Tưởng niệm 68 năm nhà văn Khaí Hưng bị Việt Minh thủ tiêu tại bến
đò Cựa Gà, làng Ngọc Cục, Nam
Định vào đêm giao thừa năm mới Đinh Hợi (21-1-1947)
*
Những Tác Phẩm Cuối Cùng Của Khái Hưng
Pháp tấn công Hà Nội, Khái Hưng tản cư về làng Lịch Diệp quê
vợ, bị Việt Minh bắt đưa đi thủ tiêu nửa đêm 21-1-1947, tức giao thừa Tết
Nguyên đán Đinh Hợi. Trong hai năm 1945, 1946 ông sáng tác một số truyện
ngắn và kịch đăng trên tuần báo Chính Nghĩa. Năm 1966 ông Nguyễn Thạch Kiên đã
cho xuất bản các tác phẩm ấy tại Sài Gòn và năm 1997 tại California, Hoa Kỳ
nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm Khái Hưng bị Việt Minh thủ tiêu, Nguyễn
Thạch Kiên đã cho in lại trong một bộ sách hai tập lấy tên Kỷ Vật Đầu Tay Và Cuối
Cùng, nhà xuất bản Phượng Hoàng.
Đây là những truyện ngắn và những vở kịch cuối cùng của Khái Hưng,
của Tự Lực Văn Đoàn . Bốn cây viết chính của văn đoàn gồm Khái Hưng, Nhất linh,
Thạch Lam, Hoàng đạo. Nhưng lúc này chỉ còn một mình Khái Hưng, Thạch Lam chết
bệnh năm 1943, Nhất Linh, Hoàng Đạo lưu vong sang Tầu, Khái Hưng sáng tác một
mình.
Những tác phẩm cuối cùng của ông cũng là những áng văn tuyệt tác
của một cây bút già dặn, những tâm tư của một nhà cách mạng chân chính trước
cảnh cốt nhục tương tàn của cuộc chiến Quốc -Cộng đang diễn ra. Các
truyện ngắn gồm: Bóng Giai Nhân, Lời Nguyền, Hổ, Tây Xông Nhà, Quan Công
Xứ, Nhung, Khói Hương, Người Anh Hùng, Tiếng Người Xưa và ba vở kịch: Câu Chuyện
Văn Chương, Khúc Tiêu Ai Oán, Dưới Ánh Trăng. Vì phạm vi giới hạn chúng tôi xin
được đề cập một số truyện chọn lọc.
BÓNG GIAI NHÂN
Xin sơ lược
“Trên một chiếc ô tô chở chính trị phạm lên Vụ Bản, Khanh một tù
nhân nhớ lại những chuyện cũ tại trại giam sở Liêm Phóng: Phòng giam hôi hám,
tối tăm, chàng đi bộ cùng các bạn tù tới nhà ga, những lời kêu khóc của thân nhân
đi tiễn. Nhưng một kỷ niệm mà hắn khó quên lóe lên trong ký ức: Bóng giai nhân,
một bạn gái bị giam ở xà lim bên cạnh trong thời gian hai mươi bốn tiếng đồng
hồ “Sà lim 18’’, tên của giai nhân, cả trại đều ghi nhớ nàng bị giải đi đâu
không biết.
Thế rồi một buổi sáng người ta dẫn vào một lô tù mới, trong đó có
một thiếu nữ ăn mặc quê mùa rách rưới. Khanh và mọi người hỏi lính gác được
biết cô gái bị giam ở đây nay là lần thứ ba. Lần thứ nhất cô là nữ học sinh tân
thời, lần thứ hai cô giả trai, và lần này cô giả nhà quê. Tội của cô là “ làm
cách mạng”’, từ lúc ấy thiếu nữ chiếm hết lòng sùng kính của trại giam.
“Sà lim 18’’là một cô bé nhỏ nhắn xinh xắn, cặp mắt sáng, môi
tươi, mặt trái soan, nước da nhỏ mịn. Anh em tới tấp chạy lại để ngó qua lỗ cửa
hỏi thăm tin tức, thiếu nữ tươi cười yên lặng. Lần trước nàng đã trốn trại sau
bị bắt lại, các anh em cách mệnh cho quà bánh, nàng đã ôn tồn nói chuyện với
mọi người. Khanh hay đến thăm nàng, chàng tưởng mình được nàng lưu ý nhất. Bóng
giai nhân chỉ chỉ thoáng hiện nơi trại giam như tia nắng hé ra giữa khoảng trời
mây đen. Khanh thở dài nghĩ thầm ước gì ta gặp nàng lần nữa rồi bị tù chung
thân cũng cam! .
Đó chỉ là chuyện hồi tưởng, xe đã tới Vụ Bản, tại đây chiều chiều
nhìn dẫy Hoành Sơn chàng ta mơ mộng tới hình ảnh bất diệt của giai nhân không
bao giờ trở lại. Trại giam cho phép một cô gái gánh hàng tạp hóa vào sân trại
bán, Khanh nhìn cô bán hàng mơ tưởng tới bóng giai nhân “
Bằng lối hành văn bay bướm, điêu luyện, Khái Hưng đã tạo lên một
bầu không khí thật lãng mạn trong một đề tài chính trị, cách mệnh. Một giai nhân
xinh đẹp, người nhỏ bé, đôi mắt sáng, cặp môi tươi, mặt trái soan mà các anh em
tù thường gọi là ‘Sà Lim 18’, nhưng nàng còn đẹp tuyệt vời hơn nữa vì nàng làm
cách mạng cứu quốc vào tù ra khám ba lần, đã được sự sùng kính của toàn thể
trại giam.
Khái Hưng tạo nên một chàng cách mạng dạt dào tình cảm, ông cũng
tạo nên một không khí lãng mạn tuyệt vời. Chàng cách mạng chăm chỉ đến thăm
giai nhân, tặng quà bánh và tưởng là được nàng lưu ý nhất! giữa cảnh núi đồi
trùng điệp chàng cứ ngồi thẩn thơ mỗi chiều để gửi lòng yêu tới tận phương xa,
mơ màng nghĩ tới người gặp gỡ trong những ngày ngắn ngủi và không bao giờ quên
được nàng, đó là hình ảnh bất diệt của giai nhân không bao giờ trở lại, Khái
Hưng kết luận.
“Rồi đây, những lúc cách mệnh tha thiết gắt gao lên tiếng gọi,
y sẽ cảm thấy lòng tự tin, lên đường xông pha trong gian khổ với bóng
giai nhân huyền ảo gặp gỡ giữa cảnh lao tù”.
LỜI NGUYỀN
Xin sơ lược
“Đồn Vụ Bản chót vót trên ngọn đồi cao. Khanh , tù nhân
chính trị, một hôm ra suối lấy nước, gặp người lính kèn, hắn ta bảo ‘Phải
, một lời nguyền! !
Trong đám dân kinh bên phố, lính bên đồn, anh em tù chính trị
trong trại thỉnh thoảng lại có người giã từ cõi nhân gian về miền cực lạc.
Khanh cảm thấy sự việc như có liên quan đến lời nguyền ghê gớm của người xưa.
Một hôm người lính kể lại cho chàng chuyện ấy.
Đồn Vụ Bản là một trong những đồn binh kiên cố theo chương trình
thống trị, nó án ngữ đường Nho Quan – Ninh Bình, nó cũng có thể kiểm soát hành động
của những ông quan lang có oai quyền. Vì vậy viên quản mà người Pháp cho về coi
đồn là người thật hách. Trước đây có một ông quản tên Tăng, được giữ chức
trưởng đồn, ông hách dịch bệ vệ, nằm giường Hồng Kông, ăn cơm tây. Mỗi lần sang
phố ông đeo huy chương đầy ngực. Tay cầm roi da, dắt chó tây to kếch sù. Tụi
trẻ thường bảo: -Quan Quản!
Quan là chúa tể vùng này: Nào thu thuế chợ, thuế đò, thuế thân.
Dần dần thành ‘quan đồn’ và thành ‘cụ lớn’. Bao nhiêu người lễ lạc
quà cáp cho cụ. Nhậm chức mới hai tháng, Cụ Lớn lấy cô nàng hầu người Kinh, con
thương gia và hai nàng hầu người Mường nữa.
Quan thường ‘nổ’ với mọi người là Quan và và Bà Lớn đều là con nhà
thế gia đại tộc, cụ thân sinh ra Quan và Bà Lớn toàn là Tổng đốc, Tuần
Phủ cả! . Có lần ông Quản bịa ra một lô truyện tả cái gia thế nhà mình:
Cụ Cố, quan lớn về hưu thích chè tầu, tổ tôm, còn Bà Lớn trông coi mấy trăm mẫu
ruộng!
Thế rồi một buổi sáng, một ông già tóc hoa râm và người đàn bà
trạc ngoài ba mươi. Cả hai đều quê mùa cục mịch: ông lão quần nâu sắn đến đầu
gối, người đàn bà mặc áo tứ thân mầu nâu, váy chồi đen. Họ hỏi đường sang đồn,
qua phà, sang sông, leo dốc, lên đồi. Khi tới nơi cuối dốc, người lính canh
quát:
-Hai người nhà quê hỏi ai?
-Chúng tôi vào thăm ông Quản!
-Vào hầu quan có việc gì?
-Bẩm chúng tôi là người nhà!
Người lính cho người vào trình quan rồi hỏi.
-Có họ hàng thế nào với quan?
-Ông cụ sinh ra quan và vợ quan!
Lúc ấy ông Quản đứng trong sân bảo:
-Đuổi cổ chúng nó ra!
Nhân lúc cổng đồn mở, ông cụ và người đàn bà xông vào sân kêu:
-Tăng, Anh Tăng!
Ông Quản quát mắng:
-Đồ nhà quê! bay đâu tống cổ chúng nó ra!
Bọn lính tống cổ hai người ra. Ông lão và con dâu lẳng lặng ra về,
đến bờ sông bên giòng nước chảy ào ào, ông lão thốt lời thề nguyền độc địa:
“Từ nay đứa nào còn lên đây thăm chồng con thì chết như thế này”.
Rồi ông nhảy xuống sông tự tử. Từ đó lời nguyền vẫn thiêng lắm,
những ai lên đây thăm chồng, thăm con về ốm đau nặng rồi chết”
Một ông quản lỡ lời ‘nổ zăng miểng’ với mọi người về gia thế nhà
mình, cháy nhà ra mặt chuột, khi ông cụ và mẹ đĩ lên thăm thì xấu hổ sai lính
đuổi không nhận là bà con.
Theo ông Trần Ngọc, trong cuốn Kỷ Vật Đầu Tay Và Cuối Cùng, Khái
Hưng viết truyện này để diễn tả cái chủ trương ‘vô gia đình’ của những người
độc quyền yêu nước, từ chối bà con ruột thịt, và như vậy tác giả đã nguyền
không bao giờ còn liên hệ với các ‘đồng chóe’ vô gia đình vô tổ quốc ấy.
Một truyện ngắn gọn đơn sơ mang mầu sắc huyền bí ghê rợn, ý nghĩa
thật là sâu sắc, nó thể hiện cái phi nhân bản của những người tự cho là vị tha
yêu nước. Độc giả như thấy hiện ra một vùng rừng thiêng nước độc với một lời
nguyền ghê gớm.
HỔ
Xin sơ lược
“Bảy Hai, người lính gác trên chòi cao một trại tù. Hắn đã hai lần
đánh mõ tre đáp lại tiếng khánh sắt cầm canh bên đồn. Hắn buồn ngủ muốn
ríu mắt mà không dám ngủ vì sợ đội Giới phạt. Đội Giới thù ghét Bảy hai vì một truyện
nhỏ tại sòng bài tối qua.
Tối nay, dưới ánh trăng mờ, Bảy Hai ngắm cảnh để quên đi giấc ngủ,
hắn chợp mắt được vài phút rồi choàng tỉnh, linh tính báo cho biết có chuyện gì
ghê gớm. Hắn trông thấy một vật gì như con bò đang tiến về phía mình , tới lưng
chừng đồi nó dừng lại rẽ sang phía nam, một lúc sau nó tiến về phía Bảy Hai, hắn
nhận rõ đó là con hổ lực lưỡng, to béo đang từ từ tiến lại. Bẩy Hai hồn
vía lên mây xanh không dám động tịnh. Con hổ lực lưỡng tới chân thang chòi dừng
lại rồi nằm xuống, Bảy Hai không dám cựa quậy, hắn chỉ sợ nó vùng dậy chồm lên
đạp đổ cột chân chòi gác làm thịt mình, hắn định bắn mà không dám, chỉ sợ
trật hay bắn bị thương nó thì vô cùng nguy hiểm, hắn biết rằng nó chỉ chống lại
người, tấn công người khi có ý định giết nó.
Tiếng khánh bên đồn và tiếng mõ tre các chòi canh vang lên, Bảy
không dám đánh, hắn nghĩ nếu mai có bị phạt cũng ráng chịu vì nếu gây tiếng
động bây giờ là toi mạng. Không nghe thấy tiếng mõ của Bẩy, Đội Giới bèn lại
chòi canh của hắn để rình bắt quả tang Bẩy ngủ gục trong canh gác để phạt trả
thù. Bẩy Hai bắt đầu lo cho tính mạng của Đội Giới, hắn vụt quên mối thù để
nghĩ tới tai họa do một loài khác tàn ác gây ra. Lòng nhân đạo tự nhiên sống
dậy, hắn nghĩ tới cách cứu mạng một người, tiếng chân người nghe lạo xạo, con
hổ vẫn nằm im lìm. Bẩy Hai hoảng hốt thét lớn.
-Đứng lại, có hổ đấy! có hổ! con hổ chạy biến mất, người cũng chạy biến đi”
Khái Hưng lấy truyện người gác tù (lính Tây) có tình thương đồng
bào để ám chỉ tình thương của người quốc gia đối với kẻ thù khi tai họa sảy ra.
Dù là người mình thù ghét, ta vẫn có thể quên đi mối hận để cứu họ vì tình đồng
loại, cái mà ông gọi là lòng trắc ẩn, tình nhân đạo.
“Mối thù y vụt quên để chỉ nghĩ tới tai nạn xảy đến cho kẻ đồng
loại do một loài khác, một loài tàn ác gây lên. Lòng trắc ẩn, tình nhân đạo đến
với y một cách tự nhiên, một cách ngẫu nhiên .Y không lý luận nữa, không cân nhắc
nữa , chỉ tìm cách cứu sống một con người thoát khỏi nanh vuốt một con vật”.
Thánh Ghandi đã nói chúng ta có thể chiến thắng bằng tình thương.
NHUNG
Xin sơ lược.
Sinh là con trai của bà Đồ, một thanh niên hư hỏng, rượu chè, cờ
bạc. Là con một ông Cử, chị em bà đều lấy chồng con nhà nho, nhưng chị bà lấy
ông Thượng Nguyễn đỗ đạt làm quan, còn chồng bà chỉ là ông đồ nghèo kiết. Chị
bà có giúp bà nhiều phen, nhận nuôi Sinh cho cùng đi học với con mình, rồi
chồng bà chết, chị bà chết, ông Thượng Nguyễn (anh rể) lấy vợ khác, bà vợ này
có con gái tên Nhung. Ông Thượng bạc đãi Sinh nên anh bỏ về với mẹ, đã hai mươi
tuổi, anh học không hay, nghề không có, cờ bạc phá của, khiến gia đình ngày
càng thiếu hụt.
Sinh oán thù ông Thượng và gia đình ông. Hồi chị của mẹ hắn (bà Cả
Thượng) còn sống, bà coi hắn như con, mua sắm đủ thứ, và nay bị đối xử bạc bẽo,
hắn cho là hai mẹ con Nhung gây lên rồi oán ghét gia đình ông Thượng, hắn oán
ghét tất cả xã hội quan lại, hào phú, trưởng giả, hắn tìm ra đủ tội lỗi đê
tiện, xấu xa. Sinh có quan niệm về xã hội loài người: Loài người chia làm hai
giai cấp: Giai cấp nhiều quyền lợi và giai cấp không có quyền lợi. Hắn nghĩ tới
cách giải quyết vấn đề cho những người ở giai cấp thua thiệt; hắn lười biếng,
hư hỏng nhưng chỉ muốn cải tạo xã hội, hắn cương quyết phá hoại phe địch, hắn
đi nói xấu bọn nhà giầu như ông Thượng, người đã nuôi hắn, cho hắn nếm mùi phú
quí rồi ném hắn xuống đất đen cho thấm thía chênh lệch bất công, hắn tuyên
truyền bôi nhọ bọn phú hào rằng chúng đã xây đắp hạnh phúc trên xương máu quần chúng.
Khi ấy xẩy ra vụ cướp nhà ông Thượng Nguyễn, người ta đoán chắc
Sinh có dính líu vụ này vì dinh cơ kiên cố rộng rãi ấy nếu không có người thuộc
đường như Sinh chỉ lối thì cướp không thể vào được. Sinh bị bắt, người làng vui
cười, họ cho là hắn đáng tội vì hắn căm thù gia đình ông Thượng ghê gớm. Hôm
cướp vào nhà, ông bà Thượng đi vắng, người nhà chạy trốn thoát, duy chỉ có
Nhung bị bắt. Về sau bọn cướp bị quan nha bắt, người ta kêu Nhung đến nhận diện
chúng. Nàng nhận diện hết mọi tên trừ Sinh , có người nghĩ Sinh vô tội, có
người cho là Nhung thương hại hắn vì chính bọn cướp cũng khai Sinh là đồng lõa.
Vụ cướp bẵng đi một thời gian, người ta lại bàn tán đến chuyện mới
sảy ra: Sinh tự tử trong buồng để lại bức thư tuyệt mệnh gửi Nhung.
1.
.
ngày 1940.
Em Nhung.
Đây là một bức thư dài dòng văn tự, Sinh cho biết mẹ hắn là em bà
Thượng cả (mẹ Nhung là bà hai) không phải là gì Nhung, hắn và nàng không có họ hàng
với nhau, ví thử có lấy Nhung làm vợ cũng không sao. Từ ngày được thả về, trí
óc hắn rối ren, nay quyết định chết nên rất bình tĩnh, khi Nhung nhận thư này
Sinh đã là cái xác không hồn.
Lúc thì hắn xưng anh, lúc thì hắn xưng em, . . hắn gửi lời
vĩnh biệt, lời tạ lỗi vì đã xúc phạm Nhung trong cái đêm lịch sử ấy, Sinh thú
tội với Nhung ví như một tín đồ Thiên Chúa xưng tội để trút gánh nặng trong lòng,
hắn nói tội dắt cướp vào nhà bác và làm nhục một thiếu nữ chưa đáng kể. Hắn thú
một tội tầy trời: thuở nhỏ được hai bác dậy dỗ nuôi nấng, sống trong cảnh giầu
sang không bao giờ Sinh thương người nghèo, có một điều mà Nhung không
ngờ là hắn yêu Nhung thầm lén bao lâu nay. Nhung thì lãnh đạm, mẹ Nhung khinh
rẻ hắn (bà này là bà hai, không bà con với Sinh) bởi thế hắn bỏ về ở với bà cụ,
từ chỗ tư thù cá nhân biến thành thù chung của cả xã hội bị bóc lột, Sinh chỉ
ao ước được trả thù cho giai cấp bị hất hủi như hắn.
Chủ ý của Sinh là giết hai bác, làm ô nhục Nhung, tình yêu trong
lòng hắn vẫn còn, khi bị bắt giam Sinh đã hối hận trước khi Nhung nhận diện,
hắn nghĩ tại sao Nhung không để cho hắn chịu hình phạt lại cứu vớt hắn ra khỏi
ngục thất làm chi, đối với Nhung hắn đời đời là tên khốn nạn và tự khép mình
vào án tử hình”
Bằng một truyện tình bi thảm, lãng mạn tuyệt vời, Khái Hưng đã
diễn tả cái thô bạo bất nhân của đấu tranh giai cấp và hận thù giai cấp. Đấu
tranh giai cấp không phải là một lối thoát để giải quyết bất công xã hội mà chỉ
là biểu hiện của thú tính con người để trả thù đời bằng bạo lực đê hèn. Sinh
một tên vô lại, cặn bã của xã hội, từ hận thù cá nhân đưa tới hận thù xã hội,
hắn đã dùng thủ đoạn tàn bạo để giải quyết hận thù xã hội. Đó chỉ là phá hoại
xã hội chứ không phải xây dựng cho xã hội tốt đẹp hơn lên, nhưng Sinh còn biết
xấu hổ về cái hành động đê hèn của mình.
Đề tài của Khái Hưng trong các tác phẩm cuối cùng của ông thường
xoay quanh trại tù Vụ Bản, đó là những áng văn tuyệt tác cuối cùng của một nhà
cách mạng đáng kính, một chiến sĩ quốc gia yêu nước, những áng văn đã đóng góp
rất nhiều cho nền văn học mới nước nhà.
Trọng Đạt