Triết Lý Giáo Dục Của Plato


Triết gia Plato
  • Dẫn Nhập
  • Chương trình đào tạo
  • Đào tạo binh sĩ
  • Đào tạo triết gia – nhà lãnh đạo
  • Kết Luận
  •  
Dẫn Nhập
Đối với Plato, triết học chính trị liên hệ mật thiết với triết học đạo đức. Trong tác phẩm Nền Cộng Hòa, nhà nước là “hình ảnh phóng đại của con người”. Công chính là nhân đức tổng hợp của người đạo đức; công bằng là đặc nét của xã hội tốt. Nếu như linh hồn có ba phần: dục vọng, tinh thần và lý trí; thì nhà nước có ba giai cấp tương ứng: người dân phục vụ nhu cầu kinh tế; binh lính bảo vệ, nhà cầm quyền cai trị. Mỗi người được xếp vào từng giai cấp tuỳ theo khả năng, sau quá trình đào tạo bài bản.[1]
Từ đó, triết lý giáo dục được trình bày qua hai bản mô tả mang đậm tính tri thức luận. Bản thứ nhất thuộc phần II và III, kể việc đào tạo chiến binh. Bản thứ hai thuộc phần VII, kể việc đào tạo nhà lãnh đạo – triết gia; sau đó, chương trình đào tạo được đưa ra.
1. Chương trình đào tạo
Con người phải được lựa chọn và giáo dục khi “đầu còn xanh tuổi còn trẻ” [536d][2]. Trẻ em được dẫn nhập văn chương, âm nhạc, toán học sơ đẳng; nhưng không bị ép buộc vì đây là đặc tính tự nhiên của tâm trí [536e]. Sau đó, 2 hoặc 3 năm cho giáo dục thể chất. Ai tỏ ra bình tĩnh, khôn khéo trong thử thách, sẽ được chọn lọc [537a.b]. Đến tuổi 20, một số được tuyển chọn để học toán nâng cao, là môn học liên quan đến bản chất thực tại. 30 tuổi, các ứng viên được lựa chọn là người kiên nhẫn trong học hỏi, cương quyết trong chiến đấu, kiên định trong nhiệm vụ. Họ sẽ học phép biện chứng khoảng 5 năm [539] để tìm kiếm sự thật trong thế giới thực tại thuần túy [537c.d]. Tuy nhiên, không nên dạy quá sớm cho trẻ về phép biện chứng, vì sẽ gây hại hơn có lợi: họ có thể bất tuân cha mẹ và pháp luật, có thể dùng phép biện chứng như trò chơi. Ở tuổi đời thích hợp, họ sẽ biết biện luận để tìm sự thật. Sau đó họ phải trở lại hang, đảm nhận nhiệm vụ để tôi luyện trong 15 năm. Đến 50 tuổi, những người xuất sắc về lý thuyết lẫn thực hành sẽ thông hiểu chân thiện. Họ cầm quyền chỉ vì nhu cầu của nhà nước, không vì vinh dự chức vụ [540]. Nữ giới được coi ngang bằng nam giới nếu họ có khả năng [540c].
2. Đào tạo binh sĩ
Để bảo vệ cộng đồng, binh sĩ được kén chọn từ những thanh niên với năng khiếu cần thiết, để vừa tập trung cho nhiệm vụ vừa rèn luyện cẩn thận [374b].
  • Trở thành “con chó cao quý”
Binh sĩ ví như “con chó nhanh mắt để nhìn, mau chân để chạy, khỏe mạnh để chiến đấu” [375a] với lòng dũng cảm [375b]. Điều quan trọng là phải cư xử hòa nhã với đồng bào, hung dữ với kẻ thù [375c]. Dịu dàng và cứng rắn có thể hài hòa trong binh sĩ nếu họ là “con chó cao quý”: hiền với người quen, dữ với kẻ lạ [375e]. Sự phân biệt này có cơ sở là hiểu biết [376b]. Như thế, bên cạnh đặc tính: cơ thể cường tráng, tinh thần dũng cảm; binh sĩ cần có thêm khuynh hướng triết lý, tức là yêu chuộng hiểu biết [376c]. Đặc tính thứ ba mở ngỏ cho khả năng chọn trong số những binh sĩ một số nhà lãnh đạo.
Để đào tạo binh sĩ, cần tránh cứng nhắc và tránh hoài nghi [376d], tương tự “dạy trẻ con”: giáo dục tâm trí trước, huấn luyện thể chất sau [377a]. Ba môn học dành cho giáo dục tâm trí là truyện kể, thơ ca, và âm nhạc.
  • Văn chương
Trước hết, truyện kể phải được chọn lọc và khuyến khích các bà mẹ tuân theo, vì tâm hồn các em dễ dàng uốn nắn [377bc]. Truyện có hại khi mang tính hư cấu, gian dối, cho dù chỉ diễn tả ý tốt mang tính ẩn dụ, vì trẻ con không phân biệt được và vô tình ghi khắc kí ức xấu [378d]. Vì thế, trẻ nên được nghe truyện khuyến khích trưởng thành về nhân cách [378e]. Khác với Homer là thần linh tốt xấu như con người, Socrates cho rằng thần linh là tốt lành, không lừa lọc [382]. Homer tả mọi chuyện xảy ra đều có trách nhiệm của thần linh, còn với Socrates: điều xấu không thể đến từ điều tốt [379]. Thậm chí, lợi ích của đau khổ được chấp nhận để con người biết chịu trách nhiệm, vì đó là kết quả của hành vi xấu [380]. Như thế, qua sự tốt lành của thần linh, bản tính thiện của con người được khẳng định. Đây là bước phân định tốt trong giáo dục, hướng tới người binh sĩ biết kính thần và ngoan đạo [383b].
Khi bàn về thơ ca, binh sĩ được mô tả là người can đảm, tiết độ, công lý. Họ tự do [387b], coi trọng phẩm giá hơn mạng sống, đề cao sự thật [389b]. Tuy giả dối vô dụng với thần linh, nhưng hữu dụng cho con người nếu nhà cầm quyền sử dụng vì ích chung [389b] khi có đủ khôn ngoan để nhận biết “cái có vẻ gian dối”. Binh sĩ cũng phải điều độ: tuân lệnh người cầm quyền, kiềm chế bản thân [389d-e]. Nét thứ ba là đi tìm bản chất thực sự của công bình chính trực [392c], không chấp nhận giải đáp dễ dãi [392b].
Hình thức [392c] được đề cập là mô phỏng: đồng hóa bản thân với người khác trong cách nói và diễn xuất. Điều này không thích hợp vì binh sĩ không thể đảm đương nhiều vai trò: bị phân tâm và không đạt kết quả [394e]. Nếu diễn kịch, “binh sĩ” phải mô phỏng từ thiếu thời, và chỉ thủ những vai thích hợp, như người can đảm, tiết độ, đạo đức [395c]. Loại mô phỏng “đúng” với thực tế được chấp nhận. Nhiều hình thức thích hợp cho dân chúng, nhưng không thích hợp cho đào tạo binh sĩ. Điều kiện cần là: kể chuyện nghiêm túc, mô phỏng người đứng đắn, tác phẩm thích hợp [397-398].
Với âm nhạc [398b], điệu và nhịp phải hợp với lời [398d-400]. Điệu không được căng cứng hay ẻo lả [398e], mà phải hùng tráng, êm dịu, mô phỏng đúng mức lòng dũng cảm, tính tiết độ. Nhạc cụ không cần nhiều dây hoặc mức hòa âm rộng [399c]. Nhịp không cần khác biệt hay cầu kỳ, mà cần hợp với cuộc đời can trường và kỷ luật [399e]. Lời hay, nhịp hay, điệu hay đều phụ thuộc bản chất tuyệt diệu của tâm hồn. Từ suy tư chân thành sâu lắng trong tâm hồn, cái tốt và cái đẹp kết hợp với nhau [400d.e]. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho hội họa, kiến trúc, dệt, mộc và nhiều nghề tương tự [401a].
Giai đoạn này, giáo dục văn hoá là cốt yếu, vì nó thâm nhập sâu xa vào tâm hồn [401d]. Nếu tốt đẹp, nó giúp người trẻ ghét bỏ cái xấu cách hợp lý, đón nhận cái đẹp cách vui vẻ, và cứ thế tiến triển [401e-402]. Mục đích của giáo dục là hướng dẫn con người yêu quý cái đẹp [403c].
  • Thể chất
Tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện [402d]. Huấn luyện thể dục cần bắt đầu từ thiếu thời [403c] cách đơn giản và uyển chuyển [404b]. Việc ăn uống cũng như thế, để tránh hậu quả tai hại của đời sống phức tạp: âm nhạc cầu kỳ sinh phóng đãng, thức ăn phức tạp sinh bệnh hoạn [404e]. Quan tâm quá đáng tới sức khỏe là trở ngại lớn [407b], nhưng chăm sóc sức khỏe và tòa án là cần thiết. Y sĩ cũng như quan tòa cần có phẩm chất tương xứng. Y sĩ là người nắm vững y khoa, tiếp xúc với cơ thể bệnh tật càng sớm càng tốt, bản thân có kinh nghiệm với nhiều loại bệnh, và bẩm sinh ít khỏe mạnh [408d.e]. Quan tòa cần có tâm trí trong trắng từ khi còn nhỏ, phê phán đúng đắn. Họ có vẻ ngây thơ khi còn trẻ, dễ bị đánh lừa vì không có kinh nghiệm tương tự để nhạy cảm với cái xấu [409a]. Vì thế, quan tòa giỏi là người lớn tuổi, tự luyện nhiều năm để nhận định tính xấu xa không phải bởi kinh nghiệm cá nhân mà bởi ứng dụng tri thức [409b]. Đạo đức thiên phú khi được giáo dục có thể hiểu biết cái xấu cũng như bản thân [409d]. Với y sĩ và quan tòa như thế, công dân được chữa trị để có được thể chất và khí chất lành mạnh [410a].
Nếu nhấn mạnh quá đáng luyện tập thể dục, sẽ nảy sinh cứng cỏi; nếu quá nhấn mạnh giáo dục nghệ thuật thuần túy, sẽ biến thành mềm yếu; nếu kết hợp cả hai đúng cách sẽ vừa can đảm vừa tiết độ [410b-e].
3. Đào tạo triết gia – nhà lãnh đạo
Nhà lãnh đạo được chọn từ các binh sĩ với hai điều kiện. Thứ nhất là già giặn và giỏi hơn hết, có khả năng vượt trội về canh phòng; thứ hai là sẵn sàng đem hết năng lực trong đời để phục vụ [412]. Họ có nhiệm vụ chỉ huy [412b], binh sĩ thì vâng phục để giúp họ thực thi quyết định [414b].
  • Ra khỏi hang để Trở lại hang
Một mặt, phần III nhấn mạnh tính bẩm sinh “vàng” mà thần linh đặt trong nhà lãnh đạo [415a]. Mặt khác, phần VII nhấn mạnh vai trò của giáo dục [514a] trong phúng dụ về cái hang. Để một khi “ra khỏi hang” trở thành triết gia lúc hoàn thiện mình, họ “trở lại hang” trở thành nhà lãnh đạo giúp đồng loại.
Ra khỏi hang gồm hai giai đoạn [514-516]. Một là, người tù “không còn bị xiềng” để có thể “bỗng dưng” quay đầu, chuyển từ nhìn cái bóng sang nhìn sự vật. Lúc ấy, họ bị hoang mang giữa hình ảnh trong quá khứ và sự vật trước mắt. Họ phải đi vào kinh nghiệm của niềm tin, để tin rằng đây là vật thật, trước kia chỉ là bóng hình. Biến cố xảy ra trong hang với nguồn sáng là ngọn lửa. Hai là, người này “bị ép buộc” rời khỏi hang để có kinh nghiệm nhìn sự vật dưới ánh sáng mặt trời, sau đó là nhìn chính mặt trời, nguồn sáng đích thực. Họ bắt đầu nối kết được hình bóng với vật thật, và cuối cùng là cội nguồn. Quá trình nối kết là suy gẫm; khi hiểu thấu là đạt được tri thức. Thế giới trong hang là khả giác; thế giới ngoài hang là lý tính [517]. Hai cuộc chuyển đổi đều vất vả, nhưng người ta sẽ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để ra khỏi hang [516e].
Sau khi ra khỏi hang, chiêm ngưỡng cuộc đời siêu việt, người đó trở về hang với cuộc đời trần thế. Họ cũng trải qua hai giai đoạn. Thứ nhất, họ lạ lẫm vì đã quen với ánh sáng, bây giờ trở lại gặp bóng tối. Với trí hiểu khác đồng loại, cho dù cả hai sống cùng hoàn cảnh, họ có thể là trò cười cho người khác vì bị lóa mắt. Thứ hai, khi quen nhìn trong bóng tối, họ sẽ nhìn tốt hơn ngàn lần trước đây [520c]. Vì khi trước, họ chỉ chia sẻ đời sống cùng tù nhân [519d]; còn giờ đây, họ có thể giúp ích đồng bào với trách nhiệm chứ không bởi quyền hành vì họ phân biệt được chân thiện mỹ với ảo tưởng [520c].
Tuy vậy, lý do khả dĩ cho việc “ra khỏi hang” là gì? Đó là, khả năng học hỏi tồn tại tự nhiên trong tâm trí [518c]. Giáo dục không cho con người hiểu biết, nhưng giúp con người sử dụng khả năng hiểu biết vốn có. Con người có khả năng quay từ bóng tối sang ánh sáng, tâm trí có khả năng xoay từ thế giới biến dịch sang thực tại. Trên nền tảng này, giáo dục đưa ra phương pháp để giúp cho quá trình “xoay chuyển” được dễ dàng và hiệu quả [518]. Do đó, một mặt, phẩm chất của tâm trí là không bẩm sinh vì phải do rèn luyện; mặt khác, hiểu biết là bẩm sinh vì nó không bao giờ mất khả năng. Nó hữu ích nếu xoay theo chiều tốt, hoặc vô ích nếu theo ý hướng xấu. Thế nên, rèn luyện ý hướng phải thực hiện từ thời thơ ấu, và kiên trì trong suốt cuộc đời, mới mong đạt tới tri thức thuần túy [519].  
Tại sao triết gia phải “trở lại hang” để sống cuộc đời tăm tối trước kia? Là vì, người công chính cũng là người công bằng với người khác. Hạnh phúc không chỉ là thỏa mãn cá nhân, nhưng là hạnh phúc cho cộng đồng [519e]. Con người trở thành triết gia không chỉ do bẩm sinh “vàng”, mà còn do giáo dục. Giáo dục là do cộng đồng góp sức, do đó có trách nhiệm với cộng đồng là lẽ đương nhiên của lòng biết ơn. Hơn nữa, vì triết gia “thật” là người hành động và suy tư, phối hợp triết lý và chính trị vào cuộc đời, nên họ hiểu và sống lẽ công bằng hơn ai hết [520].
Nếu thế, phương pháp huấn luyện là gì? Huấn luyện thể dục liên hệ tới sự biến dịch: sự tăng trưởng và suy tàn của cơ thể [521e]; còn văn chương và âm nhạc giúp hài hòa nội tâm, không sản sinh hiểu biết [522a]. Tuy thế, cả hai giúp ích cho khả năng “nhớ lại” [522b], là chìa khóa mở ngỏ cho hiểu biết. Do vậy, hai môn học khác được đề nghị để giúp “xoay chuyển” tâm trí là: toán học và phép biện chứng.
  • Toán học
Toán học giúp lôi kéo tâm trí con người từ thế giới biến dịch sang thế giới thực tại [521d-522]. Bốn môn là: số học, hình học phẳng, hình học không gian, thiên văn học.
Số học giúp binh sĩ biết tính đếm, hiểu tổ chức quân đội [522]; giúp dẫn đưa con người cách tự nhiên tới hành động nhận thức [523a]. Nhận thức của giác quan tuy tốt nhưng biến dịch, còn con số thì giúp khả năng lý luận [525b], nhưng cần học miệt mài tới khi thấu hiểu với tư duy thuần túy [525c]. Hơn nữa, người giỏi số học hầu như giỏi mọi môn khác [526b], nên khi tập luyện số học, họ sẽ tiến bộ các môn khác nữa.
Nếu chỉ đào luyện binh sĩ, học sơ qua hình học là đủ [526d], nhưng để huấn luyện người chỉ huy, cần đào sâu môn học để ngắm nhìn thực tại thay vì thế giới biến dịch [526e]. Hình học lôi kéo tâm trí về với sự thật, hướng dẫn tâm trí nhìn lên [527b]. Vì lợi ích lớn lao nên phải học nó [527c].
Hình học không gian chưa có người phát triển vì môn học khó, nhà nước chưa quan tâm, và thiếu người hướng dẫn. Vì thế, nó được liệt kê sau thiên văn. Vì sự hấp dẫn của môn học, nên nó cần được quan tâm và nghiên cứu [528b].
Thiên văn giúp nắm vững lịch, ích lợi cho nông nghiệp, hàng hai, và quân sự [527d]. Sử dụng mắt cho thiên văn tương tự sử dụng tai cho hòa âm [530d]. Tuy vậy trong hòa âm và thiên văn, người ta dễ rơi vào vấn nạn: thích dùng kỹ thuật hơn quan tâm mục đích. Hữu ích nếu mục đích là tìm kiếm cái chân thiện mỹ; nếu ngược lại thì vô ích [531].
Như vậy, toán học là một phương tiện tốt chứ không phải tốt tự thân. Nó giúp rèn luyện khả năng hiểu biết, còn khả năng này hữu dụng hay vô ích là do mục đích hướng tới.
  • Phép biện chứng
Phép biện chứng giúp nhận biết chân thiện bằng tư duy thuần túy, khơi dậy và phát triển phần tinh hoa cao nhất của tâm trí, dẫn dắt tâm trí đi lên quan sát cái tuyệt hảo trong cái hiện hữu [532b]. Phép biện chứng là phương thức nghiên cứu duy nhất nhắm đến hiểu biết có hệ thống, có phương pháp, để ý từng sự vật, tất cả sự vật, trong chính bản chất của nó. Nó khác các “khoa học nhân văn” cũng như các “khoa học thực nghiệm” vì một bên quan tâm tới quan niệm của con người, bên kia quan tâm đến sự hình thành, cấu tạo, phát triển của sự vật. Nó cũng khác toán học, vì toán học nắm bắt được thực tại phần nào nhưng còn mơ hồ, vì phải dựa vào giả thiết. Phép biện chứng bỏ qua giả thiết và tiến thẳng đến nguyên lý đầu tiên để tìm cơ sở biện luận. Nó có khả năng kéo trí khôn ra khỏi vùng tăm tối cách nhẹ nhàng [533].
Con đường khám phá tri thức được trình bày cách biện chứng qua “lý thuyết đường chia”. Đường chia làm hai: trên là nhận thức, dưới là quan niệm. Nhận thức chia làm hai: trên là hiểu biết, dưới là suy gẫm. Quan niệm chia làm hai: trên là tin tưởng, dưới là hình dung. Nhận thức liên quan đến thực tại – hiện hữu, còn quan niệm liên quan đến thế giới hữu hình – biến dịch. Tương quan giữa hiện hữu và biến dịch tương tự như giữa nhận thức và quan niệm. Bốn cấp độ từ trên đi xuống là hiểu biết, suy gẫm, tin tưởng, hình dung. Tương quan giữa chúng rất năng động và chặt chẽ: năng động vì đa chiều, chặt chẽ vì theo cấp độ [533e-534a].
“Đường chia” là sự lý thuyết hóa phúng dụ cái hang. Một bên là thuần lý sâu sắc, bên kia là khả giác sống động. “Câu chuyện” đào tạo nhà lãnh đạo – triết gia có mở bài hay với phúng dụ cái hang, và kết thúc đẹp với lý thuyết đường chia.
Kết Luận
Bằng nghệ thuật đối thoại, ngôn ngữ hình ảnh, triết lý giáo dục được trình bày cách thuyết phục. Nghệ thuật đối thoại bộc lộ được tư tưởng cách đa chiều mà vẫn có được quan điểm chủ đạo. Các hình ảnh – cái hang, bóng tối, ánh sáng, cái bóng, ánh lửa, mặt trời, đường chia, con chó cao quý – vừa đẹp, rất thật, mà cao quý.
Như vậy, không có triết gia – nhà cai trị nếu trước đó không có binh sĩ, và sẽ không có binh sĩ nếu họ không được đào tạo ngay từ thủa nhỏ. Quan trọng là, giáo dục không cho tri thức nhưng giúp “hiện thực hóa” khả năng Tạo Hóa ban tặng. Công bằng được thực hiện nếu mọi thành phần biết phục vụ xứng với khả năng và trách nhiệm. Quả thật, triết lý giáo dục của Plato được đặt nền vững chắc trên hệ thống phức hợp toàn diện có tính tri thức luận của đạo đức và chính trị. Ông đã cẩn thận suy xét hầu hết đường nét chính trong giáo dục.[3
Vincent Vũ Tứ Quyết, S.J.
Học Viên Dự Bị Triết
Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên

THƯ MỤC THAM KHẢO

Plato, Cộng Hòa, dịch giả: Đỗ Khánh Hoan, ( Nxb Thế giới, 2013).
Allan Bloom, The Republic of Plato, 2nd edition, (Basicbooks, 1991).
Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, biên dịch: Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, (Nxb Lao Động, 2004).
Ariel Dillon, Education in Plato’s Republic, (presented at the Santa Clara University Student Ethics Research Conference May 26, 2004), http://www.scu.edu/ethics/publications/submitted/dillon/education_plato_republic.html/
D.C. and Siegel, Harvey, “Philosophy of Education”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Winter 2013 Edition), Edward N. Zalta (ed.), http://plato.stanford.edu/archives/win2013/entries/education-philosophy/.
Bobonich, Chris and Meadows, Katherine, “Plato on utopia”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Summer 2013 Edition), Edward N. Zalta (ed.), http://plato.stanford.edu/archives/sum2013/entries/plato-utopia/.
[1] X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, biên dịch: Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, (Nxb Lao Động, 2004), tr. 62-63.
[2] X. Plato, Cộng Hòa, dịch giả: Đỗ Khánh Hoan, ( Nxb Thế giới, 2013), số. [536d]; trong toàn bài viết, cách kí hiệu [ ] được dùng thống nhất cùng một ý nghĩa như trường hợp này.
[3] “A.N. Whitehead somewhere remarked that the history of Western philosophy is nothing but a series of footnotes to Plato, and if the Meno and the Laws are added to the Republic, the same is true of the history of educational thought and of philosophy of education in particular.” in D.C. and Siegel, Harvey, “Philosophy of Education”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Winter 2013 Edition), Edward N. Zalta (ed.),  
http://plato.stanford.edu/archives/win2013/entries/education-philosophy/.

Nguồn: Dòng Tên Net