Những Thủ Đoạn Tập Cận Bình Trong Việc Thành Lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á

blank
 Trúc Giang, MN
1* Mở bài
Tập Cận Bình thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), mời gọi thế giới đóng góp tài chánh làm vốn, cho các nước đang phát triển (nghèo) vay để phát triển kinh tế, thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tập Cận Bình dùng nhiều thủ đoạn, từng bước nắm lấy vai trò lãnh đạo ngân hàng, dùng tài chánh mà các cổ đông đóng góp như một thứ quyền lực mềm để thực hiện chiến lược của Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc đã ngoi lên chiếm vị trí thứ hai thế giới nhưng Bắc Kinh không có một vai trò nào trong các tổ chức tài chánh quốc tế, không giữ một địa vị quan trọng ngang tầm với nền kinh tế thứ hai nầy.

Vì Ngân hàng Thế giới (WB) có truyền thống do Mỹ nắm quyền lãnh đạo, đó là quyền chỉ định chức vụ chủ tịch ngân hàng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do châu Âu nắm giữ mà hiện tại bà Christine Madeleine Lagarde, người Pháp, làm Tổng Giám Đốc. Và Mỹ cũng có quyền phủ quyết ở tổ chức tài chánh nầy.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật quản lý.

Bắc Kinh thành lập ngân hàng AIIB với ba mục đích: một là giữ địa vị của một cường quốc kinh tế trên thế giới, quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, hai là làm đối trọng với vành đai kinh tế Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ dùng để bao vây Trung Quốc, và ba là dùng ngân hàng AIIB để phục vụ cho chiến lược Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 của nước nầy.

Mục đích cuối cùng là lãnh đạo châu Á và sau đó ngoi lên giữ vai trò siêu cường số một thế giới.

Ý đồ đó đã được Hồ Cẩm Đào tuyên bố trong chuyến viếng thăm Mỹ vào ngày 19-1-2011, cho rằng đồng đô la “là sản phẩm của quá khứ”. Ông nói: “Hệ thống tiền tệ quốc tế lấy USD làm trung tâm hiện nay là “một sản phẩm của quá khứ”, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa đồng Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền toàn cầu”.

Thủ đoạn về ngân hàng AIIB được thực hiện từng bước, trước hết nắm giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc chức vụ Tổng giám đốc, dùng quyền lực của chức vụ để quyết định dự án nào của quốc gia nào được vay, quyết định số tiền cho vay là bao nhiêu…dùng vốn của ngân hàng như một thứ quyền lực mềm để gây ảnh hưởng kinh tế, chính trị thực hiện giấc mơ Trung Hoa.

Hoa Kỳ nêu những quan ngại về ngân hàng AIIB như sau:

Quan ngại về Trung Quốc dùng tài chánh như một thứ quyền lực mềm để gây ảnh hưởng chính trị đối với các quốc gia vay nợ của ngân hàng AIIB.

Quan ngại về cơ chế quản lý không minh bạch, về vấn đề môi sinh và các vấn đề thuộc về sức lao động, xã hội…

2* Thủ đoạn nắm quyền lãnh đạo ngân hàng AIIB

2.1. Ấn định tổng số vốn ngân hàng và số tiền Trung Quốc đầu tư

Thoạt tiên,Tập Cận Bình xác định vốn cho vay của ngân hàng là 100 tỷ USD. Trung Quốc quyết định bỏ vào 50% vốn tức là 50 tỷ USD. Số tiền 50 tỷ còn lại chia cho tổng số 50 quốc gia tham dự, và như thế mỗi nước góp vốn đầu tư trung bình không quá 1.1 tỷ USD.

Trung Quốc là cổ đông có cổ phần cao nhất (50 tỷ USD) cho nên theo nguyên tắc thì đương nhiên nắm giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị hoặc chức Tổng giám đốc của ngân hàng AIIB.

Ông Lưu Đông Dân, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Tài chánh Quốc tế cho rằng việc nầy chỉ rõ phương hướng, chiến lược và mô hình điều hành của ngân hàng AIIB đã được Trung Quốc xác lập trước khi ký kết thành lập.

2.2. Các bước thực hiện

1). Nổ lực ngoại giao để quảng bá và thuyết phục dự án mà Tập Cận Bình đã trình bày tại hội nghị Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC=Asia-Pacific Economic Cooperation) ngày 22-10-2014 tại Bắc Kinh. Trước đó Tập Cận Bình cũng có những chuyến viếng thăm Indonesia, Kazakhstan, Tajikistan, Maldives, Sri Lanka, Belarus…vận động sự ủng hộ và tham gia của các nước.

Trong ba ngày từ 31-10-2014 đến 2-11-2014, Trung Quốc tổ chức Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế tại Quảng Đông, có 42 quốc gia tham dự, trong đó 25 quốc gia có quan hệ trực tiếp đến dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21. Bắc Kinh đề ra mục tiêu gia tăng gấp đôi về trao đổi mậu dịch vào năm 2020.

2). Trang điểm lại bộ mặt bá quyền.

Trong chương trình quảng cáo, thuyết phục và mời gọi các nước tham gia vào AIIB, Trung Quốc điểm phấn tô son, trang điểm lại bộ mặt bá quyền bằng những lời tuyên bố không dùng vũ lực.

Không dùng vũ lực.

Ngày 17-11-2014, tại Nghị Viện (Quốc hội) Australia, Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc luôn luôn tìm kiếm hòa bình chớ không phải tìm kiếm xung đột, và Trung Quốc kiên quyết ôn hòa trong tranh chấp trên biển. Ông cho biết các nước tìm cách phát triển bằng vũ lực luôn luôn bị thất bại, cho nên Trung Quốc quyết giữ hòa bình. Ông nói tiếp, thế giới ngày nay chỉ có một xu hướng duy nhất là hòa bình phát triển, hợp tác cùng có lợi.

3). Tiến hành đầu tư để gây ảnh hưởng chính trị

Năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đạt lỷ lục, 102 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn nhất thế giới.

1. Đầu tư vào Sri Lanka

Sri Lanka đã ký với Trung Quốc nhiều hợp đồng lớn trị giá 5 tỷ USD trong lãnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở, sân bay, cầu cảng…

2. Trung Quốc đầu tư 20 tỷ USD vào Miến Điện.

Ngày 15-11-2014, tại thủ đô Naypyidaw của Miến Điện, thủ tướng Lý Khắc Cường và tổng thống Thein Sein đã ký một loạt các hợp đồng trị giá 7.8 tỷ USD. Trước đó đã có những dự án nhà máy phát điện Myitsone, khai thác mỏ đồng Letpadaung, đường sắt Vân Nam-Miến Điện…

3. Trung Quốc đầu tư vào Indonesia

Ngày 9-11-2014, Tập Cận Bình và tổng thống Indonesia Joko Vidodo đã chứng kiến lễ ký kết 12 bản ghi nhớ đầu tư trị giá 20 tỷ USD, ưu tiên cho hàng hải, xây dựng hạ tầng, khai thác mỏ, đóng tàu, tài chánh…đặc biệt đầu tư 17.8 tỷ USD vào điện lực.

4. Trung Quốc đầu tư vào Campuchia

Từ năm 2006, quan hệ giữa Campuchia (CPC) và Trung Quốc trở nên chặt chẽ hơn.

Chính quyền CPC đã phê chuẩn 10 dự án trị giá 6 tỷ USD và Trung Quốc cũng đã viện trợ những khoản tiền không hoàn trả. Đó là số tiền rất lớn so với một đất nước mà tổng sản lượng quốc gia (GDP) chỉ có 10 tỷ USD/năm.

Năm 2011, Trung Quốc đầu tư vào CPC 1.92 tỷ USD, cao gấp 10 lần so với đầu tư của Mỹ.

Bắc Kinh đầu tư vào các lãnh vực như năng lượng, xây dựng hạ tầng cơ sở, bao gồm nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, đường sá, cầu cống, bến cảng, trường học, bịnh viện, khu cờ bạc, du lịch, mở kênh truyền hình hiện đại…Đó là những yếu tố cần thiết để phát triển kinh tế, xã hội.

Dự án Angkor Watt trên biển. Công ty Union Group (Trung Quốc) bỏ ra 3.8 tỷ USD thuê 36,000 hecta đất trong 99 năm tại Botum Sakor, thuộc tỉnh duyên hải Koh Kong, hướng ra Vịnh Thái Lan, để xây khu giải trí Angkor Watt trên biển.

2.3. “Cơ cấu” nhân sự nồng cốt cho Hội đồng quản trị ngân hàng AIIB

1). Tiền chế 30 thành viên sáng lập

“Cơ cấu” là cách bố trí, cấu tạo những thành phần để thực chức năng của một tổ chức. Ở đây là nhân sự của ngân hàng AIIB.

“Tiền chế” 30 thành viên sáng lập. Ngày 31-3-2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, bà Hoa Xuân Oánh, cho biết 31-3-2015 là thời hạn chót nhận đơn xin gia nhập, và 30 quốc gia đã được chấp thuận làm thành viên sáng lập. Các thành viên nầy đang làm dự thảo về điều lệ, nội quy, nguyên tắc sinh hoạt và cho vay…

30 quốc gia sáng lập là những nước đã chịu ảnh hưởng của Trung Quốc về chính trị và kinh tế, như Việt Nam, Lào, Campuchia, Pakistan, Miến Điện…hoặc những nước nhỏ và đang phát triển.

30 sáng lập viên ban đầu gồm có: Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Miến Điện, Nepal, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Singpore, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan, Maldives, Đan Mạch, Việt Nam….

Ngày 15-4-2015, Trung Quốc đã thông báo danh sách 57 thành viên sáng lập của ngân hàng AIIB, gồm các nước như sau:

Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Kazakhstan, Ả Rập Saudi, Jordan, Kuwait, Oman, Qatar, Brunei, Azerbaijan, Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Mông Cổ, Uzbekistan, Nepal, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan, Maldives, New Zealand, Jordan, Tajikistan, Luxembourg, Phần Lan, Thụy Sỹ, Anh, Úc, Áo, Brazil, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Thuỵ Điển, Israel, Ba Lan, Nam Phi, Tây Ban Nha và một số nước khác…

Bắc Hàn và Đài Loan bị từ chối, không cho gia nhập. Đài Loan bị từ chối vì mang tên một quốc gia là Trung hoa Dân Quốc. TQ xem Đài Loan là một tỉnh của Hoa lục.

Sau khi “cơ cấu” xong thành phần nhân sự, Trung Quốc có một số quốc gia thuộc “phe ta” bao gồm các quốc gia bị mua chuộc về kinh tế tài chánh hoặc lệ thuộc chính trị, đủ chiếm đa số trong các cuộc biểu quyết được xem như thủ đoạn đã thành công. Trung Quốc đã nắm trong tay 30 quốc gia làm sáng lập viên ban đầu.

Một ví dụ cụ thể của thủ đoạn “cơ cấu” mà CSVN đã xử dụng trong việc tổ chức bầu cử các đại biểu vào Quốc hội, là đã đạt được 90% số đại biểu thuộc Đảng. Sau đó, mọi cuộc bỏ phiếu biểu quyết được thực hiện đúng theo các qui định quốc tế.

Trong 50 thành viên sáng lập đã có 30 quốc gia bồ nhà, cho nên việc bầu chọn vào các tiểu ban hoặc hội đồng quản trị ngân hàng đều đạt ý muốn của TQ. Trong tình trạng nầy, chức vụ Chủ tịch ngân hàng cũng được bầu một các công khai và công bằng.

2). Quyền “phủ quyết gián tiếp”

Theo các nhà quan sát thì thỏa thuận được ký ngày 29-6-2015 đã không dùng hai chữ “phủ quyết”, nhưng nói rằng đối với các quyết định quan trọng thì ngân hàng AIIB sẽ coi một “siêu đa số” là cấp thiết.

Giới quan sát cho rằng nhà đầu tư hàng đầu, có cổ phần lớn nhất thì đương nhiên là có tiếng nói quan trọng và quyết định hơn những người khác.

Ông N.B. Bhanumurthy, GS tại Viện Quốc gia về Chính sách công, New Delhi (Ấn Độ) nói: “Tôi không lấy làm lạ khi TQ có quyền phủ quyết gián tiếp”.

3* Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á

3.1. Lễ ký kết thành lập và tham gia ngân hàng AIIB

Ngày 29-6-2015, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, 57 nước tham dự lễ ký kết thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Đã có 50 quốc gia ký kết. 7 nước chưa ký là Đan Mạch, Kuwait, Malaysia, Philippines, Hòa Lan, Nam Phi và Thái Lan.

Nước đầu tiên lên ký vào hiệp định là Úc, một đồng minh thân cận của Mỹ. Úc đầu tư 719 triệu USD trong 5 năm. Tiếp theo đó là 49 quốc gia khác.

Số vốn pháp định của ngân hàng là 100 tỷ USD. Trụ sở đặt tại Bắc Kinh. Sẽ hoạt động vào cuối năm 2015.

3.2. Tổng quát về Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á

Một nhà kinh tế Trung Quốc tuyên bố: “Mỹ không cho Trung Quốc vào tổ chức kinh tế Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương thì Trung Quốc sẽ thành lập một khối thương mại riêng cho mình”. Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2014, Tập Cận Bình tuyên bố thành lập “Quỹ Con đường Tơ lụa” và đóng góp 40 tỷ USD để thúc đẩy hợp tác kinh tế châu Á. Đó là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á.

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank-AIIB) là tổ chức tài chánh quốc tế do Trung Quốc đề xuất. Mục đích cung cấp tài chánh cho các dự án thuộc hạ tầng cơ sở trong khu vực châu Á.

Cơ sở hạ tầng bao gồm đường sá cầu cống, bến cảng, hệ thống viễn thông, năng lượng, vận tải, giáo dục, y tế…

Ngân hàng nầy được xem như đối thủ của ba tổ chức tài chánh lâu đời là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF=International Monetary Fund), Ngân hàng Thế giới (WB=World Bank) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB=Asian Development Bank)

Trung Quốc cho rằng ba cơ sở tài chánh nói trên được xem như đã bị chi phối bởi các nước phát triển như Hoa Kỳ.

3.3. Đối thủ hay bổ sung?

Bắc Kinh khẳng định, ngân hàng AIIB là một sự bổ sung chớ không phải cạnh tranh với các định chế tài chánh khác hiện nay.

PGS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, cho rằng AIIB phục vụ cho chiến lược “Một vành đai, một con đường” (Economic Belt and the Silk Road, One belt-One road). Tuy nhiên đây là một cơ chế tài chánh mà tham vọng chính là cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển châu Á, và cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, do Mỹ chi phối.
blank
Hình ảnh về mặt trận ngân hàng.

4* Vì sao Mỹ và Nhật không tham gia ngân hàng AIIB?

4.1. Mỹ không tham gia AIIB

Hoa Kỳ không tham gia ngân hàng AIIB vì ngân hàng nầy chống lại vành đai kinh tế Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ thành lập với mục đích bao vây kinh tế Trung Quốc.

Hơn nữa, Tập Cận Bình tuyên bố vốn của ngân hàng là 100 tỷ USD mà Trung Quốc bỏ vào 50% vốn, vậy số vốn còn lại chia cho 49 tành viên, mỗi thành viên đóng góp tối đa không quá 5 tỷ. Với số vốn nhỏ như vậy, nếu Mỹ đầu tư vào thì vai trò của Mỹ cũng ngang bằng với các quốc gia nhỏ và nghèo khác và có thể bị lọt vào thành phần thiểu số trong các thành viên của ngân hàng. Và số tiền nhỏ như thế không mang lại tiền lời đáng kể nào cả.

4.2. Nhật không tham gia AIIB vì các điều kiện không được đáp ứng.

Nhật cho biết sẽ tham gia ngân hàng AIIB với những điều kiện như sau:

1. Không trở thành một thành viên sáng lập.

2. Cơ chế cho vay của AIIB phải đáng tin cậy

3. Bảo đảm việc cho vay không phương hại môi trường và xã hội

4. Các khoản cho vay phải được kiểm soát.

Bốn điều kiện nầy không được đáp ứng nên Nhật không tham gia. Hơn nữa, ngân hàng AIIB có mục đích cạnh tranh để triệt hạ tổ chức Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật lãnh đạo.

4.3. Nhận xét của chuyên gia kinh tế Việt Nam

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh từ Hà nội nhận xét: “Tôi nghĩ rằng việc Trung Quốc dùng cái vốn ngoại tệ thặng dư của mình để đầu tư vào các nước khác để gia tăng bành trướng ảnh hưởng của mình, để rồi từ đấy khai thác tài nguyên, bù đắp những cái mất cân đối của Trung Quốc, thì theo tôi đấy cũng là một cách đầu tư thông minh chứ không phải không.”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, từ miền Nam California nói rằng dự tính dùng sức mạnh tài chính để gây ảnh hưởng ra các nước khác trong thời gian qua không đạt được thành công, nhất là những tham vọng của họ ở Venezuela và Miến Điện đã hoàn toàn thất bại. Ông cho rằng họ đang có một cách tiếp cận mới: “Bây giờ họ muốn làm ra một cái có tính chất đa quốc gia, để các nước cùng hùn hạp với họ mà chia sẻ các rủi ro.

5* Ba thể chế tài chánh lâu đời thế giới

Ba thể chế tài chánh lâu đời thế giới là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

5.1. Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund-IMF) là một tổ chức quốc tế giám sát hệ thống tài chánh toàn cầu bằng cách theo dõi tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán. Đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ tài chánh khi có yêu cầu.

Trụ sở chính đặt tại Washington, D.C., Hoa Kỳ.

IMF có 188 thành viên, chính thức hoạt động ngày 27-12-1945. Nguồn vốn do các nước đóng góp. Mỹ đóng góp nhiều nhất: 17.46%. Đức: 6.11%. Nhật: 6.26%. Anh: 5.05%. Pháp: 5.05%. Tổng số vốn là 737 tỷ USD.

Hoa Kỳ là thành viên có quyền lực nhất trong các quyết định cho vay. Trên thực tế, Bộ Trưởng Tài Chánh Mỹ, Jacob Lew, được xem như người giữ vai lãnh đạo IMF.

Tháng 5/2015, chính quyền Obama tuyên bố rằng Mỹ không từ bỏ quyền phủ quyết ở IMF.

Tổng Giám đốc hiện tại là bà Christine Madeleine Lagarde.

Bà Lagarde hoan nghênh sự ra đời của ngân hàng AIIB, và ngỏ ý rằng IMF sẵn sàng hợp tác với ngân hàng nầy của Trung Quốc.

5.2. Ngân hàng Thế giới

Ngân hàng Thế giới (World Bank) là một tổ chức tài chánh quốc tế, cung cấp những khoản cho vay nhằm thúc đẩy kinh tế cho các nước đang phát triển, thông qua các chương trình vay vốn. Ngân hàng Thế giới tuyên bố mục tiêu chính của mình là giảm thiểu đói nghèo.

WB được thành lập năm 1944, trụ sở đặt tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ. Người đứng đầu ngân hàng luôn luôn là người Mỹ. Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới do Tổng Thống Mỹ chỉ định. Tổng số vốn là 352 tỷ USD.

Trong nhiều thập niên qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã triệt để nâng đỡ Trung Quốc và cho đến nay nước nầy vẫn còn được WB tài trợ.

5.3. Ngân hàng Phát triển châu Á

Ngân hàng Phát triển châu Á (The Asian Development Bank - ADB) là một thể chế tài chính đa phương cung cấp các khoản cho vay và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các nước châu Á, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. ADB được thành lập vào năm 1966, có trụ sở chính tại Manila (Philippines), và chủ tịch là một người Nhật Bản. Vốn pháp định của ngân hàng ADB là 150 tỷ USD.

Theo truyền thống, Nhật là cổ đông lớn nhất cho nên chức vụ Chủ tịch ADB luôn luôn phải là người Nhật. Chủ tịch đương nhiệm là ông Haruhiko Kuroda.
blank
Hình ảnh về mặt trận ngân hàng.

6* Nhật cạnh tranh với ngân hàng AIIB của Trung Quốc

6.1. Nhật bỏ thêm 110 tỷ USD vào Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Bản tin đài RFA ngày 21-5-2015 cho biết, Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe đã loan báo kế hoạch đầu tư trị giá 110 tỷ USD thêm vào Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành cho dự án phát triển cơ sở hạ tầng, để gia tăng lên 30% trong 5 năm tới.

Thủ tướng Abe nhấn mạnh những công trình của Nhật có chất lượng cao, hiện đại và đầy sáng tạo. Ông nhấn mạnh điểm nầy để chỉ khoa học kỹ thuật và công nghệ của Nhật vượt trội hơn những dự án do vốn và nhà thầu của Trung Quốc thực hiện.

6.2. Còn lâu Trung Quốc mới theo kịp công nghệ của Nhật Bản

Thủ tướng Shinzo Abe Nhật muốn đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng của châu Á với công nghệ cao thân thiện với môi trường.

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, nâng cao chất lượng thông qua việc phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ hiện đại đến các quốc gia vay vốn, tạo ra sự khác biệt giữa ngân hàng ADB và AIIB.

Nhật chê khoa học kỹ thuật Trung Quốc còn yếu kém hơn Nhật. Thật vậy. Những thương hiệu của Nhật đã được thế giới ưa chuộng như Sony, Toyota, Honda…Trái lại, thương hiệu của Trung Quốc về mọi sản phẩm thường bị chê là độc hại, hàng nhái, giả mạo…chết dưới tay Trung Quốc khi xử dụng hàng hóa của Tàu.

Ông Takehiko Nakao, người lãnh đạo ADB, trả lời phóng viên The Financial Times, nhấn mạnh: “Khả năng cho vay của ngân hàng AIIB sẽ không cao trong thời gian đầu, vì trước đó Trung Quốc đã là một nhà đầu tư lớn về hạ tầng cơ sở trong khu vực, thông qua Ngân hàng Phát triển Trung Quốc CDB. (CDB=China Development Bank), là ngân hàng của chính phủ.

Với số vốn pháp định của ngân hàng ADB là 174 tỷ USD (2013) chúng tôi đã có một quá trình hoạt động lâu dài với một đội ngũ chuyên gia xuất sắc và nhân viên đa dạng. Chúng tôi tiếp tục giữ vai trò đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực”.

“Ngân hàng AIIB phải mất nhiều năm để tích lũy tài chánh và thực hiện những vụ cho vay nhiều hơn nữa thì mới so sánh được với ngân hàng ADB”, ông Takehiko Nakao tuyên bố như thế.

7* Những chỉ trích của Mỹ và Nhật

Theo thông lệ, vốn cho vay Hỗ trợ Phát triển Chính thức ODA (ODA=Official Development Asssistance) đều có kèm theo điều kiện là phải cho các nhà thầu thực hiện những dự án, và phải mua máy móc, trang thiết bị của nước cho vay. Máy móc trang thiết bị của Trung Quốc còn lạc hậu và thua kém Mỹ Nhật rất xa.

Những dự án của ngân hàng AIIB đương nhiên là phải cho các nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

Thông qua những “thành tích” bê bối của các nhà thầu TQ khắp nơi, những đặc điểm được ghi nhận như sau:

Vi phạm nguyên tắc an toàn lao động. Làm ẩu, sai kỹ thuật đưa đến chất lượng không bảo đảm. Gây ô nhiễm môi trường, tác hại về các vấn đề xã hội. Đưa hối lộ cho nhóm thanh tra, giám sát công trình để che giấu những bê bối khi thi công.

Ở Việt Nam, hàng chục nhà máy nhiệt điện, thủy điện vừa xây xong thì xảy ra nhiều “sự cố”, máy móc chạy ạch đụi, bữa đực bữa cái và cuối cùng phải mua điện của Trung Quốc.

Tóm lại, những nét “độc đáo” của nhà thầu TQ đã được Mỹ, Nhật nêu ra rất đúng. Quản lý không minh bạch. Gây ô nhiễm môi trường. Vi phạm an toàn lao động. Chuyển giao công nghệ lạc hậu. Gây tác hại những vấn đề xã hội…
blank
Hình ảnh về mặt trận ngân hàng.

8* Các dự án lớn của Trung Quốc bị đình chỉ hoặc hủy bỏ

8.1. Các dự án của Trung Quốc bị đình chỉ hoặc hủy bỏ

Tài liệu tổng hợp từ Financial Times, Wall Street Journal, Bloomberg Business thì những dự án của Trung Quốc bị các quốc gia đình chỉ hoặc hủy bỏ như sau:

1. Dự án xây cất Thành phố cảng Sri Lanka trị giá 1.5 tỷ USD bị hủy bỏ.

2. Nhà máy thủy điện Myitsone/ Myanmar 3.5 tỷ USD

3. Mỏ đồng và đường sắt Myanmar 24.6 tỷ USD

4. Mua và đầu tư công ty OZ Minerals/Australia 23.26 tỷ USD

5. Đầu tư vào Equinox/Canada 5.9 tỷ USD

6. Đường sắt cao tốc Mexico 4 tỷ USD

7. Mỏ dầu Iran 2.5 tỷ USD

8. Đập thủy điện Stung Cheay/Campuchia 400 triệu USD

9. Khu nghỉ dưỡng World Shine đèo Hải Vân/Việt Nam

Lý do: môi trường, xã hội, an ninh quốc gia, không thực hiện đúng theo thời hạn giao kết, quản lý không minh bạch, hối lộ hay tham nhũng…

8.2. Hai ví dụ về dự án bê bối của Trung Quốc

1. Tác hại của dự án nhà máy điện Myitsone, Myanmar

Dự án nhà máy thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư với vốn 3.6 tỷ USD. 90% điện do nhà máy phát ra phải được xuất khẩu về Vân Nam (TQ) trong khi đa số người Miến Điện đang thiếu điện xài.

Dự án gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, sinh thái, xã hội, nông nghiệp, ngư nghiệp và đời sống của người Miến Điện.

Những thiệt hại như sau:

- Mất 70,000 hecta rừng.

- 47 ngôi làng của sắc tộc Kachin bị dìm dưới mặt nước. Trên 10,000 người Kachin bị quân đội cưỡng chế phải từ bỏ nơi sinh sống để đến nhưng khu tập trung. Họ không có đất để canh tác.

- Dân Miến điện thất nghiệp trong khi đó Trung Quốc đưa 40,000 công nhân người Tàu sang công trường.

- Các di tích lịch sử, văn hóa của sắc tộc Kachin bị xóa bỏ vĩnh viễn vì bị nhấn chìm dưới mặt nước.

- Nông nghiệp, ngư nghiệp thuộc hạ nguồn sông Irrawady bị tác hại nghiêm trọng.

Hàng trăm cuộc biểu tình phản đối từ trong nước ra đến nước ngoài, chống đối dự án Myitsone.

Tổng thống Thein Sein phải ra lịnh ngưng dự án vào ngày 30-9-2011.

2. Tác hại của dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, Việt Nam

Nhà thầu Trung Quốc chiếm 90% các dự án trọn gói EPC (EPC= Engineering, Procurement and Construction - thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công)

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông do nhà thầu TQ đảm nhận. Chi tiết như sau:

Khởi công ngày 10-10-2011. Cam kết hoàn thành vào năm 2014. Chạy thử toàn tuyến đường 13km vào năm 2015. Chính thức đưa vào vận hành vào quý 1/2015.

Vốn Trung Quốc khởi đầu là 550 triệu USD. Nhà thầu tự ý “đội vốn” là gia tăng số vốn lên tới 868.06 triệu USD. Tức là tăng 318 triệu, buộc Việt Nam phải vay thêm TQ số tiền nầy.

Nhà thầu bê bối, vi phạm rất nhiều biện pháp an toàn gây tai nạn chết người.

Ngày 28-12-2014, giàn giáo sập làm chết một người và 2 người bị thương. Trước đó, ngày 6-11-2014 những thanh sắt từ trên cao rớt xuống làm chết một người đi đường. Một giàn sập đè nát chiếc taxi chở 4 người nhưng rất may là không có ai chết.

Trước đó, trong dự án khu kinh tế Vũng Áng, công trường Formosa, Hà Tĩnh, cũng sập giàn giáo làm chết 14 người và 29 người bị thương.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phải giải thích về những lời phản đối của người dân, ông nói: “Nhà thầu TQ trên tuyến đường Cát Linh-Hà Đông rất yếu kém. Nhiều lần tôi muốn thay thế nhưng không được, vì bị ràng buộc vào các điều kiện vay vốn. Không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt Nam, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn" của Trung Quốc”.

Công trình trọn gói gồm có 13 tàu điện, thế mà Bộ trưởng Giao thông vận tải chưa thấy hình dạng của những con tàu đó như thế nào cả. Xe điện thuộc thế kỷ nào chưa biết, nhưng cũng phải chấp nhận thôi.

8.3. Các nước đối phó với nhà thầu Trung Quốc như thế nào?

1. Tại Canada

Phiên tòa ở Alberta/Canada xử phạt nhà thầu TQ vì đã gây tai nạn làm chết 2 người và 4 người bị thương.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động, ông Gil McGower cho biết: “Nhà thầu TQ không chỉ xuất khẩu công nhân chất lượng thấp mà còn xuất khẩu chuẩn mực an toàn rất tồi sang các nước khác”.

Cũng tại Alberta, tòa án đưa ra 14 cáo buộc nhà thầu Thượng Hải vì vi phạm an toàn lao động, thi công không đúng kỹ thuật. Nhà thầu bị phạt 1.5 triệu USD.

2. Tại Mexico

Dự án đường sắt cao tốc trị giá 4 tỷ USD bị đình chỉ vì có liên quan đến hối lộ và tham nhũng.

3. Tại Zambia

Hồi tháng 5/2014, chính quyền Zambia ra lịnh đình chỉ hoạt động của nhà thầu Tập đoàn Quốc tế Hà Nam (TQ) vì lý do an toàn lao động. Đã gây tai nạn làm chết 5 người trong dự án xây đường ống dẫn nước ở thành phố Livingston.

4. Ở Ethiopia

Hồi tháng 6/2014, chính quyền Ethiopia buộc nhà thầu TQ phải tháo gỡ 5.6km đường sắt và phải trả tiền chi phí về việc tháo gỡ đó. Lý do là nhà thầu cố ý làm sai kỹ thuật. Trong thiết kế buộc phải hàn dính để nối các thanh sắt của đường rail, nhưng nhà thầu lại bắt ốc vít để nối lại.

5. Ở Việt Nam

Dự án khu nghỉ dưỡng quốc tế World Shine do TQ đầu tư xây dựng tại mũi Cửa Khẻm trên đỉnh đèo Hải Vân bị hủy bỏ vì đèo Hải Vân là cứ điểm chiến lược về an ninh quốc gia.
blank
Hình ảnh về mặt trận ngân hàng.

9* Vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ vẫn còn lâu dài

Nhà tư tưởng đối ngoại hàng đầu nước Mỹ, GS Joseph Nye

“Giả sử như Vladimir Putin hay Tập Cận Bình nắm vai trò lãnh đạo, thì thế giới của chúng ta sẽ bi đát đến như thế nào?” (GS Joseph Nye)

Việc thiết lập ngân hàng AIIB nằm trong chiến lược thực hiện giấc mơ Trung Hoa, trước nhất là nắm vai trò lãnh đạo châu Á rồi vươn lên chiếm địa vị siêu cường số một thế giới.

Tuy nhiên, GS Joseph Nye, Đại học Harvard, lên tiếng khẳng định, Hoa Kỳ vẫn còn giữ vai trò độc tôn trên thế giới. Còn lâu mới đến phiên Trung Quốc. Giấc mơ Trung Hoa vẫn còn là giấc mơ.

9.1. Nước Mỹ vẫn chiếm địa vị độc tôn trên thế giới

“Joseph Nye là Giáo sư Thượng hạng Đại học Harvard, cựu Khoa Trưởng John F Kennedy School of Government, Harvard. Ông là Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng thời Clinton từ 1994-1995 và là thành viên của Hội đồng Chính sách Ngoại giao. Ông là tác giả của nhiều sách, gần đây nhất là cuốn Is the American Century Over?”

Hoa Kỳ tham gia Thế Chiến 2 để bảo vệ giá trị quý báu của thể chế dân chủ và “thiết lập thế kỷ đầu tiên để người Mỹ lãnh đạo thế giới” (The First Great American Century).

Thập niên 1950s Liên Xô đòi chôn sống Mỹ. Thập niên 1980s Nhật hăm he đòi chiếm vị trí hàng đầu thế giới vì người Mỹ lười biếng hơn người Nhật.

“Còn lâu chuyên đó mới có thể xảy ra”, GS Joseph Nye, Giám đốc khoa Chính trị học tại Đại học Harvard tuyên bố như thế.

GS Nye đã hùng hồn chứng minh rằng: “Tính chất ưu việt của nước Mỹ vẫn còn hùng hậu, chưa hề suy giảm. Vai trò độc tôn của Mỹ sẽ còn tồn tại khá lâu”.

Theo ông, mối đe dọa vị thế siêu cường của Mỹ không phải là Trung Quốc hay Ấn Độ, mà trái lại nếu Hoa Kỳ suy yếu là do chính nước Mỹ tạo ra.

1. Xét về mặt quân sự

Ngân sách quốc phòng của Mỹ to gấp 4 lần của Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Mỹ to hơn tổng số ngân sách của 8 nước cộng lại.

Hải Quân Hoa Kỳ kiểm soát hầu hết trên biển của thế giới. Quân đội Hoa Kỳ có mặt trên khắp các lục địa có người sinh sống.

Lực lượng vũ trang Mỹ luôn luôn giữ vai trò khống chế trên toàn thế giới.

Vai trò ưu việt đó chưa hề suy suyển. Liên Xô đã từng thách thức Mỹ, bây giờ thì nước Nga không bao giờ so sánh được với Mỹ.

2. Về mặt kinh tế

Trong 500 công ty quốc tế, phân nửa là do Mỹ làm chủ. Trong 25 thương hiệu uy tín nhất thế giới trong đó có 19 thương hiệu của công ty Mỹ.

Nhưng lý do quan trọng nhất khiến người Mỹ tiếp tục chế ngự thế giới là không có một đối thủ nào có khả năng ngang ngửa với Mỹ.

GS Joseph Nye phân tích như sau:

- Liên hiệp châu Âu là một cộng đồng chia năm xẻ bảy thành những mảnh vụn.

- Nhật Bản trở nên già nua

- Nga là nước chứa đầy tham nhũng

- Ấn Độ thì nghèo rớt mồng tơi

- Brazil thì chưa sản xuất được gì cả.

Đối với Trung Hoa, GS Nye hy vọng nước nầy tiếp tục phát triển và sẽ lấn thêm trên sân khấu quốc tế. Nhưng Bắc Kinh đang gặp phải những khó khăn nội tại:

- Ô nhiễm môi trường

- Khối dân số trở nên già nua do chính sách một con. Người già nhiều hơn trai trẻ.

- Hệ thống công nghiệp quốc doanh kém hữu hiệu.

Quan trọng nhất là Trung Quốc thiếu một nhân tố mà chỉ riêng Hoa Kỳ mới có. Đó là tinh thần cởi mở đón nhận người di dân. GS Nye dẫn lời của ông Lý Quang Diệu, khai quốc công thần của Singapore: “Trung Quốc chỉ có thể tìm nhân tài trong 1.4 tỷ người, nhưng Hoa Kỳ có thể tìm nhân tài trong tổng số 7 tỷ người của dân số thế giới”.(Lý Quang Diệu)

9.2. Sự suy yếu nội tại trong nước Mỹ

1. Nếu Mỹ đóng chặt biên giới. Không can thiệp vào các vấn đề của thế giới, khi đó sự suy yếu xảy ra.

2. Nếu sự kình chống của các đảng chính trị tiếp tục, sẽ làm trì trệ, tắc nghẻn việc điều hành chánh quyền.

3. Nếu sự bất công về lợi tức giữa giàu-nghèo càng nhiều thì e rằng nước Mỹ sẽ mất đi thế mạnh.

GS Joseph Nye kết luận. “Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có sẽ tiếp tục sống đúng với tiềm năng của mình hay không?”

“Phúc đức của loài người khi Mỹ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo thế giới”. GS Nye cho biết như thế.

Bởi vì. Một nước Hoa Kỳ hùng mạnh sẽ giúp giải quyết căng thẳng ở vùng Biển Đông, buộc Trung Quốc phải hội nhập tốt đẹp vào hệ thống quốc tế hiện nay. Vào tháng 7 năm nay, 2015, lần đầu tiên cơ quan NASA sẽ thực hiện việc do thám hành tinh Pluto, đưa việc khám phá Thái dương hệ (Solar System) do Hoa Kỳ thực hiện từ đầu tới cuối, đến hoàn tất. (Chưa có quốc gia nào theo kịp).

GS Nye cho biết, nước Mỹ đã phạm hai lỗi lầm đáng trách, đó là xâm lăng Iraq và không nhượng bộ trong vấn đề thay đổi khí hậu thế giới.

“Nhưng giả sử như Vladimir Putin hay Tập Cận Bình nắm vai trò lãnh đạo, thì thế giới của chúng ta sẽ bi đát đến như thế nào?”

10* Kết luận

Tập Cận Bình dùng thủ đoạn để nắm lấy quyền lãnh đạo, chi phối, thao túng ngân hàng AIIB để phục vụ cho chiến lược thực hiện giấc mơ Trung Hoa mà cuối cùng là đưa Trung Quốc lên vị trí lãnh đạo thế giới.

Tuy nhiên không phải dễ.

Trung Quốc còn phải mất nhiều năm để gia tăng vốn cho bằng với ba định chế tài chánh đã có, để thực hiện việc cho vay ngang bằng với các định chế tài chánh nầy.

Trung Quốc còn nhiều khó khăn nội bộ phải vượt qua. Hành động hung hăng của TQ ở Biển Đông làm các nước láng giềng lo ngại.

Hoa Kỳ vẫn còn giữ thế mạnh về quân sự và kinh tế cho nên còn lâu Trung Quốc mới qua mặt được Mỹ để nắm vai trò độc tôn trong thiên hạ.

Có thể dùng câu nói của GS Joseph Nye làm kết luận.

“Giả sử như Vladimir Putin hay Tập Cận Bình nắm vai trò lãnh đạo, thì thế giới của chúng ta sẽ bi đát đến như thế nào?” (GS Joseph Nye)

Trúc Giang

Minnesota ngày 16-7-2015