JACK MA VÀ CÔNG CỤ TUYÊN TRUYỀN “SOUTH CHINA MORNING POST”
Trần Trung Đạo
Lướt qua con số “like”, “love” và nhất là “share” của người Việt có khuynh hướng chống Trung Cộng, dành cho các tờ báo quảng cáo cho chính sách “sức mạnh mềm” (soft power) của Trung Cộng trên FB mới thấy chính sách tuyên truyền của Tập Cận Bình tinh vi đến mức độ nào.
Một tin về hoạt động quân sự của Mỹ tại Biển Đông: “The US said the operation "demonstrates the US' commitment to a free and open Indo-Pacific" (Hoa Kỳ cho rằng hoạt động “chứng tỏ quyết tâm của Mỹ về một tự do và mở rộng Ấn Độ - Thái Bình Dương).
Theo tin đó, Mỹ tiếp tục khẳng định chính sách cứng rắn qua việc đưa tàu chiến đến các khu vực nóng trên Thái Bình Dương để ủng hộ đồng minh của Mỹ.
Không đợi ai nhắc, trách nhiệm của một người chống Trung Cộng là phải “like” và “share” bản tin cho thật rộng. Độc giả thích đọc những tin chỉ trích hay gây khó khăn cho Trung Cộng. Với họ vậy là đủ, không cần biết ai viết và viết với dụng ý gì.
Xin thưa, tin đó trích từ báo South China Morning Post (viết tắt là scmp) do một tỉ phú và đảng viên đảng CS Trung Quốc có tên là Jack Ma làm chủ. Ông ta cũng là người đứng đầu của tập đoàn IT Alibaba.
The South China Morning Post là tờ báo có một lịch sử lâu dài tới 115 năm. Trước đây báo này do đại công ty bất động sản Robert Kuok làm chủ nhưng Jack Ma của Alibaba mua lại vào tháng 4, 2016 với giá tương đương với 266 triệu Mỹ kim.
Khi đăng một tin có vẻ “bất lợi” cho Trung Cộng, phải chăng Jack Ma thay đổi quan điểm chính trị? Phải chăng Jack Ma chỉ muốn loan tin trung thực? Cả hai đều không đúng.
Bản tin đó không có gì mới, chính phủ Mỹ đã nhiều lần khẳng định quan điểm về một tự do và mở rộng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Nhưng bài báo chắc chắn sẽ thu hút nhiều người đọc quan tâm đến tình hình Biển Đông.
Khi một người đọc “like” hay “share” một bài báo cũng có nghĩa là người đọc đó “like” hay “share” cả tờ báo, trong trường hợp này là South China Morning Post.
Các độc giả khác sau khi đọc tin có vẻ khách quan vừa được “share”, sẽ đọc thêm các bài khác nhằm đánh bóng chế độ CSTQ, số người đọc và cứ thế nhân lên.
Đừng nghĩ một người có lập trường chống Trung Cộng kiên định sẽ không bị ảnh hưởng. Qua những “like”, “love”, “share” những người chống Trung Cộng đã góp phần thực thi chính sách “sức mạnh mềm” của Trung Cộng tại Hong Kong và trên thế giới.
Đối với Hong Kong. Các cuộc biểu tình hàng năm như tưởng niệm Thảm Sát Thiên An Môn hay các phong trào “Cách mạng Dù” chẳng hạn, đặt Tập Cận Bình trước hai chọn lựa (1) đàn áp thẳng tay, (2) thuyết phục từ từ bằng phương pháp giáo dục, truyền thông, truyền hình và báo chí.
Nền giáo dục Hong Kong trước đây vốn đặt trên nền tảng tự do suy nghĩ, việc áp đặt các tư tưởng chuyên chế CS như đưa “chủ nghĩa duy vật”, “tư tưởng Tập Cận Bình” vào sách giáo khoa sớm sẽ gây nên phản ứng mạnh. Tập Cận Bình chọn giải pháp thứ hai là tẩy não nhỏ giọt.
Đối với thế giới. Bên cạnh các tin có vẻ khách quan và có thể giải thích tùy thuộc vào quan điểm riêng của người đọc, South China Morning Post mỗi ngày đều đăng một số tin giới thiệu các hình ảnh “tốt đẹp” và “tích cực” từ lục địa Trung Quốc.
Mặc dù được cho phép đóng vai “phản biện” khá rộng rãi trong nhiều lãnh vực, South China Morning Post duy trì chính sách “tự kiểm duyệt” trong đó bao gồm việc không được nhắc đến các vấn đề nhân quyền và không được đụng tới Tập Cận Bình dù gián tiếp. Năm 2018, một nhà báo uy tín của South China Morning Post đã phải từ chức khi nhắc đến một nhà đầu tư Hong Kong giàu to nhờ có quan hệ với họ Tập.
Độc giả rất dễ rơi vào chiếc bẫy tuyên truyền khi South China Morning Post cũng loan tin về các cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên học sinh Hong Kong cũng như đăng tin về lễ tưởng niệm Thiên An Môn vào tháng 6 hàng năm.
Là một tờ báo phát hành tại Hong Kong, South China Morning Post phải theo dõi thời sự Hong Kong vì nếu không sẽ không còn độc giả. Tuy nhiên, những bản tin như thế không có ảnh hưởng gì với đối với dân TQ tại lục địa vì tờ báo nầy “được” ngăn chặn vào lục địa.
Vào ngày 19 tháng 2, 2019, South China Morning Post cũng có đăng bài viết nói lên tâm trạng bị bỏ quên của những cựu chiến binh Trung Cộng trong chiến tranh biên giới Việt-Trung, tuy nhiên không một cựu chiến binh nào đọc được bài viết đó vì họ sống trong lục địa.
Một người dù ở chức vụ gì khi về già, nhận thức vẫn in đậm nét giáo dục của thời còn trẻ. Cá nhân Tập Cận Bình chỉ tốt nghiệp trường đảng, nghiên cứu lý thuyết CS và lãnh đạo đảng từ cấp quận huyện cho đến cấp trung ương. Không ngạc nhiên, trong một diễn văn dài đọc tại Đại Học Bắc Kinh nhân dịp 200 năm sinh nhật Marx vào tháng 5, 2018, Tập Cận Bình nhấn mạnh “chưa có một tư tưởng nào ảnh hưởng đến nhân loại sâu sắc hơn tư tưởng Marx”.
Jack Ma được Nhân Dân Nhật Báo ca ngợi như là một trong số 100 người có đóng góp lớn cho Trung Cộng trong 40 năm qua. Bài báo cũng tiết lộ Jack Ma là đảng viên đảng CSTQ. Alibaba xác định tin của Nhân Dân Nhật Báo là đúng. Do đó, thật ngây thơ nếu tin anh chàng đảng viên CS Jack Ma và tờ South China Morning Post thể hiện sự trung thực của tinh thần báo chí.
Từ một nhà kinh doanh IT, Jack Ma bước thêm sang lãnh vực truyền thông báo chí mà y biết có thể không lời. Nhưng mục đích của Jack Ma không phải là lợi nhuận mà có thể là trách nhiệm đảng giao. Như nhà báo Javier C. Hernández của NY Times phân tích, nhiệm vụ của South China Morning Post là “cải thiện hình ảnh Trung Quốc trên thế giới và chống các quan điểm ghét Trung Quốc trong báo chí quốc tế.”
Trung Cộng nới lỏng các nguyên tắc quản lý kinh tế nhưng về tư tưởng vẫn tôn sùng Marx và áp dụng lý thuyết của Marx vào các phần còn lại của đời sống con người. Jack Ma là một phần của bộ máy toàn trị trong thời đại toàn cầu hóa và không cần biết y giàu có bao nhiêu vẫn phải xoay theo chiều xoay của trục cầm quyền.
Trần Trung Đạo