Đức tân Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn trả lời
phỏng vấn America Magazine:
“Hãy mạnh dạn lên đường đến với người nghèo”
WHĐ (17.02.2015) – Ngay
sau khi Toà thánh công bố danh tính 20 vị hồng y do Đức Thánh Cha Phanxicô tuyển
chọn, tuần báo America Magazine của Hoa Kỳ đã liên hệ với trang tin điện tử của
Hội đồng Giám mục Việt Nam (WHĐ) để xin phỏng vấn Đức tân Hồng y Phêrô Nguyễn
Văn Nhơn. Đức hồng y Tổng giám mục Hà Nội đã nhận trả lời America Magazine với
nội dung sau đây*.
***
Theo Đức Tổng giám mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, châu Á
“thích hợp hơn với cách nói về cuộc đời Đức Giêsu như chính Ngài đã rao giảng
bằng dụ ngôn hai nghìn năm về trước. Một cách thế của phương Đông chứ không phải
theo phong cách duy lý trí”.
Ở tuổi 76, Đức hồng y đã dành cả một đời xây dựng những chiếc
cầu nối giữa Kitô giáo và đất nước Việt Nam, nỗ lực phát ngôn bằng con đường dẫn
đến đối thoại và hiệp thông. Với xã hội Việt Nam, Công giáo đã từng bị cho là mơ
hồ; vào thế kỷ thứ 19 thì được cho là tôn giáo của người Pháp - là những kẻ
chiếm đóng đất nước. Vào cuối thế kỷ 20, đã có lúc chính quyền cộng sản cho rằng
đây là mối đe dọa ngoại bang. Toà thánh không có một tiếng nói chính thức, cụ
thể như việc tấn phong giám mục của Đức hồng y vào năm 1991, nhưng phải được sự
chuẩn thuận của chính quyền. Nhiều linh mục và giáo dân bị cầm tù với những tội
danh hoạt động chống chính quyền.
Những năm gần đây, Việt Nam đã cho phép nhiều tự do tôn giáo
hơn trong một đất nước có 6 triệu người Công giáo, nhiều mâu thuẫn đã xảy ra, cụ
thể là đối với những lời hứa trao trả tài sản đã tịch thu như nhà dòng và nhà
thờ. Năm 2007, nhiều giáo dân và lãnh đạo Giáo hội đã phản kháng. Tuy nhiên theo
Đức hồng y thì “những cuộc đấu tranh và va chạm ấy chẳng mang lại ích lợi cho ai”.
Thừa nhận lo lắng của nhà cầm quyền, Đức hồng y đã trình bày
với chính quyền rằng việc đòi lại tài sản của Giáo hội “không nhằm vào tư lợi,
tích trữ hay làm giàu nhưng muốn bảo đảm rằng chúng mưu ích cho mọi người”. Quan
điểm này không phải bao giờ cũng vừa lòng các tín hữu, nhất là đối với những
quan ngại cho việc bổ nhiệm Tổng giám mục Hà Nội vào năm 2010.
Thế nhưng mối quan tâm của Đức hồng y đã đem lại những hoa
trái: kể từ năm 1990, Toà thánh đã cử đặc sứ đến Việt Nam, mong muốn bình thường
hóa quan hệ. Năm 2011, lần đầu tiên Việt Nam đã chấp thuận vị Đại diện Toà thánh
không thường trú. Phát biểu sau Công nghị hồng y vào ngày thứ Bảy, Đức hồng y
cho biết cuộc đối thoại “đòi hỏi kiên nhẫn và chân thành” và “tôi đã thấy những
nỗ lực từ Toà thánh lẫn Chính phủ”; tuy nhiên cho dù “hướng đi có vẻ lạc quan
nhưng lộ trình còn dài và chúng tôi cần thời gian”.
– Ngài cảm nhận thế nào khi được chọn làm
hồng y? Gia đình của ngài đã phản ứng như thế nào?
– Tôi thật sự ngỡ ngàng khi được biết mình có tên trong danh
sách những vị tân Hồng y của Giáo hội Công giáo. Lý do là tôi đã đến tuổi nghỉ
hưu và đang chờ đợi sự chấp thuận của Toà thánh cho tôi nghỉ hưu. Tuy nhiên, vì
là con người của Giáo hội, nên tôi đón nhận tất cả mọi biến cố trong tinh thần
Giáo hội. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, đối với Đức giáo
hoàng Phanxicô. Tôi xem tước vị Hồng y là một vinh dự; và theo tinh thần Giáo
hội, vinh dự là để phục vụ anh em mình hữu hiệu hơn. Với ơn Thiên Chúa và trong
khả năng của tôi, tôi sẽ tiếp tục yêu thương và phục vụ Giáo hội và Quê hương
tôi theo trách nhiệm mà tôi được trao phó. Tôi được sinh ra và lớn lên trong một
gia đình có truyền thống Công giáo từ lâu đời. Cha mẹ tôi có 6 người con, 3 trai
và 3 gái mà 3 người đã được dâng cho Chúa. Những người trong gia đình tôi cũng
như các bạn hữu của tôi hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Đức giáo hoàng Phanxicô
và Giáo hội; chúc mừng tôi và khích lệ tôi tiếp tục yêu thương và phục vụ Giáo
hội và Quê hương theo trách nhiệm của mình.
– Ngài hy vọng điều gì cho giáo hội hôm nay?
– Giáo hội do Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các Tông đồ
và các Đấng kế vị Tông đồ, có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, cùng với lời hứa của
Chúa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20), nên tôi vững
tin vào Giáo hội và đặt niềm phó thác cho Giáo hội. Có thể nói: “Đời sống của
tôi là thuộc về Giáo hội và cho Giáo hội”. Tôi hy vọng Giáo hội chiếu toả khuôn
mặt hiền lành, nhân từ, giàu lòng thương xót của Thiên Chúa bằng sứ mạng yêu
thương và phục vụ của mình.
– Đâu là thông điệp mà ngài cảm nhận giáo hội
cần gửi đến thế giới hôm nay?
– Tin mừng bình an đầy niềm vui và hy vọng là sứ điệp mà thế
giới ngày hôm nay đang cần. Tôi tin tưởng Giáo hội của Chúa có thể loan báo và
làm chứng về Tin mừng bình an cho nhân loại.
– Đâu là những vấn đề căng thẳng đang đối
diện với địa phương và giáo phận của Đức hồng y?
– Quê hương Dân tộc của chúng tôi trải qua chiến tranh lâu
dài và gánh chịu hậu quả của chiến tranh về nhiều phương diện. Tôi cầu nguyện
cho Quê hương Dân tộc chúng tôi vượt qua những khó khăn thử thách để được phát
triển tốt đẹp, đem lại niềm hạnh phúc và ổn định cho mọi người.
– Điều gì đã giúp Đức hồng y học biết về Chúa
và Hội thánh?
– Trong số gần 90 triệu 5 trăm ngàn người của Cộng đồng Dân
tộc Việt Nam, người Công giáo chúng tôi mới khoảng 7 triệu người, chiếm 7,5%.
Như vậy, chúng tôi thực sự là thiểu số. Giáo hội có 3 giáo tỉnh và 26 giáo phận,
43 giám mục, trong đó có 13 vị đã nghỉ hưu. Hiện chúng tôi có 8 Đại chủng viện
và nhiều cơ sở đào tạo ơn gọi chuẩn bị chủng sinh cho các Đại chủng viện; con số
các Dòng tu, Tu đoàn Tông đồ và Tu hội đời khoảng gần 200. Về đời sống bình
thường, chúng tôi chia sẻ hoàn toàn các sinh hoạt và vận mệnh của Dân tộc chúng
tôi. Người Công giáo ở giáo tỉnh Hà Nội cũng như ở giáo tỉnh Huế, ở giáo tỉnh
Saigon... chúng tôi vẫn sinh hoạt tôn giáo bình thường. Tôi có thể nói: Giáo hội
Việt Nam hiệp nhất với nhau, sống động và hiệp thông với Giáo hội toàn cầu, với
Toà thánh Vatican, với Đức giáo hoàng Phanxicô.
– Đâu là dung mạo của Chúa từ Kinh Thánh và
lịch sử Hội thánh vốn nâng đỡ và thúc đẩy Đức hồng y?
– Giáo hội Việt Nam được sinh ra và lớn lên nhờ các Thừa sai
và các Chứng nhân đức tin. Tin mừng của Chúa đã được loan báo cho Tổ tiên Việt
Nam chúng tôi từ trên 400 năm rồi. Cuộc đời nghèo khổ và công cuộc cứu chuộc của
Chúa Giêsu mà đỉnh cao là cuộc tử nạn trên thập giá để làm chứng rằng: “Không ai
có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13); đồng
thời gương sống thánh thiện của hơn 130.000 chứng nhân đức tin của Tổ tiên Việt
Nam chúng tôi luôn là nguồn trợ lực và nâng đỡ chúng tôi trong cuộc lữ hành đức
tin. Do đó, lời mời gọi của Đức giáo hoàng Phanxicô chạm tới thâm sâu của chúng
tôi. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau mạnh dạn lên đường đến với người nghèo, người
bị thiệt thòi, các dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa; chúng tôi cũng ý thức
phải đi ra khỏi chính mình để đem niềm vui Tin mừng đến số đông đồng bào của
chúng tôi. Bằng cuộc sống xác tín vào sức mạnh của Tin mừng, chúng tôi nỗ lực
sống “đạo tình thương” để hương thơm tốt lành của Tin mừng tình yêu của Chúa có
thể lan toả đến anh chị em đồng bào Việt Nam yêu quý của chúng tôi.
– Cuối cùng: Đức hồng y hy vọng gì nơi Thượng
hội đồng giám mục trong tháng Mười sắp tới?
– “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để phàm ai
tin vào Con của Người thì không phải diệt vong, nhưng có sự sống đời đời” (Ga
3,16). Theo gương của Chúa Giêsu, giáo huấn của Giáo hội, cụ thể trong Thông
điệp “Đấng Cứu chuộc con người” (Redemptor Hominis) của Đức Thánh giáo hoàng
Gioan-Phaolô II cho chúng ta thấy mọi suy nghĩ, quyết định của Giáo hội luôn
nhắm đến sự sống và hạnh phúc của con người; vì “con người là con đường của Giáo
hội”, bởi lẽ “tất cả mọi con đường của Giáo hội đều dẫn đến con người” (Redemptor
Hominis, 14). Như vậy, tôi tin là Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào tháng 10
tới đây sẽ đem đến niềm vui, bình an và hạnh phúc cho Giáo hội, cách riêng cho
các gia đình. ■
–––––––––––––––––––––––––––––– –
* Đức hồng y trả lời bằng tiếng Việt;
Bài viết của America Magazine do Linh Vũ chuyển ngữ
America Magazine