Cộng đồng dân tộc Việt và cộng đồng nhân loại.


                                                                                                                     Nguyễn Quang

Thế giới ngày nay qua công nghệ thông tin, con người gần gũi nhau hơn như sống dưới một mái nhà chung. Nhưng kỹ thuật mà trượt trên đường bá đạo thì nguyền rủa nhau hơn là đối thoại. Quả vậy con người tiến bộ văn minh hoàn hảo không phải từ khoa học kỹ thuật mà một cách sâu xa hơn biết tôn trọng nhân phẩm con người.
Ngay từ những ngày đầu lập quốc Tổ tiên người Việt đã dựng nên truyền thuyết Bà Âu Cơ sinh ra cái bọc với trăm cái trứng nở ra trăm người con để nói lên với hậu thế phải biết đùm bọc mới sinh tồn. Người Việt luôn biết tế Thiên tế Địa: Kính Trời, yêu người chính là chu toàn luật pháp trong nhà nước tự nhiên nguyên thủy của người Việt.

Nhân cách cá nhân và xã hội: Đặc tính của xã hội loài người là sự thăng tiến nhân cách cá nhân và sự phát triển xã hội lệ thuộc nhau. Thật vậy chính sự phụ thuộc lẫn nhau và nhờ đối thoại con người thăng hoa với mọi khả năng và trở nên viên mãn trong nhân cách chính mình: Esto Vir - thành nhân. Song bên cạnh đó do tính ích kỷ, kiêu ngạo của con người cũng là nguyên nhân biến môi trường xã hội suy đồi. Thiếu niên tại VN qua mạng internet toàn cầu đã bị tiêm nhiễm xấu nhiều hơn tiếp thu điều tốt, nên khi mới ở ngưỡng cửa cuộc đời chúng đã bị lôi kéo làm điều ác và xa lánh dần bố mẹ, ông bà, người thân… chúng không thích làm điều thiện. Quả thật với bao cái nghiện đồi bại của người lớn ở thượng tầng, trong đó có sự vong thân chìm đắm trong bá đạo – đó chính là nguyên nhân làm cho môi trường xã hội suy đồi và một khi trật tự xã hội bị đảo lộn do hậu quả của bạo tàn… tất nhiên khuynh hướng xã hội sẽ nghiêng hẳn về sự xấu như hiện nay. Kể cả các tôn giáo tại Việt Nam trước một chế độ toàn trị độc ác cũng thuần phục và cùng nắm tay nhau lê bước đến hụt hẫng trong tha hoá. 

Thế giới ngày nay càng mở rộng tầm phổ quát hơn và do đó bao hàm những quyền lợi và nghĩa vụ của toàn nhân loại. Mỗi cá nhân được hưởng những lợi ích và đồng thời có bổn phận tôn trọng các giá trị của toàn thể gia đình nhân loại.

Nhân cách phổ quát: Do con người càng ý thức hơn về phẩm giá cao trọng của nhân cách, nên môi trường xã hội cần phải tạo điều kiện cho con người được hưởng tất cả những giá trị thiết yếu mà con người cần phải có để có thể thật sự sống đời sống của con người như: của ăn, của mặc, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa cuộc sống, hôn nhân gia đình, quyền được giáo dục, lao động, bảo vệ danh dự, quyền được kính trọng nhân phẩm, quyền ngôn luận, quyền hành động theo lương tâm chính trực, quyền bảo vệ cuộc sống riêng tư, tôn trọng tâm linh. Có thể nói, một xã hội văn minh luôn nhằm bảo vệ, phát huy các nhân cách cá nhân bởi vì trật tự của cộng đồng luôn lệ thuộc vào trật tự của các nhân cách cá nhân. Không thể có một xã hội bình thường với toàn người điên. Trật tự này phải được đặt trên yếu tính tự do, công bình . Vì sự tự do, quân bình nơi mỗi cá nhân là nền tảng cho sự quân bình thật sự cho toàn xã hội. Muốn được điều này, riêng môi trường Việt Nam hiện tại phải thay đổi tận căn để nơi mỗi cá nhân mà trước hết khởi đi từ ngay các tôn giáo - những giá trị tinh thần đã bén rễ sâu trên đất nước này. Đây phải nói là bổn phận của các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo: Hãy làm lại chính mình để xây dựng lại Giáo hội, để thay đổi nếp sống, nếp nghĩ đang lệch lạc trầm trọng của một dân tộc.

Xin đừng chờ những người dân chân chất xứ này sẽ đứng lên làm lại các cha, thầy, nếu như vậy thời đạo chưa nhập thể hay thấm nhuần trong lòng dân tộc. Thà có một thứ Đại học bên ngoài đại học vẫn hơn thứ đại học tôn giáo truyền dạy thứ chủ nghĩa Mác Lê và xem đó không phải như yếu tố phụ khi cần thiết nên phải học mà nó lại trở thành thuộc tính thiết yếu làm cây gậy dẫn đường cho tôn giáo khiến ngay từ nền tảng lý thuyết với các các loại Viện Phật học, Đại chủng viện kiểu này đã mặc cho mình chiếc áo ngụy tín, đến an tâm trở nên thuần thục và vong thân lúc nào không hay biết; thà có Linh mục chui còn hơn phải hối lộ đút lót cho Mặt trận tổ quốc năm, mười triệu để được chịu chức… Ông Sư, Ông Cha nào bây giờ cũng biết dùng chữ lách, than ôi con đường đến với Chúa với Phật không phải là lách mà vì đó là con đường công chính, con đường đến với chân tâm… Quả là các Giáo hội đã thật sự vong thân trên đất nước này trước bạo quyền.

Như vậy để có sự tôn trọng chính mình, trước hết mỗi người phải biết tôn trọng sự sống của nhau, những ai nhận làm nghề lãnh đạo hãy cùng mọi người quan tâm đến những phương tiện cần thiết hầu giúp con người sống một cách xứng đáng, đừng biến cả nước thành nhà tù “hãy cho chúng ăn thật ít và bắt chúng làm thật nhiều”, hay cho chúng ăn thoả mái thật no nhưng toàn đồ nhơ bẩn bậy bạ… Tất cả những ai đi ngược với chính sự sống như giết người, diệt chủng, phá thai, hành hạ thân xác và tâm thần con người, giam cầm vô cớ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em… chính là thước đo làm thối nát nền văn minh nhân loại của giới lãnh đạo đương thời quốc gia nào đó.

Kính trọng tha nhân: con người văn minh là con người biết tự kiềm chế, biết tôn trọng những người không cùng cảm nghĩ với mình trong những vấn đề xã hội kể cả tôn giáo. Cho nên đối thoại chính là yếu tố trước tiên trong tình nhân ái với đồng loại vì ngay cả những người lầm lỗi vẫn còn yếu tính nhân phẩm, trên nền tảng này mỗi cá nhân đều có thể làm lại chính mình nếu biết khởi đầu.

Dân tộc Việt có truyền thống triết lý Phật giáo trong khoan dung và Ki Tô giáo: “hãy thương yêu kẻ thù nghịch mình, cứ làm ơn cho kẻ ghét mình, lại cầu nguyện cho những người bắt bớ vu oan cho ngươi nữa”. Mt.5, 43-44.

Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ: Có những tập đoàn thống trị ngoài miệng thì hô hào “bốn phương vô sản đều là anh em”, đại lượng lắm! Song, thực tế khi nắm được chính quyền họ không còn quan tâm đến các nhu cầu xã hội, nếu có chỉ trên bình diện các chiêu bài, mọi phương tiện cho quyền lực thống trị cùng với các đặc quyền cho tập đoàn thống trị. Họ coi thường các luật lệ mang tính công ước quốc tế. Họ không ngần ngại gian lận kể cả lừa đảo trốn thuế trong khi buộc người dân phải nộp đủ thứ thuế.

Họ sống ngoài vòng pháp luật ngay chính thứ luật pháp mà họ dựng lên và xem thường thuần phong mỹ tục như Tổng thanh tra nhà nước đi ăn hối lộ, Tổng bí thư mắc chứng tâm thần mà vẫn cứ được chọn làm “vua”, các bí thư hiếp dâm, mua dâm trẻ em… đó là chưa kể sự nhặng xị giữa họ với nhau. Các thứ trưởng mang hàng triệu đô đi đánh bạc tà dâm, các lãnh tụ thanh niên thành đoàn quay cóp, mua bằng cấp. Việc mua bán văn bằng được tổ chức tại chính những cơ quan giáo dục đầu não đảng bộ cộng sản.

Do đó, ngay bây giờ để cứu dân tộc, mỗi người đều phải nhìn nhận và tôn trọng những liên đới xã hội như một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người. Cần phải vượt qua cái tôi cá nhân thiếu văn hoá, phạm thuần phong đầy bản năng duy vật. Điều này chỉ thực hiện được khi mỗi người dân Việt trau dồi nơi chính con người mình những đức tính thanh sạch, liêm khiết, ngay thẳng từ bên trong và rồi mang những đức tính ấy gieo cấy, vun trồng ngoài xã hội. Có như vậy, dân tộc Việt mới có một sự khởi đầu kiến tạo mới.

Trách nhiệm và hợp tác: Phần lớn các lãnh tụ Á đông lên lãnh đạo theo con đường sàng lọc qua kinh nghiệm hơn là được đào tạo từ những trường chính quy mang tính chất như “trường đào tạo các Quân vương”. Cho nên trong một xã hội tương đối có trật tự để được dân bầu, những người đại diện phải được giáo dục chu đáo để có văn hoá sâu rộng hơn.

Hãy giáo dục những người trẻ thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, hầu mai hậu có những người tài giỏi - những chuyên gia trong mọi lĩnh vực, nhất là có một triết lý sống về tinh thần của một tâm hồn cao thượng. Tự do của con người dường như mất hẳn đi khi hoàn cảnh con người rơi vào nghèo đói cũng như bị hạ giá khi rơi vào dục vọng khả giác. Trái lại tự do đích thực được thăng tiến khi con người sống là sống với - xem những mối liên hệ với tha nhân đó là tình liên đới đồng loại. Tổ tiên người Việt đã dựng nước không để sống riêng rẽ nhưng để tạo nên sự liên kết xã hội. Tính chất cộng đoàn này khởi đi không chỉ từ nhân cách cá nhân như các phần tử của cộng đoàn, mà những liên hệ thuộc về gia đình là nền tảng nguồn gốc phát sinh những liên hệ xã hội.

Thật vậy, khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả đều phục vụ xã hội một cách có hiệu quả trong niềm tin về một xã hội bền vững có gia đình hạnh phúc, phồn vinh.

Sinh hoạt của con người xuất phát từ con người nên cũng qui hướng về con người. Khi con người làm việc không những biến đổi thế giới tự nhiên mà còn cải thiện chính mình. Giá trị của con người ở “cái tôi đang là”, cái hữu thể đang thể hiện tính thể của nó chứ không phải “cái tôi đang tồn tại”. Vậy cá nhân cũng như tập thể không thể sống như nước chảy bèo trôi “cái tôi tha hoá” trong ý thức kiện toàn cộng đồng nhân loại.

Nguyễn Quang
Viện Nhân Quyền VN
***