Vũ Linh
...có
một chục tiểu bang gọi là “xôi đậu” (swing states),
có thể ngả về bất cứ bên nào...
Ghi chú: Một phần bài này đã được đăng trên Việt Báo đầu năm 2012, nhưng xin phép được đăng lại để những độc giả lần đầu tiên chú ý đến bầu cử ở Mỹ có dịp hiểu rõ. Bài viết cũ nhưng được chỉnh sửa và cập nhật nhiều.
Ghi chú: Một phần bài này đã được đăng trên Việt Báo đầu năm 2012, nhưng xin phép được đăng lại để những độc giả lần đầu tiên chú ý đến bầu cử ở Mỹ có dịp hiểu rõ. Bài viết cũ nhưng được chỉnh sửa và cập nhật nhiều.
Ngày
bài viết này lên báo là ngày tiểu bang Iowa đã có cuộc
bầu sơ bộ đầu tiên cho mùa tranh cử tổng thống năm
nay.
Trong
cuộc bầu tháng Mười Một năm 2016, sẽ có hàng chục
ngàn người được bầu vào các trách nhiệm quan trọng
đủ mọi cấp thuộc liên bang, tiểu bang và địa phương.
Hầu hết các cuộc vận động tranh cử sẽ chỉ thực
sự bắt đầu khoảng hai hay ba tháng trước ngày bầu
thôi. Nhưng có một cuộc bầu đặc biệt thực tế đã
bắt đầu từ cả năm trước rồi, đó là bầu tổng
thống. Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ thử tìm hiểu
về cuộc bầu tổng thống vì đó là cuộc bầu quan
trọng nhất.
Trên
căn bản, dĩ nhiên, trong tinh thần tự do đa dạng của
chính trị Mỹ, có cả chục đảng đang hoạt động,
thuộc đủ mọi khuynh hướng, kể cả một đảng Cộng
sản Mỹ, cũng có thể đưa ra ứng viên cho mọi chức
vụ, kể cả chức vụ tổng thống. Trên nguyên tắc, mỗi
lần bầu tổng thống là dân Mỹ thấy có cả mấy chục
ứng viên, tùy tiểu bang. Trên thực tế, chỉ có hai
chính đảng có vai trò thực sự đáng kể trong guồng
máy chính quyền Mỹ, là Dân Chủ và Cộng Hòa.
Ở
đây, ta tìm hiểu về thủ tục bầu cử tổng thống để
hiểu rõ vấn đề hơn. Cũng phải nói ngay sinh hoạt
chính trị Mỹ hết sức phức tạp, không thể nào viết
cho đầy đủ trong khuôn khổ một bài báo ngắn. Những
khẩu hiệu “đảng của dân nghèo” hay “đảng nhà
giàu”, “đảng da trắng” hay “đảng dân thiểu số”
chỉ là những khẩu hiệu thô thiển chỉ thể hiện
những cái nhìn nông cạn thiếu hiểu biết. Trong nhiều
bài viết gần đây, kẻ viết này đã cố tóm lược
chính sách của hai đảng, trên lý thuyết cũng như thực
tế, nhưng dù sao cũng vẫn chỉ là những tóm lược rất
phiến diện.
Cách
thức bầu bán cũng vậy, cực kỳ phức tạp, khác biệt
từng tiểu bang, từng quận này đến hạt kia. Các ứng
viên tổng thống phải trả bạc triệu cho các chuyên gia
hiểu rõ thủ tục bầu cử của các địa phương vì đó
chính là chià khoá của thành công. Sau đó phải bỏ thêm
bạc triệu để thực hiện những quảng cáo có tính đặc
thù gần như cho riêng mỗi đơn vị bầu cử. TT Obama đã
bỏ ra hơn bẩy trăm triệu năm 2008, và gần một tỷ năm
2012 để được đắc cử, một số tiền chưa từng thấy
trong lịch sử tranh cử thế giới.
Những
tổng thống đắc cử như Obama hay Bush đều là những
người nắm vững thể thức bầu cử cũng như nhu cầu
đặc biệt của hàng ngàn đơn vị bầu cử qua việc
dùng những nhóm chuyên gia kiệt xuất. Bush đã không bao
giờ có thể trở thành tổng thống nếu không có phụ
tá Karl Rove, trong khi Obama cũng chẳng thể nào vào Nhà
Trắng nếu không có cố vấn David Axelrod. Một việc làm
cực kỳ ý nghiã của TT Obama: ông đã cho cố vấn
Axelrod nghỉ việc tại Tòa Bạch Ốc từ cả năm trước
để về Chicago nghiên cứu toàn thời chiến lược tranh
cử cho năm 2012, nghiên cứu lại toàn diện bản đồ
tranh cử. TT Obama là người có tính kỹ lưỡng, không
muốn thất bại nên chuẩn bị thật chu đáo. Tất cả
chỉ là vấn đề tổ chức, tìm hiểu cử tri để vận
động cử tri “của mình” đi bầu.
Ở
đây, phải nói ngay những thăm dò dư luận ta thấy đầy
rẫy trên truyền thông cho đến nay thật ra mang rất ít
ý nghiã. Tất cả tùy thuộc số cử tri thực sự đi
bầu. Đầu năm 2008, tất cả mọi thăm dò đều cho thấy
bà Hillary hạ ông Obama ít ra 25 điểm.
Trước
hết, ta thử tìm hiểu về bầu sơ bộ.
Đây
là những cuộc bầu nội bộ trong cả hai đảng tuyển
lựa đại diện cho đảng trong cuộc bầu tổng thống.
Như đã nói, thủ tục bầu sơ bộ khác biệt từ đảng
Dân Chủ đến đảng Cộng Hoà, rồi ngay trong nội bộ
một đảng, cũng khác nhau tùy tiểu bang, do đó, ở đây
chỉ có thể bàn đến một cách tổng quát.
Khác
với các đảng Cộng Sản trong đó các lãnh tụ được
hơn một tá người trong Bộ Chính Trị quyết định, ở
Mỹ chẳng có đảng nào có Bộ Chính Trị, cũng chẳng
có Trung Ương Đảng gì hết. Mỗi đảng chỉ có một Ủy
Ban phối hợp, với một vai trò hết sức giới hạn là
vận động gây qũy cho các ứng viên của đảng và phối
hợp việc tranh cử của họ. Cái ủy ban đó cũng chẳng
đề ra cương lĩnh hay chương trình gì cho đảng hết.
Chương trình hành động của mỗi đảng do một ủy ban
đặc nhiệm gồm cả trăm đại diện các tiểu bang được
bầu trong đại hội đảng đề ra ngay trong đại hội đó
luôn. Cái oái ăm của chính trị Mỹ là thiên hạ, kể
cả đảng viên chẳng ai biết gì về chương trình của
đảng, mà cái chương trình đó có khi cũng chẳng giống
chương trình của ứng viên tổng thống chút nào, kiểu
ông nói gà bà nói vịt. Chỉ cần nhìn vào gần hai chục
ông bà CH đang đánh nhau thì thấy chính đảng ở Mỹ
chẳng thể nào có một chương trình hay cương lĩnh
gì.
Vì
không có Bộ Chính Trị nào chỉ định hay “giới thiệu”
nên tất cả các đảng viên trên 35 tuổi, sanh tại Mỹ
đều có quyền ra tranh cử làm đại diện đảng trong
cuộc bầu tổng thống. Có khi chẳng phải là đảng viên
nhưng nhẩy ra tranh cử ghi danh rồi tự xưng là đảng
viên cũng được, như trường hợp ông Trump, từ trước
đến giờ, chưa khi nào là đảng viên CH hết.
Họ
phải tự đưa ra chương trình hành động, có thể khác
nhau một trời một vực dù so với các đồng chí cùng
đảng, rồi tự tìm cách vận động lấy hậu thuẫn của
đảng viên chứ không phải của cấp lãnh đạo đảng,
kiếm phiếu của cử tri đoàn của mỗi tiểu bang. Cái
tính độc lập của các ứng viên nói riêng và đảng
viên nói chung cũng đưa đến nhiều tình trạng quái lạ.
Năm 2000, thượng nghị sĩ Dân Chủ Joe Liebermann đứng
chung liên danh làm Phó TT cho Gore. Năm 2008, cũng ông
Liebermann đó công khai chống Obama và đi vận động cho
ứng viên Cộng Hòa McCain, và xém chút nữa đã trở
thành ứng viên Phó TT của McCain.
Thứ
tự bầu sơ bộ của các tiểu bang là đề tài tranh chấp
tay ba triền miên giữa các tiểu bang, các ứng viên, và
ủy ban phối hợp của đảng. Trên căn bản, cả hai đảng
đều không muốn các tiểu bang nhỏ bị lép vế, nên
dành các cuộc bầu đầu tiên cho các tiểu bang nhỏ, có
tính tiêu biểu.
Tiểu
bang đầu tiên là Iowa, miền trung nước Mỹ, rồi đến
New Hampshire miền đông bắc, rồi đến South Carolina miền
tây nam, rồi chạy qua Nevada miền tây. Bốn tiểu bang
tiên phong này sẽ bầu trong tháng Hai.
Tuy
là những tiểu bang nhỏ hay ít dân, nhưng kết quả sẽ
được truyền thông thổi phồng lên để rồi chiến
thắng hay thất bại tại những nơi này sẽ có tiếng
vang rất lớn. Ứng viên vô danh Obama năm 2008 chỉ nhờ
thắng tại Iowa mà sẵn trớn đánh bại guồng máy khổng
lồ của bà Hillary luôn. Đương kim TT Johnson, sau khi thua
Robert Kennedy tại New Hampshire tháng Giêng 1968, đã bỏ
cuộc, không ra tranh cử nữa. Dù vậy, vẫn không có
nghiã thắng tại Iowa và New Hampshire là thắng luôn. Bên
CH, tại Iowa năm 2008, ông Huckabee thắng, năm 2012, ông
Santorum thắng, nhưng rồi cả hai đều rớt đài sớm.
Thống đốc Bill Clinton thua 6 cuộc bầu đầu tiên năm
1992, cuối cùng vẫn đắc cử tổng thống.
Nói
cách khác tháng Hai này là tháng các ứng viên thực sự
thử lửa với cử tri. Cho đến nay, mọi việc đều mù
mờ trong cả hai chính đảng. Bên DC, bà Hillary sẽ gặp
thử thách lớn với ông Sanders, trong khi bên CH, hai ông
Trump và Cruz sẽ đánh nhau túi bụi, chưa phân thắng bại,
nhưng người ta sẽ chú ý đến các ứng viên khác như
các ông Rubio, Jeb, Christie và Kasich. Mấy ông sau này tranh
nhau đứng hạng ba và tư, thấp hơn thì coi như bị loại
sớm.
Qua
tháng Ba, trong hai tuần đầu, có bầu sơ bộ tại gần
hai tá tiểu bang, phần lớn là các tiểu bang miền nam có
khuynh hướng bảo thủ, thành đồng của đảng CH, như
Alabama, Georgia, Arkansas, Oklahoma, Tennessee, Kentucky, Kansas,
Louisiana, Mississippi, và nhất là Texas. Tất cả những
tiểu bang này đến ngày bầu tổng thống sẽ bỏ phiếu
cho CH. Tháng Ba cũng là tháng có bầu sơ bộ tại hai
trong những tiểu bang then chốt, có tiếng nói quyết định
nhất, là Florida và Ohio. Đây có lẽ là tháng quan trọng
nhất và bình thường thì tới cuối tháng này là ta đã
biết ai sẽ là đại diện cho hai chính đảng.
Tuy
nhiên, năm nay có thể vẫn chưa ngã ngũ trong đảng CH.
Có nhiều triển vọng ông Cruz sẽ thắng lớn trong tháng
này, nhưng sau đó, ra khỏi vùng bảo thủ miền nam, có
thể ta sẽ thấy các ông Trump hay các ứng viên ôn hoà
hơn như Rubio, Jeb, Christie, và Kasich thắng thế lại.
Bên
DC sẽ có dịp thử sức ông Sanders xem ảnh hưởng của
ông có thể đi ra khỏi vùng đông bắc hay không. Các
chuyên gia suy đoán bà Hillary có nhiều triển vọng loại
ông Sanders trong tháng này.
Tháng
Tư là tháng các cuộc bầu di chuyển lên các tiểu bang
đông bắc, thường có khuynh hướng cấp tiến hơn. Những
cuộc bầu quan trọng là tại Nữu Ước và Pennsylvania.
Bên DC, bà Hillary hy vọng nếu chưa loại được ông
Sanders, thì Nữu Ước là tiểu bang đã bầu bà làm
thượng nghị sĩ, và Pennsylvania, thành đồng của dân
lao động da trắng bảo thủ, sẽ là những viên đạn
cuối cùng kết liễu cuộc vận động của ông Sanders.
Bên CH, đây là lúc các ông ôn hoà, nhất là ông Rubio hy
vọng sẽ chiếm thế thượng phong lại.
Tháng
Sáu là tháng cuối cùng để bầu sơ bộ, trong đó có
hai cuộc bầu quan trọng nhất tại California và New
Jersey.
Tình
trạng này đưa đến cái lủng củng là những tiểu bang
có bầu sơ bộ muộn, tháng Năm hay tháng Sáu, đều không
còn tiếng nói quan trọng nữa vì đến khi họ bầu thì
ứng viên gần như đã được chọn xong từ lâu rồi.
Như
ta thấy, bầu sơ bộ kéo dài từ tháng Giêng cho đến
tháng Sáu, phần lớn tập trung vào tháng Ba. Ở đây,
phải nói cho rõ ta đang bàn về bầu cử tri đoàn đại
diện các tiểu bang đi dự đại hội đảng để tuyển
đại điện đảng, chưa nói đến cử tri đoàn bầu tổng
thống.
Hình
thức bầu cử sơ bộ cũng khác biệt từ tiểu bang này
qua tiểu bang khác. Có tiểu bang tổ chức bầu cử trực
tiếp cho các đảng viên, có tiểu bang cũng bầu trực
tiếp nhưng mở rộng cho tất cả mọi người tham gia, kể
cả người ngoài đảng (có thể đưa đến tình trạng
tréo cẳng ngỗng là đảng viên đảng đối lập xâm
nhập, dồn phiếu cho ứng viên yếu nhất của “phe
địch” để giảm uy thế ứng viên mạnh hơn của
“địch”). Có tiểu bang bầu qua hình thức hội thảo
nhóm –caucus- rồi bỏ phiếu nhiều vòng như Iowa, đưa
đến tình trạng các ứng viên điều đình trước với
nhau, nếu bị loại ở những vòng đầu thì sẽ dồn
phiếu cho ai, như Obama và Edwards đã tìm cách hợp tác
với nhau để hạ bà Hillary năm 2008.
Đến
mùa hè là hai đảng tổ chức đại hội đảng để đại
diện tiểu bang đến bầu đại diện của đảng tranh cử
tổng thống. Đại hội đảng CH được tổ chức từ 18
đến 21 tháng 7, tại Cleveland, và đại hội đảng DC
tiếp theo một tuần sau, từ 25 đến 27 tháng 7, tại
Philadelphia.
Việc
cả hai đảng đều tổ chức đại hội trong vùng kỹ
nghệ đông bắc chứng minh cả hai đảng năm nay nhắm
nhiều vào khối cử tri lao động da trắng Mỹ, là khối
cử tri thành đồng của đảng DC nhưng đang bị CH gặm
nhấm.
Tại
đại hội đảng, mỗi tiểu bang gửi đến đại hội
một số đại biểu -cử tri đoàn- với con số ấn định
tùy theo dân số của tiểu bang. Ví dụ, California là tiểu
bang lớn nhất với nhiều đại biểu nhất, được 546
đại biểu bên Dân Chủ, trong khi bên Cộng Hòa thì Cali
được 172 đại biểu. Thông thường, các đại biểu
tham dự đại hội đảng phải dồn phiếu cho ứng viên
chiếm được nhiều phiếu nhất trong tiểu bang. Nhưng có
tiểu bang phân phiếu cử tri đoàn theo tỷ lệ phiếu của
cử tri. Cũng có tiểu bang cho các đại biểu bỏ phiếu
tùy ý mà không cần phải bỏ phiếu cho ứng viên đã
thắng tại tiểu bang của mình. Ứng viên nào chiếm được
đa số phiếu của tổng số đại biểu của tất cả
các tiểu bang sẽ đắc cử đại diện cho đảng trong
cuộc tranh cử tổng thống.
Rồi
đến bầu tổng thống.
Sau
khi hai đảng đã có đại diện chính thức, hai bên sẽ
tranh chức tổng thống được tổ chức qua một cuộc
phổ thông đầu phiếu mở rộng cho tất cả công dân Mỹ
không phân biệt đảng phái, được cử hành trên toàn
quốc ngày Thứ Ba đầu của tháng Mười Một. Năm nay
nhằm ngày 8 tháng 11.
Cuộc
bầu cử phổ thông này cũng là một cuộc bầu gián
tiếp, để bầu một cử tri đoàn chính thức đại diện
cho 50 tiểu bang và vài khu vực chưa phải là tiểu bang.
Mỗi tiểu bang được ấn định một số đại biểu là
tổng kết của số dân biểu và nghị sĩ liên bang của
tiểu bang đó. Ví dụ Cali là tiểu bang lớn nhất, có 2
thượng nghị sĩ và 53 dân biểu liên bang, do đó được
đại diện bởi 55 đại biểu, với 55 phiếu. Thông
thường thì ứng viên nào thắng tại một tiểu bang sẽ
lãnh hết số phiếu của tiểu bang đó. Nhưng cũng có
vài tiểu bang chia số phiếu theo tỷ lệ của cuộc phổ
thông đầu phiếu.
Sau
đó, cử tri đoàn đại diện các tiểu bang sẽ chính
thức họp và bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ vào tháng
Mười Hai. Đây mới là cuộc bầu tổng thống chính thức
của Mỹ, mặc dù chỉ có tính cách tượng trưng vì hầu
hết các đại biểu đều bị bắt buộc phải bỏ phiếu
theo kết quả của phổ thông đầu phiếu tháng Mười
Một chứ không có thể bỏ phiếu theo ý mình.
Tổng
cộng có 540 phiếu cử tri đoàn, kể cả 5 đại diện
các nơi chưa có đại biểu tại quốc hội như Puerto
Rico, Guam, District of Columbia (DC). Ứng viên nào thu được
271 phiếu sẽ đắc cử tổng thống Mỹ. Sau đó, quốc
hội liên bang họp tháng Giêng để chính thức phê chuẩn
và kết quả được đương kim Phó Tổng Thống kiêm Chủ
Tịch Thượng Viện tuyên đọc (do vậy mà ông Phó Al
Gore đã bị đặt trong tình trạng bực mình là phải
tuyên đọc ông Bush đã đắc cử tổng thống năm 2000).
Chỉ sau khi phó tổng thống chính thức xác nhận thì ứng
viên mới được coi như chính thức đắc cử.
Nếu
hai bên ngang phiếu nhau với 270 phiếu, thì Hạ Viện sẽ
bầu tổng thống. Trường hợp này chưa bao giờ xẩy
ra.
Thể
thức bầu cử gián tiếp này có mục đích xác nhận Hoa
Kỳ là một liên bang của 50 tiểu bang chứ không phải
là một nước thuần nhất. Vì là một liên bang nên có
nhu cầu phải cho các tiểu bang nhỏ hay thưa dân một
tiếng nói quan trọng. Nếu chỉ dựa trên tổng số phiếu
của dân chúng thì các ứng viên của hai đảng chỉ cần
thắng lớn ở các tiểu bang lớn như New York, Cali, New
Jersey, Florida, Texas, Ohio, Pennsylvania, Illinois,... là đủ
thắng trong khi hoàn toàn lơ là các tiểu bang ít dân như
Dakota, Idaho, Alaska, hay nhỏ bé như Maine, Delaware. Hậu quả
là mấy tiểu bang sau này có thể sẽ rời bỏ liên
bang.
Thể
thức này hợp lý, trên căn bản có tiếng nói tương đối
đồng đều cho tất cả các tiểu bang. Nhưng lại có thể
đưa đến nghịch cảnh là dù lãnh được nhiều phiếu
của quần chúng hơn nhưng lại vẫn có thể không đắc
cử vì thua phiếu cử tri đoàn.
Chìa
khoá thành công thực tế không phải là kiếm được đa
số trong hơn 250 triệu phiếu của cử tri Mỹ, mà là
kiếm được 271 phiếu trong khối 540 cử tri đoàn. Bởi
vậy mà Al Gore hơn George Bush nửa triệu phiếu nhờ các
tiểu bang đông dân Nữu Ước và Cali, nhưng vẫn thua vì
Bush thắng phiếu cử tri đoàn nhờ thắng tại nhiều
tiểu bang hơn, 30 tiểu bang so với 20 bầu cho Al Gore (Gore
thua luôn tại cả tiểu bang nhà Tennessee), và nhất là
thắng tại Florida với hơn 500 phiếu.
Phần
lớn kết quả bầu cử tại các tiểu bang hiện nay đều
có thể tiên đoán khá chính xác được. Trong những cuộc
bầu cử gần đây, cũng như cuộc bầu năm nay chẳng
hạn, Nữu Ước và Cali chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ứng
viên DC, trong khi ứng viên CH chắc chắn sẽ thắng tại
Texas và các tiểu bang miền nam. Trên căn bản chỉ có
một chục tiểu bang gọi là “xôi đậu” (swing states),
có thể ngả về bất cứ bên nào. Đây mới chính là
những tiểu bang có tiếng nói quyết định, mà các ứng
viên sẽ bỏ ít ra là 80% thời giờ và tiền bạc để
vận động. Những tiểu bang “xôi đậu” lớn nhất là
Florida, Ohio, North Carolina, Colorado, và Virginia. Riêng năm
nay, các tiểu bang kỹ nghệ với nhiều dân lao động da
trắng như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin trước đây là
thành đồng DC, cũng có thể trở thành đối tượng của
CH.
Bầu
bán bên Mỹ có vẻ rối loạn, nhưng hào hứng và bất
ngờ hơn xa bầu bán tại cái xứ “đỉnh cao trí tuệ”,
trong đó 90 triệu dân bị coi là ngu, không được quyền
hó hé, chỉ có hai tá “đại tài” đóng cửa trả giá,
đổi chác với nhau để tìm những “lãnh tụ đại tài
nhất”, theo tiêu chuẩn “tôi nhường chức cho ông
nhưng ông không được đụng đến tài sản của tôi”,
hay “ông ăn nhiều quá rồi, tới phiên tôi đi chứ”.
(31-01-16)
Vũ
Linh