CÔNG CUỘC TÂY PHƯƠNG HÓA CỦA MỘT SỐ CỰU THUỘC ĐỊA Á CHÂU

Thẩm phán   Phạm Đình Hưng 


Sau Thế Chiến 2, các lãnh tụ có tinh thần quốc gia và dân tộc của hầu hết các nước cựu thuộc địa ở Á châu như Indira Gandhi, Nehru của Ấn độ, Sukarno của Indonesia, Lý Quang Diệu của Singapore, Lý Thừa Vãn và Phác Chánh Hy của Nam Hàn, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm và Nguyễn văn Thiệu của Việt Nam đã từ chối đi theo con đường cộng sản của Liên Xô và Trung Quốc.
Họ đã khôn ngoan không lựa chọn con đường đấu tranh giải phóng dân tộc bằng bạo lực cách mạng để tránh tiêu hao sinh lực của dân tộc và tàn phá đất nước. Đường lối đấu tranh ôn hòa của các lãnh tụ kể trên đã có kết quả tốt đẹp. 
Theo xu hướng của thời đại, tất cả các nước cựu thuộc địa tại Á Châu và Phi Châu đều lần lượt thu hồi độc lập mà không tốn một giọt máu của người dân. Dưới áp lực của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, đế quốc Anh đã trao trả độc lập cho Ấn Độ năm 1947, Hòa Lan chấm dứt thống trị Indonesia năm 1949, Triều Tiên (gồm có Nam Hàn và Bắc Hàn) được độc lập năm 1948,  Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam năm 1948 (Hiệp định Vịnh Hạ Long: Accord du Baie d’Along) và Cao Miên năm 1949.

Riêng nước Việt Nam độc lập và thống nhất đã được Pháp Quốc long trọng công nhận bằng Hiệp ước (Treaty) Elysée ký kết ngày 8 tháng 3 năm 1949giữa Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Cựu Hoàng Bảo Đại do kết quả của một đường lối ngoại giao khôn ngoan cần ứng dụng để giải quyết một cách ôn hòa các tranh chấp quốc tế. Nếu người Việt cộng sản và người Việt quốc gia lúc bấy giờ cùng tôn trọng hiệp ước Elysée và bắt tay nhau xây dựng đất nước trong hòa bình thì dân tộc Việt Nam đã tránh được cuộc hai cuộc chiến tranh thảm khốc nhận chìm Tổ quốc thân yêu của chúng ta vào tình trạng chậm tiến và lệ thuộc ngoại bang. Nhưng tiếc thay, Hồ Chí Minh (Hồ Quang) và đảng Cộng Sản Việt Nam đã xem việc bành trướng chủ nghĩa Mác-Lê nin là lý tưởng cần phải thực hiện bằng mọi giá và đặt ý thức hệ cộng sản trên quyền lợi tối thượng của Tổ quốc và dân tộc Việt Nam. Trung thành tuyệt đối với Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, phía người Việt cộng sản đã tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh để chiếm đoạt chánh quyền bằng bạo lực cách mạng và áp đặt cả nước Việt Nam dưới một chế độ độc tài toàn trị do đảng Cộng Sản nắm độc quyền cai trị.
Trong số các tân quốc gia độc lập ở Á châu, Ấn độ (India), Nam Hàn (South Korea), Singapore (một thành phố cảng trước thuộc Mã Lai Á) và Đài Loan (Taiwan) đã thành công vượt bực trong công cuộc Tây phương hóa (Westernization) để phát triển dân tộc. Lựa chọn mô thức phát triển của Hoa Kỳ và Tây Âu, các nước Á châu nầy đã thành lập một chánh thể dân chủ pháp trị đa nguyên, điều hành một nền hành chánh hữu hiệu, lành mạnh và trong sáng, áp dụng kinh tế thị trường đích thực của chủ nghĩa tư bản, tiến hành kỹ nghệ hóa song song với phát triển nông nghiệp, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo chuyên viên cấp cao trong các ngành khoa học kỹ thuật và quản lý, xây dựng một xã hội công bằng, đạo đức và tôn trọng nhân quyền.
Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của các lãnh tụ yêu nước như Jawaharial Nehru, Lý Thừa Vãn (Sygman Rhee), Phác Chánh Hy (Park Chung Hee) và Lý Quang Diệu (Lee Kwan Yew) và Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo), các nước Ấn Độ, Nam Hàn, Singapore và Đài Loan đã thực hiện việc chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước một cách êm đẹp, phát triển trong ổn định về mọi mặt, xây dựng đất nước phồn vinh và tạo lập một cuộc sống ấm no, hạnh phúc thật sự cho nhân dân.
Trong vài thập niên sau khi thu hồi độc lập, Ấn Độ đã trở thành một cường quốc hạt nhân và không gian, đào tạo một đội ngũ chuyên viên khoa học kỹ thuật hùng hậu và nhứt là đã thực hiện thành công một cuộc Cách Mạng Xanh (Green Revolution) để nuôi sống một tỷ người dân, đồng thời cải thiện sinh thái của nông thôn. Cuộc Cách mạng Xanh của Ấn độ đã tiến hành trong hòa bình và đem lại kết quả cải thiện đời sống cơ cực lâu đời của nhân dân Ấn mà không phải hy sinh mạng sống của một người dân ở nông thôn. Cuộc cách mạng êm đềm nầy của Ấn Độ hoàn toàn khác hẵn hai cuộc Cải Cách Ruộng Đất của Trung Cộng và Việt Cộng phát động trong những năm đầu của thập niên 1950 đã giết hại 50 chục triệu người dân ở nông thôn Trung Quốc và 172.000 người ở nông thôn Bắc Việt dưới hình thức đấu tố và tòa án nhân dân. Song song với cuộc Cách Mạng Xanh (Green Revolution) tại nông thôn, Ấn Độ đã âm thầm kỹ nghệ hóa tại các đô thị và đã đạt đươc tiêu chuẩn quốc tế trong các kỹ thuật cao mà không cần phải thực hiện một Bước Tiến Nhảy Vọt (Great Leap Forward) theo sáng kiến của Mao Trạch Đông, lãnh tụ “vĩ đại” của Trung Quốc. Riêng về mặt quản lý chánh quyền, từ ngày thu hồi độc lập đến nay, Ấn Độ đã duy trì và củng cố chánh thể dân chủ đại nghị theo mô thức của Anh quốc: không có một cuộc đảo chánh nào đã xảy ra tại Ấn Độ để giành giựt địa vị và quyền lợi, chánh quyền đã được chuyển giao một cách êm thắm căn cứ theo kết quả bầu cử Quốc Hội của nhân dân Ấn.
Cùng đi theo con đường Tây phương hóa theo hoàn cảnh của đất nước, Đại Hàn (South Korea), Singapore và Đài Loan (Taiwan) cũng đã trở thành ba quốc gia kỹ nghệ phát triển xứng đáng được gọi là ba tiểu long Á châu đáng kính nễ và sánh ngang vai với đàn anh Nhựt Bổn. Người viết cần nhấn mạnh Đại Hàn( South Korea) và Đài Loan (Taiwan) là hai cựu thuộc địa của Nhựt Bổn trước năm 1945 và tình trạng kinh tế của hai nước nhỏ nầy thua kém xa miền Nam Việt Nam trước năm 1975; hiến pháp của Đại Hàn gần giống như hiến pháp 1967 của Việt Nam Cộng Hòa về mặt thể chế. Áp dụng mô thức phát triển của Hoa Kỳ, Đại Hàn và Đài Loan đã đạt nhiều tiến bộ đáng khen trong các lãnh vực chánh trị, kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật và văn hóa giáo dục. Đại Hàn là một quốc gia Á châu thứ hai (sau Nhựt Bổn) có khả năng đóng tàu lớn, kể cả hàng không mẫu hạm, và đủ sức cạnh tranh với Hoa Kỳ về các sáng chế kỹ thuật cao. Riêng Singapore, một thành phố cảng tách ra từ nước Mã lai Á, đã thành công vượt bực trong công cuộc Tây phương hóa để phát triển dân tộc theo mẫu mực của Anh quốc vì Lý Quang Diệu (Lee Kwan Yew), cựu Thủ tướng Singapore, đã tốt nghiệp đại học tại Luân Đôn.
Để nêu bật thành quả tốt đẹp của công cuộc Tây phương hóa, tác giả cần viện dẫn bản Chỉ số Phát triển Thế giới năm 2007 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) chỉ rõ lợi tức đầu người (per capita income) năm 2005 của Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á Đông Bắc Á và Nam Á:
                     Việt Nam: $620.00 USD
                     Indonesia: $1,280.00 USD (với dân số 150 triệu người)
                     Thái Lan:  $2,700.00 USD
                     Malaysia:  $5,000.00 USD
                     Trung Quốc:$1,700.00 USD (với dân số 1tỷ 300 triệu người)
                     Đại Hàn và Đài Loan: $15,000 USD
                     Hong Kong: $23,000 USD
                     Singapore: $ 25,000 USD
Theo báo cáo của World Bank năm 2007, lợi tức đầu người của Việt Nam và
một số quốc gia Đông Nam Á như sau:
                       Việt Nam: $836.00 USD
                        Indonesia: $1,918.00 USD
                        Thái Lan: $ 3,850.00 USD
                        Singapore: $ 35,163.00 USD
Cũng theo báo cáo Phát Triển Việt Nam (Vietnam Development Report) của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) công bố vào cuối năm 2008 về mức độ phát triển kinh tế, Việt Nam tụt hậu 158 năm so với Singapore và 95 năm so Thái Lan và 51 năm so với Indonesia. Căn cứ vào chỉ số phát triển, các chuyên viên của World Bank ước tính Việt Nam còn rất lâu mới đuổi kịp các nước Đông Nam Á.
Nói tóm lại,trong số các quốc gia Á châu kể trên, chỉ có Việt Nam là nước nghèo nhứt mặc dầu đã nhận được rất nhiều viện trợ của các nước phát triển, các định chế tài chánh quốc tế, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế.
Sau 30 năm chiến tranh (1945-1975) và 40 năm hòa bình (1975-2015) dưới quyền toàn trị của đảng Cộng sản, Việt Nam vẫn không thoát khỏi tình trạng chậm tiến vì các lý do kể sau:
   - Đất nước đã bị 4 cuộc chiến tranh (Chiến Tranh Đông Dương, Chiến Tranh Việt Nam, Chiến tranh xâm lược Campuchia, Chiến tranh Việt-Trung ở biên giới phía Bắc) tàn phá nặng nề;
   - Đảng Cộng Sản Việt Nam đã luôn luôn kiên định đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc và Liên Xô;
   - Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cai trị đất nước một cách bất lực, bất công, tham ô và độc đoán, tước đoạt tất cả nhân quyền và dân quyền của dân tộc Việt Nam, chia rẽ và đào sâu hận thù dân tộc.
    - Trí thức và nhân tài của đất nước đã bị nhà cầm quyền cộng sản giết chết rất nhiều trong thời chiến và bị trù dập, kỳ thị nặng nề trong thời  bình theo chánh sách “hồng hơn chuyên” và “Thái tử đảng” của đảng Cộng sản Việt Nam học từ Trung Cộng.
Do đó, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa dưới quyền lãnh đạo “thiên tài” của đảng Cộng sản trong 70 năm qua đã bị Thế giới văn minh mĩa mai “khen
ngợi” là một đất nước không muốn phát triển.             
                                                 
                              Thẩm phán   Phạm Đình Hưng