ĐẠO THIÊN CHÚA VÀ CUỘC XÂM LĂNG CỦA PHÁP

  Gs Trần Gia Phụng

ĐẠO THIÊN CHÚA
 
 
CUỘC XÂM LĂNG CỦA PHÁP

Đạo Thiên Chúa được truyền vào Đại Việt từ thế kỷ 16, ở Đàng Ngoài cũng như ở Đàng Trong.  Lúc đầu, các giáo sĩ Tây phương đến truyền giáo thuộc nhiều dòng tu khác nhau và có nhiều quốc tịch khác nhau.  Vào giữa thế kỷ 17, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1593-1660), thuộc Dòng Tên (Society of Jesus) và người gốc Pháp, đề nghị với Tòa thánh Vatican xin thành lập hàng giáo sĩ Đại Việt. 
Muốn đào tạo tại chỗ các linh mục, thì phải đưa giám mục sang Đại Việt, vì theo giáo luật của Tòa thánh, các giám mục mới có quyền phong chức linh mục.  Ngày 9-9-1659, giáo hoàng Alexander VII  (giáo nhiệm 1655-1667) ký sắc thư bổ nhiệm hai giám mục Pháp thuộc Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris (Société des Missions Étrangères de Paris gọi tắt là MEP) sang cai quản giáo phận Đại Việt.  Do đó, cũng từ đây, đa số những giáo sĩ đến truyền đạo tại Đại Việt thuộc Hội MEP, và mang quốc tịch Pháp.
 
Vì đa số các giáo sĩ và giám mục thuộc quyền của Hội MEP và giáo hội Thiên Chúa Pháp, nên ở đây cần thêm một vài chi tiết về giáo hội Thiên Chúa tại Pháp.  “Kể từ khi Clovis (466-511), vua đầu tiên của nước Pháp chịu phép rửa tội tại Reims từ tay giám mục Rémi vào khoảng năm 500, hai thế lực thần quyền [giáo hội Thiên Chúa] và thế quyền [Pháp] hầu như luôn luôn kết dính với nhau trong việc điều hành và quản trị xã hội và các hoạt động của Giáo hội.”(1)   Vì vậy, khi hai giám mục Pháp đầu tiên là François Pallu và Pierre de la Motte Lambert được gởi đến cai quản giáo phận Việt Nam năm 1659, một linh mục thuộc Hội MEP đã đưa ra nhận xét rằng hai ông “sẽ làm việc vì nước Pháp đồng thời vì giáo hội.”(2)
 
Trong thời gian đầu, giáo hội Thiên Chúa giáo ở Đại Việt phát triển khá mạnh.  Lý do chính vì người Việt lúc đó không độc tôn nhất thần, và tôn trọng đa thần, dễ dàng hòa đồng tôn giáo.  Dầu đạo Thiên Chúa bị các chính quyền đàn áp, nhưng lại được sự che chở của dân chúng, nên vẫn tồn tại và phát triển.  Trong khi đó, tại những nước mà dân chúng độc tôn nhất thần như Nhật Bản hay các nước Hồi giáo, đạo Thiên Chúa bị chận đứng mạnh mẽ.
 
Do đó, tại Đại Việt, dầu gặp nhiều trở ngại, dầu bị các chính quyền đàn áp, vào giữa thế kỷ 18, theo sự ghi nhận của sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì việc truyền đạo Thiên Chúa “cũng không thể nào ngăn cấm được”.(3) 
 
Khi các giáo sĩ Thiên Chúa giáo đặt định được những cơ sở truyền giáo đầu tiên ở nước Việt, thì xảy ra cuộc xâm lăng của Pháp.  Vào giữa thế kỷ 19, trên con đường tìm kiếm thị trường và thuộc địa ở Á Châu để giao thương, tiêu thụ hàng hóa và khai thác tài nguyên, nhắm cung ứng cho kỹ nghệ sau cuộc Cách mạng kỹ nghệ, Pháp cũng như các nước Âu Châu khác, đều nghĩ đến Trung Hoa và Nhật Bản.  Vì vậy Pháp muốn tìm kiếm một hải cảng trung chuyển, để thuyền bè thả neo nghỉ ngơi hoặc sửa chữa ở biển Đông trên con đường hàng hải đông tây.  Lúc đầu, hải quân Pháp dự tính thuê đảo Basilan, thuộc quần đảo Soulou, giữa Mindanao và Borneo, nhưng cuối cùng không thành, nên Pháp nghĩ đến Đà Nẵng,(4) mà lúc đó Pháp gọi là Touron hay Tourane.

Trong khi đó, chính quyền Việt Nam lại nhất định bế môn tỏa cảng, không chịu giao thương với Pháp, cấm đoán việc truyền bá Thiên Chúa giáo, bắt bớ, tù đày, tàn sát các giáo sĩ truyền giáo, tạo ra những vụ án tử đạo.  Những vụ án tử đạo gây xôn xao dư luận Pháp, một dân tộc rất sùng thượng Thiên Chúa giáo.  Chính phủ Pháp liền lợi dụng chiêu bài nầy, khích động dân chúng Pháp, để họ ủng hộ chính phủ trong công cuộc xâm lăng Việt Nam. 
 
Lúc đó, sau cuộc Cách mạng 1789, giáo hội Thiên Chúa giáo Pháp có một ít thay đổi.  Theo Thỏa ước (Concordat) Paris ngày 15-7-1801 giữa Tòa thánh Vatican và chính quyền Pháp do Đệ nhất tổng tài Napoléon Bonaparte đứng đầu, từ đây chính phủ Pháp bổ nhiệm và trợ cấp cho các giám mục Pháp, đồng thời các giáo sĩ Pháp phải tuyên thệ vâng lệnh và trung thành với nhà nước Pháp.(5)  Thỏa ước Paris về sau được thay thế bằng luật ngày 9-12-1905 do tổng thống Emile Loubet (nhiệm kỳ 1899-1906) ban hành, nhắm tách rời giáo hội Pháp với nhà nước Pháp, dưới thời giáo hoàng Pius X (giáo nhiệm 1903-1914).(5) 
 
Thời gian từ 1801 đến năm 1905 là thời gian Pháp đem quân xâm chiếm Việt Nam và thành lập Liên Bang Đông Dương.  Như thế trong thời gian nầy, các giám mục và giáo sĩ Pháp được gởi ra nước ngoài hoạt động, trong đó có Việt Nam, cũng đều nằm trong quy chế của thỏa ước Paris 1801, nghĩa là các giám mục Pháp hoạt động ở Việt Nam đều là nhân viên hữu thệ (có lời thề) của chính phủ Pháp, làm việc cho chính phủ Pháp.  Xin chú ý là chỉ có các giám mục Pháp mới nằm trong trường hợp nầy.
 
Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam giai đoạn thời Pháp thuộc, do hàng giám mục Pháp điều khiển, lúc đó có thể xem là một chi nhánh của giáo hội Pháp.  Cần phải chú ý điểm nầy để phân biệt Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam thời Pháp thuộc, với Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam thời độc lập, hay ít ra thời các giám mục Việt bắt đầu thực sự nắm quyền điều khiển giáo hội Việt Nam, để giúp làm rõ ràng vai trò của các giáo sĩ đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc.
 
Lúc Pháp đem quân xâm lăng Việt Nam, không kể các giám mục và giáo sĩ nước ngoài, phải thẳng thắn thừa nhận rằng có một số giáo sĩ và giáo dân bị nhà Nguyễn và nhóm Văn thân đàn áp, tàn sát, nên bị dồn vào thế bí, vì bản năng sinh tồn, chẳng đặng đừng phải nhờ đến sự bảo vệ của người Pháp, từ đó cộng tác với Pháp. 
 
Tuy nhiên, cần phải chú ý là không phải toàn thể giáo sĩ, hay toàn thể tín đồ Thiên Chúa giáo người Việt, đều hợp tác với Pháp.  Cũng cần phải chú ý thêm rằng trong hàng ngũ những người hợp tác với Pháp, không phải hoàn toàn chỉ là những người theo đạo Thiên Chúa.  (Ví dụ những người hợp tác với Pháp nổi tiếng trong lịch sử như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc không theo đạo Thiên Chúa.) Đồng thời trong hàng ngũ những người chống Pháp cũng có những tín đồ Thiên Chúa giáo Việt Nam.  (Ví dụ tu sĩ Mai Lão Bạng,(6) một chiến hữu cùng bị tù với  Phan Bội Châu năm 1914 tại Quảng Đông.)
 
Trong danh sách 117 giáo sĩ và giáo dân tử đạo tại Việt Nam được giáo hoàng John Paul II (giáo nhiệm 1978-2005) phong thánh tại Roma (La Mã) ngày 19-6-1988, không có tên những người nổi tiếng do hoạt động chính trị và cộng tác với Pháp.  Những người được phong thánh hầu như là những người vô danh trong lịch sử, đã bị giết vì quyết bảo vệ tôn giáo của mình.
 
Một số tín đồ đạo Thiên Chúa như Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, vì lòng yêu nước, đã dâng lên vua Tự Đức và triều đình những bản điều trần và kế hoạch để phát triển đất nước, nhưng đều bị bỏ qua vì bị gièm pha và bị nghi ngờ.
 
Cần phải chú ý tới tất cả các khía cạnh trên, để nhấn mạnh đến một điều là những người hợp tác với Pháp, hay những người phản bội quốc gia dân tộc, hoàn toàn là những hành vi cá nhân của người đó, chứ không phải vì người đó theo một tôn giáo nào.  Người Việt Nam cần tách bạch điều nầy để tránh bị lợi dụng, khích động, rồi đi đến chỗ chia rẽ, phân hóa, chỉ có lợi cho những thế lực phi quốc gia dân tộc.
 
 
 _____________________
 
CHÚ THÍCH
 
1. Vương Đình Chữ, “Kỷ niệm 100 năm Luật 1905 tách rời Giáo hội và nhà nước”, Tam nguyệt san Định Hướng, số 46, Pháp và Hoa Kỳ: Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ, mùa xuân 2006, tt. 38-39.
2. Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères, tập 1, Paris: Missions Étrangères de Paris, 2003, tr. 30.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Hà Nội: bản dịch của Nxb. Giáo Dục, 1998, tập 2, tr. 627.
4. Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nguyễn Đình Đầu dịch, TpHCM: Ban Khoa học Xã hội Thành uỷ, 1990, tt. 96-97.
5. Catholic University of America, New Catholic Encyclopedia, Vol. 11, Palatine, Illimois: J. Heraty, 1981, pp. 410-411; và http://www.newadvent.org/cathen/04204a.htm, bài “The French Concordat 1801”.
6. Mai Lão Bạng:  quê Nghệ An, tu sĩ Thiên Chúa giáo, gặp Phan Bội Châu tại Hương Cảng 1908.  Từ đó, ông sát cánh hoạt động với Phan Bội Châu, đưa nhiều thanh niên Thiên Chúa giáo gia nhập Duy Tân hội.  Năm 1914, Mai Lão Bạng cùng Phan Bội Châu bị bắt ỡ Quảng Đông.  Sau khi ra khỏi tù năm 1917, Mai Lão Bạng đến Thượng Hải hoạt động, bị nhà cầm quyền Anh bắt giao cho Pháp.  Pháp đày Mai Lão Bạng ra Côn Lôn khoảng 10 năm.  Từ Côn Lôn trở về, Mai Lão Bạng sống ở Huế một thời gian, gặp lại Phan Bội Châu, lúc đó bị an trí ở Huế.  Sau Mai Lão Bạng về Nghệ An và từ trần ở quê nhà năm 1942.  Ngoài ra, xin xem thêm Phan Bội Châu, Tự phán hay Niên biểu, đăng trong Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, Chương Thâu sưu tầm và biên soạn, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1990, tt. 175-176.