TỪ CAO NGUYÊN VIỆT NAM

Nguyễn Văn Nghiêm

TỪ CAO NGUYÊN VIỆT NAM
TIẾNG VANG TỚI VẠN TƯỢNG (VIENTIANE)

THỦ ĐÔ LÀO (LAOS)



SƯ ĐOÀN 7 BỘ BINH, MỸ THO
    Sau Biến Cố Banmêthuột 20, tháng 9, 1964, mà tôi đã dẹp xong 5 Trại Lực Lượng Đặc Biệt Thượng chiếm đài phát thanh và bao vây  thị xã Banmêthuột một cách hòa bình không cần đến súng đạn hành quân, có người ganh ghét gửi thư cho Phủ Đắc Ủy Trung Ương Tình Báo chụp mũ tôi là Cộng Sản nằm vùng, là người trong Tổ Chức FULRO của Đồng Bào Thượng, và nói xấu Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II, Tư Lệnh của tôi!
Đúng ngày nghỉ Lễ Giáng Sinh 1964, sau khi đưa vợ con đi chơi Biển Hồ về thì bị An Ninh Quân Đội Pleiku đến nhà bắt đem đi nhốt. Sau vài tuần lễ bị giam ở Ty ANQĐ, tôi được chuyển về Nha An Ninh Quân Đội Sài Gòn nhốt tiếp để điều tra.
    Giám Đốc Nha ANQĐ là Trung Tướng Linh Quang Viên. Ông là môt trong những lãnh tụ Thượng Miền Bắc gốc ở Cao Bằng, Lạng Sơn vẫn thường theo dõi và biết những việc làm của tôi cho Đồng Bào Thiểu Số Việt Nam nên đã giao cho một Đại Úy Chánh Sự Vụ của Nha để điều tra, minh oan và bạch hóa hồ sơ vu cáo chụp mũ cho tôi. Nhưng dù đã được minh oan không có tội, Bộ Tổng Tham Mưu vẫn không cho tôi trở về Cao Nguyên, mà cho tôi thuyên chuyển về Vùng IV Chiến Thuật ở Cần Thơ, như là một hình phạt phát vãng đi xa không cho bén mảng đến Cao Nguyên để lại có sự liên lạc tiêp với Đồng Bào Thượng.
    May sao ở Vùng IV này tôi có một người bạn thân tên là Nguyễn Bảo Trị cùng Khóa I Sĩ Quan Trừ Bị, Anh tốt nghiệp ở Nam Định, tôi tốt nghiệp ở Thủ Đức, nhưng có cơ hội gặp nhau ở Điền Hộ, Tiểu Khu Phát Diệm 1952, 1953, hợp nhau và thân nhau. Bây giờ gặp lại nhau sau 11 năm xa cách, cấp bậc tôi mới là Thiếu Tá, còn Anh đã là Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh ở Mỹ Tho, nhưng Anh không thay đổi vẫn giữ tình bạn xưa, Anh xin với Thiếu Tướng Minh Tư Lệnh Phó Vùng IV cho tôi về Sư Đoàn 7 làm việc với Anh. Tôi được Anh cử làm Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị Sư Đoàn, và được Anh cấp ngay cho một căn biệt thự để đón vợ con từ Cao Nguyên về sống với nhau.
    Thời gian làm việc với anh Nguyễn Bảo Trị là thời gian êm đềm nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Tôi không phải làm công việc Thượng Vận nữa, vừa khó khăn, vừa bị cấp trên hoàn toàn coi thường không hề để ý đến, chỉ khi có biến cố người Thượng nổi loạn mới gọi đến và sai đi dẹp loạn mà thôi, xong rồi tình trạng lơ là đối với vấn đề Đồng Bào Thượng vẫn y như cũ!. Tuy nhiên, dù tôi làm việc ở Mỹ Tho, nhưng các Anh Em Thượng kết nghĩa với tôi vẫn từ Sài Gòn liên lạc với tôi. Đặc biệt có Em Ksor Hip đang là học viên Trường Sư Phạm Long An nhận học bổng từ Quỹ Phát Triển Giáo Dục Học Sinh, Sinh Viên Thượng Chăm của 3 chúng tôi (Kỹ Sư Nguyễn Văn Mừng ỏ Viện Nguyên Tử Lực Đà Lạt, Touneh Hàn Thọ Phó Đốc Sự người Churu, và tôi) thường xuống Mỹ Tho thăm tôi và cho tôi biết tin tức về Cao Nguyên.

TRUNG TƯỚNG CHỦ TỊCH ỦY BAN LÃNH ĐẠO QUỐC GIA
    Vào một đêm, khoảng tháng 7, tháng 8, 1965, lúc ấy đã hơn 11giờ  khuya, có tiếng chuông điện thoại reo, tôi vội vàng nhấc điện thoại. Có tiếng của Thiếu Tướng Nguyễn Bảo Trị, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 của tôi: “ Allo! Nghiêm đấy hả? Ngủ chưa?” Ông nói tiếp: “Ông Thiệu (Trung Tướng  Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia) vừa gọi tôi. Ông hỏi Nghiêm, và muốn gặp Nghiêm ở Văn Phòng của Ông ở Dinh Gia Long lúc 8 giờ 30 sáng”  Tôi hết sức ngạc nhiên, hỏi lại: “Ủa! tôi có quen biết gì Ông Thiệu đâu? Làm sao Ông ấy lại biết tôi, và gọi tôi đến gặp Ông để làm gì?” Thiếu Tướng trả lời: “Chắc Ông ấy lại hỏi Nghiêm về tình hình Đồng Bào Thượng. Mai lên gặp Ông ấy nhớ đem theo đầy đủ những tài liệu về vấn đề này nhé!”
    Thật là lạ! Tôi có quen biết gì Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đâu! Tại sao Ông lại biết tôi? Ai giới thiệu? Và Ông muốn gặp tôi để hỏi về vấn đề gì? Tuy ngạc nhiên, thắc mắc nhưng thi hành lệnh của Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn, tôi cũng dậy chuẩn bị một số sách vở, bản đồ liên quan đến các Sắc Tộc Thiểu Số, rồi mới đi ngủ lại.
    Sáng sớm một binh sĩ tài xế lái xe Jeep đưa tôi lên Sài Gòn. 8 giờ sáng tôi đã có mặt ở Dinh Gia Long, một dinh thự rất lớn của Pháp để lại. Hồi Biến Cố Banmêthuột 20, tháng 9, năm 1964, thì Thủ Tướng Chính Phủ là Trung Tướng Nguyễn Khánh, nhưng ngày 25, tháng 2, 1965, Ông đã mất quyền hành và trở thành Đặc Sứ Lưu Động ở ngoại quốc. Ngày 14, tháng 6, 1965, Đại Hội Quân Lực VNCH gồm 50 Tướng Lãnh đã họp và cử Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (Quốc Trưởng), và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng) Lúc này Dinh Độc Lập đang được xây cất chưa xong nên Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia tạm đặt Văn Phòng tại Dinh Gia Long.
    Trước 8 giờ 30 tôi vào trình diện Đại Tá Võ Văn Cầm, Chánh Văn Phòng Phủ Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Ông đưa tôi sang một phòng họp rất rộng ở bên cạnh Văn Phòng của Ông. Phòng rộng có thể chứa cả trăm người họp, nhưng hôm nay phòng bỏ trống, các ghế xếp dựng dọc các thành tường. Giữa phòng chỉ có một cái bàn dài, mỗi bên có 5 ghế, thêm 2 ghế 2 đầu là 12 ghế. Tôi ngồi trên một ghế để chờ, chồng tài liệu sách vở và bản đồ để trên bàn. Đúng 8 giờ 30, Đại Tá Chánh Văn Phòng mở một cánh cửa ở bên hông, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu bước vào, theo sau Ông là Thiếu Tướng Phạm Quốc Thuần Phụ Tá Quân Sự và Đại Tá Vũ Ngọc Tuấn Sĩ Quan Tùy Viên cùng vào.
    Trung Tướng Thiệu kéo ghế ngồi ở đầu bàn, và chỉ một ghế bên tay trái, tươi cười bảo tôi ngồi vào đấy. Thiếu Tướng Phạm Quốc Thuần thì ngồi ở một ghế xa tận đầu bàn bên kia. Đại Tá Vũ Ngọc Tuấn, Sĩ Quan Tùy Viên của Trung Tướng thì đứng tận xa mãi tận một góc ở cuối phòng. Tôi chào Trung Tướng và nói theo lệnh Thiếu Tướng Nguyễn Bảo Trị lên gặp Trung Tướng. Trung Tướng nói: “Tôi nghe nói Anh làm công tác Thượng Vận đã lâu, và rất am tưởng về vấn đề này, nên tôi muốn gặp Anh để nghe Anh trình bày và tôi cũng rất muốn biết vấn đề này ra sao?”
    Tôi trải lên mặt bàn tấm bản đồ những sắc dân thiểu số ở Đông Nam Á và thưa với Ông: “Thưa Trung Tướng, nếu Trung Tướng cho phép, tôi sẽ trình bày sơ qua vấn đề thiểu số của các nước xung quanh, như Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Lào, Miên, Miền Bắc Việt Nam, và cuối cùng sẽ trình bày vấn đề ở trên Cao Nguyên Miền Nam Việt Nam vì tất cả có liên hệ xa gần, trực tiếp và gián tiếp với nhau.” Ông đồng ý bảo tôi cứ tuần tự trình bày.
    Chỉ tay trên bản đồ tôi nói: “Đây là biên giới giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Miến Điện, Thái Lan, Lào, và Việt Nam. Từ 1949, Cộng Sản đã thành công chiếm trọn Trung Hoa, và thành lập ra nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Chính Phủ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch phải chạy ra Đài Loan. Mao Trạch Đông có dã tâm muốn xâm lược các nước Đông Nam Á, đã từng tuyên bố sẽ đưa 500 triệu nông dân Tàu xuống các nước miền Nam. Để thực hiện mộng ước xâm lược này Mao chủ trương một chính sách rất thâm độc là “Dùng Man Di quản lý Man Di”. Ở dọc biên giới Trung Quốc và các nước vừa kể có rất nhiều các Sắc Tộc Thiểu Số ở cả hai bên biên giới. Họ đều thuộc các hệ ngôn ngữ Hmong-Miền  Thai-Kdai, Hán – Tạng vv. Bên phía Trung Quốc, Mao bắt chước Nga Sô, tổ chức các vùng có các sắc tộc thiểu số thành các Khu, các Châu, các Kỳ, các Huyện Tự Trị. Lãnh tụ tự nhiên của các sắc tộc thiểu số được quyền cai trị dân chúng của mình một phần nào thôi dưới sự cai trị và giám sát trực tiếp của các cán bộ hành chính địa phương của Trung Quốc. Rồi dùng những Lãnh Tụ này lôi kéo những bà con thân thuộc cùng sắc tộc ở các nước bên kia biên giới đòi tự trị và hướng về Trung Quốc.

    Ví dụ trường hợp ở Miến Điện, dưới thời thuộc địa của Anh, người Anh có chính sách chia để trị y như người Pháp đã áp dụng ở Việt Nam. Người Anh dùng người Ấn để kiểm soát hành chánh kinh tế và cho các săc tộc thiểu số ở xung quanh nhiều quyền tự trị để khống chế nhà cầm quyền người Miến ở Thủ Đô trung ương.
    Năm 1948, khi lấy lại được nền Độc Lập khỏi Thực Dân Anh, Chính Phủ Miến đã tổ chức Quốc Gia thành một Liên Bang nhưng các Săc Tộc Thiểu Số với sự xúi dục của Trung Cộng vẫn muốn có nhiều quyền hành hơn để duy trì những tài nguyên của họ như vàng, ngọc bích và thuốc phiện v v. Có tới 20 nhóm võ trang thiểu số, đáng kể nhất là ở Vùng Tam Giác Vàng bên Miến Điện, và Thái Lan có Sắc tộc Shan, với trùm buôn thuốc phiện Khun Sa là có vũ khí hùng  mạnh hơn cả.  Chính phủ Miến Điện sau nhiều lần thất bại trong nỗ lực thương thuyết nên đã sử dụng quân  đội để đánh dẹp lực lượng võ trang của các sắc tộc thiểu số, nhưng không thành công. Nội chiến cứ thế kéo dài suốt từ năm 1948 đến nay chưa dứt. Mặt khác để giảm thiểu sự can thiệp của Trung Cộng vào vấn đề sắc tộc chính phủ Miến cũng phải áp dụng một chính sách ngoại giao thân thiện với Trung Cộng và dành cho Trung cộng nhiều dễ dài trong việc đầu tư kinh tế, khai thác những tài nguyên và sử dụng vị trí địa dư của Miến như là một con đường chuyển vận hàng hóa nguyên liệu, năng lượng lên những tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên vv là những tỉnh nằm sâu trong đất liền xa vùng duyên hải trù phú ở dọc bờ biển Miền Đông. Quan trọng hơn nữa là Trung Cộng có thể dùng hải cảng của Miến cho những tàu chiến của Trung Cộng có thể hoạt động ở Ấn Độ Dương tranh hùng với Ấn Độ. Chắc chắn Hoa Kỳ cũng có những hoạt động ở Miến để Miến khỏi rơi vào tay Trung Cộng, nhưng đến nay tôi chưa sưu tầm được tin tức về vấn đề này.

    Còn đây là Thái Lan, đất nước này có 75% người Thái, 14% người Hoa, 3% người Mã Lai, ngoài ra còn người Môn, người Khmer, người Chăm, người Việt, và nhiều sắc tộc thiểu số nói tiếng Thai-Kdai, Hmông-Miền ở dọc biên giới phía Bắc giáp ranh với Miến Điện, và Lào như Shan, Lự, Lahủ, Karen, Hmông v.v. Thái Lan hiện cũng đang gặp khó khăn về vấn đề thiểu số.
    Khó khăn thứ nhất là nhóm sắc tộc Shan ở Khu Tam Giác Vàng ở 2 Tỉnh Chiêng Rai, Chiêng Mai bên Thái Lan cũng bị Vua thuốc phiện Khun Sa bên Miến Diện kiểm soát. Lượng thuốc phiện sản xuất ở đây chiếm tới  ¾ lượng thuốc trên thế giới. Trung Quốc bán vũ khí lấy thuốc phiện kiếm lời. Các con buôn thuốc phiện người Hoa ở Hồng Kông, Chợ Lớn VN, Bankok, Mã Lai cũng bí mật buôn để tung ra thị trưởng thế giới. Vì Khun Sa có vũ khí hùng mạnh, quân đội Miến chưa dẹp được, và chính phủ Thái cũng gặp khó khăn để kiểm soát vùng này.
    Khó khăn thứ hai do nhóm người Hoa và người Việt gây ra. Lúc đầu họ thành lập hai Đảng Cộng Sản riêng. Sau họ sáp nhập làm một để hoạt động chung với mục đích là lật đổ chính phủ Hoàng Gia Thái. Trung Cộng và Việt Cộng yểm trợ mọi hoạt động của họ. Đến nay lực lượng vũ trang của họ cũng đã có cả ngàn người. Lào vốn có hận thù với Thái vì bị Thái đô hộ, nhờ Pháp mà lập được quốc gia. Nhưng khi Pháp và Thái phân định biên giới giữa hai nước đã lấy Sông Mê Kông làm ranh giới, khiến cho cả một vùng rất đông dân Lào chiếm tới 1/3 dân số Thái, nay là Vùng Đông Bắc Thái nhập vào lãnh thổ Thái. Lào luôn luôn mong muốn giành lại vùng đất này, nên đã cho Đảng Cộng Sản Thái đặt căn cứ trên đất Lào và hoạt động mạnh trong Vùng Đông Bắc Thái.
    Khó khăn thứ ba do nhóm thiểu số người Hoa và Mả Lai ở phía Nam gây ra. Để xâm lăng Mã Lai, Trung Cộng yểm trợ người Hoa ở Mã Lai thành lập Đảng Cộng Sản, và hoạt động võ trang chống chính quyền. Đảng Cộng Sản Mã Lai đặt căn cứ nơi có người Mã và người Hoa ở Miền Nam Thái. Họ vừa đánh phá Mã Lai vừa chống Thái Lan đòi ly khai sáp nhập vào đất Mã Lai.
    Chinh Phủ Thái vùa dùng quân đội, cảnh sát đánh dẹp vừa dùng thương thuyết lôi cuốn họ trở về hợp tác với chính quyền nhưng chưa thành công. Xưa nay truyền thống ngoại giao của Thái Lan vẫn là “gió chiều nào ngả theo chiều đó”. Hễ cường quốc nào hiện diện trong vùng là Thái làm thân để tránh chiến tranh và lợi dụng sức mạnh của họ cho lợi ich của riêng mình. Hiện nay Hoa Kỳ là một cường quốc đang nỗ lực can thiệp vào chiến tranh ở Việt Nam chống lại sự bành trướng của Nga Sô, Trung Cộng Đệ Tam Đế Quốc Cộng Sản. Thái Lan đã cho Hoa Kỳ đặt nhiều căn cứ trên đất Thái để yểm trợ cho các hoạt động chiến tranh ở 3 nước Đông Dương. Trung Cộng mới thành công lấy được quyền hành trong tay Tưởng Giới Thạch, chưa đủ mạnh để thành một cường quốc nên Thái chưa kết thân với Trung Cộng, và vẫn tự lực cùng với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, để giải quyết những khó khăn với nhóm thiểu số ở Tam Giác Vàng, nhòm Cộng Sản Việt-Hoa, và nhóm  
Cộng Sản Hoa – Mã.
   
    Trong khi tôi trình bày, Trung Tướng chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng  mới ngắt lời hỏi lại một vài điều muốn tôi trình bày chi tiết hơn và rõ ràng hơn. Khoảng nửa giờ, một giờ, Đại Tá Chánh Văn Phòng lại mở cửa trình rằng đã đến giờ hẹn với một vị khách nào, hay đoàn thể nào, nhưng Trung Tướng đều khoát tay nói: “Tôi đang bận. Việc này quan hệ hơn. Dời lại và sắp xếp một cái hẹn khác.”  

    Tiếp tục trình bày tôi đề cập đến tình hình ở Lào. Chỉ trên bản đồ, tôi nói đây là nước Lào. Năm 1949, Trung Cộng thắng, Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan, tàn quân Quốc Dân Dảng khác chạy sang các nước Lào, Thái Lan, Miến Điện, và cả sang Vùng Tây Băc của Việt Nam. Khun Sa, trùm buôn thuốc phiện bên Tam Giác Vàng của Thái và Miến là con một Sĩ quan Quốc Dân Đảng, và mẹ là một người Shan. Nhóm tàn quan QDĐ ở bên Lào tập trung ở Vùng Tam Giác Vàng thuộc tỉnh Bokeo. Họ cũng kinh doanh thuốc phiện lậu để mua vũ khí lương thực tiếp tục chống Trung Cộng và kiểm soát vùng này. Chính Phủ Lào không thể kiểm soát được họ. Nhưng sự kinh doanh thuốc phiện cũng khiến có sự cạnh tranh va chạm với sự kinh doanh thuốc phiện của trùm Khun Sa bên Thái và Miến. Do đó thường có những sự đụng độ quân sự giữa hai bên. Không biết Cơ Quan Tình Báo Trung Ương của Mỹ ở Thái Lan có trợ giúp gì cho những đám tàn quân QDĐ này để chống Trung Cộng hay không?
    Riêng với chính phủ Hoàng Gia Lào thì sau khi Pháp thua trận Diện Biên Phủ, phải ký kết Hiệp Định Geneve 1954, và rút khỏi 3 Nước Đông Dương, fhì Hoa Kỳ đã trực tiếp giúp Chính Phủ Lào, cùng vói sự trợ giúp của Chính Phủ Thái và Chính Phủ VNCH ở Miền Nam VN. Trong khi ấy thì Nga Sô, Trung Cộng, và Việt Cộng Bắc Việt trợ giúp cho Đảng Cộng Sản Pathet Lào và những thành phần Trung Lập Lào chống lại Chính Phủ Hoàng Gia. Sau Hiệp Định Geneve 1954, Lào hoàn toàn được Độc Lập. Pathet Lào là lực lượng kháng chiến được tập kết ở hai tỉnh Phongsaly và Hua Phăn ở cực Băc Lào ráp gianh với Trung Cộng và Vùng Tây Bắc của VN để chờ bầu cử theo Hiệp Định. 1955 bầu cử được diễn ra, Chính Phủ Liên Hiệp đầu tiên được thành lập do Phe Trung Lập Lào làm Thủ Tướng. Nhưng vì có sự chia rẽ nội  bộ trong Hoàng Gia Lào, một phe Bảo Hoàng do Hoàng Thân Boun Oum, một Tiểu Vương Vùng Champasak Hạ Lào cầm đầu, một Hoàng Thân theo Cộng Sản Lào là Souphanouvong, một Hoàng Thân khác chủ trương Trung Lập là Souvanna Phouma, em trai cùng cha khác mẹ của Hoàng Thân Souphanouvong, cộng thêm sự can thiệp của hai bên trợ giúp kể trên nên nhiều cuộc đảo chánh đã xẩy ra, nội chiến lại tiếp diễn.
Năm 1959, Quân Đội Pathet Lào, và cả Quân Đội Công Sản Bắc Việt, hình như có cả sự tham dự của Quân Đội Trung Cộng như hồi có chiến trận Điện Biên Phủ, mở cuộc tấn công lớn vào Quân Đội Hoàng Gia Lào. Chính Phủ Lào tố cáo với Liên Hiệp Quốc là Việt Cộng Bắc Việt xâm lược Lào. Cuộc chiến giằng co kéo dài chưa ngã ngũ. 1961, Hoa Kỳ đồng ý cùng Nga Sô mở Hội Nghị Geneve chấp nhận Trung Lập Hóa Nước Lào, cả hai bên đều đồng ý rút quân. Trong khi Hoa Kỳ rút lui không can dự ảnh hưởng vào Chính Phủ Trung Lập Lào do Thủ Tướng Souvanna Phouma lãnh đạo, thay thế Thủ Tướng Chính Phủ Hoàng Gia Lào Boun Oum, từ 1962 cho đến nay, thì Bắc Việt chỉ rút một số ít tượng trưng, còn đại bộ phận Quân Đội Bắc Việt vẫn ở lại, yểm trở Pathet Lào mở rộng sự kiểm soát nước Lào và giúp Cộng Sản Bắc Việt mở rộng Đường Mòn Hồ Chí Minh chuyển quân đội, vũ khí vào xâm lược Miền Nam Việt Nam.
    Trước tình hình chính trị rối ren của chính phủ Lào, tình trạng của các sắc tộc thiểu số Lào rất khốn khổ. Họ gồm 48 sắc tộc, chiếm tới 32% dân số Lào. Một nhóm ở Vùng Cao Miền Bắc  gọi là Lào Sủng (Lào Vùng Cao), gồm Hmong (Mèo), Dao (Yao, Miền), Thái Đen, Shan, vv. Một nhóm ở miền núi Miền Trung và Nam Lào gồm những sắc tộc cùng hệ ngôn ngữ Môn – Khmer như người Thượng ở Cao Nguyên VN, dược gọi là Lào Thơng. Nằm trong sự kiểm soát của Pathet Lào và Quân Đội Cộng Sản Việt Bắc họ phải đóng thuế thật nặng, con trai thì bị bắt đi lính , đàn bà con gái đàn ông thì đi dân công làm những việc nặng nhọc khuân vác, địu trên lưng, chặt quang rừng làm đường sá v..v Thuốc phiện của họ bị Cộng Sản độc quyền thu mua, đem về tung ra thị trường thế giới để mua vủ khí của Nga Sô. Người thiểu số đã chống lại Cộng Sản Lào và Việt. Nổi bật nhất là săc tộc Hmông với Tướng Vang Pao trong Quân Đội Hoàng Gia Lào.
    Từ 1961 đến nay Vang Pao được CIA Mỹ sử dụng lập căn cứ ở sắc tộc Hmong ở Long Cheng, Cao Nguyên Trấn Ninh giáp ranh giới với Nghệ An, huấn luyện đạo quân du kích bí mật để chống Pathet Lao, đánh phá ngăn chặn đường mòn Hồ Chí Minh, và xâm nhập phá hoại Cộng Sản Bắc Việt. Quân số đã lên tới nhiều ngàn người. Đối phó lại Pathet Lao cũng bắt lính người Hmong với số lượng  tương đương để đánh quân Vang Pao. Săc Tộc Hmong hiện đang ở trong hoàn cảnh bắn giết lẫn nhau, môt bên do CIA Mỹ tổ chức, huấn luyện chỉ huy, một bên do Pathet Lao băt đi lính.

    Vừa rồi là tình hình người thiểu số ở Lào. Bây giờ là vấn đề thiểu số ở Miên (Kampuchia)
    Miên có 10% dân số là người thiểu số gồm Chăm, Mã Lai, Lào,Thái, Miến, Hoa, Việt, và khoảng 10 săc tộc Thượng như người Thượng ở Việt Nam, trong số này chủ yếu là sắc tộc Phnong, cùng sắc tộc với người Mnông Tỉnh Quảng Đức Việt Nam, người Jarai cùng sắc tộc với người Jarai ở Pleiku, Phú Bổn.
    Trong số những sắc tộc thiểu số ở Miên, người Việt bị hận thù, kỳ thị và gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhiều khi bị giết hại ngấm ngầm. Hiện nay Quốc Trưởng Miên là Cựu Hoàng Norodom Sihanouk. Ông chủ trương chính sách Trung Lập nhưng nghiêng về khối Cộng Sản Nga Tầu để thu về những mối lợi viện trợ, buôn bán, nhờ yểm trợ cho Cộng Sản Miền Bắc mở chiến tranh xâm lược Miền Nam. Do đó có sự bất hòa với Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tình Báo Phủ Tổng Thống VN phối hợp với Tòa Đại Sứ VN ở Phnom Penh đã âm mưu đảo chánh hụt Sihanouk vào tháng 2 – 1959, và mưu sát hụt Sihanouk và vợ vào tháng 6, 1961, nên năm 1963, Sihnouk cho lệnh tập trung 3 tổ chức chống phả VN thành môt tổ chức gọi là Tổ Chức FULRO, Front Unifié de la Lutte des Races Opprimeés, Mặt Trận Thống Nhất Tranh Đấu Của Các Dân Tộc Bị Áp Bức. Ba tổ chức ấy là Mặt Trận Giải Phóng Vùng Hạ Kampuchia (Front de Liberation du Kampuchia Krom), Mặt Trận Giải Phóng Vùng Bắc Kampuchia (Front de Liberation du Kampuchia Nord), và Mặt Trận Giải Phóng Nước Chàm Front de Liberation du Champa) để đánh phá VN. Tổ chức  FULRO  do Đại Tá Um Savuth, Trưởng Phòng 2 Quân Đội Hoàng Gia Miên, làm Chủ Tịch, và Trung Tá Les Kosem, người Miên gốc Chăm làm Phó.
    1964, Tổ chức này móc nối với một số người Thượng trong các Trại Lực Lượng Đặc Biệt Thượng ở Tỉnh Đắc Lắc của ta, tấn công chiếm Banmêthuột để thành lập một Vùng Tự Trị của người Thượng trên Cao Nguyên, gây ra Biến Cố 20, tháng 9, 1964,tại Banmêthuột. Sau Biến Cố này Tổ Chức FULRO ở Phnom Penh, có thêm Y Bhăm, cựu Phó Tỉnh Trưởng Darlac, là Đệ Nhị Phó Chủ Tịch, và hàng ngàn tay súng của người Thượng đi theo Y Bhăm đóng ở Tỉnh Mondulkiri Gần đây qua tin tức của những người Thượng theo FULRO đi qua lại giữa Phnom Penh và Banmêthuột cho biết, họ được cho ăn ở, được phát lương hàng tháng, được đi tắm biển có chụp hình rất đẹp. Theo họ nói Trung Tá Les Kosem Đệ Nhất Phó Chủ Tịch FULRO là người rất giàu. Hăn ta được Quốc Vương Sihanouk giao nhiệm vụ chuyên chở vũ khí đạn dược do Nga, Tầu chở đến Cảng Sihanoukville lên các căn cứ của Việt Cộng được phép của Sihanouk cho đồn trú trên đất Miên sát biên giới VN. Lợi dụng nhiệm vụ này hắn cũng thầu cung cấp gạo, thực phẩm và những đồ cần dùng cho Việt Cộng. Vì vậy hắn giàu lắm!

    Thưa Trung Tướng tôi đã trình bày tình hình các sắc tộc của các nước xung quanh như Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Lào, Miên. Ở đâu cũng thấy có bàn tay của Trung Cộng nhúng vào theo chính sách “Dùng Man Di quản lý Man Di”. Còn ở Lào, Miên thì có thêm cả Nga, và Việt Cộng nữa. Bây giờ tôi trình bày tiếp Vấn Đề Sắc Tộc Thiểu số ở Miền Bắc và Miền Nam VN.

    Sau Hiệp Dịnh Geneve 1954, Miền Bắc cũng phải giải quyết chính sách chia để trị của Thực Dân Pháp để lại, như Vua Xứ Thái ở Sơn La, Lai Châu, Vua Mèo ở Đồng Văn, Mèo Vạc ở Hà Giang v..v
    Để lấy lòng người Thượng Miền Bắc và người Thượng Miền Nam hầu có thể dùng tài nguyên nhân vật lực của đồng bào trong cuộc chiến tranh xâm chiếm Miền Nam, Đảng Cộng Sản cũng bắt chước chính sách của Nga Sô, Trung Cộng, cho thành lập những Khu Tự Trị cho các sắc tộc thiểu số, và phong cho những lãnh tụ của họ những chức vụ cao trong Đảng và chính quyền.
    Vào tháng 1, 1955, nhà cầm quyền Miền Bắc tổ chức một buổi lễ có tới 600 đại biểu thiểu số tham dự. Trước những đại biểu này Hồ Chí Minh tuyên bố chính sách này và hứa sẽ cho thành lập cho họ những Khu Tự Trị.
    Ngày 29, tháng 4, 1955, Khu Tự Trị Thái – Mèo được thành lập đầu tiên. Khu này gồm các Tỉnh Sơn La, Lai Châu, nên còn gọi là Khu Tự Trị Tây Bắc. Tháng 5, 1955, Ủy Ban Lãnh Đạo Khu Tự Trị Thái-Mèo ra mắt. Tất cả có 23 Ủy Viên, trong đó chỉ có 2 Ủy Viên thuộc sắc tộc Kinh.
    Ngày 10, tháng 8, 1956, Khu Tự Trị thứ hai được thành lập có tên là Khu Tự Trị Tày – Nùng. Khu này gồm các Tỉnh Cao Bằng, Bắc Thái, và Lạng Sơn nên còn có tên là Khu Tự Trị Việt Bắc. Ủy Ban Lãnh Đạo Khu Tự Trị này có tới 72 Ủy Viên, đứng đầu là Tướng Chu Văn Tấn, sắc tộc Nùng.
    Thang 3, 1957, thành lập thêm một Khu Tự Trị thứ ba, có tên là Khu Tự Trị Lào-Hà-Yên, gồm 3 Tỉnh Lào Kay, Hà Giang, Yên Bái. Tháng 3, 1959, Khu Tự Trị này bị dẹp bỏ một cách âm thầm không rõ lý do.
    Năm 1954, theo Hiệp Định Geneve, Hà Nội phải rút hết quân đội về Bắc Vỹ Tuyến 17. Họ đã mang theo được khoảng 6 ngàn người thiểu số Miền Nam tập kết ra Bắc. Phần lớn là quân nhân và gia đình họ. Những người này đã được huấn luyện kỹ càng. Năm 1959, 1960, Hà Nội lại cho họ theo Đường Mòn Hồ Chí Minh, từng toán một, xâm nhập vào Cao Nguyên Miền Nam để bí mật tuyên truyền lôi kéo Đồng Bào Thượng theo Cộng Sản, chống lại Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa.
    Ngày 20, tháng 12, 1960,  Đảng Cộng Sản cho thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để lừa bịp dư luận các nước trên thế giới nghĩ rằng cuộc chiến tranh nổi dậy ở Miền Nam là do dân Miền Nam đấu tranh chống nhà cầm quyền của họ, không liên can gì tới Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Miền Bắc. Ngày 19, tháng 5, 1961, Mắt Trận Giải Phóng Miền Nam cho thành lập Ủy Ban Dân Tộc Tự Trị Tây Nguyên, sau đổi thành Tổ Chức Tây Nguyên Tự Trị. Y Bhi Aleo, sắc tộc Rhadé được bầu làm Chủ Tịch. Người này vốn là Cựu Xã Trưởng, theo Phong Trào Bajaraka, (chữ đầu của 4 sắc tộc lớn trên Cao Nguyên: Bahnar, Jarai, Radhé, Kahô), chống Chính Phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Theo những tài liệu tịch thu được của Cộng Sản trong các cuộc hành quân ở Cao Nguyên thì Võ Nguyên Giáp đã chủ trương xâm chiếm Miền Nam bằng “Chiến Lược Hai Chân”, đặt chân trái lên Cao Nguyên trước, đặt chân phải xuống đồng bàng Nam Bộ sau. Cao Nguyên chính là mục tiêu xâm chiếm hàng đầu của Cộng Sản Bắc Việt.
     Thưa Trung Tướng, tôi nghĩ Chính Sách Tự Trị cho các Vùng có các sắc tộc thiểu số cư ngụ vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại, mà cái hại thì rất là to lớn lâu dài về sau rất khó giải quyết. Ví dụ, trong nhất thời Cộng Sản có thể tuyên truyền lấy lòng người thỉểu số để khai thác lợi dụng họ trong chiến tranh. Nhưng từ trước đến nay mọi chủ trương chính sách của Cộng Sản chỉ là lừa bịp trong giai đoạn. Khi đạt được mục đich thì bỏ rơi theo kiểu “văt chanh bỏ vỏ”. Nếu sau này vì một lý do nào đó Cộng Sản xóa bỏ chính sách cho người thiểu số được tự trị, thì người thiểu số Miền Bắc sẽ bất mãn chống đối lại. Đất nước như là một miếng bánh, đang yên lành nguyên vẹn, bỗng dưng chia cắt ra thành nhiều miếng, dù có hàn gắn lại vết căt vẫn để lại dấu vết. Trung Cộng sẽ có cớ để can thiệp và xâm lược. Qua các Khu Tự Trị ở bên kia biên giới Tầu, các sắc tộc thiểu số đều cùng bà con với các sắc tộc thiểu số bên Việt Nam, họ có thể bí mật chuyển vũ khí cho bà con bên này đấu tranh đòi Tự Trị, đòi  có nhiều quyền hành hơn, và nhất là đòi ly khai sáp nhập vào những Khu Tự Trị cùng bà con bên Trung Cộng theo “Quyền Dân Tộc Tự Quyết”.
    Còn ở trên Cao Nguyên Miền Nam, Đồng Bào Thượng rất chuộng “Chữ Tín”. Đã hứa thì phải giữ lời, làm khác đi không giữ lời hứa họ sẽ bảo là “Nói Láo”
họ sẽ không bao giờ tin nữa. Họ sẽ lại bất mãn, đấu tranh và hận thù sẽ mãi mãi kéo dài không bao giờ dứt. Đối với tôi, Chính Sách Tự Trị này là một mối họa tiềm ẩn lâu dài có hại cho sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam!

    Đấy là Vấn Đề Thiểu Số ở Miền Bắc, còn Vấn Đề Thiểu Số ở Miền Nam thì như sau:
    Dưới thời Pháp thuộc, Pháp thi hành chính sách chia để trị. Họ chia rẽ Kinh Thượng, gây thù hận giữa hai bên, người Kinh bị cấm lên Cao Nguyên, muốn lên phải có giấy phép. Tư bản Pháp độc quyền khai thác Cao Nguyên. Khi trở lại Cao Nguyên sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, ngày 27, tháng 6,1946, toàn quyền,
 D' Argenlieu biến Cao Nguyên thành một Miền Tự Trị riêng gọi là Pays Montagnards du Sud Indochine (PMSI), với một nền hành chánh riêng biệt trực thuộc Pháp. Đến khi phải ký Thỏa Hiệp với Cựu Hoàng Bảo Đại ngày 8, tháng 3, 1949, trao trả Độc Lập cho Việt Nam, thì trong Thỏa Hiệp Pháp cũng buộc VN phải ban bố những Quy Chế Riêng Biệt cho những sắc tộc không phải người Kinh trên Cao Nguyên. Nội dung Quy Chế này phải được sự thỏa thuận của Pháp, và nếu có sửa đổi điều gì cũng phải có sự đồng ý và được phép của Pháp.
    Ngày 25, tháng 7, 1950, Cựu Hoàng ra Sắc Lệnh tổ chức Cao Nguyên thành một Vùng riêng biệt gọi là Hoàng Triều Cương Thổ, trực thuộc Văn Phòng Quốc Trưởng đặt tại Đà Lạt. Ngày 21, tháng 5, 1951, Văn Phòng Quốc Trưởng ra Dụ số 10, ban hành Quy Chế Riêng Biệt nâng đỡ Đồng Bào Thượng. Người Thượng rất hài lòng với Bản Quy Chế này, sau này họ cứ đòi hỏi phải tái lập lại Bản Quy Chế Riêng Biệt cho họ.
    Sau một cuộc Trưng Cầu Dân Ý, ngày 26, tháng 10, 1955, Cựu Hoàng Bảo Đại bị truất phế, Tổng Thống Ngô Đình Diệm hủy bỏ Hoàng Triều Cương Thổ, và cũng không nhắc gì đến Quy Chế Riêng Biệt cho Đồng Bào Thượng. Các Quân Nhân Công Chức Thượng đang giữ những chức vụ chỉ huy quan trọng trên Cao Nguyên đều bị mất chức và bị thay thế bởi người Kinh. Họ còn bị bắt buộc đồi tên họ từ tên họ Thượng sang tên họ Kinh. Tiếng Thượng không được dạy ở các trường trên Cao Nguyên nữa. Bao nhiêu sách dạy học bằng tiếng Thượng để ở trong kho các trường học thì theo lệnh Bộ Giáo Dục phải đem đốt hết cả đi. Các địa danh bằng tiếng Thượng cũng bị đổi thành địa danh Kinh. Ví dụ Hdrung, tên một ngọn đồi ở Pleiku thì đổi thành Hàm Rồng. Hồ Lak thì đổi thành Hồ Lạc Thiện v..v. Nhưng điều mà người Thượng phẫn uất nhất là quyền sở hữu đất đai của họ không được Chính Phủ công nhận. Năm 1958, Tổng Thống ký một Nghị Định ấn định rằng người Thượng không có quyền sở hữu đât đai mà chỉ có quyền hưởng dụng hoa màu canh tác.
    Vì những biện pháp trên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên người Thượng đã chống đối, thành lập Phong Trào Bajaraka, họp ở Pleiku, năm 1958, để gửi kiến nghị lên Tổng Thống. Công An đã bắt hết đoàn viên của Phong Trào đem bỏ tù, và còn cho thuyên chuyển phần lớn công chức Thượng xuống các Tỉnh
Duyên Hải Miền Trung, tạo nên một khoảng trống về lãnh đạo chỉ huy trong các sắc tộc. Đây chính là cơ hội cho Cộng Sản Bắc Việt cho những cán bộ Thượng đã tập kết ra bắc, trở về nắm lấy các sắc tộc Thượng ở Cao Nguyên. Cũng vì thế tình
trạng an ninh càng ngày càng tồi tệ, khiến cho dân chúng nhiều Buôn, Plei phải bỏ Buôn làng di cư tị nạn về những vùng có an ninh hơn.
    Trước tình hình ấy CIA và Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đã huấn luyện dân Buôn, phát vũ khí thành lập Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu Thượng để bảo vệ Buôn làng. Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ cũng huấn luyện và thành lập nhiều Trại Lực Lượng Đặc Biệt Thượng đóng dọc biên giới giáp với Lào, Miên để ngăn chặn sự  xâm nhập của quân đội Bắc Việt theo  Đường Mòn Hồ Chí Minh vào Cao Nguyên và xuống Duyên Hải Miền Trung.
    Bất ngờ đã xẩy ra Biến Cố ngày 20, tháng 9, 1964, tại Tỉnh Darlak. 5 Trại Lực Lượng Thượng trong Tỉnh đã kéo về chiếm Đài Phát Thanh, bao vây Thị Xã, tuyên bố thành lập Miền Cao Nguyên Tự Trị. Theo lệnh Thủ Tướng Nguyễn Khánh, tôi và một số người Thượng có uy tín đã thuyết phục thành công họ buông súng trở về với chính phủ và tiếp tục đi chiến đấu trở lại. Tình báo Thượng phát hiện ra kẻ chủ mưu cuộc phản loạn này là Tổ Chức FULRO do Sihanouk thành lập để đánh phá VN, chia cắt Miền Cao Nguyên ra khỏi VN, đồng thời tái lập lại nước Chàm, lấy Nha Trang làm Thủ Đô.
    Sau khi dẹp yên cuộc phản loạn ấy Thủ Tướng Nguyễn Khánh đã ban hành một chính sách mới bảo đảm Dân Quyền và Nhân Quyền cho Đồng Bào Thượng nói riêng và cho toàn thể Đồng Bào Thiểu Số VN nói chung. Chính sách mới đã hứa sẽ ban hành nhiều chương trình nâng đỡ phát triển đời sống dồng bào mau chóng tiến kịp với đời sống chung của đồng bào toàn quốc. Chính Sách này đảm bảo được Chủ Quyền Quốc Gia và Sự Toàn Vẹn Lãnh Thổ. Nha Công Tác Xã Hội Thượng dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã được đổi thành Nha Đặc trách Thượng Vụ trực thuộc bộ Quốc Phòng, do một Trung Tá người Kinh phụ trách. Sau Thủ Tướng lại bổ nhiệm Trung Tá Ya Ba, người sắc tộc Churu, ở Đà Lạt, về làm Giám Đốc Nha, và đặt Nha trực thuộc Phủ Thủ Tướng.  Bây giờ thì trực thuộc Phủ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương.
    Nha Đặc  Trách Thượng Vụ là một cơ quan nhỏ, nhân viên ít, ngân sách eo hẹp, không thể có những chương trình phù hợp với nhu cầu phát triển đồng bào. Nha cũng không có thẩm quyền để phối hợp và cố vấn cho các Bộ, các Tổng Nha thực hiện những chương trình chuyên môn trên Miền Thượng. Thí dụ chương trình Kiến Điền cấp phát bằng khoán đất đai cho đồng bào. Quan trọng nhất là Nha cũng chưa xúc tiến được việc thuyết phục thành phần Thượng võ trang trong Tổ Chức FULRO hiện đóng ở Mondulkiri. Nếu không sớm thực hiện được những điều ghi trong Chính Sách mới, đồng bào sẽ nóng lòng, hoài nghi những lời hứa của Chính Phủ, và tôi e rằng Tổ Chức FULRO ở Phnom Penh lại có thể xúi dục binh lính Thượng gây ra những cuộc bạo loạn khác. Nếu Cộng Sản lợi dụng khai thác tình trạng bất ổn này mà lấy được Cao Nguyên thì chắc chắn cũng khó mà giữ được Miền Nam!

    Thưa Trung Tướng phần trình bày của tôi đến đây là hết. Trung Tướng có cần hỏi thêm điều gì, tôi sẽ xin trình bày tiếp.  Mới đấy đồng hồ treo trên tường đã chỉ 1 giờ trưa, tuy nhiên không thấy Trung Tướng có vẻ gì là mệt mỏi. Trung Tướng tươi cười rất hài lòng, Ông nói: “Anh đã trình bày rất rõ ràng, tôi không hỏi gì thêm. Anh đã  thuộc hết vấn đề rồi, Anh không cần những tài liệu này nữa. Anh để hết lại đây cho tôi, tôi cần phải nghiên cứu thêm.” Trung Tướng, Thiếu Tướng Phạm Quốc Thuần và Sĩ Quan Tùy Viên dời Phòng Họp. Đại Tá Chánh Văn Phòng sang tiễn tôi và thu dọn chồng sách, bản đồ và những tài liệu trên bàn.
     Tôi ra về với sự tiếc nuối lớn lao số tài liệu sưu tầm công phu từ nhiều năm qua, đồng thời trong lòng cũng đầy thắc mắc. Không biết vì sao Trung Tướng biết tôi? Và tại sao Trung Tướng lại muốn tìm hiểu cặn kẽ vấn đề này?...

PHỦ ĐẶC ỦY THƯỢNG VỤ

    Trở về Sư Đoàn 7 tại Mỹ Tho, tôi trình lên Thiếu Tướng Tư Lệnh mọi diễn tiến trong cuộc gặp Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Thiếu Tướng ghi nhận có vẻ suy tư, nhưng không nói gì.
    Bẵng đi vài tháng, vào một ngày Chủ Nhật, em Ksor Hip từ Trường Sư Phạm Long An xhống thăm tôi. Em báo một tin quan trọng.
    Có 2 tên Thượng theo Les Kosem ở Phnom Penh đã theo lệnh của Les Kosem, lén lút giả danh nghĩa của Ông Y Bhăm ra lệnh cho các toán võ trang Fulro, gây bạo loạn ở Pleiku và Phú Bổn vào ngày 17, tháng 12, 1965. Tại Quận Phú Thiện, Phú Bổn, cuộc bạo loạn đã gây thiệt hại một số mạng người cả Kinh lẫn Thượng. Trung Tướng Vịnh Lộc Tư Lệnh Quân Đoàn II, và Vùng II Chiến Thuật đã cho Quân Đội đàn áp thẳng tay. Một số kẻ phản loạn đã bị băt tại trận. Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Vùng II đã họp tại Pleiku ngày 27, 28, tháng 12, 1965, và tại Banmêthuột ngày 10,tháng 2, 1966. Một số kẻ FULRO phản loạn đã bị tử hình, một số bị kết án tù nhiều năm.
    Tôi rất buồn trước những tin như vậy!
    Một ít ngày sau, bỗng lại có Touneh Hàn Thọ xuống gặp tôi gấp. Em phấn khởi cho biết, Anh Paul Nưr, người Bahnar, Phó Tỉnh Trưởng Thượng Kontum đã tổ chức biểu tình ở Kontum lên án cuộc bạo động của FULRO ở Pleiku, Phú Bổn. Sau đó Anh lại cho tổ chức Đại Hội Kinh Thượng ở trong Tỉnh ngày 12, tháng 2  1966, phản đối mọi hành động bạo loạn gây mất đoàn kết Kinh Thượng.
    Để giải quyết vấn đề trên Cao Nguyên, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, cho lệnh Anh Ya Ba, Giám Đốc Nha Đặc Trách Thượng Vụ, đạt giấy mời Anh Paul Nưr, Anh Y Chôn Mlô, Em (Touneh Hàn Thọ), cùng với Anh Ya Ba sang Văn Phòng Thiếu Tướng họp.
    Sau khi đã kiểm điểm tình hình trên Cao Nguyên, Thiếu Tướng hỏi Anh Em có nguyện vọng gì không? Anh Paul Nưr đại diện mấy anh em xin 3 điều:
1.                             Xin nâng Nha Đặc Trách Thượng Vụ lên thành Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ, trực thuộc Hội Dồng Nội Các, dể có đủ phương tiện và thẩm quyền để thi hành công tác.
2.                             Xin cho Phủ Đặc Ủy Thượng Vụ được toàn quyền phối hợp với Bộ Tư Lệnh Vùng II Chiến Thuật, thuyết phục nhóm FULRO Thượng do Ông Y Bhăm cầm đầu trở về với Chính Nghĩa Quốc Gia.
3.                             Trả lại cho người Thượng chúng tôi Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghiêm. Anh ấy là người thường giúp đỡ học sinh, sinh viên Thượng, bị An Ninh Quân Đội bắt và bị chuyển về Vùng IV Chiến Thuật.

    Thiếu Tướng nói OK tất cả 3 điều. Đổng Lý Văn Phòng sẽ làm giấy tờ. Mấy Anh Paul Nưr, Ya ba, và Y Chôn bảo Em xuống tin cho anh biết ngay. Anh chuẩn bi, nhận được giấy thuyên chuyển thì Anh về ngay, để Anh Em mình cùng bắt tay vảo làm việc.
    Tôi rất mừng, và tràn đầy hy vọng. Tuy nhiên tôi vẫn thắc mắc chuyện Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu hỏi tôi Vấn Đề Dồng Bào Thượng để làm gì? Cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
    Bất ngờ một hôm có một anh bạn thân đến thăm. Anh tên Khu Đức Hùng, Khóa 4 Đà Lạt, hiện đang là Trung Tá, giữ chức vụ Sĩ Quan Tùy Viên Quân Sự ở Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Lào. Anh là bạn thân với Thiếu Tướng Nguyễn Bảo Trị, và cũng quen thân với tôi. Nghe nói Anh lấy được một người vợ thuộc họ hàng Hoàng Gia Lào.  Anh cho biết,  tuy ở Vạn Tượng nhưng Anh vẫn theo dõi những việc tôi thực hiện ở Cao Nguyên, và nhất là đã xin Thủ Tướng chấp thuận một Chính Sách Mới cho Đồng Bào Thượng  Anh đã đem những chuyện tôi làm nói với Cựu Thủ Tướng Boun oum. Sau năm 1962, Ông đã lui về sống ở Vương Quốc Champasak của Ông ở Nam Lào. Ông đã yêu cầu Chính Phủ Lào gửi giấy sang cho Chính Phủ Việt Nam, xin cho tôi sang làm cố vấn cho Chính Phủ Lào  để phát triển Vùng Champasak Nam Lào của Ông.  Rất tiếc Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã trả lời không chấp nhận vì lý do ở Việt Nam đang cần Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghiêm.

    Câu chuyện của Anh Hùng đã giải đáp mọi thắc mắc của tôi. Thì ra, những việc tôi làm trên Cao Nguyên Việt Nam đã có tiếng vang sang đến Vạn Tượng (Vientiane), Thủ Đô Nước Lào!!!