Giới trẻ Sài Gòn và hoạt động nhân quyền



Nguyễn Quang

Hoạt động nhân quyền là việc làm phổ biến của sinh viên, học sinh Sài Gòn trước khi cộng sản chiếm miền Nam, nhất là đối với các nhóm sinh viên thiện nguyện thường nội trú tại các Cư xá của đại học hay các tổ chức tôn giáo.

Nhân quyền là hoạt động vì con người và phục vụ con người. Ngoài công tác sinh viên vụ tại các Đại học, các bạn có thể làm bất cứ công tác xã hội vào những ngày cuối tuần để mang lại một chút niềm vui hữu ích cho nhiều người, nhất là người nghèo. Sài Gòn trước 75 cũng đã có sinh viên tham gia Hòa Bình Xanh, thiên về bảo vệ môi trường


Nếu là sinh viên Y Dược tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Sinh viên Luật, Văn Khoa hớt tóc, phát quà, làm văn nghệ giáo dục nhằm thay đổi sinh hoạt cộng đồng, góp phần cho cuộc sống ngày càng tốt hơn. Lúc đó nhóm sinh viên chúng tôi ở Cư xá Đắc Lộ có Đài truyền hình Đắc Lộ, có lẽ người Sài Gòn trước 75 còn nhớ những chương trình phát sóng rất sống động và hiệu quả trong vai trò biến đổi xã hội, phát triển cộng đồng.

Sinh viên nhân quyền không tuyên truyền la lối, phô trương nhưng tác động mạnh mẽ đến giới trẻ, nhất là những khu lao động, cư dân nghèo ngoại ô, cụ thể như sinh viên Đắc Lộ, Phục Hưng, Minh Mạng đã ảnh hưởng lớn đối với sinh viên Sài Gòn. Riêng Trung tâm sinh viên Đắc Lộ có cả thư viện qui mô chỉ sau thư viện Quốc Gia. Một Cư xá thật tuyệt vời về mặt tổ chức với tôn chỉ "Thành Nhân", nguyên ngữ của lời thề bằng tiếng La tinh "ESTO VIR".

Trung tâm sinh viên Đắc Lộ sau 1975 bị Nhà nước CS tịch thu và biến thành tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

Sự tấp nập trong sinh hoạt của giới trẻ Việt Nam tại đây vì nhân quyền bao gồm nhiều lĩnh vực. Cả thượng tầng cơ cấu mở ra nhiều khuynh hướng chính trị dấn thân, tôn giáo với đạo nhập thể, đạo vào đời và hạ tầng chú ý đến nông thôn, vùng ngoại ô các thành phố lớn. Đặc biệt hoạt động tinh thần của sinh viên thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo để hiểu rõ về quyền con người nhằm giải quyết vấn đề: Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Và tôi có quyền hy vọng những gì?

Thực tế như khi Hiệp định Paris vừa ký kết đã có LS Nguyễn Văn Huyền, nguyên Chủ tịch Thượng Nghị viện đến thuyết trình và nhiều nhân vật danh tiếng khác. Giáo sư Bác sĩ Billings từ Úc châu nói về sự sống của thai nhi và phương pháp ngừa thai tự nhiên. Như Giáo sư địa chất Trần Kim Thạch đã hướng dẫn trước cho sinh viên sự nhận thức về dầu lửa và Biển Đông.

Vào buổi giao thời 1975, Giáo sư Lý Chánh Trung có đến đây trong một buổi hội thảo và sự cố xảy đến khi Ông tuyên bố "Bây giờ chỉ có hai con đường chọn lựa, hoặc theo Cách mạng (CS) hay là bị bánh xe lịch sử nghiền nát ". Lập tức với sự phản ứng quyết liệt đầy phẫn nộ của sinh viên.

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận ngay sau khi nhậm chức Tổng Giám mục phó Sài Gòn cũng đến Trung tâm sinh viên Đắc Lộ với huấn từ về sự dấn thân, tôn trọng sự khác biệt, phục vụ tha nhân dù trong hoàn cảnh nào. Ngài nhấn mạnh về đức yêu người và sự tha thứ chính là yếu tính để nhân loại sinh tồn.

Hoạt động của sinh viên nhân quyền là vậy, nhằm thăng tiến cá nhân, con người như một nhân vị, để nhằm biến đổi xã hội ngày càng nhân bản hơn. Cho đến hôm nay dù sinh viên nhân quyền mỗi người trên những nẻo đường khác nhau, vẫn trong lý tưởng Thành Nhân như vậy.

Phần lớn sinh viên nhân quyền bị tù tội sau 75, mặc dù anh em không ai có hành vi bạo động. Một cách kín đáo phổ biến Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền giúp mọi người hiểu rõ quyền con người để bớt sợ hãi, can đảm sống dưới chế độ cộng sản.

Nhưng Cộng sản kết tội là tội từ trong tư tưởng.

Thậm chí chụp mũ và kết án oan vô số người miền Nam, trong đó gần hết các Cha Dòng Tên Việt Nam và nhiều sinh viên tại trung tâm Đắc Lộ bị bỏ tù.

Sau khi ra tù, anh em từng hoạt động nhân quyền tập họp thành lập ngay trường dạy nghề cho giới trẻ, Trường Công Nghệ Yersin Đà Lạt, với đội ngũ giảng dạy gồm các giáo sư, trong đó có giảng viên Đại học Bách Khoa, ngày trước là Đại học Kỹ thuật Phú Thọ với chủ trương thanh niên Việt Nam phải có ngành nghề và một đất nước không cần nhiều tiến sĩ song cần nhiều thợ giỏi. Với một đội ngũ toàn Giáo sư Tiến sĩ, nhưng kiên quyết không mở Đại học bởi vì cùng nhau chủ trương muốn Việt Nam phát triển phải xây dựng Trường Nghề. Rất tiếc chẳng bao lâu bị đóng cửa, bị chụp mũ với nhiều lý do vô cớ, song chính yếu họ rất sợ tiến đến thành lập Công đoàn, khiến hơn 2000 sinh viên, học sinh Tây Nguyên mất tay nghề ở tương lai.

Không mở được trường thực hành, chúng tôi mở Diễn đàn Đại học Nhân quyền online để phổ biến kiến thức nhân quyền, những chương trình hướng nghiệp cho giới trẻ và tiếp tục với Viện Nhân Quyền Việt Nam ngày nay. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ mở lại Đại học Nhân Quyền để phổ biến kiến thức lãnh đạo cho viên chức từ địa phương đến trung ương dưới chế độ tự do, nhân bản. Giới trẻ ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin trong thế giới phẳng, tuổi 17 có thể ra lãnh đạo đến 30 đủ trưởng thành trên phạm vi quốc gia.

Vào năm 2014, với sự đồng ý và cổ xúy của:
_ GS Nguyễn Đăng Trúc, Chủ tịch Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ, Paris, cùng nhiều nhân sĩ, trí thức khả kính hải ngoại.
_ BS Nguyễn Đan Quế, nhà hoạt động nhân quyền tiên phong, kỳ cựu của Việt Nam.
_ LS Lê Trọng Quát, nguyên Quổc Vụ Khanh, Đệ Nhị Cộng Hòa. Một chính trị gia danh tiếng khi còn rất trẻ.
_ Học giả Phạm Hồng Lam, một nhà hoạt động xã hội khả kính của Phong Trào Giáo dân Hải ngoại.

Viện Nhân Quyền VN đã ra đời, mục tiêu rõ ràng đề ra phương cách giải thể chế độ Cộng sản Việt Nam và xây dựng Nhà nước mới thời hậu cộng sản.

Giới trẻ ngày nay hiểu quá rõ sự băng hoại của tập đoàn lãnh đạo đảng đoàn, công an, quân đội, đến thầy cô mất nết làm gương thế nào? Thanh niên bị đánh lừa với những đam mê giả tạo, lao vào cuộc vui dục vọng khả giác nhất thời. Sự thẹn thùng, kín đáo không còn khi chúng tơ hơ giữa đường. Trái ngược với thuần phong mỹ tục, cùng sự phát triển của nhân loại: Văn minh là biết kiềm chế, tự chủ.

Cộng sản đã dẫn đưa dân tộc Việt Nam đi ngược lại các quy luật phát triển tự nhiên của con người, trên bình diện Quốc gia không tuân thủ những gì họ đã ký kết từ Hiệp định Geneve đến Paris, cũng như khi tham gia LHQ, nên người Việt Nam nào kêu gọi tôn trọng nhân quyền đều trở thành kẻ thù của họ.

Rất may, yếu tố dân tộc cùng nhiệt huyết tuổi trẻ là gene lặng vẫn luôn mãnh liệt: Dân tộc Việt Nam phải vượt qua gian nan và chiến thắng trước hoàn cảnh đất nước đã hoàn toàn đi vào thời kỳ Bắc thuộc và cuộc chiến tranh sinh học của Tàu cộng nhằm tiêu diệt dân tộc Việt.

Công cuộc chuyển biến con người và xã hội, hoạt động nhân quyền quả là một việc dấn thân đầy sự hy sinh, can trường. Thât vậy chính trị chân chính là việc làm bác ái cao cả mà yếu tính nền tảng để thành công, đó là sự khiêm ái, bao dung nhưng cương quyết "Tay trái làm, tay phải không biết" trước sự cực kỳ dã man của cộng sản, may ra mới có kết quả.

Phải mạnh mẽ khẳng định và hành động, nhân quyền không phải là làm những chuyện vĩ đại như cướp chính quyền, nhưng chính là làm những gì nhỏ và rất nhỏ nhưng mang lại hạnh phúc cho con người. Hạnh Phúc chỉ có khi con người có Tự Do như Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã khẳng định và chính quyền là phương tiện để phục vụ chứ không phải giết người.

Con người ở đây là Việt Nam, tôi yêu đất nước mình vì tôi sinh ra nơi nầy "Nơi nào có Ba Mẹ, chính là quê hương".

Chỉ có thể cứu được quê hương khi nhân quyền được tôn trọng!

Nguyễn Quang