Chính sách Đồng hóa & Chủ trương Đa Văn Hóa


                           Nguyễn Văn Nghiêm
   
MỘT CHUYỆN KHÓ TIN:

Chính Sách Đối Với Đồng Bào Thiểu Số của Việt Nam Cộng Hòa đã Ảnh Hưởng Đến Sự Hình Thành Chính Sách Multicultural Policy (Đa Văn Hóa) của Hoa Kỳ vào Đầu Thập Niên 1970.

PHỦ ĐẶC ỦY THƯỢNG VỤ



Sau cuộc họp giữa Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương và một vài thân hào nhân sĩ Thượng, gồm có: Ông Paul Nưr, người Bahnar, Phó Tỉnh Trưởng Thượng Tỉnh Kontum, Trung Tá Ya Ba, người Churu, Giám Đốc Nha Đặc Trách Thượng Vụ, Ông Y Chôn Mlô, người Rhadé, Tham Sự Hành Chánh Tỉnh Darlak, và Ông Touneh Hàn Thọ, người Churu, Phó Đốc Sự Hành Chánh, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã ký Sắc Lệnh ngày 22, tháng 2, năm 1966, cải biến Nha Đặc Trách Thượng Vụ, thành Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ, một thành phần trong Hội Đồng Nội Các của Chính Phủ. Thiếu Tướng cũng ký Sắc lệnh bổ nhiệm Ông Paul Nưr làm Đặc Ủy Trưởng Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ. Với chức vụ này Ông Paul Nưr là người Thượng đầu tiên giữ chức vụ cao nhất và quan trọng nhất trong chính quyền Việt Nam.
Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng chấp thuận yêu cầu của các nhân sĩ Thượng cho thuyển chuyển tôi, Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghiêm, đang làm Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh ở Mỹ Tho, về làm việc tại Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ.
Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ được đặt tại một dãy nhà hai tầng lầu rộng lớn, xung quanh đất rộng có nhiều dãy nhà một tầng, ở ngay cổng phía sau của Dinh Độc Lập. Nhân viên của Phủ toàn là nhân viên của Nha Công Tác Xã Hội Miền Thượng chuyển sang. Tổ chức của Phủ, trên hết có Ông Đặc Ủy Trưởng, Paul Nưr, người Sặc Tộc Bahnar ở Kontum. Dưới Ông Đặc Ủy Trưởng có 3 vị Phụ Tá. Một vị Phụ Tá Đặc Trách Người Thượng Miền Nam là Đại Tá Ya Ba, thuộc Sắc Tộc Churu ở Đà Lạt. Một vị Phụ Tá Đặc Trách Người Thượng Miền Bắc là Đại Tá Đoàn Chí Khoan, Sắc Tộc Tày, miền Bắc VN. Một Vị Phụ Tá Đặc Trách người Chăm là Ông Châu Văn Mổ, Tham Sự Hành Chánh, Sắc Tộc Chăm ở Phan Rang. Một Vị Phụ Tá Đặc Biệt Đặc Trách Về Chính Trị là Ông Tôn Thất Cư, Sắc Tộc Kinh. Một Văn Phòng do một Chánh Văn Phòng là Thiếu Tá Nguyễn Văn Phiên từ lâu vẫn là Chánh Văn Phòng của Nha Công Tác Xã Hội Thượng cũ phụ trách. Một Tổng Thư Ký là Ông Touneh Hàn Thọ, Phó Đốc Sự, Sắc Tộc Churu. Đặc trách về Hành Chánh Tài Chánh và Nhân Viên, do Giám Đốc Nha Hành Chánh Tài Chánh, là Ông Y Chôn Mlô, Tham Sự Hành Chánh Sắc Tộc Rhadé ở Darlac.
Ông Đặc Ủy Trưởng bổ nhiệm tôi làm Giám Đốc Nha Công Tác, phụ trách toàn bộ các chương trình kế hoạch phát triển đời sống Đồng Bào Thiểu Số Việt Nam Cộng Hòa. Đây là một chức vụ rất phù hợp với tôi, nhờ có chức vụ này tôi có dịp may hoạch định và thực hiện tất cả những ước mơ ấp ủ từ 1956 đến bây giờ để đem lại nhiều cơ hội cho Đồng Bào Thiểu Số tiến lên từ nếp sống thời Văn Hóa Trống Đồng Đông Sơn tới hội nhập vào cuộc sống mới hiện nay như đồng bào cả nước.

CÁC CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO THIỂU SỐ

Các công tác của Phủ Đặc Ủy có thể chia ra làm hai loại, một loại công tác do chính Phủ Đặc Ủy tiến hành và thực hiện, một loại rất nhiều công tác liên quan đến Đồng Bào Thiểu Số do các Bộ, Phủ, Tổng Nha thuộc Hội Đồng Nội Các Chính Phủ phụ trách, thì Phủ Đặc Ủy có nhiệm vụ phải đóng góp ý kiến, cố vấn hoặc cùng phối hợp thực hiện cho phù hợp với phong tục tập quán và nguyện vọng của Đồng Bào. Sau đây là một số công tác điển hình của hai loại công tác kể trên:

1. Các công tác do Phủ Đặc Ủy đặc trách thực hiện:

- Phát Triển Giáo Dục: Tổ chức, điều hành và mở thêm, xây dựng thêm các Ký Túc Xá, cho đủ nhu cầu, cấp phát sách vở học cụ và nuôi ăn ở các học sinh Thượng, Chăm ở các trường học Tỉnh, Quận từ Tỉnh Quảng Trị vào suốt cho tới Tỉnh Long Khánh. Một chương trình cấp phát học bổng đặc biệt cho những học sinh học giỏi, hoặc quá nghèo cần được giúp đỡ.

- Ký hợp đồng với các Soeur Trường Regina Pacis để đào tạo các Nữ Giáo Viên Nữ Công Gia Chánh Thượng Chăm để dạy các nữ sinh Thượng Chăm ở các trường học những kỹ năng của một người phụ nữ tân tiến như gia chánh nấu ăn, may thêu quần áo, nuôi dạy con cái, quản lý chi thu của gia đình, tổ chức đời sống vệ sinh ngăn nắp…

- Mỗi Ty Thượng Vụ Tỉnh đều có những Đoàn Cán Bộ Trường Sơn đã được huấn luyện về các công tác phát triển nông thôn, tác chiến bảo vệ buôn, plei, tổ chức tình báo nhân dân, và võ trang chiến đấu để thường xuyên hoạt động trong các buôn, plei, hướng dẫn dân làng ăn ở theo đời sống mới hợp vệ sinh, lợi sức khỏe. Dạy dân làng cách trồng tỉa mới đem lại năng suất lâu dài đỡ phải đốt rừng làm rẫy, thay đổi mảnh ruộng canh tác hàng vài năm một lần. Chữa bệnh, phát thuốc, đưa những người bệnh nặng đến bệnh viện chữa chạy, Sửa chữa hệ thống dẫn nước suối, đào giếng mới cung cấp nước sinh hoạt trong lành cho dân. Cấp phát quần áo, đồ dùng cá nhân dụng cụ canh tác, thực phẩm cho những gia đình nghèo, hay những buôn plei bị thiên tai bão lụt, nhiều khi Ty Thượng Vụ còn phải xây dựng lại nhà cửa và cấp phát tôn lợp lại mái nhà.

- Song song với các công tác phát triển nông thôn các đoàn Trường Sơn còn phải hướng dẫn dân chúng tổ chức phòng vệ Buôn làng, tổ chức hệ thống tình báo nhân dân phát giác mọi âm mưu tuyên truyền xâm nhập tổ chức du kich nằm vùng của Cộng Sản.Và nhiều khi bị Cộng Sản tấn công, đoàn Cán Bộ Trường Sơn cũng phải hợp cùng dân làng chiến đấu, hy sinh tính mạng, tiêu diệt địch.

- Một công tác quan trọng khác là công tác chính trị do Văn Phòng Phủ Đặc Ủy đặc trách tiến hành thảo luận cùng Phái Đoàn Đại Diện FULRO đặt tại Banmêthuột do Ông Y Dhé Adrong cầm đầu để thuyết phục các cán bộ lãnh đạo FULRO, cùng binh sĩ và gia đình thân nhân họ ở bên Miên trở về toàn diện để hợp tác với chính Phủ VNCH.

2. Các công tác do Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ phối hợp với các Bộ, Tổng Nha trong Hội Đồng Nội Các thực hiện:

- Bộ Quốc Gia Giáo Dục có những công tác như sau:

Cho dạy lại tiếng Thượng Chăm ở những trường có học sinh Thượng Chăm học các lớp Mẫu giáo, và Sơ Tiểu Học. Viện trợ Hoa Kỳ yểm trợ ngân khoản cho Bộ ký giao kèo với Hội Ngôn Ngữ Học Mùa Hè (Summer Institute of Linguistics SIU) để viết và in những sách học các thứ tiếng Thượng và Chăm để dạy ở các trường vì các sách học có từ thời thuộc Pháp đã bị đem đốt đi hết.

Ấn định những tiêu chuẩn trợ giúp các học sinh Thượng Chăm trong các kỳ thi Tiểu Học, Trung học, Tú Tài, các kỳ thi vào các trường chuyên môn như Quốc Gia Hành Chánh, Sư Phạm, Cán Sự Y Tế, Y Khoa, và các trường Kỹ Thuật, Cao Đẳng, Đại Học khác …bằng cách giảm bớt một số điểm vì lý do ngôn ngữ để được chấm đậu hoặc bằng cách dành cho học sinh, sinh viên Thượng, Chăm, một số Phần Trăm (Quota) chỗ được chấm đậu vào nhập học. Biện pháp này rất phức tạp vì đây chỉ là biện pháp nâng đỡ tạm thời, và thay đổi tùy theo sự tăng tiến khả năng hiểu biết tiếng Việt của từng Sắc Tộc mà ấn định. Ví dụ những Sặc Tộc Chăm ở Phan Rang, Phan Thiết,  Sắc Tộc Rhadê ở Ban Mê Thuột, Sắc Tộc Jarai ở Pleiku, Phú Bổn, Sắc Tộc Bahnar ở Kontum đã được đi học nhiều và hiểu biết một phần tiếng Việt thì sự nâng đỡ ít hơn so với những Sắc Tộc chưa có cơ hội được đi học nhiều và biết rất ít tiếng Việt, thì sự nâng đỡ được đặc biệt chú ý giúp đỡ nhiều hơn, Đó là những Sắc Tộc Stiêng ở Bình Long, Phước Long, Mnông ở Quảng Đức, Chrau ở Long Khánh, Mạ ở Lâm Đồng, Raglai ở Phan Rang, Cam Ranh, Hré ở Quảng Ngãi, Bru ở Quảng Trị Thừa Thiên, Vân Kiều, Tồi ôi ở Quảng Nam, Halang, Sédăng ở Kontum. Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ, các Ty Thượng Vụ ở các Tỉnh đều đóng góp ý kiến về tình trạng của các sắc tộc cho Bộ thực hiện sao cho phù hợp và hữu hiệu.

- Bộ Tư Pháp có những công tác:

Tái lập lại những Tòa Án Phong Tục tại các Tỉnh có Đồng bào Thượng  Chăm. Bổ nhiệm những già làng hiểu biết nhiều về Luật Phong Tục chưa thành văn của các Sắc Tộc, vào chức vụ Xử Án. Sưu Tầm, viết, và in thành Sách Luật Phong Tục của các Sắc Tộc, tập hợp thành Bộ Luật Phong Tục của Quốc Gia.

- Bô Canh Nông có những công tác:

Huấn luyện nhân dân các Buôn Plei, những phương pháp canh tác mới, biết xử dụng phân bón giảm bớt nạn đốt rừng làm rẫy.

Khuyến khích dân chúng biết trồng nhiều cây ăn trái, cây công kỹ nghệ như cà phê, hạt điều, hạt tiêu…

Đào tạo các chuyên viên nông lâm súc Thượng và Chăm.

- Tổng Nha Điền Địa có công tác;

Kiến điền xác nhận quyền sở hữu đất đai canh tác của Đồng Bào bằng cách phối hợp với các Cán Bộ Trường Sơn, bảo vệ an ninh cho các đoàn đo đạc, đánh dấu ruộng đất. Viện trợ Hoa kỳ đã cho Cơ Quan Đo Đạc Vẽ Bản Đồ của Quân Đội Hoa Kỳ dùng máy bay giúp chụp hình ruộng đất và in ấn bản đồ để Tổng Nha Điền Địa cấp phát bằng khoán cho các gia đình.

- Bộ Xã Hội

Trợ giúp nhiều phẩm vật cứu trợ cho những buôn, plei bị thiên tai bão lụt, hay bị Cộng Sản tấn công đốt phá. Các Ty Xã Hội ở cácTỉnh phối hợp với các Ty Thượng Vụ thực hiện những công tác này.

Trên đây chỉ là một số các công tác điển hình mà Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ
và các Bộ, các Tổng Nha thực hiện cho Đồng Bào thiểu số. Tuy nhiên, ngân khoản để thực hiện những công tác này đòi hỏi nhiều lắm. Tất cả chỉ trông vào viện trợ của Hoa Kỳ. Do đó vai trò của các cố vấn Hoa Kỳ ở trong Phủ, ở các Bộ, các Tổng Nha rất là quan trọng, vì chính họ sẽ duyệt xét chương trình kế hoạch của các cơ quan mà họ là cố vấn, và cũng chính họ có chấp thuận cấp ngân khoản để thực hiện hay không.

NGƯỜI CỐ VẤN HOA KỲ TẠI PHỦ ĐẶC ỦY THƯỢNG VỤ

Người Cố Vấn Hoa Kỳ đầu tiên của Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ là Ông Ray Riemer. Ông là một nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Washington DC, được phái sang Việt Nam làm việc ở Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Tuy Ông làm Cố Vấn cho Ông Đặc Ủy Trưởng nhưng Ông thường xuyên đến Nha Công Tác để nghiên cứu các chương trình kế hoạch và công việc làm của Nha. Vì vậy tôi có nhiều dịp để tiếp xúc với Ông, cũng như có nhiều cơ hội cùng Ông đi công tác đến các Ty Thượng Vụ ở các Quận Tỉnh để thăm viếng, xem xét việc thực thi các chương trình, kế hoach của Phủ đưa xuống.
Ông làm việc rất cẩn thận chu đáo, xem xét kỹ lưỡng những kế hoạch của Phủ và hỏi cặn kẽ để biết rõ ràng do những nguyên nhân nào mà có kế hoạch. Ví dụ như chương trình đặc biệt phát triển giáo dục nữ sinh Thượng Chăm. Tôi phải giải thích để Ông biết rằng các Sắc Tộc Thương và Chăm hầu hết đều theo Chế Độ Mẫu Hệ. Con cái sinh ra lấy họ Mẹ. Vai trò của người Phụ Nữ Thượng Chăm trong gia đình rất quan trọng. Họ là chủ tài sản ruộng vườn đất đai canh tác của gia đình. Nếu Phủ chỉ chú trọng phát triển giáo dục cho nam học sinh và lơ là bỏ quên các em nữ học sinh. Khi các em trưởng thành, các nam thanh niên Thượng Chăm sẽ chê các cô gái Thượng Chăm là quê mùa dốt nát, ít học, không có nghề nghiệp, mà đi theo lấy vợ là các cô gái thuộc các Sắc Tộc Kinh, Thượng Miền Bắc Mường, Tày, Thái, vừa văn minh tân tiến hơn, vừa không buộc các Anh phải theo chế độ mẫu hệ. Con cái các anh sinh ra sau này được mang họ của Cha còn các anh thì được làm chủ gia đình có nhiều quyền hành về tài sản hơn người vợ.
Ngân khoản Ông Ray Riemer chấp thuận đề nghị lên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ viện trợ cho các kế hoạch của Phủ rất dồi dào. Ngoài ra Ông còn phối hợp chặt chẽ với cố vấn các Bộ, các Tổng Nha khác để cấp ngân khoản và thúc đẩy thực hiện những chương trình có liên quan đến đồng bào Thượng Chăm.
Rất tiếc tôi chỉ được làm việc với Ông 4, 5 tháng thì Ong hết hạn phục vụ ở Việt Nam và phải trở về làm việc ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Một Nhân Viên Cao Cấp khác của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sang thay Ông Ray Riemer làm Cố Vấn cho Ông Đặc Ủy Trưởng là Ông Robert Myers. Ông Myers có một người phụ tá là Ông Mac Naughton. Ông này còn trẻ, dường như mới tốt nghiệp ra trường và vào ngành ngoại giao. Ông ít hoạt động và cũng ít khi sang làm việc với bên Phủ Đặc Ủy nên tôi không hiểu biết nhiều về Ông.
Ông Myers thì khác hẳn. Ông có mặt thường xuyên ở bên Phủ và làm việc rất nhiều vời Nha Công Tác của tôi như là Ông Ray Riemer. Có thể Ong Ray Riemer đã cho Ông Myers biết hết tình hình của Vấn đề Đồng Bào thiểu Số VNCH do Phủ Đặc Ủy Phụ Trách nên Ông cũng tận tình cấp ngân khoản đầy đủ
 cho các chương trình kế hoạch của Phủ như là Ông Ray Riemer. Khi Ông thấy tôi kết Anh Em với nhiều người Thượng thì Ông cũng yêu cầu được kết làm Anh em vời tôi, dù Ông kém tôi tới 9 tuổi. Sự thân tình giữa hai chúng tôi làm dễ dàng thêm cho sự hợp tác trong công việc.

MỘT CÁI THƯ RIÊNG CỦA ÔNG BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO HOA KỲ.

Một hôm tôi đang ngồi làm việc ở văn phòng của Nha Công Tác thì thấy có một người Mỹ xin vào thăm. Ông tự giới thiệu là nhân viên của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Ông Đại Sứ Hoa Kỳ sai Ông cầm tay sang trao cho tôi một cái thư riếng của Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ gửi cho tôi và nhờ Ông Đại Sứ Hoa Kỳ ở VN chuyển giúp. Đưa cho tôi cái thư xong Ông từ giã ra về ngay, tôi không kịp hỏi một điều gì.
Mở cái thư ra đọc, đây là một cái thư gửi riêng cho tôi, mời tôi sang thăm Hoa Kỳ 2 tháng, thăm viếng vấn đề người Thiểu số và vấn đề xã hội cùa Hoa Kỳ. Ở dưới thư, ký tên Ông Bộ Trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Tôi hết sức ngỡ ngàng, ngạc nhiên, vì có quen biết gì Ông Bộ Trưởng này đâu. Tại sao Ông ấy lại biết tôi, mà lại gửi thư riêng cho tôi? Tại sao Ông lại không gửi qua Chính Phủ VN? Tại sao Ông lại không gửi cho Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ? Một Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ mà viết thư riêng cho một sĩ quan Việt Nam bình thường như tôi thì sẽ gây khó khăn cho tôi rất nhiều. Những thắc mắc lo sợ của tôi quả nhiên không sai.
Ngay tức khắc dư luận trong Phủ đồn ầm lên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ cho người mang thư của Ông Bộ Trưởng Ngọai Giao Hoa Kỳ sang mời Thiếu Tá Nghiêm đi thăm Hoa Kỳ 2 tháng. Nhiều lời dèm pha thêu dệt của một vài người có ác ý ghen tị lan truyền trong Phủ. Nào là: chắc Thiếu Tá Nghiêm làm việc cho CIA. Ông này đi thẳng với Hoa Kỳ qua mặt cả Ông Đặc Ủy Trưởng. Tại sao Mỹ lại mời Thiếu Tá Nghiêm, mà không mời Ông Đặc ủy Trưởng và phái đoàn của Phủ đi Hoa Kỳ?...

Tôi cầm thư trong tay mà không mừng rỡ chút nào. Thế nào Ông Paul Nưr và các vị lãnh đạo người Thượng Chăm ở trong Phủ cũng hiểu lầm và nghi ngờ tôi làm việc ngầm và vận động thẳng với người Mỹ để được đi thăm Hoa Kỳ. Nếu cái thư này được trình lên chính phủ để xin phép chấp thuận cho tôi đi thăm Hoa kỳ, thì các vị lãnh đạo chính phủ cũng sẽ hiểu lầm và nghi ngờ tôi làm việc cho CIA.

Tôi trình cái thư lên cho Ông Đặc Ủy Trưởng, và hết sức giãi bày là tôi hoàn
toàn không biết gì về lá thư này. Đọc thư, Ông tỏ vẻ không vui, bảo Chánh Văn Phòng làm tờ trình lên Ông Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Một thời gian sau Phủ Chủ Tịch trả lời chấp thuận cho tôi đi thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ. Ông Đặc Ủy Trưởng cũng chỉ thị Văn Phòng thảo văn thư báo cho Ông Đại Sứ Hoa Kỳ ở VN biết là Chính Phủ VN đã đồng ý.
Từ đấy thỉnh thoảng lại có một nhân viên của Tòa Đại Sứ sang gặp tôi để cùng thảo luận và soạn thảo ra một chương trình sẽ đi thăm của tôi. Công việc kéo dài cả năm vì cứ phải điều chỉnh chương trình nhiều lần, mãi đến giữa Tháng 9 năm 1967 tôi mới bắt đầu dời VN để đi Mỹ.

CHƯƠNG TRÌNH THĂM VIẾNG HOA KỲ

Nơi đến đầu tiên trong Chương Trình Thăm Viếng của tôi là ở Hawaii. Ngay khi đáp xuống sân bay ở Honolulu đã có nhân viên Hoa kỳ đón tiếp, đưa về trú tại khách sạn và cho tôi biết lịch trình thăm viếng ở Hawaii chủ chốt là tìm hiểu đời sống của người Polinesian dân Thiểu Số Bản Địa.
Trong 3 ngày ở đây tôi đã thăm Văn Phòng Hawaii Vụ (Office of Hawaiian Affairs) của người Polinesian, thăm Viện Bảo Tàng Văn Hóa, thăm một gia đình người Hawaii lai Mỹ, chủ một đồn điền trồng dứa, Đặc biệt tôi cũng đến thăm và đưa một sinh viên Thượng người Jarai đang học về Canh Nông ở Đại Học Hawaii đi ăn ở restaurant. Em Thượng này đang học trung học ở Pleiku. Một sĩ quan Hoa Kỳ quen biết và thương mến em nên dàn xếp cho em đi học ở Đại Học Hawaii. Trường Đại Học cho em chỗ ở. Mỗi tháng em nhận được học bổng của người sĩ quan Hoa Kỳ là $200 đô. Em tự đi chợ, nấu ăn lấy nên chi tiêu theo lối sống của người Thượng ở trong Plei không tốn kém là bao nhiêu. Sau này tốt nghiệp về lại VN, Bộ Phát Triển Sắc Tộc và Bộ Canh Nông bộ nhiệm em làm Giáo Sư Canh Nông tại Trường Nông Lâm Súc Phú Bổn.
Người Thiểu Số Bản Địa Hawaii, có may mắn đã trở thành công dân Hoa Kỳ. 19 đảo của họ đã trở nên Tiểu Bang thứ 50 của nước Mỹ từ năm 1959, và mau chóng trở nên một Tiểu Bang hiện đại rất phát triển mở mang. Chính quyền Tiểu Bang đã thành lập Văn Phòng Hawaii Vụ để cho người Dân Bản Địa cũng có một phần quyền hành cai trị Tiểu Bang. Dân số người Hawaii chính gốc rất ít, chỉ khoảng 5, 6 % nhưng vì họ là chủ cũ của mảnh đất này nên ngôn ngữ của họ, ngôn ngữ thuộc họ Malayo-Polinesian, cùng tiếng nói với các sắc tộc Chăm, Churu, Rhadé, Jarai, Hroi ở Việt nam, cũng được coi như ngôn ngữ chính của Tiểu Bang như Tiếng Anh Mỹ. Tài sản của Nữ Hoàng cuối cùng của Hawaii được tiểu bang tôn trọng nên dòng họ Hoàng Gia còn nhiều đất đai, mỗi năm đem lại rất nhiều lợi tức. Hoàng Gia đã sử dụng vào việc mở trường Đại Học Hawaii, và phát triển giáo dục cho con em thần dân của họ. Bà Chủ đồn điền dứa mà tôi đến thăm cũng là một người trí thức đã tốt nghiệp ở Viện Đại Học Hawaii. Trong lúc tiếp tôi tại phòng khách của gia đình, Bà đã giải thích cho tôi về ý nghĩa của điệu múa Hula qua những động tác múa. Mục đích chính là làm cho con người được vui vẻ, thân tâm hoàn toàn thoải mái thư giãn.
Nhưng khi tôi vào thăm Viện Bảo Tàng Văn hóa Hawaii, tôi sửng sốt thấy tất cả những trang trí thẩm mỹ, nghệ thuật y hệt như Văn Hóa Trống Đồng Đông Sơn ở VN, và đặc biệt được Tiểu Bang khuyến khích bảo tôn. Xem như thế thì nền Văn Hóa Trống Đồng Đông Sơn đã có thời kỳ huy hoàng tỏa rộng khắp Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Nơi đến thăm kế tiếp là New York. Mục đích chính của tôi là tìm hiểu đời sống của người da đen. Người hướng dẫn lái xe đưa tôi vào Khu Harlem. Tôi được nhà cầm quyên ở đây tiếp đón ở Văn Phòng. Văn phòng ỡ trong một building có tường bằng kính, trông như đã cũ kỹ, nhiều chỗ hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa.
Đi dạo trong Khu, thì trẻ em rất đông ở ngoài đường. Lúc đó đang là giờ các em đáng nhẽ phải đi học ở trong trường. Các em bám theo người đi đường để xin tiền. Các em cũng bám theo tôi và em nào cũng chìa tay xin tiền. Đến một khu tượng đài có hồ nước, các em yêu cầu tôi ném những đồng tiền lẻ xuống đáy hồ, và các em tranh nhau lặn xuống để vớt.

Từ giã New York tôi tới Boston, có xe lái đưa tôi đi thật xa tới thăm gia đình Ba Má Ông Cố Vấn Mac Naughton ở gần biên giới Canada, ăn với họ một bữa cơm ngoài trời có rất đông bà con chòm xóm đến dự rất vui vẻ. Trở lại Boston, tôi thăm di tích những ngày đầu tiên hình thành nền Độc Lập của Hoa Kỳ, có quả chuông đã nứt.

Từ Boston tôi xuống Washington DC. Ông Riemer đón tôi và đưa về ở nhà Ông 2 ngày. Chúng tôi rất vui mừng gặp lại nhau. Tôi đã nhiệt liệt cám ơn Ong và Ong Robert Myers đã tận tình giúp đỡ cung cấp viện trợ cho tôi thực hiện được nhiều chương trình giúp đỡ đồng bào Thượng Chăm. Sáng dậy, Ông làm trứng gà oeuf sur plat, bacon chiên ăn với bánh mì, và uống sữa, cà phê. Đến giờ Ong đi làm, tôi được một nhân viên Hoa Kỳ đến đón đưa đi thăm Tòa Bạch Ốc, Quốc Hội, Tối Cao Pháp Viện, khu Tượng đài các vị Tổng Thống Hoa Kỳ dọc bờ sông Potomac, có trồng rất nhiều cây Hoa Anh Đào do nước Nhật tặng. Phong cảnh tuyệt đẹp.

Dời Washington DC, tôi bay tới một thị trấn nhỏ tên là Berea, thuộc Tiểu Bang Kentucky, trú tại một Hotel của một trường Trung học, và sáng sớm hôm sau đi thăm một Mỏ than cũ. Nơi đây môi trường bị ô nhiễm, cỏ cũng không mọc nổi. Thợ làm mỏ than hết sức nghèo nàn. Tôi vào thăm một gia đình thợ mỏ. Họ ở trong một cái nhà sàn bằng gỗ, dưới sàn là đất bằng cỏ mọc lơ thơ sơ xác. Nhà ọp ẹp, siêu vẹo, chỉ có một phòng, xung quanh tường là ván ép. Mái lợp tôn. Góc nhà có một lò sưởi bằng than đốt, và một cái tủ lạnh thấp nhỏ đã quá cũ kỹ. Cả gian phòng chỉ có một chiếc giường sắt nhỏ dành cho bà mẹ già nằm, còn vợ chồng và 6 đứa con nhỏ trải mền ngủ trên sàn nhà. Lúc tôi đến thăm gặp đúng bữa cơm trưa. Người mẹ mở những hộp đậu, đổ vào đĩa, trao cho bà mẹ già ngồi bên giường và những đứa con đứng xung quanh mỗi người một đĩa. Tôi ngạc nhiên không ngờ ở Hoa Kỳ mà có những người nghèo quá như vậy. Tra cứu trên tài liệu trước đây tôi đã biết đây là dãy núi Appalachian, nơi có tới 2 triệu người nghèo khổ nhất nước Mỹ. Chính Phủ Hoa Kỳ cũng có nhiều chương trình xã hội nhưng việc gỉai quyết tình trạng nghèo khó của dân Appalachian vẫn chưa có hiệu quả.

Ngày hôm sau một nhân viên Hoa Kỳ lái xe đưa tôi đi trên con đường nhỏ chưa trải nhựa còn đất đá màu hồng ngoằn ngoèo trên dãy núi Appalachia qua Tiểu Bang Tennessy sang Khu dành riêng của người Da đỏ Cherokee ở Tiểu Bang North Carolina. Dọc đường tôi ghé thăm khu ruộng rãy của người da đen trên sườn núi, Có một người da đen đang dắt một con lừa kéo một lưỡi cày bằng gỗ bịt sắt giống như chiếc lưỡi cày ở VN. Lưỡi cày xới tung những luống đất trồng khoai Tây, để lộ ra những củ khoai tròn trịa. Hai đứa bé, con người da đen khoảng 8, 10 tuổi sách giỏ đi theo lượm khoai. Có lẽ những em này cũng không đi học ở nhà phụ giúp cha mẹ làm những việc ở ngoài đồng như những con em người Thượng ở Cao Nguyên VN. Khuya hôm ấy tôi đến Cherokee Reservation, được nhân viên của Reservation đón tiếp và đưa về ở tại một khách sạn do Reservation điều hành.
Lý do tôi ghi vào chương trình đi thăm Cherokee Reservation vì đây là một trong những Bộ lạc da đỏ đã văn minh tiến bộ. Họ có chữ viết từ năm 1821. Họ cũng học được những kỹ thuật canh nông của ngườ da trắng nên ruộng vườn của họ rất tươi tốt phì nhiêu. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ và những người da trắng rất thèm khát ruộng đất của họ để trồng bông xuất khẩu sang Châu Âu. Họ đã ban hành luật dời cư người da đỏ năm 1830, dùng mệnh lệnh và quân đội võ trang súng và lữơi lê, cưỡng ép và trói tay người nọ nối vào tay người kia, xua đuổi họ đi một con đường mòn dài 1200 Miles sang Miền Tây Mississipi định cư, nay thuộc Tiểu Bang Oklahoma. Nhiều ngàn người đã chết vì đói rét, bệnh tật, trên đường đi. Tù Trưởng người Choctaw nói với một ký giả Báo Alabama, đây là Con Đường Nước Mắt và Chết Chóc (a Trail of Tears and Death). Hầu hết, 125 ngàn người da đỏ thuộc 15 Bộ lạc ở Miền Đông Sông Mississippi, từ North Carolina đến Florida bị lùa ra khỏi vùng đất của tổ tiên họ. Đến nơi định cư đất xấu, ít nước, trồng trọt khó khăn, nhiều người khác nữa lại chết vì đói và bệnh. Riêng bộ lạc Cherokee có 16,540 người bị lùa đi thì trên đường đi chết mất 5000 ngưởi
Chính quyền của Reservation tiếp đón tôi niềm nở, đưa đi thăm viếng xưởng làm những hàng mỹ nghệ thủ công bán cho du khách mua về làm kỷ niệm, Thăm nhà trưng bày nghệ thuật gồm có hàng kim hoàn nữ trang làm bằng ngọc xanh và bạc, thăm một trường có vài lớp học. Các em học bằng tiếng Anh, được nuôi ăn và ở trong ký túc xá của trường luôn. Phong cảnh Cherokee Reservation rất đẹp. Hotel ở giữa một thung lũng Hai bên là hai dãy núi cao, rừng cây rậm rạp, đang mùa lá đổi màu, nên núi rừng đủ màu xanh, đỏ, tím vàng, nâu, được ánh sáng mật trời chiếu luồn qua, làm rừng cây sáng rực rỡ, khiến cho tôi thăm viếng xong dời chân đi mà còn rất nhiều quyến luyến. Đến nay mà hình ảnh rừng cây lộng lẫy của Cherokee Reservation vẫn như còn trước mắt tôi.

Nơi tôi đến tiếp theo là Atlanta, một thành phố to lớn huy hoàng của Tiểu Bang Georgia. Nơi đây tôi chỉ ngũ đêm ở Hotel, sáng sớm mai đã có nhân viên Hoa Kỳ lái xe đưa tôi đến Rome, một thị trân nhỏ có Trường Berry College là nơi tôi sẽ đến thăm và tìm hiểu tại chỗ sự điều hành trường này. Vài năm trước ở VN, trong một cuộc đi chơi dọc đường Lê Lợi Sài Gòn, đi qua một dãy hàng bán sách cũ ở vỉa hè, bất chợt tôi thấy một cuốn sách cũ có tên là “PHÉP LẠ MIỀN NÚI” dịch từ cuốn sách tiếng Anh là “MIRACLE IN THE MOUNTAIN”. Đem về đọc, nội dung cuốn sách đã hoàn toàn lôi cuốn tôi vì rất phù hợp với chương trình phát triển giáo dục của tôi cho các em thiểu số VN. Cuốn sách viết về Tiểu Sử của Bà Martha Berry, ở Rome Georgia. Bà là con một điền chủ lớn ở đây. Bà thương những con nhà làm ruộng rãy nghèo ở trong vùng không có điều kiện để cắp sách đi học. Bà đã dành hết thì giờ, không lập gia đình, suốt đời dạy học các em, rồi thành lập trường Berry College vào năm 1926. Việc làm của Bà được nhiều nhà hảo tâm, gôm cả Tổng Thống Roosevelt, Đệ Nhất Phu Nhân vợ Tổng Thống Woodrow Wilson, nhà tỉ phú Andrew Carnegie và nhất là nhà tỉ phú Henry Ford, cùng giúp đỡ. Trong đời Bà (1885 – 1942), Bà đã đào tạo được trên 30 ngàn em học sinh trở thành những nhà trí thức của nước Mỹ. Trường College của Bà thoạt đầu xây dựng trên một khu đất rộng 88 acres là phần đất gia tài được cha mẹ chia cho, nhưng ngày nay trường đã tọa lập trên một lô đất rộng tới 27 ngàn acres, một trong những trường rộng lớn nhất thế giới.
Tôi đã thăm trường, các lớp học, dự một buổi Đi Bô Ngoài Đồng Hiking Trails cùng với một vài giáo sư và rất nhiều sinh viên dưới ánh trăng sáng vằng vặc, và không khí mát mẻ trong lành. Tôi cũng đã trình bày với ban Giám Đốc Nhà Trường về các chường trình phát triển giáo dục cho con em Đồng Bào Thiểu Số VN. Tôi dự định sẽ thành lập một College ở Đà Lạt cho các sắc tộc ở Miền Nam Cao Nguyên và một tại Pleiku cho các Sắc tộc ở Miền Bắc Cao Nguyên. Khi nào chương trình được tiến hành tôi rất mong được Berry College cố vấn giúp đỡ.

Dời Berry College, tôi đến cảng New Orleans của Tiểu Bang Lousiana. Tôi ở đây 2 ngày, 2 đêm. Ban ngày nhân viên Hoa kỳ hướng dẫn tôi đi thăm viếng sự sinh hoạt làm việc cực nhọc của những người da đen ở Bến Tàu. Tối, tôi bỏ $2 đô la mua vé ngồi xem các nhạc sỹ da đen trình bày nhạc Zazz ở ngoài trời, nhạc buồn nức nở, như kể lể những nỗi niềm cay đắng của kiếp người da đen.

Từ New Orleans, tôi được cấp vé xe lửa đi ngăm phong cảnh dọc theo con sông lớn Mississipi qua các Tiểu Bang Lousiana, Mississippi, Tennessee, Kentucky, và Illinois.
Đến một thị trân có Viện Đại Học Southern Illinois University, thì tôi được một nhân viên Hoa Kỳ đón và hướng dẫn về khách sạn nghỉ ngơi để sáng mai sẽ vào thuyết trình tại trường Đại Học.
Sáng hôm sau tôi được người nhân viên Hoa Kỳ lái xe đưa vào Trường Southern Illinois University. Một số Giáo sư đã tiếp đón tôi và đưa tôi vào sảnh đường, một phòng họp rất lớn đã có đông đủ rất nhiều giáo sư và sinh viên ngồi kín hết ghế trong phòng họp, ước lượng có đến nhiều ngàn người.
Đề tài thuyết trình của tôi là “Vấn Đề Người Thiểu Số của VNCH, đặc biệt là người Thượng trên Cao Nguyên” Hội trường rất chăm chú theo dõi bài thuyết trình của tôi, quang cảnh im lặng không một tiếng động nhỏ. Thỉnh thoảng cả hội trường vỗ tay tán thưởng những lời thuyết trình hợp ý cử tọa. Sau phần thuyết trình ban tổ chức của trường dành rất nhiều thì giờ để thính giả nêu những câu hỏi.

Đặc biệt có một người hỏi tôi tại sao lại không áp dụng Chính Sách Đồng Hóa mà lại áp dụng chính sách Đa Văn Hóa. Theo Ông, chính sách đồng hóa có hiệu quả tốt hơn. Nhìn kỹ vị giáo sư hỏi tôi, thấy Ông là một người Á Châu, tướng mạo như người Tầu, tôi đã lấy lịch sử VN để giải thích. Tôi đồng ý với Ông là trong lịch sử nhân loại chính sách đồng hóa đã thành công ở một số nước. Ví dụ như ở Trung Hoa. Qua 4000 năm lịch sử Trung hoa đã bành trướng xâm lăng bao nhiêu nước, và đã đồng hóa bao nhiêu dân tộc. Những dân tộc ấy đã đau khổ biết bao và ngày nay họ đã hoàn toàn bị diệt hết hoặc chỉ còn một số rất ít tồn tại trên trái đất. Đấy là một trong những cuộc diệt chủng lớn lao nhất trong lịch sử của loài người.
 Một trong số những dân tộc nạn nhân của chính sách đồng hóa của người Tầu, là người Việt Nam. Nước tôi đã bị người Tầu xâm lăng và đô hộ 1000 năm. Họ cũng đã áp dụng chính sách đồng hóa với tổ tiên chúng tôi, Toàn bộ nền Văn Hóa nông nghiệp huy hoàng sáng lạn của tổ tiên chúng tôi đã bị hủy diệt hoặc bị chiếm lấy làm của riêng của họ. Tuy nhiên tổ tiên chúng tôi đã chiến đấu lâu dài thế hệ này sang thế hệ khác, và có những cách thức để duy trì được một phần nền văn hóa riêng của mình. Ngay từ ngày lập quốc Tổ tiên chúng tôi đã có “Chính Sách Một Mẹ Trăm Con” coi các sắc tộc ở trong nước như anh em cùng một bào thai của một mẹ sinh ra. Từ khi lấy lại được nền Độc Lập tổ tiên chúng tôi đã không áp dụng chính sách đồng hóa đầy đau khỏ cho những người thiểu số anh em. Nhằm làm sống lại tinh thần chính sách Một Mẹ Trăm con của tổ tiên Bách Việt chúng tôi, ngày nay chúng tôi đã áp dụng một chính sách đa văn hóa, phát triển giáo dục, và những kỹ năng sống để các sắc tộc đều mau chóng tiến bộ theo kịp đà tiến bộ chung của cả nước, Theo nguyên tắc “Có đồng đẳng mới bình đẳng” người thiểu số tiến bộ, có kiến thức và lối sống tương đương với lối sống hiện thời, sẽ dễ dàng hội nhập vào sự cai trị, điều hành đất nước, và sinh sống trong xã hội, trong khi họ vẫn giũ gìn phát huy được nền Văn Hóa riêng làm giàu cho nền Văn hóa chung của cả nước. Câu trả lời của tôi đã được hội trường vỗ tay tán thưởng rất lâu.

Sau buổi thuyết trình, tôi đi lên thăm Chicago, cũng của Tiểu Bang Illinois, một thành phố cảng to lớn sầm uất bên bờ những Đại Hồ ranh giới với Canada. Nhân viên Hoa Kỳ lái xe hướng dẫn tôi đi thăm những khu nhà ở của người da đen. Vì đi lướt qua tôi chỉ thấy những dãy nhà tường gạch đỏ sậm, không sơn phết, nên cũ kỹ tồi tàn có vẻ tối tăm không sáng sủa sạch sẽ như những khu phố khác. Tôi có đi thăm một viện bảo tàng khoa học kỹ thuật. Vào đây mới thấy sức mạnh về công nghệ của Hoa Kỳ trên các lãnh vực sản xuất máy bay, hỏa tiễn, máy móc các loại. Đặc biệt tôi được xem biểu diễn sức mạnh của tia laser. Bấm nút là máy phát ra một tia laser, mắt thường không nhìn thấy, nhựng trong nháy mắt một khúc cột sắt ở cách đó 3 mét đã bị cắt dời ra một cách rất trơn tru nhẵn nhụi.

Từ Chicago, tôi đáp máy bay đi xuống Albuquerque, Tiểu Bang New Mexico ở Miền Nam. Tôi được hướng dẫn ghé thăm Ba Má Ông Cố Vấn Ray Riemer ở một thành phố tôi không còn nhớ tên, rồi trở về Santa Fe, thăm viếng một reservation của người da đỏ. Tại dây tôi đến thăm một Ông già da đỏ, có cửa hàng tiện những đồ mỹ nghệ bằng gỗ xinh xinh ở bên vệ đường để bán cho du khách. Máy tiện của Ông vận hành bằng chân đạp giống hệt nhũng chiếc máy tiện ở Phố Hàng Đàn Tỉnh Sơn Tây Bắc Việt hồi tôi còn nhỏ, mới chừng 12, 13 tuổi. Ông già rất hiếu khách, tiếp tôi rất lâu, niềm nở chuyện trò, cho tôi biết cả nỗi đau khổ của người da đỏ đã bị người da trắng giết hại và cướp đoạt đất đai. Theo người da đỏ thì những tội ác ấy sẽ bị Trời trừng phạt. Một nhà tiên tri của người da đỏ đã truyền lại rằng, người Mỹ da trắng sẽ trải qua 5 cuộc Đại Chiến, sau trận đại chiến thứ 5, họ sẽ bị thua trận, và người da đỏ sẽ có cơ hội lấy lại đất đai của mình. Người da đỏ truyền tụng nhau lời tiên tri ấy và đời này sang đời khác họ rất tin tưởng ở tương lai.

Sau Albuquerque, tôi tới Phenix, Tiểu Bang Arizona. Một vị Giáo Sư của Đại Học Phenix đã hướng dẫn tôi đi thăm Viện Đại Học, thăm nơi Ông hướng dẫn một số thanh niên da đỏ học cách trồng trọt ở bên ngoài Viện. Hôm sau Ông lái xe đưa tôi đi thăm Navajô reservation. Đây là một reservation rất lớn. Đất đai rộng mênh mông ở 3 tiểu Bang Arizona, Utah, và New Mexico, nhưng là một cao nguyên đất đỏ rắn chắc khô cằn, Chỉ có các loại cây xương rồng là nhiều nhất, không thấy có rừng cây. Thỉnh thoảng mới gặp một con suối và mới thấy cây xanh rậm rạp mọc dọc theo bờ suối. Ông đưa tôi đến một khu đất đỏ rộng lớn có nhiều cây gỗ đã hóa thành đá. Ông giải thích rằng hàng triệu năm trước, đây là rừng cây, đã bị chôn vùi dưới những cuộc động đất. Dưới sức ép của đất, gỗ cây hóa thành đá, rồi những biến động nâng đất lên cao, làm lộ ra những cây đã hóa đá ở trên cao nguyên này. Dưới sức nóng của ánh sáng mặt trời ban ngày và của khí lạnh ban đêm, nhiều thân cây hóa đá đã nứt, tan, vỡ ra thành từng tảng, từng hòn đá đẹp có nhiều vân cây và màu sắc của gỗ. Đi tới cảnh này mới thấy thật cuộc đời là vô thường, là vạn vật dễ dàng thay đổi, chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, không có cái gì là không biến đổi, và cứ tồn tại được như thế mãi mãi.
Mục đích chính trong chương trình của tôi tại đây là để thăm Navajo Reservation của người da đỏ. Bộ lạc Navajo là một bộ lạc hùng mạnh đã từng đánh thắng người da trắng trong nhiều cuộc chiến tranh. Nhưng năm 1863, người da trăng đã tiêu diệt gần hết cừu dê của người Navajo làm họ chết rất nhiều vì đói. 4  năm sau, 1867, họ thua trận bị bắt gần 8000 người. Kẻ thắng trận đã buộc số tù binh này đi bộ 300 miles sang vùng New Mexico, Nhiều người đã chết trên con đường đau khổ này mà họ gọi là “The Long Walk”. 2 năm sau 1869, Bộ lạc Navajo đầu hàng, ký Hòa Ước nhận quyền cai trị của chính Phủ Hoa Kỳ và nhận phần đất reservation dành riêng cho họ.
Trên đường đi, tôi đã ghé thăm một căn nhà của họ làm bằng thân cây xếp chồng lên và trát đất rắn chắc theo hình tám cạnh y như những lô cốt hầm trú ẩn của những đồn của Quân đội Pháp xây ở Miền Bắc Việt để giữ an ninh. Giữa nhà là một lò sưởi đốt bằng củi. Khói được bịt kín chỉ bốc thẳng lên trời. Nên ban ngày trong nhà rất mát dù nhà nằm trơ trọi ở giữa cao nguyên, trời nắng nóng hừng hực, không có bóng mát của cây cối che. Và ban dêm chắc sẽ rất ấm nhờ củi cháy trong lò cung cấp hơi nóng cho căn nhà, trong khi ở ngoài trời ban đêm nhiệt độ sẽ xuống rất thấp. Đường đi vào Navajo reservation chưa được trải nhựa, xe đi đến đâu bụi đỏ bốc lên đến đó, theo gió tỏa bay khắp không gian trống trải.
Vào trung tâm Bộ lạc những nhân viên cai trị bộ lạc tiếp kiến chúng tôi rất lịch sư. Họ hưỡng dẫn tôi đi xem những văn phòng làm việc của chính quyền riếng của họ. Văn phòng cũng có bàn ghế, máy đánh chữ ở trong những phòng làm việc của dãy nhà gạch một từng như những văn phòng ỡ Quận, Xã VN. Ở đây có một một trường tiểu học lớn, rất đông học sinh Navajo được nuôi ăn ở tại trường và ký túc xá. Các em được học tòan bằng tiếng Anh, và có lối sống sinh hoạt theo như trẻ em Mỹ. Giữa xã hội của nước Mỹ và giữa xã hội của những reservation thật là hai thế giới khác hẳn nhau. Một bên thật văn minh tiến bộ một bên vẫn giữ lối sống cổ truyền như đồng bào Thượng ở Cao nguyên VN, chưa hội nhập vào đời sống chung của đất nước.

Tôi có được đi thăm một cơ quan phụ trách về dịch vụ giúp đỡ những bộ lạc da đỏ, rất tiếc không còn nhớ ở Tiểu Bang nào, thành phố nào. Chỉ biết đây là một căn nhà sàn gỗ rất lớn, Kiến trúc theo kiểu nhà của người da đỏ, có nhiều văn phòng, và nhiều nhân viên làm việc là người da đỏ. Đây là chi nhánh của Bureau of Indian Affairs (Văn Phòng Dịch Vụ Cho Người Da Đỏ) trực thuộc Bộ Nội Vụ ở Washington DC. Mỗi năm chính phủ cung cấp ngân khoản để Cơ Quan này thực    
hiện chương trình kế hoạch của họ. So với nhu cầu phục vụ trên 500 bộ lạc da đỏ của nước Mỹ, thì cơ quan này quá nhỏ bé, không đủ thẩm quyền cũng như khả năng để hoàn thành nhiệm vụ.

Từ biệt vị giáo sư của Đại Học Phenix, tôi bay sang Los Angeles, Tiểu Bang California. Tại phi trường Má của Ông Cố Vấn Robert Myers đã đón tôi và đưa về nhà, một cái villa có 3 phòng ngủ ở thành phố Pasadena. Ba của Ông Myers là Luật sư. Tuy đã khoảng 70 tuổi nhưng Ông cụ vẫn còn đi làm, chiều mới về. Gia đình có mướn một người phụ nữ người Tầu sáng đến nấu ăn và làm việc nhà, chiều về. Má của Ông Myers trẻ hơn, khoảng 60 tuổi không đi làm, nên ngày hôm sau Bà lái xe đưa tôi đi thăm một vài bộ lạc da đỏ ở bên ngoài cách xa thành phố Los Angeles. Đây cũng là những vùng đồi núi xa xôi hẻo lánh vắng vẻ, không thấy người, đất đai cằn cỗi, không thấy ruộng vườn xanh tươi như ở những vùng của người Mỹ da trắng. Tôi có thăm một vài nhà bằng gỗ, dựng lẻ loi bên ven đường đi vào vùng của người da đỏ, trưng bày những sản phẩm thủ công như những đĩa, rổ, giỏ đan và những đồ gốm bằng đất nung có nhiều hình vẽ tô màu, nhưng trông nghèo nàn, thua kém xa những bộ lạc da đỏ ở những vùng mà tôi đã đi qua, cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật.
Bà cũng lái xe cho tôi di thăm một khu phố có đông người Nhật sinh sống. Chỉ nhìn kiến trúc nhà cửa, và cách trang trí vườn hoa của họ là biết ngay họ là người Mỹ gốc Nhật. Tuy nhiên, ngày nay đã qua lâu rồi thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, chiến tranh Nhật Mỹ, không biết họ còn e dè gì không khi hồi đó họ đã bị chính Phủ Hoa Kỳ bắt dời bỏ nhà cửa đi sống tập trung trong một vùng xa xôi hẻo lánh dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền.
Bà đưa tôi đến Quận Watts, Los Angeles, để xem cả một thị trấn nơi ở của người da đen, đã bị họ biểu tình, tụ tay đốt phá hết mấy năm trước, để phản đối nạn thất nghiệp, kỳ thị trong việc làm, nhà ỡ nghèo nàn không đủ tiện nghi.
Tôi cũng được Bà đưa đến thăm Văn Phòng Chỉ Huy của Hội Ngôn Ngữ Học Mùa Hè ở Santa Ana (Summer Institute of Linguistics). Hôm ấy là Ngày 14, tháng 11, năm 1967. Ở VN, tôi là Cố Vấn của Hội về Chương Trình Soạn Thảo Sách Học Tiếng Thượng. Ông Giám Đốc Hội đã chụp hình Ban Giám Đốc với Hai chúng tôi và đề tặng tôi như sau:

“To Major Nguyen Van Nghiem in deep appreciation for your help to our Summer Institute of Linguistics group in Viet Nam and in remembrance of your visit to our headquarters in Santa Ana, Calif. I hope and pray that your program for the Montagnard will be increasingly crowned with success. Thanks again for your help.”

Hôm sau Ông Bà đưa tôi đi thăm gia đình người Anh của Ông Cụ Myers. Ông làm chủ nhà Bank, rất giàu. Nhà ở là một dãy nhà một từng dài, rất cổ kính, trên một khu đất rất rộng, có cả khu trang trại nuôi ngựa. Ông cũng đã tặng cho thành phố một vùng đất rộng để xây trường học. Tối hôm ấy có một bữa tiệc thết đãi tôi, khoảng mươi quan khách tới dự. Ăn xong có một buổi nói chuyện, họ hỏi tôi về chiến tranh ở VN, đặc biệt họ hỏi có cần thêm tiền không để sớm chấm dứt chiến tranh để quân đội Mỹ có thể rút về. Tôi trả lời, kẻ gây ra chiến tranh là Nga, Tầu, và tay sai của họ là Đảng Cộng Sản ở Miền Bắc VN. Nhân dân VN chỉ là nạn nhân, ai cũng rất ghét Cộng Sản, bọn chúng đi tới đâu là nhân dân bỏ chạy đi nơi khác hết, vì thế tinh thần chiến đấu chống Cộng Sản để tự vệ rất là cao. Nếu Chính Phủ Hoa Kỳ viện trợ dồi dào cho Quân Đội VNCH như Nga và Tầu Cộng viện trợ cho Quân Đội Bắc Việt thì Quân Đội VNCH đủ tinh thần và khả năng để chống quân xâm lăng Cộng Sản, giữ vững Miền Nam VN. Quân Đội Hoa Kỳ có thể rút về nước không cần phải trực tiếp tham chiến ở VN như hiện nay.

Hôm sau tôi đáp máy bay lên San Francisco, để thăm thành phố đa số là người Tầu sinh sống, làm ăn buôn bán rât sầm uất. Họ hội nhập được vào đất nước Hoa kỳ nhưng vẫn giữ được nền văn hóa riếng của mình.

Đến tối nhân viên Hoa Kỳ hướng dẫn tôi đi dự một buổi họp quan trọng nhất trong chương trình thăm viếng hai tháng này của tôi. Trong gian phòng họp có nhiều bàn ghế, đã có khoảng 15, 16 người có mặt. Hôm ấy, họ muốn tôi trình bày cho họ thật kỹ về chính sách của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đối với các sắc dân thiểu số của VN. Họ nêu lên rất nhiều câu hỏi. Qua những câu hỏi, tôi đoán chừng họ là những chuyên viên về Nhân Chủng Học, Xã Hội Học, và Chính Trị Học của Chính Phủ Hoa Kỳ. Đặc biệt có một người hỏi tôi rất nhiều về Miền Cao Nguyên VN và những Sắc Tộc Thượng ở trên ấy. Ông ấy thắc mắc tại sao chính Phủ VN không để cho người Thượng ở trên Cao Nguyên được Tự Trị. Tôi trả lời: 1/ Thượng là tên chung chỉ tất cả những sắc tộc người sống ở trên ấy 2/ Có rất nhiều sắc tộc lớn dân số đông hơn, nhỏ khác nhau, dân số ít hơn nhiều. 3/ Trong quá khứ, đã có nhiều cuộc chiến tranh xâm lấn đất đai, bắt người của nhau bán làm nô lệ, cho nên sự hận thù giữa một số sắc tộc vẫn còn tồn tại, 4/Trình độ trí thức của các sắc tộc cũng khác nhau rất nhiều. Những Sắc tôc ở gần Banmthuột, Plei ku, Đà lạt được đi học nhiều thì có trí thức tiến bộ nhiều hơn, Những Sắc Tộc ở xa thành phố, xa những khu có nhiều trường học thì số người biết chữ ít hơn, đa số vẫn còn chưa biết chữ. Nếu cho Miền Thượng được tư trị, thì chỉ một hai bộ lạc lớn và biết chữ như người Jarai, Rhade, Bahbar sẽ nắm hết quyên hành, còn đa số các bộ lạc khác lại bị mấy sắc tộc lớn cai trị hết thôi. Còn như bây giờ dưới chính sách này, sắc tộc nào cũng có đại biểu ở trong Hội Đồng Sắc tộc. Ở trong Quốc Hội có Dân Biểu Thượng Nghị Sĩ. Ở trong chính phủ có Bộ Phát Triển Sắc Tộc, Ở Tỉnh có Ty Phát Triễn Sắc Tộc, có Phó Tỉnh Trưởng Thượng. Do đó các sắc tộc đều có cơ hội như nhau để thăng tiến, và không có Sắc Tộc nào chèn ép được Sắc Tộc nào.

Tôi cũng cho họ biết, sau 2 tháng đi thăm viếng vấn đề thiểu số của Hoa Kỳ, tôi nhận thấy chính sách đồng hóa đã gây nhiều đau khổ cho người da đỏ, da đen, người Nhật người Tầu. Nhưng người Nhật người Tầu, âm thầm chịu đựng giỏi, vừa hội nhập được vào xã hội Hoa kỳ, vừa giữ được ngôn ngữ và văn hóa của mình. Người da đỏ thì nhiều Bộ lạc đã bị tiêu diệt mang theo bao nhiêu nền văn hóa và ngôn ngữ. Khoảng 1/10 dân số da đỏ còn tồn tại đến ngày nay thì vẫn đang là nạn nhân của chính sách ấy. Họ vẫn cố gắng giữ gìn và duy trì văn hóa không hội nhập vào nền văn hóa Mỹ. Người da đen thì hoàn toàn không còn biết gì về nguồn gốc dân tộc, truyền thống văn hóa và ngôn ngữ cũ của họ ở Châu Phi. Lịch sử của họ là một chuỗi dài đau khổ. Từ tình trạng nô lệ làm việc không công, đến khi được tự do thì bị kỳ thị, ngăn trở mọi cơ hội thăng tiến trong xã hội. Họ đã tranh đấu liên tục và đã đạt được nhiều thành công về mặt luật pháp bảo đảm dân quyền, bớt nạn cách ly, nhưng tình trạng giáo dục thấp, nạn thất nghiệp cao, và đa số làm những nghề lợi tức ít ỏi, nên đa số họ ở dưới mức nghèo khổ. Tôi đề nghị nên thay đổi Chính Sách Đồng Hóa bằng Chính Sách Đa Văn Hóa, đồng thời nên có những chương trình giúp đỡ những sắc dân thiểu số còn kém cỏi mau chóng tiến bộ và mau chóng hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ.

Buổi họp kéo dài rất lâu. Hình như tới 11, 12 giờ khuya, buổi họp mới xong và mọi người mới ra về. Nhưng ngay khi tôi vừa về tới Phòng ngủ của Khách sạn thì có chuông điện thoại reo. Một thành viên trong buổi họp mời tôi sáng mai đi ăn sáng, vì muốn nói chuyện thêm với tôi. Tôi nhận lời . Sáng mai tôi cùng uống cà phê và ăn sáng với Ông ta ở một restaurant sang trọng. Ông tự giới thiệu là người chuyên nghiên cứu và theo dõi mọi biến chuyển trên Cao Nguyên Việt Nam. Tuy nhiên, qua cuộc trình bày về Vấn Đề Dồng Bào Thiểu Số ở VN của tôi, tối hôm qua, thì Ông đã hoàn toàn đổi ý. Ông biếu tôi một cuốn sách nhỏ không dày lắm, có ghi là Tài Liệu Mật, viết về Cao Nguyên và người Thượng. Cuối cuốn sách Ông đề nghị một giải pháp tổ chức Cao Nguyên thành một miền Tự Trị. Tôi lạnh cả người, Tạ Ơn Trên, may quá Ông ta đã thay đổi ý kiến. Nếu Chính Phủ Hoa Kỳ chấp thuận lời đề nghị của Ông ta thì Nước VN lại thêm một lần bị chia cắt nữa. Thật là may!

Từ San Francisco, tôi đáp máy bay bay lên Anchorage, cùa Tiểu bang Alaska. Mục đích của tôi là tìm hiểu về người Eskimo và chính sách của chính phủ Hoa kỳ đối với họ. Rất tiếc thời giờ không có nhiều, và đây là địa điểm cuối cùng trong chương trình thăm viếng 2 tháng của tôi. Tôi chỉ được nhân viên hướng dẫn  dự xem một cuốn phim tài liệu về người Eskimo ở Phòng Trưng Bày cho du khách.

Chương Trình thăm Viếng Hoa Kỳ kéo dài 2 tháng đã chấm dứt, Tôi ghé thăm Nhật Bổn 3 ngày trước khi trở về VN. Từ đó cho đến mãi sau này, tôi vẫn cứ thắc mắc hoài ở trong lòng, tại sao tôi lại được Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ gửi thư riêng mời đi thăm vấn đề Thiểu Số và Xã Hội của Hoa Kỳ?

GẶP LẠI ÔNG CỐ VẤN RAY RIEMER

Tháng giêng, năm 1991, tôi sang Hoa Kỳ, theo chương trình HO. Từ năm 1975, tôi bị tù Cộng Sản gần 10 năm, và 6 năm chờ đợi giấy tờ bảo lãnh của gia đình, cùng chương trình HO. Tổng cộng tôi xa gia đình mất 16 năm mới được đoàn tụ lại với vợ con ở Hoa Kỳ.
Được ít lâu sau Ông Cố Vấn Robert Myers và Bà Má Ông, ở Washington DC gửi vé máy bay sang cho tôi đi thăm Sacremento, Thủ Phủ của California, cùng với hai người. Gặp nhau, sau 24 năm xa cách, Bà Má Ông Myers tỏ vẻ rất vui mừng được gặp lại tôi. Chúng tôi đã thăm Dinh Thống Đốc, Thượng Viện, Hạ Viện Tiểu Bang, Thành phố, và cuối cùng đi thăm lại đồn điền cũ của Gia Đình Bà Má, cách Sacremento vài chục miles. Hồi nhỏ Bà sống ở đây. Nhà là một cái dinh lớn trên một ngọn đồi, đất vườn rộng, có cả sân chơi tennis. Dưới chân đồi là ruộng đất của nhà, có cả trang trại chuyên nuôi rất nhiều ngựa. Bà nói hồi nhỏ Bà cưỡi ngựa rất thành thạo.
Tôi có hỏi thăm Ông Myers về Ông Ray Riemer. Ông trả lời, Ông Ray Riemer hiện làm việc cho Lyon Bank, và dạy học về Quốc Tế Công Pháp ở một Viện Đại Học ở Paris. Ông Myers cũng đã viết thư báo cho Ông Ray Riemer biết là tôi đã sang Hoa Kỳ rôi.
Từ đó giữa Ông Myers, Ông Riemer và tôi thỉnh thoảng vẫn thư từ liên lạc với nhau. Vài năm sau trong một chuyến về công tác ở Hoa Kỳ, Ông Ray Riemer viết thư báo cho tôi biết ngày và giờ Ông và tôi hẹn sẽ gặp nhau ở một restaurant trên Los Angeles.
Đúng hẹn, tôi lái xe lên gặp lại Ông, cả hai chúng tôi đều vô cùng xúc động. Tôi thấy ông đã già, mặc dù mới khoảng 60. Người gầy nhỏ, có vẻ không được mạnh khỏe lắm. Chúng tôi ôn lại đủ chuyện xưa, những kỷ niệm làm việc với nhau ở Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ năm 1966. Nhân câu chuyện tôi mới nhắc lại thắc mắc của tôi về việc tự nhiên tôi nhận được thư của Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao mời đi nghiên cứu vấn đề thiểu số của Hoa Kỳ 2 tháng. Ngày ấy tôi có đề nghị Hoa Kỳ nên bỏ chính sách đồng hóa đi và thay thế bằng chính sách đa văn hóa. Nay sang Hoa Kỳ đi học ở Fullerton College, tôi có ghi danh học một môn Thiểu Số Học (Ethnic Minority Studies). Bất ngờ tôi thấy vào đầu thập niên 1970, chính Phủ Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách đa văn hóa (Multicultural Policy) cho những dân thiểu số của Hoa Kỳ. Đồng thời tôi cùng thấy có nhiều biện pháp nâng đỡ người Thiểu số như tôi đã áp dụng ở VN. Chẳng hạn như nâng đỡ trong tuyển chọn và thâu nhận công nhân viên thiểu số vào cơ quan công quyền. Như giảm bớt điểm đậu, dành một số quota (chỗ, hoặc phần trăm) cho học sinh, sinh viên thiểu số vào học các trường v.v.
Ông Ray Riemer cười và kể tôi nghe: “Sau khi hết hạn làm việc ở VN, tôi trở về làm việc lại ở Bộ Ngoại Giao ở Washington DC 1966. Lúc ấy ở Hoa Kỳ đang có Phong Trào Tranh Đâu Cho Dân Quyền của người da đen. Tổng Thống Johnson đã ký Đạo Luật Dân Quyền năm 1965, nhưng chính phủ cũng muốn có một chính sách mới phù hợp với nguyện vọng của người thiểu số, thay cho chính sách đồng hóa cũ đã áp dụng từ trước đến nay. Tôi đã trình bày với Ông Bộ Trưởng Ngoại giao về Chính Sách mà Anh thực hiện ở VN. Chính sách ấy rất Work. Ông Bộ Trưởng bảo tôi viết thư mời Anh sang thăm vấn đề thiểu số của Hoa kỳ 2 tháng. Tôi đã viết để Ông Bộ Trưởng ký, và gửi sang VN nhờ Ông Đại Sứ chuyển cho Anh.”
Trời ơi! tôi không ngờ Ông Ray Riemer lại đánh giá cao những chương trình nâng đỡ Đồng Bào Thượng Chăm của tôi ở Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ, và lại giới thiệu việc làm của tôi với Ông Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Tôi hết sức cảm động, thành thật cảm ơn Ông rất nhiều. Tuy nhiên tôi cũng nói với ông Riemer, là vấn đề người thiểu số Hoa Kỳ đến bây giờ đã có rất nhiều tiến bộ, nhưng còn phải làm nhiều hơn nữa, vì giải quyết vấn đề kỳ thị chủng tộc đòi hỏi rất nhiều thời gian.

KẾT LUẬN

Trên đây tôi đã trình bày ảnh hưởng của Chính Sách Đối Với Đồng Bào Thiểu Số của Việt Nam Cộng Hòa đối với sự hình thành Chính Sách Đa Văn Hóa cho người Thiểu Số Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1970. Thật là một chuyện khó tin!
Tuy nhiên qua câu chuyện thì tôi thấy rằng, trong quá khứ Tổ Tiên chúng ta đã có nhiều chính sách rất hữu hiệu để xây dựng đất nước. Ví dụ ngay từ ngày lập quốc, nước ta đã là một nước có nhiều chủng tộc khác nhau. Tổ tiên chúng ta đã dùng Chính Sách Một Mẹ Trăm Con coi tất cả những sắc tôc ở trong nước như là Anh Em cùng một bào thai mẹ sinh ra, để đoàn kết toàn dân. Ngày nay để làm sống lại tinh thần của chính sách ấy, tôi đã học hỏi rất nhiều để làm cho mọi sự áp dụng chính sách trở nên mới mẻ, phù hợp với thời hiện đại để giải quyết tốt đẹp Vấn Đề Đồng Bào Thiểu Số của Việt Nam Cộng Hòa.
Giá trị của Chính Sách đã có tiếng vang sang Lào, và Cựu Thủ tướng Lào Boun Oum đã gửi thư xin Chính Phủ VN cho tôi sang, làm cố vấn Phát triển Vùng Hạ Lào Champasak mà Ông là Tiểu Vương. Giá trị của Chính Sách cũng đã được Ông Cố Vấn Ray Riemer cho là hữu hiệu, rất “Work” chữ của ông, và đã được Ông báo cáo về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, để một sĩ quan của Quân Lực VNCH bình thường như tôi cũng đã có cơ hội đóng góp vào sự hình thành chính Sách Đa Văn Hóa của Hoa Kỳ.
Năm nay tôi đã 90 tuổi thọ. Thế hệ của chúng tôi sẽ sớm qua đi. Tôi mong rằng những thế hệ sau này đừng bao giờ có mặc cảm tự ti coi cái gì của Việt nam cũng là không ra gì, nhất nhất đều vọng ngoại, mà phải hết sức tự tin, học hỏi kinh nghiệm của tổ tiên mình, phối hợp với kinh nghiệm tốt đẹp của thế giới, để giải quyết những vấn đề của nước nhà, và có khi cũng có cơ hội góp phần giải quyết những vấn đề của nhân loại nữa.

Trước khi ngừng bút, tôi tha thiết kêu gọi những ai có thẩm quyền với đất nước đừng bao giờ đem những chính sách tàn bạo của ngoại bang về áp dụng với đồng bào ruột thịt Việt Nam.
                                                                        Nguyễn Văn Nghiêm