Đạo Hiếu, một nét đặc-thù của văn-hoá Việt và Kitô-giáo

 
Đỗ Quang-Vinh
Toronto, Canada
"Một lòng thờ mẹ kính cha,
cho tròn chữ hiếu mới lằ đạo con" (1)

            Hiếu đối với cha mẹ, không phải chỉ là một nghĩa-vụ, mà là một đạo-lý. Nghĩa-vụ thì có tính-cách tiêu-cực, một bổn-phận bắt buộc phải chu-toàn; xét theo lẽ công-bằng, kẻ thụ-ân phải trả nợ ân-nhân (obligation, duty indicating what action ought to be taken).  
Còn đạo thì có tính-cách tích-cực, đó là đạo-lý hay đạo-tắc (ethics) thuộc về lương-tâm phân-biệt phải trái (principles distinguishing of right and wrong in human behaviour); xét theo tình liên-đới, nó dựa trên tình yêu thương, một thứ tình-cảm mạnh-mẽ, vô-tư và thiêng-liêng cao-cả thể-hiện nhân-phẩm, xác-định nhân-vị của con người so với muôn loài; đó là đạo làm người nói chung và đạo làm con nói riêng. Đạo này được đề-cao như một nét đặc-thù trong văn-hoá Việt-Nam và trong Ki-tô-giáo.

I-                   Đạo hiếu trong văn-hoá Việt-Nam

1.1-   Qua các tích xưa tập-quán
            Thần-thoại Thánh Gióng phi ngựa phá giặc Ân cứu dân giúp nước, kể rằng, sau khi đã được vua ban ngựa và áo mũ bằng sắt theo lời yêu cầu, cậu bé dị-thường làng Phù-Đổng đã xin thêm vua hai điều: một bữa ăn thịnh-soạn, và một số vàng bạc để cậu đền ơn sinh-thành cho tròn đạo hiếu.
            Cổ-tích còn nhắc lại anh chồng kia, cực chẳng đã, phải dùng đến kế mài dao doạ giết mẹ mới khiến vợ mình sợ hãi mà chừa thói nặng lời với mẹ già, đem lại an vui cho nhà cửa. Một Nguyễn-Áng trong truyện xưa đánh cọp trả thù cho cha, hay chuyện anh nhà quê nghèo nàn dệt lụa để kiếm tiền chôn cất thi-hài cha vẫn còn là những bài học sống động nêu gương lòng hiếu thảo.
            Lịch-sử ghi chép vua Lê-thánh-Tôn là bậc minh-quân văn võ toàn tài, chăm lo việc nước nhất là có hiếu với mẹ. Vua Tự-Đức được truyền-tụng là người con chí-hiếu. Đi săn bị lạc khiến bà Thái-hậu lo-âu, trở về thì trời đã tối, biết lỗi mình, nhà vua vào ngay nội-cung trình-diện bà mẹ khi ấy đang giận dỗi ngồi quay mặt vào tường. Ông dâng roi lên rồi nằm sấp xuống chờ mẹ đánh đòn. Vua Lý-Thái-Tôn lập lệ hàng năm các quan phải đến đền Đồng-Cổ (làng Yên-Thái, Hà-Nội) để làm lễ đọc lời thề: "Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; ai bất hiếu bất trung, xin quỷ thần trị tội".
            Văn-học-sử còn ghi đậm nét son về đức hiếu của Nguyễn-đình-Chiểu. Chính tác-giả và nhân vật Lục-Vân-Tiên trong tác-phẩm danh-truyền của cụ đã khóc quá hoá mù, bỏ dở trường thi để về cư tang mẹ. Nguyễn-Trãi được hậu-thế vinh danh không phải chỉ do lòng yêu nước dạt-dào hay tài thao-lược chính-trị mà còn ở lòng ông tha-thiết với nền đạo-lý qua tác-phẩm Gia-Huấn-Ca làm khuôn vàng thước ngọc trong đó có bổn-phận làm con phải tròn chữ hiếu với mẹ cha. Chính ông đã thực-hành đạo hiếu một cách sáng-suốt: Thân-phụ ông là Nguyễn-phi-Khanh bị bắt giải về  Tàu, Nguyễn-Trãi theo cha để phụng-dưỡng, tới biên-giới, thân-phụ bảo ông trở về để lo "chống giặc cứu nước, trả thù nhà, mới là đại-hiếu", Nguyễn-Trãi đã trở về làm tròn lời cha căn-dặn.
            Do ảnh-hưởng của Phật-giáo trong triết-hệ Tam Giáo, hàng năm dân ta vẫn có tập tục cầu siêu cho cha mẹ trong ngày lễ Vu-Lan. Gạt đi những hủ-tục vô-lý do hủ-nho bày ra, ý-nghĩa cốt lõi trong các tích xưa, tập-quán vẫn là đề-cao đức hiếu.

1.2- Qua văn-chương truyền miệng
            Văn-học dân-gian đã tóm-tắt đạo hiếu là lòng thảo-kính cha mẹ
            a) Hiếu trước hết là kính yêu cha mẹ:
            Thường thì đôi bạn trăm năm sống với nhau ba phần tư cuộc đời. Con cái ở với cha mẹ chỉ có một phần tư đời sống. Tình đầu gối tay ấp dẫu cho lâu dài thắm-thiết vẫn không sâu đậm bằng tình đối với mẹ cha. Một đằng do ngẫu-biến nảy nở, một đằng do bẩm-sinh thâm-căn trong khí-huyết cốt tuỷ; một đằng có thể biến chất cùng với hoàn-cảnh tháng năm, một đằng trường-tồn trong không-gian và trong thời-gian. Lòng kính yêu cha mẹ được cụ-thể-hoá bằng lòng hiếu-thảo. Tình yêu thương giữa đôi bạn trăm năm được củng-cố bằng nghĩa vợ chồng.
            Cho nên "duyên hội-ngộ, đức cù-lao, bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?", nàng Kiều đành "để lời thệ-hải minh-sơn, làm con quyết phải đền ơn sinh thành" là thế.
            Nếu xuất giá theo chồng, con vẫn canh-cánh trong lòng niềm mến yêu trọng kính, con lạy mẹ cha vì con nghĩ đến ơn mẹ bao-la, và tưởng đến công cha cao trọng mà quyền cha con hằng tôn-kính:
            "Lạy cha ba lạy một quỳ,
            Lạy mẹ bốn lạy , con đi lấy chồng" (1)
            Người con trai ra đi buôn bán đường xa, không quên căn-dặn vợ phải ngọt-ngào với song thân:
            "Anh cậy em chăm sóc trăm đường,
            Để anh buôn bán trẩy chương thông-hành.
            Còn chút mẹ già em nuôi lấy thay anh,
            Để anh buôn bán thông-hành đường xa,
            Liệu mà thờ mẹ kính cha,
            Đừng lời nặng nhẹ, người ta chê cười" (1)
Xa rồi, thương cha nhớ mẹ là nỗi băn-khoăn hàng đầu:
            "Gửi thư thăm hết nội nhà,
            Trước thăm phụ-mẫu sau là thăm em" (1)
Cho nên vợ chàng đâu dám lỗi đạo dâu con:
            "Anh đi em ở lại nhà,
            Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ" (1)
Cho nên khi chồng ruổi-rong nơi trận-mạc, chinh-phụ ở nhà thay chồng lo tròn đạo hiếu:
            "Ngọt bùi thiếp đã hiếu-nam,
            Dạy con đèn sách thiếp làm phụ-thân" (4)
Khi cha mẹ dạy điều hay lẽ phải thì chẳng dám trái lời, ấy là tỏ lòng kính yêu cha mẹ:
            "Mẹ cha là biển là trời,
            Làm con đâu dám cãi lời mẹ cha" (1)
Bởi vì:
            "Cá không ăn muối cá ươn,
            Con cãi cha mẹ trăm đường con hư" (1)

            b) Sau nữa, hiếu phải đi đôi với thảo:
            "Đầy bát mới dát xuống mâm". Thảo là thể-hiện bên ngoài của lòng Hiếu. Miệng kính yêu, mà bỏ rơi không đoái hoài, sao gọi là thảo? Cho nên nói hiếu-thảo là vậy. Ấy là nghĩa-vụ báo đáp công ơn , vì:
            "Công cha như núi Thái-Sơn,
            Ơn mẹ như nước trong nguồn chảy ra" (1)
Công ơn ấy khôn thấu, chỉ khi thành gia-thất may ra con mới hiểu. "Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ":
            "Lên non mới biết non cao,
            Nuôi con mới biết công-lao mẫu-từ " (1)
Công ơn ấy không phải chỉ là những cực nhọc thể-chất mong cho con được lớn khôn:
            "Miệng ru mắt nhỏ đôi hàng,
            Nuôi con càng lớn, mẹ càng lo thêm" (1)
mà còn là khắc-khoải lo gây dựng cho con nên người:
            "Mẹ nuôi con bấy lâu rồi,
            Nuôi con khôn lớn thành người mới nghe" (1)
Công ơn ấy còn là công-trình giáo-dục để con đủ sức vượt qua những chông gai cạm bẫy ở đời:
            "Con ơi, nghe lấy lời cha,
            Gió to sóng cả, chớ qua sông rừng" (1)
Dạy con lương-thiện, là mong con, nối được nghiệp nhà, rạng đức tổ-tông:
            "Có con gây dựng cho con,
            Gọi là nối đức tổ-tông dõi truyền" (1)
Vì lẽ "con hơn cha nhà có phúc", con cái làm được như thế cũng là một cách báo-hiếu vậy:
            "Làm sao giữ trọn đạo ba,
            Sau dầu có thác cũng là thơm danh " (1)
Công ơn ấy khôn lường, lớn-lao như biển rộng trời cao mà lòng con thì hẹp hòi sao sánh cho bằng:
            "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,
            Con nuôi cha mẹ, con kể từng ngày" (1)
Vì vậy, "trẻ cậy cha, già cậy con", người con thảo không sao lãng việc chăm sóc, phụng dưỡng mẹ cha:
            "Ba tiền một khúc cá buôi,
            Cũng mua cho đặng mà nuôi mẹ già,
            Đói lòng ăn đọt chà-là,
            Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng
            Mẹ già ở túp lều tranh,
            Sớm thăm, tối viếng, mới đành dạ con" (1)
Bởi vì tuy "có tiền mua tiên cũng được", nhưng cha mẹ thì không thể ra chợ mua về. Cho nên người con hiếu-thảo chỉ lo một ngày kia lâm cảnh mồ-côi vắng cha mất mẹ, và hằng cầu mong cho cha mẹ được trường thọ để mà chăm sóc sớm hôm:
            "Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời ,
            Cầu cho cha mẹ sống đời với con" (1)

II-                Đạo hiếu trong ki-tô-giáo

2.1- qua lời Chúa truyền dạy
            a) Chúa buộc phải thảo kính cha mẹ
            Trong mười giới-răn Thiên-Chúa truyền dạy, ba giới răn đầu dành cho tình yêu đối với Thiên-Chúa. Giới-răn thư tư kế-tiếp dạy "phải thảo kính cha mẹ".
            Luật Cựu-Ước trừng phạt tội bất hiếu như sau: "Ai đánh trả cha mẹ thì phải chết. Ai bất hiếu với cha mẹ cũng phải tội chết (Xuất Hành. 21, 15-17), và lên án nặng-nề những ai khinh dể bất kính, bỏ rơi cha mẹ: "Quạ sẽ mổ và phượng-hoàng sẽ xâu-xé con mắt nào lườm nguýt, khinh dể tuổi già của mẹ" (Cách-ngôn. 30-17).
            Chính đức Ki-Tô là gương mẫu của lòng hiếu-thảo khi Người vâng nhận sứ-mạng cứu-độ do Thiên-Chúa Cha trao phó. Trên thập-giá,  nhấp xong giấm đắng, Người nói: "Thế là đã hoàn-tất" (Gio-an 20, 30)  Khi còn thơ-ấu, Người đã sống với cha mẹ tại Na-gia-rét và tuân phục các Ngài. (Luca. 2, 41-51). Cho tới lúc chết, Người vẫn tỏ lòng yêu mến thân-mẫu Maria, săn-sóc Mẹ, khi Người nhìn môn-đệ Gio-an và Mẹ Người mà trăng-trối: "Thưa Bà, đây là con của Bà" và "Đây là Mẹ của con" (Gio-an 19, 25-27)
            Thư thánh Phao-lô cũng viết: "Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều làm đẹp lòng Chúa" (Cô-lô-xê. 3, 20)
            Chúa cũng buộc phải hết lòng thảo với cha mẹ. Luật Cựu-Uớc dạy con cái phải chăm sóc tuổi già của cha mẹ: "Con ơi, hãy giúp đỡ cha con trong lúc già yếu, con chớ làm cực lòng Người" (Đức-Huấn. 3, 12) và "Con hãy kính trọng mẹ con, chớ có bỏ rơi Người một ngày nào trên đời, vì này con ơi, con phải nhớ rằng mẹ con đã hy-sinh chịu gian khổ hiểm nghèo biết bao nhiêu vì con!" (Tô-bi-a. 4, 3)
            Bởi vậy giáo-lý Công-Giáo dạy rằng dẫu khi cha mẹ không sống theo thánh-ý Chúa thì người con vẫn phải thảo kính cha mẹ, hằng cầu-nguyện cho các ngài trở về với Chúa. Ước mong cho các Ngài phải cực khổ cho bõ ghét, bỏ rơi không giúp đờ săn-sóc các ngài khi già lão yếu đau, càng làm cho các ngài phải buồn lòng thì càng khiến các ngài mất ơn Chúa, như vậy là bất hiếu.
            b) vì Cha mẹ thay mặt Thiên-Chúa
            Thật vậy, Thiên-Chúa đã lấy tình Cha mà giáo-dục ta, thì cha mẹ cũng thế. Thánh-thư viết rằng: "Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi người khiển-trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt............Vả lại, chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng phải phục tùng Cha trên trời để được sống" (Do-Thái. 12, 5-9)
            Giáo-dục của Ki-Tô-giáo đặt trên nguyên-tắc Chúa là nhà giáo-dục chính-yếu, cha mẹ là người thay mặt Chúa để dưỡng-dục con cái mình cũng là con cái của Chúa (Cách-ngôn. 3, 11-12). Cho nên giáo-lý buộc: "Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh-thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh-phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo-dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy (Ê-phê-xô. 6, 1-4)

2.2- qua văn-học Công-giáo Việt-nam

            Những bài ca vè của "Cụ Sáu" Trần-Lục đã trở thành văn-chương truyền miệng khắp nơi. Những tác-phẩm Hiếu-Tự-Ca, Nịch-Ái Vong Ân, Nữ-Tắc Thường-Lệ của Ngài diễn-giải thành ca-dao các điều giáo-huấn của nền giáo-dục Ki-Tô-Giáo Việt, trong đó đạo Hiếu được Ngài phân-tích thật tỉ-mỉ và sâu sắc, một thứ Gia-Huấn-Ca thật tuyệt-vời.
            Đạo Hiếu không cho phép con cái ăn ở bội-bạc với cha mẹ:
            "Có cha mẹ mới có mình
            Làm con ta ở vô tình sao nên (3)
            Lẽ thứ nhất là vì
            "Làm người sống ở thế-gian,
            Ai không đội đức cao-san nặng dày.
            Nói sao cho hết cho rồi,
            Biết bao khí-huyết tài bồi cho ta,
            Phần hồn thì Chúa sinh ra,
            Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành,
            Phụ-tinh mẫu-huyết đúc hình,
            Cho ta toàn vẹn mà sinh làm người" (2)
            Lẽ thứ hai là vì:
            "Hãy lắng tai nghe lời Chúa hứa:
            Ai hết lòng thảo-hiếu mẹ cha,
            Sẽ ban phần thưởng này là,
            Sống lâu dưới thế để mà trả công.
            Về sau phúc trọng muôn phần,
            Chúa còn trả lại vô cùng hẹp chi" (2)
            Quan-trọng hơn nữa vì cha mẹ là hình-ảnh của Chúa:
            "Tiên vàn thảo-kính mẹ cha,
            Coi như thể thật là Chúa Dêu.
            Trong lòng, ngoài miệng mọi điều,
            Việc làm lớn bé phải theo ý Người" (3)
            Cha mẹ nuôi con bằng mắt, tai, mũi, miệng và chân tay, thì con cái cũng phải báo đền công ơn cha mẹ qua các giác-quan này. Chẳng hạn:
            "Chớ điều mắt ngược mắt lăng,
            Chớ điều trừng-trộ nghiến răng chau mày" (2)
hoặc là:
            "Chớ điều nặng nhẹ tri-trăng,
            Chớ điều lủng-bủng vùng-vằng cãi đôi.
            Chớ điều nói một đối mười,
            Chớ có nửa lời đối cãi tri-trô" (2)
            Cũng chớ nghe vợ mà khinh dể mẹ cha:
            "Lời khôn cha mẹ thì khinh,
            Những lời vợ dạy thì binh rầm rầm...
            Bây giờ lấy được vợ rồi,
            Lắng tai nghe tiếng vợ xui phụ tình...
            Vì sự bênh lấy lời vợ nói,
            Hoá sinh điều ánh-ỏi xôn-xao" (2)
            Những đoạn ca vè trên đây quả thật đã tóm-tắt đầy-đủ ý-nghĩa của giới răn thứ tư và lời dạy trong các thánh-thư, phù-hợp với tinh-thần dân-tộc Việt. Chính những bài này đã hun-đúc lòng đạo-đức của giáo-dân phát-Diệm nói riêng và Ki-tô-hữu Việt-Nam nói chung.



Kết-luận

            Đạo Hiếu là một trong những nét đặc-thù của văn-hoá Việt-Nam. Đây là một bài học cho những ai chối bỏ hoặc chưa hiểu văn-hoá Việt. Từ hơn một nửa thế-kỷ nay, chủ-nghĩa duy-vật vô-thần đã giơ chân đạp đổ gia-đình làm băng-hoại cả một thế-hệ, không biết bao lâu mới có thể phục-hồi. Người ta không những chỉ dạy cho trẻ em phải rình-rập tố-cáo cha mẹ, lại còn trong cương-vị lãnh-đạo quốc-gia đã tự nêu gương đích thân đấu-tố đấng sinh-thành (5). Cái gọi là "mười điều răn Bác Hồ dạy" nhồi nhét vào đầu óc thiếu-nhi không có một điều nào dạy thảo-kính cha mẹ, mà chỉ nói đến tôn sùng cá-nhân lãnh-tụ; người ta muốn thay-thế "mười điều răn Chúa dạy" của một tôn-giáo vốn được coi là nghịch-thù, lẽ dễ hiểu vì chính Trời là Đấng Tối-Cao còn bị người ta ngạo-mạn hạ bệ huống nữa là cha mẹ, người ta nói rằng:
            "Thằng Trời hãy đứng một bên,
            Để ông thuỷ-lợi đứng lên làm Trời" (6)
            Tại nơi tha-phương, chủ-nghĩa tự-do cá-nhân đang lôi kéo thanh thiếu-nhiên quay lưng lại với cha mẹ. Cha mẹ già yếu ư? Thì nhà dưỡng-lão đó! Cha mẹ mắng mỏ, khuyên can, nghiêm phạt con cái sắp sa chân vào cạm bẫy ư? Coi chừng! cha mẹ có thể bị mách và bị phạt về tội bạo-hành, lạm-dụng (abuse), vì con cái đã được giáo-dục như thế. Đây cũng còn là một giải-đáp cho những ai bảo rằng theo đạo Thiên-Chúa thì lỗi đạo hiếu với mẹ cha, vì mất cúng giỗ. Ngoài những giới-luật như đã thấy, các kinh nguyện và trong thánh-lễ hàng ngày luôn luôn có lời cầu cho cha mẹ tổ-tiên. Hàng năm cũng có lễ cầu hồn cho người quá cố, cho tiên-nhân thân-thuộc. Tết nguyên-Đán, giáo-hội này vẫn có tập-tục dành riêng một ngày để tưởng-niệm và cầu nguyện cho tổ-tiên. Công-đồng Vaticano II đã canh-tân cho phép các giáo-hội địa-phương áp-dụng trong phụng-vụ nghi-thức cổ-truyền của mình theo tập-quán. Bởi vì đạo Thiên-Chúa là đạo tình yêu, yêu tha-nhân như yêu chính mình, không lý gì lại không hiếu-thảo với cha mẹ như một đạo-lý, nhất là cha mẹ được coi là hình-ảnh, là đại-diện của Thiên-Chúa nơi trần-gian. Trong những bối-cảnh ấy, hơn bao giờ hết, đạo Hiếu chính là niềm vinh-dự của văn-hoá Việt-Nam và là niềm tự-hào của Ki-Tô-Giáo vậy.
            Chú thích
(1) Ca-dao Việt-Nam
(2) "Kỷ-Yếu Phát-Diệm", kỷ-niệm 100 năm,  trang 231-233.
(3) bài "Nịch-Ái Vong-Ân" và "Nữ-Tắc Thường-Lệ" trích từ "Linh-Mục Trần-Lục, nhà văn công-giáo" của Võ-long-Tê, trong tạp-chí Định-Hướng số 11, trang 98 và 101
(4) Đoàn-thị-Điểm, Chinh-Phụ-Ngâm khúc
(5) Ông Trường-Chinh, Tổng bí-thư Đảng CSVN
(6)    Đỗ Quang-Vinh, "Tiếng Việt Tuyệt-Vời", tgxb, Toronto, ấn-bản lần 2 năm 2000, trang 232)