“Có nguy cơ lớn là Vatican bị lừa”

“Có nguy cơ lớn là Vatican bị lừa”

Trung-quốc |Hồng-công – 21.11.2016
tran-nhat-quan

Cựu giám mục ở Hồng-công Giu-se Trần Nhật Quân (84), xưa nay vốn là người mạnh mẽ chỉ trích chính quyền trung-quốc, tỏ ra lo ngại trước việc Bắc-kinh và Vatican vừa nối lại những cuộc thương thuyết.


 Hôm chủ nhật vừa qua, hồng y Quân cho hay qua cuộc phỏng vấn với Hãng Thông Tấn Công Giáo Đức, là ông „không bao giờ“ chỉ trích giáo tông Phan-sinh. Và ông „sẽ biến mất“, nếu Giáo Tông kí  thỏa ước với Bắc-kinh. Nhưng cho tới lúc đó, ông vẫn tiếp tục là một „tiếng kêu trong sa mạc“.

Hỏi: Hồng I có khỏe không?
HI. Quân: Khỏe. Khỏe lại rồi. Mùa hè qua tôi bệnh. Một con vi khuẩn chuồn vào phổi. Nay thì đã khỏe lại. Sáng nay tôi vừa dạy học xong, sau đó tham dự một đám tang rồi ăn trưa với một linh mục già. Sau đó các nữ tu từ Trung-quốc tới, họ muốn trao đổi với tôi, và bây giờ tới phiên Chị.

Hỏi: Tôi muốn hỏi Hồng I về những liên hệ giữa Vatican và Bắc-kinh. Sau nhiều chục năm coi nhau là kẻ thù, giờ đây từ vài tháng nay hai bên vừa lập một Ủy Ban để dò đường tiến lại gần nhau. Điều này bị Ngài chỉ trích kịch liệt. Tại sao?
HI. Quân: Trước hết chúng ta phải thống nhất với nhau về chế độ cộng sản đã. Đó là một chế độ độc tài toàn trị, nó muốn kiểm soát mọi thứ, kể cả Giáo Hội. Nhưng ta không thể chấp nhận điều này, Giáo Hội không thể để cho một chế độ, một chính quyền kiểm soát.

Hỏi: Vatican nói, những cuộc thương thuyết diễn ra trong tinh thần „thiện chí“.
HI. Quân: Người trung-quốc rất khôn. Họ có thể đùa giỡn với từ ngữ.Họ chẳng ngại ngùng gì cả, và họ cũng chẳng thành tâm. Có nguy cơ rất lớn, là Vatican sẽ bị lừa. .

Hỏi: Nhưng việc này, theo những kẻ tán đồng thương thuyết, sẽ cải thiện mối quan hệ, sẽ có lợi cho những người công giáo. Nhất là cho những người công giáo thuộc Giáo Hội hầm trú, vì họ không muốn liên hệ với Giáo Hội quốc doanh.
HI. Quân: Chính quyền trung-quốc cho dỡ thánh giá khỏi các mái nhà và ra nhiều luật lệ mới nhằm kiểm soát tín hữu và linh mục tại các giáo xứ. Như thế làm sao mà hi vọng được? Lúc này chẳng có hi vọng nào cả. Bao lâu chế độ không thay đổi, bấy lâu chưa có lí do gì để hi vọng.

Hỏi: Giáo Hội cũng cần phải sẵn sàng thỏa hiệp chứ?
HI. Quân: Giáo Hội không được từ chối đối thoại và có thể chấp nhận thỏa hiệp. Nhưng có giới hạn. Chúng ta không thể chấp nhận mọi thứ từ Bắc-kinh. Họ muốn mọi thứ, họ muốn mình đầu hàng.

Hỏi: Vatican không thấy điều đó sao?
HI. Quân: Giáo Tông thì ở xa. Và ngài không hiểu Cộng sản ở Trung-quốc. Nhưng ở Vatican có những người vốn ghi sẵn đề tài này lên lịch làm việc của họ, họ muốn có một thành tựu với bất cứ giá nào. Họ muốn tạo được một đột phá lịch sử.

Hỏi: Điểm chính trong các thương thuyết là quyền phong giám mục. Vatican đòi hỏi quyền này cho mình trên toàn thế giới, Bắc-kinh coi đó là một xen lấn vào nội bộ quốc gia và cho tới nay họ vẫn ra lệnh cho „Giáo Hội yêu nước“ phong giám mục. Nhiều giám mục sau đó cũng đã được Vatican chuẩn nhận. Như vậy từ lâu đã có những thỏa hiệp rồi?
HI. Quân: Có nhiều linh mục và giám mục tốt trong Giáo Hội trung-quốc.Nhưng họ phải vâng lời nhà nước, họ bị chính quyền xỏ mũi dắt đi. Một ngày nào đó tín hữu sẽ nhận ra, họ không phải là những mục tử, mà là cán bộ của nhà nước. Là họ không phục vụ Tin Mừng, mà phục vụ quyền lực chính trị.

Hỏi: Nếu hai bên không lại gần được với nhau, thì sao?
HI. Quân: Giáo Hội phải bảo vệ sự tự do. Nếu lúc này Giáo Hội không bảo vệ tự do và làm sao để chấm dứt việc bách hại tín hữu, thì mai đây thử hỏi còn có ai kính nể Giáo Hội nữa. Thỏa hiệp càng ngày càng làm yếu Giáo Hội. Giáo Hội cần phải khuyến khích tín hữu mạnh dạn trong việc phản kháng.

Hỏi: Nhiều người coi Ngài là kẻ phê phán Giáo Tông và cáo buộc Ngài khích động giáo dân và giáo sĩ ở Trung-quốc làm cách mạng. Có phải thế không?
HI. Quân: Tôi sẽ chẳng bao giờ chỉ trích Giáo Tông. Tôi chỉ trích Vatican, chứ không chỉ trích Giáo Tông. Nếu Giáo Tông kí thỏa ước với Bắc-kinh, tôi sẽ im tiếng. Tôi sẽ biến mất.

Hỏi: Nghĩa là sao?
HI. Quân: Tôi sẽ rút về đọc sách và sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trước công chúng nữa. Và tôi cũng đã nói điều đó với các anh em giáo sĩ của tôi: Hãy rút êm vào bóng tối đợi thời tốt hơn.

Hỏi: Nhưng cho tới lúc đó Ngài vẫn tiếp tục chỉ trích?
HI. Quân: Tôi là một người của công chúng. Nhiều người không thích tôi, song cũng lắm kẻ thích tôi. Tôi là một tiếng kêu trong sa mạc. Nhưng tôi vẫn tiếp tục nói lên quan điểm của tôi. Đó là nhiệm vụ của tôi và tôi ở trong một vị thế được tự do phát biểu. Ngoài ra tôi đã 84 tuổi. Ở tuổi này khó mà thay đổi bản ngã được nữa. Nghĩa là tôi đơn giản vẫn là chính tôi.

Người phỏng vấn Stefanie Ball (KNA)