Nga, Tàu: Đối Thủ Của Mỹ

Nga, Tàu: Đối Thủ Của Mỹ
Vi Anh


Ngày Thứ Sáu 19/1/2018, tại thủ đô Washington DC, Ô. Jim Mattis vị tướng 4 sao hồi hưu, đang làm Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ thời TT Trump đọc một bài diễn văn, có những lời rất quan trọng về chiến lược, chiến thuật quân sự, quốc phòng của Mỹ. Ông Mattis tuyên bố "Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố như đang làm ngày hôm nay, nhưng sự cạnh tranh của các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga, giờ sẽ là trọng tâm của an ninh quốc gia, chứ không phải chủ nghĩa khủng bố."

Tức là, hai mục tiêu lớn, đối thủ chánh Mỹ tập trung đối phó là Nga hậu CS và TC hiện CS. Ông nói rõ “Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược vì họ dùng hình thức kinh tế hủy diệt để hăm dọa các nước láng giềng trong khi tiếp tục quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông.” Và “Nga đã xâm phạm biên giới của những quốc gia láng giềng và theo đuổi quyền phủ quyết các quyết định về kinh tế, ngoại giao và an ninh của các nước này.”

Các nhà  phân tích cho đây  là sự thay đổi các ưu tiên trong chiến lược quốc phòng của Mỹ sau hơn 15 năm chánh yếu tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng nếu đối chiếu  trong thời gian gần đây, với bài diễn văn của TT Trump trình bày về «Chiến lược an ninh quốc gia» hôm 18/12/2017, thì bài diễn văn về chiến lược của Tướng Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ là quan niệm, kế hoạch hành quân mà Tướng Mattis khai triển, thể hiện chiến lược của TT Trump. TT Trump trong  bài «Chiến lược an ninh quốc gia» đã đưa ra bốn cột trụ giữ vững cơ đồ bảo quốc, an dân và đối ngoại. Đó là bảo vệ lãnh thổ quốc gia, thịnh vượng kinh tế của nước Mỹ, hòa bình và tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Và hai đối thủ hay đối địch mà  TT Trump chỉ mặt gọi tên là «Trung Quốc và Nga đang thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích của nước Mỹ, họ đang cố phá hoại an ninh và phồn thịnh của nước Mỹ». TT Trump tố cáo hai đối thủ Nga, Tàu ấy đang muốn tạo ra một thế giới đi ngược lại những giá trị và lợi ích của nước Mỹ, làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới và gây chia rẽ các đồng minh và đối tác với Mỹ.

Còn Tướng Mattis Bộ Trưởng Quốc Phòng là người tham mưu thân cận, tin cậy của TT Trump  nhắc lại TC và Nga là “các cường quốc xét lại” đang tìm cách tạo ra một thế giới phù hợp với mô hình cai trị độc tài của họ. Tướng Mattis dùng lại danh từ TT Trump đã dùng trong bài diễn văn “Chiến Lược An Ninh Quốc gia.”

Bài diễn văn của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mattis mới công bố sau bài diễn văn của TT Trump, là tài liệu chiến lược dài 11 trang hôm 19/1, dĩ nhiên vì bí mật quân sự không cung cấp chi tiết về cách làm thế nào, chừng nào làm để thực thi chiến lược mới.

Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách phát triển chiến lược và lực lượng, là Ô. Elbridge Colby, nhận định được VOA trích dẫn, rằng “so với Trung Quốc, Nga tỏ ra táo bạo hơn trong việc sử dụng sức mạnh quân sự. Nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và can thiệp quân sự tại Syria để hậu thuẫn đồng minh, là Tổng Thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên Moscow bị hạn chế hơn về mặt tài nguyên kinh tế.

“Trong khi đó Trung Quốc được mô tả là quốc gia đang lên về kinh tế và quân sự. Nước này đã thực hiện một chương trình hiện đại hóa quân đội sẽ có ảnh hưởng sâu rộng mà ông Colby cho là “đi ngược lại các quyền lợi của Mỹ.”

Còn “Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói nỗ lực hiện đại hoá của quân đội của Trung Quốc và những tiến bộ công nghệ của Nga cùng với cuộc chiến kéo dài tại Afghanistan, đã khiến quân đội Mỹ đánh mất lợi thế cạnh tranh so với các nước đối thủ.

Trong bản tin về tuyên bố quân sự của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, VOA chú dẫn, “Hoa Kỳ chi nhiều hơn cho lĩnh vực quốc phòng hàng năm, hơn xa Trung Quốc và Nga. Mỹ chi 587,8 tỉ đôla hàng năm cho quân đội. Trung Quốc chi 161,7 tỉ, và Nga 44,6 tỉ.”

Ngoài ra cũng nhắc lại, Tướng Mattis Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ cũng có than phiền, lợi thế cạnh tranh của quân lực Mỹ “đã bị xói mòn trên nhiều hình thái chiến tranh - không-lục-hải, không gian và trên mạng - và đang tiếp tục xói mòn.” Sự xói mòn do quân phí bị định mức trong suốt 9 năm tài chánh không tăng chi. Ông nói “Xin cho tôi nói rõ, hầu như suốt 16 năm, không có quân địch nào làm hại khả năng chiến đấu của quân lực Mỹ cho bằng hậu quả của việc cắt giảm kinh phí và tài trợ quốc phòng cộng lại”.

Ngay sau đó trên tờ báo The Hill, TNS McCain, một cựu sĩ quan, Chủ tịch Uỷ Ban Quân vụ rất thâm niên ở Thượng Viện, vốn là một nhân vật không thân thiện với TT Trump nhưng rất trân quí Tướng Mattis, tuyên bố hoan nghênh chiến lược này đã đưa ra quyết định lớn đúng đắn khi tập trung vào cạnh tranh với các cường quốc, Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng sẽ là vô nghĩa nếu quốc hội không thông qua ngân sách cho kế hoạch này.

Theo dõi thời sự Mỹ, khác với một số tổng thổng tiền nhiệm xem sức mạnh quân sự và ngoại giao là những lá chủ bài để Hoa Kỳ vượt trội trên sân khấu quốc tế. TT Trump đặt sức mạnh kinh tế với quân lực hùng mạnh, chớ không phải ngoại giao với quân sự. Theo Ông Trump, Mỹ chinh phục hoà bình bằng sức mạnh, mà "vũ khí lợi hại nhất của Mỹ là sức mạnh kinh tế" ngang hàng với sức mạnh quân sự vô song của Mỹ. Chiến lược mới của chánh quyền Trump kết hợp kinh tế với an ninh. Ông không ngần ngại nói kinh nghiệm mình, trước khi được dân bầu lên làm tổng thống Ông là một doanh nhân.

Trong "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia", chánh quyền Trump chủ trương "khả năng cạnh tranh về kinh tế của Hoa Kỳ" là một thành tố trong "chiến lược an ninh quốc gia". Đối thủ  đầu tiên Ông đòi hỏi là TQ, thương mại phải được "bình đẳng, công bằng và dựa trên nguyên tắc có qua có lại". Dưới cái nhìn và kinh nghiệm của Ông, TQ là một "đối thủ chiến lược" của Hoa Kỳ và Washington phải  siết lại chính sách mậu dịch song phương, "chặt chẽ hơn" trong các dự án chuyển giao kỹ thuật với ông khổng lồ Á châu này./.(VA)