Cuộc chiến Nam – Bắc phân tranh
Phạm Đình Nhiên
Tại
hội nghị Genève Thụy Sĩ ngày 20-7-1954 nước Việt Nam bị phe tư bản và
cộng sản chia đôi lấy sông Bến Hải làm ranh giới. Miền Bắc thuộc khối
Nga Tàu, miền Nam là Mỹ Pháp.
Tuy
trong cùng hoàn cảnh phân chia nhưng dân tộc Đức và Triều Tiên không bị
thảm cảnh nồi da xáo thịt như Việt Nam. Miền Bắc Triều Tiên trải qua ba
đời cai trị tàn bạo của triều đại cộng sản nhà họ Kim (Kim Nhật Thành,
Kim Jong Il, Kim Jong Un) cũng không gây ra cuộc chiến giữa 2 miền Nam -
Bắc sau khi cuộc chiến Trung Cộng và Mỹ chấm dứt năm 1953.
Hai
miền Đông – Tây Đức đều lo kiến thiết đất nước bị tàn phá tan hoang
trong thế chiến thứ 2 thành 2 nền kinh tế vững vàng. Đông Đức cộng sản
có đời sống cao nhất trong khối cộng sản, vượt trên cả Liên Xô. Sau 44
năm bị phân chia, dân tộc Đức thống nhất hoàn toàn chỉ trong 1 buổi tối,
không tốn 1 viên đạn, không một người chết, không một ngôi nhà, một
mảnh vườn bị tàn phá. Đó là tối 9/11/1989 khi bức tường Berlin, biểu
tượng của sự chia cắt, sụp đổ .
Dân tộc Đức
thực hiện cuộc thống nhất kỳ diệu: không có kẻ chiến thắng, không có kẻ
chiến bại: chỉ có một dân tộc Đức hợp làm một, một dân tộc Đức thống
nhất !
Trong khi đó dân tộc Việt Nam chịu
nỗi bất hạnh của hơn 10 triệu tấn bom đạn đổ lên đầu, không biết bao
nhiêu xe tăng, thiết giáp, máy bay, hoả tiễn, đại bác từ phía cộng sản
và tư bản quần thảo, bắn phá gần 20 năm trời gây biết bao tàn phá, chết
chóc ở cả miền Nam lẫn miền Bắc .
Trước hết nói
về số người chết, dù là miền Bắc hay miền Nam, thì tất cả đều là người
Việt, con dân nước Việt. Máu, thịt đổ ra ở miền nào thì cũng là máu thịt
Việt Nam! Có bao nhiêu triệu người Việt Nam chết trong cuộc chiến tương
tàn này ?
Kẻ thắng là chính quyền cộng sản từ
khi chấm dứt chiến tranh đến nay chưa bao giờ dám công bố tổng số người
chết trong cuộc chiến vì 2 lý do: thứ nhất, nếu công bố tổng số con số
người chết rõ ràng thì cuộc chiến thắng của họ trả bằng cái giá xương
máu quá đắt của dân tộc Việt Nam; thứ hai, họ không dám đứng ra nhận
trách nhiệm về cuộc tiến quân vào miền Nam mà nếu biết nhìn xa, trông
rộng, nếu có tấm lòng thương đến giống nòi, đất nước thì phải giữ yên 2
bờ chiến tuyến bị bắt buộc phân chia, rồi chờ cơ hội thuận tiện xum họp
Nam Bắc một nhà .
Cố Tăng Thống Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất, Đại Lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang từng nói
Đảng Cộng sản Việt Nam giết chết 10 triệu người từ năm 1945 đến sau khi
tàn cuộc chiến 1975, trong đó có gần 1 triệu chết trong cuộc Cải cách
ruộng đất.
Ông Nguyễn Minh Cần, cựu phó Chủ
tịch Hà Nội hiện đang sống ở Nga, trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày
25.2.2015 ước lượng cuộc chiến tranh tương tàn Bắc - Nam vừa qua “gây
chết chóc 6 triệu người hay thậm chí còn lớn hơn”.
Từ
điển Bách Khoa Wikipedia viết số người thiệt mạng trong chiến tranh
Việt Nam từ 3 tới 5 triệu người, hàng triệu người bị tàn tật. Về thường
dân có từ 900 ngàn tới 4 triệu người, trong đó 2 triệu ở miền Bắc và 2
triệu ở miền Nam. Tài liệu của Wikipedia không đáng tin cậy: Thứ nhất,
con số ước lượng từ 900 ngàn tới 4 triệu có khoảng cách quá xa. Thứ hai,
đã nói từ 900 ngàn tới 4 triệu mà lại nói 2 triệu ở miền Bắc và 2 triệu
ở miền Nam là không hợp lý.
Căn cứ vào số bom
đạn, số vũ khí tối tân có khả năng tàn sát lớn, trận địa mở rộng khắp
miền Nam từ miền núi tới đồng bằng, từ thành thị tới nông thôn kéo dài
tới gần 20 năm và sự tàn sát không nương tay thì con số do cố Đại Lão
Hoà Thượng Thích Huyền Quang và ông Nguyễn Minh Cần đưa ra hợp lý hơn .
Những người bị buộc phải trực tiếp cầm súng giết hại lẫn nhau ở hai miền là bao nhiêu?
Miền
Bắc theo sách lược chiến tranh toàn diện, tức động viên toàn bộ nhân
tài vật lực, ở thôn làng vắng bóng thanh niên. Phụ nữ bị động viên vào
dân quân, thanh niên xung phong hay lao động các nông trường. Thiếu niên
16, 17 chưa đủ tuổi, Đảng cho vay để bắt đi bộ đội vào miền Nam .
Ở
miền Nam thanh niên lớn lên 18, 19 tuổi là bị bắt lính, trừ những người
còn đi học. Nhưng sổ lính chờ sẵn nếu thi rớt là bị gọi ngay.
Con số những thanh niên ở cả 2 miền Nam - Bắc bị bắt buộc cầm súng giết nhau là bao nhiêu?
Sau
năm 1975, người ta tổng kê được 3.608.863 khẩu súng bộ binh của miền
Bắc và 1.900.000 khẩu súng bộ binh của miền Nam do Liên Xô, Trung Quốc,
các nước Đông Âu và Mỹ, Pháp chế tạo, cung cấp, chưa kể đại bác, hoả
tiễn, máy bay, xe tăng, thiết giáp .... Như vậy ở miền Bắc ít nhất có 5
triệu người cầm súng và miền Nam ít nhất là trên 3 triệu vì những người
bị chết, bị thương, quá tuổi được giải ngũ súng lại trao cho người khác.
Tất cả có khoảng 8 hay 9 triệu người Việt Nam cầm súng bắn giết nhau!
Số tổn thất của miền Bắc:
Theo tài liệu “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) của
nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã xuất bản thì tống số bộ đội chết trận
là 1.100.000, kể cả 300 ngàn không lấy được xác và 600 ngàn bị thương
hay bị bệnh. Theo tài liệu mới nhất của Bộ Lao động-Thương binh xã hội
thì:
-Cho đến năm 2012 cả nước qui tập được: 937.000 hài cốt liệt sĩ
-Trong 2 năm 2013 và 2014 tìm thêm được: 90.000 hài cốt nữa .
-Số hài cốt liệt sĩ chưa kiếm được là : 214.000
------------------------------
Tổng cộng : 1.241.000 người chết.
Con
số này không đáng tin cậy vì từ xưa đến nay chính quyền cộng sản không
bao giờ thành thật, người ta không dại gì đưa ra con số tổn thất lớn lao
có hại về chính trị, dư luận bất lợi và nhất là trách nhiệm trước lịch
sử.
Phần quân đội Mỹ, họ ước đoán giết khoảng
500.000 bộ đội (10 đổi 1), quân đội miền Nam giết khoảng 400.000. Con số
này có lẽ là con số bộ đội bị giết trong thời gian quân Mỹ tham chiến
(1965-1974), còn thời gian trước đó từ 1957,1958 đến 1965 là bao nhiêu ?
– Ít nhất cũng từ 500.000 đến 700.000 nữa, chưa kể con số chết khi vượt
núi rừng Trường Sơn vào Nam: “ cứ 10 người lính thì chỉ 5 – 6 người tới
miền Nam còn lại bị chết vì bệnh sốt rét, rắn cắn, kiệt sức hay tai
nạn”.( Wikipedia). Như vậy số binh sĩ miền Bắc chết trong trận chiến
khoảng 2 triệu người hay hơn nữa.
Số tổn thất của miền Nam:
Lewy dẫn tài liệu lưu trữ của Bộ Quốc Phòng Mỹ là 220.357 binh lính tử
trận từ 1965 đến 1974, nhà sử học R.J. Rummel ước tính cao nhất là
316.000 tử trận. Số liệu của Bộ QP Mỹ chỉ ghi từ khi quân đội Mỹ có mặt ở
Việt Nam 9 năm, non nửa thời gian cuộc chiến và có lẽ chỉ ghi sự tổn
thất của lực lượng chính qui, không ghi các lực lượng bán quân sự như
Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cảnh Sát và lực lương dân sự như cán bộ Xây
Dựng Nông Thôn, các viên chức xã, ấp. Chỉ riêng con số các viên chức
xã, ấp ở miền Nam bị ám sát, bắt cóc thủ tiêu do chính sách khủng bố của
chính quyền cộng sản
theo Giáo sư sử học Phạm Cao Dương, đã lên tới khoảng 150.000 người.
Trong
1 cuộc khảo sát tại kho Lưu trữ hồ sơ của Nha hưu bổng cấp dưỡng Bộ cựu
chiến Binh ở Sài Gòn cuối năm 1973, chúng tôi ghi nhận có khoảng
1.050.000 hồ sơ cả cấp dưỡng và hưu bổng, trong đó hồ sơ hưu bổng (cho
lính về hưu) chiếm 150.000, còn lại 900.000 là hồ sơ cấp dưỡng cho vợ
con tử sĩ (quân chủ lực, bán quân sự, dân sự). Như vậy số người chết vì
chiến trận hay liên quan xin cấp dưỡng là 900.000 người. Nhưng chúng ta
nhớ là ở miền Nam phần lớn gọi thanh niên từ 18 đến 25 tuổi vào quân
đội, hầu hết những người này lúc bị bắt đi lính chưa lập gia đình nên
khi tử trận không có hồ sơ cấp dưỡng. Con số đó là bao nhiêu ?
Theo tôi nghĩ ít nhất là 400.000, 500.000 người .
Số dân chúng chết vì chiến tranh:
Người dân là nạn nhân trực tiếp của chiến tranh theo hai nghĩa: Nghĩa
thứ nhất, chết do kẹt giữa 2 lằn đạn bị pháo kích, bị trúng mìn, bị tra
tấn, đánh đập, chết trong tù; chết vì bị nghi ngờ làm do thám. Vào những
năm 1960-1970 người dân Sài Gòn tới Bình Chánh, Nhà Bè câu cá bị nghi
là do thám, nhiều người bị bắt và thủ tiêu. Giết lầm hơn thả lầm. Nghĩa
thứ hai là đói khát khổ sở, không có ăn (bộ đội còn không đủ ăn -
Wikipedia), không có thuốc men, vì sưu cao thuế nặng. Tất cả dân chúng
chết trong cuộc chiến Nam - Bắc phân tranh là bao nhiêu ?
Không có con số thống kê. Từ điển Wikipedia ước lượng cả 2 miền là 4 triệu.
Lịch
sử đang và sẽ chỉ ra những kẻ phải chịu trách nhiệm trong cuộc tàn sát
vừa qua. Sự kết tội hay nêu tên người này, người khác không phải là mục
đích của chúng tôi, chúng tôi chỉ nêu lên cái thảm họa tang tóc, bi đát
mà dân tộcViệt Nam phải gánh chịu.
Tội ác của
họ, tên tuổi của họ sẽ bị lịch sử ghi lại muôn đời; con cháu họ - cũng
giống như con cháu Trấn Ích Tắc, Mạc Đăng Dung, Lê Chiêu Thống . . . -
ngàn đời phải mang tiếng xấu của cha ông họ để lại.
Cuộc
chiến Nam - Bắc phân tranh đẫm máu này, sau cuộc chiến Trịnh - Nguyễn
phân tranh, là những trang sử đen tối nhất, đáng ghê tởm của lịch sử
Việt Nam.
P.Đ.N
Tác giả gửi BVN