NẠN ĐÓI NĂM ẤT DẬU (1945)



HƯƠNG VĨNH

 Năm Ất Mùi (2015) là đúng 70 năm, kể từ khi nạn đói khủng khiếp xảy ra vào đầu năm Ất Dậu (1945).

Thi sĩ Bàng Bá Lân đã ghi lại cảnh chết đói kinh hoàng đó qua bài thơ “ĐÓI”như dưới đây:

“Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì…đói!”

Suốt chiều dài lịch sử, chưa bao giờ dân tộc Việt-Nam phải chịu một tai họa thảm khốc có tính cách xã hội và nhân văn như thế, xét về số người chết đói và ở trên một địa bàn qui mô của vùng bị tai họa.

Trong quá khứ, đã từng xảy ra những cuộc thư hùng giữa “Sơn Tinh Thủy Tinh” trong suốt dòng lập quốc của dân tộc Việt-Nam – khi còn là “nòi Việt” ở đồng bằng Sông Hồng và sau nầy khi người Việt mở mang bờ cõi về phương Nam, xuống tận đồng bằng sông Cửu Long – nhưng chưa bao giờ có một tai họa khủng khiếp như thế.

Nếu nói trận đói năm Ất Dậu là một sự kiện chết người tập thể vô tiền khoáng hậu cũng không ngoa chút nào, có lẽ chỉ kém những thiệt hại về nhân mạng và tài sản của cuộc chiến giữa hai phe Quốc Cọng trong thời gian 1945-1975, trải dài suốt ba thập niên. Nhưng xét về số người bị nạn trong một thời gian kỷ lục thì nạn đói năm Aát Dậu 1945 vẫn là độc nhất vô nhị từ trước đến nay.

“Khắp đường xá những xác đói rên nằm
Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp,

Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt
Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma;
Những cánh tay gầy quờ quạng khua khoa
Như muốn bắt những gì vô ảnh.

Dưới mớ tóc rối bù và kết bánh,
Một làn da đen xạm bọc xương đầu.
Răng nhe ra như những chiếc đầu lâu,
Má hóp lại, răng hằn sâu gớm ghiếc.

Già trẻ gái trai không còn phân biệt,
Họ giống nhau như là những thây ma,
Như những bộ xương còn dính chút da,
Chưa chết đã bốc xa mùi tử khí!”


Diễn tiến qui mô nạn đói


Trong bối cảnh thế chiến thứ hai, nạn đói xảy đến với phần đất Bắc kỳ vào đúng lúc cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra quyết liệt, nhất là khi quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương từ năm 1941 với những toán quân tiền tiêu từ Trung Quốc xung đột với quân Việt Pháp ở đồn Tà Lùng là cửa ngõ vào Lạng Sơn. Nếu chiếm được Lạng Sơn thì con đường vào sâu trong đồng bằng miền Bắc Việt-Nam kể như bỏ ngỏ, vì từ Lạng Sơn, chỉ cần di chuyển 120 cây số là đến Hà-Nội – trung tâm vùng Đồng Bằng Bắc Việt.

Chính các diễn biến chiến tranh tích lũy từ đầu thập niên 1940 đã đưa đến nạn đói khủng khiếp vào đầu năm 1945, giết chết ít nhất hai triẹâu đồng bào, từ phía Bắc miền Trung ra tới Đồng Bằng Bắc Kỳ.

“Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.
Rải bên đường những nấm mộ âm thầm
Được đánh dấu bằng ruồi xanh cỏ tốt.

Có nấm mộ quá nông trơ hài cốt,
Mùi hôi tanh nồng nực khắp không gian.
Sau vài trận mưa nước xối chan chan,
Oâi, thịt rữa xương tàn phơi rải rác!

Tại Hà Nội cũng như bao tỉnh khác,
Những thây ma ngày lết đết càng đông;
Đem ruồi theo cùng hơi hớm tanh nồng,
Rồi ngã gục khắp đầu đường cuối ngõ.”


Ở khắp đồng bằng miền Bắc lúc bấy giờ những người đói đi ăn xin nhan nhản khắp nơi, vì thiếu đồng ruộng canh tác, thiếu lúa gạo…và chết dần chết mòn. Nạn đói xảy ra ở các cánh đồng và những đường làng ở khắp nơi trong các thôn xóm cũng như thành thị. Có nơi, vì đói quá, người ta đã xông vào cướp phá kho lẫm lúa gạo của những người giàu có trong làng. Trong số những người đói khát, ngoài số người cư ngụ tại vùng Đồng Bằng Miền Bắc, còn có nhiều người từ những tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đi ra miền Bắc ăn xin.

“Hai triệu người, vì thực dân, lìa bỏ
Nước thân yêu, oan uổng chết đau thương,
Trong lúc đầy đồng bát ngát, ở quê hương,
Lúa mơn mởn đang ra đòng trổ trái,

Lúa trĩu hạt vàng tươi sai gấp bội,
Ngạt ngào thơm báo hiệu ấm no vui.
Nhưng người đi không về nữa, than ôi!
Lúa chín gục, chẳng còn ai gặt hái!…
……

Từng gia đình dắt díu nhau lê bước
Đi lang thang mong sống tạm qua ngày.
Đợi lúa lên hương, bông trĩu đầu cây.
Hơn tháng nữa sẽ hồi cư sẽ sống!

Nhưng đau đớn hỡi ơi là ảo mộng!
Họ ra đi hy vọng có ngày về!
Nhưng chẳng bao giờ về nữa, hởi người quê.
Dần lả gục khắp đầu đường xó chợ!”

Vì nạn đói xảy ra trong lúc chiến tranh nên hầu như các số liệu chính thức không được ai thống kê đầy đủ và chính xác. Ở khắp nơi nhiều ban cứu đói riêng được lập ra, như tại làng Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà Đông, thầy Mai Xuân Hậu cùng với nhiều người tham gia vào ban cứu đói địa phương; thầy Nguyễn Khắc Xuyên ở giáo xứ Bút Đông, Duy Tiên, Hà Nam; thầy Nguyễn Khắc Đương ở Hội Đồng Hương Chánh làng Côi Mỹ, Hà Tĩnh.

Tại làng Hòa Khê, Duy Tiên, Hà Nam là khu vực giáp ranh với huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Đông, thường xảy ra cảnh thương tâm của những người đói ăn, thiếu ruộng cày, phải đi lang thang đây đó để xin ăn. Có người đói lả nằm ngã lăn bừa bãi khắp nơi giữa đường, trên đồng ruộng, trước cửa nhà…mòn mỏi rồi chết tất tưởi trong tình cảnh rách rưới, tứ cố vô thân. Số người chết đông đảo đến nỗi chôn không xuể, khiến nhiều người bị nhiễm trùng và nạn ôn dịch đã xảy ra nhiều nơi.


Ở bên kia làng Hòa Khê có con sông đào cũng mang tên Hòa Khê, nối sang bên đồng ruộng là Tè Mũ, Mai Trang, Thần Nữ bằng một cây cầu tre. Vì quá nhiều người nằm chết la liệt ở hai bên bờ sông, những người còn khỏe mạnh trong làng rủ nhau đi qua bên kia sông thu lượm những xác chết lại, đào vội một hố lớn không sâu lắm ở bên kia cầu tre và đem chôn vùi như ma đuổi tất cả số người chết đói đó trong chiếc hố tập thể.

“Mùi nhạt nhẽo nặng nề kinh dị,
Một mùi tanh lộn mửa thoảng mà kinh.
(Mùi tanh hôi ám ảnh mãi bên mình
Khiến cả tháng ăn không còn ngon bữa).

Những thây đó cứ xỉu dần tắt thở,
Nằm cong queo mắt vẫn mở trừng trừng,
Trông con ngươi còn đọng lệ rưng rưng,
Miệng méo xệch như khóc còn dang dở.

Có thây chết ba hôm còn nằm đó,
Ruồi tám phương bâu lại khóc vo vo…
Rồi ven đường đôi nhát cuốc hững hờ
Đắp điếm vội những nấm mồ nông dối!”

Trong số người chết, có cả những người còn ngắc ngoải, chưa chết hẵn. Có người còn rên lên: “Đừng chôn sống chúng tôi, để chúng tôi chết hẳn đã”. Bất chấp những lời than vãn đó, những người khỏe mạnh cứ lấp đất vội vàng trên những thân thể còn chút hơi sống đó và tiếng kêu chỉ tắt hẳn khi những tảng đất định mệnh lấp đầy chiếc hố bên bờ sông!

Hình ảnh đó ám ảnh đám trẻ trong làng nhiều tháng trời và mùi hôi trong nấm mồ tập thể cứ theo ám ảnh hoài, trong những giấc mơ hãi hùng trên giường ngủ, hoặc trong những câu chuyện rùng rợn hù dọa nhau trên cửa miệng mọi người hằng ngày.

Đầu cầu tre bên làng, một thanh niên gần chết nằm im lìm đầu xóm ngay giữa ngã ba đường, không còn hơi sức cử động. Tuy là một thanh niên còn trẻ nhưng trông như một cụ già, quần áo tả tơi rách nát, nhăn nheo, chỉ còn da bọc xương, để lộ nửa phần thân phía dưới. Một đứa trẻ tinh nghịch, bẻ một cành tre đâm thọc. Thân thể đáng thương kia chỉ giật giật nhè nhẹ, chắc có vẻ đau đớn lắm nhưng không phản ứng gì được. Đám trẻ đứng xem gần đó, bịt mặt, với đôi mắt đỏ hoe, sợ hãi vội quay đi, chạy trốn về nhà.

Có ông nhà giàu trong làng sai người giúp việc trong nhà, lấy gạo nấu cháo và hễ ai đến xin ăn thì múc cho một chén cháo đỡ đói. Nhưng số người xin ăn quá đông, đến nỗi tối khuya vẫn còn người đến đập cửa xin ăn. Khi nghe tin có nơi những người ăn xin còn khỏe mạnh đã vào ăn cướp kho lẫm của những nhà giàu nên từ đó trở đi, ông phú hộ kia phải cửa đóng then cài.

“Họ là những người quê non nước Việt,
Sống cần lao bên ruộng lúa, đồng khoai.
Lúa xanh rờn nhờ họ đổ mồ hôi,
Nước Việt sống vì mồ hôi họ đổ.”

Tại Hà Nội, nhiều xác người chết đói nằm ngổn ngang trên các đường phố. Mỗi sáng sớm người ta phải đem xe bò chở những xác chết đó đem đi chôn vội. Có người đi ăn xin, đói lả giữa phố, đêm đến, nằm dựa lối cửa ra vào hay bờ tường các căn phố. Khủng khiếp thay! Nhiều người sáng sớm vừa mở cửa thì xác chết đổ kềnh sang một bên, có khi ngã lăn vào phía bên trong nhà, khiến người nhà kinh hồn khiếp vía!

“Thường sớm sớm cửa mỗi nhà hé ngỏ,
Rụt rè xem có xác chết nào chăng!
Từng chiếc xe bò bánh rít khô khan
Mỗi sáng dạo khắp nẻo đường nhặt xác.

Xác chồng chất lù lù như đống rác,
Đó đây thò khô đét một bàn chân
Hai cánh tay gầy tím ngắt teo răn
Giơ chới với như níu làn không khí,

Như cầu cứu, như vẫy người chú ý…
Có hơi thở tàn thoi thóp chưa thôi,
Có tiếng cựa mình, tiếng nấc…Những tròng ngươi
Nhìn đẫm lệ người chôn người chửa chết!

Bốn ngoại ô mở ra từng dãy huyệt
Được lấp đầy bằng xác chết…thường xuyên.
Ruồi như mây bay rợp cả một miền…
Chết! Chết! Chết! Hai triệu người đã chết!”

Tại Tràng Tập Hà Nội có khoảng 120 tiểu chủng sinh, được nhà trường cho ăn mỗi ngày chỉ có một bữa tạm no với một chén cơm đầy, còn hai bữa kia, ăn cháo với cám xay, để có đủ chất bỗ do cám mang lại.

Nạn đói kéo dài có lẽ từ cuối năm 1944 cho đến khoảng giữa tháng 5 năm 1945, với số người chết đói ước độ trên dưới hai triệu người. Ai là người chịu trách nhiệm về tội ác nầy?


Nguyên nhân xảy ra nạn đói năm Ất Dậu (1945)

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu phân tích, các nguyên nhân đưa đến nạn đói năm Ất Dậu 1945 mang nhiều tình tiết phức tạp sau đây:

1/- Về phía người Nhật

Trước tình thế có thể nguy ngập vì xung đột lẫn nhau, ngươì Nhật đang nắm thế thượng phong ở chiến trường Thái Bình Dương, đã lần lượt chiếm đóng Trung Hoa, rồi tràn xuống phía Nam châu Á, tiến đến các lãnh thổ Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Việt Nam, Thái Lan và nhiều hải đảo phía nam, kể cả Úc châu.

Khi chiếm đóng Đông Dương, quân đội Nhật muốn chọn Việt-Nam, đặc biệt Nam Kỳ như một bàn đạp hậu cần để tiến xuống vùng hải đảo. Do đó, quân đội Nhật không những tận thu các sản phẩm lúa gạo, cao su và nhiều tài nguyên kỹ nghệ nông nghiệp khác, mà còn bắt nông dân Việt-Nam phải phá bỏ các ruộng lúa mà thay vào đó, phải trồng đay lấy sợi làm bao chứa gạo và khí tài quân sự, vận chuyển tiếp tế cho các hải đảo vùng Đông Nam Á.

Do điều kiện địa lý, ngay chính quốc Nhật cũng từng thiếu diện tích trồng lúa. Vì vậy việc phá lúa trồng đay xảy ra rất tàn bạo quyết liệt tại Miền Bắc và vùng Bắc Miền Trung. Ở vùng lãnh thổ nầy, đồng lúa vốn đã hiếm, phương chi phải chuyển ruộng lúa thành ruộng trồng đay thì việc thiếu lúa gạo là tất nhiên.

“Năm ấy, thuở Nhật, Tây cùng đô hộ,
Chúng thi nhau cướp lúa của dân ta.
Hết lúa rồi, hết sạch cả khoai ngô;
Hết củ chuối, hết nhẵn khô cả sắn!

Ngày giáp hạt không còn chi gậm nhấm,
Đói cháy lòng, đành nhá cả mo cau;
Nhá cả bèo và nuốt cả khô dầu!
Đói! Đói! Đói! Người nhao lên vì đói!”


Trong lúc đó, ở Miền Nam, thảm cảnh nầy không diễn ra một cách quá phũ phàng. Vì thế, trong khi miền Bắc chết đói thì ở miền Nam có lúc tại Saigon, người ta lấy thóc đốt thay than để chạy máy xe lửa! Là quân đội chiếm đóng, người Nhật khi vào Bắc kỳ lại chú trọng đến các nguồn lợi than đá để chuyển về nuôi sống công nghiệp vì ở chính quốc tài nguyên quá nghèo nàn để có thể hỗ trợ các nhà máy chế biến công nghiệp.

2/- Về phía người Pháp

Họ cũng cần thu quén lúa gạo để nuôi quân và đề phòng bị cô lập hóa với mọi nguồn tiếp tế ở bên ngoài, nên vừa phải thu lúa gạo cho quân đội Nhật, dưới áp lực của chính quân phiệt Nhật, vừa phải dành lúa gạo cho quân dân chính trong khu vực mình kiểm soát. Tất cả các nguồn lợi mà người Pháp vẫn nhận từ chính quốc ở Âu châu và các nước khác chẳng bao lâu bị cắt đứt.

“Cùng lúc ấy, cũng trên đường rộn rã,
Từng đoàn xe chuyên chở thóc vàng tươi.
Thóc của dân đen, thóc của những người
Đang chết đói vì thực dân cướp thóc.

Thóc chúng cướp phần vung xài huy hoắc,
Phần chúng đem để mục nát trong kho!
Oâi đau thương, chưa từng thấy bao giờ…
Trong lịch sử chưa bao giờ từng có!”


3/- Về phía quân dân kháng chiến Việt-nam

Tất cả các lực lượng có xu hướng chính trị kháng chiến – quốc gia và không quốc gia – cũng đều lo tích trữ lương thực hiếm hoi trong tình thế nguy ngập đó, nhất là những lực lượng kháng chiến do phong trào Việt Minh kiểm soát. Vào thời điểm có nạn đói, những thanh niên như Nguyễn Mạnh Hà và Nguyễn Đình Đầu là những người tích cực tham gia hoạt động cứu đói, nhưng không thể không điều phối ở tầm mức chiến lược nào đó với kế hoạch tích trữ lương thực nuôi quân chiến đấu, giành dân với lực lượng không Cộng sản.

4/- Sau cùng những trận oanh tạc của Đồng Minh

Người ta không quên được những trận oanh tạc khủng khiếp của Đồng Minh mà đứng đầu là Hoa Kỳ, đêm ngày oanh kích những địa điểm chiến lược nông công nghiệp trọng yếu để phá tan hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ, những đường tiến quân của quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản ở Việt-Nam, nhất là ở miền Bắc, xây dựng cơ sở hậu cần để yểm trợ tiền tuyến, hầu tiến quân xuống các hải đảo Đông Nam Á và phía Nam Thái Bình Dương.

Chiến tranh không lực đã góp phần quan trọng vào việc làm đình trệ tất cả sinh hoạt vốn hạn chế ở khu vực công nghiệp, nông nghiệp và công nông dân đang sinh hoạt ở đó, nhất là tại những vùng quân đội Nhật Bản bắt buộc canh tác đay và vùng mỏ khai thác than đá, nhằm mục đích tiêu diệt khả năng tiếp vận và cơ sở hậu cần của đối phương.

Người dân Việt đời đời sẽ không quên được vết thương đau đớn nầy của Thế Chiến Thứ Hai – thời kỳ toàn dân chịu sự thống trị một cổ đôi tròng của quân chiếm đóng Pháp và Nhật (1938-1945) cùng những cuộc oanh tạc không quân mãnh liệt của lực lượng Đồng Minh chống lại quân phiệt Nhật Bản ở mặt trận Thái Bình Dương, trong liên minh Phát Xít, tức Phe Trục Đức Ý Nhật.

“Ta nhớ mãi cái thời kỳ đen tối!
Quên làm sao tội lỗi kẻ xâm lăng!
Quên làm sao mối thù hận khôn cùng!
Quên sao được hai triệu người chết đói!

Năm Ất Dậu tháng ba, còn nhớ mãi,
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì…đói!

Đói tự Bắc Giang đói về Hà Nội,
Đói ở Thái Bình đói tới Gia-Lâm!”




Tài liệu tham khảo

-          Hồi ký viết tay ngày 04-11-2004 về “NẠN ĐÓI NĂM ẤT DẬU” của giáo sư Đỗ Hữu Nghiêm ở Dayton, Ohio.
        - Bài thơ “ĐÓI’ của thi sĩ Bàng Bá Lân (Tháng  năm 1957). (“Thi Nhân Việt-Nam Hiện Đại, quyển thượng, trang 284-288)