Gia-đình ta, gia-đình tây Và vấn-đề hội-nhập


Gia-đình ta, gia-đình tây
  Và vấn-đề hội-nhập
Phạm Hồng-Lam
Đức
Ta là người việt hải-ngoại. Tây ở đây là các quốc-gia trung và bắc Âu châu, mà nước
Đức là đại-biểu.
Bài này chỉ là một số gợi ý cho cuộc thảo-luận trong dịp đại-học-hè 2001, nhằm giúp
các bạn trẻ
-        Ý-thức thêm về định-chế [1] gia-đình
-        Nhận ra một số khác-biệt của gia-đình việt và đức và
-        đặt vấn-đề về bản-sắc văn-hoá (kulturelle Identitaet) mình: Nếu như hội-nhập, về phía người việt, là cố-gắng vừa hoà mình vào xã-hội địa-phương vừa nỗ-lực bảo-tồn những bản-sắc văn-hoá riêng của mình, thì đâu là những sắc-thái riêng cần giữ đó ? và giữ bằng cách nào ?
 
Vì bài viết có một số từ cơ-bản thuộc lãnh-vực xã-hội-học, quan-trọng nhưng lạ với nhiều bạn trẻ, nên tôi ghi thêm tiếng đức tương-đương vào sau các từ đó để một số bạn dễ hiểu và dễ so-sánh hơn.
Chức-năng gia-đình
Gia-đình, trên phương-diện xã-hội-học, được hiểu như là một nhóm xã-hội căn-bản [2] thường thấy (phổ-biến) nhất, được hình-thành qua nghi-lễ (hỏi, cưới...) nhằm thực hiện một số chức-năng (Funktionen) xã-hội nhất-định. Những chức-năng này là
*         Truyền-sinh:       gia-đình là định-chế duy-nhất trong đó liên-hệ tình-dục được xã-hội chấp-  nhận để lưu truyền sự sống nhân-loại, sự tiếp-nối dòng tộc...
·          Xã-hội-hoá [3]:  gia-đình là môi-trường chính-yếu trong việc học tập các vai-trò (Rollen: như  làm cha, mẹ, ông, bà, anh chị em, chú, bác v.v.) và giáo-dục con cái.
·          Lao-động và kinh-tế: phân công làm việc để nuôi sống các thành-phần trong gia-đình, đặc-biệt trẻ nhỏ.
·          Điều-hoà tình-cảm: gia-đình là chỗ xì hơi, nơi giải-toả những tình-cảm ứ-đọng hoặc bị ức-chế (vui, buồn, bực-tức, thất-vọng, căng-thẳng tinh-thần...) của các thành-viên.
·         Giải-trí: bằng qua các sinh-hoạt, nhịp sống trong gia-đình.
·         Tôn-giáo: Trong các xã-hội xưa, đặc-biệt các xã-hội có đạo thờ kính tổ-tiên, gia-đình là nơi thờ-tự, thành-viên trong gia-đình là người chủ tế. Ngoài ra, gia-đình còn là nơi truyền lưu niềm tin tôn-giáo.
Chuyển-dịch chức-năng từ xã-hội truyền-thống sang xã-hội tân-tiến [4]
Trên đây là những chức-năng cổ-điển (klassische Funktionen) của định-chế gia-đình, có tầm quan-trọng quyết-định trong các xã-hội cổ-xưa và nông-nghiệp (cũng gọi là các xã-hội tiền kĩ-nghệ, nghĩa là chưa phát-triển về kĩ-nghệ).
Xã-hội việt-nam hiện nay nhìn chung thuộc vào loại tiền kĩ-nghệ. Đó là một xã-hội nông-nghiệp (ở nông-thôn) đang trên đường bước vào công-nghiệp (ở các trung-tâm đô-thị). Đặc-điểm của các xã-hội tiền kĩ-nghệ là:
·  Nền kinh-tế chủ-yếu nông-nghiệp, trên căn-bản tự cung tự cấp. Kinh-tế nông-nghiệp cần nhiều lao-động và đòi-hỏi mức đoàn-kết cao, vì nếu không có sự hiệp lực nhiều người thì sẽ không hoàn-thành được những công-việc mang tính thời-vụ nặng-nhọc. Nền kinh-tế này chưa có đa-hoá nghành nghề (Berufspluralisierung), nên nhu-cầu di-động (Mobilitaet) nhân-công chưa cao, do đó hệ-thống giao-thông cũng chưa có nhu-cầu phát-triển. Hệ-quả: số sinh cao (nhiều con, vì cần nhiều lao-động), hình-thái đại gia-đình (ông bà, cha mẹ, con cái sống quây-quần với nhau) phổ-biến và vì thế mức-độ gắn-bó tình-cảm cao.
·  Hệ-thống truyền-thông và nền giáo-dục chưa trải rộng nên gia-đình còn giữ ảnh-hướng lớn trong việc xã-hội-hoá và sinh-hoạt giải-trí. Khi truyền-thông còn hạn-chế và trình-độ giáo-dục cá-nhân chưa cao thì ảnh-hưởng của truyền-thống (Tradition), đặc-biệt là ảnh-hưởng tôn-giáo, còn giữ vai-trò quan-trọng trong đời sống cá-nhân và gia-đình. Truyền-thống đạo kính tổ-tiên và đạo hiếu (được hệ-thống-hoá trong Khổng-giáo) ở Việt-Nam là một yếu-tố quyết-định trên hình-thái và sự gắn-bó (đại) gia-đình và liên-hệ thân-tộc (Verwandtschaft).
·  Địa-vị (Status) của người đàn bà thấp. Vai-trò của họ hạn-chế trong vòng gia-đình với bếp-núc, sanh con, nuôi con (và cả gia-đình) và phục-vụ chồng con.
         Đó là ba đặc-điểm chính. Chúng, bằng nhiều cách, đã khiến cho định-chế gia-đìnhtruyền-thống giữ vai-trò quan-trọng trong việc chu-toàn 6 chức-năng cổ-điển trên đây.
Khi xã-hội bước sang giai-đoạn kĩ-nghệ-hoá (Industrialisierung : nền công-nghiệp máy-móc phát-triển cao) và giai-đoạn hậu kĩ-nghệ hay cũng được gọi là hậu tân-tiến (Postmoderne), trong đó công-nghiệp dần nhường chỗ cho thương-mại, dịch-vụ và tin-học - như trong các xã-hội tây âu hiện nay -, định-chế gia-đình cũng biến-chuyển theo. Gia-đình trong các xã-hội hậu tân-tiến phải cạnh-tranh với nhiều định-chế xã-hội khác, nên đã không còn giữ vai-trò quan-trọng hay độc-quyền về các chức-năng cổ-điển trên. Đã có một sự chuyển-dịch chức-năng sang các định-chế xã-hội khác.
·  Nhà trẻ, trường học, trường nghề, xí-nghiệp, sở làm, nhà dưỡng lão, các phương-tiện truyền thông... đã lấy đi một phần quan-trọng vai-trò xã-hội-hoá của gia-đình.
·  Các phương-tiện giải-trí như chớp bóng, quán nhảy, quán rượu, quán nhạc, truyền thanh, truyền hình, vi-tính, xe hơi, thể-thao, du-lịch, văn-nghệ ... xâm chiếm gần hết thì-giờ sinh-hoạt và giải-trí trong gia-đình.
·  Trước kia, khi gặp bực-bội từ ngoài, gia-đình gần như là nơi duy-nhất để ông bố / bà bô giải-toả nỗi lòng. Hoặc bằng tâm-sự chia sẻ hoặc xì hơi bực-bội lên đầu con-cái hay đầu "thằng cha" "con mẹ". Nay, nếu bực mình, ông có thể ra quán, bà có thể đình-công nấu-nướng vì đã có tủ-lạnh, hàng quán, con cái chui vào phòng (có thể suốt ngày không cần ăn) với tivi, máy tính. Bữa ăn chung (hiếm dần) không còn là cơ-hội chuyện-trò thân-mật nữa, vì cuộc đá banh trực-tiếp truyền-hình đang đợi bố, trò chơi dở-dang trong máy tính đang hối-thúc con... Nghĩa là vai-trò điều-hoà tình-cảm của gia-đình đang sút giảm trầm-trọng.
·  Vai-trò lao-động kinh-tế của gia-đình cũng bị xói mòn. Trước đây phải tự nai lưng ra mà may-vá, trồng-tỉa, chăn-nuôi để lấy cái ăn cái mặc. Nay cần gì có thể ra chợ, vào siêu-thị. Kinh-tế hàng-hoá đã thay-thế việc tự cung tự cấp. Việc làm ở xí-nghiệp, các qui-chế trợ-cấp thất nghiệp, trợ-cấp xã-hội đã và đang giải-phóng dần sự lệ-thuộc kinh-tế giữa các thành-viên trong gia-đình.
·  Trình-độ dân trí cao, vật-chất phồn-vinh, rủi-ro đời sống được y-tế và bảo-hiểm bảo-đảm, phương-tiện giải-trí mở rộng, khoa-học tiến-bộ... Những yếu-tố này, được hỗ-trợ bởi một nền truyền-thông vạn năng, đang đẩy niềm tin tôn-giáo vào hậu-trường đời sống. Trong nhà người đức, thảng hoặc nếu còn treo đây đó một cây thánh-giá thì cũng vì thói quen nhiều hơn là một biểu-tượng sống niềm tin. Bên nhà, gia-đình là nơi lưu-truyền và nuôi dưỡng lòng tin. Bên đây, việc tín-ngưỡng được khoán trắng cho các cơ-sở tôn-giáo.
·  Những phát-triển y-khoa, kinh-tế và xã-hội, những thay-đổi về giá-trị (Werte: phong-tục, tập-quán, đạo-đức, luân-lí) đã tác-động mạnh trên chức-năng truyền-sinh của gia-đình. Bên đây chẳng có chuyện "trời sinh voi sinh cỏ", đẻ con để "nối dõi tông đường", hoặc để "bảo-đảm tuổi già" nữa. Rủi-ro kinh-tế gia-đình đã có trợ-cấp xã-hội, tuổi già đã có bảo-hiểm, nên chẳng cần (nhiều) con. Liên-hệ tình-dục hoặc việc sinh con chẳng còn là độc quyền của hôn-nhân nữa. Dù nhiều người vẫn còn công-nhận giá-trị trỗi vượt của hình-thái gia-đình truyền-thống, nhưng định-chế này càng ngày càng bị cạnh-tranh bởi nhiều lối sống khác, như sống độc-thân, ở chung không cưới, độc-thân có con, vợ chồng không con, li-dị, hình-thái sống chung của các đôi đồng tính (homosexuell) đang được pháp-luậthợp-thức-hoá...  
Một vài con số : Năm 1950 trên hai miền nước Đức cứ 1000 dân có 11 đôi hôn-nhân; đến năm 1993 còn khoảng 5 đôi. Hôn-nhân ít khiến tỷ-số li-dị đã cao lại càng cao. Hiện cứ ba đám cưới thì có một đám li-dị. Năm 1990 Tây-Đức có khoảng 34% tổng số hộ độc-thân (chủ-yếu trong cỡ tuổi 25 – 55), 30% hộ gia-đình không con, gần 20% hộ gia-đình 1 con và số còn lại hộ từ  2 con trở lên. Trong số các hộ có con, hộ độc-thân có con chiếm khoảng 20% trên tổng-số. Chiều hướng chung sau ngày thống-nhất: li-dị, độc-thân và số hộ không con càng ngày càng tăng. Những chính-sách nhỏ giọt khuyến-khích sinh con của nhà-nước tới nay vẫn không kết-quả. Luật-pháp đang có khuynh-hướng định-nghĩa lại gia-đình: đâu có con đó là gia-đình ! Theo đà giảm dân hiện nay, đến năm 2020 dân số nước này từ 82 triệu (năm 2000) sẽ xuống còn độ 70 triệu. Muốn giữ vững nhân-số lao-động, từ nay đến đó mỗi năm cần tăng-viện từ ngoài vào 400 ngàn người (trong lúc số người thất-nghiệp hiện nay vẫn trên dưới 4 triệu!). Những thực-tế đó đã buộc nước Đức hôm nay phải mở cửa nhập dân. Đạo-luật nhập-cư có thể thông qua trong năm tới (dĩ nhiên người ta chịu mở cửa cũng là để thu-hút chất xám của các nước nghèo). Xưa nay chính-sách của nước Đức là bế quan toả cảng đối với người ngoài, xem họ chỉ là "thợ khách", nên đã không nghĩ tới vấn-đề hội-nhập. Chưa bao giờ nước này quan-tâm tới vấn-đề gia-đình và chuyện hội-nhập dân ngụ-cư một cách ồn-ào như hiện nay.
 
Đâu là nguyên-nhân của những hiện-tượng trên ?
Dĩ nhiên là có nhiều nguyên-nhân. Chúng bổ-túc và chồng chéo lên nhau. Trong đó phải kể tới sự phồn-thịnh kinh-tế và đô-thị-hoá (hai đặc-điểm của kĩ-nghệ-hoá). Song nhìn chung, có một điểm nổi bật nhất trong xã-hội âu châu hiện tại là sự bành-trướng giáo-dục. Năm 1960 Tây-Đức có khoảng 300 ngàn sinh-viên. 30 năm sau, tổng-số tăng lên 1,5 triệu. Đây chính là đòn bẩy của nhiều đổi-thay, đặc-biệt các đổi-thay liên-quan tới định-chế gia-đình.
Bành-trướng giáo-dục nâng cao dân-trí, mở ra cơ-hội nghề-nghiệp cho nhiều người. Có học, có nghề có nghĩa là có khả-năng tự-lập, thoát lệ-thuộc tài-chánh. Việc học và việc làm đẩy lùi thời-gian lập gia-đình. Trung-bình thanh-niên đức lập gia-đình vào tuổi ngoài 25. Theo-đuổi nghề-nghiệp đưa đến việc muộn-màng hoặc biếng-nhác sinh con. Đó là chưa nói lối sống cá-nhân, hưởng-thụ trong nhiều trường-hợp đã khiến người ta thấy không cần-thiết lập gia-đình hoặc không muốn có con. Mở rộng giáo-dục cũng là một yếu-tố hỗ-trợ và đẩy nhanh sự thay-đổi giá-trị. Thế-hệ thanh-niên sinh-viên 68 ở Âu châu đã đứng lên phá tung "xiềng-xích" cũ để tranh-đấu cho một nếp sống "mới" phản uy-quyền, phản gò-bó, cổ-xuý tự-do luyến-ái, tự-do cá-nhân, chối-bỏ lối giáo-dục của gia-đình truyền-thống. Nhân danh lí-tưởng "phát-triển / thăng-hoa cá-nhân" (Selbstverwirklichung) họ tháo gỡ các khung đạo-đức luân-lí truyền-thống .
Hệ-quả có lẽ quan-trọng nhất của việc bành-trướng giáo-dục là địa-vị người nữ được nâng cao, qua việc mở ra cho họ cơ-hội nghề-nghiệp dẫn tới độc-lập tài-chánh. Trước đây, người đàn bà đức chỉ quanh-quẩn với (ba chữ K) con-cái (Kinder), bấp-núc (Kueche) và nhà thờ (Kirche). Người ta vẫn cho rằng hai phát-minh trong thế-kỉ XX đã đổi đời người đàn bà tây phương là thuốc ngừa thai và máy giặt. [Có lẽ cũng không kém quan-trọng như sự-kiện phụ-nữ mông-cổ biết mặc quần - để cưỡi ngựa ra trận-]. Nhưng các thứ đó mới chỉ giải-phóng người nữ ra khỏi những gánh nặng hàng ngày. Chính giáo-dục mới là yếu-tố đã giúp họ bước ra xã-hội, tạo chủ-động cho cuộc sống mình. Từ 70 ngàn (23%) nữ sinh-viên năm 1960 ở Tây-Đức tăng lên 600 ngàn (38%) năm 1990 và hiện nay số nữ sinh-viên cả nước xấp-xỉ ngang bằng số nam sinh-viên. Ngoài ra, giáo-dục (và khả-năng di-động) đã xoá nhoà làn ranh giai-tầng nơi người nữ : chuyện "môn đăng hộ đối" đã thuộc về quá-khứ. Hôn-nhân ngày nay không còn là một kết-ước cấp-thiết (Notgemeinschaft), nhưng là một kết-hợp tự-do giữa hai cá-nhân xa lạ (ở Đức, cứ 8 cặp thì có 1 cặp hôn-nhân dị chủng [bikulturel])ï, và vì thế nó phải đối-diện với nhiều bất-trắc hơn. Càng bất-trắc, khuynh-hướng ngại hôn-nhân lại càng tăng.

Vấn-đề hội-nhập

Hội-nhập (Integration) không phải là đồng-hoá (Assimilation). Đồng-hoá là sự tan biến của một thiểu-số vào trong một đa-số. Hội-nhập cũng không hẳn là thích-ứng (Anpassung), vì thích-ứng là sự điều-tiết một chiều của một yếu-tố vào một toàn-thể. Hội-nhập là một tiến-trình thâu hoá hai chiều và có ý-thức, trong đó đa-số chấp-nhận thiểu-số với cái cá-biệt của họ và ngược lại, thiểu-số chấp-nhận qui-luật của đa-số nhưng đồng thời vẫn không để mình bị biến mất trong cái đa-số ấy. Một hội-nhập văn-hoá thành-công khi văn-hoá thiểu-số sẵn-sàng hoà mình vào văn-hoá đa-số, chấp-nhận thâu hoá những cái đáng theo của người, đồng thời vẫn giữ được cái độc-đáo của mình.
Ở đây ta không bàn tới khía-cạnh thái-độ phải có của xã-hội nhận cư (Aufnahmegesellschaft) trong tiến-trình hội-nhập. Mà chỉ giới-hạn vấn-đề vào nỗ-lực bảo-toàn bản-sắc của phía người nhập cư mà thôi.
Vậy, đâu là những cái độc-đáo của mình cần giữ ?
Ở trên ta đã lược qua những yếu-tố khác nhau liên-quan tới hôn-nhân và gia-đình của xã-hội truyền-thống việt và xã-hội tân-tiến âu châu. Một số hiện-tượng trong xã-hội âu châu đã thấy xuất-hiện kha-khá nơi người việt rồi. Như coi thường việc hôn-nhân và gia-đình (đặc-biệt nơi lớp người trẻ mới sang tị-nạn), tự-do luyến-ái, dễ-dàng li-dị, sống chung không cưới, chức-năng gia-đình và uy-quyền cha mẹ (nhất là của người cha) bị sút-giảm, tôn-giáo mất ảnh-hưởng... Các biểu-hiện này đã và đang làm cho các thế-hệ lớn tuổi người mình lo-ngại. Đã một thời, theo quan-sát của tôi, đa phần những gia-đình hễ bước vào nghề làm nhà hàng là đổ-vỡ và chẳng có được mấy đôi hôn-nhân dị chủng bền lâu. Nhưng xét cho cùng, những biểu-hiện đó chỉ là bề mặt hay tử-số của một mẫu-số văn-hoá nằm sâu hơn. Đa phần chúng là hậu-quả gần như đương-nhiên của sinh-trường (Milieu). Sống trong khung-cảnh xã-hội đổi mới ở Âu châu trước sau gì người việt cũng tiêm-nhiễm hoặc để trôi theo những dòng nước. Chẳng hạn việc có (bao nhiêu) con bên đây là một tính-toán cá-nhân, tùy-thuộc vào khả-năng tài-chánh, nhà ở, công ăn việc làm, hoàn-cảnh xã-hội...  chứ không là chuyện trời sinh voi nữa.
Chính mẫu-số văn-hoá- hay còn gọi là động-lực văn-hoá - mới là yếu-tố quyết-định. Mẫu đổi thì tử đổi. Các mẫu-số này được phản-ảnh qua nội-dung xã-hội-hoá. Nói cách khác, trong địa-hạt hôn-nhân và gia-đình, dân âu tây và dân việt quan-niệm như thế nào, và từ đó họ sống cuộc sống gia-đình và giáo-dục con-cái như thế nào?

Mẫu-số văn-hoá: Đạo Hiếu hay Tình đạo việt

Một cách tổng-quát, văn hoá châu âu là văn-hoá kitô-giáo, thiên về khoa-học, duy-lí, đề cao tự-do và cá-nhân. Trong khi đó văn-hoá việt chịu ảnh-hưởng Khổng-giáo, trọng tình, đề cao tính tập-thể (gia-đình, làng-xã) và nặng tôn-ti trật-tự (mà quan-hệ thân-tộc phức-tạp là một thí-dụ). Cả hai văn-hoá đều xem trọng con người. Nhưng chữ "nhân" khổâng-giáo bị chìm đi trong tập-thể, trong tổ-chức. Còn "nhân-bản" tây phương đưa con người cá-nhân vượt trên tập-thể (Karl Marx vì thế đã không được tây phương đón-nhận như ở đông phương).
Từ căn-bản đó, giáo-dục gia-đình và học đường ở Đức, kể từ khi xã-hội họ bước qua giai-đoạn truyền-thống để đi vào kĩ-nghệ và hậu kĩ-nghệ, đang hướng các thế-hệ hiện tại vào con đường trưởng-thành với khả-năng tự tin, tự lập, thuần đời (nghĩa là độc-lập với ảnh-hưởng tôn-giáo). Những giá-trị (cũ) như vâng lời, cần-mẫn, ngăn-nắp, kính trọng cha mẹ, đạo-hạnh ... trở thành thứ yếu. Và chủ-nghĩa cá-nhân (Individualismus) cũng như khuynh-hướng vật-chất (Materialismus) đã lớn lên từ mục-tiêu xã-hội-hoá đó. Các thế-hệ trẻ đức ngày nay thường lấy quyền lợi và thành-công cá-nhân làm điểm khởi phát cho suy-nghĩ và hành-động của mình.
Trong khi đó gia-đình việt, dù ý-thức hay không ý-thức, cũng đang hướng con người vào những giá-trị gắn-bó với cộng-đồng, tập-thể (Gemeinschaft) . Với tập-thể gia-đình và tập-thể thân-tộc (Verwandtschaft) bằng một hệ-thống xưng-hô (cha, mẹ, anh, chị, em, cháu, cô, thím, bác, chú, dì, cậu, mợ, ông nội, bà ngoại, dượng ...) vô cùng phong-phú và có thể uyển-chuyển thay-đổi theo độ tình-cảm. Với cộng-đồng làng-xã hay quốc-gia ta có quan-niệm đồng hương, đồng bào. Khi xưng-hô, cá-nhân cảm thấy mình đang ở trong một tập-thể với vai-trò và địa-vị rõ-ràng. Và quan-trọng hơn, là khi xưng-hô như thế, chúng ta bày tỏ với nhau một tình-tự, nhỏ thì tình-tự bà-con, lớn thì tình-tự đồng bào. Không một dân-tộc nào khác có được gia-tài xưng-hô này. Khi trong gia-đình, cha mẹ, con cái gọi nhau bằng Đu, Ích, Toa, Moa, Ai, Du... thì cảm-thức thân-tộc và tình-cảm gắn-bó sẽ chẳng còn và đó là bắt đầu của vong-thân. Vì thế, tiếng nói là điều-kiện đầu tiên trong việc giữ-gìn bản-sắc. Không thể nói chuyện hội-nhập khi ta không biết được ngôn-ngữ của xã-hội nhận cư. Cũng vậy, muốn giữ bản-sắc văn-hoá mình, ta không thể không biết ngôn-gnữ mình, đặc-biệt tiếng việt của ta là cái nôi chuyên-chở tình-cảm.
Ngoài ra, hôn-nhân theo văn-hoá việt không chỉ là chuyện của đôi trai gái (như  ở âu tây) mà còn là việc nối kết giữa hai dòng họ, hai tập-thể (vì thế kẻ đứng tên trên thiệp cưới là bố mẹ hay người đại-diện gia-đình). Qua hôn-nhân mà vòng thân-tộc (bà-con) cứ  mở dần ra mãi để cuối cùng biến cả dân-tộc việt trở thành một đại gia-đình, trong đó mọi người tuỳ theo tuổi-tác mà gọi nhau bằng ông, bà, cháu, chú, bác, thím, anh, chị, em... Cả một dân-tộc đều là bà-con, nối-kết nhau bằng một thứ keo tình-cảm chín bỏ làm mười,  một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Ra đường ta không phải gặp anh-hùng (như người ta vẫn tri-hô), nhưng trước hết là gặp một anh, một chị, một bác, một cô, một em, tắt lại một bà-con hoặc một đồng bào !
Hôn-nhân, như thế, vừa có nhiệm-vụ lưu-truyền dòng tộc, giữ-gìn hương-hoả đồng thời tiếp-tục mở rộng vòng đai thân-tộc qua việc sinh con đẻ cái. Trai hay gái gì cũng có những trách-vụ đó. Ở đây cần hiểu rõ là văn-hoá việt không trọng nam khinh nữ. Việc coi nhẹ nữ giới xưa nay ở ta là dấu-vết thoái-hoá còn lại của ảnh-hưởng văn-hoá trung-hoa. Con trai hay con gái việt đều được chia phần hương-hoả, đều có thể dâng lễ tổ-tiên, họ nội hay ngoại cũng tình thân như nhau. Cứ thế, đời này tiếp đời nọ, các thế-hệ nối-tiếp nhau hoàn-thành vai-trò mình. Yêu nhau vì tình, lấy nhau vì nghĩa. Sinh con, như thế, cũng là một việc nghĩa. Nghĩa đối với tập-thể đi trước (tổ-tiên), với tập-thể đương thời (gia-đình dòng tộc hai bên) và tập-thể đi sau (hậu thế). Ý-thức được những điều này thì hôn-nhân không còn là một chuyện cá-nhân và thuần đời nữa. Nhưng đó là tiếng gọi của tập-thể và thiêng-liêng – người đi đạo công-giáo gọi đó là một bí-tích . Nhận-thức được như  thế thì làm sao ta có thể li-dị tuỳ hứng, phá thai tuỳ tiện được !
Tính cộng-đồng / tập-thể là một mẫu-số lớn của văn-hoá việt. Nhưng sinh-lực của mẫu-số đó, theo tôi,  là chữ Hiếu hay cũng gọi là chữ Tình.
Cách đây mười năm, tôi tham-dự một buổi nói chuyện tìm hiểu về con người việt nam do Diakonie
(Hiệp-hội thiện-nguyện thuộc giáo-hội tin-lành Đức)     tổ-chức cho các tác-viên  xã-hội người  bản  xứ. Thuyết-trình-viên là một chị người việt. Chị chẳng mang theo bài bản, sách vở gì và đã mở đầu với cây bút lông viết lên bảng chữ "Hiếu" to-tướng rồi nói: Tất cả con người và văn-hoá việt có thể tóm gọn trong chữ này; tất cả những thắc-mắc của anh chị tôi nghĩ có thể giải-thích qua chữ này. Rồi từ Hiếu chị dẫn cử-toạ vào niềm tin tôn-giáo, vào các lãnh-vực tổ-chức và quan-hệ    gia đình, tương-giao xã-hội, phong-tục tập-quán trong hôn quan tang tế, liên-hệ thân-tộc, cách xưng-hô, cách cư-xử  và động-lực hành-động... Tôi chỉ gặp chị có lần đó, chẳng còn nhớ cả tên chị,       nhưng  chữ "Hiếu" của chị từ đó như in vào óc. Chị đã khai tâm cho tôi về văn-hoá mình.
Hiếu là đạo sống của người việt. Nó cũng được gọi là Tình đạo việt, là sợi dây nối-kết cộng-đồng các thế-hệ đã qua, hiện-tại và tương-lai. Nó ấn-định mọi tương-quan gia-đình và xã-hội, cắt nghĩa các phong-tục tập-quán, là nguyên-nhân và hậu-quả của tín-ngưỡng gia-tiên...
Trước câu hỏi động-lực nào đã khiến các em chăm-chỉ học, hầu hết các em học-sinh trung-học người việt đạt kết-quả suất-sắc ở Hoa-Kỳ đã có một câu trả lời khác hẳn đồng bạn người mỹ và đã làm ngạc-nhiên các nhà khảo-cứu: Học để cha mẹ được bui lòng.
Hình-ảnh cậu Chang, cầu-thủ quần-vợt người mỹ gốc hoa, cũng là một điển-hình.  Khi     thắng trận chung-kết giải vô-địch quốc-tế Wimbledon, cậu vứt vợt, móc trong túi quần ra miểng giấy nhỏ xúc động đọc lên lời cám-ơn Thượng-đế và cha mẹ đã cho cậu có được giây phút vinh-quang này, trước sự ngỡ-ngàng của hàng trăm triệu khán giả khắp địa-cầu.
Có hình-ảnh nào đẹp hơn, sống-động hơn, dù đấy chỉ là một khía-cạnh của Hiếu. Nó cho thấy còn có một sợi dây tình-cảm quấn chặt các với cha mẹ, cho thấy gia-đình vẫn còn là một lẽ sống quan-trọng đối với các em.
Gia-đình của các em đó đã làm gì để truyền dưỡng tâm-tình đó cho các em ? Đây là một câu hỏi vô cùng hệ-trọng cần chúng ta luận-bàn tìm hiểu.
Lênh-đênh trong cuộc đời tị-nạn, một văn thi-sĩ  nào đó đã than: Chúng ta mất hết chỉ còn nhau. Tôi sợ rằng rồi sẽ mất luôn cả nhau nữa, nếu như ta không giữ được cái mẫu-số căn-bản nhất của mình: đạo Hiếu hay là Tình đạo việt.
 
Đức, ngày 25.05.20

 

[1] Định-chế (Institution) rộng nghĩa hơn chữ Tổ-chức (Organisation). Tổ-chức gợi lên hình-ảnh một cơ-cấu hành-chánh và mục-đích của cơ-cấu đó. Định-chế ngoài ý-nghĩa tổ-chức còn chú-trọng đến các tương-giao (ứng-xử, vai-trò) giữa các thành-viên trong đó.
[2] Nhóm căn-bản (Primaergruppe) là nhóm trong đó các thành-viên ảnh-hưởng lên nhau sâu-đậm và mạnh-mẽ. Chẳng hạn như gia-đình, lớp học, nhóm bạn đồng lứa...
[3] Xã-hội-hoá (Sozialisation) rộng nghĩa hơn chữ  Giáo-dục. Giáo-dục là việc truyền-thụ một kiến-thức hay kĩ-năng từ ngoài vào, ít nhiều mang tính bó-buộc. Xã-hội-hoá bao gồm giáo-dục lẫn việc đón-nhận, học tập một cách vô-thức, tự-nguyện như: con bắt-chước cha mẹ; khi có con, đôi thanh-niên phải tự học tập, tự điều-chỉnh lối ứng-xử mình (ý-thức hoặc vô-thức) để hoàn-thành vai-trò mới làm cha làm mẹ...
[4] Chữ Truyền-thống (traditionell) hay Tân-tiến (moderne) ở đây chỉ là một sự mô-tả, không bao-hàm phê-phán giá-trị (tốt hay xấu). Xã-hội tân-tiến không có nghĩa là tốt hơn hay là một tiến-trình đương-nhiên phải đạt đến.