Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris (CLBVHVNP)

SINH HOẠT VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

***** Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris (CLBVHVNP)

Chủ nhật ngày 18-09-2016, Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris (CLBVHVN) đã tổ chức một buổi Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật với mục đích ra mắt Tuyển tập 1 “Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris”và chương trình Nhạc Thính Phòng mang chủ đề “Quê Hương” nhằm tưởng niệm những nhạc sĩ có những nhạc phẩm vang bóng một thời, những nhạc sĩ này đã từng sinh hoạt trong CLBVHVN Paris...
... tại thính phòng nằm ngay trung tâm khu Á Châu. Phòng Hermès (salle de conférence Hermès, là một hội trường khang trang dành cho những cuộc diễn thuyết), số 11 đường Vistule, Paris quận 13. Khách mời tham dự rất đông đảo có khoảng 200 người, là những khuôn mặt quen thuộc trong giới văn hóa và sinh hoạt cộng đồng ở Paris đồng thời với sự đóng góp hỗ trợ của các hội đoàn và nhân sĩ: Hội Ái Hữu Đại Học Sư Phạm, Hội Ái Hữu Gia Long, Gia đình KH Cao Niên, Nhóm FAVIC.

Chương trình bắt đầu vào lúc 14 giờ với lễ chào quốc kỳ và một phút mặc niệm do KS Lê Minh Triết điều hành. Trưởng và phó ban tổ chức là nhà thơ Đỗ Bình và nhà văn hóa, dịch giả Phượng Anh Nguyễn Quý Toàn nói vài lời cảm tạ quan khách và các hội đoàn bằng hữu. Mở đầu phần văn học là tác giả và tác phẩm. Đây là những phát biểu của một số tác giả về thông điệp suy tư về văn hóa Việt Nam hải ngoại: KS Kim Thu trình bày vài nét về BS Nguyễn Bá Hậu, nhà thơ Phương Du. Ông sinh năm 1923 tại làng Phương Canh, tỉnh Hà Đông, tốt nghiệp y khoa bác sĩ năm 1951, là một trong những hội viên của Ba Lê Thi Xã, ông đã cho xuất bản nhiều thi tập, CD thi nhạc và nhạc Thánh Ca. Hôm nay ông có đôi lời nhắn gửi cùng các bạn trẻ: “Chúng ta những người Việt ở hải ngoại, dù mang thân phận tha hương nhưng vẫn thiết tha đến nền văn hóa dân tộc. Với dòng thời gian nhiều người nay đã ra đi, ít người còn sống thì trở nên già yếu. Trong khi đó, ở quê nhà, chính quyền Cộng sản vẫn còn cấm đoán, chưa thực lòng tìm hiểu, phục hồi những tinh hoa của nền văn hóa xưa do ông cha để lại. Do đó những bạn trẻ ở hải ngoại nên cố gắng thi hành những điều sau đây: 1 / Bảo tồn và vun bồi nền văn hóa nước nhà. 2 / Mở mang dân trí, nâng cao óc suy luận của đồng bào bằng đủ mọi cách như phê bình, chỉ trích, tố cáo những hành vi thất đức để tránh bị lường gạt bởi sự tuyên truyền xảo trá của Việt Cộng. Nếu ta không lên tiếng, mọi người tưởng rằng ta đồng ý, phương ngôn Tây Phương đã nói: “Im lặng là đồng ý”. 3 / Đặc biệt những thanh niên sinh trưởng ở hải ngoại nên gắng trau dồi tiếng Việt để khi nào Việt Nam thật sự có tự do dân chủ sẽ về nước tham gia vào công việc kiến thiết xứ sở”.

Tiếp theo, KS Lê Minh Triết giới thiệu LS Trần Thanh Hiệp. LS Trần Thanh Hiệp sinh năm 1927 tại Hà Tĩnh, Trung phần. Cựu luật sư Tòa Thượng Thẩm Sài-Gòn và Tòa Thượng Thẩm Paris. Ông nguyên là Tổng thư ký Việt Nam Văn Bút (thời VNCH), Cựu chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và là sáng lập viên của Nhóm Sáng Tạo gồm có Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền. LS Trần Thanh Hiệp giải thích thêm về bài viết của mình đăng trong tuyển tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris: “Mẫu người luật sư lý tưởng dựa trên truyền thống của những luật sư người Việt đã hành nghề trên đất Việt từ thời Pháp thuộc cho đến hai nền Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam. Truyền thống mà tôi đã đút kết nhờ vào di sản tinh thần nghiệp vụ và kinh nghiệm hành nghề của chính mình. Tại sao tôi viết? Tôi viết là để tóm lược lại những câu chuyện tôi đã trình bày với thành tâm là muốn nước nhà khi họ muốn đi vào con đường dân chủ văn hóa văn minh, phải có một luật sư đoàn tượng trưng cho Quyền Bào Chữa. Quyền Bào Chữa là quyền bênh vực bảo vệ những người bị áp bức, là bảo vệ bất công, nghĩa là xây dựng công lý trong xã hội vì rằng một xã hội gọi là văn minh thì không thể nào không có công lý mà luật sư từ trên cương vị cá nhân cũng như trên cương vị tập thể là những người góp sức vào việc tạo dựng công lý cho xã hội…”.
GSTS Phan Thị Hải trình bày vài nét về GSTS Lê Mộng Nguyên: GSTS Lê Mộng Nguyên sinh năm 1930 tại Phú Xuân (Huế), GS-Tiến Sĩ Quốc Gia, Lauréat de l'Université Paris 1 Panthéon Sorbonne (1er prix de Thèse d’État) với ba bằng Cao học Droit public, Science politique & Droit privé (avocat à la Cour de Paris). GSTS Lê Mộng Nguyên được bầu làm Viện Sĩ (membre titulaire) Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại của Pháp năm 1997, và là tác giả của ca khúc vang bóng một thời Trăng Mờ Bên Suối. GSTS Lê Mộng Nguyên phát biểu: VĂN HÓA LÀ GÌ? Văn hóa của một nước có thể định nghĩa là tất cả những hình thức đuợc hấp thụ về cư xử của những người dân trong xã hội mà họ sinh trưởng; văn hóa biểu lộ (bề ngoài) bằng cách thức sống, thói thường và nghi thức, liên quan nghệ thuật và tư tưởng, và trau giồi (bề trong) bởi giáo dục và kinh nghiệm xử thế làm cho họ có một sức tri giác triết lý và tôn giáo của thế gian… Văn hóa là những cái gì còn lại lúc ta đã quên hết tất cả, như Edouard Herriot đã nói (la culture c’est ce qui reste quand on a tout oublié).Văn hóa là mọi mặt trí thức của một quốc gia văn minh…
Nước Việt Nam giữa hai thế chiến (về phương diện này) không được Âu Tây hóa một cách vô hại, nhưng với nhiều hạnh phúc : hạng thượng lưu trí thức (élite intellectuelle) đã lợi dụng cơ hội này để giải thoát dân ta ra khỏi vòng Pháp thuộc. Nho giáo, và Đạo giáo (taoisme) cũng như Phật giáo là nguồn gốc của những học thuyết ngoại đạo (doctrines areligieuses). Chữ quân tử (hiền minh) thật đúng là định nghĩa của ba học thuyết này. Học thuyết của Lão tử làm nổi bật những quan niệm Trống Không, như tác giả Kaltenmark (Ed. du Seuil, 1965) đã viết: «… rất hiệu quả bởi vì nó có thể - tương tự cái bễ (thổi lò) - sản xuất hơi bao giờ và mấy cũng được»… Ở nước ta, triết lý này được xem như một tôn giáo, nhưng vì trong thực hành, « đạo » này đã mau biến thành phép phù thủy, lên đồng.
Phật giáo ảnh hưởng sâu xa văn hóa nước Việt Nam từ ngàn xưa, chia ra ba nhánh ngay lúc Phật (đồng thời với Khổng và Lão tử, sinh vào khoảng 560 trước Thiên Chúa) vừa mất lúc 80 tuổi: Tiểu thừa Hinayana), Đại thừa (Mahayana) và Phật giáo áp dụng ở Tây Tạng và Mông Cổ (Véhicule tantrique – Vajrayana). Đại thừa được tu hành ở Trung quốc, Triều tiên, Nhật bản và Việt Nam. Tuy nhiên, Tiểu thừa vẫn còn ứng dụng ở những vùng biên giới Việt Miên. Một điểm chung giữa Tiểu và Đại thừa: Phật giáo là một vô thần đạo và bất khả tri luận (agnostique: chủ trương rằng trí người không thể biết được tuyệt pháp, huyền học – métaphysique – không thể làm thí nghiệm). Hạnh phúc vĩnh cửu chỉ do chính cá nhân thực hiện một mình (không có sự can thiệp của thần linh) nhờ trầm tư mặc tưởng mà người ta gọi là thiền (méditation) đã đạt được cái trạng thái không dục vọng và không hiềm kỵ (oán hận), có nghĩa là thanh lãng, yên tịnh, êm đềm.
« Là một dân tộc thấm nhuần văn hóa và văn minh Tàu tự ngàn xưa, người An Nam đã sống gần 20 thế kỷ trong vùng ảnh hưởng của Trung Hoa, lúc thì dưới sự lệ thuộc chính trị, lúc thì độc lập, nhưng bao giờ cũng bị ảnh hưởng tri thức và luân lý của Tàu » (trích Phạm Quỳnh trong Nouveaux essais franco- annamites, Huế 1938, tr. 2). Việt Nam đã hưởng thụ của Tàu một di sản đặc tính, sâu mạnh. Nho giáo (« chữ nho » - chữ của người Tàu – là chữ ta, tiếng Việt lại gọi là « tiếng nôm »), nhất là về mặt tinh thần, đạo đức. Văn chương Việt Nam « đã chịu đựng hơn nghìn năm sự ép uổng của hình thức và nghi thức trong giáo huấn cổ truyền, và bị hạn chế và kiểm soát bằng những cuộc thi cạnh tranh dùng toàn chữ Hán » (Nguyễn Văn Huyên, La civilisation annamite, Hanoi, 1944, tr. 273).
Trung trực với vua, hiếu thảo với cha mẹ, vợ trung thành với chồng, tận tình giữa bạn hữu…, đó là giảng dạy của Khổng tử, làm nền tảng cho giáo dục Việt Nam phong kiến, mà Phạm Quỳnh đã chỉ trích: « Không một cửa mở nào vào đời sống và thực tế, toàn là hình thức, tự hình giáo dục (verbalisme), hùng biện, văn chương » (Op. cit. ở trên). Cá nhân xem như không có, dường chỗ cho gia đình, thôn xóm mà họ nằm trong khuôn khổ.. Cựu quốc An Nam là một « thế giớỉ » hư ảo, chống khoa học. Nho giáo về mặt này có lẽ đã làm hại tương lai của một dân tộc bằng cách ngăn cản một cá nhân được ý thức về những quyền lợi căn bản quan trọng nhất của chính mình. Một nhà thuyết trình năm 1949 tại Sài Gòn, ông Đoàn Quan Tấn đã nói lớn: Trước đô hộ Pháp, văn minh Việt Nam là một văn minh của bổn phận » (L’évolution de la civilisation vietnamienne et le probblème franco - vietnamien, Saigon 1949).
Nước Việt Nam – nhìn dưới khía cạnh này – và trước khi bị Pháp chìếm đóng, là một « xã hội kín » (Société close) theo dụng ngữ của Bergson trong « Hai nguồn gốc của luân lý và tôn giáo » (Les deux sources de la morale et de la religion). Một xã hội riêng biệt, theo André Hauriou (Démocratie et forces religieuses, Paris 1958, tr. 147)… mà trong đó các thành viên tương thân tương trợ lẫn nhau, dửng dưng đối với kẻ ở ngoài, song lúc nào cũng sẵn sàng tự bảo vệ trước và chống tham vọng của nhóm khác, nhiều lúc không ngần ngại khởi sự khởi công. Cái xã hội kín này có một luân lý và một tôn giáo, mà chức vụ cốt yếu là gìn giữ liên hợp giữa các đoàn viên ».
Sự đụng chạm giữa hai nền văn hóa , giữa hai nền văn minh mà tất cả đều chia rẽ… làm rung chuyển những nền tảng của đế quốc An Nam. Bởi xâm lược Pháp không chỉ có mục đích truất phế các hoàng đế phản nghịch để thay thế bằng những kẻ tận tâm phục vụ thực dân, mà còn muốn và nhất là « thay thế văn hóa cổ truyền giữ kỹ từ xưa đến nay bằng một thứ bậc xã hội mới và một văn minh khác biệt, với nguồn gốc lấy tự khoa học Pháp để thay thế văn chương Tàu .» (Paul Mus, Problème de l’Indochine contemporaine, tr. 4).
Nước Việt Nam giữa hai thế chiến 1919-1939 sẽ sống trong một bầu không khí cách mạng chống thực dân, với ngọn đuốc sáng soi của những người đã hấp thụ những bài học của Pháp - tổ quốc nhân quyền và dân quyền, về ước vọng chính đáng của một dân tộc muốn hồi phục độc lập – và Tự do !
Ta có thể kết luận – như Philippe Devillers tác giả Sách Histoire du Viet-Nam de 1940 à 1952, Paris 1952) rằng chủ nghĩa quốc gia thật đúng « … là kết quả tốt đẹp nhất mà nước Pháp đã để lại cho Việt Nam, một kết quả mà nước Pháp có nhiều lý lẽ nhất để làm hãnh diện ». On peut considérer le nationalisme vietnamien « comme le plus beau fruit de la France au Vietnam, celui dont elle a le plus de raisons d’être fière ».
TS Võ Hùng Anh trình bày vài nét về GS Nguyễn Thùy: Sinh năm 1936 tại Huế. Nguyên là Hiệu Trưởng Tư Thục Chi Lăng ở Ngã Sáu Sài-Gòn, làm công chức (khế ước) tại Bộ Thông Tin VNCH. Nhớ Một Người Đi, Khung Trời Hướng Vọng là một trong số trên 20 tác phẩm đã xuất bản. GS Nguyễn Thùy phát biểu: “Năm 1965, giữa lúc khói lửa mịt mù trên khắp đất nước, tập Dialogue của Giáo Hội Phật giáo VN Thống nhất ra đời gồm nhiều người viết. Nhà thơ Bùi Giáng trong bài ‘Lettre à René Char’ (thi sĩ Pháp) có đoạn xin dịch sang Việt ngữ như sau : ‘Với chúng tôi, Hy Lạp cổ, Trung Hoa xưa,…có nghĩa nước VN miên viễn, nơi thiết yếu cho Đạo thể mở phơi, thị hiện qua giấc ngủ mộng mị, khinh thanh của địa cầu’. Tôi không được đọc bài trả lời của René Char, nhưng sau nầy, Bùi Giáng luôn nhắc đến câu ‘Đồng hồ VN đang điểm giờ lên đỉnh Calvaire’ (l’horloge du VN sonne le Calvaire). Có thể nhà thơ Pháp vừa muốn báo cho nhà thơ VN biết rằng ‘VN còn phải trải chịu bao đoạn trường ghê khiếp để phải ‘chết’ như Chúa Jésus đã bị đóng đinh trên đồi Golgotha’, hay như cô Kiều đã phải trầm mình nơi sông Tiền Đường, đồng thời vừa an ủi và đem lại niềm tin tưởng cho nhà thơ VN là ‘VN sẽ hồi sinh’ như Chúa Jésus đã sống lại để được sống đời đời nơi nước Đức Chúa Trời và cô Kiều chúng ta được cứu để từ nay mọi đoạn trường chấm dứt và vui sống cảnh ‘duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào’.
Đấy là hình ảnh đất nước và dân tộc VN chúng ta. Trải suốt hơn 70 năm cầm quyền, Cộng sản VN đã biến đất nước ta thành bãi rác thối tha và dân tộc, nhân dân ta phải từng ngày, từng ngày gánh chịu thảm họa chập chùng. Bao nhiêu bẩn dơ, xấu xa, tanh thối, bao nhiêu thói hư, tật xấu, bất hảo, bất lương, tàn ác, phi nhân ghê tởm từ bao đời văn minh nhân loại hầu như được bàn tay Cộng sản tập trung, trút đổ vào đây để giết chết dân tộc nầy. Dân tộc VN đang chết và còn phải chết do bao nhiêu điêu linh, thống khổ đưa Nó vào cái chết lăng trì để dần dà đi vào hủy diệt. Do vị trí chiến lược của Nó, bao thế lực cường toan đã đến với Nó, cướp đoạt Nó hay lôi kéo Nó theo chúng. Các thế lực nầy gặp nhau, đối mặt, chạm trán, tranh chấp, đối kháng, tìm mọi cách sát hại nhau để gìành lấy cái vị trí chiến lược nầy, gây cho Dân tộc Việt dập dồn đổ nát đang chờ ngày bị đồng hóa, bị làm nô dịch cho tà quyền phương Bắc, bị mất tên tuổi trên bản đồ thế giới. Nhưng chính các thế lực cường toan cũng tan nát, rã rời, phá sản chính tại nơi đây. Chủ nghĩa và chế độ Cộng sản sẽ tiêu vong ; chủ nghĩa và chế độ Tư bản sẽ phải xoay chiều thế nào đó từ ‘Tư bản đế quốc’ capitalisme impéraliste) sang ‘Tư bản hào hiệp’ (capitalisme généreux). Từ đó, cả thế giới, cả VN sống lại’, đổi mới cuộc sống mình. Không do phép lạ nào đâu, cũng không phải do người VN thông minh, hay giỏi gì mà do dòng lịch sử thương đau đã đến giờ chấm dứt và do Sử mệnh của Nó và của Nhân loại bắt Nó phải tuẩn nạn cho dòng đi lịch sử của nhân sinh, nói theo lời Phật ‘Đau khổ là giải thoát’. Rõ hơn, lời Chúa Jésus :‘ Đến ngày phán xét, nữ hoàng Nam phương sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó vì người đã từ nơi đầu cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của Salomon,, mà đây nầy có người tôn trọng hơn Salomon’ (Ma :12-42). Lời nói chứa nhiều ẩn dụ : ‘Nữ hoàng Nam Phương’ không là ‘người đẹp làm vua’ mà là ‘người đẹp nhan sắc tàn phai’ vì bao dập dồn đổ nát phải trải chịu. Do đó, nàng là kẻ đủ kinh nghiệm và thẩm quyền để phán xét dòng lịch sử nghiệt ngã đã tàn phá nhan sắc nàng. ‘Từ đầu cùng trái đất’ : từ mức cuối của địa cầu. Lịch sử cho thấy Văn minh nhân loại từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, đến nay không còn trụ nơi một miền nào cũng không dời đổi địa bàn nữa mà đã lan rộng khắp toàn cầu để bắt đầu chuyển điệu thay cung. ‘Dòng dõi đó’ chính là bao nhiêu thế hệ giả hình luôn ‘vấp phạm vì cớ ta’ luôn gây oan nghiệt cho nhau và cho nàng. ‘Người lớn hơn Salomon’ là cái trí tuệ của Ngôi Lời, của Đạo Thể, cái Biết Bát Nhã Ba La mật theo Phật giáo.
Mai nầy, người đẹp phương Nam sẽ trong ánh sáng của Ngôi Sao phán xét diễn trình lịch sử thương đau, nói rõ lý do ‘cuộc đời bể khổ’ (lời Phật), lý do ‘Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cầu’ (lời Lão Tử), lý do ‘Thiên hà ngôn tai’ (Khổng Tử), lý do ‘Vì sự gây nên phạm tội phải có’ (lời Jésus), lý do ‘Thất bại chỉ có với tồn sinh’ (Karl Jaspers), ‘Thế giới gảy đổ, phi lý, bi đát’ (triết Hiện sinh), lý do ‘Đoạn trường là sổ thế nào, Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia’ (Nguyễn Du), ‘Kẻ khác là địa ngục của tôi’ (J.P.Sartre), ‘Lịch sử là môn học về nỗi bất hạnh của người đời’ (R.Queneau) để nhìn ra hướng đi trong ngày tới, từ đó ‘Mở rộng chân trời hào quang tính thể’ (M.Heidegger), thấy rõ lẽ ‘Đồng quy nhi thù đồ’ (Khổng Tử), để ‘Đoạn trường sổ rút tên ra’ (Nguyễn Du), để ‘Đáo bỉ ngạn’, dắt dìu nhau về với cái Bản Lai Diện Mục của mình trong giờ phút Muôn vật đổi mới.
Và Em trẻ lại. Thời gian trôi qua, lịch sử có già nhưng người trẻ lại. Một chu kỳ biến dịch trôi qua, Em hân hoan chào mừng nhan sắc tàn phai giờ đây phục hồi nguyên thể để lại lên đường trên một hành trình không còn tê buốt cô đơn vì ‘Em không còn là Em của riêng Em tình lụy ‘ mà là nhân loại nói chung trên đường đổi mới:
« Dưới ánh sáng của vì Sao nhảy múa
Em thẹn thùng như thưở mới lên duyên
Mắt ướt màu xanh lên óng ả
Mạch thắm sông dài mở kỷ nguyên ».
Kế tiếp, chị Phan Thu Thủy, Hội Trưởng Ái Hữu Gia Long đã giới thiệu GS Phạm Thị Nhung, bà tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài-Gòn, ban Việt-Hán năm 1961, Giáo sư chuyên khoa các trường Nữ Trung Học Sài-Gòn: Gia Long (1961-75), Régina-Mundi (1969-75). Sau biến cố 75, cùng gia đình định cư tại Pháp. Bà đỗ bằng Âm Học và Ngữ Học (Diplôme de Phonétique et de Linguistique) tại Đại Học Sorbonne Paris III (1978). GS Phạm Thị Nhung phát biểu: “Người dân ở hải ngoại phải làm gì để giúp phương tiện truyền thông? Thời đại này là thời đại truyền thông tiến bộ một cách vượt bực. Trước hết chúng ta có thể nhìn thấy, nghe, thấy tất cả những gì đã xảy ra ở quê nhà đồng thời ngược lại ở nước nhà cũng có thể tiếp nhận những ý kiến của chúng ta một cách nhanh chóng. Mặc dầu ai cũng nói văn hóa nước nhà quá xuống dốc nhưng chúng ta vẫn tin tưởng ở bản chất con người Việt Nam là con người hướng Thiện... Vậy thì văn hóa cốt lũy của dân Việt chúng ta là tính Thiện. Chính nhờ tính Thiện ấy, người ta tin chắc rằng người dân trong nước Việt Nam sẽ nhìn ra sự thật như thế nào… Chúng ta phải biết nuôi dưỡng tính Thiện. Ngoài xã hội phải thực thi đời sống dân chủ tự do và khai phóng. Có dân chủ tự do con người mới phát huy được tài năng và có khai phóng thì mới mong vượt lên để tiến với mọi người...
Tiếp tục chương trình, nhà thơ Đỗ Bình trình bày vài nét về nhà văn Hồ Trường An, và nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến. Nhà văn Hồ Trường An sinh năm 1938 tại Vĩnh Long, là tác giả 76 tác phẩm, cựu sinh viên Dược Khoa sau đó học thêm ở Minh Đức về điện ảnh, cựu sĩ quan VNCH ngành Chiến Tranh Chính Trị, ban Báo chí, trước 1975 là ký giả kịch trường. Ông là em ruột của nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ. Nguyễn Thị Thụy Vũ đã được giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1970 với tác phẩm Khung Rêu. Hôm nay nhà văn Hồ Trường An không phát biểu vì sau cơn bệnh tai biến ông phát biểu rất khó khăn. Nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến sinh năm 1951 tại Bến Tre, du học năm 1969, Bác sĩ Nghiên cứu, hiện sống tại Pháp. Cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu và một số tạp chí khác. Đã xuất bản: Mùa Hè, Một Nơi Khác (Văn Nghệ 1987), Một Trang Đời (An Tiêm 1991), Mùa Xuân và Những Con Dã Tràng (An Tiêm 1993). Sách in chung trong tuyển tập Những Mảng Rời (2012) của Họa sĩ Lê Tài Điễn. Nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến phát biểu: Sống bên ngoài nước Việt, chi phối giới hạn tâm sức tất cả chúng ta là cuộc mưu sinh và vị thế công dân nơi quốc gia mình sống. Tôi không dám nói công dân hạng hai. Chỉ xin tạm gọi là công dân trên lý thuyết/trên giấy tờ. Sống đôi khi với ít nhiều thờ ơ hay thụ động với thời cuộc quốc tế, thậm chí với cả bản xứ. Sống nơi này là còn nghĩ đến việc trở về thăm gia đình bạn bè, nghĩ đến việc về quê hương sống nốt đời còn lại. Cho nên, tại nơi này, người ta tự giới hạn: không nói chuyện chính trị, ta chỉ thuần tuý nói về nghệ thuật, văn chương! Còn đồng bào trong nước, đa số sống vất vả dưới guồng máy cường quyền dùng bạo lực và tuyên truyền trấn áp mọi mặt. Bị đánh gãy tay, vỡ đầu vì biểu tình, phản kháng đảng, bị 8, 10 hay 16 năm tù chỉ vì không đồng ý với thứ chủ nghĩa quốc tế mơ hồ, muốn đề nghị một con đường cho tương lai đất nước, vài thí dụ nhỏ trong trăm ngàn chuyện
chỉ có trên đất nước Việt Nam, dưới chế độ độc tài.
Những cánh rừng rậm vây khổn cái nhìn chỉ thấy cây.
Trong hoàn cảnh ít nhiều nghiệt ngã ấy, có được bao nhiêu cách để vượt lên, thoát khỏi trùng vây? Tôi không thể lấy con số để suy xét mức độ thành công của hành động phản kháng như nói ở trên. Sáng tác văn thơ, âm nhạc. Biểu tình. Là những đường lối bày tỏ có văn hoá, dùng bất bạo động để đối kháng với bạo lực và vô minh, chưa nói đến những vận động của nhóm nhỏ hay cá nhân đơn lẻ với các tổ chức quốc tế hay nguyên thủy quốc gia khác đã gặt hái được những kết quả thực tiễn
Cái cây thờ ơ, bi quan sẽ không che lấp khu rừng già trẻ mấy ngàn năm thầm lặng lan rễ, vươn cành. Sáng tác những bài hát để xúc động tâm đắc khi nhìn thấy người dân oan trong nước hát giơ những tờ giấy nhỏ bé, đồng ca những lời Việt Dzũng, Trúc Hồ...Tác giả, dân oan không «làm chính trị». Mặc dù từ xa xưa Aristote đã nói con người là un animal politique! và như LS Trần Thanh Hiệp đã nói trong một bài thuyết trình, bất lực bi quan bởi vì rằng con người VN thiếu văn hoá ....chính trị.
Như vậy một trong các giải đáp để đi đến vận hội mở ra cho tương lai đồng bào và đất nước chúng ta là hành động với khả năng và lương tâm, đoàn kết, hỗ trợ nhau, cùng nuôi dưỡng vun bồi thêm phần văn hoá chính trị cần phải có… cho phần văn hoá ấy không còn ngầm chảy nữa mà trở thành rừng cây có thật. Hoặc như GS Phạm Thị Nhung vừa nói, bản tính thiện sẽ được đánh thức, dẫn đến tháo gỡ tốt đẹp cho đất nước.”
Tiếp theo nhà văn Nguyễn Thùy trình bày vài nét về GSTS Nguyễn Đăng Trúc. Ông sinh năm 1947 tại làng Hòa Lạc thuộc tỉnh Quảng Trị. Chủ nhiệm tập san Liên Lạc, Định Hướng và Định Hướng tùng thư. Đã cho xuất bản một số tác phẩm. Để gửi gấm về “Sứ điệp của văn hóa nơi cuộc sống tha hương”, ông phát biểu:
Rằng: hay thì thiệt là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào! (ĐTTT, 489-490).
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai! (ĐTTT, 1247-1248)
Nỗi xót xa đó của Kiều trong cuộc sống tha hương, hẳn nhiều người trong cộng đồng người Việt hải ngoại chúng ta đã từng cảm nhận. Nhưng, nếu đại thi phẩm của Nguyễn Du không phải chỉ là câu truyện tình cảm, mà còn là một sứ điệp văn hóa, thì hoàn cảnh xa quê của chúng ta hôm nay không chỉ là khổ đau, nhưng còn là cơ duyên để tiếp cận được một sứ điệp về ý nghĩa và thân phận con người.
Trong khổ đau của kẻ xa nhà, chúng ta khiêm tốn nhớ lại những bậc thánh hiền, những vị đã từng chuyển đạt những chân lý hướng dẫn nếp sống văn hóa của chúng ta. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng đời sống và chân lý mà các vị ấy chuyển đạt luôn gắn liền với hoàn cảnh lưu đày nơi thân phận làm người.
Thái tử Tất Đạt Đa đã từ biệt quê nhà và cung điện. Và nơi vùng đất xa lạ, sức mạnh Ánh Sáng bên kia bờ đã thốt nhiên đến với kẻ tha hương, tôn vinh người ấy thành Phật, dẫn đưa người giác ngộ đến gặp muôn người.
Lão Tử cảm hứng được Ánh Sáng kỳ bí vượt lên trên ánh sáng trí năng hiểu biết của “thiên hạ”, của bất cứ ai chỉ thấy việc trước mắt. Ngài mặc nhiên giới thiệu mình là người của vùng đất xa lạ, theo lối nói thi ca của các bậc thánh hiền còn gọi là “Cõi Bên Kia Bờ”, là “Tâm duy vi”, hoặc là “Thời Xa Xưa”. Đạo, hay nói cách khác là Con Đường hoàn thành nhân tính mà Ngài có phận vụ truyền đạt, không còn là tập tục nhất thời, lề luật giả tạo do trí óc và ý muốn chướng khí của con người bày ra, nhưng là Đạo Thường được soi dọi bởi Ánh Sáng của vùng đất “tha hương, xa lạ” nầy. Khổng Tử không tự sáng chế, không tôn vinh nhân nghĩa do con người tùy nghi định đoạt, không cổ súy “cái tâm duy nguy” mà mỗi người tự tìm kiếm theo sở thích. Nhưng, Ngài chỉ truyền lại sứ điệp về ý nghĩa nhân tính của “Đạo Tâm duy vi”, của “Đạo Thời Thánh Hiền Ngày Xưa”, Thời mà tai con người không nghe được, mắt con người không thấy được.
Hầu như đồng thời với các thánh hiền Đông phương nầy, thi hào Sophocle của Hy Lạp đã nói rõ hơn nữa về thân phận lưu đày của con người, qua thi phẩm “Œdipe-Vua”. Œdipe là nguyên tượng con người tự mãn chỉ biết ỷ lại vào tài trí của mình để tự định nghĩa nhân tính. Mang ánh sáng trí năng trong tay, người “hiểu biết” Œdipe là “Vua”, kẻ tự mình làm nên chính mình và làm chủ quê hương mình. Nhưng Œdipe đó ngu muội không biết ngay cả lý lịch thật của mình, không biết chính mình đã giết cha ruột và lấy cả mẹ ruột làm vợ. (Mẹ ở đây tiêu biểu cho nguồn suối yêu thương sinh thành của cha, Mẹ sinh thành ấy nay bị biến làm vợ, là hình ảnh của dục vọng muốn mình là chúa tể cho chính mình). Con đường tìm lại ý nghĩa nhân tính linh thiêng và chân thật, con đường giúp Œdipe nhận ra lý lịch của mình trong mối tương giao phụ-tử với người cha mà mình không thấy, con đường cứu độ đó chính là con đường tha hương, lưu đày ra khỏi vùng đất mà kẻ lầm lạc tưởng là quê thât của mình. Với ánh sáng kỳ diệu của đôi mắt mù lòa, ánh sáng “huệ nhãn” vượt lên trên ánh sáng của hiểu biết con người, Œdipe rời xa quê cũ, khiêm tốn lần mò từng bước trong cuộc sống tha hương, nhớ nhà, nhớ quê nơi cư ngụ của người cha ẩn mặt, để hoàn thành trong khổ đau nhân tính kỳ bí và linh thiêng.
Và Socrate, người thầy của văn hóa Tây phương, lại là kẻ lưu đày ngay trên quê hương Athènes. Vì truyền bá sứ điệp về ý nghĩa nhân tính thần thánh mà ông đã trực giác được nhờ nguồn Ánh Sáng đến từ Bờ Bên Kia, Socrate bị xã hội đương thời, nhất là giới tự xưng là tài trí khôn ngoan, kết tội là kẻ làm hư hỏng con người, bôi nhọ Thần Thánh mà họ sùng bái. Cuối cùng vì trung kiên với sứ mệnh truyền đạt chiều kích “linh ư vạn vật” của nhân tính mà người hiền Socrate bị tòa án của chính quê hương mình tuyên án phải chết.
Abraham trong Kinh Thánh, Abraham tổ phụ của những ai tin vào mối Giao-Ước thần thánh giữa Thiên Chúa siêu việt và con người, mối tương giao kỳ bí làm nên yếu tính linh thiêng của nhân tính, Abraham đó là người dứt bỏ quê nhà cũ để tiếp nhận ân phúc làm kẻ tha hương và lưu đày, làm kẻ vượt qua cuộc sống tự nhiên để đi vào mầu nhiệm của con người được nâng lên hàng thần thánh.
Và hiện thân của kẻ tha hương lưu đày nỗi bật là Con Người Giêsu, Người từng nói: “Chim có tổ, chồn có hang, riêng Tôi là kẻ không có chổ tựa đầu”. Người đó tha hương nơi quê mình, bị dân mình ruồng bỏ. Người đó bị treo lên khỏi đất và kêu lên “Tôi khát, Tôi nhớ Thiên Chúa Cha tôi”. Và trong Cơn Khát, Nỗi Nhớ đó, Ngài “hoàn thành công trình cứu độ nhân loại”, giúp con người vượt qua thân phận chỉ là “thể phách” hay chết, đi vào nguồn Sinh Lực của chiều kích “tinh anh”, siêu nhiên. Sinh Lực đó là Sinh Lực yêu thương làm cho con người trở thành thần thánh.
Trong khổ đau của hoàn cảnh tha hương hôm nay, chúng ta nhớ quê nhà, và hơn hết nhớ nguồn sinh lực làm nên hồn sống của Hồng Bàng Thị, dòng tộc của chúng ta, dòng tộc cao cả, to lớn (Hồng) và toàn vẹn, chung khắp (Bàng). Trong bản văn huyền thoại khai sinh dân tộc nầy, người Mẹ Âu Cơ được Thần dấu mặt Lạc Long Quân đưa ra khỏi vùng đất của một Đế-Lai chỉ biết say mê kim ngân, châu ngọc…, và cho làm kẻ tha hương ở Long Trang, quê hương thần thánh. Từ mối tương giao “Thần-Người” ấy phát sinh ra dòng tộc cao cả và chung khắp, dòng tộc con người “linh ư vạn vật” qua hình ảnh một trăm con phi thường : không ăn , không uống mà tự nhiên trường đại. Người Mẹ Âu Cơ và trăm con phi thường ấy múc lấy nguồn sống linh thiêng cao cả nơi nhân tính mình khi ngày đêm biết quay về nơi Tương Dạ, nơi Tâm Duy Vi “Thần gặp Người”, khi ngày đêm khao khát và thương nhớ Thần dấu mặt Lạc Long Quân cư ngụ Bên Kia Bờ.
Nỗi nhớ nhà, nhớ quê của cuộc sống tha hương chúng ta hôm nay mong sẽ cống hiến một cơ duyên giúp người đồng bào trong cũng như ngoài nước nhớ lại sứ điệp của nỗi nhớ căn nguyên nơi tâm sâu kín của mỗi người, nhớ lại giá trị thiêng liêng của yêu thương và tình nghĩa làm nên hồn dân tộc và hơi thở của văn hóa”.
Đến đây GSTS Nguyễn Đăng Trúc giới thiệu GSTS Trần Văn Cảnh, chủ biên cuốn “Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Paris”. GSTS Trần Văn Cảnh sinh năm 1943 tại Tân Chính thuộc tỉnh Thanh Hóa. Biên tập viên báo Chiến Hữu, Dân Chúa Âu Châu, và Giáo Xứ Việt Nam. Tác giả một số giáo trình bằng pháp văn về phương pháp học tập, làm việc, điều hành xí nghiệp, kinh tế, quản trị và phương pháp viết tiểu luận. Tác giả một số sách điện tử phổ biến trên mạng. GSTS Trần Văn Cảnh nói về nội dung cuốn sách: “ CLBVHVN Paris đã được thành lập vào năm 1994, thành viên CLB đa số thuộc giới trí thức văn nghệ sĩ trong đó có một số người thuộc Văn Bút Việt Nam hải Ngoại, hội thơ Ba Lê Thi Xã, VNS tự do Paris… Mỗi năm CLB sinh hoạt ít nhất 4 lần, về các chuyên đề: đạo lý, triết lý, văn chương, khoa học, hội họa, điêu khắc v.v. Được tái tín nhiệm đảm trách CLBVHVN Paris vào tháng 04-2014. Nhà thơ Đỗ Bình biết rằng mình đã lãnh một trách nhiệm nặng nề: “Làm sao giữ vững và phát triển CLBVHVN Paris? Trong buổi sinh hoạt VHNT “Hương Mùa Hạ 29-06-2014, một cuộc thảo luận phong phú và hào hứng đã diễn ra giúp cho các hội thảo viên ý thức được về ý nghĩa của từ “Văn hóa” và đi đến quyết định đưa ra một đường hướng với ba mục tiêu chính: Góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam và lưu tâm gìn giữ phát triển sự trong sáng của tiếng Việt. Giới thiệu và phổ biến những tác phẩm giá trị dựa trên tiêu chuẩn cách viết có lưu tâm gìn giữ và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt. Các tác phẩm được phổ biến gồm nhiều loại: sáng tác, phê bình văn học, biên khảo, dịch thuật v.v. Kế tiếp, trong buổi sinh hoạt VHNT “Paris, Chiều Tưởng Nhớ” 29-10-2014, các thành viên tham dự đã chấp thuận thiết kế một dự án nhằm áp dụng những mục tiêu và đường hướng văn hóa của mình vào việc thực hiện một tác phẩm lấy tên “Tuyển Tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris 1995-2015. Cấu trúc xoay quanh những khía cạnh sáng tác văn chương, luận khảo văn học, nghiên cứu văn hóa… Công việc tổ chức thực hiện được bàn thảo và quyết định ngày 05-11-2014 tại tư gia nhà thơ Đỗ Bình và ngày 14-03-2015 tại tư gia nhà thơ BS Phương Du Nguyễn Bá Hậu. Ba ban làm việc đã được đề nghị: Ban điều hành chung, Ban biên tập, Ban thực hiện. Trong chiều sinh hoạt VHNT ngày 02-04-2016, kết quả về nội dung cuốn sách đã được công bố với 37 bài gồm 16 bài giới thiệu những tác giả và tác phẩm, 21 bài giới thiệu một số sáng tác về thơ, văn và nghiên cứu về văn học, văn hóa. Cuối cùng có 26 tác giả được chọn, một số tác giả khác vì gửi bài trễ mà sách đã đem in nên sẽ dành lại cho tuyển tập 2 kế tiếp. 26 tác giả đó là Nhà văn Hồ Trường An, GSTS Hà Ngọc Bích, Nhà văn nhà thơ Đỗ Bình, Nhà thơ Hương Bình, GSTS Trần văn Cảnh, TS Phạm Trọng Chánh, BSGS Phạm Tu Chính, Thi sĩ BS Phương Du Nguyễn Bá Hậu, LS Trần Thanh Hiệp, Nhà báo Nguyễn Bảo Hưng, GS Trịnh Khải, GSTS Phạm Đình Liên, Nữ sĩ Quỳnh Liên, GSTS Lê Mộng Nguyên, Nhà văn Trần Tam Nguyên, GS Phạm Thị Nhung, Thi sĩ GS Hàm Thạch, Nhà biên khảo Nguyễn Thanh, GSTS Vũ Quốc Thúc, Nhà văn GS Nguyễn Thùy, Nhà văn Từ Thức, Nhà báo Lê Trân, GSTS Từ Trì, GSTS Nguyễn Đăng Trúc, Nhà phê bình Liễu Trương, GS Phan Thị Trọng Tuyến. Như vậy nhìn chung vào nội dung kết quả thâu lượm được của các tác phẩm vào ngày 02-04-2016, đã đi theo đúng đườngg hướng của nội dung tiên liệu ngày 29-06-2014 và ngày 26-10-2014. Nội dung chủ yếu cụ thể và đặc trưng mà người đọc chăm chú sẽ dễ dàng khám phá và nhận ra, đó là “chân dung chung của người làm văn hoá trong “Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, 1995-2015”. Nhiều đề tài và nhiều tiếp cận khác nhau, nhưng tất cả mọi tác giả đều đã đề cập, nhiều ít, xa gần, đến chủ đề “Tha Hương”, là nét chân dung đặc trưng chính yếu chung, với ba mầu rất đậm và rõ nét. Một cái tha hương hiện thực của tâm tình hoài nhớ, thương mến, mong chờ quê hương tươi sáng và của cảnh sống giữ thơm quê mẹ, bảo trì và phát triển văn hóa dân tộc, hội nhập quê người. Một cái tha hương vươn lên của tình thương, đi từ tình thương gia đình, đến tình thương Nước Việt, Người Việt, Tiếng Việt, tiến lên tình thương nhân loại. Và một cái tha hương thăng tiến về tâm linh, tìm về chân, thiện, mỹ, hướng lên tâm linh và thiêng liêng. Rõ rệt “Những khuôn mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, 1995-2015” đã hoà nhập với những tác phẩm văn, thơ, nghiên cứu về văn học và văn hóa Việt Nam khác trên thế giới, mà khai phá ra một nội dung mới trên diễn đàn văn học Việt Nam cho thời hậu chiến, 1975-2015. Khác với văn thơ thời tiền chiến 1930-1945 và văn thơ thời chiến 1945-1975, văn thơ thời hậu chiến 1975-2015 nở rộ ra ở hải ngoại, trong đó có Paris, với dòng văn thơ THA HƯƠNG và TÌNH THƯƠNG Nước Việt, Người Việt, Tiếng Việt”.

Phần thứ hai của chương trình văn học để tưởng niệm đến đa số những tác giả và tác phẩm đã từng sinh hoạt trong CLBVHVN Paris mà nay đã qua đời. Vì thời lượng có hạn nên ban tổ chức chỉ nêu danh một số người. GSTS âm nhạc Quỳnh Hạnh trình bày vài nét về Học giả TS Thái Văn Kiểm, bút hiệu Hương Giang, sinh năm 1922 tại phường Trung Hậu (Huế). Ở hải ngoại thường cộng tác với các báo Tự Do, Việt Nam Hải Ngoại, Làng Văn, Quê Mẹ v.v. Tác giả tập Au Pays du Nénuphar, giải nhất Cosmos (1977, Montréal). Được huy chương « Bắc Đẩu Bội Tinh » Légion d’Honneur Pháp Quốc năm 1982. Nhà Giáo Tuyết Dung trình bày vài nét về Nữ sĩ Vân Nương và đọc thơ của bà. Nữ sĩ Vân Nương (1919-2015) là phu nhân của Luật sư Lê Ngọc Chấn. Bà là hội viên của Thi đàn Quỳnh Dao, Hội Thơ phái nữ đầu tiên thành lập năm 1962 tại Sài-Gòn. Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng trình bày vài nét về nhà thơ Hương Bình, nhà thơ Hàm Thạch và đọc thơ. Nhà thơ Hương Bình Cao Văn Chiểu sinh quán tại Cố Đô Huế. Nguyên Hiệu Trưởng trường Phú Xuân (Huế). Dân biểu, Nghị sĩ thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Nhà thơ Hàm Thạch Nguyễn Xuân Nhẫn (1921-1996), Cử nhân Cao Học đại học Luật Khoa. Đầu thập niên 60, làm Chủ tịch Nghiệp Đoàn Xuất Nhập Cảng kiêm Phó Chủ tịch Phòng Thương Mãi Saigon. Nhà giáo Nguyễn Thanh trình bày vài nét về GS Võ Thu Tịnh (1920-2010), bút hiệu Thu Tâm, là một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, chuyên biên khảo về văn học Việt Nam cho các tạp chí Pháp ngữ, Việt ngữ tại Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Thụy Điễn, và đã xuất bản 20 tác phẩm Pháp Việt. Nhà giáo Thúy Hằng trình bày vài nét về Nữ sĩ Minh Châu và đọc thơ. Bà sinh năm 1922 tại Huế, tốt nghiệp Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật và Sư Phạm Hội Họa. Bà là Giáo sư các trường trung học kỹ thuật Huế, Sài-Gòn, Régina Mundi. Là tác giả những bức tranh lụa nổi tiếng của Việt Nam trước năm 1975 và là tác giả nhiều tập thơ trong đó có tác phẩm Thi Họa Hương Lòng. Nhà thơ Từ Thạch trình bày vài nét về Nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế và đọc thơ. Bà sinh năm 1918 tại Thừa Thiên (Huế), những năm cuối đời đi tu lấy pháp danh Tâm Mãn, bà mất năm 2007, thọ 90 tuổi. Tác giả của những tập thơ: Giọt Nước Cành Sen, Thư Gửi Muôn Trùng, Mây Trắng Đường Về, Trắng Cả Hoàng Hôn. Ngọc Xuân trình bày vài nét về GSTS Phạm Đình Liên, sinh năm 1935 tại Huế. Nguyên Giáo sư tại đại học Minnesota (Hoa Kỳ) và đại học Grenoble (Pháp). GSTS-Nhạc sĩ Phạm Đình Liên đã ra đi vĩnh viễn vào tháng 8 năm 2016, để lại nhiều thương tiếc cho các bạn hữu, là thành viên của CLBVH VN Paris trong ngót 14 năm, các CD Việt Nam Mến Yêu 1 và 2, CD Tình Khúc Tha Hương (với sự cộng tác của ba nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, Phạm Đình Liên và Đỗ Bình), CD Tình Khúc Phạm Đình Liên, đều được tổ chức ra mắt trong các buổi sinh hoạt của CLB. Đặc biệt Nữ sĩ Quỳnh Liên tuổi đã ngoài 90 hiện diện hôm nay. Mây Thu trình bày vài nét về Nữ sĩ và đọc bài thơ “Cô Liêu” của bà. Nữ sĩ Quỳnh Liên tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Quỳnh Liên thuộc hoàng tộc, dòng dõi Tuy Lý Vương, bà là phu nhân của thi sĩ Hương Bình, tác giả của một số thi tập.
Phần văn nghệ: được bắt đầu bằng bản hợp ca Những Nẻo Đường Việt Nam của Thanh Bình do Gia đình KH Cao Niên trình bày. Chương trình nhạc thính phòng chủ đề “Quê Hương” hôm nay đặc biệt dành để tưởng niệm các nhạc sĩ đã từng sinh hoạt trong CLB và nay đã vĩnh viễn ra đi, nhóm FAVIC với nhạc phẩm Lối Về Xóm Nhỏ để tưởng nhớ cố Nhạc sĩ Trịnh Hưng, Đỗ Quyên với nhạc phẩm Tình Hoài Hương của Phạm Duy, Minh Nguyệt với Chiều Làng Em của Trúc Phương, Đình Thy với Hình Bóng Quê Nhà của Thanh Sơn. Ca sĩ Đình Đại với ca khúc Lửa Tù, thơ của Nguyễn Chí Thiện được phổ nhạc. GSTS âm nhạc Quỳnh Hạnh trình bày ca khúc Nhạt Nắng của Xuân Lôi, ca sĩ Tuyết Dung trình bày Tình Quê Hương của Việt Lang. Sau đó ca sĩ Ngọc Trâm và Phương Khanh tiếp nối chương trình với bài ca cổ, trích đoạn Hồn Thiêng Sông Núi và Triệu Trinh Nương. Điệu Lưu Thủy Hành Vân và Lý Con Sáo nghe thật mùi mẫn làm xao xuyến thổn thức bao trái tim của các thính giả. Tiếp theo với giọng phụ họa của các ca sĩ Hải Yến và Minh Nguyệt, ca sĩ Ngọc Xuân trình bày nhạc phẩm Thôn Trăng của nhạc sĩ Mạnh Bích và cũng để tưởng nhớ đến nhạc sĩ Việt Dzũng, nhạc sĩ Khắc Dũng đã trình bày nhạc phẩm Mời Em Về. Nhạc phẩm Suối Mơ của Văn Cao được ca sĩ Sơn Khôi trình bày và ca sĩ Mỹ Hằng với nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới của Nguyễn Văn Đông. Nghệ sĩ Thúy Hằng trình bày Tiếng Sáo Chiều Quê của ThĐiều khiển chương trình với quá nhiều tiết mục mà thời gian lại giới hạn dành cho mỗi tác giả chỉ có vài phút, không đủ để diễn đạt hết ý nghĩ nhưng MC gồm có anh Nguyễn Quang Huy, Bác sĩ Nguyễn Bá Linh và Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng đã thật khéo léo dàn xếp để cho những tác giả hiện diện đều có thể gửi gấm những thông điệp văn hóa của mình, tuy cô đọng nhưng sâu sắc, có giá trị lâu dài trong việc góp phần vào những suy tư về văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. Hội Ái Hữu Gia Long với áo dài tím đồng màu trang nhã trong nhiệm vụ tiếp tân. Các tác giả và khách mời dù tuổi hạc đã cao, ngoài 90, 80, vẫn hiện diện đông đủ. Hầu hết các bạn ở xa từ nhiều nơi trên đất Pháp đều đến tham dự: ở Marseille có GS Nguyễn Thùy; Montpellier có nhà thơ Mây Thu và nhà biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh; Strasbourg có GSTS Nguyễn Đăng Trúc và phu nhân; Troyes có nhà văn Hồ Trường An và Bernard; Rouen có Khắc Dũng, nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến và phu quân; Lyon có ca sĩ Sơn Khôi và phu nhân, Tuyết Vân, Khúc Duy Tường; Hoa Kỳ có nhà văn Phan Nhật Nam. Tất cả đều góp công sức để cho buổi sinh hoạt được thành công. Tất cả đều do tấm lòng yêu văn hóa Việt Nam. Chủ tịch CLBVHVN Paris, nhà thơ Đỗ Bình đã nói trong thư cảm ơn: “ Chữ tín, một trong những đức tính cao quý nhất trong nhân phẩm của con người. Chúng ta là những người xa quê hương, thương quê hương, yêu văn hóa dân tộc. Chúng ta tìm đến với nhau bằng những thứ tình thiêng liêng đó, và lời hứa đến với nhau đã xác tín nhân cách, do đó buổi sinh hoạt được thành công mỹ mãn”.
Kết thúc chương trình vào lúc 18 giờ 30 phút. Gia đình KH Cao Niên do BS Nguyễn Hữu Thành là hội trưởng mời tất cả các quan khách trong hội trường cùng đồng ca bài Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy.

Tường thuật: Nguyễn Mây Thu
(Montpellier, 30-09-2016)

____________________________________________________________