VÀI SUY NGHĨ VỀ BẢN TÍNH CON NGƯỜI VÀ DÂN TỘC QUA HIỆN TÌNH XÃ HỘI VIỆT NAM

Lê Quang Hiền
Dẫn nhập
Tình trạng suy giảm đạo đức và văn hóa của người Việt cả tại học đường lẫn ngoài xã hội tại Việt Nam ngày càng trần trọng, nhất là những năm gần đây. Ngày nay, lắm người không còn biết thế nào là danh dự, liêm sĩ, họ chỉ biết sống theo bản năng sinh tồn cho riêng bản thân và gia đình mình mặc kệ cho những người xung quanh;.....
..... và cũng lắm người không còn biết thế nào là tự hào dân tộc, tình yêu thương đồng bào, đồng loại và ngày càng xa lạ hơn với tình yêu thương Tổ Quốc.  Người dân Việt Nam ngày nay ai cũng biết đạo đức của người Việt đang xuống dốc, ác nhiều, thiện ít, nhưng tại sao lại thờ ơ và ngay cả vô cảm với tình trạng suy thoái đạo đức này?
Nguyên nhân nào đã dẫn đến việc người dân thờ ơ, vô cảm với hiện tình của đất nước với danh dự của dân tộc cũng như sự tồn vong của quốc gia?  Phải chăng sau hơn 40 năm cả nước sống dưới ách độc tài cộng sản, liên tục bị sách nhiễu trù dập, yêu nước là cái tội, dân ta đã mất đi lòng ái quốc và tính tự hào dân tộc? Nếu nhắc đến cái dũng của người xưa thì có mấy ai ngày nay trong đám quan lại cộng sản có đảm lược như một Trần Bình Trọng (1259 – 1285) sau khi bị sa cơ và bị giặc Nguyên bắt sống:
“Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”
hay một Giang Văn Minh (1573 – 1639) đã hiên ngang đối lại câu đố đầy ngạo mạn của vua nhà Minh – Minh Tư Tông Chu Do Kiểm:
Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng đến nay rêu đã xanh)
bằng:
Đằng Giang tự cổ huyết do hồng (Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ)
hay một Nguyễn Thái Học (1902-1930) và 12 đồng chí của ông trước khi lên đoạn đầu đài đã hiên ngang hô to bốn chữ: “Việt Nam muôn năm”
Lòng yêu nước nồng nàn và tình yêu thương đồng bào là đức tính cao quý của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Đức tính đó là một trong những lý do chính cho sự tồn tại của dân tộc Việt dù bị giặc Tàu đô hộ hơn một ngàn năm. Hai câu ca dao trong văn chương truyền khẩu:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
đã nói lên tính nhân ái có từ xưa của dân tộc Việt. Tính nhân ái đó không chỉ giới hạn trong phạm vi một bộ tộc đồng chủng, mà bao gồm những bộ tộc khác sống cùng trên một giải đất quê hương. Đồng thời hai câu ca dao này cũng là biểu tượng của sự đoàn kết của tất cả mọi người trong một nước.  Chính sự đoàn kết đó đã tạo một nên một sức mạnh to lớn và sức mạnh đó đã bao lần đánh bại các đoàn quân xâm lăng hùng mạnh của bọn giặc từ Phương Bắc.