Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật Paris

CHIỀU SINH HOẠT VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
DIỄN THUYẾT HỘI LUẬN & VĂN NGHỆ
Nguyễn Mây Thu
        Buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật của CLBVHVN PARIS với chủ đề “Diễn Thuyết Hội Luận & Văn Nghệ” đã được tổ chức vào ngày 02-04-2016 tại Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội, số 23 đường Mesnil, Paris quận 16 với sự hiện diện của những khuôn mặt quen thuộc trong giới sinh hoạt Văn Hóa trong Cộng Đồng người Việt ở Paris.


        Mở đầu chương trình bằng nghi lễ chào quốc kỳ VNCH và một phút mặc niệm. MC, họa sĩ Nguyễn Đức Tăng ngỏ vài lời cảm ơn và tường trình cùng quan khách: “CLBVHVN Paris đã từng tổ chức những chiều sinh hoạt như  Thu Tao Ngộ, Hương Thu Paris v.v... Nội dung của những buổi sinh hoạt đó tuy có khác nhau nhưng tựu trung đều là để giới thiệu, ra mắt các tác phẩm của các văn nghệ  sĩ như: Nguyễn Hữu Nhật, Đặng Văn Nhâm, Du Tử Lê, Lưu Nguyễn Đạt, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phan Khâm, Vũ Hối, Nguyễn Thị  Vinh, Lê Trọng Nguyễn, Như Hoa Lê Quang Sinh, Trương Anh Thụy, Trùng Dương, Vũ Nam, Sương Mai, Dư Thị Diễm Buồn, Phong Thu, Tiểu Thu, Tôn Nữ Mặc Giao.v.v... Về phần tổ chức buổi nói chuyện cho các thi, văn, nhạc sĩ ở Na Uy có nhà văn Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Hữu Nhật; Đan Mạch có nhà báo Đặng Văn Nhâm; Anh có nhà báo Mạc Kinh; Đức có nhà văn Vũ Nam; Nhật có nhà văn Đỗ Thông Minh; Thụy Sĩ có nhà văn Nguyễn Thùy; Canada có luật sư, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình; Hoa Kỳ có nhà văn Hà Bỉnh Trung v.v... Về phần tổ chức trình diễn nhạc có các nhạc sĩ: Phạm Duy, Lê Dinh, Phạm Mạnh Cương, Trường Sa, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Lê Đô, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyệt Ánh v.v...”

        Tiếp theo, Chủ tịch CLBVHVN Paris, nhà thơ Đỗ Bình phát biểu: “Vào những dịp xuân này, hôm nay cũng như những lần khác chúng tôi đã cố gắng thực hiện và đã từng tổ chức những buổi ra mắt tác phẩm. Trong suốt quá trình 20 năm có một số các văn nghệ sĩ như ở Na Uy nhà văn Nguyễn Hữu Nhật đã qua đời, nhà văn Nguyễn Thị Vinh vẫn còn sống. Ở Canada luật sư Nguyễn Đăng Trình sau khi sinh hoạt lần cuối với chúng tôi đã qua đời. Ở Luân Đôn nhà báo Mạc Kinh người từng viết trong tờ Đại Chúng, Dân Chúng cũng vừa mới qua đời. Trên tiến trình văn hóa còn có được như ngày hôm nay là do sự bỏ ra công sức của rất nhiều người, trong số nhiều người đó đã từng sinh hoạt trong CLB, và nay họ đã ra đi! Do đó thời gian qua chúng tôi cố gắng để thực hiện một cuốn sách: Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Paris để ghi lại những đóng góp của các vị đó đã đóng góp tâm trí, công sức cho văn hóa dân tộc ở hải ngoại, và cuộc chuẩn bị suốt hai năm cho đến bây giờ coi như đã được hoàn chỉnh ở trên mặt hình thức và nội dung. Tôi xin cảm ơn ca sĩ Tuyết Dung, là một thành viên của CLB, và là giám đốc của trung tâm đã có nhã ý cho chúng tôi mượn cơ sở làm nơi hội họp. Sau đó là nhà quay phim Võ Anh Tuấn, một khuôn mặt trẻ đã nhiều năm sinh hoạt giúp đỡ rất nhiều người. Với nhiệt tâm đó tôi đã mời anh vào để ghi lại những kỷ niệm đẹp của CLB. Ca sĩ Kim Thu, một kỹ sư cũng từ  CLB mà ra và trở thành một ca sĩ hàng đầu của Paris giống như Tuyết Dung. Kim Thu có nhiệm vụ đến đón Luật sư  Trần Thanh Hiệp, liên lạc với GsTs Hoàng Đức Phương để  lo projecteur cho buổi hôm nay. Cuối cùng là Kỹ sư Lê Minh Triết một khuôn mặt nổi của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, nhiều nhiệt tâm, rất khiêm nhường, sinh hoạt trên rất nhiều mặt, anh lo về trang trí và kỹ thuật âm thanh. Ngày xưa bước vào Ba Lê Thi Xã tôi là người trẻ nhất, bây giờ  trong những khuôn mặt ở đây của Ba Lê Thi Xã chỉ còn Nữ sĩ Tôn Nữ Quỳnh Liên, Thi sĩ Phương Du, Nữ sĩ Phạm Thị Nhung và tôi. Hôm nay trong sinh hoạt tôi có mời các người trẻ đến sinh hoạt đ00ể các anh chị thấy CLB cần tuổi trẻ vô cùng”.

        Sau đó nhà thơ Đỗ Bình giới thiệu người cao niên nhất trong CLB là Bác sĩ Nguyễn Bá Hậu, nhà thơ Phương Du 92 tuổi, mời ông lên phát biểu: “Văn hóa là một điều bao gồm những thành tựu của các hoạt động thuộc đủ mọi ngành của một dân tộc. Nó luôn luôn biến đổi theo dòng thời gian, mỗi ngày một tiến triển nhanh hay chậm cho hợp với nhu cầu của tình thế. Văn hóa càng phát triển thì mức sống của nhân dân, nhất là dân trí, cũng sẽ được nâng cao. Ý thức được điều này chúng tôi đã lập ra CLBVH Ba Lê từ hơn 20 năm nay để đóng góp một phần nhỏ vào sự vun bồi văn hóa Việt. Mong rằng trong tương lai CLBVH sẽ có nhiều vị vui lòng cộng tác với chúng tôi để cho CLB được mãi mãi trường tồn”.

        Chương trình gồm có diễn thuyết, hội luận, văn nghệ , sau cùng là nói về việc xuất bản “Tuyển tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Paris”. Tường trình về sự thực hiện tuyển tập này, Giáo sư Trần Văn Cảnh cho biết : “ Trong Chiều Văn Học Nghệ Thuật “Hương Mùa Hạ” ngày 29-06-2014, tiếp nối truyền thống của những nhà văn hóa xưa, như Nguyễn Trãi (1384-1442), Lê Quý Đôn (1726-1781), Phan Huy Chú (1782-1840), chúng ta đã đưa ra một dự án tổng quát về sinh hoạt văn hóa, xác định đường hướng văn hóa của chúng ta nhằm góp phần xây dựng và lưu tâm gìn giữ phát triển sự trong sáng của tiếng Việt. Tiếp theo đó là buổi sinh hoạt VHNT “Paris Chiều Tưởng Nhớ” ngày 26-10-2014, chúng ta đã quyết định đề nghị một dự án làm việc ngắn hạn và cụ thể nhằm thực hiện một tác phẩm văn học, lấy tên là “Tuyển Tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Paris”. Động lực chính thúc đẩy chúng ta làm ra dự án này là sau khi duyệt qua 4 tác phẩm nói về văn học văn chương hải ngoại: Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca VN Hải Ngoại (1975-2000); Lưu Dân Thi Thoại (1975-2000); Khung Trời Hướng Vọng (2005); Kỷ Yếu 20 Năm Văn Học Cội Nguồn (1993-2013). Chúng ta nhận thấy rằng thiếu một tác phẩm tập thể của CLBVHVN Paris. Năm 2015, các thư ngỏ được gửi đi và chúng ta bắt đầu thu góp bài vở của các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, đến hôm nay tính được 34 bài trong đó có 12 bài nói về tác phẩm và tác giả, các bài còn lại liên hệ đến sáng tác của mỗi tác giả về một đề tài văn hóa, nghiên cứu văn học. Nhìn chung vào các dàn bài tóm lược của các đề tài này, nội dung chủ yếu của văn hóa Việt Nam đạt được từ buổi họp vừa qua đã đi theo đúng hướng nội dung tiên liệu vào ngày 29-06-2014 và ngày 26-10-2014. Chúng tôi vui mừng nhìn thấy kết quả cụ thể của CLBVHVN Paris qua Tuyển Tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Paris, nhìn thấy sự đóng góp hăng hái vào việc xây dựng văn hóa Việt Nam tỏ lộ phong cách, trách nhiệm của người làm văn hóa. Chúng tôi hy vọng sẽ thực hiện xong việc in ấn và gửi đến quý bạn đọc tuyển tập trong năm 2016 này và hy vọng sẽ được quý bạn đọc đón nhận như một cố gắng đóng góp vào gia tài văn hóa Việt Nam của chúng ta”.

        Phần văn nghệ được bắt đầu bằng giọng ngâm sa mạc, thơ ca dao, của GsTs âm nhạc Quỳnh Hạnh vẫn với tiếng đàn tranh réo rắt quen thuộc. Sau đó nhà thơ Đỗ Bình chọn và giới thiệu một bài thơ tiêu biểu của Thanh Tâm Tuyền “Lệ Đá Xanh” được ca sĩ Tuyết Dung diễn đọc. Theo nhà thơ Đỗ Bình bài thơ này được một số các nhạc sĩ phổ nhạc rất hay và âm hưởng tứ thơ của bài này đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết nên ca khúc Nửa Hồn Thương Đau. Tiếp nối nghệ sĩ Thúy Hằng trình bày một nhạc phẩm của Lê Uyên Phương, Dạ Khúc Cho Tình Nhân đệm đàn guitare của thi, nhạc sĩ Đỗ Bình và ca sĩ Kim Thu diễn ngâm đoạn thơ “Làng Tôi” của thi sĩ Phương Du cùng trình bày nhạc phẩm Tình Ca của Phạm Duy. Sau đó, trong phần hội luận, để thay đổi không khí, ca sĩ Tuyết Dung trình bày ca khúc Giao Mùa, thơ Phạm Ngọc do Lê Mộng Nguyên phổ nhạc.

        Bác sĩ Nguyễn Bá Linh thay thế MC, họa sĩ Nguyễn Đức Tăng giới thiệu Giáo sư Hoàng Đức Phương, Tiến sĩ trưởng cơ sở Việt Tộc luôn theo đuổi mục đích bảo tồn văn hóa truyền thống của Việt Nam. Thuyết trình về “Biến Thái Về Văn Hóa Dân Việt” ông phát biểu: “ Văn hóa tiếng Việt gọi là nếp sống. Văn là đẹp đẻ. Hóa là biến đổi. Văn hóa là biến đổi cách sống cho đúng với môi trường sinh sống làm sao cho đẹp đẻ. Như con cháu chúng ta phải thay đổi cách sống. Chúng ta cũng phải thay đổi cách sống vì môi trường sinh sống khác thì chúng ta phải khác. Đó là định nghĩa văn hóa. Còn bây giờ văn hóa từ đâu mà ra? Thoạt đầu là kinh nghiệm sống, sau vì chúng ta không hài lòng với cuộc sống của chính chúng ta, vì tinh thần cầu tiến nên mới có phát minh khoa học. Đại khái như computer là phát minh khoa học mới , chúng ta phải sống với môi trường computer chứ chúng ta không thể sống với môi trường đi xe đạp. Suy nghĩ của chúng ta lại khác. Từ đó đưa đến nếp sống vật chất, tư duy và tư tưởng thay đổi. Tư tưởng là mình phải sáng tạo ra một nếp sống tâm linh phù hợp với nếp sống vật chất. Tư tưởng sáng tạo phù hợp ở đây ta mới gọi là học thuyết nhằm phục vụ cho cá nhân, tập thể và nhân loại… Bây giờ tôi nói về sự đề kháng và giao lưu văn hóa. Xát nhập và hội nhập văn hóa làm cho cuộc sống hài hòa. Sức đề kháng là khi vào lúc nào cũng có người chống dựa vào hồn Việt, nếu cái hồn còn nhiều thì sức đề kháng rất mạnh. Nếu chúng ta mất cái hồn rồi thì chúng ta mất gốc. Vì vậy phải để cho con cháu chúng ta khôi phục lại hồn Việt. Thế nào là hồn Việt? Quý vị biết rằng Hồn và Tâm là hai cái chính của con người. Con người Việt cần phải có hồn Việt và tâm Việt, có tinh thần tự trọng, cầu tiến, phải biết sống với mình và biết sống với người, đó là tâm Việt...”

        Phần diễn thuyết thứ hai do Luật sư Trần Thanh Hiệp nói về Nhóm Sáng Tạo: “Ở Nam Việt Nam, miền tự do có hai nhóm gọi là Tự Lực Văn Đoàn và Nhóm Sáng Tạo là những người đã gây được biến cố về văn học sử. Nhóm Sáng Tạo là tên một tờ báo xuất bản hàng tháng ra đời từ tháng 10 năm 1956, ngưng lại, rồi ra bộ mới có được chừng 10 số thì tự ý đình bản vào năm 1962. Những người ở trong nhóm nồng cốt xem nhau như gia đình thân thiết cùng nhau sinh hoạt gồm có: Các họa sĩ: Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn; Thanh Tâm Tuyền (tác giả Lệ Đá Xanh), Nguyễn Sỹ Tế (Người Sông Tương), Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Quách Thoại, Nguyên Sa Trần Bích Lan, Cung Trầm Tưởng, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn), Nguyễn Văn Trung (Hoàng Thái Linh), Doãn Quốc Sỹ, Thảo Trường, Viên Linh, Trần Dạ Từ, Trần Thị Nhả Ca, Vĩnh Lộc, Thạch Chương (Cung Tiến), Vương Tân (Hồ Nam), Hoàng Anh Tuấn… Nhóm Sáng Tạo chủ trương đổi mới hào khích nhưng những công việc mà Sáng Tạo đã làm là làm với sức mình và với hoàn cảnh lúc đó cho phép. Hoàn cảnh lúc đó là sao? Năm 1954, sau hiệp định Genève thì ở Bắc có một triệu người di cư vào Nam, dân miền Nam lúc đó phải tiếp thu một triệu người và một triệu người đã bỏ cả làng xá, mồ mả cha ông, tiền bạc , có nhiều người chỉ với hai bàn tay trắng. Tất nhiên là trong cuộc di cư đó, bên nào cũng không phải là đời sống bình thường, người đi và người tiếp đón đều có sự chuyển động, hơn nữa về mặt quốc tế những lực lượng đánh nhau trong đệ nhị thế chiến ngoài mặt thì tìm cách để sống chung với nhau nhưng bên trong thì vẫn tiếp tục đánh nhau. Như vậy tất cả ở một biến động như thế đã có ảnh hưởng đến những người cầm bút, viết văn làm thơ hay cầm cọ để vẽ. Tất nhiên phải có cái gì nói. Văn nghệ không phải là nói chuyện tào lao mà phải tìm ra, nói cái gì gọi là đẹp tạo nên cho người ngoài những mỹ cảm đem đến làm cho người ta rung động. Thạch Lam viết trong cuốn Theo Dòng có nhận xét như sau: “Những phong trào nước ta bất cứ phong trào gì đều có một tính chung là nông nổi chỉ hời hợt bề ngoài, cái mà chúng ta thiếu nhất là sâu sắc, bởi chúng ta không chịu phân tích kỹ về một vấn đề gì, chúng ta cũng không biết được một cách rõ ràng và chu đáo, thấu suốt, mà tâm hồn người ta lại là một vật khó hiểu nhất, những trạng thái tâm lý trong lòng người rất phiền phức kín đáo và uyển chuyển, những người hiểu biết và thành thực rất hiếm, phần nhiều chỉ là a dua. Những cảnh mà các nhà văn ấy bày ra trước mắt không làm cho ta rung động mà những hành vi và tâm lý của các nhân vật trong truyện bởi không nhận xét đúng nên không thật. Sự thành thực chưa đủ cho nghệ thuật nhưng một nhà văn không thành thực không bao giờ trở nên một nhà văn giá trị”. Mai Thảo nói rằng: “Văn học nghệ thuật mặc nhiên không thể còn là thuật tả chân của Nguyễn Công Hoan, lãng mạn lối Thanh Châu, những khái niệm Xuân Thu, những luận đề Tự Lực, những trào lưu cạn dòng, phải nhượng bộ dứt khoát cho những ngọn triều lớn dậy thay thế...” Đó là điều chúng tôi suy nghĩ vào thời điểm 1956 ở miền Nam. Anh em trong Nhóm Sáng Tạo nói làm mới tức là phải thay đổi những phương pháp để đi tìm những rung cảm của mình, những hình thức thích hợp diễn tả ra để khi người ta đọc những tác phẩm người ta nắm bắt được một phần nào. Việc làm của Nhóm Sáng Tạo là muốn thay đổi cách nhìn của văn nghệ sĩ và tìm cách để văn nghệ sĩ diễn tả những điều mà mình rung cảm được và làm cho người khác cảm động. Theo lời nhà phê bình Thụy Khuê, là người đã nghiên cứu rất nhiều sinh hoạt về văn nghệ, tác giả của cuốn Nhân Văn Giai Phẩm: “Trên thực tế Nhóm Sáng Tạo đã gây được ngọn triều lớn trong giai đoạn 1954-1960 tương tự như Tự Lực Văn Đoàn những năm 1933-1943, thổi luồng gió mới vào sinh hoạt văn nghệ làm thay đổi bộ mặt văn thơ Việt Nam. Đó là nhận xét của một người phê bình, không phải hồ đồ mà là người đã nghiên cứu và suy nghĩ thì tôi mong rằng quý vị ghi nhận đã có người nói như thế... ”

        Phần bàn luận được diễn biến khá sôi nổi, bắt đầu là nhà thơ Đỗ Bình(ĐB):
- Ngày xưa hàng ngàn năm trước, người Việt Nam nói chữ Trời là gì và khác ngày hôm nay chỗ nào?
- Gs Hoàng Đức Phương(HĐP): Lùi lại gần đây lấy tài liệu của ông Đào Duy Anh viết về chữ Nôm thì ngày xưa mình gọi ông Blời (Trời), ông Blăng (Trăng), con Tâu (Trâu). Mình cười nhưng thực ra đó là tiếng gốc của mình đấy. Tiếng nói của tiếng Việt rất là quan trọng cần được phân biệt. Chữ Quốc ngữ bắt đầu từ nguyên âm gọi là chính vận. Không có chính vận không có chữ. Phần trên là sự tổng hợp của tất cả các phụ âm gọi là bộ luật. Phần thêm vào là phần chính biến đổi đi, thường khi thay đổi tiếng nói người ta thay đổi bộ luật. Ngày xưa đọc “Bl”, bây giờ đọc “Tr”. Đó là biến hóa tự nhiên, biến thái của tiếng nói.

- ĐB: Thưa anh chữ “biến thái” là chữ Việt, chữ Hán hay chữ Nôm?
- HĐP: Là chữ Việt chứ. Tôi nói rõ ràng nếu là chữ Hán thì ngày xưa chưa có người Hán, họ chỉ là dân di trú sang.

- Nguyễn Bảo Hưng (NBH): Tôi xin góp thêm về chữ “biến thái”. Theo tôi hiểu giáo sư dùng chữ biến thái là biến đổi trạng thái phải không? Vậy khi tôi nói rằng chữ “biến thái” nếu dùng về văn hóa nghĩa là biến đổi trạng thái văn hóa. Nếu chúng ta xét về mặt văn hóa thì nó thuộc về đời sống tâm linh nhưng chúng ta không thể bế quan tỏa cảng như thời Tự Đức để chịu thua thiệt. Trái lại nếu tiếp thu hội nhập để phát triển cái của ta. Thí dụ bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan theo Đường Thi, bài thơ của Thế Lữ- Hổ Nhớ Rừng- thì lại khác, ảnh hưởng thơ Tây Phương. Thí dụ thứ hai, như chúng ta vẫn còn tiếp tục nghe bản nhạc Áng Mây Chiều hay Đêm Thu, hội nhập, nhưng nó biến thành xương máu của ta thì tôi nghĩ nó cũng là biến thái nhưng chúng ta thấy có tâm hồn Việt Nam, nó đâu còn là biến thái nữa bởi vì nó đâu có đổi ra thành trạng thái là hoàn toàn Tây Phương.

- Gs Trần Văn Cảnh (TVC): Đổi mới có hai điều là gạt bỏ các phong tục, hủ tục cũ , đưa cái gì mới vào. Người ta chỉ sáng tạo khi nào người ta muốn đưa một cái mới, sửa lại cái cũ là cái gì xấu. Tôi muốn hỏi cần tiến triển, muốn sáng tạo, bỏ cái cũ thì cái cũ có điều xấu không? Tại sao lại bỏ? Cái mới là mới ở chỗ nào? Tại sao lại đưa vào mình có thích hợp không?

- Ls Trần Thanh Hiệp (TTH): Tôi xin trả lời anh Cảnh rằng cái cũ thay vào cái mới không phải là cái cũ hay hơn, tốt hơn hay xấu hơn bởi vì chữ tốt với chữ xấu không thể so sánh được. Người Việt gặp nhau bắt chước người Tây Phương bắt tay, người Nhật thì cúi đầu, không thể nói rằng kiểu chào của người Nhật hay hơn, tốt hơn. Đó là cách mình thích ứng vào đời sống lúc đó họ chấp nhận thế thôi. Văn hóa là thứ gì để con người thích ứng nhưng cách phải giải quyết được nhu cầu của đời sống và nhu cầu cơ bản đó là phải làm thế nào để cho sự sống được tích cực không bị đe dọa và sống dưới những hình thức nào thì phải thích hợp còn nếu cứ sống như cũ thì không được cho nên tôi xin nói là không có sự so sánh nào tốt hay xấu.

        Khách mời đa số là những người có ý thức quan tâm về vấn đề văn hóa Việt Nam, liên quan đến những biến chuyển trong đời sống của người Việt Nam ở hải ngoại, xát nhập và hội nhập, đề kháng và giao lưu văn hóa. Cuộc bàn luận vẫn còn đang kéo dài và trở nên rất lý thú hào hứng, đề tài thuyết trình hôm nay quá rộng lớn mà thời gian lại có giới hạn nên phần văn nghệ hầu như phải nhường chỗ cho các diễn giả để mỗi người được tham dự và bày tỏ ý kiến của riêng mình.

        Trước khi chia tay, nhà thơ Đỗ Bình nêu lên một câu hỏi cùng Luật sư Trần Thanh Hiệp: “Tại sao Nhóm Sáng Tạo đang phát triển như thế lại ngưng lại?”. Và được Luật sư Trần Thanh Hiệp trả lời: “ Có người bảo rằng chúng tôi ngưng ngang xương, nhưng thật ra bên trong cũng có lý do. Chúng tôi ngưng là vì tự ý đình bản, vì rằng khi chúng tôi nói ở hoàn cảnh đặc biệt lúc đó có một khoảng trống chính trị khiến cho con người được tự do và chúng tôi đã tìm hiểu sự kiện làm thế nào để có sự tự do đó. Chúng tôi một mặt chống bạo lực ở miền Bắc, nhất định không cho đứng vào để chỉ huy, những người đem đến cho người ta những nếp sống rung cảm muốn điều khiển văn nghệ trị như chúng ta thấy là vụ Nhân Văn Giai Phẩm tháng 1-1956 nổ ra đàn áp. Đám người chúng tôi ngăn cái đó và chính quyền tại chỗ lúc đó chưa phải là chính quyền đầy đủ sức lực để mà thao túng lớp người văn nghệ sĩ, nhưng chúng tôi thấy rằng khi chính quyền tại chỗ đã lên rồi, nếu chúng tôi tiếp tục xuất bản thì phải chống. Vì đã chống bạo lực ở miền Bắc thì phải chống bạo lực ở miền Nam, khổ một nổi chúng tôi không phải làm những công việc đó vì mình nằm giữa hai lằn đạn. Nếu chúng tôi chống miền Nam thì chúng tôi giúp cho miền Bắc đàn áp. Miền Bắc sẽ khai thác chuyện đó, cho nên chúng tôi dùng hai quyền đặc biệt của người cầm bút: Tố cáo bạo lực, chúng tôi chống bạo lực mà mọi người nhìn thấy. Còn quyền thứ hai là chúng tôi im lặng không làm gì cả, bất hợp tác, cho đình bản nhưng vẫn tiếp tục với những danh nghĩa khác. Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền hợp tác với báo Văn. Đó là chúng tôi xử dụng quyền im lặng bất hợp tác bởi vì nói ra thì bất lợi cho đời sống của mọi người, cho nên chúng tôi tự ý đình bản. Bây giờ tôi xin nói ra để cho mọi người biết”.

        Chương trình kết thúc vào khoảng 18 giờ. Chủ tịch CLBVHVN Paris, nhà thơ Đỗ Bình tiễn chào các bạn và nói:“Chúng tôi chờ đợi điều này rất lâu và chúng tôi chỉ muốn những người là nhân chứng ở trong Nhóm Sáng Tạo để nói lên sự thật”.

Nguyễn Mây Thu
(Montpellier, 14-06-2016)