GM Nguyễn Thái Hợp
Từ giữa thế kỷ XIX cho đến nay, đã có rất nhiều cuộc tranh luận gay gắt và đầy đam mê, xoay quanh thuyết tiến hoá. Hiện nay mức độ cuồng nhiệt và đam mê tương đối đã lắng dịu, nhưng những cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn. Trong một bài thơ mang tựa đề khá ngộ nghĩnh: 1997c, (hay khỉ cá trong em, cùng lúc), Du Tử Lê, một thi sĩ hiện sống ở hải ngoại, đặt câu hỏi về vấn đề tiến hoá một cách độc đáo theo cảm quan của một thi sĩ:
“bây giờ là ngày
liệu có ngày như thế này /
ở những hành tinh khác/
hãy tin tiền thân của loài người
(theo thuyết Darwin)
là khỉ
dù cho cả nghìn năm nay
chúng ta không ngừng đập óc khỉ
để ăn thoả thích (...)
bây giờ là đêm
liệu có ngày lúc này /
ở một hành tinh khác/
hay tiền thân của loài người
là … con người
do Thượng Đế?
bởi sau bao triệu năm
vẫn chẳng thấy có một con cá nào chẻ đuôi,
làm chân
vươn vây làm tay /…/
tiến lần tới khỉ”[1].
Dĩ nhiên, từ thời Charles Darwin đến nay đã có nhiều thay đổi và tiến bộ trong lãnh vực tiến hoá. Những háo hức và quá khích ban đầu cũng đã lắng dịu. Cả hai phía, chống đối cũng như ủng hộ đã có một quãng lùi để thanh thản nhìn vấn đề một cách nghiêm túc và khách quan hơn. Tuy nhiên, nguồn gốc loài người vẫn là một vấn đề lớn mà khoa học chưa có câu trả lời thoả đáng. Đứng trên phương diện nghiên cứu khoa học, cho đến nay các chuyên viên vẫn tiếp tục tìm kiếm để đưa ra một lối giải thích chính xác hơn. Hiện nay, có khá nhiều lối giải thích và quan niệm triết học khác nhau chung quanh sự kiện tiến hoá[2]. Vì thế, không phải vô lý khi có người đề nghị nên gọi các thuyết tiến hoá ở số nhiều thay vì thuyết tiến hoá ở số ít.
Bất chấp những khó khăn nội tại và nhiều lối giải thích khác nhau, không ai có thể phủ nhận tiến hoá như một sự kiện khoa học. Đối với thế giới hôm nay, tiến hoá là một trong những đề tài lớn và có thể nói đó là một đề tài thời thượng, ảnh hưởng sâu rộng trên nếp nghĩ của nhân loại. Những dòng dưới đây muốn nhìn lại vấn đề tiến hoá từ viễn quan Kitô giáo và mối tương quan tích cực giữa sáng tạo và tiến hoá.
1- Triết học thiên nhiên cổ điển
Mọi người đều công nhận thuyết tiến hoá là sản phẩm đặc biệt của thời hiện đại. Tuy nhiên, nơi một số triết gia Hy Lạp ở thời cổ đại, chúng ta đã gặp thấy một vài ý niệm tiến hoá hay biến đổi từ dạng thức thức này của sự sống sang dạng thức khác. Héraclite thành Ephesô (536-470) giải thích sự xuất hiện và tồn tại của các sinh vật nhờ sức đối kháng của những trái ngược, được nâng đỡ trong một hợp nhất nền tảng. Ông diễn tả duy nhất tính của vũ trụ qua định thức nhất nguyên : “Vạn sự đều duy nhất, đó là, Đạo”. Nói một cách rõ rệt hơn : “Từ Một phát sinh vạn sự, và vạn sự lại trở vềMột”. Phải chăng Một ở đây cũng giống như Đạotrong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử ?
Nhưng mặt khác Héraclite cũng là người đề cao nhiều nhất yếu tố năng động, tiến hoá và biến đổi của vũ trụ. Mọi sự biến đổi, đang hình thành và luôn luôn khởi đầu. “Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Câu nói thời danh này đã đúc kết quan điểm biến dịch của ông và được trích dẫn không biết bao nhiêu lần. Thật vậy, theo ông, vạn vật biến đổi không ngừng như một dòng sông chảy xiết. Vũ trụ quan của ông là một hình thức kết hợp giữa hai yếu tố nhất nguyên và biến đổi: nó khởi đi từ một nguyên lý uyên nguyên và không ngừng biến động: đó là lửa.
Empédocle có tham vọng quy tụ tất cả những quan niệm khác nhau của Pitagoras, Héraclite, Parmenide, Zénon … vào một tổng hợp. Để thực hiện việc này, ông đưa thêm một yếu tố mới: ngẫu nhiên. Theo ông, cuộc sống đã khởi đầu từ bùn. Chính từ bùn nẩy sinh những đơn tố, rồi dần dần kết hợp với nhau để xuất hiện sinh vật. Phái tính được vận dụng để phân biệt các sinh vật còn sống sót sau những cuộc đại thảm hoạ thường xuyên trong lịch sử thế giới.
Démocrite, trái lại, sử dụng thuyết nguyên tửđể giải đáp vấn đề duy nhất của hữu thể và đa phức của sự vật. Theo ông, nguyên tử là yếu tố tích cực của Hữu thể. Tuy nhiên, nguyên tử cũng dung nạp một yếu tố tiêu cực khác (Chân không, phi-Hữu thể) làm như yếu tố phân rời Hữu thể, tách biệt các nguyên tử và cho phép có chuyển động. Chính chân không, trộn lẫn với các nguyên tử, theo liều lượng lớn nhỏ khác nhau, là nguyên nhân của sự khác biệt về hình thể và phẩm chất của mỗi vật.
Aristote không chấp nhận các quan điểm triết học nói trên. Ông đưa ra quan niệm “hồn” làm yếu tố căn bản để phân biệt và bảo tồn tính duy nhất của sinh vật. Ông phân biệt ba loại hồn trong sinh giới: sinh hồn ở thực vật, giác hồn ở động vật và trí hồn hay linh hồn ở con người.
a)- Hồn là yếu tố chủ động của sự phát triển phôi thai của mỗi sinh vật và là yếu tố tương đồng hoàn bị giữa cha mẹ với con cái.
b)- Có một hoà điệu giữa hồn và việc phân phối các bộ phận trong thân thể. Thân thể của động vật tham dự vào sự hoà điệu chung của vũ trụ.
c)- Quan niệm hồn nói trên có liên hệ mật thiết với quan niệm cứu cánh. Hồn chủ động trong việc điều hành và phát triển cơ thể. Muốn hiểu sự biến chuyển trong tương lai thì cần phải biết cứu cánh của sự phát triển sinh vật từ đầu cho đến cuối. Do đó, hiểu nguyên nhân cứu cánh là điều kiện tiên quyết để hiểu đời sống động vật nói riêng và thiên nhiên nói chung.
Hồn được coi là nguyên nhân nội tại của sự sống. Chết là khi mất nguyên nhân nội tại này hay khi linh hồn trở về cội nguồn uyên nguyên và bất tử của nó.
Viễn quan hoà điệu và nhất quán về bản tính này được các thế hệ kế tiếp khai triển, phân loại và phổ biến thành một thứ quan điểm duy yếu tính (essentialisme). Đây là một quan điểm nhất nguyên cố định và định chủng về vạn vật. Vũ trụ được trình bày như một đồng hồ vĩ đại được điều khiển bởi những qui luật cơ học ngàn đời bất di bất dịch. Sự hiện diện của Thượng Đế cần thiết để xếp đặt và lên dây cót đầu tiên cho cái đồng hồ vĩ đại này.
Trong viễn tượng triết học đó, vật chất hoàn toàn thụ động và chuyển động không thể là một đặc tính của vật chất. Theo chủ trương định chủng (fixisme) của Aristote, mọi chủng loại đã được xác định ngay từ ban đầu. Do đó, không thể chấp nhận quan niệm tiến hoá về sự sống. Và chúng ta biết rằng, cho đến thế kỷ XIX, quan điểm triết học của Aristote vẫn đóng vai trò chủ động trong tư tưởng Tây Phương[3].
2- Thuyết tiên hoá
Thuyết tiến hoá xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX là một sản phẩm đặc biệt của thời đại. Ở vào giai đoạn đầu tiên, thuyết tiến hoá được xây dựng trên hai quan niệm chính là thích nghi và chọn lọc tự nhiên. Herbert Spencer định nghĩa là “sự sống sót của những cá thể thích ứng nhất”. Có thể coi đây là một định nghĩa thuyết tiến hoá theo quan điểm của Darwin, vì chính Darwin tán đồng nó.
Với thời gian, một số quan niệm khác được thêm vào: yếu tố di truyền, tự tổ chức, phức biệt tính, đa dạng tính… Hạn từ tiến hoá mang một ý nghĩa chuyên môn phù hợp với phương pháp khoa học và được kiểm chứng bởi rất nhiều sự kiện sinh hoá. Thuyết tiến hoá lý giải diễn tiến lịch sử của tất cả sự kiện sinh hoá này. Nó giả thiết một quá trình liên tục từ thấp đến cao, từ vật chất vô cơ cho đến sự sống và cuối cùng xuất hiện con người.
Lịch sử tiến hoá của những sinh vật được trình bày như một tiếp nối của những đường phân rẽ không đồng đều và không tương xứng. Bởi vì, xét về thời gian, các giai đoạn tiến hoá hết sức so le: có những giai đoạn, lịch sử tiến hoá hầu như dâïm chân tại chỗ, ngược lại có những giai đoạn đột biến và đột khởi. Ngoài ra, trong tiến trình tiến hoá, những sinh vật có khả năng lần mò theo con đường biến đổi cơ cấu để tiến lên bậc cao và phức tạp hơn, ngày càng ít ỏi và hiếm hoi hơn.
J.B. Lamarck (1744-1829), đồ đệ của G. Buffon, cho đến cuối thế kỷ XVIII vẫn ủng hộ quan niệm cổ điển về sự bền vững và cố định của chủng loại. Nhưng kể từ 1793, khi bắt đầu nghiên cứu và xếp loại động vật, ông thay đổi ý kiến và ủng hộ quan niệm ngẫu sinh. Năm 1809, ông xác định và khai triển thuyết biến đổi trong tác phẩm căn bản mang tựa đề “Triết học động vật”.
Lamarck chưa hề sử dụng hạn từ tiến hoá, tuy nhiên qua “thuyết biến đổi” (transformisme) trong thế giới động vật, từ loài nọ sang loài kia, ông là người đầu tiên đặt nền cho “thuyết tiến hóa”. Ông quan sát những bước chuyển tiếp giữa các loài từ thấp lên cao và nhận thấy ảnh hưởng của điều kiện sống trên sự biến đổi này. Ông lý giải sự biến đổi các loài, một mặt, do ảnh hưởng của hoàn cảnh và môi trường sống có thể trực tiếp làm thay đổi cơ thể; mặt khác do chính những cố gắng của các động vật. Sự cần thiết tạo ra cơ quan mới và việc sử dụng làm cho nó phát triển thêm. Trái lại, vì không sử dụng một số cơ quan cuối cùng đã biến mất. Hành động thích ứng tích cực với môi trường sống được chứng minh qua thí dụ điển hình về con hươu cao cổ và con chuột chũi gần như mù vì không cần dùng đến mắt.
Lamarck công nhận sự kiện ngẫu sinh, nhưng chỉ ở cấp độ những sinh vật rất đơn giản. Ông nhìn thấy trong các sinh vật một tiệm tiến khéo léo theo chiều phức biệt hoá và một khuynh hướng nội tại đưa đẩy tới tình trạng ngày càng phức biệt hơn. Theo Lamarck, những đặc tính thủ đắc sẽ được chuyển giao cho các thế hệ kế tiếp qua di truyền. Đây là một trong những điểm yếu của Lamarck.
Charles Darwin (1809-1882) lấy lại một phần tư tưởng của Larmarck, nhưng ông giải thích hiện tượng biến đổi các loài bằng một yếu tố ngoại tại:sự chọn lọc tự nhiên. Năm 1859, hai mươi ba năm sau khi hoàn tất chuyến du khảo thời danh, ông xuất bản tác phẩm “Nguồn gốc các loài”. Tuy Darwin không sử dụng hạn từ tiến hoá, nhưng thực sự rõ rệt bao hàm nội dung tiến hoá của sinh giới, mà động lực là chọn lọc tự nhiên và đấu tranh sinh tồn. Điều kiện sống khắc nghiệt nơi môi trường thiên nhiên (không gian, lương thực, hấp dẫn phái tính, quyền hành, v.v.) dẫn đến những cuộc đọ sức cam go, những cuộc chiến tranh sinh tồn. Theo ông, trong cuộc chiến tranh sinh tồn này, chỉ những sinh vật có khả năng nhất và có lợi thế nhất mới sống sót. Chúng sẽ chiến thắng, sinh con đẻ cái nhiều hơn, dòng dõi đông đúc hơn và sẽ từ từ áp đặt những đặc tính của chúng trên đàn vật.
Những đóng góp của các nhà nhân chủng học, địa chất học, cổ sinh học, khảo cổ học … góp phần chiếu dọi vào vấn đề nguồn gốc loài người. Quan niệm cho rằng con người không những có tương quan tiến hoá với khỉ, mà còn với cả những chủng loại bậc thấp, xem ra ngày càng rõ nét. Trong bối cảnh đó, Darwin xuất bản tác phẩm quyết định về nguồn gốc loài người: “Sự phát sinh loài người và chọn lọc giới tính” (1871). Có thể tóm lược luận điểm căn bản của ông như sau: Con người mang những đặc điểm cấu tạo và chức năng tương tự như các động vật khác, đặc biệt với khỉ dạng người. Tuy nhiên, tổ tiên gần nhất của con người là một loài khỉ lớn đã tuyệt diệt, sống ở cựu lục địa khí hậu nhiệt đới. Darwin ước tính biến cố loài khỉ lớn tiến hoá thành người ở vào Đệ tam kỷ nguyên.
Hai tác phẩm này như trái bom làm nổ tung công luận thời đó, tạo nên sự ủng hộ nồng nhiệt cũng như phản đối kịch liệt trong giới khoa học, triết học và tôn giáo. Luận điểm của Darwin được một số nhà chuyên môn như Lyell, Hooker, Huxley, Spencer… và ngay cả một số giáo sĩ như nhà giáo luật Tristam, nhà thực vật học Asa Gray, linh mục văn sĩ Charles Kingsley ủng hộ. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học tự nhiên nổi tiếng thời đó như Agassiz, von Baer, Pictet, Sedgwick, Bernard, Pasteur, Virchiow … bày tỏ sự nghi ngờ đối với quan điểm của Darwin và phê bình sự thiếu nhất quán trong các luận điểm. Đặc biệt giới giáo sĩ kịch liệt lên án luận điểm cho rằng con người phát xuất từ khỉ, vì theo họ, chủ trương này rõ rệt đi ngược lại quan niệm sáng tạo theo Thánh Kinh[4].
Trong những tác phẩm kế tiếp, Darwin đã cố gắng trả lời những phê bình chống lại tiến trình tiến hoá liên tục giữa người và các linh trưởng cấp thấp. Ông chứng minh sự tương đồng về cảm xúc giữa người với các loài có vú khác. Theo ông, những biểu lộ tình trạng cảm xúc của chúng ta như vui buồn, lo sợ, giận dữ là kết quả của một tiến trình biến hoá về hình thức khởi đi từ các động vật cấp thấp. Tuy nhiên, như một số nhà phê bình đã nhận định, ngôn ngữ của ông vẫn là ngôn ngữ của thuyết “sinh vật đồng nhân” (anthropomorphism), và ít tính chất khoa học, nên chưa đủ sức thuyết phục.
Thật vậy, Darwin vẫn chưa thể đưa ra một giải thích có tính thuyết phục cho việc chuyển giao các đặc tính thủ đắc. Ông chưa biết đến những kết quả nghiên cứu về di truyền của G. Mendel, một tu sĩ người Áo. Tệ hơn nữa, một số hình ảnh Darwin sử dụng để bảo vệ luận chứng của ông là những hình ảnh do nhiếp ảnh gia Oscar Gustave Rejlander dùng xảo thuật để nguỵ tạo[5]. Thêm vào đó, chọn lọc tự nhiên vẫn chưa thể giải thích sự phát triển khả năng tinh thần. Những lý giải về mối tương quan giữa qui luật sinh học tự nhiên và qui luật của xã hội loài người vẫn chưa được thoả đáng.
Bất chấp những giới hạn và khó khăn nói trên, tác phẩm của Darwin ngày càng ảnh hưởng quyết định trên tư tưởng của thời đại. Những đóng góp của A. Weismann (1834-1914) và nhiều nhà sinh vật học khác đã củng cố thêm quan điểm của Darwin. Dần dần, những cuộc tranh luận không còn xoay quanh vấn đề có tiến hoá hay không, mà nhằm xác định vấn đề cơ cấu và cách thế tiến hoá thôi[6].
3- Vấn đề “darwinisme xã hội”
Vì được đánh dấu bởi tư tưởng khoa học, tiến hoá trở thành một đề tài nền tảng và thuộc loại thời thượng của văn hoá thời đại. Quan niệm tiến hoá len lỏi vào mọi lãnh vực và đóng vai trò mô hình. Trong trào lưu tư tưởng bắt nguồn từ học thuyết của Darwin này, một nhóm đặc biệt được mệnh danh là “darwinisme xã hội”. Đây là một hình thức áp dụng quan điểm đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên vào lãnh vực xã hội.
Một vài bản văn trong “Nguồn gốc con người”của Darwin được coi là định hướng nền tảng cho “darwinisme xã hội”. Ông viết : “Sự phồn thịnh của loài người là một vấn đề rất phức tạp. Tất cả những ai không có khả năng tránh cảnh khốn cùng cho con cái, thì phải từ chối lập gia đình, bởi vì nghèo khổ không những là một đại họa, mà khi có con cái thì nghèo khổ còn được nhân rộng thêm. Mặt khác, như Galton đã ghi nhận, nếu những người khôn ngoan tự động chối từ lập gia đình, thì hạng người cẩu thả vẫn kết hôn. Do đó thành phần hạ đẳng của xã hội sẽ tiến đến chỗ thay thế những thành phần ưu tú. Con người, cũng giống như các động vật khác, chắc chắn đã tiến tới tình trạng hiện tại trải qua một cuộc chiến sinh tồn, nhờ việc tăng nhanh nhân số. Để tiến tới và nâng cao hơn nữa, cần phải dấn thân vào một cuộc chiến gay go. Nếu không, trong một thời gian ngắn, sẽ bị rơi vào tình trạng ù lì và những người có khả năng sẽ không thành công hơn những người ít khả năng trong cuộc chiến tranh sinh tồn (…). Luật lệ và tập tục không được cản trở những người khôn khéo nhất được thành công hơn và được nuôi một số con đông hơn”.
Phải chăng bản văn này hàm chứa một tiềm năng tiêu cực sẽ được triển khai thành một thứ lý thuyết “kỳ thị xã hội”, trong đó những người nghèo và những người ít khả năng bị xếp vào hạng “thấp kém”? Phải chăng con người bị giản lược vào chiều kích thuần tuý động vật và hơn thế nữa xã hội loài người bị điều khiến bởi qui luật cạnh tranh sinh tồn? Chúng ta đối diện với một nhân loại học bị giản lược một cách méo mó và bành trướng tại những vùng đất đề cao sự cạnh tranh sinh tồn giữa các tầng lớp trong xã hội và giữa các dân tộc. Sẽ không cường điệu nếu chúng ta quả quyết rằng quan niệm sinh học theo đó chỉ “sống sót sinh vật thích ứng nhất” đã được biến đổi một cách đáng buồn thành một ý hệ. Một số người còn muốn sử dụng ý hệ này để biện minh cho chủ nghĩa bành trướng, chủ nghĩa thực dân và một vài hình thức tư bản hoang dã.
Khuynh hướng “darwinisme xã hội” này phát triển mạnh nhất trên vùng đất Hoa Kỳ và xuất hiện dưới nhiều dạng thức. Chẳng hạn “sinh học xã hội”(sociobiology) là một dạng thức đặc biệt của “darwinisme xã hội”.
Năm 1964, một tác giả người Anh, W.D. Hamilton, công bố kết quả nghiên cứu của ông về “Tiến hoá di truyền của động thái xã hội”[7] trong đó tác giả dựa trên mức độ thân thuộc di truyền để giải thích động thái “vị tha” của những con ong thợ và kiến thợ, qua hành động đóng góp tích cực vào việc ủng hộ lựa chọn họ hàng thân thích. Thái độ này làm thắng thế gien vị tha và đưa đến chỗ biệt đãi việc phát triển đời sống xã hội. Lý thuyết về họ hàng này đã giúp thuyết tiến hoá của Darwin trả lời cho một vấn đề khó lý giải: làm sao những cá thể không sinh sản (như trường hợp những con ong thợ hay kiến thợ) có thể chuyển giao cho các thế hệ kế tiếp những động thái đặc biệt “vị tha”, trong khi những cá thể sinh sản (như ong chúa chẳng hạn) lại có những động thái khác? Hamilton đã đem thêm nội dung di truyền cho ý tưởng “chọn lọc gia đình” của Darwin.
Một số tác giả người Mỹ khai triển và áp dụng rộng rãi lý thuyết này vào lãnh vực xã hội. Năm 1971, R.L. Trivers đề nghị mô hình “vị tha hỗ tương” để biện minh cho việc chọn lọc những động thái xã hội không có họ hàng và cho phép áp dụng “vị tha” vào xã hội những loài có xương sống[8]. Năm 1975, E. O. Wilson đưa ra một tổng hợp về tân học thuyết của Darwin qua bộ sách“Sinh học xã hội, tổng hợp mới”[9], trong đó mô hình “sinh học xã hội” được áp dụng cho tất cả các xã hội động vật, kể cả xã hội loài người.
Kể từ lúc đó, cuộc tranh luận gay gắt giữa những người chống và những người ủng hộ “sinh học xã hội” bùng nổ. Khởi đầu ở Hoa Kỳ, rồi lan sang Pháp và nhiều nước khác[10]. Theo một số tác giả, không thể chấp nhận lối lý giải tiến trình tiến hoá tới đời sống xã hội của loài người bằng hình thức tự động của việc chọn lọc thuận lợi gien “vị tha”. Những người chủ trương xã hội có ảnh hưởng tích cực trên động thái của mỗi cá nhân đã triệt để phủ nhận mô hình “sinh học xã hội”, vì cho đó là một thứ “tất định di truyền” hoàn toàn thoát khỏi vòng ảnh hưởng của xã hội.
Ngược lại, một số người lại biến “sinh học xã hội” thành ngọn cờ khoa học để bảo vệ quan điểm kỳ thị, vì lý do ưu việt di truyền của lớp người ưu tú trên những người khác (và thường hiểu ngậm một quyền ưu tiên này nhân danh lợi ích của chủng loại). Nhóm “sinh học xã hội” quan niệm gien như một cơ cấu tự lập và là yếu tố nền tảng của tiến hoá. Trong cuộc chiến trường kỳ để tự xác định mình chống lại những “gien” khác, hình thức liên đới duy nhất có thể chấp nhận là thứ liên đới giữa các “gien” có đặc điểm giống nhau hoặc tương hợp. Theo họ, trong thực tế, chẳng hề có thái độ xã hội thực sự vị tha và vô vị lợi. Những hành vi vị tha, có chăng, chỉ giới hạn nơi những cá nhân có cùng phân tử di truyền, như trường hợp họ hàng, hoặc đối với những người có thể giúp đỡ chúng ta, chẳng hạn hàng xóm hay thành viên của cùng một cộng đoàn, v.v.. Nói một cách triệt để và nền tảng, rất nhiều lần chúng ta tưởng mình hành động độc lập, theo lương tâm và công lý, trong khi thực ra chúng hoàn toàn nhắm mắt đi theo chiến lược duy lợi của các “gien”.
Thái độ ủng hộ và chống đối “sinh học xã hội” thường dựa trên lý do chính trị và ý hệ. Rất tiếc, những lý do này đã giản lược hoá và bóp méo viễn tượng khoa học. Một số nhà khoa học phê bình hành động đơn giản hoá hàm chứa trong diễn ngữ “gien vị tha” hay “gien ích kỷ”. Một số người khác phủ nhận chính viễn quan chọn lọc, mà “sinh học xã hội” đã coi như viễn quan căn bản và tổng quát.
Trong mấy thập niên sau cùng này, nồng độ của các cuộc tranh luận đã giảm nhẹ. Sinh học xã hội đã giới hạn lãnh vực nghiên cứu và đi vào chuyên môn hơn để trở thành một bộ môn khoa học như những bộ môn khoa học khác. Có thể nói sinh học xã hội hiện nay không còn bao hàm lãnh vực tập tính học và phong tục học (Ethology), như giai đoạn đầu tiên. Trên thực tế, việc nới rộng sang lãnh vực tập tính và phong tục học đưa đến nguy cơ giản lược hoá các hiện tượng và do đó thiếu chính xác.