Lên tiếng về 100 bài thơ hay của thế kỷ


Làm thơ là một sự phi thường ( Chế Lan Viên)

Kể từ lúc tôi đọc bài phát biểu của nhà văn Lê Lựu, ngày 11/3/2007, Giám Đốc trung tâm Văn Hóa Doanh Nhân tại lễ ra mắt trung tâm đến nay, thời gian đã gần một tháng. Đã có một số không ít người lên tiếng chỉ trích việc tuyển chọn này. Tôi viết sau hóa chậm. Nhưng:

                                      Đi xa về hoá chậm
                                     Biết bao là nhiêu khê (CLV)

Vâng, tôi đã thấy biết bao là nhiêu khê trong tập 100 bài thơ này. Phần tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi không lên tiếng, không viết bài. Chỉ vì lý do đơn giản là tôi chưa có quyển sách trong tay.


 Nay thì tôi đã có tuyển tập đó từ Sài gòn gửi qua, tôi có một số nhận xét sau đây:

Cảm tưởng chung chung là ông nhà thơ Lê Lựu nói quá lời. Huyênh hoang và khoác lác quá, thiếu trung thực, che dấu sự thực về cách tuyển chọn, việc làm thì nhiều khuất tất, thiếu trách nhiệm của người cầm bút, nếu không nói là thiếu lương thiện?

Tôi tự hỏi có cần ông phải lên tiếng xin lỗi như trường hợp cô nhà thơ Phan Huyền Thư không? Việc làm này dưới mắt một người Việt Hải ngoại cho chúng tôi thấy thêm một lần nữa tính cách phỉnh gạt cũng giống như trong trường hợp việc vinh danh 17 Việt Kiều mới đây?

Sau bài viết L’odeur de la gloire, tôi vẫn hy vọng đến thất vọng là có một vị nào đó trong số 17 vị được vinh danh từ chối hoặc tự ý rút lui ra khỏi danh sách ấy. Không danh sách vẫn đủ 17 vị.

Tưởng rằng chỉ phải viết L’odeur de la gloire một lần thôi là đủ. Không chắc còn phải tiếp tục và đây là loạt bài thứ hai mang tinh thần Mùi danh vọng.

Thơ vốn cao quý. Bởi vì là một cuộc hành trình vào cõi bên trong. Đến nỗi người ta nói rằng cái gì giải thích được không còn là thi ca nữa. Vì thế, đừng đụng đến nó và như lời của Chế Lan Viên ở phần trích dẫn đầu bài coi việc làm thơ là việc phi thường.

Nhưng đọc100 bài thơ thế kỷ 20, nỗi thất vọng của tôi chỉ thấy ở đó là một chợ thơ

Trong lời nói đầu, chắc là ông Lê Lựu, đại diện cho TTVHDN Việt Nam và NXBGD viết rằng “việc tuyển chọn thật công phu, nghiêm túc và có trách nhiệm trong hàng vạn bài thơ của hàng nghìn tác giả đã được công bố trên thi đàn Việt Nam trong suốt thế kỷ 20, qua sự sàng lọc, chọn lựa của hàng nghìn thí sinh*, đồng thời là *giám khảo* chọn ra 100 bài thơ hay này. Một thế kỷ nghĩa là 100 năm chỉ chọn có 100 bài thơ hay “[1]

Công phu, nghiêm túc và có trách nhiệm? Vậy mà một trong năm người trong ban chung khảo đã lên tiếng không đồng ý. Năm vị đó là nhà thơ Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, gs Nguyễn Đăng Mạnh. Riêng ông Bằng Việt lại không nghĩ như thế.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Nhân Dân, ngày 30/3/2007, ông Bằng Việt tiết lộ ông nhận được một chồng chừng 1000 bài thơ do dân chúng chọn lựa, ông nhận xét và trả lại, sau đó, ông nhận được danh sách 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 với lời yêu cầu vội vàng: Đây là bản cuối cùng, đề nghị xem và cho ý kiến nhanh. Nhưng sau đó thì không thấy người bên phía ông Lựu đến lấy lại danh sách và ý kiến. Nhất là sau đó kết quả trong sách lại không đồng nhất với danh sách mà chúng tôi nhận được.

Nghĩa là tự ý sửa đổi thay thế bằng những bài thơ khác. Và ông kết luận chỉ chừng 50% là xứng đáng.

Nay thì đến những nhận xét riêng của cá nhân tôi.

Thứ nhất, trong 5 vị trong ban chung khảo thì có đến 4 vị được độc giả bình chọn có bài thơ hay thế kỷ. Hoặc ban chung khảo tự chọn chính mình. Trường hợp thi sĩ Nguyễn Hữu Thỉnh là rõ nhất. Trong giải thưởng của Hội nhà Văn, dù là hội trưởng, dù nằm trong ban tuyển chọn, ông vẫn tự chọn mình, tự diễn thuyết rồi tự vỗ tay, tự phát giải và phát cho chính mình. Xin nhắc lại có 4 nhà thơ, cả bốn đều có thơ trong 100 bài thơ thế kỷ 20. Có nhiều quá không nhỉ? Ai đã bình chọn quý ông? Có rơi vào tình trạng mà Tây Phương gọi là conflit d’ intérêt, tự mình chọn mình? Chỉ lọt sổ có mình ông giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh vì một lý do dễ hiểu là ông không làm thơ. Đó là các nhà thơ Hữu Thỉnh với bài Nghe tiếng Quốc kêu. Nhà thơ Phạm Tiến Duật với bài Cô bộ đội ấy đã đi rồi. Nhà thơ Trần Đăng Khoa với bài Gửi bác Trần Nhuận Minh. Nhà thơ Bằng Việt với bài Bếp lửa.Đến như thế thì người ta có thể nói rằng, muốn chắc chắn được chọn có bài thơ hay nhất thể kỷ thì hãy ở trong  ban chung khảo?

Để cho việc tuyển chọn trong sáng, tôi thiết nghĩ cả bốn ông nên từ chức, rút lui ra khỏi Ban Chung Khảo.

Nhận xét thứ hai là trong số 100 bài thơ hay nhất thế kỷ, tôi đếm được có đến 53 thi sĩ đã tạ thế. Kể là quá nhiều, như thể người chết dành chỗ người sống. Cẩn thận kẻo rơi vào một tình trạng nghĩa địa thơ mà tôi gọi là nền văn chương phúng điếu.Hễ chết là có hiếu hỉ, là có xí xóa, phải khen, phải vinh danh.

Trong 53 vị ấy, tôi có thể chắc chắn một điều là chỉ vì họ đã chết mà họ có tên trong 100 bài thơ hay thế kỷ 20. Chẳng hạn nhà thơ Yến Lan, bạn nhà thơ Chế Lan Viên. Hay Trần Mai Ninh, chết năm 1947. Tôi tự hỏi ai còn giữ được tập thơ Thơ văn Trần Mai Ninh để phổ biến, để mọi người biết mà bình chọn?

Từ đó, vấn đề đặt ra là 10 ngàn * thí sinh * bình chọn này lấy đâu ra tài liệu thơ văn của 100 tác giả đó để bình chọn? Chẳng hạn bài thơ Người đẹp của Lò Ngần Sủng, người dân tộc Dáy, Lào Cay không dễ gì được phổ biến rộng rãi đến tay bạn đọc thơ ? Cũng vậy bài thơ Nhớ vợ của Cầm Vĩnh Út, Nhớ vợ, chắc chỉ có một bài, chẳng biết in ấn ở đâu, năm nào. Vậy thì làm thế nào, các độc giả có thể bình chọn bài thơ này?

Nêu ra hai trường hợp các nhà thơ người thiểu số này để chỉ cho rõ tính cách dấm dúi, cần có mặt cho đủ các nhà thơ đại diện các sắc tộc mà không qua sàng lọc,  bình chọn của độc giả?

Trong số những người còn sống có thơ đực tuyển chọn, tôi cũng nhận ra một điều đến ngạc nhiên là họ đều già, thuộc thế hệ các nhà thơ chống thực dân Pháp trước và một số ít trong thời gian chiến tranh chống Mỹ.

100 bài thơ hay này lộ ra một điều rất quan trọng:

Thiếu vắng những nhà thơ trẻ trên dưới 30 tuổi. Làm thơ thì phải già thơ mới chín mùi chăng?

Những người trẻ không có chỗ đứng nào trong sân chơi văn học? hay độc giả quên họ? hay họ không có cơ hội thi triển tài năng? hay dấu hiệu về một sự lão hóa tòan diện trong văn học? hay là do sự chèn ép của mấy củi mục mặc dầu đã hết thời?

Người trẻ nhất có lẽ là thần đồng thi sĩ Trần Đăng Khoa, sinh năm 1958, nghĩa là năm nay cũng 50 tuổi rồi. Một thần đồng xấp sỉ 50 tuổi? Thi sĩ nữ trẻ nhất về tay cô Đinh Thị Thu Vân, 1955, rồi đến cô Lâm Thị Mỹ Dạ, vợ ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, sinh năm 1949 và nữ thi sĩ Lê Thị Mây, cũng sinh năm 1949.

Sinh sau 1958, kể như không có một nhà thơ  trẻ nào có trong danh sách 100 bài thơ thế kỷ 20. Điều đó muốn báo hiệu một điều gì ? Nó báo hiệu sự suy thoái và tàn mạt của thi ca như ở nước Mỹ chăng? Nền thi ca ở nước Mỹ kể như  bị chôn vùi vào quá khứ? Chắc không phải vậy, phải tìm một lối lý giải khác.

 Điều này có thể hiểu được rằng kể từ sau năm1958, cả hai miền không còn có một nhà thơ nào đủ tầm vóc và được chọn lựa trong Những bài thơ hay thế kỷ? Điều này cho thấy một khoảng trống đáng ngại, một cái vide trong văn học, một sự đứt đoạn thế hệ?

 Có lẽ nào sau, 1954, chúng ta không thể nào chọn lựa ra được các bài thơ hay  thế kỷ?

Về điểm này, tôi không tin là quần chúng, người đọc thơ đã chọn như thế mà có sự sắp xếp riêng của ông Lê Lựu. Tôi đặt câu hỏi trực tiếp với ông Lê Lựu là có bao nhiêu phần trăm sự chọn lựa tùy thuộc vào độc giả và bao nhiêu phần trăm do chính ông tự chọn, tự quyết định? Chính vì vậy mà ông thi sĩ Bằng Việt chỉ đánh giá 50% là xứng đáng và  yêu cầu nên làm lại với những tiêu chí rõ ràng.

Như vậy là không có tiêu chí rõ ràng trong việc bình chọn.

Nhận xét thứ ba là xét theo địa phương thì có đến 94 các bài thơ và nhà thơ sinh trưởng ở phía Bắc, hoặc theo phe Cộng Sản. Còn lại lèo tèo vài nhà thơ có thể sinh trưởng ở miền Bắc, nhưng lại sống ở miền Nam.

Và có thể xếp họ vào các nhà thơ miền Nam trước 1975.

Tôi muốn nhân dịp này nhắc tới anh Trần Hoài Thư đã có công sưu tập thành một cuốn sách dày 856 trang, bao gồm 263 nhà thơ miền Nam với nhan đề : Thơ miền Nam trong thời chiến  và được Đặng Tiến giới thiệu:” Những ai như tôi, nghĩ rằng thơ cần cho đời sống, là thành phần của đời sống, sẽ cùng tôi biểu dương công trình của ban sưu tầm và biên tâp…”.

Có bao nhiêu  nhà thơ miền Nam trong số 263 nhà thơ miền Nam trong tuyển tập của Trần Hoài Thư  được bình chọn trong 100 bài thơ hay thế kỷ 20 ?

Hỏi là để trả lời, tôi vẫn nghĩ rẵng, còn cần nhiều cố gắng và thiện chí nữa để mảng văn học miền Nam 1954-1975 phải được nhìn nhận và có vị trí xứng đáng của nó … Cho đến nay thì mảng văn học ấy vẫn chưa có trong mắt chính quyền miền Bắc và như các anh THT, ĐT mong muốn, nó sẽ không phải là một thứ nghĩa trang – văn học của miền Nam .. Vì thế, những cố gắng của nhà thơ Phan  Hoài Thư, giới thiệu Thanh Tâm Tuyền trong  Ngày thơ Việt Nam lần thứ V thật đáng khích lệ.

 Con số nhà thơ miền Nam có mặt thật ít ỏi. Nhưng phải ghi nhận đây là một thiện chí và cố gắng phi thường rồi. Trong tập thơ, 100 bài thơ Việt Nam 1945-1975, xuất bản năm 1976, nghĩa là sau ngày giải phóng, tôi ghi nhận là không có bất cứ một nhà thơ nào của VNCH có tên trong danh sách.

 Nay thì ít ra, ta có được Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Đinh Hùng, Á Nam Trần Tuấn Khải.

Nhưng ở đây câu hỏi lại đặt ra một lần nữa với ông Lê Lựu, sự có mặt của các nhà thơ miền Nam trong danh sách 100 bài thơ, phải chăng là do chính ông chọn lựa hay do độc giả bình chọn? Tôi thật nghi ngờ những bàn tay phù thủy dơ dáy mó vào? Những độc gỉả bình chọn 100 bài thơ hay lấy đâu ra thơ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải để bình chọn bài Gánh nước đêm? Nếu quả thực có sự bình chọn, giới trẻ miền Nam, giới sinh viên, mười người hết chín biết Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa hơn là cụ Á Nam Trần Tuấn Khải? Sự có mặt của cụ với bài thơ khá là ngô nghê đẩy tới sự nghi ngờ sắp xếp dàn dựng lố bịch của ông Lê Lựu đến tận cùng của sự khôi hài đen. Không ai diễu dở như thế.

Ngay cả những thi sĩ như Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa thì trên 30 năm rồi, sau cuộc tịch thu và đốt sách vào 1975, còn bao nhiêu tài liệu để cho độc giả bình chọn họ? Còn những ai có được tập thơ Nguyên Sa? Càng khó khăn hơn nữa  tập thơ Những năm sáu mươi của ông ?  Chúng tôi có được tập này in Ronéo do nhà xb Nam Sơn in và nay anh Trịnh Viết Đức, cựu chủ nhà in NS, in lại ít cuốn để chia nhau làm kỷ niệm. Thật không dễ có được.

Cũng vậy, sự có mặt lần này của Lê Đạt, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Phùng Quán, Hữu Loan là do chỉ thị ở trên cho vào danh sách? Thay vì do độc giả bình chọn? Không thể cùng một lúc, trước đây họ bị đặt ra ngoài lề, nay cùng lúc có trong danh sách?

Việc bình chọn này xem ra chẳng khác gì việc đi bỏ phiếu của dân chúng. Bầu ai thì cứ việc bầu, nhưng quyết định chọn ai thì đã có danh sách sẵn cả rồi.

Cuộc bình chọn trong suốt hai năm theo như lời ông  Lê Lựu, phải chăng chỉ là một trò dàn dựng, quảng cáo, đánh lừa người đọc?

Trong số những nhà thơ tiếng là người ở miền Nam, nhưng thật ra, họ là người của chính quyền cộng sản. Tôi thấy không thể xếp chung họ với nhóm Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương được. Số nhà thơ sinh trưởnng ở phía Nam, nhưng sau này đi theo Cộng sản mà tôi không thể biết chắc được tiểu sử của họ như thế nào?

Đó có thể là trường hợp Lâm Thị Mỹ Dạ, Đinh Thị Thu Vân, Trần Vàng Sao, Ý Nhi, Giang Nam, Nguyễn Mỹ, Trang Thế Hy, Nguyễn Khoa Điềm,Thanh Thảo vv..

Có trường hợp khá đặc biệt là nhà thơ Nguyễn Bá Chung, học Đại học Văn khoa Sài gòn, trước 1975, du học Mỹ và hiện nay dạy đại học Massachussetts, đồng thời là Phó giám Đốc, phụ trách Trung tâm Joiner ở Boston. Trong phần ghi chú dưới tiểu sử của anh, tôi đọc vỏn vẹn có một dòng: Việt kiều tại Mỹ. Điều đó cho thấy, ông Lê Lựu chẳng hỏi, chẳng tiếp xúc gì với anh Nguyễn Bá Chung. Việc làm của ông Lê Lựu thật tùy tiện, tắc trách và ít trách nhiệm thay vì việc tuyển chọn nghiêm túc như ông tuyên bố. Ông chọn bài Quê hương mà không cho biết rút ra từ tập thơ nào của tác giả. Theo anh Nguyễn Bá Chung cho biết thì bài thơ trên trích từ tập thơ: Tuổi ngàn năm đến từ buổi sơ sinh, xb 1999, ở trong nước

Để được bình chọn thì ít ra tập thơ của NBC phải được in ra ít nhất là trên 10 ngàn cuốn? Điều đó chắc đã không thể xảy ra rồi. Khi thấy tên anh Nguyễn Bá Chung thì việc đầu tiên là tôi nghi ngờ muốn anh xác nhận anh có phải là tác giả bài thơ Quê Hương không? Xin phép trích lá thư anh Nguyễn Bá Chung:” Việc chọn thơ thật bất ngờ. Một người bạn hỏi tôi có phải là Nguyễn Bá Chung trên danh sách ấy không? Tôi trả lời quả thật tôi không biết. Bài thơ đó trích trong tập thơ: Tuổi ngàn năm đến tư buổi sơ sinh.

Tôi chỉ đặt vấn đề với ông Lê Lựu trong trường hợp này. Mà không đặt vấn đề với 100 nhà thơ được tuyển chọn. Ông có thể nào trả lời một cách vô tư, khách quan trong việc chọn bài thơ của anh Nguyễn Bá Chung? Được biết anh Nguyễn Bá Chung là người đã dịch cuốn Thời xa vắng, Temps, loin au de -là hay Moment, loin de- là của chính ông  Lê Lựu. Phải chăng cái mối liên hệ này như một cách trả ơn gián tiếp công việc chuyển ngữ của anh Nguyễn Bá Chung cũng như những giúp đỡ của anh ấy để ông được sang Mỹ?

Việc chọn lựa 100 bài thơ hay nhất thế kỷ, phải chăng chỉ là việc trả ơn và thi ơn? Tôi mong mỏi được ông giải thích rõ ràng về vấn đề này, ngay cả trường hợp những người bạn thân của ông như Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật?

Nhận xét thứ tư là tôi đã nhận ra một điều mà tôi cho là ghê tởm nhất: Tuyển tập 100 bài thơ hay nhất thế kỷ chỉ là một trò sao chép, sào xáo lại.

Đối với phần đông bạn đọc phía Nam và hải ngoại thì tuyển tập này có điều gì mới lạ, một công trình sưu tập làm việc trong suốt hai năm trời, thu tập khoảng 10 ngàn ý kiến bạn đọc gửi về bình chọn.  Thật ra là sai gấp 10 lần. Theo nhà thơ Bằng Việt, ông chỉ nhận được khoảng trên dưới 1000 bài thơ gửi về, có nghĩa là chỉ có khoảng 1000 người tham dự, không phải 10000 người tham dự. Và cũng theo nhà thơ, kết quả gây bất ngờ, tôi cũng không biết? Từ lúc thành lập Hội đồng vào cuối tháng 9 năm ngoái cho đến tận bây giờ, Ban tổ chức cuộc bình chọn vẫn chưa hề tổ chức một cuộc họp nào giữa các thành viên hội đồng?

Cho nên, tất cả lớp lang, cái được gọi là chọn lựa của độc giả hay cái cái được gọi là ban chung khảo chỉ là hữu danh vô thực ..chỉ là trò chơi bạc giả không hơn không kém. Và để chứng minh điều này, tôi xin được đưa ra một dẫn chứng có tình cách chung thẩm nhu sau.

Đây không phải là lần đầu tiên có những màn tuyển chọn thơ như thế này. Trước đó đã có những tuyển tập bình chọn như:Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1975Thơ Việt Nam 1945-1960, Thơ miền Nam 1960-1970.

Con số chẵn 100 bài thơ là con số ước lệ và copie lại tuyển tập thơ: Thơ Việt Nam 1945-1975, xuất bản Hà nội, năm 1976, in tại miền Nam. Ban tuyển chọn gồm Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên. Tôi có tuyển tập thơ này trước mặt. Cũng đúng 100 tác giả và cũng  có đủ 4 tên thi sĩ trong ban tuyển tập có thơ được tuyển chọn. Và cả 4 nhà thơ đều chọn cho mình nhều bài thơ nhất. Xuân Diệu có 6 bài, Tế Hanh 5 bài, Hoàng Trung Thông 4 bài, Chế Lan Viên 5 bài.

Hóa ra thời nào cũng giống nhau cả

Ông Lê Lựu chỉ sao chép lại cái ước lệ đã có sẵn, 100 bài thơ thay vì 100 nhà thơ.

 Nếu việc chọn lựa một tuyển tập thơ do một số nhà thơ tuyển chọn thì sự giống nhau giữa tuyển tập này với tuyển tập kia, nghĩa là tuyển tập trước đó không có gì để nói.

 Giống nhau là chuyện bình thường

Nhưng nếu do độc giả vô danh trên cả nước 83 triệu dân và hơn 3 triệu người hải ngoại chọn lựa thì sự giống nhau giữa tuyển tập: Thơ Việt Nam 1945-1975 với 100 bài thơ hay thế kỷ 20  của ông Lê Lựu là một điều bất bình thường đến quái gở. Bởi vì chẳng những là một sự sao chép thiếu lương thiện mà còn là sự lừa dối hàng ngàn người gửi thư về bình chọn. Đó là sự gian trá, thiếu sự tôn trọng độc giả bình chọn và qua mặt 5 tác giả trong ban chung khảo.

Sự giống nhau này đọc và so sánh thấy quái gở lắm. Trong số100 nhà thơ được chọn trong Thơ Việt Nam, 1945-1975, tôi  thấy có 42 nhà thơ cũng có mặt trong 100 bài thơ hay thế kỷ 20. Và bao giờ Hồ Chí Minh cũng đứng đầu danh sách, không theo thứ tự vần A, B, C..

Độc giả có hàng ngàn nhà thơ để bình chọn, hà cớ gì bình chọn ngẫu nhiên, giống nhau đến gần phân nửa số nhà thơ của tập Thơ Việt Nam?

Vì vậy con số 42 nhà thơ giống nhau giữa hai cuốn sách tự nó tố cáo cách bình chọn của ông Lê Lựu có điều gì không ổn. Nhất là độc giả bình chọn nếu sống ở trong Nam, khá xa lạ với tên các nhà thơ giống nhau như các thi sĩ Nguyễn Mỹ, Giang Nam, Hồng Nguyên, Hoàng Lộc, Trần Đăng Khoa, Minh Huệ, Thôi Hữu, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Hữu Thung vvv…

Riêng cá nhân tôi, hầu như không biết gì về danh tính các nhà thơ vừa kể trên.

Trong cuốn Thơ Việt Nam, 1947-1975, ít ra có lời của nhà xuất bản như sau:” Phần thơ của Hồ Chủ tịch, chúng tôi kính cẩn dành riêng để mở đầu cho tập thơ, còn tất cả các tác giả khác đều được xếp theo tứ tự ABC.. Ít ra bài thơ của ông Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt, bài Chúc Năm mới, 1 tháng 1 năm Đinh Hợi,1947.

Trong 100 bài thơ hay thế kỷ 20, bài thơ của ông Hồ tiếc thay lại viết bằng chữ Hán. Chữ Hán đã hẳn không phải chữ Việt và có thể nào xếp vào loại gọi là thơ hay thế kỷ 20 được chăng?

Trong tuyển tập thơ, người ta có quyền  kính cẩn dành riêng, vì ông Hồ thuộc lọai Hors classe để chọn thơ Hồ Chí Minh, nhưng trong việc bình chọn của ông Lê Lựu, có thực sự độc giả bình chọn thơ ông Hồ không và lại chọn một bài thơ bằng chữ Hán?

 Đôi khi, tôi hiểu rằng, nguời miền  Bắc thần phục đến chỗ mù quáng lãnh tụ của mình và thấy là rất tự nhiên để tên ông Hồ không chút ngại ngùng. Nhưng phần dân miền Nam, tâm trạng và thái độ của họ không hẳn là như thế.

Thành thật mà nói, chúng tôi khó châp nhận lối thần phục lố lăng như thế. Làm lãnh tụ cả nước, làm cha già thiên hạ đã để lại di sản khổ lụy cho đên tận bây giờ,  tham chi cái danh thi sĩ nữa. Có thể nào tha cho chúng tôi một lần khỏi phải đọc thơ ông Hồ không?  

Và vì thể, tôi cảm thấy khó chịu khi thấy tên ông Hồ trong danh sách thi sĩ hay  thế kỷ 20. Vinh danh ông Hồ là một nhà thơ hàng đầu của VN là một sự xỉ nhục ông ấy, là một trò cười lố bịch. Các ông Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông chọn thơ ông Hồ là quyền của các ông ấy, nhưng đổ vào đầu trách nhiệm bình chọn thơ ông lên đầu của người đọc là một phỉ báng họ, lại còn ngoa ngữ nói rằng:” Phải nói rằng đây là một công trình tập thể của những người yêu thơ trong và ngoài nước và cũng phải nói rằng đây mới chỉ là bước đầu, cho dù đã hết sức khắt khe, nghiêm túc và minh chính …” ( Trích Lời nói đầu )

 Hãy đừng làm như thế nữa

Tôi xin mượn chữ của nhà thơ Nguyên Sa trong tập thơ Những năm sáu mươi, ông gọi : “ Nhà nước là một nhân vật buồn cười “, để ám chỉ chính quyền miền Nam.

Quả là buồn cười thật cái nhà nước XHCH

Vì thế, tôi không tài nào hiểu được, sự chọn lựa của tuyển tập thơ và sự bình chọn của độc giả có thể trùng hợp nhau đến 42 tác giả, gần như sự ngẫu nhiên trùng hợp đến một nửa tổng số bài thơ?

Điều đó không thể cách nào có được trong số hàng ngàn nhà thơ như thế ? Nó chỉ có thể cắt nghĩa là chính bàn tay ông Lê Lựu mang tuyển tập thơ cũ ra, nhặt ra những tên tuổi đã có sẵn và bỏ thêm tên những nhà thơ miền Nam và đám nhà thơ nhân văn giai phẩm, cộng với đám nhà thơ bằng hữu của ông.

Sự quái gở còn có thể dẫn chứng một cách hùng hồn hơn thế nữa là trong 42 nhà thơ giống nhau giữa hai tuyển tập, tôi còn lọc ra được 13 bài thơ đã được chọn trong tuyển tập trùng hợp với 13 bài thơ do độc giả bình chọn. Tỉ lệ trùng hợp là  1/3. Điều không thể xảy ra trên thực tế được

Thiệt là phép lạ xảy ra giữa ban ngày để có sự trùng hợp giống nhau giữa các bài thơ của hai tuyển tập. Đó là các bài thơ của các thi sĩ Vũ Cao, Nông Quốc Chấn, Sông Hồng, Nguyên Hồng, Minh Huệ, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Dương Hương Ly, Tú Mỡ, Nguyễn Mỹ, Giang Nam, Hồng Nguyên, Thanh Thảo.

Trong số những nhà thơ này, tôi đặc biệt mong ông Thanh Thảo đọc được bài viết này và lên tiếng giải thích lý do sự trùng hợp quái gở đến như vậy?

Kết luận

Nếu có cái bả vinh danh vinh hoa phú quý trong cái danh sách tuyển chọn 17 vị Việt Kiều Hải ngoại nhận giải mà không biết ngượng, không biết là trò hề dàn dựng bởi cái chính quyền nhà nước là nhân vật buồn cười thì cũng một lẽ ấy, 100 bài thơ hay của thế kỷ 20 do đạo diễn Lê Lựu là 100 cái buồn cười.

Chúng ta đang sống trong một xã hội với một chính quyền buồn cười với lớp người dân khờ khạo đến buồn cười.

 Tập thơ 100 bài thơ hay thế kỷ 20 phản ảnh sự buồn cười và khờ khạo đó. Và xin mượn lời nhà thơ Chế Lan Viên để viết rằng:

 Làm thơ đã là một việc phi thường, nhưng sao chép, ráp nối, lừa đảo như ông Lê Lựu thật ra chỉ là một việc bình thường ở nước ta.

Viết xong bài này, tôi cũng lại có một hy vọng hão huyền là mong có một nhà thơ nào còn sống hay đã chết xin rút tên ra khỏi danh sách 100 bài thơ hay thế kỷ 20.

Phần tôi, xin mạo muội thay nhà thơ Nguyên Sa đã quá vãng rút tên ra khỏi danh sách này, vì một lẽ dản dị, tự thâm tâm, ông không muốn là kẻ đồng hành. Dù chỉ là :  

                                                 Đồng Hành
                                                 Trong cõi chết
                                                                      ( trích thơ Những năm sáu mươi)1]



1] Trích dẫn Lời nói đầu 100 Bài thơ hay hay thế kỷ 20, trang 6