Kinh Nghiệm Tổng Liên Đoàn Liên Đới Solidarnosc

Nguyễn Tri Sử (dịch)

Kinh Nghiệm Tổng Liên Đoàn Liên Đới Solidarnosc và Tư Tưởng Thiên Chúa Giáo

Dưới đây là bản dịch những trích đăng từ Nhựt báo Le Figaro ngày 30-8-05, bài Nói chuyện tại Warsovie của Đức Hồng Y Jean Marie Lustinger, Tổng Giám Mục Hưu Hàm Tổng Giáo Phận Balê nhân Kỷ Niệm 25 Năm thành lập Tổng Liên Đoàn Liên Đới Solidarnosc.*

Thuở đó có Đông Phương, Bức màn sắt, và Tây Phương. Đế quốc Sô-viết có vẻ vững chắc bất biến như Ai-cập thời các vua Pha-ra-ô. Vì thế những biến cố ở thành phố Gdansk làm cho chúng ta vừa sửng sờ vừa  khâm phục, song một lượt cũng khiến chúng ta e sợ sẽ có nguy cơ đàn áp. Nhưng không lâu một điều gì đó mới lạ đã xuất hiện. Trước tiên, là sự phủ nhận lớn tiếng rõ ràng ý thức hệ mác-xít: giới thợ thuyền đòi chế độ cộng sản phải tôn trọng công bình và dân chủ. Kế đến, sự xuất hiện một phong trào quần chúng độc đáo gồm những người trí thức và những nghiệp đoàn viên công nhân lao động. Cuối cùng là đức tin công giáo của dân tộc Ba-lan và sự trung thành của họ với lịch sử mình đã tạo cho phong trào ấy một sức mạnh bất khả khống chế.
Tất cả cái đó đã tạo nên một cảnh  tượng hoàn toàn gây bối rối cho những thành kiến đang lan tràn ở Âu Châu về vấn đề lao động, về tranh đấu giai cấp, về chế độ sô-viết, về tôn giáo là “thuốc phiện của quần chúng” v.v... Tổng Liên Đoàn Liên Đới Solidarnosc đã làm cho những định kiến vỡ văng tung toé từng mảnh. Thật vậy, khi thấy xảy ra cuộc đình công đầu tiên tại Xưởng đóng tàu Gdansk hồi tháng 2 năm 1980 chúng ta không khỏi nhớ đến  việc bầu Giáo hoàng Gioan Phaolô II hồi năm 1978 và chuyến công du đầu tiên của ngài về Ba-lan hồi tháng 6 năm 1979. Không có vị Giáo hoàng này, không có sức mạnh của những lời nói và sự hiện diện của ngài thì không thể có Solidarnosc.
Ngày nay đối với tôi thật rõ ràng là tính cách quan trọng của Solidarnosc không thể chỉ được đo lường bởi vai trò lịch sử của nó trong việc làm sụp đổ hệ thống sô-viết. Trong kinh nghiệm Solidarnosc còn có cái gì hơn là cuộc nổi dậy của một quần chúng và quốc gia chống lại độc tài ngoại bang, hoặc là một phê phán ý thức hệ mác-xít lê-ni-nít. “Cái gì hơn” đó làm cho Solidarnosc trở thành một kinh nghiệm vô giá có sức thu hút chú ý về phương diện lý thuyết cũng như thực hành vượt xa hoàn cảnh xuất hiện của nó.
Sự thiếu hiểu biết của chủ nghĩa mác-xít lê-ni-nít
Kinh nghiệm của Solidarnosc phát sinh từ dân tộc Ba-lan cũng như từ phản ứng sinh tử của họ chống lại sự đàn áp dai dẳng của nga sô. Vì trong phân tích xã hội cũng như trong thực hành, chủ nghĩa mác-xít lê-ni-nít  không màng lưu ý đến, hoặc đúng hơn họ không thể lưu ý đến, thực tại căn bản của thân phận con người, vì họ không thấy và cũng không thể thấy. Họ muốn tự tôn và thiết định mình thành khoa học duy vật về lịch sử, do vậy trước hết họ phải xây dựng đối tượng để xác định những luật  quy định nó. Hành động đó sinh ra một sản phẩm giả tạo để thay thế cho thực tại của đời sống con người. Cái tự cho là “khoa học” ấy chỉ có thể hoạt động đươc trong phạm vi hạn hẹp mà nó đã giữ lại hoặc bỏ đi để xây dựng đối tượng của nó. Khi đem áp dụng vào thực tế phức tạp và phong phú của xã hội loài người thì nó sẽ bức hiếp thực tế.
Kinh nghiệm của Solidarnosc phơi bày sự thật mà chủ nghĩa mác-xít lê-ni-nít đã không biết đến hoặc đã bóp méo khi giải thích. Sự thật đó tôi gọi là “điều thiếu hiểu” của chủ nghĩa mác-xít lê-ni-nít. Dĩ nhiên, Solidarnosc đã trả lời cho chủ nghĩa mắc-xít lê-ni-nít, và theo một ý nghĩa nào đó đã phủ nhận nó. Song sự phủ nhận này chỉ xảy ra nếu người ta đem phơi bày dưới ánh sáng sự thật của kinh nghiệm nhân sinh mà chủ nghĩa mác-xít lê-ni-nít đã cố tình không biết đến vì bản tính ý thức hệ của nó. Khi  bộc lộ sự thật đã không được biết đến, đã không được nhìn thấy, đã bị “thiếu hiểu” ấy, kinh nghiệm của Solidarnosc đã làm vỡ tung từng mãnh lầu đài ý thức hệ mác-xít.
Sự thật được Solidarnosc phơi bày
Dân tộc Ba-lan bị đặt dưới sự nô lệ của một chế độ công an đã sống trong tinh thần liên đới trước khi tổ chức Tổng Liên Đoàn Liên Đới thành hình. Đức tin và cầu nguyện của một dân tộc có lòng tin là miếng đất mùn cho nền văn hoá và lịch sử Ba-lan. Không thể nhìn mãnh lực của nó như là một vũ khí chiến tranh chống lại chế độ, song như là ký ức về thực tại và thực tại của ký ức đã nuôi sống ý thức dân tộc. Điều cần thiết là tình liên đới sinh động ấy phải được suy tưởng, chuyển động thành chương trình để sống, tin tưởng, và hành động. Đó là điều mà những người lao động và trí thức của phong trào đã làm.
Kinh nghiệm về liên đới nằm ngay trong cuộc sống con người. Nó đặt mỗi người trong khả năng liên hệ với người khác. Nó thúc đẩy ý thức phải hoạt động tức thời. Nên chi khi một dân tộc bị áp bức  suy tư về những vấn đề nền tảng của cuộc sống duy tư  và xã hội của mình thì họ liền vạch ra cả một nền nhân loại học. Lao động  là tâm điểm của ý thức hệ nhà nước; còn những người lao động khi họ đòi hỏi nhân phẩm thì xác định rằng mình là những con người bằng xương bằng thịt, chớ không phải là những dụng cụ sản xuất. Như vậy con người thật sự đang được đặt ngay trung tâm của sinh hoạt chánh trị.
Tổng Liên Đoàn Liên Đới Solidarnosc chỉ có thể ra đời nhờ sự kết hợp của tư tưởng và hành động. Những người trí thức đã biết suy tư về kinh nghiệm này cách hợp lý. Hơn nữa họ đã trình bày thành một diễn đạt có tính cách quần chúng điều mà dân tộc Ba-lan đã sống và ước vọng lúc đó. Từ “Solidarnosc” là một biểu tượng kỳ diệu. Chúng ta hãy lưu ý đến sự quan trọng của hiện tượng luận nó cho phép chúng ta khám phá thực tế nhờ vượt thoát khỏi cái dây xính trói buộc của biện chứng hê-gen của  Marx. Người ta có thể nhận ra lối tiếp cận hiện tượng học trong những bài diễn văn của Đức Giáo hoàng khi về Ba-lan, cũng như trong quyển sách nhỏ của Linh mục Joseph Tischner được phổ biến chui dưới tựa đề Spotkania. Quyển sách nhỏ này là dụng cụ giúp người ta ý thức về điều Solidarnosc đã khích động. Còn về thực hành thì cần nhắc lại vai trò của các biến cố ở Gdanks và sự lãnh đạo của Lech Walisa.
Luân lý, chánh trị, tôn giáo
Dần dần với sự xuất hiện của con người trong thực tại xã hội với những lợi hại xã hội mang đến, thì một cung cách hành động được vạch ra: cung cách “luân lý” của Solidarnosc muốn là một “luân lý của ý thức” khả dĩ tạo được những mối liên hệ tôn trọng với tha nhân, để tự tổ chức trong viễn ảnh một hệ thống dân chủ. Việc đòi hỏi tự do hàm chứa sự chấp nhận những khác biệt và những ý kiến khác nhau.  Cũng vậy, nguồn gốc tôn giáo và Kitô giáo của Solidarnosc được nhận rõ bởi vì nó chứng minh nền tảng bất diệt của nhân phẩm. Nên chi những người không chia sẻ niềm tin tôn giáo với các Kitô hữu cũng có thể cùng với các Kitô hữu xác nhận nhân phẩm giá con người, và nhận ra mình là anh chị em với nhau trong cùng một cuộc chiến đấu cho tự do. Trong khi đó ý thức hệ thì san bằng hết mọi khác biệt và chỉ có thể tạo ra  sự thống nhứt bằng ép buộc, hoặc hơn nữa bằng sợ hãi. Đó cũng là điều mà Solidarnosc đã kinh nghiệm.
Vai trò chánh yếu mà Giáo hội công giáo đã đóng không thể hiểu chỉ như là một gặp gỡ chiến thuật. Giáo hội, với Đức Gioan Phaolô II đứng đầu, đã biết huy động  kho tàng linh thiêng nhận từ Đấng Cứu Thế để phục vụ cho nhân phẩm. Sở dĩ Solidarnosc đã hiện hữu là nhờ có sự kết hợp lịch sử của một dân tộc và đức tin của họ, của một lịch sử, của một ký ức với những thảm kịch và vận hội, và của một giai đoạn cực kỳ khủng hoảng như một trận bão tố to lớn nó phơi bày đáy biển và tất cả những gì bị chôn vùi dưới đó.
Nếu ở giai đoạn đầu của Solidarnosc người ta chỉ cần kêu gọi một nền “luân lý liên đới”, thì ở giai đoạn sau đó nền luân lý liên đới cần khơi dậy những lựa chọn chánh trị và học biết quản lý những khả thể thế nào. Quần chúng phải thoát ra khỏi  tình trạng thụ động mà chế độ độc tài đã nhồi sọ họ, để với trách nhiệm của mỗi người biết phải rút ra những hệ luận xã hội nào...
Tình liên đới là niềm hy vọng?
Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, cũng có một hiểm họa tương tự nếu vì quá chạy theo những lợi lộc mới của các ý thức hệ hiện hành mà không nhận biết thực tế của nhân phẩm và thân phận con người. Ở đây có một con đường thật hẹp giữa sự phê bình hoàn cảnh hiện tại làm phát hiện sự thiếu hiểu của nó với lối diễn tả tích cực và rõ ràng mạch lạc. Phải chăng đó là điều đang thấy trong những cuộc tranh cãi về tương lai của Âu Châu? Trong dư luận thế giới cũng vậy, ngày càng có nhiều thêm những luận chiến với lời lẽ nổi loạn và đương đầu vũ lực. Người ta đã thấy điều đó ở các diễn đàn thế giới bàn về các vấn đề xã hội. Mặc dù những tranh cãi không giúp chúng ta giải quyết được một vấn đề khó khăn. Nó chỉ gây nên tranh chấp đối kháng chớ không giúp cho nhận chân được sự thật đang bị lãng quên hoặc đang bị tổn thương.
Cần thiết phải làm sao cho lương tâm nhân loại ý thức về sự thiếu hiểu ấy đối với thực tại con người. Đức Gioan Phaolô II đã khai mở và theo đuổi con đường ấy. Khi thế giới thương khóc cái chết của ngài tôi nghe như  có tiếng vang về sự việc các dân tộc ý thức sứ điệp của ngài về nhân phẩm và tương lai con người. Đức Gioan Phalô II  đã khơi dậy một niềm hy vọng lớn lao trong tâm hồn nhiều người khi ngài đi vòng quanh thế giới và tụ hợp những đám đông quần chúng với Giáo hội ở giữa họ hầu làm chứng cho sự thật.
Chúng ta không thấy ở đây có sự thức tỉnh về tình liên đới thế giới dựa trên lương tâm đạo đức của mọi người và mọi dân tộc sao? Những công bố về tương lai con người và nhân loại, Công Đồng Vaticanô II đã rút ra từ các giáo huấn của Đức Kitô xác định về ơn gọi và phẩm giá con người.  Trong khi lý luận dựa trên kinh tài đang thắng thế ở khắp nơi, thì làm sao mang cái thực tại đã không được hiểu biết mặc dù có thể hiểu biết ấy trở lại trong khi phân định về những phương tiện và cứu cánh, những ưu tiên thật sự, những lựa chọn và những hy sinh cần thiết? Đó là thách đố của hiện nay. Công việc khó khăn đó chẳng những đòi hỏi suy tư lý thuyết mà còn đòi hỏi hành động đúng, khôn ngoan, và hoàn cảnh lịch sử thuận lợi. Có nên sợ rằng những mâu thuẩn của đầu thiên kỷ này sẽ  kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng bi đát hay không? Điều đó tùy thuộc trận bão tsunami xã hội mà cuộc khủng hoảng ấy khơi dậy có phải là trận bão đánh vào tình liên đới hay không.
Tổng Giám Mục Ba-lê.

 _______________________________________________________
*Để dễ dàng theo dỏi tư tưởng và trình bày của Hồng Y Lustinger, xin mời đọc thêm đoạn trích sau đây từ một bài người dịch đã viết "Giải pháp tranh đấu bất bạo động cho Việt Nam”:
“… Cuộc cách mạng bất bạo động Mùa Hè 1991 tại Nga, cũng như những cuộc cách mạng ở Đông Âu năm 1989, 1990 đều đã bắt nguồn từ biến cố lịch sử vĩ đại gọi là "Mùa Hè Balan", cuộc cách mạng bất bạo động thành công đầu tiên trong Khối cộng sản.
Lập quốc và thống nhứt vào khoản năm 960, quốc gia Balan đã nhiều lần bị xâm chiếm và chia cắt bởi các nước lân cận như Phổ, Nga, và Áo quốc. Năm 1939 bị Nga sô và Đức Quốc Xã xâm chiếm. Sau Đệ II thế chiến, Balan mới thu hồi độc lập khỏi sự áp chế của Đức quốc xã thì liền khi bị chuyền tay nằm gọn trong vòng kềm tỏa của Nga sô từ 1947.
Từ đó nhân dân Balan đã nhiều lần nổi dậy chống chế độ và đế quốc cộng sản những năm 1956, 1970, 1976, những lần nổi dậy rất đẩm máu song đều thất bại.
Nhưng lân nầy, kể từ tháng 7 năm 1980, đã bắt đầu biến cố gọi là Mùa Hè Balan, khỏi đầu cho một cuộc cách mạng nhân bản bất bạo động được kết thúc tốt đẹp thành công vào năm 1989
Ngày 1-7-80, báo chí Balan đăng tải tin chánh phủ quyết định lại việc phân phối thịt mà kết quả là làm cho thịt tăng giá khủng khiếp. Các bà nội trợ, các nữ công nhân không còn kiên nhẫn nữa: đã sẵn uất ức vì bị xếp hàng cả ngày, vì phải mua chợ đen, bây giờ còn phải mua đắt hơn trước, trong khi mức lương thì đứng yên một chỗ. Lãng công tại Ursus, kế đó đình công ở những nơi khác như Lublin, Wroclaw, Poznam và Lodz. Đến đây, sự nổi giận và nổi dậy của nhân dân còn nặng nguyên do thúc đẩy cơm áo và vật chất. Song kế đó "Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Lợi Thợ Thuyền" (KOR-Uûy ban này gồm hơn 200 trí thức Balan) phổ biến tin đầy đủ về những vụ đàn áp công nhân của nhà nước và chủ nhân cộng sản, như vụ công an bắt anh lãnh đạo nghiệp đoàn Lech Walesa, vụ xí nghiệp nhà nước sa thải không duyên cớ chị chiến sĩ nghiệp đoàn Anna Valentinowick. Lúc đó, bên cạnh nhu cầu cơm áo, giới lao động Balan còn nhìn thấy rõ ràng hơn tính cách quan trọng khẩn thiết của một nhu cầu khác, đó là nhu cầu tự do và nhân phẩm.
Chính ý thức tranh đấu cho toàn vẹn cuộc sống con người, và chẳng những cho lao động thợ thuyền mà còn cho toàn dân đã thúc đẩy công nhân đình công toàn khắp các xí nghiệp. Và lần nầy ít ra một số lớn những người lãnh đạo nhận định rằng không thể tranh đấu bạo động đẫm máu để rồi thất bại như những lần trước. Ngày 16-8-80, đại biểu tất cả các xí nghiệp tại vùng Gdanks hợp dưới quyền chủ tọa của Lech Walesa thành lập "Uỷ Ban đình công liên xí nghiệp". Họ soạn thảo một bản yêu sách 21 điểm đưa ra yêu cầu nhà nước cộng sản phải ngồi lại với họ để thương thảo và giải quyết.
Ngày 31-8-80, một ngày lịch sử của lao động Balan (Diễn văn trích dịch ở trên được Hồng Y Lustinger đọc nhân Ngày Kỷ Niệm 25 năm Thành lập), thỏa ước 21 điểm đã được ký kết, mà điểm then chốt và chủ lược là "thành lập một hệ thống nghiệp đoàn tự do và tự quản". Ngày 10-11-80, Tổng Liên Đoàn Liên Đới Solidarnosc được chánh thức thành lập và cấp phái lai. Chỉ trong vòng mấy tuần lễ Solidarnosc đã thu nhận trên 10 triệu đoàn viên trong số 12 triệu rưởi công nhân và trong số 17 triệu người trong tuổi làm việc.
Phiá Nghiệp đoàn và nhân dân đã cố tránh những hành động thách thức hay gây hấn bạo động làm cớ cho chánh quyền cộng sản đàn áp. Nhưng cũng không khỏi. Đêm 12 rạng 13-12-81 CS Balan đem toàn lực công an, cảnh sát, quân đội ra đàn áp, bao vay cơ sở, bắt cầm tù tất cả cán bộ của nghiệp đoàn Solidarnosc, trong số có Lech Walesa, cơ sở nghiệp đoàn bị chiếm và tổ chức bị giải tán. Chính Walesa và những cán bộ cao cấp khác bị bắt rồi thả ra và mỗi lần CS thấy nguy hiểm hay không bắt ép được họ chịu điều kiện của CS thì cũng đều bắt họ cầm tù trở lại.
Trong suốt cuộc tranh đấu kéo dài từ Mùa Hè 80 đến giữa năm 89, dưới sự lãnh đạo của Lech Walesa và có thể nói được một phần nào với sự góp sức của hàng giáo phẩm, vì 93% dân chúng Balan là công giáo, nhân dân và thợ thuyền Balan đã thành công nhờ dùng phương thức bất bạo động.
Trước thái độ khiêu khích và hành động đàn áp từ đánh đập đến bắt bớ, tra tấn, cầm tù, thủ tiêu như giết rồi thả trôi sông linh mục Popieluszko, Lech Walesa vẫn giữ cho phong trào tranh đấu tính cách "bất bạo động và còn là một cuộc cách mạng đạo đức" như Lech Walesa luôn luôn nhắc nhở đoàn viên và quần chúng.
Cuộc cách mạng có tính bất bạo động và đạo đức vì họ đặt lên hàng đầu những nhu cầu tinh thần như tự do, độc lập, chủ quyền quốc gia, nhân quyền và nhân phẫm. Cũng như những cuộc cách mạng khác nhứt là cuộc cách mạng bất bạo động ở Philuậttân và Aán độ (được nói ở phần khác trong bài), họ chủ trương tha thứ, "lấy tình thương xóa bỏ hận thù", họ chủ trương muốn thanh tẩy xứ sở khỏi tội ác và gian dối thì trước tiên phải thanh tẩy chính bản thân họ.
Những công nhân đình công thường không xuống đường để tránh những thách đố của CS, họ không bạo động gây hấn với cảnh sát, thường khi họ đóng cửa và ngồi trong vòng rào xí nghiệp. Họ qùy cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Czestochowa, biểu hiệu của Nữ vương xứ Balan, và bên ảnh Đức Gioan Phaolô II. Các linh mục đến xí nghiệp nơi công nhân đình công để cử hành thánh lễ, ngồi toà giải tội và cầu nguyện với họ.
Họ tự đặt ra những quy luật chặt chẽ như không chưởi thề nói tục, không mang rượu vào xưởng cũng không uống rượu trong lúc đình công, mặc dù trước đây nhiều công nhân nghiện rượu, vì đã lấy rượu giải sầu cho cuộc sống không có ngày mai (Chúng ta biét nghiện rượu là một chứng bệnh một tật xấu lan tràn trong những xứ CS). Họ không cãi lộn với nhau, trái lại thường nói đến những từ, những tư tưởng, những danh từ mà trước đây họ ít nói hoặc ít nghe nói đến như: phẩm gía con người, danh dự, chân thành, tôn trong sự thật, tha thứ, canh tân, cải thiện, bình đẳng, nhân phẩm... Họ chia sẻ với nhau những thức ăn mà các bà vợ mang dến. Một số xí nghiệp đã đình công không phải để đòi tăng lương mà chỉ để đòi các tên thủ trưởng, các cán bộ nhà nước phải tôn trọng nhân phẩm của công nhân.
Dưới đây là bài tường thuật của ký giả Ryszard Kapuscinski đăng trên một tờ báo nhà nước: "Tôi đã sống 12 ngày vùng duyên hải ở Szczecin rồi Gdansk và Elblag. Ngoài đường bầu không khí yên lặng song không căng thẳng nặng nề, nhưng có vẽ người ta tin tưởng và nghĩ rằng mình có lý. Một tinh thần mới bao trùm thành phố. Người ta không còn uống rượu, không lớn tiếng. Tình trạng phạm pháp tuột xuống zero. Không còn ai có vẻ hận thù hiếu chiến. Mọi người trở thành nhân hậu, tử tế, cởi mở. Những người trước đây không liên hệ gì với nhau bây giò bỗng chốc khám phá ra rằng họ đang cần nhau. Chính những người thợ đình công đã tạo ra kiểu mẫu liên hệ xã hội mới nầy mà tất cả mọi người dân đều chấp nhận".
Cũng như ta sẽ thấy sau đây rằng thuyết tranh đấu bất bạo động của thánh Gandhi cũng dựa trên tình thần tôn trọng sự thật, thì cuộc tranh đấu của nhân dân Balan cũng đã dựa trên tinh thần tôn trọng sự thật và vì sự thật. Trong những năm 1989 và 1990, trưóc những cuộc cách mạng thành công của các quốc gia Đông Âu và Trung Âu, Đức Gioan Phaolô II đã không nói: tự do đã thắng hay dân chủ đã thắng! Trái lại Ngài hay nói: sự thật đã thắng! (Đức Gioan Phaolô II lên ngôi giáo hoàng ngày 16/10/1978. Từ 2 đến 11/6/1979 ngài về Balan lần thứ 1. Hè 1983 ngài về lần thứ 2, và hè 1987 lần thứ 3).
 Hãy nghe Lech Walesa trả lời phỏng vấn của báo L'Express ngày 13-12-80: "Tại sao tôi thành công? Chỉ vì tôi đã nói sự thật. Tôi không tính toán. Dù hệ thống xã hội nào đi nữa, nếu nó không dựa trên sự thật, dựa trên tiếng nói của lương tâm, dựa trên sự lương thiện, thì nó không có cơ thành công. Người ta không thể hoạt động chống lại con người. Nếu quý vị có một guồng máy không còn chạy được thì hãy sửa chữa nó. Guồng máy của chúng ta đã hỏng từ những năm 1956, 1970, 1976. Nếu không thể sửa chữa thì hãy đổi máy khác; không cần nói đến những khía cạnh chánh trị mà chỉ cần nhìn xem khuynh hướng của 35 năm qua đã dẫn dắt chúng ta đi đến đâu: người ta đã tạo ra những thằng láo cá vặt, những đứa gian lận và những đứa mưu mô. Còn những anh trưởng toán kia, nếu anh ấy sống lương thiện thì anh ấy sẽ nghèo đói. Chính tình trạng xáo trộn ấy phải bị thanh toán. Phải khôi phục lại tinh thần đạo đức".
Cuộc cách mạng của chúng tôi là một cuộc cách mạng luân lý đạo đức! Lech Walesa thường nói. Nó dựa trên sự thật, tình thương, tinh thần đối thoại, sự tha thứ và hoà giải, những gía trị mà các vị chủ trương bất bạo động đều đề cao, từ Đức Phật, đến Chúa Giêsu, Thoreau, Tolstoi, thánh Gandhi...
Trong quyển “Lech Walesa and his Poland”, Mary Craig đã trích dẫn những tuyên bố sau đây củaWalesa:
"Chúng ta hãy tha thứ cho nhau. Ai cũng có thể lầm lổi ở một mức độ nào đó... Chúng ta không thể bỏ tù tất cả những viên chức chánh quyền thúi nát. Rồi ai sẽ trả tiền nuôi họ đây?...
"Chúng ta hãy là những con người sống tình người với nhau rồi mọi chuyện sẽ trôi chảy tốt đẹp. Tôi là một người có tín ngưởng nên tôi có thể tha thứ dễ dàng".
Có những cán bộ ngiệp đoàn quá khích đã chống lại ông, và vì ông không chấp nhận bạo động nên luôn luôn có những tranh chấp trong nội bộ nghiệp đoàn về phương pháp đấu tranh; có những lúc ông bị tố cáo là hèn nhát, hoặc đã bán lao động cho chánh quyền CS. Trong quyển tự truyện, ông đã kể lại có người nói thẳng vào mặt ông: "Thưa ông Walesa, ông sẽ không bao giờ là một chánh trị gia giỏi. Ông biết tại sao không? Vì ông sợ không dám đổ máu." Rồi ông nói tiếp: "thật tôi không chối cãi điều đó".
Sau khi nhận Giải thưởng Hoà bình hồi năm 1983, tức vào lúc CS thắng thế, ông cũng vẫn tin tưởng vào sự thắng thế cuối cùng của lý tưởng bất bạo động. Ông nói:
"Tôi vẫn tin tưởng một ngày nào đó (ngày đó đã đến hồi tháng 4 năm 1989) chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau quanh một chiếc bàn, và cùng nhau hiểu được điều gì là tốt nhứt cho Balan; vì muốn hay không muốn, thích hay không thích, chúng ta không còn một lựa chọn nào khác ngoài ra phải đi đến thông cảm với nhau; thật tình không còn một giải pháp nào khác".
Một nhà báo đã hỏi ông: "Ông đã chọn con đường bất bạo động; như thế có phải vì ông yếu đuối, hoặc vì ông không có khả năng để tranh đấu dành tự do độc lập bằng phương tiện nào khác hay không? Và ông trả lời: "Đó là con đường mà đa số dân Balan và đa số dân chúng trên toàn thế giới đang lựa chọn. Chính nhờ tranh đấu bất bạo động mà tôi đã đạt được ngày nay. Tôi là một con người tin tưởng vào đối thoại và thỏa hiệp. Tôi tin tưởng mãnh liệt thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của bất bạo động. Chúng ta đã áp dụng và thí nghiệm mọi hình thức bạo động, nhưng trong suốt giòng lịch sử nhân loại không có hình thức nào mang lại điều gì tốt hoặc tồn tại lâu dài".
Người ta thường nói đến Walesa như một nhà lãnh đạo, một chiến lược gia, một chánh trị gia tài ba. Song ít khi nhớ rằng trước tiên ông là một nhà cách mạng đạo đức và nhìn xa.
Cuộc tranh đấu tại Balan đã hoàn toàn thành công, cuộc chuyển tiếp thật êm đẹp từ CS sang tự do dân chủ, từ kinh tế xếp hàng cả ngày đến kinh tế thị trường và cất cánh phát triển. Một phần lớn chính nhờ phương thức bất bạo động.”  
 
(Khi dịch bài của Đức Lustinger và đăng lại đoạn trích về cuộc tranh đấu của Tổng Liên Đoàn Solidarnosc, tôi nhớ đến nhiều người đã suốt đời tranh đấu cho một Việt Nam trong đó nhân phẩm được tôn trọng, nhứt là nhớ đến Bạn Nguyễn Văn Tánh người đã dành phần đẹp nhứt đời mình cho/với lao động Việt Nam và Thế giới. nts)