Alexandre Soljenitsyne, chứng nhân của lương tri

Alexandre Soljenitsyne,
 
chứng nhân của lương tri
 Định Hướng số 53

Các nền văn minh và các thể chế chính trị rồi cũng qua đi với thời gian; nhưng nhân tính và lương tri vẫn luôn tồn tại. Alexandre Soljenitsyne không phải chỉ là một nhà văn hóa ý thức được chân lý vĩnh viễn đó, nhưng còn hơn thế nữa, ông đã vươn mình lên trên các nhà tư tưởng đương thời để đóng vai trò chứng nhân cho phẩm giá và tự do đích thực của con người.
 
Trong cuốn “Quần đảo Goulag”, Alexandre Soljenitsyne, một chứng nhân và cũng là tiếng nói của lương tri trong thế kỷ 20, diễn tả phần vụ chứng nhân cho chân lý để hoàn thành nhân tính qua câu nói ngắn gọn, nhưng dứt khoát : “Cứ câm nín trước tội ác, cứ để nó thấm nhập vào thân thể chúng ta, cứ như thế là chúng ta đang thực sự gieo rắc điều ác”.
 
Điều ác nguy hại không phải chỉ vì nó là ác, nhưng điều ác tác hại khi nó được che đậy và biện minh. Điều ác không phải chỉ đáng trách cứ lên quan đến kẻ gieo rắc sự ác, nhưng còn do kẻ bao che nó. Năm 1974, trước khi bị trục xuất khỏi quê hương để kéo lê 20 năm lưu đày trên đất khách, Soljenitsyne đã gởi ra một thông điệp tối hậu không những cho người Nga mà còn cho cả nhân loại: “Chìa khóa đơn giản và dễ tìm nhất cho việc giải phóng mà cho đến nay chúng ta cố ý lờ đi chính là đừng để cá nhân mình tham dự vào sự dối trá”.[1]
 
Chính vì là phát ngôn của tiếng nói lương tri, tiếng nói không thuộc về một nên văn minh nào, một thể chế chính trị nào, nên Soljenitsyne không chỉ dừng lại ở khung Trời Đông cộng sản kinh hoàng để có thể câm nín trước tai họa của Phương Tây vô hồn đang quên lãng chiều sâu tâm linh của nhân tính. Năm 1978, khi vừa đến tỵ nạn tại Hoa Kỳ, Soljenitsyne đã làm sửng sốt ngay cả những người ái mộ ông trong đại giảng đường Đại học Harvard bằng những lời cảnh báo nặng nề dành cho một xã hội duy vật, cá nhân chủ nghĩa, thiếu nền tảng và sức mạnh đạo đức. Theo ông, Phương Tây ấy đang lẫn lộn tài vật với Thiện hảo, tiền tài thay cho hòa hợp, hưởng thụ thay cho hạnh phúc.
 
Alexandre Soljenitsyne không phải chỉ là một đại văn hào của nước Nga, một cây bút sắc bén đã chặt đứt rễ cây nuôi sống một chế độ phi nhân, nhưng hơn thế nữa, ông còn là nhà tư tưởng tiên tri, phát ngôn cho Lời muôn thủa thắp sáng ý nghĩa sâu kín của nhân tính. Nhà sử học chuyên khoa về nước Nga và cũng là tổng hư ký của Hàn Lâm Viện Pháp quốc, nữ văn sĩ Hélène Carrère d'Encausse, đã nhận định về nhà tư tưởng ngoại hạng nầy khi hay tin ông tạ thế trong đêm tối chủ nhật 3 rạng sáng ngày thứ hai 4 tháng 8 năm nay rằng: “Điều đáng lưu ý là, cùng với cung cách rất Nga, Alexandre Soljenitsyne là hiện thân cho khía cạnh đạo đức con người đối diện với gông cùm của một chế độ độc tài. Công trình sáng tác to lớn của ông, nguồi cảm hứng thi ca của ông gần với văn hào Tolstoi, còn về chiều sâu tư tưởng ông đứng ngang hàng với Dostoievski. Đối với ông, chính con người mới là điều đáng được lưu ý, phẩm giá con người trên tất cả”.[2]
 
Qua kinh nghiệm sống của từng cá nhân và tập thể, cũng như người Nga, người Việt đồng cảm được sứ điệp về nhân phẩm và tự do mà Soljenitsyne suốt đời tranh đấu và rao giảng. Nhưng bao giờ chân lý và ước mơ đó trở thành hiện thực trên quê hương Việt Nam?
 
 
 

[1] A. Soljenitsyne, Les droits de l'écrivain, Paris, Seuil, 1974, p.44
[2] Cf. Le Figaro, ngày 4 tháng 8 năm 2008