Nguyễn Quang
Vùng quê làng An Nam có ông địa chủ cưới vợ dần dần, cộng lại được mười
bốn bà. Mới thoạt nghe tưởng giàu sướng thật!
Một loại vợ như ong thợ của ông, vai u thịt bắp rắn chắc và công việc của họ là lam lũ trên những cánh đồng vừa làm việc vừa trông coi những nông nô khác. Tất cả được ông đối xử công bằng, mỗi người một nhiệm vụ và bà nào cũng nghĩ mình được ông yêu nhất. Thật vậy, lịch sắp xếp 14 ngày trong tháng theo thứ tự ABC… Dư ngày nào ông nói để làm việc riêng, thường gọi với cái tên nhập thất. Mọi người rất tin và xem ông có phần của sự linh thiêng.
Bà vợ thứ 12, chột một con mắt, nhưng tướng người rất sang, chuyên phụ trách đi ma chay, tống táng trong khắp các làng, quay vòng trong số 14 gia đình nhà vợ đang chung sống hay đã khuất của ông cùng số nông nô cũng không đủ thời gian.
Người vợ thứ 13 là một bà què cả hai chân do bị chứng bại liệt từ nhỏ, khuôn mặt rất đẹp và phần trên đầy đặn. Khi ông đi cưới người phụ nữ bất hạnh này, dân khắp các vùng đồn đại về sự kỳ lạ không hiểu nổi, ông quả là một đại nhân!
Hồi ấy chưa có xe lăn nên bà phải lếch trên những chiếc mo cau, hai ngực bà chuyển động, khỏe mạnh, kém hơn ông gần hai mươi tuổi… Sau lễ cưới vài hôm, bà phụ trách bộ đòi nợ, không một gia đình nào thiếu nợ mà bà bỏ sót, bà cứ ngồi lì ở nhà con nợ theo sách của ông, bắt họ nuôi cơm cho đến khi nào trả xong ít nhiều mới ra đi… Công việc của bà trở nên nặng nề hơn chị em khác khiến đến lượt tới phiên trong lịch 14 ngày, bà đành khất lại và xem như có lỗi với ông.
Dân trong làng cùng các vùng đều sợ nhất người đàn bà này vì không ai không nợ nơi cảnh thôn dã miền quê thời ấy. Người đàn bà bất hạnh mang số 13 bị mang tiếng xấu với những cái tên trù ẻo xấu xa…Họ nguyền sao cho bà vợ chuyên đi đòi nợ này mau chết. Riêng bà cảm thấy mang ơn được làm vợ một địa chủ nổi tiếng giàu có, nhân hậu và nay được giao một công việc thật lớn lao như ông dạy cho bà câu chữ nho nhiệm trọng nhi đạo viễn, diễn nôm nghĩa là gánh nặng mà đường con xa, làm sao đòi nợ cho hết mà con nợ cứ ngày một chồng chất, có khi đến đời con cháu của họ vẫn chưa trả xong. Nhiều khi nằm vạ để lấy được tiền bà có ý nghĩ thôi thì đời cha ăn mặn, đời con khát nước biết làm sao bây giờ. Và chuyện mình, bổn phận làm vợ nhà giàu thì cứ đi đòi nợ vậy.
Dường như cuộc sống yên ổn nhất vẫn là với những bà vợ trên những cánh đồng, ngoài công việc đồng án ngoại trừ nếu hôm đó không tới phiên mình được ban phúc, theo tiếng lóng các bà gọi chuyện ấy với ông, họ nằm ngay và tiếng ngáy khò khè từ lúc nào, với người nông dân trong giấc ngủ say hay được gọi cọp về mang đi cũng không hay biết.
Bà vợ đầu và thứ 14 chỉ khác nhau về tuổi tác, nhưng thể chất và xuất thân con nhà giống nhau. Tất nhiên phải con quan có chút ăn học để con cái được mang tiếng thuộc giòng giống con nhà này nọ, và thân xác thật toàn mỹ như sông núi hữu tình, đầy đặn để nuôi con. Hồi ấy không có kiến thức về gene và di truyền, nhưng ai cũng hiểu được con quan mới được làm quan, con sãi ở chùa thì quét lá đa. Một thứ cảm nghiệm thường nghiệm cho đến lúc có các phát minh khoa học về ADN.
Lão địa chủ có đến hơn ba chục người con, kể cả số con cái của các bà nông dân, riêng với bà tật nguyền có một cô con gái thật xinh xắn, về sau nghe nói trở thành một ca nữ nổi tiếng. Khi tuổi đã cao, ông như một mãnh hổ về già, suốt ngày hầm hè đôi tiếng kêu tên của các bà vợ trong số hàng tá của ông mà mỗi khi cưới về đều được đổi tên họ theo bốn câu thơ Đề tích sở kiến xứ của Thôi Hộ, và ông giải thích mỗi người đến đây đều có sắc đẹp và tài năng riêng của mình mới được đưa vào dòng họ này. Nên phải cẩn trọng! Sắc đẹp và tài năng luôn đố kỵ và thoáng qua, nhanh lắm, nên mỗi người vợ phải biết gìn giữ, nhất là sự trung thành. Bốn câu thơ đó là:
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.*
Dịch:
Cửa đây năm ngoái ngày này
Hoa đào cùng với mặt ai ửng hồng.
Mặt người giờ biết đâu không
Hoa đào còn đó gió đông vẫn cười
(Ninh Thượng)
(Ông giải thích 14 bà chỉ mới có hai câu, câu cuối Hoa Đào Năm Ngoái Còn Cười Gió Đông dành cho sự trùng tên và những chữ còn lại cho tên những bà sẽ cưới thay vào người nào chẳng may qua đời, bỏ ông ra đi).
Ông nghĩ đến con Bạch tuột khổng lồ có 14 cái đầu với hàng trăm con cháu chắt, những cánh tay to lớn nhiều đất đai, nhà cửa, ruộng vườn cùng vô số tay nhỏ mọc ra, chúng họp thành tập đoàn lợi ích siêu khủng trên vùng đất An Nam này. Ông mơ màng và chính mình đang là họa sĩ?
Ông mất khi không còn nhận ra ai là con của mình, bà vợ cuối cùng nhỏ hơn ông đến bốn mươi tuổi và đứa con ra đời ngang bằng tuổi cháu chắt của ông. Trong cơn hấp hối mỗi khi tỉnh táo, ông gọi tên từng bà và sờ vào chỗ ấy như một thoáng qua, bàn tay ông yếu dần và như thế đã thật chặt rồi với ông. Cho đến khi cánh tay buông hẳn. Freud cũng vừa xuất hiện, đúng vậy cái phần kia nó là bảy mươi phần trăm của con người và người ta thường nhân danh để che lấp nó, tiếng nói của nó thật mạnh mẽ và từ vô thức ông đi thẳng vào hư vô.
Nguyễn Quang