Ngụy Kinh Sinh: Hậu quả của Chiến tranh thương mại giữa TQ & HK


Ngụy Kinh Sinh 魏京生:

Hậu quả của Chiến tranh thương mại
giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ leo thang


Nguyễn Quốc Khải dịch

Hiện tại trong giới truyền thông có tiếng reo mừng hay la hét khi chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ một lần nữa lại leo thang. Thủ đoạn cũ kỹ của Trung Quốc là phá giá đồng tiền để chống lại những trận chiến thương mại, nhưng thủ đoạn này đã bị rạn nứt vì người Mỹ tăng thuế nhập cảng.
Đây là tin mừng cho dân tộc Trung Quốc vì nhờ vậy lạm phát tột cùng có thể không xẩy ra. Mặc dầu tiền Trung Quốc đã mất giá khá nhiều, dưới áp lực của Hoa Kỳ, Chính phủ Trung Quốc có thể ngưng không tiếp tục in thêm tiền nữa, nhờ vậy người dân Trung Quốc bình thường có thể hít thở dễ dàng hơn một cách khuây khỏa.

Khi Trump cương quyết tăng thuế nhập cảng chống lại thủ đoạn của Tập Cận Bình, ông ta cũng đã ném ra một nhánh ôliu. Theo những bài tường thuật của báo chí, những cuộc thương lượng đàng sau hậu trường vẫn tiếp diễn. Ngoài ra Trump cũng đã chứng tỏ thiện chí bằng cách ngưng thi hành lệnh cấm mua bán (denial order) chống lại ZTE. Những dấu hiệu này của Trump cho thấy rằng mọi thứ có thể được thương lượng, nhưng đừng dùng thủ đoạn. Chính sách thủ đoạn ngay trong những lúc thương lượng không còn có hiệu quả nữa.

ZTE là một mô hình rõ ràng: nếu không có những biện pháp thực tiễn để bảo đảm việc thi hành những cam kết, Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận lối nói mà không thực hiện. Ở Trung Quốc hiện nay, khi cả xã hội thiếu đạo đức và việc thi hành luật tùy tiện, bất cứ một cam kết hay một thỏa thuận nào cũng đều không được bảo đảm.

Dĩ nhiên mục tiêu của Hoa Kỳ là giải quyết cán cân thương mại thiếu hụt lớn lao. Nhưng ngày nay phần đông những người Mỹ sau cùng đã nhận biết ra sự thật: Trung Quốc là một xã hội không có hệ thống luật pháp và không có đạo đức. Không có một lý do gì để giải quyết cán cân thương mại thiếu hụt chỉ bằng lời hứa, bởi vì ngay sau khi đưa ra một hứa hẹn hôm nay, ngày mai có thể làm lại, như là chuyện đã tứng xẩy ra trong nhiều năm qua. 

Khi Hoa Kỳ nghi ngờ lối hành xử này sau những thủ tục rườm rà, Chính phủ Trung Quốc có thể lại hứa hẹn và sẽ tiếp tục hoang phí thời giờ. Đây là một thủ đoạn mà Trung Quốc đã dùng trong nhiều thập niên. Đối với tiền bạc, không có đạo đức. Khi nào bạn còn kiếm ra tiền, bạn còn là một người thành công. Đặng Tiểu Bình đã từng nói rằng miễn là con mèo bắt được chuột, nó là một con mèo tốt, bất kể phương tiện nào đã sử dụng. Vì vậy, những cam kết của Chính phủ Trung Quốc không bao giờ đáng tin cậy.

Lần này, người Mỹ sau cùng đã hiểu rằng những biện pháp trừng phạt phải đi đôi với việc chấp nhận những cam kết của Chính phủ Trung Quốc, nếu không nó vô nghĩa. Do đó, chủ đích của cuộc chiến tranh thương mại này là cải tổ hệ thống tư pháp ở Trung Quốc để bảo đảm rằng nền kinh tế được pháp luật bảo vệ. Chỉ như thế mới có một nền kinh tế thị trường và có thể có thương mại công bằng. Thương mại không có bảo đảm pháp lý không phải là thương mại công bằng, mà chỉ là một sự cưỡng đoạt. Quả thật là quá lịch sự khi nói rằng họ theo chủ thuyết trọng thương (mercantilist), nhưng điều nay không đúng.

Tuy nhiên, Tập Cận Bình và những nhà tư bản quan lại của ông ta không sẵn lòng chấp nhận sự thật này. Họ không sẵn lòng tin rằng mục tiêu của Hoa Kỳ là thương mại công bằng. Bởi vì nếu như vậy, họ sẽ mất cơ hội làm giầu, họ không quen hoặc không muốn tin vào sự thật. Những nhà tư bản Hoa Kỳ cũng có trạng thái tâm lý như vậy. Họ quen sử dụng hệ thống pháp lý bất công ở Trung Quốc để lợi dụng nhân công rẻ và chất lượng cao từ Trung Quốc. Lợi ích chung là động cơ thúc đẩy những nhà tư bản Hoa Kỳ giúp Đảng CSTQ áp lực lên Hoa Kỳ.

Vì sự khiếm khuyết của hệ thống dân chủ Hoa Kỳ, khả năng của những nhà đại tư bản ở Mỹ không nên bị đánh giá thấp. Trong thời gian hiện nay, áp lực của nhóm đại tư bản đặt lên Quốc hội Hoa Kỳ ngày càng gia tăng và Quốc hội Hoa Kỳ đang soạn thảo một dự luật để bù trừ vào thuế nhập cảng của Trump. Đây là nguồn tin tưởng cho Tập Cận Bình. Mặc dù có những viên chức sáng suốt ở Trung Quốc và mặc dù phần đông những người Trung Quốc thấy rằng chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ không có hi vọng để thắng, chế độ Cộng Sản đại diện những nhà tư bản quan lại Trung Quốc không muốn chấp nhận sự thật và chiến tranh thương mại có thể tiếp diễn một thời gian.

Ông Ngụy Kinh Sinh

Khi nào những quan chức bướng bỉnh này sẽ chấp nhận thực tế? Đó là lúc kinh tế Trung Quốc không những bị trì trệ mà còn sụp đổ. Khi những nhà tư bản quan lại Trung Quốc không còn tiền để kiếm và ngay cả ở bên bờ phá sản, họ sẽ từ tử tỉnh ngộ.

Nhưng hiện nay, nhân dân Trung Quốc đã chịu những mất mát do chiến tranh thương mại: những nhà tư bản hạng thấp rớt xuống giai cấp trung lưu, giai cấp trung lưu rơi xuống giai cấp nghèo, và những người nghèo khó có thể sống còn. Nếu tình trạng kinh tế trì trệ tiếp tục, có bao nhiêu người có kiên nhẫn để đợi những nhà đại tư bản tỉnh dậy và Tập Cận Bình thay đổi đường lối?

Do đó, vì không có quyền lực ngay trong chính quyền Trung Quốc để thay đổi chính sách và hệ thống luật pháp hiện nay, cách duy nhất để thay đổi Trung Quốc là cách mạng bạo lực. Sẽ rất khó khăn để tránh xáo trộn lớn lao trong xã hội Trung Quốc. Một số người, đặc biệt là những viên chức ở nhiều cấp bậc khác nhau, tay có dính máu, sẽ không tránh khỏi cuộc đời chấm dứt mà không được chôn cất đàng hoàng. 

oo0oo

"The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing" Edmund Burke.

"When Journalists are silenced, people are silenced" Anonymous.

N.Q.K.

Tiểu sử tác giả do BVN bổ sung: Ngụy Kinh Sinh 魏京生 sinh 20-5-1950, nguyên quán ở Kim Trại, An Huy, là một nhà bất đồng chính kiến, từng viết bài “Hiên đại hóa lần thứ 5” trên bức tường đại tự báo ở Tây Đan, Bắc Kinh, năm 1978, thúc đẩy phong trào dân chủ. Bị khép tội âm mưu lật đổ nhà nước và kết án tử hình, sau 15 năm lưu đày lưu vong sang Hoa Kỳ. Từng được trao nhiều giải thưởng quốc tế lớn như giải thưởng Quỹ Glassman Hoa Kỳ chia sẻ với Nelson Maldela 1993, giải Olof Palme năm 1994, giải Nhân quyền Robert F. Kennedy năm 1996, giải Sakharov của Nghị viện Châu Âu năm 1996, giải National Endowment for Democracy năm 1997, năm 2008 được bầu là một trong 15 chiến sĩ hòa bình thế giới, năm 2009 được đề cử ứng viên giải Nobel hòa bình thế giới. Hiện tại là Chủ tịch Liên minh Dân chủ Trung Quốc ở nước ngoài.

Nguồn: Bauxite Việt Nam