ĐTC
Phanxicô: "Nền kinh tế này giết người", đó là tựa đề cuốn sách của hai
nhà báo Andrea Tornielli, điều hợp viên của nhật báo trang nhà “Vatican
Insider” và Giacomo Galeazzi, chuyên viên các vấn đề Vatican của nhật
báo La Stampa.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị
thính giả nội dung của cuộc phỏng vấn nói trên, được đăng trên nhật báo
La Stampa cũng như nhật báo La Nacion và hãng thông tấn AP.
Theo dõi các bài giảng, các diễn văn
và suy tư của ĐTC Phanxicô người ta nhận ra ngay một số từ và ý niệm hay
được ngài nhắc đi nhắc lại như: nghèo đói, công bằng xã hội, chú ý tới
những người túng thiếu, khiến cho nhiều người chỉ trích ngài là “mác
xít”, “cộng sản” và “duy bần cùng”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã sống tất
cả những chỉ trích đó như thế nào? Tại sao đề tài nghèo túng lại hiện
diện một cách mạnh mẽ trong giáo huấn của ngài như thế? Chúng ta hãy
theo dõi cuộc phỏng vấn ngài dành cho hai nhà báo Tornielli và Galeazzi
sau đây.
Hỏi: Thưa ĐTC, chủ thuyết tư bản
như chúng ta đang sống trong các thập niên qua, theo ĐTC là một hệ
thống, trong một cách thế nào đó, không thể đảo ngược được, có đúng vậy
không?
Đáp: Tôi không biết phải trả lời câu
hỏi này ra sao. Tôi thừa nhận rằng việc toàn cầu hóa đã giúp nhiều
người đứng dậy ra khỏi cảnh nghèo túng, nhưng nó lại kết án biết bao
nhiêu người khác phải chết đói. Có đúng thật là trong các phạm trù tuyệt
đối sự giầu có trên thế giới có tăng trưởng, nhưng các bất bình đẳng
cũng gia tăng, và có nhiều nghèo túng mới xuất hiện. Điều mà tôi ghi
nhận đó là hệ thống này được duy trì với nền văn hóa gạt bỏ, mà tôi đã
đề cập tới nhiều lần. Có một nền chính trị, một nền xã hội học và cả một
thái độ gạt bỏ. Khi ở trung tâm hệ thống không có con người mà chỉ có
tiền bạc, khi tiền bạc trở thành một thần tượng, thì con người nam nữ bị
giản lược thành các dụng cụ đơn sơ của một hệ thống xã hội và kinh tế
có đặc thái là các mất thăng bằng sâu xa. Và như thế người ta gạt bỏ
điều không phục vụ cái luận lý này: đây là một thái độ gạt bỏ trẻ em và
người già, và giờ đây nó liên quan tới cả người trẻ. Tôi ngạc nhiên khi
biết rằng tại các nước phát triển có biết bao nhiêu triệu người trẻ dưới
25 tuổi không có công ăn việc làm. Tôi đã gọi họ là những người trẻ
“không-không”, vì họ không được học hành và không làm việc: họ không học
vì không có khả năng làm điều đó, họ không làm việc vì thiếu việc làm.
Nhưng tôi cũng muốn nhắc tới nền văn hóa gạt bỏ đưa tới chỗ khước từ trẻ
em, với cả việc phá thai. Tôi ngạc nhiên trước số sinh thấp như thế tại
Italia này: như vậy là người ta mất đi mối dây nối kết với tương lai.
Cũng như nền văn hóa gạt bỏ đưa tới chỗ lén lút làm cho người già chết
êm dịu, hay bị bỏ rơi. Thay vì họ phải được coi như ký ức của chúng ta,
mối dây nối liền với qúa khứ của chúng ta và là một nguồn tài nguyên của
sự khôn ngoan đối với hiện tại. Đôi khi tôi tự hỏi: đâu sẽ là sự gạt bỏ
sắp tới? Chúng ta phải dừng lại đúng lúc. Chúng ta hãy làm ơn dừng lại!
Như vậy, để tìm trả lời cho câu hỏi tôi sẽ nói rằng chúng ta không coi
tình trạng các sự việc này như là không thể đảo ngược được, chúng ta
không được chịu trận. Hãy tìm xây dựng một xã hội và một nền kinh tế,
trong đó con ngưởi và thiện ích của nó ở trung tâm, chứ không phải là
tiền bạc.
Hỏi: Một sự thay đổi, một việc
chú ý nhiều hơn tới công bằng xã hội có thể xảy đến nhờ có luân lý đạo
đức hơn trong nền kinh tế, hay cũng đúng đắn việc giả thiết các thay đổi
cơ cấu cho hệ thống, thưa ĐTC?
Đáp: Trước hết phải nhớ rằng cần có
luân lý đạo đức trong nền kinh tế, và cần có luân lý đạo đức cả trong
chính trị nữa. Nhiều lần các quốc trưởng và hàng lãnh đạo chính trị, mà
tôi đã có thể gặp gỡ sau khi tôi được bầu làm Giám Mục Roma, đã đề cập
với tôi điều đó. Họ đã nói rằng: qúy vị là các giới lãnh đạo tôn giáo,
qúy vị phải giúp chúng tôi và cho chúng tôi các chỉ dẫn luân lý đạo đức.
Phải, vị chủ chăn có thể đưa ra các nhắc nhở, nhưng tôi xác tín rẳng
cần có những người nam nữ giơ tay hướng lên Thiên Chúa để cầu khẩn Ngài,
ý thức rằng tình yêu và sự chia sẻ làm phát xuất ra sự phát triển đích
thực, nó không phải là một sản phẩm do bàn tay chúng ta làm ra, nhưng là
một ơn cần phải xin. Đồng thời tôi cũng xác tín rẳng các người nam nữ
này cần phải dấn thân trên mọi bình diện, trong xã hội trong chính trị,
trong các cơ cấu và trong kinh tế, đặt để thiện ích chung vào trung tâm.
Chúng ta không thể chờ đợi giải quyết các lý do cơ cấu của nghèo túng,
để chữa lành các xã hội của chúng ta khỏi chứng bệnh chỉ có thể đưa tới
các khủng hoảng mới khác. Các thị trường và việc đầu cơ tài chánh không
thể hưởng một sự độc lập tuyệt đối. Nếu không có một giải pháp cho các
vấn đề của người nghèo, chúng ta sẽ không giải quyết được các vấn đề của
thế giới. Cần có các chương trình, các cơ cấu và các tiến trình hướng
tới một việc phân chia các tài nguyên một cách tốt đẹp hơn, tạo ra công
ăn việc làm, thăng tiến toàn diện những ai bị loại bỏ.
Hỏi: Thưa ĐTC, tại sao các lời
mạnh mẽ và ngôn sứ của ĐGH Pio XI trong Thông điệp Năm thứ bốn mươi,
chống lại chủ thuyết tư bản quốc tế của tiền bạc, ngày nay đối với
nhiều người, kể cả tín hữu công giáo, lại quá đáng và tuyệt đối như vậy?
Đáp: Đức Pio XI xem ra đã qúa đáng
đối với những người cảm thấy bị lời ngài đánh trúng, bị các tố cáo ngôn
sứ của ngài chọc thẳng vào chỗ đau. Nhưng Đức Pio XI đã không phóng đại,
ngài đã nói sự thật sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hồi năm
1929, và như là người leo núi Alpes chuyên nghiệp ngài đã trông thấy các
sự việc như chúng là, ngài biết nhìn xa trông rộng. Tôi sợ rằng những
người phóng đại là những ai vẫn còn cảm thấy mình bị mời gọi bởi các lời
nhắn nhủ của Đức Pio XI…
Hỏi: Các trang của Thông điệp
“Tiến bộ các dân tộc” trong đó có nói rằng tư sản không phải là một
quyền tuyệt đối, nhưng tùy thuộc thiện ích chung, và các lời trong sách
giáo lý của Đức Thánh Giáo Hoàng Pio X liệt kê ra các tội kêu gào báo
oán lên tới Thiên Chúa, trong đó có tội ức hiếp người nghèo và lừa đảo
tiền lương công bằng của các công nhân, các điều này có còn giá trị
không, thưa Đức Thánh Cha?
Đáp: Chúng không chỉ là các khẳng
định vẫn có giá trị, mà thời gian càng qua đi tôi lại càng thấy chúng
được chứng minh bởi kinh nghiệm.
Hỏi: Các lời của ĐTC định nghĩa
người nghèo là “thịt xác của Chúa Kitô” rất đánh động người nghe. ĐTC có
cảm thấy khó chịu khi có người tố cáo ĐTC là “duy bần cùng” không?
Đáp: Trước khi thánh Phanxicô đến thì
đã có các người “duy bần cùng”” rồi. Trong thời Trung Cổ đã có nhiều
trào lưu “duy bần cùng”. Duy bần cùng là một bức tranh biếm họa của Tin
Mừng và của chính sự nghèo túng. Trái lại thánh Phanxicô đã giúp chúng
ta khám phá ra mối dây liên hệ giữa sư nghèo khó và con đường tin mừng.
Chúa Giêsu khẳng định rẳng không thể phục vụ hai chủ, Thiên Chúa và giầu
sang. Đó là duy bần cùng à? Chúa Giêsu nói với chúng ta đâu là nghi
thức dựa trên đó chúng ta sẽ bị xét xử, đó là điều chúng ta đọc thấy
trong chương 25 Phúc Âm thánh Mátthêu: Ta đói các con đã cho Ta ăn, Ta
khát các con đã cho Ta uống, Ta bị cầm tù, ốm đau, trần truồng và các
con đã trợ giúp Ta, cho mặc, thăm viếng và lo lắng cho Ta. Mỗi khi chúng
ta làm cho một người anh em bé mọn nhất, là chúng ta làm cho chính Chúa
Giêsu. Lo lắng cho tha nhân: cho người nghèo, cho người đau khổ trên
thân xác cũng như trong tinh thần, cho người cần trợ giúp. Đó là hòn đá
so sánh. Đó là duy bần cùng à? Không, đó là Phúc Âm. Sự nghèo túng kéo
chúng ta xa khỏi việc tôn thờ thần tượng, xa khỏi việc cảm thấy mình tự
đủ. Ông Giakêu, sau khi đã gặp cái nhìn thương xót của Chúa Giêsu, đã
cho người nghèo phân nửa gia tài của ông. Sứ điệp của Phúc Âm hướng tới
tất cả mọi người, Tin Mừng không lên án người giầu, nhưng lên án việc
tôn thờ tiền bạc, giầu có, việc thờ thần tượng, khiến cho người ta vô
cảm trước tiếng khóc than của người nghèo. Chúa Giêsu đã nói rằng trước
khi dâng của lễ trước bàn thở chúng ta phải làm hòa với người anh em để
được ở trong sự bình an với Chúa. Cũng giống như thế, tôi tin rằng chúng
ta có thể trải dài lời đòi hỏi này để được an bình với các anh chị em
nghèo khổ.
Hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC đã nhấn mạnh
sự tiếp nối với truyền thống của Giáo Hội trong việc chú ý tớii người
nghèo. ĐTC có thể đơn cử vài ví dụ trong nghĩa này không?
Đáp: Một tháng trước ngày khai mở
Công Đồng Chung Vaticăng II, ĐGH Gioan XXIII có nói: “Giáo Hội tự giới
thiệu như mình là, và muốn là như thế, như là Giáo Hội của tất cả mọi
người, và một cách dặc biệt là Giáo Hội của người nghèo”. Trong các năm
tiếp theo việc ưu tiên lựa chọn người nghèo đã đi vào trong các tài liệu
của huấn quyền. Có ai đó có thể nghĩ rằng đó là một sự mới mẻ, trong
khi trái lại đó là một sự chú ý có gốc rễ trong Tin Mừng và đã có tài
liệu ngay trong các thế kỷ đầu của Kitô giáo. Nếu tôi nhắc lại vài đoạn
trong các bài giảng của các Giáo Phụ đầu tiên của Giáo Hội, thuộc thế kỷ
thứ II hay thứ III, liên quan tới việc đối xử với người nghèo ra sao,
có lẽ sẽ có người tố cáo bài giảng của tôi là mác xít. “Không phải là
của bạn điều bạn cho người nghèo đâu; bạn chỉ trả lại cho họ điều thuộc
về họ đó thôi. Bởi vì đó là điều được ban để tất cả mọi người dùng
chung, điều bạn thôn tính. Trái đất được ban cho tất cả mọi người, chứ
không phải chỉ cho người giầu”. Đó là các lời của thánh Ambrogio đấy, và
ĐGH Phaolô VI đã dùng lại chúng trong Thông điệp “Tiến bộ các dân tộc”
để khẳng định rằng tư sản không tạo cho bất cứ ai một quyền vô điều kiện
và tuyệt đối, và không ai được phép dành cho việc sử dụng độc quyền
điều vượt quá nhu cầu của mình, khi những người khác thiếu cái cần thiết
cho cuộc sống của họ. Thánh Gioan Kim Khẩu đã khẳng định rằng: “Không
chia sẻ của cải mình có với người nghèo có nghĩa là cướp bóc và lấy đi
sự sống của họ. Của cải mà chúng ta chiếm hữu không phải của chúng ta,
mà là của họ”.
Như có thể thấy đó, sự chú ý tới
người nghèo đã có trong Tin Mừng và ở trong truyền thống của Giáo Hội,
chứ nó không phải là một sáng chế của chủ thuyết cộng sản, và không cần
phải ý thức hệ hóa nó, như đôi lần đã xảy ra trong dòng lịch sử. Khi
Giáo Hội mời gọi chiến thắng điều mà tôi đã gọi là “sự toàn cầu hóa của
sự thờ ơ”, Giáo Hội xa cách với bất cứ lợi lộc chính trị và bất cứ ý
thức hệ nào: Giáo Hội đã chỉ được thúc đẩy bởi các lời của Chúa Giêsu
muốn góp phần mình vào việc xây dựng một thế giới, trong đó chúng ta giữ
gìn nhau và lo lắng cho nhau.
Nguồn: Vatican. net