Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
Trong vai trò
vừa là thầy, vừa là bạn với một số em học sinh cấp hai, tôi có dịp ngắm
nhìn cuộc sống từ một góc độ khác. Khác với góc độ hiện tại của tôi,
nhưng không khác lắm khi tôi ở độ tuổi của các em.
– Người ta nói là các em quậy quá! Thầy thấy họ đúng phần nào.
– Tụi em không quậy, mà là phá.
Vừa
nói xong, một cuốn vở bay từ tay một em và đáp xuống mặt em khác. Sau
đó, nó rơi xuống đất và tung gáy. Khuôn mặt hai em: một thì cười đắc ý,
một thì giận dữ.
– Trên trường, tụi em có như thế này không?
– Thường xuyên thưa thầy.
– Các bạn khác có “phá” như em không? – Có. Không cần tính các bạn khác, mình em là thầy cô đủ mệt rồi.
– Trên lớp em có nói nhiều như bây giờ, khi ở nhà không? – Em không nói nhiều với thầy cô, mà nói nhiều với bạn bè.
Chuyển sang chủ đề khác một chút, các thầy cô trên trường của em thế nào?
– Tùy người thầy ạ.
Tụi nhỏ chỉ tay qua lại cho nhau. Một bạn nữ nói: – Bạn nam này chỉ thích chọc ghẹo các cô giáo trẻ đẹp. Em thấy tội nghiệp cho các cô, nhiều khi có cô phát khóc.
– Còn bạn kia, ai bạn cũng chọc ghẹo, tất cả các thầy cô, nhất là các thầy cô khó tính và nghiêm khắc. – Bạn khác lại chuyên chọc ghẹo thầy cô hiền lành.
– Ủa. Tại sao ai tụi em cũng “không tha” là sao?
Tụi nhỏ cười:
– Thầy cô mà khó tính và dữ dằn, tụi em sẽ phản kháng, sợ gì. Thầy cô
mà hiền và dễ, tụi em sẽ “vượt mặt”. Đàng nào cũng không thoát.
– Còn em, em gái, em có đánh nhau không?
– Có chứ. Tụi em lập mưu và có kế hoạch đàng hoàng, nhưng trận vừa rồi em không tham gia nữa.
– Tại sao không? – Lúc thích lúc không thầy ạ.
Nếu thế, tụi em thích thầy cô là người thế nào?
– À, phải vừa hiền vừa giỏi vừa quan tâm tụi em vừa không can thiệp vào chuyện riêng tư của tụi em…
– Ồ khó đấy. Hiếm có người thầy người cô nào được như thế…
– Tụi em thích thầy cô nào nhất? Mỗi em đưa ra một đáp án khác nhau. Điểm tích cực là các em có đồng ý với nhau một phần nào đó.
Vâng
có lẽ, các em học sinh cần được lắng nghe nhiều hơn. Có lẽ người lớn
cần đồng cảm với các em hơn. Có lẽ người lớn “không nên” coi các em như
là người lớn thu nhỏ. Và có lẽ người lớn nên nhớ lại tuổi thơ và tuổi
mới lớn của chính mình.
Có nhà tâm lý chia tiến trình phát triển về nhân cách thành 6 thang bậc từ thấp lên cao thế này:
1- Nghe lời vì sợ bị phạt.
2- Nghe lời vì thích được thưởng.
3- Lắng nghe nhau vì có tương quan tốt với nhau.
4- Sống theo định hướng của luật đạo đức.
5- Sống theo các nguyên tắc tốt có tính tự nguyện.
6- Sống theo tiếng nói của lương tâm.
Có câu châm ngôn nổi tiếng liên quan đến giáo dục là: Không ai có thể cho cái mà mình không có.
Nếu thế, nếu nhà giáo dục không đủ nhân cách, không đủ tri thức… hay
thậm chí chẳng màng chi đến các phẩm tính này, chẳng lo rèn luyện… thì
làm cách nào để có thể giúp trò, để dạy trò. Theo tôi, chìa khóa cho nền
giáo dục không chỉ là những dự án kiểu lũng đoạn tài chính, không chỉ
là chương trình chính sách kiểu háo danh… mà thực sự cần những nhà giáo
dục, cần những em học sinh sinh viên thức thời và tận tâm.
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
Nguồn: Dòng Tên net