Nhận Định về bản Thông Báo của HĐGMVN

Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại
nhận định về bản Thông Báo của HĐGMVN
liên quan tới việc ô nhiễm biển miền Trung

Ngày 29.05.2016
Thư gởi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 
Kính thưa Đức TGM Chủ tịch HĐGMVN,
quý Đức Hồng Y và Giám Mục trong HĐGMVN
Ngày 30 tháng 4 năm 2016,  nhân danh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức TGM Chủ Tịch đã ra Thông Báo nói lên quan điểm của HĐGMVN về biến cố thảm hoạ môi sinh dọc theo bờ biển các tỉnh miền Trung.
Là những tín hữu dấn thân trong các hoạt động trần thế, chúng con có mấy nhận định về biến cố nhiễm độc môi sinh và về bản Thông Báo.
Việc ô nhiễm vùng biển miền Trung đã trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân, đặc biệt các lớp dân nghèo sống bằng nghề đánh cá, biến chế hải sản và dịch vụ du lịch… Người dân các tỉnh miền Trung đang lâm vào cảnh khốn cùng, cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ đòi hỏi chính quyền phải mau chóng xác định nguyên nhân và kịp thời có những biện pháp hữu hiệu, hầu hạn chế tối đa sự tác hại tức thời và trong tương lai xa. Đã không đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó, chính quyền lại còn ra tay sử dụng bạo lực để trấn áp những đòi hỏi minh bạch hóa của họ, ra sức bưng bít và đánh tráo sự kiện bằng cách đưa ra đủ thứ giả thuyết mơ hồ về nguyên nhân.
Thông báo do Đức TGM Chủ Tịch kí là tiếng nói chính thức của toàn thể các giám mục việt nam, với tư cách là những Thầy Dạy trong Giáo Hội, nhằm đưa ra quan điểm của mình trước một sự kiện nghiêm trọng đang gây hoang mang và hoảng loạn nơi người dân. Nhưng bản Thông Báo đã làm nhiều người thất vọng. Thay vì nói lên sự đồng cảm của các đấng bậc làm thầy đối với con cái đang gặp nạn và yêu cầu nhà nước sớm tìm ra nguyên nhân, để kịp thời giải quyết thảm trạng và chặn đứng tác hại lâu dài, thì nó lại biến thành lời của tuyên giáo, mặc nhiên đóng ấn những tín hữu của mình là thành phần có khuynh hướng bạo động.
Gia trọng hơn, Thông Báo đã dùng một trích dẫn không hợp thời hợp cảnh từ thông điệp Laudato Si, để trốn tránh trách nhiệm của mình: “Về những vấn nạn cụ thể, trên nguyên tắc, Giáo Hội không có lý do để đề nghị một giải đáp dứt khoát…”  Để hiểu đúng mạch văn, cần đọc câu trước đó (60) của Thông Điệp: “Có nhiều quan điểm khác nhau khi phân tích hiện trạng (ô nhiễm môi sinh) và nhiều hướng suy nghĩ khác nhau trên đường tìm giải pháp thực thi.” Như vậy, Laudato Si muốn nói: Giáo Hội không có trách nhiệm đưa ra một giải thích rốt ráo về nguyên nhân gây ô nhiễm phá hại địa cầu và không có trách nhiệm đề ra một lời giải chung quyết để giải quyết vấn đề. Tìm hiểu nguyên nhân là nhiệm vụ của các nhà khoa học và lựa chọn giải pháp thực thi là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo quốc gia. Hai nhiệm vụ này Giáo Hội không thể làm thay. Nhưng, vì hai công tác này luôn ảnh hưởng trực tiếp tới nhân sinh, nên Giáo Hội có bổn phận phải đưa ra những quan điểm và đường hướng dựa trên niềm tin tôn giáo của mình, để nhắc nhở và khuyến cáo các nhà khoa học và lãnh đạo trong khi hành động. Cụ thể, thông điệp Laudato Si đã dành cả chương 4, để đề nghị với thế giới những điều cần phải làm và phải tuân giữ trong nỗ lực làm sạch lại căn nhà địa cầu.
Câu trích dẫn trên một mặt muốn nói, Giáo Hội không có trách nhiệm truy tìm nguyên do cá chết. Thật ra, các nhà khoa học chân chính trong nước dư khả năng tìm ra nguyên nhân. Vấn đề ở đây là vì nhà cầm quyền cấm họ làm, muốn bưng bít sự việc vì một lí do nào đó.
Mặt khác, nó cũng cho biết rằng, HĐGMVN „không có lý do“ để nói gì trước sự tàn phá môi trường sống ghê gớm và trước hoàn cảnh thảm thương vô vọng của hàng triệu người dân việt nam. HĐGMVN chỉ biết „lo lắng“, „cũng ước muốn chia sẻ với bà con…“ và yêu cầu tín đồ không được „quá khích, ảnh hưởng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật.“
Một nội dung lạ lẫm và vô cảm trước nỗi đau của đồng loại như thế không xứng với cái Tâm và cái Tầm của Giáo Hội công giáo việt nam. Như thế, thì phải hiểu thế nào đây về biến cố nhập thể và nhập thế của Ngôi Hai Thiên Chúa? Phải hiểu thế nào đây về huấn giáo của công đồng: „Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ..“ (1, Gaudium Spes)?
Với lá thư này, chúng con muốn được quý Giám Mục trong HĐGMVN cho chúng con biết: Lối hiểu của chúng con về bản Thông Báo của Hội Đồng như trên có bất cập không? Và đặc biệt yêu cầu quý Đức Cha trong Ban Thường Vụ HĐGMVN cho chúng con hay, do đâu quý Đức Cha đã chọn một một quan điểm giảng dạy như thế?
Chúng con mong nhận được hồi âm sớm và cầu chúc quý Đức Cha sáng suốt và can đảm.

Phạm Hồng-Lam
(Điều Hợp)
Nơi nhận:
– Đức TGM Chủ Tịch và toàn thể các Giám Mục trong HĐGMVN