Mang trong mình dòng máu Việt, cộng đồng người gốc Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc tỏa đi khắp năm châu và làm được những điều khiến chúng ta tự hào khi nhắc đến. Trong số những người gốc Việt "ghi điểm" với thế giới trong nhiều năm qua, không thể không nhắc đến Tiến sỹ Định Nguyễn, ông là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển hệ thống của Hải quân Mỹ phóng laser phá hủy tên lửa.
Tiến sỹ Định Nguyễn.
Công trình nghiên cứu laser phá huỷ tên lửa
Siêu laser FEL (Free Electron Laser) là công nghệ do Giáo sư Vật lý John Madey ở Đại học Standford (Hoa Kỳ) phát minh vào năm 1976, có sức hủy diệt rất mạnh. FEL đang được ráo riết nghiên cứu ứng dụng trong quân sự, tạo ra dạng vũ khí “chùm tia chết chóc”.
Vũ khí laser có các tấm gương lớn tập trung những chùm laser mạnh vào một điểm nhỏ trên mục tiêu. Sức nóng tạo ra các vết bỏng xuyên qua bề mặt (vật liệu) của mục tiêu, phá vỡ chuyến bay, vô hiệu hoá các đầu đạn hoặc đốt cháy nhiên liệu hay vật liệu nổ.
Khác với tên lửa và đạn, tia laser không gây ra tiếng nổ khi chạm vào máy bay nhưng lại truyền năng lượng cực lớn vào mục tiêu cực nhanh và biến nó thành khối lửa. Vũ khí laser được đánh giá sẽ góp phần thay đổi hình thức tác chiến tương lai, hiện vẫn chưa có phương pháp nào chống lại loại vũ khí này.
Đầu năm 2011, website của Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ thông báo đã có đột phá trong việc phát triển hệ thống phóng tia laser, đủ sức tiêu diệt các loại tên lửa tấn công tàu chiến. Theo đó, các nhà khoa học ở Trung tâm thí nghiệm quốc gia Los Alamos, thuộc bang New Mexico thử nghiệm thành công việc phóng chùm laser có công suất phát xạ đạt ngưỡng megawatt.
Theo Tạp chí Wired, chương trình nói trên đã được nghiên cứu trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, lâu nay Hải quân Mỹ chỉ mới dừng lại ở khả năng phát ra chùm tia laser công suất 14 kilowatt, trong khi phải đạt mức 100 kilowatt mới đủ sức phá hủy tên lửa. Vì thế, việc phóng thành công chùm tia laser công suất ngưỡng megawatt là một thành tựu lớn.
Tiến sĩ Định Nguyễn, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dự án trên, cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng vì nỗ lực thiết kế và thử nghiệm đã thành công". Quentin Saulter, Tổng quản lý dự án cho Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ, tán dương nhóm chuyên gia của ông Nguyễn vì đã đạt được bước tiến trên sớm hơn 9 tháng so với thời hạn đặt ra. Ông Saulter đánh giá đây là thành tựu quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ Free Electron Laser (FEL), mở ra một thế hệ vũ khí tiên tiến mới.
Trong bản tường trình trước Quốc hội Hoa Kỳ của Ronald O' Rourke ngày 21 tháng 1 năm 2011, trang 38 có tường trình về Công trình nghiên cứu và sáng chế Vũ khí mới Free Electron Laser Program (FEL) của Tiến sĩ Định Nguyễn.
Hiện nay, tàu chiến Mỹ chủ yếu sử dụng các loại súng pháo để tạo thành lưới phòng không chống tên lửa. Tuy nhiên, phương pháp này khó chiếm được ưu thế đối với các loại tên lửa tốc độ cao và có tầm bay thấp. Vì thế, hệ thống FEL công suất megawatt sẽ giúp thay đổi cục diện nhờ tính chính xác cao và tốc độ bắn cực "khủng". Sau khi dò thấy tên lửa, tàu chiến có thể nhanh chóng phóng tia laser để tiêu diệt và nhờ tốc độ phát xạ cao, hệ thống FEL vẫn kịp thời phá hủy tên lửa khi đã ở cự ly gần.
Theo kế hoạch trước đó, tàu chiến Mỹ sẽ được trang bị hệ thống trên vào năm 2018. Tuy nhiên, theo trang Engadget.com thì dự án trên đang chịu sức ép tại Thượng viện Mỹ vì chi phí quá cao. Với những đột phá của nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Định Nguyễn đứng đầu, các nghị sĩ có thể sẽ suy xét kỹ càng hơn về dự án.
Nhiều năm qua, Lầu Năm Góc luôn tìm cách đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ laser vào vũ khí. Năm 2010, cơ quan này đầu tư cho Tập đoàn Boeing khoản tiền 26 triệu USD để phát triển các ứng dụng laser trên tàu chiến. Trong đó, việc sử dụng tia laser dẫn đường để tăng cường tính chính xác của vũ khí là mục tiêu hàng đầu.
Tiến sỹ gốc Việt ghi danh vào bảng vàng danh dự
Tiến sỹ Định Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt nhận bằng cử nhân hóa học tại Đại học Indiana vào năm 1979, được trao học vị Tiến sĩ hóa học ở Đại học Wisconsin năm 1984 và chính thức gia nhập Trung tâm thí nghiệm quốc gia Los Alamos cũng trong năm này. Sau đó, ông nhanh chóng trở thành nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực phát triển chùm tia laser công suất lớn. Hiện nay, ông là thành viên Hội Vật lý Mỹ và Ủy ban Chương trình nghiên cứu về Free Electron Laser.
Tiến sĩ Định Nguyễn đã có hơn 60 bài viết khoa học tạo nhiều dấu ấn cùng nhiều tham luận tại các hội thảo. Trong những bài viết cũng như những tham luận của mình, Tiến sỹ Định Nguyễn luôn khẳng định được vị thế cũng như chứng minh được tính thực tế chính xác, thiết thực của những công trình mà ông bắt tay nghiên cứu. Những người đồng nghiệp cùng trong nhóm nghiên cứu của ông đã rất tôn trọng và tin tưởng vào những quyết định mà ông và cả nhóm thực hiện. Họ chưa bao giờ có ý phân biệt ông là người gốc Việt hay là người bản xứ, họ chỉ đánh giá năng lực của ông qua tất cả những gì mà ông đã cống hiến cho nền khoa học nước Mỹ.
Ngày 20 tháng 12 là một cột mốc lịch sử xảy ra trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của Tiến sỹ gốc Việt Định Nguyễn, ông chia sẻ khi thực hiện thành công dự án hệ thống laser phá huỷ tên lửa. Ông nói: "Chúng tôi rất vui mừng khi thấy những thiết kế, việc chế tạo và công cuộc thử nghiệm đã thành công. Mọi nỗ lực của chúng tôi đã trở thành hiện thực và được đền đáp một cách xứng đáng. Hiện tại chúng tôi vẫn đang tiến hành kiểm tra, đo đạc và nghiên cứu các tính chất có thể thay đổi của các chùm tia điện tử, và hy vọng rằng chúng tôi sẽ thiết lập được một kỷ lục trên thế giới trong công nghệ laser điện tử".
Tiến sỹ Định Nguyễn đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía những nhà khoa học trên thế giới, bên cạnh đó là sự động viên khích lệ, sự giúp đỡ về mặt tinh thần từ những người thân yêu trong gia đình ông. Ông cho biết, hãng Boeing đang giữ kỷ lục trong công việc đo đạc chùm tia điện tử, nhưng ông và nhóm dự án của ông sẽ phá vỡ kỷ lục này trong tương lai gần. Điều quan trọng là không phải tiêu tốn quá nhiều tiền vào công trình nghiên cứu mà con đường đi đến thành công vẫn là sớm nhất.
Mang trong mình dòng máu Việt Nam, người con ưu tú của đất Việt đã không bất chấp khó khăn cũng như thử thách trên con đường nghiên cứu khoa học của mình tại một đất nước xa xôi. Bất đồng về mọi thứ nhưng không vì thế mà không thể làm gì để có thể ghi danh vào bảng vàng danh dự. Tiến sỹ Định Nguyễn tập trung và say mê với công việc, không quản ngày hay đêm, ông chỉ quan tâm đến một điều rằng, mình phải chứng minh năng lực của mình bằng chính thành quả mà mình tạo ra. Là một người nước ngoài, muốn tham gia được vào những công trình lớn tại Mỹ thì điều đầu tiên họ phải chứng minh được cho nước bạn thấy được rằng, mình dám làm và tất nhiên mình đã làm là phải thắng lợi.
Không chỉ những người Việt tự hào về ông mà nước Mỹ cũng đã dành rất nhiều sự ưu ái cho Tiến sỹ Định Nguyễn. Dự án này của ông thành công đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ là đất nước đi tiên phong trong việc sử dụng laser phá huỷ tên lửa
Theo Bản Tin Khoa Học Công Nghệ