Người Việt tị nạn bị bắt giam ở Thái Lan: tháo gỡ từng bước

 Ts. Nguyễn Đình Thắng


Ngay khi vừa nhậm chức vào cuối tháng 8, vị tân Giám Đốc Sở Di Trú của Thái Lan tuyên bố quét sạch di dân bất hợp pháp và trục xuất tất cả ra khỏi đất Thái. Người xin tị nạn, kể cả những ai đã được LHQ công nhận tư cách tị nạn, bị “tai bay vạ gió” vì bị xem là di dân bất hợp pháp.
Cuối tháng 8, 147 người Tây Nguyên đến từ Việt Nam và 34 người Tây Nguyên đến từ Campuchia, tất cả đều theo Đạo Tin Lành, đã bị bắt trong đợt bố ráp đầu tiên. Trong những đợt bố ráp kế tiếp, các người xin tị nạn Pakistan và Syria, và 2 người Hmong đến từ Việt Nam đã bị bắt. Trong cuộc bố ráp gần đây nhất, ngày 12 tháng 11, hàng trăm đồng bào Khmer Krom theo Phật Giáo Tiểu Thừa đã kịp di tản để phòng thân.
 
Các bà mẹ trong trại tạm giam của sở di trú Thái Lan (ảnh của Dan Tran)


Vận động chính sách
Chính phủ Thái Lan không ký Công Ước LHQ về Quy Chế Người Tị Nạn, cho nên xem người tị nạn là di dân bất hợp pháp. Họ chỉ được thả ra để rời khỏi Thái Lan – hoặc hồi hương hoặc định cư ở một quốc gia thứ ba.
Tuy nhiên, BPSOS đã cùng với 7 tổ chức nhân quyền và từ thiện Thái Lan và quốc tế phối hợp với nhau để khai thác khía cạnh quyền của trẻ em. Vì Chính phủ Thái Lan đã ký Công Ước Quốc Tế về Quyền của Trẻ Em, cho nên giam giữ trẻ em hoặc tách lìa trẻ em ra khỏi cha mẹ của chúng là trái với luật quốc tế mà Thái Lan đã cam kết tôn trọng và bảo vệ.
Trong số người Tây Nguyên bị bắt vào cuối tháng 8 vừa rồi, có khoảng 60 trẻ em. Ngoài ra có 11 trẻ em trở thành bơ vơ vì tuy các em thoát được cuộc bố ráp nhưng cả cha lẫn mẹ đều bị bắt giam.
Chúng tôi đã vận động chính phủ Thái Lan trả tự do cho cả cha lẫn mẹ, nhưng chưa thành công. Chính phủ Thái Lan mới chỉ đồng ý trả tự do cho người mẹ cùng với các trẻ em, và chỉ trả tự do cho người cha trong trường hợp trẻ em không có mẹ.
Trên nguyên tắc, chính phủ Thái Lan đã đồng ý với đề nghị của chúng tôi. Nhưng Thủ Tướng Thái vẫn còn lưỡng lự, chưa chính thức ký ban hành văn bản về chính sách nhân đạo này. Nhóm các tổ chức vận động đang tiếp tục vận động.
Trả tự do từng đợt
Hiện nay có 44 bà mẹ đang bị giam ở Trại Tạm Giam của Sở Di Trú. Đó là những người có con vị thành niên – con của họ bị giam ở Trại Giam Trẻ Em. Trong số này có 14 bà mẹ có con dưới 5 tuổi.
Bước đầu tiên, các luật sư của BPSOS ở Thái Lan đang điều đình để sớm đưa các bà mẹ này đoàn tụ với con vị thành niên của họ ở Trại Giam Trẻ Em. Hiện có 6 bà mẹ đã ở sẵn ở đó cùng với con của họ. Chúng tôi tin rằng tất cả các bà mẹ này và con nhỏ của họ sẽ được trả tự do trong nay mai.
Còn lại là 18 bà mẹ và 2 người cha đơn hành với con trên tuổi vị thành niên đang bị giam tại Trại Giam của Sở Di Trú (chứ không phải Trại Tạm Giam). Các bà mẹ và 2 người cha này sẽ phải chờ văn bản của Thủ Tướng ban hành.
Tiền thế chân
Mỗi người lớn khi được trả tự do sẽ phải nộp tiền thế chân là 50,000 Baht, tương đương 1,500 USD. Ngoài ra, mỗi người lớn và con cái của họ sẽ cần khoảng 500 USD để tạm sống trong 3 tháng sau khi được trả tự do. Đó là thời gian để họ tìm kế sinh nhai.
Hiện nay, nhóm các tổ chức cùng hợp tác đã gây quỹ đủ cho 12 người. Một cặp vợ chồng người Việt ở Dallas đang gây quỹ 30,000 USD để giúp tiền thế chân cho 20 bà mẹ. Xem: https://www.facebook.com/donate/348105189286064/348105199286063/
Can thiệp để ngăn cản hồi hương
Cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees, Cố Vấn Thâm Niên cho các Đề Xuất Quốc Tế của BPSOS, đang có mặt ở thủ đô Bangkok của Thái Lan để phối hợp với toán hoạt động tại chỗ của BPSOS để vận động Cao Uỷ Tị Nạn LHQ và Toà Đại Sứ Hoa Kỳ can thiệp để ngăn ngừa việc cưỡng bức hồi hương những người Việt Nam đang xin tị nạn nhưng bị giam ở Trại Giam của Sở Di Trú.
Tuần qua, một phái đoàn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bộ phận về tự do tôn giáo quốc tế, có mặt ở Thái Lan. Cựu Đại Sứ Rees đã tiếp xúc với họ để kêu gọi sự quan tâm vì tất cả các người Tây Nguyên và người Hmong đi lánh nạn ở Thái Lan đều có lý do tôn giáo.
Cũng trong tuần qua, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, và Luật Sư Alex Sonsev, đến từ văn phòng ở Bangkok, đã tiếp xúc với một số cơ quan LHQ ở Geneva, Thuỵ Sĩ, để trình bày lý do các người Hmong và người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành đã phải xin lánh nạn ở Thái Lan, và kêu gọi LHQ bằng mọi cách bảo vệ cho họ.
Các tổ chức hợp tác
Các tổ chức hiện đang cùng nhau vận động cho các người xin tị nạn bị bắt trong các đợt bố ráp gần đây gồm có: BPSOS, People Serving People Foundation, Step Ahead, Life Raft, Fortify Rights, Asylum Access Thailand, Caritas và Asia Pacific Refugee Rights Network.
Tên gọi chung của chiến dịch vận động này là Freedom for Families Fund (FFF). Chiến dịch này đang hình thành một trang mạng để cập nhật thông tin và sẽ là nơi mà các nhà hảo tâm có thể đóng góp.