Cha Biển Đức THUẬN


Nghi thức thiết lập cuộc điều tra tuyên phong chân phước và tuyên thánh cho Vị Tôi Tớ Chúa – cha Biển Đức Thuận diễn ra vào lúc 12 giờ tại Hội trường tòa án của tòa Giám quản Roma, vào ngày 14-12-2018. Nghi thức được cử hành dưới sự chủ sự của Đức Cha Gianrico Ruzza, Giám mục phụ tá Giáo phận Roma.


Hiện diện tại Hội trường này có Tổng phụ Mauro Giuse Lepori, cha Ugo Tagni (Nguyên Viện phụ của Đan viện Casamari), Cha Gioan Baptista Trần Văn Chuyên (Viện trưởng Đan viện Fatima, và cũng là Nguyên Viện phụ của Đan viện Phước Lý), các cha và anh em của Đan viện Fatima, cũng như các anh em sinh viên của Phước Sơn, Châu Sơn, Phước Lý, An Phước, Phước Vĩnh đang lưu học tại Châu Âu.
Sau phần giới thiệu của vị công chứng viên của tòa án về các chức sắc hiện diện, trong đó có:
Đại diện giám mục: Đức Cha Gianrico Ruzza
Chánh án: Đức Ông Slawomir Oder, người Balan.
Công tố viên (Vị chưởng tín): Đức Ông Giuse D’Alonzo
Công chứng viên (Lục sự): Tiến sĩ Marcello Terramani
Thỉnh cáo viên: Cha Pierdominico Volpi, OCist. (Đan sĩ của Đan viện Casamari)
Cùng với Đức Cha Gianrico Ruzza, tất cả các vị này đã long trọng tuyên thệ trung thành chu toàn việc điều tra và thu thập tất cả các hồ sơ tài liệu về tiểu sử, các nhân đức và các phép lạ nói chung của Vị Tôi Tớ Chúa Biển Đức Thuận. Ngoài các vị trên, còn có một vị Công chứng viên khác; tuy nhiên, theo lời của cha Pierdominico Volpi, vị Công chứng viên này không tham gia vào tiến trình điều tra để phong chân phước cho Vị Tôi Tớ Chúa – cha Biển Đức Thuận.
Trong bài Diễn văn, Đức Cha Gianrico Ruzza đã tóm tắt cuộc đời của Vị Tôi Tớ Chúa – cha Biển Đức Thuận, cũng như công lao và nhân đức của ngài.

Nội dung chi tiết bài Diễn Văn

THIẾT LẬP ĐIỀU TRA TUYÊN PHONG CHÂN PHƯỚC VÀ TUYÊN THÁNH CHO VỊ TÔI TỚ CHÚA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN
ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA ROMA
NGÀY 14 THÁNG 12 NĂM 2018

Trong số các Thánh, có một số vị được nêu danh để được biết đến vì đời sống của các ngài là một bằng chứng xác thực về đức tin khi các ngài đã thực thi biết bao nhiêu điều nói lên sự khôn ngoan và bác ái, trong thời gian tại thế. Trong số các vị đó, chúng ta nhận thấy Vị Tôi Tớ Chúa – cha Biển Đức Thuận (Henry Denis), mà hôm nay, cuộc điều tra để tuyên phong phong chân phước và tuyên thánh cho ngài được chính thức mở ra.

Henri Denis sinh ngày 17/08/1880 ở Boulogne-sur-Mer, vùng Calaia. Ngài là người con duy nhất của ông Cyrille Denis và bà Anne-Marie Geffroy. Năm 8 tuổi, ngài đã mồ côi mẹ. Hai năm sau, cha của ngài tái hôn với một góa phụ tên Marie-Thérèse Adèle.

Henri Denis theo học tiểu học tại trường của các Sư Huynh ở Wimille, và học các lớp giáo lý do cha Eloy, phó xứ Wimille. Đến tháng mười 1892, Henri Denis gia nhập tiểu chủng viện Marquera, ở Boulogne. Sau khi tốt nghiệp Tú tài I, Henri Denis đến Lille để học tập và chuẩn bị thi Tú tài II, ban triết học tại học viện công giáo Lille.

Tháng mười 1900, Henri Denis gia nhập Đại chủng viện Arras, và lãnh nhận phép cắt tóc. Đến năm 1901, một bước ngoặt  quyết định cuộc đời của Henri Denis: Thầy Henri Denis từ giã Đại chủng viện Arras để vào Đại chủng viện của Hội Truyền giáo Paris. Theo năm tháng thụ huấn, thầy lần lượt lãnh nhận các Chức nhỏ, rồi các Chức lớn và cuối cùng được thụ phong Linh mục ngày 7 tháng ba 1903 dịp lễ thánh Tôma Aquinô.

Ngày 29 tháng tư 1903, cha Henri Denis cùng với mười ba vị tân thừa sai cử hành nghi thức lên đường truyền giáo. Cha nhận bài sai đến giáo phận truyền giáo Huế, thuộc Đại diện Tông tòa Bắc Đàng Trong.

Ngày 31 tháng năm 1903, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, cha đến Đà Nẵng. Vị Đại diện Tông tòa Huế lúc bấy giờ là Đức Cha Caspar Lộc, đặt cho cha tên Việt là “Thuận” và gửi cha đến giáo xứ Kim-Long để học tiếng Việt, đồng thời để giúp cha sở ở đấy là cha Dangelzer, thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Paris.

Ít lâu sau, ngài nhận bài sai làm giáo sư Tiểu chủng viện An-Ninh. Năm năm sau, tức vào năm 1908, ngài được vị Tân Đại diện Tông tòa Huế là Đức Cha Allys Lý cử đến giáo xứ Nước Mặn và ngài đã ở đó trong suốt năm năm. Trong thời gian này, ngài khao khát hiến dâng đời sống trong một đan viện. Đến năm 1913, lần thứ hai ngài trở lại làm giáo sư Tiểu chủng viện An-Ninh cho đến ngày mà ngài được phép ra đi thực hiện mộng ước của mình: Thiết lập một đan viện.

Ngày 15 tháng tư 1918, Đức Cha Lý đã gửi đến Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền giáo “Thư thỉnh nguyện xin thành lập một cộng đoàn cho nam giới”. Ngày 14 tháng tám năm đó, cha Denis Thuận cùng với một người bạn đồng hành duy nhất đi đến Phước Sơn và hôm sau, lễ Đức Mẹ lên trời, ngài dâng thánh lễ đầu tiên và bắt đầu đời sống đan tu tại đó. Đan viện mang tên “Nhà Dòng Đức Bà Việt Nam”. Dẫu rằng còn rất khó nghèo và thiếu thốn cơ sở vật chất, các ứng sinh tấp nập kéo đến. Ngày 2 tháng hai 1920, cha Biển Đức Thuận (đây là tên Dòng của ngài để thay cho tên gọi Henri Denis) lãnh nhận áo dòng và khởi sự năm tập. Ngài đảm nhận trọng trách Bề trên, kiêm giáo tập và điều hành trong cộng đoàn. Ngày 21 tháng ba 1923, cha Biển Đức Thuận và một vài anh em tuyên lời khấn tạm trước sự hiện diện của Đức cha Lécroart, Khâm sai Toà thánh. Một cách tiệm tiến đời sống đan tu hình thành từng ngày một, dẫu muôn vàn khó khăn, cộng đoàn kiên vững và phát triển khá nhanh chóng. Ngày 21 tháng ba 1926, cha Chabanon, cha chính giáo phận Huế chủ sự nghi thức khấn trọn của cha Biển Đức Thuận và của một vài anh em trong đó có cha Bênađô Mendiboure, vị thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Paris, đã gia nhập Phước Sơn từ ngày 20 tháng tám 1920.

Trước khi thành lập Phước Sơn, cha Biển Đức Thuận đã có ý sáp nhập Phước Sơn vào Dòng Xitô Cải cách (Dòng Trappe hay còn gọi là Xitô Nhặt phép) và ngài đã nhiều lần gửi thư thỉnh nguyện, nhưng đều bị từ chối. Cuối cùng ngài tiến hành các thủ tục để Phước Sơn sáp nhập vào Dòng Xitô Chung phép. Nhưng ngài đã ra đi vào ngày 25 tháng bảy 1933, chưa kịp chứng kiến việc sáp nhập được kết thúc tốt đẹp.

Cuộc đời của cha Biển Đức Thuận đã được ghi dấu bằng đức tính khiêm nhường và đơn sơ, cũng như bằng sự lựa chọn trở thành một tu sĩ và một nhà truyền giáo. Trong một ý tưởng thiêng liêng của mình, ngài đã viết rằng: “Chúng tôi hãy năng nhớ lại mà cám ơn Chúa, vì Chúa đã thương gọi chúng tôi vô dòng này. Thật là một ơn rất trọng. Các thánh nói, trừ ơn được chịu phép Rửa tội ra, không có ơn nào quý trọng bằng ơn thiên triệu này, đáng kể là chịu phép Rửa tội lần thứ hai, vì ơn vào dòng thì tóm lại hết các ơn thay thảy.” Như chúng ta đã biết, đời sống đan tu không gì khác hơn là sự tận hiến để làm sống lại một cuộc sống mới trong Chúa Kitô nhờ Bí tích Rửa tội và đổi mới trong việc tuyên khấn đời sống đan tu. Đây là nền tảng mà cha Biển Đức đã xây dựng lên tu viện của mình. Đây là sự thánh thiện mà ngài đã khao khát và mong muốn các đan sĩ của mình cũng có khao khát như chính ngài; vì vậy, ngài đã viết, trong những lời giáo huấn của mình cho các đan sĩ: "Trong trường học, chúng ta học chủ yếu kiến thức; nhưng trong ngôi nhà này chúng ta không có cùng mục đích đó. Chúng ta đến đây để học cách trở thành những vị thánh, chứ không phải học cách trở thành những người làm nông tài giỏi ... Đan viện không có mục đích nào khác ngoài việc giúp chúng ta yêu mến Chúa và để Ngài yêu mến chúng ta. Đây là mục đích của chúng ta, vì vậy hãy để mọi người phấn đấu để đạt được mục đích đó! " Đối với một đan sĩ trẻ xin cầu con đường thánh thiện, ngài đã viết: "Cha thường nói với con rằng nếu con muốn trở thành một vị thánh, con phải tuân giữ Luật Dòng. Đó không phải là một công việc dễ dàng ... nhưng cha nói với con rằng chỉ cần giữ Luật Dòng là đủ, giữ trọn lòng yêu mến Thiên Chúa ... Hãy giữ Luật vì lòng mến Chúa, vì muốn đẹp lòng Chúa mình, muốn cho cha mình vui thấy con cái có lòng mến thật. Như vậy mới gọi là giữ Luật Dòng cho được nên thánh.”

Điều đặc thù là sự khát khao thánh thiện, được cha Biển Đức mô tả ở đây, không nhuốm màu của một sự bi quan tàng ẩn, bởi vì vào thời điểm đó, đôi khi là bình thường trong đời sống đan tu, nhưng là mang tính chủ nghĩa hiện thực lành mạnh và những thiệt thòi, cũng giống như sự không thể hiểu được về thế giới, đã trở nên như một bàn đạp để được hiệp nhất với Chúa. Ngài đã luôn viết trong các Di ngôn của mình: “Một thầy dòng thánh thì những sự anh em làm mất lòng mình, khó ở với mình, v.v… các sự hèn hạ như vậy, thì thầy có kể chi đâu, mà cũng không xét đến sự ấy nữa, chỉ chăm chú suy nghĩ và thao thức vì thấy người ta ít kính mến Chúa mà thôi. Cả ngày thầy chỉ tìm làm đẹp lòng Chúa, hằng kết hiệp với Chúa, an ủi Chúa và lo đến phần rỗi kẻ khác. Thầy hằng lo giữ như vậy, đến nỗi xem ra chỉ có chỉ có một mình Chúa với một mình thầy ấy ở thế gian vậy, “solus cum solo”. Ấy là thầy dòng nhất hảo. Hội thánh ước ao về chúng ta như vậy. Sự ấy rất phải, vì sẽ làm ích cả thể cho Hội thánh cách kín nhiệm [...]. Từ 20 thế kỷ này, có vô số thầy dòng. Các thầy dòng đi giảng, đi giúp các nhà thương, trường học: Thế gian có thể hiểu được. Còn như thầy dòng nguyện gẫm hãm mình như chúng ta, thế gian không hiểu được. Vì sao tìm đến nơi vắng vẻ rừng rú này, mà chẳng phải điên, cũng chẳng phải người vô tâm trí, như có người hiểu lầm như vậy… Vậy sự kín nhiệm dòng chúng ta là gì? Là hằng tìm Chúa, chuyện vãn với Chúa. Đó là sự kín nhiệm của chúng ta. Phước của chúng ta là đó rồi: Gặp Chúa, nói khó với Chúa, kính mến Chúa, kết hợp với Chúa… Kẻ gặp được Chúa như vậy, thật là thầy dòng.”

Đối với cha Biển Đức Thuận, đời sống đan sĩ trước hết là sự an bình và hân hoan với Đức Chúa theo nghĩa là ngài, đã giao hòa với chính mình, tìm thấy điều mà cuộc sống linh mục và truyền giáo của mình hằng tìm kiếm trong sự cần mẫn. Trước khi là một đan sĩ, ngài đã gặp khó khăn trong việc dung hòa giữa bản thân mình với Thiên Chúa bởi vì ngài nhận thấy bị phân rẽ giữa Thiên Chúa và những điều thuộc về Thiên Chúa. Người đan sĩ sống sự giao hòa cùng với những xung đột nội tâm: Thiên Chúa trở thành trung tâm của cuộc sống và mọi hoạt động của mình. Mọi việc, người đan sĩ sống với Chúa, vì Chúa và chỉ vì Chúa mà thôi.

Trong những bức thư gửi cho Đức cha Allys, cha Biển Đức Thuận, trong thời gian đầu của việc thiết lập Phước Sơn, đã có một quyết định rõ rằng về việc lựa chọn hướng đi theo Thánh Biển Đức và Hiến pháp của Dòng Xitô Canh Tân. Bởi vì, Tu Luật của Thánh Biển Đức nhấn mạnh tới sự quân bình, và sự cân bằng này được phản ánh qua cách sống khó nghèo và đơn sơ của các Đan sĩ Xitô. Theo cha Biển Đức Thuận, sự dư thừa và tính phức tạp sẽ là một sự cản trở lớn đối với đời sống đan tu. Chính cha Biển Đức Thuận cũng đã sống rất nghèo khó, nhưng thăng hoa nó trong sự đơn sơ và khiêm nhường. Nhân đức khiêm nhường này ngài đã được thừa hưởng lại từ người cha của mình, như lời khẳng định của người viết tiểu sử đầu tiên về ngài; ông viết rằng tiểu chủng sinh Henri Denis đã nỗ lực tận tâm học tập và nhiệt thành tuân giữ nội quy của Chủng viện. Ngoài ra, thầy còn chăm lo nhiệm vụ của mình ở phòng bệnh nhân với sự nghiêm túc và khiêm nhường.

Sống giữa những người dân Việt Nam, sự khiêm nhường và đơn sơ đã giúp ngài thực thi sứ vụ của mình một cách hiệu quả và cắm rễ trong cánh đồng truyền giáo. Trong việc thành lập đan viện Đức Bà An Nam, cha Biển Đức Thuận sống hết sức khiêm nhường và đơn sơ, thực sự đời sống đan tu – khó nghèo và đơn sơ – đã sinh hoa trái với ý nghĩa là làm chứng nhân Tin Mừng đối với những người đơn sơ và những người nghèo khổ, cũng như với ý nghĩa là Tin mừng này có thể được đón nhận đối với tất cả mọi người, ngay cả đối với những người không hiểu biết nhiều. Hơn nữa, đời sống đan tu – trong trường hợp Đan viện Đức Bà An Nam – là sự hài hòa theo nghĩa là cuộc sống này bao hàm cả sự thánh hóa cá nhân cũng như ơn cứu độ của những người khác.

Tất cả cuộc đời của cha Biển Đức Thuận luôn hướng tới việc truyền giáo. Ngài muốn trở thành một đan sĩ ở Hồng Kông, nhưng đã phải từ bỏ vì giấc mơ truyền giáo. Do đó, ngài đã tìm kiếm một cách sống cho phép ngài dung hòa hai mục tiêu vừa là một đan sĩ và vừa là một nhà truyền giáo. Trước khi thành lập Phước Sơn, vào năm 1913 ngài đã viết cho Đức cha Allys để giải thích về cách mà ngài đã tưởng tượng các đan sĩ tương lai của mình: vừa là các đan sĩ và vừa là tông đồ thông qua cầu nguyện, khổ hạnh, nhưng cũng bằng lời nói. Sau khi thành lập đan viện, hình ảnh về người đan sĩ mà ngài tưởng tượng đã thay đổi và các đan sĩ của ngài là các tông đồ thông qua cầu nguyện và khổ hạnh, lời nói đã không còn nữa. Tuy nhiên, trong các Hiến pháp và trong bản ghi chép về đan viện Đức Bà An Nam, cha Biển Đức Thuận đã viết là, hai mục tiêu này đã dung hòa rất tốt với nhau. Trong các lời giáo huấn cho các đan sĩ, ngài đã mời gọi các anh em của mình vượt qua mọi thử thách để thực thi bổn phận hàng ngày nhằm thánh hóa bản thân và đạt ơn cứu độ. Nếu cha Biển Đức Thuận sống hạnh phúc trong đan viện, thì đó là nhờ sự hài hòa giữa việc làm một người đan sĩ và một nhà truyền giáo. Ẩn mình trong các bức tường của đan viện và không ngừng cố gắng để trở thành một đan sĩ thánh thiện, thì tức là ngài đã luôn chu toàn nhiệm vụ truyền giáo của mình, theo một cách khác nhưng không kém phần hiệu quả. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng qua việc tìm kiếm liên lỉ của ngài, với lòng vâng phục ngoan ngoãn và luôn thuận theo, lắng nghe Chúa Thánh Thần là Đấng tác tạo và hợp nhất, cha Biển Đức Thuận bước vào một hành trình đưa ngài đến cùng đích của cuộc đời mình là Thiên Chúa. Thật vậy chỉ trong Thiên Chúa, tất cả mọi người đều hợp nhất trong tình yêu.

Hình ảnh rõ nét nhất của cha Biển Đức Thuận mà các đan sĩ của ngài và những người biết ngài ghi nhớ: Ngài là một người thánh thiện. Tuy nhiên, sự thánh thiện của ngài không bị coi như là một vấn đề của chủ nghĩa cá nhân, bị cô lập khỏi Nhiệm Thể (Corpus Mysticus); trái lại, đó là một biểu lộ trong chính sự thánh thiện của Giáo Hội. Hình ảnh của cha Biển Đức Thuận không bao giờ phai mời trong ký ức của các đan sĩ đã biết ngài và kể lại cho các đan sĩ của các thế hệ kế tiếp. Điều này là nhờ vào cuốn tiểu sử về ngài do Viện phụ Emmanuel Chu Kim Tuyến biên soạn. Cuốn sách này dựa trên những lời chứng trực tiếp của tác giả đã sống cùng thời với Đấng sáng lập, cũng như những lời chứng của những ai đã từng biết cha Biển Đức Thuận. Chủ đích của tác giả là trình bày hình ảnh của cha Biển Đức Thuận cho những người lương dân và những người Công giáo Việt Nam. Đối với những anh chị em lương dân, cuốn sách này nhằm giới thiệu tình yêu thương của Cha Biển Đức Thuận đối với họ. Còn đối với người Công giáo Việt Nam, cuốn sách này là một bằng chứng rõ ràng. Kể từ sau ngày ngài qua đời, lòng tôn kính đối với cha Biển Đức Thuận chưa bao giờ thuyên giảm nơi giáo dân và các đan sĩ.

Trong sự ghi nhớ của con cái cha Biển Đức Thuận, ngài không chỉ là một vị thánh, mà đối với họ, ngài vẫn luôn là "Đấng sáng lập", là người muốn đưa các đan sĩ của mình đến những nguồn mạch của Đan tu trào Xitô. Nền tảng của Đan viện Đức Bà An-nam hay Phước Sơn, vào năm 1918, bắt nguồn từ lời mời gọi của Thiên Chúa đối với cha Biển Đức Thuận; hai năm sau ngày ngài qua đời, tức là vào năm 1935, đan viện Phước Sơn đã chính thức được sát nhập vào Dòng Xitô Chung phép. Gồm có 34 đan sĩ ca sĩ (bao gồm 11 linh mục) và 71 trợ sĩ: ngoại trừ hai người, một người Pháp và một người Hà Lan, còn lại tất cả đều là người Việt Nam: Mong ước của cha Biển Đức đã được thực hiện. Nhưng sức sống của hạt giống của ngài vẫn tiếp tục sinh hoa kết trái và, mặc dù bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh tàn phá, cho đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam, ngày nay, từ hạt giống nhỏ bé đó, được gieo xuống bởi một "Đan sĩ nhỏ bé và khiêm nhường" vào năm 1918 đã trở thành một cây lớn với hàng ngàn đan sĩ nam nữ ở trong mười lăm đan viện, là những người đã nhìn nhận Cha Biển Đức Thuận là Đấng sáng lập và Đấng bảo trợ của họ.