Tiến sĩ Michael Utsch
Bản dịch: Phạm Hồng-Lam
Trong thập niên đầu của thế kỉ 21 các giáo phái ki-tô giáo nở rộ
ở Âu châu. Trước tình trạng tranh tối tranh sáng nguy hiểm cho đức tin, Giáo
Hội Đức đã yêu cầu một số chuyên gia tôn giáo trình bày ngắn gọn về một số giáo
phái chính. Họ đã chuyển dịch ra nhiều ngôn ngữ và cho phổ biến để rộng đường
hướng dẫn tín hữu của mình. PTGDVNHN đã được nhờ chuyển dịch các tài liệu
ra tiếng Việt.
Về giáo huấn
Scientology xuất hiện ở Đức từ năm 1976, đây là một tổ chức có nhiều khả
nghi. „Scientology“ tự gọi mình là một „Giáo hội“ và tự cho mình là con đường
sống còn duy nhất cho mọi người và cho toàn thể nhân loại. Theo Scientology,
con người gồm ba phần: Thể xác, Trí hiểu và Thetan. Thetan đã xuất hiện từ thời
tạo thiên lập địa và di chuyển từ người này sang người khác. Khi một người
chết, Thetan sẽ rời người đó và tìm tới một thể xác mới.
Với thời gian, Thetan càng ngày càng có nhiều kinh nghiệm tiêu cực, dấu vết
để lại của những kinh nghiệm này là các „Engramme“. Engramme là nguyên nhân tạo
ra bệnh tật, nghiện ngập và tội ác. Tổ chức Scientology cho biết, họ có cách
tẩy sạch các Engramme, nhờ đó từng cá nhân và cả nhân loại ngày nào đó sẽ được
trở nên sạch („clear“). Scientology dùng chữ „Clear“ để chỉ tình trạng trong đó
mọi Engramme đã được tẩy trừ hết. Chỉ có như thế, theo Hubbard, cuộc sống mới
hết khổ đau. Phương pháp tẩy trừ Engramme mang tên „Dianetik“, nó gồm nhiều
cách thức như: Auditing (xét mình), Rundown (thanh tẩy-trở về), những luyện tập
thường xuyên, học hỏi sách của Hubbard và dự các khoá huấn luyện được nâng cấp
dần.
Scientology hứa hẹn sẽ đưa con người đạt tới „tự do toàn diện“. Tiến trình
chữa trị / huấn luyện bắt đầu thường với một bảng thử nghiệm nhân cách gồm 200
câu hỏi. Lần thử này không mất tiền. Người ta bảo, thử nghiệm sẽ cho thấy những
mặt mạnh của cá nhân, nhưng thật ra nó chủ yếu phơi ra ánh sáng những điểm yếu
của họ. Dựa trên kết quả thử nghiệm, tổ chức đề nghị cách „chữa trị“ bằng nhiều
khoá chữa trị tâm lí phức tạp, càng lúc càng mắc, nhưng chúng sẽ dẫn cá nhân
ngày càng có được thêm tự do và sức mạnh. Những người trong cuộc cho biết, họ
đã tốn nhiều ngàn, có khi tới 50.000 âu kim, cho những khoá đó.
Tâm điểm của các khoá đó là „Auditing“. Scientology gọi đó là „mạn đàm tinh
thần“, nhưng những người bỏ cuộc nói phần nhiều đó là các buổi „tẩy não“.
Mục tiêu các khoá chữa trị của Scientology là tạo ra „Thetan thực hành“
(TTH). TTH „là người, sau khi được chữa trị, có thể nắm vững môi trường sống
của mình, vững đến độ người đó đồng hoá mình hoàn toàn với nguyên uỷ của vật
chất, năng lượng, không gian, thời gian và tư duy“. Con người lí tưởng này sẽ dùng
í chí của họ để tạo ra và biến đổi vũ trụ vật lí được hình thành từ vật chất,
năng lượng, thời gian và không gian. Như thế, TTH sẽ trở nên thản nhiên trước
mọi khổ đau và dục vọng, không bao giờ là nạn nhân nữa, song trái lại luôn chủ
động được số mạng mình.
Scientology là một í hệ và là một tổ chức với ước vọng quyền lực vô giới
hạn. Lí luận của họ đơn giản: „Scientology đưa con người tới tự do viên mãn, vì
thế, nó có quyền đòi hỏi con người phải phục tùng toàn diện“ (Hubbard). Ai ngăn
cản hay chỉ trích Scientology, người đó là kẻ thù và tội phạm. Họ vẫn nói:
„Chúng tôi chưa thấy một người chỉ trích Scientology nào mà không có một quá
khứ sạch tội ác“.
Scientology coi mọi chệch hướng khỏi í hệ của họ là „tội ác“. Những người bỏ
tổ chức hay những người chỉ trích đều bị họ gán cho nhãn hiệu „có nhân cách
phản xã hội“ hay là những „tay kìm kẹp“ (suppressive persons). Scientology đã
ít nhiều nói tới việc phải tẩy trừ những „kẻ thù“ này. Những người bỏ cuộc kể
về sự hiện diện của những „trại tập trung cải tạo“ trong tổ chức.
Hình thái tổ chức
Scientology có tổ chức chặt chẽ, nhưng hệ thống rất nhiều những xí nghiệp
con và những tổ chức trá hình của nó làm cho người ngoài không thể nắm vững
được cơ cấu phân cấp của tổng công ti này. Các phân xưởng giáo dục và kinh tế
của nó còn lớn hơn các „giáo hội“. Các phân xưởng này áp dụng những kĩ thuật
của Hubbard trong việc phát triển tổ chức („WISE“) và trong lãnh vực xã hội
(„ABLE“). Với cơ cấu tổ chức như mắc cửi đó, không thể xếp được Scientology vào
loại hình tổ chức và nội dung nào. Trên hình thức, mỗi nhóm Scientology là một
Hội có đăng kí toà án. Dù với những chiến dịch quảng cáo khéo núp mình dưới các
chiêu bài như đấu tranh cho nhân quyền trong phạm vi chữa trị thần kinh, gởi
các „tuyên uý tự nguyện“ tới các vùng có thiên tai khủng hoảng hoặc đưa ra
những sáng kiến về việc giáo dục, con số thành viên của Scientology ở Đức vẫn
đông cứng ở mức 5000 tới 6000 người. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, con số thành
viên không hẳn nói lên được ảnh hưởng thực sự của một tổ chức.
Nhận định
Về mặt chính trị
Từ hơn mười năm nay, công chúng, các chính đảng cũng như các hội đồng chuyên
môn đã đề cập nhiều tới sự nguy hiểm của Scientology. Cuối năm 1995, một bản
thẩm định pháp lí đã xác nhận Scientology là một hình thái quá khích chính trị
mới. Theo đó, lí thuyết và thực hành của Scientology hội đủ các yếu tố của một
tổ chức độc tài, như yêu sách độc quyền đại diện về mặt í hệ, chủ trương giáo
điều khắt khe, cơ cấu tổ chức đóng, tôn thờ lãnh tụ và sự quy thuộc hoàn toàn
của thành viên, có một ngôn ngữ í hệ riêng với một số khái niệm được định nghiã
riêng. Bản thẩm định đã là nền tảng cho hội nghị các bộ trưởng nội vụ tiểu bang
năm 1997 dựa vào để quyết định đặt Scientology dưới sự giám sát của Viện bảo
hiến. Cho tới hôm nay, tổ chức này ở 11 trên 16 tiểu bang đang bị Viện bảo hiến
theo dõi. Scientology đã đâm đơn chống lại sự kiện này, nhưng toà án tối cao đã
bác đơn vào năm 2008, vì có bằng chứng cụ thể cho thấy tổ chức có những toan
tính chống lại nền tảng tự do và dân chủ của quốc gia.
Không phải chỉ có nội dung độc quyền của Scientology, mà cả cách thức tiến
hành í hệ của họ cũng tạo ra chống đối. Cái quyến rũ của Scientology là một số
phương pháp huấn luyện của họ có tạo cho học viên trở nên chai đá trước mọi cảm
nhận và tăng cường khả năng quyết định của họ thật. Và nữa, đường lối lí tưởng
với hứa hẹn mở ra mọi khả năng con người của họ – cho dù hứa hẹn này có lắm
cường điệu – có nhiều điểm có thể song hành được với một số „giá trị“ của xã
hội đang chạy theo năng xuất hiện nay.
Có nhiều công ti đã gởi người cho Scientology hoặc cho các tổ chức gần gũi
với Scientology huấn luyện. Những người bỏ tổ chức cho hay, Scientology đang có
những chương trình xâm nhập toàn bộ nền kinh tế Đức, hầu mở rộng ảnh hưởng
chính trị của họ, để mai đây có thể nắm quyền trên toàn xã hội nước này („clear
Germany“). Đây có thể là chuyện khuyếch đại quá mức, nhưng nó phản ảnh thực tế
yêu sách độc quyền chính trị của tổ chức này.
Về mặt giáo hội
Cái nhìn về con người của Scientology không những đi ngược với quan niệm dân
chủ của hiến pháp, nó còn ngược lại nhân sinh quan kitô giáo. Trong lúc đức tin
kitô giáo nói về lòng thương và sự lo toan của Thiên Chúa đối với con người thụ
tạo cần tình thương đó, thì Scientology lại quan niệm một con người muốn trở
nên là Thiên Chúa. Họ có một í hệ tàn bạo, nhẫn tâm, bóc lột và nguy hiểm. Họ
không có một chút gì liên quan tới tôn giáo hay giáo hội nào cả, cho dù họ vẫn
luôn khẳng định họ là một giáo hội và thỉnh thoảng lại đưa ra những bản thẩm
định lạ lùng nhằm minh chứng cho lập luận của họ.
Hệ thống các khoá chữa trị của họ có thể trở nên nguy hiểm trong một số
trường hợp nhất định. Các thuộc viên của họ được huấn luyện tuyệt kĩ. Bằng
những hứa hẹn thành công, họ lôi kéo chính những người đang rơi vào hoàn cảnh
khủng hoảng hoặc đang đứng trước những chuyển biến lớn trong đời và đẩy họ vào
những khoá học tốn kém. Bằng những kĩ thuật đặc biệt, họ hứa hẹn sẽ mở ra hết
mọi khả năng đầu óc cho học viên. Ai lại không ham danh vọng và thành công,
không muốn có được ảnh hưởng và ngay cả quyền lực trên những người khác?
Khủng hoảng, hạn chế, mất mát và thất bại là những kinh nghiệm gắn liền với
thân phận con người và chúng phải được đánh giá đúng. Điểm này hoàn toàn không
có chỗ đứng trong quan niệm thuần kĩ thuật, coi mọi thứ đều là khả thi, của
Scientology. Đặc biệt nguy hiểm nơi họ là cái nhìn về con người, theo đó thì
mỗi tâm hồn được họ coi là một cái máy có thể vặn khả năng lên mức tối ưu. Đã
là máy thì chẳng có quyền hay phẩm giá gì cả.
Tiến sĩ Michael Utsch, tháng tám 2008.
Bản dịch: Phạm Hồng-Lam
Bản dịch: Phạm Hồng-Lam