Hoang Tưởng Kỳ Quái Trong Chiến Tranh


TÂM LÝ THẦN KINH CHIẾN TRANH VN 2

                                                                           Nguyễn Quang

Trong nửa thế kỷ qua, người Việt Nam cùng nhiều dân tộc khác bị các hội chứng tâm lý thần kinh chiến tranh từ nhẹ đến điên loạn.

Nạn nhân chiến tranh có những hành vi thực hiện không theo ý muốn bản thân mà do sự chi phối bên ngoài, như đưa tay lên, liếc mắt nhìn đều do tác động từ bên ngoài trong ám ảnh chiến tranh và có thể chết không kịp trối đến nơi. Sự cảnh giác tối đa của các nạn nhân chiến tranh dần dần khiến họ trở nên phản xạ tự nhiên, như khi thấy có bóng dáng máy bay lượn trên bầu trời theo từng loại máy bay họ có thể đoán biết chuyện gì sẽ xảy ra, đó là máy bay quan sát hay ném bom… nghe tiếng chó sủa về đêm liền biết đó là Việt cộng về làng, trong lo sợ bị kêu cửa và người nào trong các trại định cư cũng lo lắng không biết số phận sẽ như thế nào, có thể bị kêu tên và mang ra bắn tại chỗ còn nếu kêu cửa mà không có chuyện gì thì hôm sau phe miền Nam sẽ đâm nghi ngờ cán bộ Việt cộng giao nhiệm vụ gì đây và không tình nào đáng sợ bằng bị tình nghi trong chiến tranh. Họ biết rất rõ như con thú dữ đang hành hạ miếng mồi chính các công dân, nhưng không biết cách nào khác để thoát miếng mồi lại là đồng loại trong miệng con thú dữ, chỉ biết mình bị ngoạp, ngậm, bị nhai nghiến trong đau đớn cho đến chết… dưới bàn tay các thần sản xuất vũ khí và thần tạo chiến tranh để tiêu thụ bom mìn, đạn dược.

Với hoang tưởng bị theo dõi và bị chi phối có hệ thống. Người bệnh bị vong thân, họ không còn là chính mình nữa và hoàn toàn nằm trong tay quyền lực của kẻ theo dõi. Thường gặp trong bệnh tâm thần phân liệt, loạn tâm thần phản ứng, như trước sự khủng bố quá tàn nhẫn của những người cộng sản, nhiều người dân sống trong tình trạng người không ra người, thân xác còn đó trong đau ốm bệnh tật vì hoảng loạn, có kẻ thân tàn ma dại không còn biết mình là ai: Tôi đang còn sống hay đã chết? Nếu còn sống thì tôi có phải là một con người? Hay tôi là hiện thân của một sự hoá kiếp nên không có hình thù của con người?

Những chứng hoang tưởng kỳ quái thường gặp trong tâm thần phân liệt, là sự kết hợp giữa hoang tưởng bị theo dõi và hoang tưởng bị chi phối có hệ thống với hoang tưởng tự cao kỳ quái như mơ mộng, những hiện tượng tâm thần tự động kèm theo nhớ bịa. Nạn nhân ngoài việc than vãn đang bị theo dõi, bị chi phối còn tự cho mình có sức mạnh, có quyền thế trên thế giới, nắm chính quyền khắp hoàn vũ, nhiều vợ đẹp, phát minh nhiều định luật mới trong khoa học, xây dựng một thiên đường trên trái đất và là một siêu nhân… Nhiều nạn nhân mang chứng hoang tưởng kỳ quái này như tự cho mình nhờ thường xuyên ngồi tọa thiền và nghĩ mình đã thành tiên, nên có thể đoán biết mọi chuyện như ai sẽ chết, song thường chỉ nói lời phán đoán một cách xác quyết sau khi có người đã chết. Hoặc nghĩ mình tầm cở lớn lắm nên mới cầm tinh những người này, trong hoang tưởng loại này những người cao niên hoặc đã từng có những chức vụ trong làng trước đây hay mắc phải.

Từ sợ hãi thái quá đến sức khoẻ của chính mình như nghĩ rằng mình đang bị ung thư, mắc bệnh truyền nhiễm, ung thư, các cơ quan nội tạng đã bị hỏng hết. Hội chứng nghi bệnh có thể xuất hiện trên cơ sở một bệnh có thật song bị phóng đại quá mức, có thể xuất hiện như một hoang tưởng không căn cứ vào thực tế hoặc như một mối lo lắng kéo dài dù bệnh tình đã khỏi. Hội chứng nghi bệnh thường kết hợp với các hội chứng khác như ám ảnh, trầm cảm… thường gặp trong bệnh tâm thần phân liệt, trầm cảm thoái triển.

Các nạn nhân sau một thời gian dài sống và chịu đựng trong chiến tranh, họ trở thành nạn nhân hay cũng là nhân chứng trước những cái chết đau thương của các người thân hoặc láng giềng khác, họ nghĩ đến số phận của chính mình nên có người luôn nhắc đến từ chết, chết như tiếng đệm cho sự mở đầu và kết thúc câu chuyện; có người luôn nhắc đến chuyện khuyết tật như một biến dạng hình thù người không thể tránh khỏi trong chiến tranh. Nhiều người và hầu hết đều dựa vào niềm tin tôn giáo để có sự an tâm sống yên ổn và nếu có ra đi cũng là sự sống gởi thác về.  

Dù phải trải qua bao gian khổ, nhiều người Việt nam vẫn luôn trong lạc quan với cảm giác hưng phấn cho đến những giây phút cuối cùng dù ngay cả khi tử thần sắp đến cận kề. Niềm tin gây lại hưng phấn cho mỗi người đó là không phải quyền lực nhưng chính là mình đã sống trong một kiếp người và đã sống như thể một con người trước bạo tàn với bao nanh vuốt nhưng cái tồn tại mãi mãi là ý chí không lụi tàn và những con người dù không có một tấc sắt trong tay nhưng không bao giờ bị khuất phục. Và dân tộc, giống nòi này sẽ tồn tại mãi mãi vì những nguyên tắc cơ bản này. Một thứ cảm xúc hưng phấn nạn nhân chiến tranh vẫn luôn trong khí sắc vui vẻ, cảm thấy khoan khoái dễ chịu, đầy sinh lực, nhìn mọi việc với con mắt màu hồng.

Họ nói nhiều, diễn đạt từ vấn đề nầy sang vấn đề khác với khả năng liên tưởng rất nhanh, nội dung có thể hiểu được nhưng các chủ đề luôn thay đổi. Họ thường vượt quá chính mình như tự đánh giá mình quá cao về trình độ và năng lực.

Một số nạn nhân dường như cả một đời gắn liền với những học thuyết tôn giáo mà họ được gợi ý hoặc đã tiêm nhiễm trong hoặc trước chiến tranh. Thế rồi họ luôn nói huyên thuyên về những chủ đề này, họ có thể nói từ lý thuyết này đến quan điểm khác liên tục mà không biết mệt mỏi, nếu không muốn nói đó là động lực, nguồn sống của họ. Họ giải thích mọi biến cố theo Kinh Thánh hoặc thuyết nhân quả như một hệ lụy đến với mọi người từ kiếp trước.v.v...

Ngoài ra nạn nhân chiến tranh lúc nào cũng ưa hoạt động, không chịu ngồi yên một chỗ, thích can thiệp vào mọi việc và không biết mệt mỏi. Có người nói hoài không biết mệt mỏi cũng như có người trong âm thầm làm hết việc này đến việc khác như làm các đồ lưu niệm, chuyên viên khói lửa, nghĩa là lúc nào cũng thích chạy lăng xăng trong bếp, nếu không có gì để nấu thì đun một nồi nước sôi rồi gọi cho người này người kia. Chạy lên Chùa và Nhà Thờ cầu nguyện dọn dẹp…

Ngược lại có nạn nhân chiến tranh buồn rầu ủ rũ, nhìn sự vật chung quanh một cách ảm đạm, lúc nào khuôn mặt cũng rầu rầu, hay nhăn nhó khó chịu, cũng có người luôn giữ im lặng nhưng mỗi khi mở lời thường rất bi quan. Mỗi khi nghe tiếng bom đạn rềnh vang nạn nhân thường rơi vào hội chứng này vì ai ai cũng nhớ đến gia đình người thân ngoài chiến trường. Họ suy nghĩ chậm chạp, liên tưởng không nhanh chóng, tự cho mình là thấp kém, mặc cảm bị tội, hoang tưởng tự buộc tội, hoang tưởng nghi bệnh và có ý nghĩ hành vi tự sát. Như hay nghĩ về người thân bị sát hại, tài sản bị mất sạch, thành phố bị sụp đổ hoang tàn, hoang tưởng về cơ quan nội tạng bị thối rữa, trước sau gì cũng chết. Nạn nhân trở nên chậm chạp thấy rõ, mỗi khi ai hỏi vấn đề gì thường phải mất vài giây hay có thể nhiều hơn tùy trường hợp nặng nhẹ họ mới trở lại thực tại.

Nạn nhân trở nên ít hoạt động, ít nói, sững sờ, đờ đẫn thường hay ngồi lâu trong một tư thế với nét mặt trầm ngâm suy nghĩ. Song có trường hợp bị kích động, vật vã, lăn lộn khóc lóc kể lể than phiền với mọi người, trường hợp nầy gọi là trầm cảm kích động. Có trường hợp hội chứng trầm cảm bị biến dạng kèm theo trạng thái mất cảm giác tâm thần một cách đau khổ, nghĩa là đau đớn vì thấy mất hết cảm xúc đối với người thân, với những sự việc chung quanh. Do hoang tưởng người bệnh có thể tự sát hay giết người rồi tự sát. Hội chứng này có thể gặp trong bệnh loạn tâm thần hưng trầm cảm, bệnh trầm cảm thoái triển.

- Nạn nhân thường lăn lộn khóc lóc, chửi bới chế độ hai miền.

- Nạn nhân nổi cơn chửi mắng người khác, đòi chém giết người này nọ, song hết cơn trở lại bình thường.

- Nạn nhân suốt ngày hầu như không nói năng gì cả, sững sờ, đờ đẫn, ngồi lâu trong tư thế trầm ngâm suy nghĩ.

- Nạn nhân gặp ai cũng thường kể lể, than phiền không thư từ, không được gặp thân nhân ngoài chiến trường.

Từ thờ ơ lãnh đạm đến vô cảm, nạn nhân mê mệt và thờ ơ với ngoại cảnh, đây là trạng thái vô lực, mất linh hoạt, mất ý chí. bất lực hoàn toàn. Thường gặp ở các nạn nhân mắc bệnh mãn tính và gặp phải lúc cuộc chiến xảy ra, phải nằm bệnh xá thường xuyên, đối mặt với cái chết cô quạnh, không người thân.

- Nạn nhân với cơ thân hầu như bất động, không muốn gì nữa trước khi đón nhận cái chết và biết chắc rằng cái chết sẽ đến.

- Nạn nhân thờ ơ với ngoại cảnh trước những cơn đau quằn quại, thế nhưng ý chí lại rất bền vững.

- Nạn nhân hầu như quá mệt mỏi với bệnh tật, như với chứng lao phổi, thổ huyết thường xuyên khiến họ thờ ơ với mọi cảnh, phó mặc cho trời đất.

Quả thật chiến tranh đã biến đổi hoàn toàn tâm tính con người với hội chứng loạn cảm: nạn nhân có khí sắc âu sầu, hằn học, bất mãn với tha nhân, dễ bị kích động, phát sinh những cơn giận dữ đến tấn công người khác. Hội chứng này thường gặp trong bệnh động kinh, nhân cách bệnh, các bệnh thực thể ở não. Các hội chứng cảm xúc nói trên, về mặt cơ thể học, có sự rối loạn hoạt động hệ thần kinh thực vật và hệ thống nội tiết, đặc biệt là hoạt động của tuyến thượng thận và tuyến yên, ở sự rối loạn chuyển hoá cơ thể nhất là chuyển hoá hydrate carbone.

Những binh sĩ từ chiến trường trở về do bị thương tật, đi phép hay nhân dịp hành quân ngang qua làng thường phát sinh chứng này, khuôn mặt luôn hằn học, đầy vẻ sát khí như đang chờ chực để tấn công người khác, chính các việc bất thường này nói lên có sự rối loạn nội tiết, chắc chắn có vấn đề rối loạn chất ở cơ thể do những biến cố làm thay đổi con người từ ngay ở các quân trường rồi đến chiến trường. Chứng căng trương lực gồm hai dạng đối lập nhau gồm kích động căn trương lực, thoạt tiên người bệnh hưng phấn, nói huyên thiên nhưng nội dung không mạch lạc vô nghĩa, tư duy ngắt quãng. Người bệnh có hành động không tự nhiên, xung động, nhiều khi chống đối một cách vô nghĩa như cho họ quà thì quay lưng đi, nhưng khi mang thức ăn đi thì họ lại đòi cầm lấy. Trong trường hợp này đối với các nạn nhân gọi là bệnh sĩ diện, họ luôn cố giữ một khoảng cách gọi là giữ nhân cách của lòng tự ái dân tộc, hay giữ thể diện cho tổ chức, đoàn thể, tôn giáo.v.v… Những con người đã từng vang bóng một thời và nay trong hoàn cảnh chiến tranh không có việc làm phải xếp hàng nhận quà viện trợ…

-Nạn nhân hay cười vô duyên cớ, có khi mỉm cười mà lại chảy nước mắt. Rất thường gặp ở một số những người thuộc nhóm dễ xúc cảm trước các tình huống. Nạn nhân có hiện tượng ngôn ngữ không liên quan, hành vi kỳ dị như đột nhiên nhảy từ trên giường xuống, nhảy múa quay cuồng, kêu gào, chửi bới, khạc nhổ, phá phách, tấn công vào những người chung quanh.

- Nạn nhân nhắc đi nhắc lại đơn điệu một câu hay một từ, trả lời không đúng vào đề, hay chứng nhại lời, chứng nhại động tác.

- Nạn nhân với trường hợp nặng, căng trương lực trở nên hỗn độn mãnh liệt, người bệnh vùng vẫy, cào cấu lung tung, tự gây nhiều thành tích, phản động.

- Nạn nhân kích động căng trương lực đôi khi có những cử động nhịp nhàng tựa như múa hát, nhưng là kiểu múa vờn, múa giật. Thường kèm theo chứng không nói như kích động câm.

- Nạn nhân không nói lời nào, không trả lời, không phản ứng với các kích thích đau, cho dù đó là cháy nhà, bom nổ ngay bên cạnh… Họ giữ nguyên tư thế trong một thời gian dài.

- Nạn nhân tiếp thu hoàn cảnh chung quanh một cách đầy đủ và nhớ chính xác mọi sự kiện xảy ra trong thời gian đó. Khi kích động thì xung động, khi bất động thì sững sờ phủ định, nghĩa là họ thuộc dạng căng trương lực tỉnh táo.

- Ngoài ra với chứng căng trương lực mê mộng, một sự rối loạn ý thức kiểu mê mộng với nhiều hình ảnh kỳ quái. Khi cơn căng trương lực đã qua họ không còn nhớ điều gì, hoặc chỉ nhớ được từng phần. Hội chứng căng trương lực thường gặp ở bệnh nhân tâm thần phân liệt và các bệnh gây tổn thương thực thể não bộ, xơ vữa động mạch máu, u não…

- Nạn nhân có tôn giáo kể cả các tu sỹ Thiên Chúa giáo thường hay kể lại những giấc mơ như là “ơn lạ” đối chính mình cũng như các tín hữu.

- Nạn nhân nói về điềm lạ và các sự lạ này được truyền tụng khắp nhiều vùng.

- Nạn nhân chiến tranh đều bị giảm sút về sự phát triển trí tuệ ngoài những phản xạ để đối phó cần thiết trong sự mưu sinh thoát hiểm do bom đạn, nhưng thật sự về những ký ức cùng tri thức hầu như người nào cũng bị quên đi rất nhiều. Đó là sự nghèo nàn suy sụp của hoạt động tâm thần, là sự suy giảm các quá trình nhận thức, sự nghèo nàn về cảm giác, sự biến đổi về nhân cách, cùng sự rối loạn về trí nhớ. Đây là hội chứng rất phổ biến, có thể nói được rằng những âm thanh của cuộc chiến đã ảnh hưởng nặng nề đến não bộ con người rất nặng nề. Nó sẵn sàng tẩy não mọi thứ mà con người đã ghi nhận và thụ bẫm được. Chính tiếng bom hay mìn mà sau khi một ai đó thoát chết, hậu quả trở nên khủng hoảng đến rối loạn tâm thần, sự hiểu biết về con người và thế giới bên ngoài bị thu dần lại, có khi mất hẳn. Con người tự giam hãm dần trở nên ít nói và có muốn nói cũng không biết nói với ai, chứng câm dần dần đến gần một cách tự nhiên khiến con người ngày càng trở nên lạnh lùng, vô cảm.

Nguyễn Quang

*Trích tác phẩm Tâm Lý Thần Kinh Chiến Tranh VN của N.Quang