũng phải nói
là ông Denis McDonough (hiện là đổng-lý văn-phòng Tòa Bạch-ốc) thì cũng
có hiểu biết thực-sự về Nam-Mỹ. Trong thời-gian theo học ở Oxford (bên
Anh), Cố vấn An-ninh Quốc gia Susan Rice có viết một luận-án tiến-sĩ về
nước Zimbabwe (ở nam Phi-châu). Và bà Samantha Power, đại-sứ Mỹ ở LHQ,
cũng đã xuất bản hai cuốn sách đáng kể (với một cuốn có tên là “Một
vấn-đề từ Địa-ngục: Nước Mỹ và thời-đại diệt chủng,” một đề-tài mà bà sẽ
phải cập nhật chừng nào bà trở lại dạy học).
Nhưng
những phụ-tá then chốt khác của Tổng-thống Obama là thuộc hạng mà ông
Kissinger đã phải than phiền từ hơn một nửa thế-kỷ: ông Michael Froman,
người đại diện Mỹ thương thuyết về TPP, chẳng hạn, chỉ là một bạn cùng
lớp với ông Obama ở Trường Luật Harvard; Thứ-trưởng Ngoại-giao Tony
Blinken là một luật-sư học ở Columbia ra; vị giáo-chủ đằng sau màn che,
bà Valerie Jarrett, lấy bằng luật từ Đại-học Michigan. Thế còn
Tổng-trưởng Ngoại-giao John Kerry? Trường Luật Boston College, khóa
1976. Không có tới một người trong số những cố-vấn của Tổng-thống mà có
đóng góp nào vào các chủ-thuyết chiến-lược tương-đương như ông
Kissinger hay ông Zbigniew Brzezinski (cố vấn an-ninh quốc gia của
Tổng-thống Carter) trước khi họ đến làm việc ở Tòa Bạch-ốc.
Có
những việc ta có thể bắt tay vào việc rồi học, nghĩa là học tại chức—như
nghề pha rượu hay làm phối-hợp-viên cộng-đồng. Chiến-lược về an-ninh
quốc gia thì là chuyện khác hẳn. “Những chức-vụ cao-cấp dạy cho ta lấy
quyết-định, nó không dạy cho ta chuyên-môn trong ngành,” ông Kissinger
đã có lần viết. “Làm chức lớn là tiêu-thụ những vốn liếng trí-thức mình
sẵn có, nó không đẻ ra những vốn liếng đó,” tóm lại cái vốn đó ta phải
có từ trước khi vào việc.
Vị
tổng-thống sau này của nước Mỹ có thể sẽ phải tiếc nuối là ông Obama đã
không để ý đến những lời khuyến cáo như loại của ông Kissinger. Cứ bắt
tay vào việc rồi mới mò ra chiến-lược chiến-thuật, Tổng-thống Obama đã
gieo gió. Người đến sau gần như chắc chắn sẽ phải gặt bão. Vị
tổng-thống tới nên nghĩ đến việc tìm loại vốn liếng về ngoại-giao, kinh
tế, chính-trị sâu sắc ngay từ bây giờ trước khi nhậm chức vào tháng 1
năm 2017.