Chính sách nông thôn VNCH


Thời Việt Nam Cộng Hòa

Chính sách nông thôn

Lạp Chúc nguyễn Huy

(Bài này là tư liệu của tác giả dùng để giảng dạy tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975)

Năm 1971, chúng tôi cùng với các gs Trần Đăng Đại và Sơn Hồng Đức thuộc Đại Học Văn Khoa Sài Gòn dẫn sinh viên đi du khảo di chỉ Óc Eo và vùng trù mật Ba Thê nằm trong xã Vọng Thê (quận Huệ Đức, tỉnh An Giang. Nay viết bài này để nhắc lại kỷ niệm với các sinh viên Văn Khoa xưa kia và cũng để cho nhân dân nhìn thấy thành quả hiện nay của chính sách phát triển nông thôn thời Đệ Nhất Cộng Hòa.


    Ngày quốc khánh Song Thất 1959, trong bài diễn văn gởi toàn dân, TT Diệm tuyên bố : « Năm nay, tôi đề ra công tác lập khu trù mật tại thôn quê, ở những nơi giao thông thuận lợi, hợp vệ sinh, có những tiện nghi tối thiểu, để tập hợp những người nông dân sống lẻ tẻ thiếu thốn…». Bắt đầu năm 1960, quốc sách khu trù mật được thực hiện một cách long trọng nhằm qui tụ dân địa phương thành những vùng cư trú mang sắc thái thành thị để trở thành quận lỵ hay tỉnh lỵ. Tính cách quan trọng của quốc sách được đánh dấu bởi chính TT Diệm cũng tham dự vào lựa chọn địa điểm khu trù mật. Nhân ngày khánh thành long trọng khu trù mật Vị Thanh- Hỏa Lựu (12-3-1960), TT Diệm tuyên bố nhấn mạnh đến lợi ích của quốc sách khu trù mật như sau: « Ý nghiã khu trù mật là xây dựng một xã hội mới để thực hiện công bằng, bác ái, đồng tiến xã hội với phương tiện của một nước kém mở mang, thiếu tiền, cán bộ…».

Lý do thiết lập khu trù mật

Rất nhiều tài liệu chính phủ điều nghiên nhân sinh, kinh tế, chính trị, an ninh đã thúc đẩy sự hình thành quốc sách khu trù mật với những mục tiêu sau :
1) Các nông dân sống lẻ loi, thấp kém ở sâu trong vùng hoang vắng cần được tập hợp lại để chính phủ có thể cải thiện đời sống tăm tối của họ,
2) Giải tỏa các khu cư trú ổ chuột, lụp sụp, thiếu vệ sinh bên bờ sông, kênh rạch để đưa họ đến sống trong khu trù mật với các tiện nghi bảo đảm cho đời sống,
3) Biến khu trù mật thành động cơ giúp các vùng nông thôn lân cận cải tiến dân sinh và phát triển kinh tế;
4) Tạo một đời sống mới trong mỗi khu trù mật về phương diện :
- xã hội với nhà hộ sanh, trường học, ký nhi viện…
- kinh tế bằng mở đường giao thông thương mại với quận, tỉnh lỵ, xây chợ, phát triển công nghệ, điện khí hóa,
- an ninh như tránh nạn cường hào ác bá.
    Theo đuổi những mục đích trên, các khu trù mật đều đươc thiết lập ở địa điểm thích nghi về phương diện an ninh, kinh tế, giao thông.

Giai đoạn thực hiện
Với kinh nghiệm rút tỉa từ những khu định cư dân tỵ nạn và dinh điền, chính phủ có sáng kiến kêu gọi người dân đích thân tham dự vào công tác xây dựng khu trù mật mà họ sẽ sống để tránh sai lầm của chính sách dinh điền. Sai lầm này là vì chính phủ trợ cấp tất cả chi phí định cư cho nên người dân lợi dụng kéo dài trợ cấp cá nhân, ù lì, ăn bám trợ cấp… Với chính sách khu trù mật, chính phủ chỉ cung cấp phương tiện vật chất như chuyên chở, chi phí dựng nhà, dự trữ lương thực trong một thời gian ngắn. Công việc của chính phủ là lo xây dựng hạ tầng cơ sở, dịch vụ cộng đồng và cho khu trù mật vay dài hạn để cất chợ, trường học, nhà hộ sanh, cơ xưởng công nghệ… Trợ cấp của chính phủ cho mỗi khu trù mật là 1 000 000 VN$ và việc thiết lập chia ra từng giai đoạn.

Giai đoạn 1. Chọn địa điểm.
Với sự cộng tác của chính quyền địa phương, một ủy ban chuyên viên đi tìm kiếm địa điểm phù hợp với điều kiện thành lập khu trù mật, rồi đề nghị lên chính phủ. Mục đích chính của chính sách là thành thị hóa khu trù mật nên sự lựa chọn địa điểm dựa trên các dữ kiện sau:
- điều kiện giao thông có thể nối khu trù mật với tỉnh lỵ gần bên,
- có khả năng phát triển thương mại, công nghiệp và nông nghiệp,
- được bảo vệ an ninh bởi quân đội.

Giai đoạn 2. Phác họa dự án.
Ban giám đốc xây cất chịu trách nhiệm vẽ đồ án khu trù mật dựa trên tài liệu phúc trình của ủy ban chuyên viên. Sau khi dự án được chấp thuận, chính phủ cho xây cất hạ từng cơ sở (đường xá, cầu cống…) và bổ nhiệm một ban quản trị.

Giai đoạn 3. Định cư và dựng nhà.
Công việc này được thực hiện dưới hình thức tương trợ và làm việc tập thể với nguyên tắc là tất cả dân đều tham dự vào xây dựng khu trù mật. Mọi người dân đều cùng chung góp sức vào việc dựng nhà, đắp nền, dọn đất vườn…và tham dự vào công việc chung xây dựng khu trù mật.

Hình thức cư trú

Khác với địa điểm dinh điền, hình ảnh cư trú khu trù mật có đặc điểm thành thị và nông thôn cổ truyền. Cư trú có hoạch định, tập trung, phân lô, đường lộ kẻ thẳng góc. Đồ án khu trù mật gồm ba khu hoạt động rõ rệt:
- khu hành chánh (văn phòng ban quản trị, chùa, thánh đường, trường học, nhà hộ sanh, trạm y tế),
- khu công thương (tiệm buôn, tiệm tạp hóa) quanh chợ, sát lộ , sông, kênh đào,
- khu cư trú và canh tác  cũng được chia thành lô vuông vắn làm nhà, trồng rau cây trái, chăn nuôi, đào ao nuôi cá, cấy ruộng sau nhà; trong khi đó, mỗi nông dân vẫn tiếp tục canh tác ruộng cũ;
- số dân cư đông khoảng 10 000 người (theo lý thuyết);
- quê quán là người dân địa phương lân cận hành nghề thương mại, công nghệ, nông nghiệp…

Thành quả
Tính từ ngày 7 tháng 7 năm 1959 đến ngày 30 tháng 6 năm 1963, chính phủ đã thành lập 26 khu trù mật và 10 ấp trù mật, định cư 9127 gia đình, khai thác 6 706 Ha đất. Dưới đây là bảng phân phối khu và ấp trù mật trong các tỉnh trên đồng bằng Cửu Long.

Tỉnh
Khu trù mật
Ấp trù mật
An Xuyên
Ba Xuyên
Chương Thiện
Kiên Giang
An Giang
Vĩnh Bình
Vĩnh Long
Kiến Hòa

Định Tường
Kiến Tường
Long An
Biên Hòa
Kiến Phong
Khai Quang, Khánh Bình
Hòa Tú, Cái Trầu
Vị Thanh, Hỏa Lựu, Phước Long, Ngọc Hà
Thanh Hòa
An Long, Hạc Phong, Thạch Lâu
An Trường, Long Vĩnh
Cái Sơn, Tân Lược
Thành Thới, Thới Thuận, Hàm Long, An Hiệp
Hậu Mỹ, Mỹ Phước Tây
Bình Thành Thôn, Thụy Đông
Đức Huệ
Hang Nai                                     


Mỹ Phú, Sơn Hà

Ngã Ba


Phú Mỹ


An Long, Phú Thạnh,Bè Ngàn, Gõ Mười Tài, Vườn Tãi, Vườn Tràm


Một số khu trù trở thành quận lỵ như khu Thanh Hòa (kiên Giang), khu Thụy Đông (nay là quận lỵ Tuyên Nhơn, Kiến Tường), thành tỉnh lỵ như khu Vị Thanh (Chương Thiện).
Tuy địa điểm các khu dinh điền được lựa chọn ở vị trí tiện giao thông, thương mại, canh tác để cải tiến dân sinh, nhưng vì nhu cầu chiến lược cấp bách nên đa số chiếm vị trí tiền đồn đối diện với vùng hoang vắng và xâm nhập cộng sản. Đơn cử vài thí dụ sau.
Khu trù mật núi Ba Thê, núi Trọi (An Giang) án ngữ hành lang xâm nhập cộng sản từ mật khu Thất Sơn về vựa lúa An Giang, Kiên Giang.
Khu trù mật Cái Sơn (Vĩnh Long) chặn đường xâm nhập cộng sản từ mật khu Vĩnh Bình vào Vĩnh Long.
Khu trù mật Vị Thanh-Hỏa Lựu kiểm soát thủy lộ chánh từ Cà Mau đi Cần Thơ và đối diện với cả khu rừng tràm, rừng sát của U Minh.
Khu trù mật Thụy Đông (Kiến Tường) tập hợp dân các ấp Nước Trong, Ngã Cây, Xóm Mới, Bến Kè nhằm kiểm soát giao thông thượng lưu sông Vàm Cỏ Tây, đầu kênh Lagrange và Trà Cú Thượng.
Khu trù mật Mỹ Phước Tây (xã Mỹ Phước Tây, quận Khiêm Ích, Định Tường) nằm giữa kênh Tổng Đốc Lộc và kênh Cái Chuối, bảo vệ lộ trình từ Đồng Tháp về quận lỵ Khiêm Ích, Cai Lạy và quốc lộ 4.
Vì vậy, sau 1963, có khu trù mật như khu trù mật Đức Huệ (Long An), nhất là các ấp trù mật bị chiếm đóng và phá hủy bởi cộng sản, thí dụ như ấp trù mật Phú Mỹ (định Tường), được thiết lập để cô lập hóa cộng sản vùng ven biên Đồng Tháp bằng cách qui tụ vào ấp các nông dân sống hẻo lánh dọc theo rạch Láng Cò, Láng Cát.  

A. Khu trù mật Vị Thanh
Chính TT Diệm tham dự lựa chọn địa điểm và có sáng kiến xây dựng khu trù mật Vị Thanh để biểu lộ quyết tâm thành thị hóa nông thôn của tổng thống. Ngày 12 tháng 3 Năm 1960, tổng thống đích thân đến khánh thành khu trù mật.

Tại sao chọn địa điểm Vị Thanh?
Xã Vị Thanh là giao điểm của một hệ thống giao thông quan trọng nối các tỉnh miền Hậu Giang. Vị Thanh nằm trên :
- tỉnh lộ 31 chạy ngang qua tỉnh Kiên Giang, Phong Dinh, Ba Xuyên.
- kênh lớn thương mại Xà No nối Cà Mau, Phong Dinh và Chợ Lớn. Nhờ có kênh Xà No, Cái Nhum, Ông Cai, người dân ở Vị Thanh có thể lui tới được các vùng bán đảo Cà Mau và đặc biệt với vùng sình lày U Minh.
Vì vị trí giao thông, thương mại và chiến lược ngăn chận xâm lăng cộng sản mà địa điểm Vị Thanh được chọn để sẽ trở thành một tỉnh lỵ kiểm soát kinh tế, chính trị trên bán đảo Cà Mau.

Thành lập
Sau khi quyết định chọn Vị Thanh, đầu năm 1960, chính phủ phái đến Vị Thanh mấy trăm công chức và thanh niên tự nguyện làm công việc lên đất nền nhà, đào mương rãnh dẫn nước, khai hoang cỏ dại, vét sình lày, chia lô đất… Đồng thời chính phủ trợ cấp 1 100 000VN$ để hoàn tất dự án sau:
-100 000VN$ : thiết kế đồ án khu trù mật;
-100 000 VN$: mua thuốc men và tổ chức công tác cộng đồng;
- 600 000 VN$: xây trường học, một bệnh xá, nhà hộ sanh;
-300 000 VN$: máy phát điện, đào giếng bằng khoan máy.
Ngoài ra chính phủ cho vay dài hạn số tiền 400 000VN$ để xây cơ sở hành chánh và chợ.

 Sau khi xây dựng xong hạ tầng cơ sở, chia lô… chính phủ khuyến khích các nông dân sống rải rác ở sâu trong vùng sình lày nước đọng miền rừng sát đến định cư tại khu trù mật.

Quyết tâm của TT Diệm

Ngày 12 tháng 3 năm 1960, TT Diệm đích thân đến khai mạc khu trù mật. Từ ngày đó, cộng sản gây áp lực bằng pháo kích, khiến một số dân bỏ đi. Để tỏ quyết tâm thực hiện quốc sách trù mật, ngày 24 tháng 12 năm 1961, tổng thống ký sắc lệnh số 244 NV thành lập tỉnh Chương Thiện, tỉnh lỵ là khu trù mật Vị Thanh. Tiếp theo, tổng thống chỉ thị bộ chỉ huy sư đoàn bộ binh đồn trú thường trực tại đó. Hai biện pháp trên khiến an ninh trở lại, dân chúng an tâm ở lại làm ăn và thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại một cách nhanh chóng. Theo thống kê của tỉnh , năm 1972 dân số đã tăng lên 24 391 so với 18 824 người năm 1961, hoạt động kỹ nghệ có 15 nhà máy xay lúa, 2 máy in, 4 máy sản xuất nước đá, 1 lò gạch…
Khó khăn chính yếu của khu trù mật là hệ thống thoát thủy (kênh, rạch, cống rãnh nghẹt vì bùn) nên gây ra bệnh sốt rét. Năm 1969, chính quyền xây cất bệnh viện Lê Hữu Sanh trang bị một phòng thí nghiệm nghiên cứu ngừa bệnh sốt rét và tiêu diệt muỗi anophèles.

Chợ tại khu trù mật Vị Thanh
(hình Sở Thông Tin năm 1960)

                                         (A)                          (B) 
                       Bản đồ xã Vị Thanh trước (A) và sau (B) khi thành lập khu trù mật



Trạm y tế tại khu trù mật Vị Thanh
(hình Sở Thông Tin năm 1960)

B. Vùng trù mật Ba Thê

Năm 1959, xã Vọng Thê (quận Huệ Đức, tỉnh An Giang) được chọn làm địa điểm vùng trù mật Ba Thê gồm 3 khu trù mật : khu trù mật An long bao dưới chân núi Ba Thê, khu trù mật Hạc Phong bao quanh núi Tượng và khu trù mật Thạch Lâu bọc núi Chóc.

Địa thế thiên nhiên và cơ cấu điền địa

Xã Vọng Thê nằm trong vùng trũng thấp, đất phèn, cấy lúa nổi. Mùa nước lớn, mực nước dâng cao đến 3m có thể làm thiệt hại vụ mùa lúa nổi. Mùa nắng khô ráo, nước giựt, cỏ vàng khô cháy, lác đác trâu tìm bóng mát bên gốc cây gáo sơ rơ, đất sét nứt nẻ và mao dẫn chất phèn lên mặt đất làm hại vụ mùa.
Bốn ngọn núi nhỏ : núi Ba thê, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc trấn giữ vùng trù mật Ba Thê. Núi Ba Thê gồm Ba Thê lớn cao 210m, dưới chân có chợ của An Long và Ba Thê nhỏ nơi đồn trú văn phòng quận Huệ Đức (1959).
Xã Ba Thê rộng 21 347 Ha gồm :
- đất truất hữu theo dụ số 57 : 2 292Ha,
- đất thuộc điền chủ pháp Noblet : 446Ha,
- công điền : 2 286 Ha
- công thổ : 14 093 Ha,
- thổ cư : 122 Ha.
- diện tích còn lại là rừng tràm.
Để cung cấp đất ruộng cho vùng trù mật, chính phủ trưng dụng:
- 270 Ha công thổ và đất tư nhân cải bộ thành công sản quốc gia,
- 250 Ha của 90 chủ điền miên và việt.

Kênh đào

Dưới triều nhà Nguyễn, năm 1818, quan Thoại Ngọc Hầu cho đào kênh Thoại Hà (từ núi Sập đến Rạch Giá) và kênh Mướp Văn. Thời Pháp cho đào kênh Ba Thê  chạy qua Ba Thê (12 cây số) và nối với kênh Thoại Hà và kênh Mướp Văn ở chợ An Long . Công trình dẫn nước rửa phèn, mở rộng thủy lộ đã thu hút nông dân và các điền chủ trồng cấy lúa nổi.
Chung quanh núi Ba Thê, một kênh đào tay để rút nước vào mùa mưa nhưng khô cạn vào mùa nắng khô.
Kênh núi Chóc nối với kênh Ba Thê tới Ba Dầu trước đào tay rồi được nha Thủy Nông soáy vét.
Kênh núi Tượng (6 cây số) đào năm 1959 gồm kênh vòng đai từ kênh Ba Thê bọc quanh núi Tượng rồi đâm trổ ra chợ Ba Thê.
Kênh núi Trọi do điền chủ đào xưa kia để thoát thủy và chuyên chở lúa.
Khi bắt đầu lập khu trù mật, chính phủ cho đào tay rồi xáng vét lại các kênh nhỏ trong lòng khu trù mật dài 1500m.

             (A)                                                (B)
Xã Vọng Thê trước (A) và sau (B) khi thành lập vùng trù mật

Lý do chọn Xã Vọng Thê

 Lý do kinh tế và quân sự đã đưa đến quyết định chọn địa điểm vùng trù mật Ba Thê.
Trong thời kỳ chiến tranh (1945-1954), các đại điền và nhiều đất ruộng bỏ hoang, không thoát thủy vì phù sa bít kênh rạch nên một lớp phèn dày phủ trên mặt đất. Chính phủ muốn tập trung dân để tái canh, khẩn hoang rừng tràm và biến nơi hẻo lánh này thành một thị tứ giống như khu trù mật Vị Thanh.
Mục đích quân sự là chiếm cứ các ngọn núi nhỏ làm pháo đài kiểm soát cả một vùng sình lày rộng lớn và nơi trú ẩn cộng sản trong khu rừng tràm.

Thành lập

Tháng 10 năm 1959, sau khi đã mở rộng đường giao thông thủy bộ, dự án vùng trù mật Ba Thê đươc thực hiện gồm ba khu trù mật : An Long, Hạc Phong và Thạch Lâu.

Khu trù mật An Long. Đây là khu trù mật lớn nhất trong vùng tập trung:
- 508 lô đất làm nhà (mỗi lô rộng 40/60m), bọc tựa vào chân núi Ba Thê,
- công sở, trường học, công trường, hồ nước, 10 giếng đào, ký nhi viện, vườn ương cây, máy phát điện…

Khu trù mật Hạc Phong có 192 lô nhà bọc quanh núi Tượng và 101 lô nằm dưới chân núi Trọi. Mỗi lô rộng 40/75m.

Khu trù mật Thạch Lâu, nằm trong ấp Vọng Đông, có 106 lô đất (mỗi lô rộng 25/60m) bọc quanh núi Chóc.

Năm 1969, vùng trù mật Ba Thê sát nhập với xã Vọng Thê và trở lại quyền kiểm soát quân đội quốc gia nên chúng tôi có thống kê năm 1973 của xã Vọng Thê như sau :
- dân số: ấp Vân Hiệp A chỗ chợ An Long có 553 nhà, 3665 dân; ấp Trung Sơn: 168 nhà, 976 dân; ấp Tân Tây: 458 nhà, 2622 dân.
-giáo dục : một trường trung học, ấp Tân Hiệp A (1 sơ cấp), ấp Tân Tây (1 tiểu học, 2 sơ cấp), ấp Trung Sơn (2 sơ cấp), Vọng Đông (4 sơ cấp), Hạc Phong (2 sơ cấp), Hai Trân (1 sơ cấp).
-y tế : 1 tiểu bệnh xá, 2 trạm hộ sanh, 2 trạm dự trữ thuốc tây.
-kinh tế. dân chuyên sống về nông nghiệp sạ lúa nổi vào mùa mưa, đào mương lên líp cao 2m làm vườn trồng rau cây trái, mùa khô vào rừng tràm khai thác gỗ, đi làm công, cày gặt, lòi lúa vì diện tích đất khả canh do chính phủ phát quá nhỏ.

Khó khăn

Khác với khu trù mật Vị Thanh, vùng trù mật Ba thê gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, khác biệt sắc dân, tôn giáo…
Diện tích khu gia cư và canh tác quá nhỏ (0,24Ha ở Ba Thê, 0,3Ha ở núi Tượng), đất thấp không phát triển được vườn rau, cây trái, mỗi năm chỉ làm một mùa lúa nổi, năng xuất thất thường, không có thủ công nghệ, mùa khô thất nghiệp thì vào rừng tràm lấy gỗ, đào đìa bắt cá lại bị cộng sản ngăn cản.
Về tín ngưỡng, thành phần dân số nhiều dị biệt chính trị và va chạm tôn giáo. Năm 1973, xã Vọng Thê có: 4 chùa việt dưới chân núi Ba Thê (2894 tín đồ), một chùa miên tên Kalbobrưk, một trụ sở phật giáo Hòa Hảo (7995 tín đồ), một thánh thất Cao Đài (584 tín hữu), một giáo đường (865 tín đồ), đạo ông bà (470 người).
Chính phủ không tôn trọng được nguyên tắc thành lập khu trù mật. Trước khi thành lập vùng trù mật, năm 1959, 5700 dân sống ở xã Vọng Thê. Chính phủ muốn tăng dân số lên 30 000 người để đáp ứng việc thành thị hóa. Vì đa số dân chúng địa phương sống nghèo nàn hẻo lánh không chịu về định cư tại khu trù mật, từ năm 1959 đến năm 1961, chính phủ phải bỏ nguyên tắc căn bản của quốc sách khu trù mật bằng cách đưa 8500 di dân quê quán miền Trung, 2900 dân di cư miền Bắc đến định cư ở khu trù mật và áp dụng trợ cấp như trong chính sách dinh điền (mỗi gia đình nhận một lô đất đã đắp nền sẵn, 5000 VN$ làm nhà, dự trữ gạo, muối mắm cho 6 tháng).
Vì mục đích tối hậu là thành thị hóa vùng trù mật nên đồ án hoạch định đường xá, kênh đào, nhà cửa theo đường thẳng. Vì vậy, đồ án đã lấn chiếm ruộng đất tư nhân của dân địa phương và gây nhiều bất mãn dù được bồi thường.
Năm 1959, quận lỵ Huệ Đức đặt dưới chân núi Ba thê nhưng phải rút lui từ năm 1963 đến 1969 vì vấn đề giao thông tiếp viện và địa bàn cô lập giữa vùng sình lày rừng tràm, dân thưa thớt. Một số dân chúng đã rời bỏ vì vấn đề an ninh.

Khu trù mật An Long dưới chân núi Ba Thê (Hình Nguyễn Huy, năm 1971)

Khu trù mật Thạch Lâu  kéo dài tới chân núi Chóc
(hình Nguyễn Huy,  năm 1971)

Quang cảnh vùng trù mật Ba Thê
(hình Sở Thông Tin, năm 1962)

C. Ấp trù mật

Thành lập ấp trù mật trong trường hợp dân số tập trung không đủ cho một khu trù mật. Trên thực tế, ấp trù mật nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của tình hình chiến sự và hoàn toàn không theo tiêu chuẩn quốc sách khu trù mật. Ấp trù mật nằm ở những vị trí chiến lược, tập trung dân rải rác sống ở những vùng hẻo lánh về sống trong một vòng đai của ấp dưới sự bảo vệ của quân đội quốc gia để cô lập hóa cộng sản tập trung trong vùng sình lày, lau sậy. Chúng tôi lấy ấp trù mật Phú Mỹ làm thí dụ.
Xã Phú Mỹ thuộc quận Bến Tranh, tỉnh Định Tường nằm giữa con đường huyết mạch của đồng bằng Cửu Long (quốc lộ 4) và cánh đồng lau sậy bát ngát, nơi đây là mật khu  cộng sản huấn luyện cán bộ, dự trữ binh khí lương thực trong thời kỳ 1945-1954. Sau hiệp định Genève 1954, sự lựa chọn xã Phú Mỹ làm nơi tập kết cán binh cộng sản lui về Bắc Việt đủ nói nên tầm quan trọng vị trí chiến lược của xã Phú Mỹ và lập ấp trù mật Phú Mỹ dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
Năm 1959, ấp trù mật Phú Mỹ được thực hiện trong ấp Phú Xuân (xã Phú Mỹ) ở hạ lưu rạch Láng Cát. Ấp tập trung 285 người sống rải rác dọc theo rạch Láng Cát, Láng Cò và ven cánh đồng lau sậy sình lầy.
Mỗi gia đình nhận một lô đất (10/20m), một số tiền 8000VN$ để làm nhà, một số thuốc men cần thiết và lương thực gạo mắm. Chính phủ cất văn phòng quản trị và một trường sơ cấp (3 lớp học). Dân chúng được quyền ban ngày trở về nhà cũ để bắt cá, gặt mùa, nhưng đến chiều tối phải trở về nghỉ trong ấp trù mật được phòng thủ bởi một vòng đai đất cắm chông, gài mìn và dây kẽm gai. Sau 1963, cộng sản phá ấp trù mật, giải tán dân.
Tiếp theo ấp trù mật là quốc sách ấp chiến lược nặng tính cách quân sự nên chỉ được đề cập sơ qua.

D. Ấp chiến lược

Trước nguy cơ xâm lăng của cộng sản miền Bắc và để đối phó với tình hình chiến sự, TT Diệm tuyên bố tổ quốc lâm nguy (1961) và ký sắc lệnh số 11 TTP ngày 3 tháng 3 năm 1962 phát động quốc sách ấp chiến lược. Bốn bộ (nội vụ, quốc phòng, giáo dục và cải tiến nông thôn) được phối hợp chặt chẽ nhăm xây dựng quốc sách ấp chiến lược dưới chỉ thị của tổng thống.

Mục đích

 Ấp chiến lược theo đuổi mục đích quân sự, kinh tế và cải tiến dân sinh nông thôn. Tuy nhiên, áp lực xâm lăng cộng sản ngày một tăng khiến mục đích chính của ấp chiến lược là quân sự nhằm tạo nên một trường thành ấp chiến lược võ trang chống lại cộng sản.

Mục đích quân sự
Áp dụng đường lối «tát nước bắt cá», chống bao vây thành thị, dành thế chủ động, bắt dân chọn chiến tuyến;
-dành thế chủ động bằng thúc đẩy đến chiến tranh có giới tuyến,
-phá thế nhân dân của cộng sản, và dồn họ vào thế thụ động tập trung bị bao vây bởi phòng tuyến ấp chiến lược rồi bị tiêu bởi quân đội chính qui, biệt kích quốc gia;
-ép dân chọn phòng tuyến chống cộng và tránh tiếp súc tuyên truyền giả dối.

Mục đích chính trị
Hướng dẫn dân làm quen với thể chế dân chủ bằng cách để dân tự bầu ban trị sự ấp, lập hương ước dựa vào tập tục, lệ làng mà dân muốn.

Mục đích xã hội
·         thực hiện bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật không phân biệt giai cấp xã hội,
·         tạo điều kiện thuận lợi cho ấp chiến lược cải thiện và thăng tiến xã hội,
·         trên bình diện xã hội, tôn trọng và ưu tiên tinh thần cộng đồng và định chế xã ấp xưa.
Mục đích kinh tế
Giúp cho ấp chiến lược tiến đến tự phòng, tự quản, tự túc tạo thành một sợi dây xích vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội quốc gia rảnh tay chống xâm lăng.
Sau khi các mục tiêu đươc ấn định, quân, dân, chính học tập chính trị, đường lối của ấp chiến lược để phổ biến và giải thích cho công chúng nhất là cho nông dân. Đồng thời chính phủ tổ chức các nhóm dân tình nguyện đi thực hiện các ấp chiến lược ở nông thôn và kêu gọi dân thành thị cũng như nông thôn hợp tác với chính sách.
Thực hiện
Chính sách ấp chiến lược được tiến hành nhanh chóng là vì cơ cấu của ấp:
·         dân của ấp là dân sống tại chỗ,
·         địa bàn của ấp có thể là một ấp cũ, nhiều ấp tụ lại, nguyên một xã cũ nếu có thể qui tụ lại trong một hàng rào phòng thủ.
Công việc thực hiện trải qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1. Tổ chức hệ thống phòng thủ chiến đấu từ 21 đến 45 ngày. Thực hiện các công tác sau:
- đắp một bờ lũy bằng đất, bên ngoài là đào hào cắm tre nhọn, giăng dây kẽm gai và hầm chông,
- mở một cổng ra vào dưới sự kiểm soát của dân tự vệ võ trang,
- đặt hệ thống báo động trang bị bằng còi tu huýt, thùng hộp sắt trống phát tiếng báo động,
- kiểm tra và thanh lọc dân theo tuổi, tín ngưỡng, khuynh hướng chính trị,
- đoàn ngũ hóa và tập quân sự dân từ 18 đến 45 tuổi để bảo vệ ấp,
- bầu ban trị sự ấp và lập hương ước trong vòng 45 ngày.
Giai đoạn 2. Võ trang tinh thần nhằm kiện toàn dân sự. Huấn luyện chủ nghĩa nhân vị tóm tắt trong ba khẩu hiệu sau:
- tam túc. Hướng dẫn dân ý thức tự túc quản trị hành chánh, tự túc tổ chức kỹ thuật, tự túc tư tưởng về đời sống;
-tam giác. Mỗi người dân tự cảnh giác về sức khỏe, đạo đức và óc sáng kiến;
- tam nhân. Phát triển con người toàn diện về bề sâu (thân tâm), bề rộng (nghĩa vụ và quyền lợi đối với cộng đồng) và bề cao (tâm linh hướng thượng).
Giai đoạn 3. Kiện toàn áp dụng chính  sách ấp chiến lược từ trung ương xuống đến địa phương.
Thành quả
Theo tài liệu của bộ nội vụ, đến tháng 10 năm 1963, chính phủ đã thực hiện được :
- 11 847 ấp chiến lược trong số đó 8679 ấp đã bầu ban quản trị và 8200 ấp đã lập hương ước,
-8 972 524 dân trong 8 371 ấp sẵn sàng chiến đấu chống xâm lăng.
 Tiếc rằng chính sách ấp chiến lược hoàn toàn bị hủy bỏ sau năm 1963.

Thiên nhiên và quốc sách


    Đồng bằng Cửu Long bao gồm các vùng đất phù sa cổ và phù sa mới do hệ thống sông Cửu Long-Đồng Nai bồi đắp. Chính quyền cũng như dân chúng thường chia đồng bằng làm hai miền: miền đông (từ tiền giang về các tỉnh miền đông), miền tây từ tiền giang đến vịnh thái lan). Đồng bằng gồm năm vùng đất lớn ảnh hưởng sâu đậm đến công trình cư dân khẩn hoang lập ấp dưới thời nhà Nguyễn và Đệ Nhất Cộng Hòa.
Vùng đất cao miền đông Cửu long thuộc các thềm phù sa cổ rộng và cao ráo nằm trong tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Tây Ninh.
Các vùng trũng đất phèn (Đồng Tháp, Cà Mau),
Vùng trũng đất hữu cơ (U Minh, Cà Mau).
Miền phù sa nước ngọt dọc hai bên sông Tiền, Hậu.
Vùng đất giồng duyên hải từ tỉnh Gò Công qua Kiến Hòa, Trà Vinh, Ba Xuyên và chấm dứt ở Bạc Liêu cách sông Gành Hào 3Km, chịu ảnh hưởng nước mặn. Giồng là giải duyên hải xưa cũ nằm gần song song với bờ biển.
Bảng tóm tắt địa điểm các trung tâm định cư trên các vùng đất trên cho ta một ý niệm về lý do chọn lựa các khu định cư của quốc sách thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

Số khu tỵ
nạn miền Bắc
Số khu
dinh Điền
Số khu
trù mật
Phù sa cổ miền Đông
Sài Gòn
Gia Định
Biên Hòa
Bình Dương
Tây Ninh
Phước Tuy

20
12
37
56
14
20



1
Vùng đất phèn
Kiến Tường
Kiến Phong
Châu Đốc
An Giang
Chương Thiện



15

11
8

2

3
4
Vùng đất hữu cơ
An Giang
Kiên Giang


7
4

2
1
Phù sa nước ngọt
Định Tường
Sa Đéc
Phong Dinh
Vĩnh Long

10

3
6


2

2
Phù sa nước lỡ, mặn
Long An
Kiến Hòa
Vĩnh Bình
Ba Xuyên
Bạc Liêu

9
11

1



1

1
4

2
2


Nhà và nông địa

Ngày xưa, với quan niệm « nông dã thiên hạ chi đại bản»  cho nên mỗi năm vào đầu mùa xuân, vua cày ba luống (tam thôi) ruộng « tịch điền » mở đầu mùa lúa cho dân. Và mỗi người dân đều ước mơ sở hữu một vuông vườn, một manh ruộng để có lúa đóng thuế cho vua, có tiền dư dã thờ cúng tổ tiên, có đất chia cho con cháu phụng dưỡng mình sau này. Ruộng lúa mang nặng sắc thái tinh thần cũng như vật chất như vậy nên ưu tư của thôn dân và chính quyền là mở mang nông địa ruộng lúa.
Nhà và nông địa (vườn và ruộng) tượng trưng cho thôn dân tự túc, tự cường, biểu hiệu cho phát triển khẩn hoang lập ấp và định ranh giới cho quốc gia.
Đối với nông dân, «ruộng là da, nhà là xương» nên sự lựa chọn cảnh trí cho nhà và nông địa rất quan trọng cho định cư trường tồn.
Tổng quát, khi đến định cư ở bất cứ vùng đất nào, nông dân cũng chọn thế đất cao dựng nhà, lên vườn, có nước ngọt tưới bón rau cải, cây trái. Khởi đầu, cư trú xã ấp đều uốn lượn theo những thế đất cao như các giồng ở miền duyên hải, các mảng phù sa cổ cao ráo ở miền Đông, từ bờ sông vàm rạch đổ vào sâu trong đất bưng và ngọn rạch (từ xóm vàm vào đến xóm ngọn)…
Nông địa bao gồm tất cả các vùng đất đai được sử dụng nhằm phục vụ đời sống vật chất của thôn dân. Nông địa gồm hai loại: nông địa nhân tạo (ruộng, vườn), nông địa thiên nhiên (rừng tràm, rừng sát, lung đìa…).
Nông địa nhân tạo gồm:
 -vườn cây trái, vườn rãy trồng rau, cải trên đất cao tự nhiên có sa cấu cát dễ cày bừa, thoát thủy hay vun mô, lên líp. Còn ở vùng phù sa thấp ngập nước, lên vườn trồng cây trái đòi hỏi nhiều công phu hơn; phải đào mương lấy đất lên líp, đánh vồng nhằm hạ thủy cấp, xa chân nước phèn hay mặn để tránh úng thủy và mao dẫn các khoáng chất độc hại. Cặp theo sông, rạch và kênh đào nước ngọt, thôn dân phải đào cái xẻo hay mương nhỏ dẫn nước sông rạch thông thương với mương vườn, mương cá qua hệ thống « bọng » điều hòa mực nước. Trái lại, xuống vùng nước lỡ, mặn, lên vườn phải vào sâu trong rạch, xa sông lớn để giảm ảnh hưởng của độ mặn.
- ruộng. Loại ruộng phân biệt theo địa thế và cao độ.Thí dụ ở miền Đông, ruộng gò, ruộng rãy nằm trên mảng phù sa cổ cao ráo, ruộng triền uốn theo triền mảng phù sa, ruộng sâu hay ruộng bưng trải trên đất phù sa nhiều sét, ngập nước chỉ cấy lúa vào mùa mưa vì vấn đề thoát thủy, rửa phèn, muối.  Từ nông địa căn bản đó, nông dân mở rộng nông địa phụ (trồng khoai, sắn, bắp…) lên vùng đất cao sa cấu cát nghèo nàn của mảng phù sa cổ hoặc tiến xuống vùng trũng khai mương rạch đắp bờ cho thoát thủy, hạ độ phèn, muối để nới rộng diện tích ruộng lúa. Bành trướng nông địa trồng lúa thường bị ngăn chặn bởi đất ngậm nước có nồng độ phèn pH dưới 3 và độ mặn trên 4g/lít nước.

Nông địa thiên nhiên là sông, rạch cung cấp cá tôm, rừng tràm (gỗ, củi, nung than, gác cây lấy mật, sáp ong, hái lá làm dầu tràm), «động» dừa nước cho lá lợp nhà.  



Phù sa cổ miền đông,

Vào thế kỷ XVII, triều đình đã lập trấn Gia Định, các cựu thần nhà Minh đã đến cư trú ở Mỹ Tho, gần tỉnh lỵ Long An. Khi các lưu dân đầu tiên đến miền đông thì một phần lớn đất đai ở đây còn hoang dã và rất ít người Miên sống thưa thớt và bỏ đi về miền dưới như Trịnh Hoài Đức  viết « người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng hết đất rồi tránh ở chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì». Cỏ um tùm dưới thấp ngập nước, rừng cây dã thú hùng cứ trên cao mảng phù sa cổ. Cho đến năm 1904, số dã thú bị giết là 38 con cọp, 19 con báo, 6 con voi .
Miền đông, dân Việt đến Biên Hòa-Gia Định,  hướng dần theo các triền của từng mảnh phù sa cổ đất xám hướng lên phía Thủ Dầu Một và Tây Ninh. Khi di dân đến đây, việc đầu tiên là định cư trên mảng phù sa cổ cao ráo dễ thoát nước, phá rừng lấy gỗ làm nhà, cành làm củi, lấy đất làm vườn, đào giếng lấy nước ngọt. Tiếp theo dựng nhà, lên vườn là khai thác nông địa trồng lúa trên các loại ruộng gò, triền, bưng theo truyền thống: Thượng gia, hạ điền.
Ruộng gò (ruộng rãy) trên phù sa cổ, sa cấu cát không giữ nước lâu lại chóng bốc hơi nên dễ mất mùa, đất xấu nhưng đa dụng. Mùa mưa, cấy lúa sớm, bắt mạ cho ruộng bưng, mùa khô làm rẫy trồng hoa màu phụ như đậu phọng, khoai, sắn, bầu bí, thuốc lá.  
Ruộng triền nằm suôi theo triền mảng phù sa cổ, có sa cấu sét pha cát, được bao quanh bởi bờ mẫu cao giữ nước, cấy lúa (mùa mưa) trồng hoa màu phụ (đậu phọng, khoai sắn, thuốc lá…) mùa nắng. Nhiều mảnh ruộng triền có thể canh tác suốt năm thí dụ như trồng đậu phọng có thể tỉa mỗi năm ba lần : hai mùa thuận và một mùa nghịch (bắt đầu mùa khô).
Ruộng bưng hay ruộng sâu dưới triền phù sa cổ, trên phù sa mới pha nhiều đất sét ngập nước, chứa nhiều chất hữu cơ, thường ẩm ướt chứa phèn hay muối do mao dẫn, thôn dân canh tác ruộng bưng (ruộng sâu) vào mùa mưa như lời dạy :

Ra đi cha mẹ dặn dò,
Ruộng sâu thì cấy, ruộng gò thì gieo.

Ngoài ra, thôn dân còn có thể khai thác rừng sau ấp, bắt cá dưới rạch sâu trong trảng.
Sau khi nhà đã dựng, lúa đã mọc, lưu dân mở rộng nông địa bằng :
-gia tăng đất trồng lúa. Nông dân xuống bưng, bàu, trảng phạt cỏ, xẻ mương, đắp bờ khẩn thêm ruộng trên dải phù sa mới dưới thấp trũng nước làm vụ lúa mùa mưa, hoặc phá rừng thưa trên đất podzolic xám nghèo nàn để làm rãy,
- khai thác nông địa thiên nhiên bằng nghề làm rừng kiếm củi, chặt gỗ làm than…
Từ thế kỷ XVIII, sau khi đã tận dụng nông địa trồng lúa, nông dân miền Đông di dân xuống miệt vườn, sông sâu nước chảy. Sự kiện đó cho thấy rằng:
-các trung tâm tỵ nạn quan trọng ở miền đông đều bám vào các thành thị;
- tại sao vắng bóng khu trù mật;
-chỉ có những khu dinh điền nhỏ thưa dân nằm trên những mảng đất xám nghèo nàn, thiếu đất ruộng canh tác, thôn dân phải trồng rãy, vào rừng xẻ gỗ bán hoặc làm than, kiếm củi…Thí dụ định cư tại dinh điền Văn Hữu để giải thích điều đó. 214 gia đình tỵ nạn gốc Thanh Hóa Nghệ Tĩnh đến định cư ở Bình Giã (Q. Đức Thanh, Phước Tuy), được chuyển đến dinh điền Văn Hữu (Q, Châu Thành, Bình Long). Năm 1960, chính phủ cho ủi rừng cây để giúp dân có nông địa sau:
-trồng bắp, khoai, lúa rãy đầu mùa mưa (du canh kiểu người Thượng) bằng đào lỗ cách nhau khoảng 30cm rồi bỏ năm, bảy hột vào mổi lỗ,
-mỗi gia đình trồng được 100 cây cao su tháp giống mã lai.
Còn nông địa thiên nhiên, thôn dân cưa cây lớn bán cho xe be còn cây nhỏ hầm than bán về Sài Gòn.

Vùng trũng đất phèn

Phân tích bảng phân phối các trung tâm định cư của quốc sách cư dân cho ta nhận xét sau: hầu hết các trung tâm quan trọng (về dân số và kinh tế) của định cư dân tỵ nạn miền Bắc, dinh điền, khu trù mật đều nằm trong vùng đất phèn. Lý do chính là đất có nồng độ phèn cao, thiếu phương tiện thủy nông rửa phèn giúp cây lúa mọc đã ngăn chận bành trướng nông địa theo phương tiện cổ truyền. Vì vậy, diện tích đất phèn hoang dã mênh mông vẫn nằm chờ đợi quốc sách của Đệ Nhất Cộng Hòa.
Trên đồng bằng Cửu Long, đất phèn bao phủ khoảng một triệu Ha trong các vùng trũng ngập nước nguyên là biển hay đầm cô lập xưa như Đồng Tháp. Dưới thời nhà Nguyễn, đất phèn là cản trở lớn cho mở rộng nông địa và di dân. Phải đợi đến khi người Pháp đào kênh qui mô rửa phèn, nông địa trồng lúa mới mở rộng được dọc theo các kênh dẫn nước ngọt từ sông Cửu đổ vào. Tuy nhiên, đất phèn vẫn còn hoang dã trên nhiều vùng rộng lớn và chờ đợi quốc sách dinh điền, khu trù mật và định cư dân tỵ nạn đến khẩn hoang khai thác. Chính vùng đất phèn hoang dã này đã đánh dấu thành công quốc sách dinh điền của Đệ Nhất Cộng Hòa vì đa số các khu tỵ nạn miền Bắc, khu dinh điền lớn và khu trù mật đều nằm trong vùng đất phèn có nồng độ pH dưới 3 ở Đồng Tháp, U Minh, Kiên Giang. Nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn những khó khăn thành lập địa điểm dinh điền và của người dân sống trong đó. Chúng tôi mô tả lại cư trú và nông địa của người dân sống tự túc trên đất phèn để cho thấy nếu không có sự trợ giúp qui mô về tài chánh, kỹ thuật của chính quyền thì quốc sách định cư khẩn hoang không thực hiện được.

Đặc điểm đất phèn
Loại đất quá phèn (nồng độ pH dưới 3) có sa cấu sét, bùn lày không thấm nước, bị úng thủy ngập nước mùa mưa, khô ráo nứt nẻ mùa nắng khiến chất pyrite bị oxyt hóa cho SO4H2   nên pH dưới 3. Nước phèn độc hại cho nước uống và cây lúa vì chứa sulfate d’alumine Al2(SO4)3 và sulfate sắt Fe2(SO4)3. Vì vậy, cư trú xưa kia không tiến sâu vào Đồng Tháp và bị giới hạn bởi nồng độ phèn cao làm hại cây lúa.

Cư trú
Giữa vùng đất phèn, nổi lên những gò sót cao sa cấu thịt pha cát sỏi, những đồi thấp (núi Ba Thê, núi Trọi, núi Tượng…) là những nơi cư trú hoặc len trâu vào mùa nước lớn trong vùng trũng đất phèn. Riêng Đồng Tháp có nhiều gò đất cao giữa đầm lày. Gò nhỏ thì thu hút cư trú thành thôn ấp (gò Ba Cảnh, gò Truông Óp, xã Tân Thạnh, Kiến Phong). Gò lớn nhất là gò Bắc Chiên làm tỉnh lỵ Mộc Hóa. Trên đất phèn ngập nước này, quốc sách khu trù mật đã chọn núi Ba Thê làm địa điểm trung tâm của vùng trù mật Ba Thê, cho đào kênh thoát nước và dẫn nước ngọt vào rửa phèn, nước uống trông cậy vào nước mưa trữ trong lu, hũ, khạp nên cư trú của di dân có thể thích ứng được với địa thế ngập đọng nước phèn. Quan Trịnh Hoài Đức thời nhà Nguyễn tả Ba Thê như sau: «Cao 3 trượng, nơi đây 3 ngọn núi trùng điệp, xanh tốt có nhiều cổ thụ rườm rà…dân cao miên ở theo triền núi và đường rừng, rạch, đã sinh nghiệp về sự săn bắn, lại theo việc bủa lưới thả câu ở trong ao đầm thâu hoạch được hai mối lợi…».

Đào mương hạ thủy cấp và phèn để lên
líp vườn, nền nhà trên đất phèn
(hình Nguyễn Huy, năm 1972)


Kênh Đồng Tiến dẫn nước ngọt vào giữa Đồng Tháp
đào dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa
(hình Nguyễn Huy,  năm 1972)

Nhà thôn dân trong vùng ngập nước
trồng lúa nổi (hình Nguyễn Huy, năm 1972)

Nông địa
Để nói nên những nỗi khó khăn và vất vả muôn chiều của di dân đến vùng này dù với hỗ trợ vật chất của quốc sách, chúng tôi nêu vài thí dụ cụ thể của nông dân bành trướng nông địa theo phương thức cổ truyền với nỗi lo sợ quanh năm: mùa mưa sợ nước dâng mau, mùa nắng sợ « phèn dậy » quá nhiều.
Ruộng lúa sạ được chia thành « cơi » hay « thiên » (thiên một, thiên hai…). Mỗi thiên dài 1000m. Từ bờ sông đổ vào sâu bên trong, thiên một tính từ ranh vườn vào sâu 1000m, tiếp đến là thiên hai…Ranh giới ruộng là những trụ đá, gốc cây bên đường, bờ rạch, tầm mắt quen thuộc… vì quanh năm đất ruộng lúa sạ là một tấm thảm liên tục mút tầm con mắt. Trên những mảnh đất phèn không cư trú, các người dân sống ở những vàm rạch gần đó chờ mưa vào tháng lụt lội dưới nước sông Cửu làm giảm phèn mới đến cấy lúa nổi được. Năm hạn hán hoặc tiểu hạn kéo dài, chất phèn ít loãng, mùa thất bát. Dễ mất mùa vì nạn chuột và «chim lá rụng» cả đàn sa xuống vụt lên là hết lúa.
Tuy nhiên, vùng đất phèn rộng lớn đó không có cùng một độ acid nghĩa là mỗi cuộc đất lớn có nhiều độ pH khác nhau nằm xen kẽ nên có chỗ trồng được lúa, chỗ bỏ hoang cho cỏ lát, cỏ ống  mọc như ở khu Tư dọc kênh Đồng Tiến ở Đồng Tháp. Năm 1970, xã Nhơn Ninh (quận Kiến Bình, Kiến Tường) rộng 7520 Ha, chỉ trồng lúa trên 980 Ha còn lại bỏ hoang vì độ phèn cao, sâu rầy, chim chuột đầy đồng cỏ.
Muốn chiếm canh một nông địa trồng lúa trên một « vạc » đất độ phèn thấp, nông dân phải tốn rất nhiều sức lao động. Thí dụ ở xã Thạnh Trung (quận Chợ Mới, An Giang), thôn dân đào mương rửa phèn, vớt lục bình bón vào đất trũng, trồng cây điên điển đầy rễ giữ phù sa làm cứng đất và giảm phèn. Sau vài năm đất thuần rồi mới được cấy lúa mà không sợ thất.
Theo kinh nghiệm, thôn dân khẩn những «vạc đất» mọc nhiều cỏ bông, lau sậy dấu hiệu đất đã cứng, cao ráo có thể cấy lúa được ngay. Từ đầu tháng giêng đến tháng ba, vào đốt đồng cỏ, chờ sa mưa dẫn trâu vào cày và dùng bừa chĩa bừa cho tróc gốc cỏ rồi sạ lúa. Thôn dân nghèo thì dùng dùi «tỉa lỗ» gieo lúa rồi lấy chà tre gai lấp các lỗ vừa gieo hạt để tránh chim, chuột phá hoại, trồng cây điên điển sau nhà để rễ hạ phèn, cành làm củi.
Trong thời gian cày bừa gặt hái, thôn dân cất căn chòi nhỏ (trại ruộng) tạm trú lúc làm việc đồng áng, hoặc cầm trâu lại nuôi, chăn một đàn vịt, bẫy chim cò cuốc, le le, dí chuột, đào đìa, dăng câu, thả ấu sen trong lung, láng… Sau mùa lúa chín, cảm thấy vững bụng sống được, thôn dân bắt đầu xẻ mương lên líp lập vườn, đắp nền dựng nhà cư trú thường xuyên chăm sóc ruộng đất, lung, đìa.

Nông địa thiên nhiên
Sống trong vùng trũng đồng chua nước mặn ở Đồng Tháp, Cà Mau, rừng tràm, đìa cá thường mang lại lợi tức quan trọng cho nông dân.
Từ xưa, ngoài việc trồng lúa nổi, dân địa phương sống cạnh vùng trù mật Ba thê còn sống về khai thác rừng tràm gần đó. Ở quận Kiến Bình (Kiến Tường), các khoảnh đất có độ phèn cao dành để trồng cây tràm (bán cây làm nhà, lá làm dầu tràm, gác sào nuôi ong lấy mật). Bóng cây tràm thu hút cá lóc, rô, trê…cho chài lưới, tát đìa.

Ngoài rừng tràm, nông địa thiên nhiên đìa cá là mối lợi lớn của nông dân. Đìa là những nơi trũng, kín đáo mà cá hay tới lui trú ẩn, tìm mồi. Đến mùa nước đổ (từ tháng bảy âm lịch), nước từ Kampuchia đổ xuống tràn đồng cuốn theo cá trôi dạt lên đồng ruộng sanh sống cho tới mùa «nước dựt» (15  tháng 8 âm lịch đến 15 tháng 11) là tháng cá xuống, lội ngược về xứ chùa Tháp. Một số cá tìm vào đìa sanh sống. Đến mùa khô, nông dân tát đìa bắt cá bằng gầu hoặc chụp đìa bằng lưới cho cá ngộp thở, nổi lên rồi túm lưới lại bắt cá.
Có hai loại đìa chính :
-đìa bưng là những vũng nước sâu tự nhiên được dân đắp bờ, xẻ họng đìa đón cá.
-đìa đào có đìa lung nằm cạnh lung, đìa đồng đào ở một góc ruộng bao quanh bởi bờ mẫu cao giữ nước cho cá. Lòng đìa được cắm chà tre gai, me keo, châm bầu, lá dừa nước và thả rong, lục bình, cỏ ngựa cho cá được mát. Đìa đào có kích thước trung bình 6m/12m sâu 2,5m và một họng đìa quay ra mương ruộng  hay phía trũng của đường cá vô đìa.
Dân ở xã Tân Lập (kiến Tường) ngoài nghề tát đìa, giăng câu, đặt mọp ở bệ cỏ, còn sống nghề cắt cỏ bàng mọc đầy đồng nước phèn. Cỏ bàng được neo thành bó đem về giã cho thẳng sợi rồi đương thành từng đôi đệm 2m/2m. Những lúc rảnh hơn, bơi xuồng đi vào giữa đám lúa trời, cầm hai thanh tre đập ngọn lúa vào be xuồng cho lúa rụng vào khoang, móc củ sen, bẫy chích, bắt rùa, dí chuột dùng đinh ba nhỏ đâm cá…

 Vùng đất hữu cơ

Tại U Minh Cà Mau, đất hữu cơ bao phủ khoảng 150 000 Ha, tạo nên «cảnh tối tối, sáng sáng», nổi tiếng với «muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh bềnh như bánh canh». Loại đất này có thể dày tới 4m, được cấu tạo bởi sự tích tụ cây cỏ của rừng sát xưa, thường nằm trên lớp đất phèn hay hải vật sò hến. Các khu đất có tỷ lệ hữu cơ cao (than bùn) đều bỏ hoang. Đất xốp chuồi, năm 1957, chính phủ cho hai xáng nhỏ đào sâu thêm hai kênh Ranh Hạt nhưng phải bỏ dở vì đào đằng trước thì đàng sau đất xốp chuồi lấp cạn ngay.  Vì lý do đó mà thiếu bóng khu dinh điền cũng như khu trù mật trên đất hữu cơ dù diện tích hoang dã rộng lớn.
Cư trú và nông địa.
Sau rừng tràm, là khu hậu rừng sát của cây choai, ràng dai tiếp theo là vùng cỏ sậy, cỏ năng, thủy cấp gần mặt đất, phải đào mương thóat thủy mới cư trú canh tác được. Nói chung, các thôn dân chọn vùng đất đã cứng cát có lớp mùn mỏng và cây ráng mọc; đầu mùa nắng cắt cây ráng để khô héo trong nửa tháng, nổi lửa nương gió mạnh để tiêu diệt cây ráng lấy đấy làm ruộng đầu mùa mưa. Lửa sẽ làm cháy lớp mùn xốp tỉch trữ nước mưa nhưng cho tro tốt cấy lúa.  

Lấy một thí dụ mở nông địa theo lối cổ truyền tại làng Đông Thái, Rạch Giá. Một nhóm người từ long Xuyên xuống men theo bờ biển vào rạch, băng qua rừng cây mấm, vùng cỏ thấp mọc trên đất phù sa mặn đắng, rồi dến khu rừng tràm trầm thủy nằm gần U Minh. Đến rừng tràm, thôn dân đốn cây dựng nhà và lấy đất trồng lúa, đào mương dẫn nước, lấy đất đắp nền nhà. Mùa mưa, nước đổ từ U Minh ra biển nên đủ nước ngọt để dùng, nhưng đến mùa hạn phải đắp đập chận nước mặn…

Rừng tràm là nguồn tài nguyên phong phú cung cấp sáp và mật ong, cây gỗ (cao từ 15 đến 20m) để làm nhà hoặc chở đi bán, cành làm củi, lá đem lọc làm dầu tràm (gomenol), nước ngọt mang màu đỏ, nhiều mùi vị nhưng uống được. Các địa điểm này đã mang lại cho dân một đời sống thoải mái như M. Gérard mô tả : « Tại Cà Mau, đời sống thoải mái, dễ dàng, rừng ngay bên cạnh, những cây dừa nước cao lớn mọc hai bên bờ sông rạch; đào ao nuôi cá thật quá dễ. Nhiều rừng thưa rộng lớn, đất lại dễ cầy cấy. Lúc rảnh đồng áng, vào rừng săn ong lấy mật, sáp hay chặt cây lấy củi làm than đem bán, hoặc đến mùa thì chèo mướn…».

Một thí dụ khác đi tìm nông địa như thôn dân làng Long Trị (Rạch Giá) lập xã ấp đầu tiên. Sơn Nam mô tả như sau « Một đoàn người từ vùng cao dùng 4, 5 chiếc ghe xuống đem theo dao, búa, cưa, nồi, chó, lúa… đến sông Cái Lớn là đất cao, không ngập nước nên rừng gừa mọc dày bịt cùng với cây bàng, mù u, vẹt, bần… Họ vào vàm rạch nhỏ, đi quá 6 hay 700m cây rừng thưa dần; vào sâu gần ngọn rạch là đến vùng sậy đế, đất thấp hơn ngoài ven sông cái… vùng trong ngọn thuận tiện định cư canh tác nhờ đất thấp nên mùa mưa đủ nước làm ruộng, và mùa nắng đắp đập giữ nước ngọt lại, sậy đế dễ dọn, cứ đốt trước rồi chặt gốc còn lại… vào rừng đốn củi kiếm mật, sáp ong đem đổi lấy đồ gia dụng».
Những thí dụ trên đủ nói nên khó khăn áp dụng quốc sách dinh điền tại đây. Dưới thời TT Diệm, các khu dinh điền như U Minh, Khánh Lâm thiết lập trên đồng cỏ bao quanh đất hữu cơ Cà Mau là nhờ chọn địa điểm cư trú trên các dải đất đã cứng cát, dễ khai phá, ít ảnh hưởng nước mặn, gần rừng để có thêm lợi tức, cạnh rạch để dễ thông thương và nhất là có thể lên vườn trồng cây ăn trái.


Vùng nước ngọt (miệt vườn)

Trong vùng nước ngọt «sông sâu, nước chảy» (Phong Dinh, Sa Đéc, Vĩnh Long, Định Tường), dân cư đông đúc, đất đai gần như tận khai nên không còn mảnh đất phù hợp cho dinh điền. Chỉ tiến gần đến nước mặn, đất cù lao hoang vắng ẩm thấp, nhiều bùn non, dừa nước, bần, lác mọc um tùm. Muốn khai phá, nông dân phải tốn rất nhiều công sức. Theo lệ thì trong tường hợp cù lao «mọc» cách bờ không quá 10 sải bơi thì thuộc quyền sở hữu của các nhà đối diện bên bờ rồi mới đến người khác; nếu quá 10 sải, mọi người đều có quyền đến cắm cây phân ranh.
Thí dụ năm 1920, làng Tân Thạch (Kiến Hòa) cho phép mỗi người dân khẩn 5 công (3 600 m2) theo chiều ngang «dây đất ngang» và tự do khẩn «dây đất suôi» vào xâu bên trong gần lung, láng, sẽ đóng thuế điền sau 12 năm. Công việc đầu là dọn dẹp cây cối, trồng thêm lác cho đất thuần, mau cứng cát và bán lác dệt chiếu. Tiếp theo, thôn dân đắp bờ bao ngạn dọc theo bờ cù lao để ngăn nước sông tràn vào. Lúc nước ròng, đẩy xuồng ra lòng sông phía bờ bồi, móc đất rồi chờ nước lớn kéo xuồng đầy đất vào bờ. Đất ướt đem phơi khô, dẻ lại mới đem đắp bao ngạn. Nhằm tránh đất lở, dùng một vỉ tre kẹp sát vào bờ bao mới đắp, đóng sâu những cây cừ sát vào vỉ tre. Bờ bao ngạn cứng cát rồi sẽ thành đường giao thông chạy bọc cù lao. Con đường sẽ được bảo vệ bởi hàng dừa nước, bần trồng ven sông. Sau cùng, thôn dân dọn «dây đất suôi» sâu vào bên trong để đắp nền nhà, lên líp vườn, xẻ mương thoát thủy làm ruộng lúa.  

Phù sa nước lỡ và mặn

Vùng phù sa nước lỡ gần duyên hải, chỉ lác đác có 20 trung tâm tỵ nạn miền Bắc (Long An, Kiến Hòa) một địa điểm dinh điền tại Ba xuyên và vài khu trù mật nhỏ như thôn ấp. Lý do chính là đường nước mặn xâm nhập nội địa, khắp nơi trên giồng đất cao có chứa nước ngọt đều đã được chiếm cư, và đất trồng lúa dưới thấp đã được chiếm canh. Muốn mở mang nông địa trồng lúa thì phải đắp đê, xây cống ngăn nước biển như người Pháp đã làm tại Gò Công.

Cư trú và nông địa
Thôn dân cư trú trên giồng, cặp theo kênh rạch nước ngọt hay phân tán trong vùng nước lỡ trồng dừa ở Kiến Hòa, Bến Tre (xứ dừa) hay trên ruộng cấn giai ở Long An.
Xuống đến Long An, sự định cư chi phối bởi đường xâm nhập của nước mặn, sa cấu có chứa nước ngọt. Vào mùa khô cuối tháng 3, độ mặn trên 4g/l tràn vào sâu là vì :
-sức nóng mặt trời làm đất khô ráo tạo thẩm thấu của chân nước mặn tiến sâu vào trong;
-lưu lượng hai sông Vàm Cỏ giảm, gió và thủy triều đẩy nước mặn vào tràn ngập các địa thế thấp như ruộng biền dọc theo sông rạch.
Ở phía đông đường liên tỉnh 14, vì vấn đề nước mặn,  nhà cửa lưu dân đầu tiên phân tán trên vùng ruộng cấn giai cao chứa nước ngọt, xa đường nước mặn, có thể đào hào, ao ngay cạnh nhà. Nhà nào cũng phải có hàng lu mái chứa nước mưa xếp hàng sau hè.
Ra đến gần duyên hải, cư trú tập trung trên các giồng (hình thoi, hình cánh cung, hình tàu lá dừa nước…).Trung bình giồng rộng khoảng 200m, cao từ 3 đến 4m, dài 1 đến 2Km. giồng ở sâu nhất trong nội địa  cách bờ biển 70 cây số, là giồng Nhị Quí và Cai Lậy (Định Tường). Giồng biển ở Bạc Liêu dài đến 20 cây số, tại Kiến Hòa, Ba Xuyên, nhiều giồng nhỏ dài từ 50m đến 100m gọi là «gò chạy» sa cấu cát nghèo nàn.
Sự chọn lựa giồng làm nơi dựng nhà lập ấp còn bị ảnh hưởng của khoa phong thủy vì giồng có chứa nước ngọt (thủy tụ), thế đất cao (dương), dài coi như long mạch còn gò là «cù dậy» «cù nổi» là đất phát dương rất tốt cho dựng nhà, xã ấp. Thí dụ trên đất giồng Gò Công, giồng Nâu và Vạn Thắng là mình rồng, đầu rồng ở xóm Kiểng, hai chân trước ở xóm Tre và xóm Đập, hai chân sau ở xóm Bưng và xóm Dinh.
Ở Bạc Liêu, người Tiều gọi giồng nhãn (giồng biển) là lếng (long) là long mạch đầu ở hướng bắc, đuôi hướng nam. Nhiều người tiều mang hài cốt cha ông bên Tàu đem về mai táng.

Nông địa
Nông địa chính là vườn và ruộng lúa. Trên các giồng, nhờ cao độ và sa cấu nhiều cát, dễ thoát nước, lên vườn trồng hoa màu phụ (rau cải, dưa, bắp, sắn…), đào ao chứa nước ngọt, trồng được cây trái đa niên (mãng cầu, nhãn trên giồng biển Bạc Liêu).  Tại xã Mỹ Hòa quận Cầu Ngan (Vĩnh Bình), thôn dân đào giếng cạn vì nếu đào sâu quá 15m sẽ gặp nước mặn. Trên đất «rộc» (đất thấp nhiều sét), thôn dân đào nhiều bào lớn dài tới 500m để trữ nước ngọt và trồng rẫy (dưa hấu) vào mùa khô.
Dọc theo sông rạch là loại ruộng biền thấp sình lày thường bị thủy triều tràn vào nên chỉ trồng được lúa vào mùa mưa.
Sau cùng, dọc theo duyên haỉ thôn dân chỉ sống nghề hạ bạc :

Chồng chài vợ lưới con câu
Chàng rể đi xúc, con dâu đi nò.

Thôn ấp tập trung ở vàm sông như xóm Đèn Đỏ, xã Vàm Láng (cửa sông Soài Rạp), ở mỗi vàm rạch lớn nhỏ dọc duyên hải Cà Mau là trại tôm, xóm lưới, xóm chài, trại nò, trại đáy.


Thời Xã Hội Chủ Nghĩa
Chính sách nông thôn
trên đồng quê « Bắc Bộ »
Lạp Chúc Nguyễn Huy

    Trước năm 1975, chúng tôi thường tổ chức du khảo (vừa đi du ngoạn vừa khảo cứu) cho các sinh viên Ban Sử Địa trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ngày nay tại hải ngoại, nhớ lại kỷ niệm xưa mà chúng tôi viết  du khảo nhằm hướng dẫn các em thanh thiếu niên muốn tìm hiểu văn hóa của quê hương mình hoặc có ý về lang thang trên quê cha đất tổ.
    Theo cha mẹ đi tỵ nạn lúc tuổi còn thơ hoặc sanh ra ở hải ngoại, đến tuổi trưởng thành, sao chả có lúc suy tư về nguồn gốc Việt của mình và muốn về thăm quê hương mến yêu một chuyến. Trên cuộc hành trình về cội nguồn của các em, các cuộc du khảo mong được  giúp chuyến hồi hương của các em có một nhận định bằng tai nghe mắt thấy về hiện tình văn hóa Việt để yêu mến dân tộc và quê hương nhiều hơn và nhất là để không rơi vào tình trạng của chàng thanh niên Nhật như trong câu chuyện dưới đây.
    Nước Nhật oai hùng của Thế Chiến II đã làm thức tỉnh nguồn gốc Nhật trong lòng người niên Nhật đã sống mấy đời rồi ở Hoa Kỳ. Do đó có một thanh niên Nhật lên máy bay mà lòng hân hoan kiêu hãnh về thăm họ hàng, quê hương mến yêu. Đặt chân xuống phi trường Tokyo, vì không nói được tiếng mẹ đẻ, nên hàng rào ngôn ngữ đã ngăn cách anh với đồng bào anh. Mọi người thờ ơ coi anh như một ngoại nhân không biết nói tiếng Nhật. Rồi anh cũng gặp được bà con thân quyến, nhưng mọi người đều không hiểu anh  vì anh chỉ biết nói tiếng Mỹ, suy nghĩ, hành động theo lối Mỹ. Lại một lần nữa anh xa lạ giữa bà con thân thuộc trên mảnh đất quê hương yêu quí đã bao năm anh mơ ước đặt chân lên. Buồn bã trở về Mỹ, lại thêm một lần bực mình nữa là trên máy bay một cô gái Mỹ duyên dáng ngồi cạnh nhưng lại rất vô duyên cứ coi anh như người Nhật 100%, cứ hỏi anh về quê hương Nhật Bản của anh. Nào anh biết gì đâu mà nói. Câu chuyện của anh Nhật Bản này thường được kể lại để diễn tả nội dung « văn hóa chuối » vì trong người anh chỉ còn lại da vàng như vỏ chuối là Nhật Bản còn bên trong đầu óc, ruột gan là màu trắng ruột chuối là của người Mỹ.
    Trở lại với các em nhỏ Việt Nam hàng ngày sống đồng hóa văn hóa với âm thanh tiếng anh, tiếng pháp tại nhà trường, trên TV, Ipad, Iphone… thì câu chuyện trên cũng sẽ sảy ra cho em nào về thăm quê hương mà quên tiếng mẹ đẻ, quên văn hóa Việt. Lúc đó em mới ý thức được là em vẫn bị xã hội mới cũng như cộng đồng người Việt coi em là người Việt không biết nói, biết viết tiếng Việt nhưng có một nếp sống, một tâm hồn như người Mỹ, người Canadien. Em vẫn xa lạ với người Canadien về tóc đen, da vàng, lại càng xa lạ với đồng bào ở quê hương vì ngôn ngữ Việt Nam cách trở. Lúc đó mới hiểu rằng em là biểu tượng của « Văn hóa chuối » mà buông tiếng thở dài theo vần thơ của Bắc Phong:
Bỗng nghe buồn ngây ngất,
Về đâu cũng tha hương.

    Trên đường du khảo quê hương, các em nhất là các em thuộc gia đình « Bắc Kỳ di cư 1954 » nên về thăm đồng quê Bắc Bộ. Tại sao?
    Vì Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước nên khoảng một triệu người Bắc Kỳ di cư vào miền Nam. Nay lại phải di cư ra sống ở hải ngoại, có những em thuộc diện Bắc Kỳ di cư có thể còn nghe cha mẹ chú bác kể lại những cảnh rùng rợn của cải cách ruộng đất như đấu tố, con tố cha, tá điền đấu địa chủ, phá đình chùa, cấm tín ngưỡng dân gian (lễ hội, ca trù, đạo Mẫu…). Ngày nay, nếu em nào về thăm cội nguồn xóm làng ở miền Bắc thì sẽ rất ngạc nhiên thấy đình chùa còn đó, lễ hội vẫn tổ chức hàng năm, dân làng có quyền sở hữu đất đai, ca trù, hầu bóng lại được khuyến khích phát triển… Thật là khác hẳn với điều nghe kể, chẳng lẽ cha mẹ, chú bác « tuyên truyền » hay sao? Vậy chúng tôi dẫn các em đi tìm sự thật nhá.
    Từ 1945 đến 1986, nông thôn miền Bắc trải qua hai biến động văn hóa, xã hội, kinh tế :
1. Thời kỳ hủy diệt văn hóa cổ truyền (1945-1986)
2. Thời kỳ phục hồi văn hóa cổ truyền.

E1. Thời kỳ hủy diệt văn hóa cổ truyền (1945-1986)

    Tín ngưỡng, tập tục, hội làng... là văn hóa phi vật chất, là linh hồn của nông thôn do con người sáng tạo ra từ đời này sang đời khác làm chuẩn mực cho đời sống tinh thần và kinh tế. Nền văn hóa cổ truyền này đã tích lũy giá trị tinh thần từ thời lập quốc để đến Cách Mạng tháng Tám 1945 (tức sau 4000 năm văn hiến) thì bị hủy diệt để được thay bằng « Văn Hóa Vô Sản » với cơ cấu kinh tế hợp tác xã.
    Để áp đặt một linh hồn mới (văn hóa vô sản) lên nhân dân, việc đầu tiên phải làm là phá hủy những cây cột chống đỡ linh hồn xưa được cấu tạo từ ngày lập quốc. Các cây cột bị hủy diệt là :
-  Cơ sở hành chánh, chính trị,
-   Cơ sở tín ngưỡng văn hóa đình, chùa, thờ cúng tổ tiên vì bị coi là tàn dư của văn hóa phong kiến,
- Cơ cấu điền địa bằng cải cách ruộng đất (1953-1956) đẫm máu  triệt hạ tầng lớp ưu tú,
- Trung tâm văn hóa (đình, chùa) của nông thôn.
a) Xóa bỏ cơ sở hành chánh, chính trị
    Cách mạng tháng 8-1945 bãi bỏ hết hội đồng kỳ mục, lý dịch, dòng họ, giáp , phe phường và sự vận hành của hương ước (luật lệ) của làng  thay thế bằng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (có các ban ngành) thuộc tổ chức của Đảng.
    Triệt tiêu thượng tầng lãnh đạo cơ sở tức  các thành phần ưu tú (cựu quan lại, chức sắc kỳ hào, điền chủ giàu có…) nắm giữ cơ cấu văn hóa nông thôn bằng chụp lên đầu đủ mọi nhãn hiệu : tay sai đế quốc, cường hào ác bá, phản động, chống cách mạng để tước đoạt tài sản đem chia lại cho bần cố nông… Sau đó, họ bị đấu tố, xử bắn, xử tử, thủ tiêu cùng với chính sách cải cách ruộng đất.  
 b) Cải cách ruộng đất
    Cải cách ruộng đất được thực hiện trong máu và nước mắt bằng tố khổ trí phú địa hào,  phá bỏ hộ sản xuất, tịch thu ruộng đất cho bần cố nông lập thành hợp tác xã sản xuất. Mục tiêu chính của cải cách ruộng đất là tiêu diệt chính quyền cũ ở nông thôn, đạp đổ tầng lớp địa chủ, trí thức cũ. Sau khi san bằng di tích cũ thì chính quyền mới được dựng nên sẽ tuyệt đối trung thành với tôn ti trật tự mới của cộng sản.

c) Phá hủy cơ sở của văn hóa vật thể 
    Triệt tiêu văn hóa vật thể : phá hủy đình, chùa, đền làng,  nhiều sách vở chữ nho và chữ nôm, hoành phi, câu đối bị đốt, lễ hội bị đình chỉ... Sự phá hủy bắt nguồn từ sự vận dụng "lý luận kinh điển". Trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản, trả lời câu hỏi vì sao chủ nghĩa cộng sản xoá bỏ tôn giáo và đạo đức cũ, Marx và Engels viết : "Cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền ; không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất là  với những tư tưởng cổ truyền" (Nhà XBST, 1974, trang 78). Chủ tịch Hồ Chí Minh nói :"Gia đình to (cả nước) và gia đình nhỏ : Cái nào nặng ? Cái nào nhẹ ? Người cách mạng chọn gia đình to." (HCM, Tuyển tập, Tập 4, trang 389).

E2. Thời kỳ phục hồi văn hóa « Truyền thống »

    Sau khủng hoảng kinh tế và sư sụp đổ chế độ cộng sản tại Âu Châu, chính sách đổi mới được áp dụng từ năm 1986 nhằm phục hồi lại vai trò văn hóa của đình, hương ước, quản trị làng… mà cộng sản đã hủy diệt. Lúc đó cộng sản mới hiểu rằng một đất nước mà không có truyền thống, không có lịch sử, không có những giá trị vĩnh hằng thì không thể có hiện tại, càng không thể có tương lai. Sự phục hồi này là một thất bại đầu tiên của văn hóa vô sản tại nông thôn được đánh dấu bởi các chuyển biến sâu sắc sau :
1. Trở lại hương ước theo Nghị quyết số 05-NQ/HNTW ngày 10-6-1993
2. Vai trò của tự quản cấp thôn làng như trước 1945 được xác định qua nhiều văn kiện như Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18-3-2002
3  Phục hưng phát triển trở lại các lễ hội cộng đồng, lễ nghi của mô hình thể chế truyền thống,
4. Phục hồi cơ cấu kinh tế xã hội văn hóa cổ truyền trước 1945 tại nông thôn,
5. Giải thể hợp tác xã nông nghiệp (1981 -1990), chuyển sang kiểu sản xuất hộ gia đình tức sản xuất tư nhân (bị phá vỡ trong thời kỳ hợp tác xã  hóa nông nghiệp) với quyền tư hữu được tái lập theo Nghị quyết của Bộ chính trị, số 10 ngày 5-4-1988;
6. Tái lập tư hữu đất đai. Luật Đất Đai 1993 và 2003  xác định quyền sở hữu đất đai ở nông thôn nên kinh tế hộ gia đình phát triển.

E3. Hiện tình văn hóa ở nông thôn

     Sau 30 năm (1986-2015) đổi mới trong bối cảnh đô thị hóa, công nghệ hóa, toàn cầu hóa đưa đến di dân nông thôn-đô thị làm biến đổi nhân khẩu xã hội. Hậu quả của di cư này là tạo nên « sóng ở trong làng » khởi động  bởi văn hóa, kinh tế đô thị tác động lên cộng đồng làng.

 Biến chuyển dân số
    Theo số liệu tổng tra dân số, người di cư ra thành thị :
Năm 1999 : 855 943 chiếm 7.2% dân số đô thị,
Năm  2009 : 2.062.171 đô thị gia tăng 9.2% mỗi năm,Năm 2014, dân sống trong đô thị: 30. 035.400, dân số nông thôn: 60 693 500.

 Biến đổi tại nông thôn
    Đời sống nông thôn miền Bắc thay đổi nhiều bởi các biến đổi di dân,  kinh tế, khoảng trống văn hóa, tác động mặt trái của kinh tế thị trường…

Biến đổi vì di dân
    Nông dân trưởng thành di dân ra thành thị, chung đụng văn hóa thành thị, đem về quê những tư tưởng và nếp sống văn minh (TV, truyền thông điện tử, phim ảnh ngoại quốc…) khác hẳn tạo nên nhiều tầng lớp đan xen nhau trong  bối cảnh gia đình và cộng đồng.Trong một gia đình, thành phần sinh sống chung đụng có thể là trí thức, công nhân, hưu trí, nông dân, trẻ em nên có nhiều va chạm về nếp sống nhất là văn hóa truyền thống như hiếu nghĩa với cha mẹ, anh em bị tha hóa.

Biến đổi cư trú nông thôn
    Phát triển kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ lên làng nhất là về kiến trúc, mạnh làng nào làng ấy làm, mạnh nhà nào nhà ấy xây, không người chuyên môn hướng dẫn. Với giấc mộng « lên phố », nông dân chỉ quan tâm đến bê tông và lên tầng, còn hệ thống giao thông thì chằng chịt, manh mún, chật hẹp thiếu tầm nhìn tương lai.
   
Biến đổi kinh tế 
    Sau giải thể kinh tế hợp tác xã và sự phục hưng kinh tế gia đình, hộ gia đình được quyền xử dụng đất đai lâu dài, tự chủ trong quá trình sản xuất. Trong cộng đồng, nay là đời sống kinh tế hộ gia đình nên nhiều gia chủ di dân ra thành thị làm khu công nghiệp thì phải cho thuê lại ruộng, gởi tiền về làng, xây dựng nhà gạch làm thay đổi cư trú nông thôn.

Biến đổi cơ quan quản trị
    Tự quản cấp thôn và hương ước được phục hồi

Biến đổi văn hóa tín ngưỡng
     Tuy vai trò văn hóa xưa của đình được phục hồi nhưng  bị xuống cấp, vì  chức năng văn hóa xưa chuyển cho ủy ban và nhà văn hóa, việc làng xã đã có cơ quan đoàn thể lo như  lễ hội cộng đồng (tế lễ Thành Hoàng, tổ chức Tết…). Hiện tượng quay về với đời sống tâm linh, với thờ cúng, với mồ mả, với gia phả… là dấu hiệu hồi sinh văn hóa cũ  trong đổ nát điêu tàn của linh hồn cũ (văn hóa truyền thống) và linh hồn mới (văn hóa vô sản).
     Khoảng trống linh hồn của làng được một người về ăn Tết ở làng mô tả như sau.
... “Nhưng Tết quê giờ đã khác xưa. Người làng đã có tiền để ăn Tết cho thật đàng hoàng. Không mấy người rủ bố tôi lên núi chặt đào phai nữa. Một chậu quất trĩu quả hay một cành đào đất Bắc tuy đắt nhưng sang hơn nhiều. Hàng xóm đã thôi giã thịt, quây bột làm giò. Bánh chưng gói ít thôi, vì gói nhiều cũng không ai ăn, hoài của ... Bạn bè tôi, mỗi đứa một phương, nhờ Tết mới hội ngộ. Nhưng gặp nhau thật không dễ. Muốn tìm bạn, chỉ còn cách đến quán café. Bạn đến thăm nhà, ngồi chưa ấm chỗ đã rủ tôi “đi quán”...  Đêm xuống, làng vắng hẳn. Không còn những cảnh chúc Tết thân mật như thuở trước. Có chăng chỉ người lớn đi thăm nhau. Thanh niên dồn lại trong các tụ điểm café, karaoke. Cha mẹ muốn tâm tình với con cái cũng chịu, lặng lẽ ngồi bó gối xem ti vi và chờ điện thoại những đứa ăn Tết ở xa gọi về. Trẻ con miễn cưỡng xách bánh trái đi mừng tuổi người quen. Vì tiền lì xì không hấp dẫn bằng phim hoạt hình, nhạc Xuân Mai, quán nét. Chiều mồng Bốn Tết, không khí được hâm nóng chút ít nhờ trận bóng giao lưu giữa kẻ ở người về. Nhưng tan bóng thì tan vui, ai về nhà nấy. Mấy người xa xứ lâu ngày, gặp bố tôi phàn nàn: “Tết bây giờ khác quá anh ạ. Chẳng hơn gì cuộc giỗ, ngày rằm. Biết thế, bọn em đã không về”. 

    Tất cả cái đẹp của văn hóa truyền thống (Tinh thần cộng đồng, tình nghĩa bà con lối xóm, quan hệ tình cảm, phong tục…) đã bị xóa bỏ rồi lại được phục hồi trong hoàn cảnh « không niềm tin, không pháp luật »( Sans foi, ni loi), không có một định hướng mới, trên đống gạch bể nát của văn hóa vô sản khiến cho không còn khả năng định chuẩn cho đời sống nông thôn. Đã mất định chuẩn cho mọi ứng xử lại cộng thêm thiếu luật pháp công minh hướng dẫn ứng xử nên hậu quả tất nhiên là tệ nạn xã hội lan tràn ở nông thôn mà cộng sản gọi là « văn hóa lệch chuẩn » mở cửa cho văn hóa đô thị tư bản tự do tràn vào.  
    Sự phục hồi này coi như chiến thắng của văn hóa cổ truyền nhưng là một chiến thắng chua chát, chua chát vì chiến thắng trong một khoảng trống rỗng không linh hồn và trong một :« Xã hội của bọn nô lệ, cho dù có được trả tự do vẫn chỉ là xã hội vô trật tự, hỗn độn, đổ nát ».