Trump đành chào thua Kim Jong Un?

Lữ Giang
Trump đành chào thua Kim Jong Un?

Mấy tuần qua, khi đi vào các quán ăn hay quán cà phê, nhiều người đã đến hỏi chúng tôi: “Có đánh không?” Một số người đã nói thêm: “Chỉ có cha Trump mới dám chơi. Phải cho thằng nhắt con đó một bài học…” Trên Twitter ngày 13.4.2017 Trump lại viết: Nếu Trung Quốc không thể làm như vậy thì Mỹ và các đồng minh của Mỹ sẽ làm!”. Phe ra rất phấn khởi.
Đùng một cái, hôm 28.4.2017, khi nói chuyện với hàng thông tấn Reuters, Trump lại bán cái cho Tập Cận Bình. Trump nói:
"Tôi tin ông ấy đang cố gắng hết sức, chắc chắn ông ấy không muốn thấy sự hỗn loạn và chết chốc, ông ấy không muốn nhìn thấy nó, ông ấy là một người tốt, ông ấy là một người rất tốt và tôi biết ông ấy rất tốt . Với những điều đó, ông ấy yêu Trung Quốc và ông ấy yêu người dân Trung Quốc. Tôi biết ông ấy muốn làm điều gì đó, có thể ông ta không thể làm."
Như vậy từ tôn sùng Putin, Doanald Trump đi đến tôn sùng Tập Cận Bình!
Cả Tổng Thống Trump lẫn Ngoại Trưởng Tillerson đều không biết Bắc Hàn đang đóng vai trò gì giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ, và tại sao Kim Jong Un cứ đem bom hạt nhân ra dọa.
VÀI NÉT VỀ SỰ CHIA CẮT NAM - BẮC
Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc vào năm 1945, Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền. Liên sô chiếm đóng miền bắc cho đến vĩ tuyến 38 và Hoa Kỳ từ vĩ tuyến 38 về nam.
Vào tháng 11 năm 1947, Hội đồng LHQ đã đưa ra giải pháp tiến hành bầu cử toàn quốc tại Triều Tiên dưới sự hỗ trợ của một Ủy ban LHQ, nhưng Liên sô đã khước từ.  Điều này dẫn tới việc thành lập hai chính phủ riêng biệt ở hai miền: Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn) ở phía bắc và Cộng hoà Triều Tiên (Nam Hàn) ở phía nam, mỗi bên đều tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp của toàn lãnh thổ Triều Tiên.
Căng thẳng ngày càng tăng giữa hai miền đã dẫn tới chiến tranh Triều Tiên. Ngày 25.6.1950 quân đội Bắc Hàn vượt vĩ tuyến 38 khiến quân Nam Hàn phải tiến qua đánh Bắc Hàn, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Hoa Kỳ và LHQ hậu thuẫn Nam Hàn, còn Liên sô và Trung Quốc đứng đàng sau Bắc Hàn. Cuộc chiến kéo dài tới ngày 27.7.1953 thì hai bên thỏa thuận ký hiệp ước đình chiến. Một vùng phi quân sự  được thiết lập ỡ vĩ tuyền 38 phân chia bán đảo Triều Tiên thành hai nước cho đến ngày nay.
TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA HAI MIỀN
Căn cứ vào bài “Không có Mỹ, quân đội Hàn Quốc có đánh bại nổi Bắc Hàn không?” của Dave Majumdar đăng trên tạp chí National Interest của Mỹ ngày 7.1.2016, chúng tôi xin tóm lược lực lượng của Bắc Hàn và Nam Hàn hiện nay như sau:
Ngày 1.10.1953, Hoa Kỳ đã ký với Nam Hàn một hiệp ước bảo vệ Nam Hàn, nhưng quân đội Nam Hàn chỉ đóng một vai trò thứ yếu. Trong hơn 60 năm qua, Hoa Kỳ đã duy trì hơn 28.500 binh sĩ tại đây để bảo vệ Nam Hàn. Ngày nay, Nam Hàn đã hình thành một lực lượng quân đội hùng hậu, được đào tạo chuyên nghiệp, được trang bị hiện đại với quân số khoảng 630.000 người, nhưng quyền chỉ huy thời chiến vẫn do Mỹ nắm giữ. Hoa Kỳ định giao quyền này lại cho Nam Hàn vào tháng 12/2015 nhưng sau đó lại dời đến năm 2020. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì Lữ đoàn Pháo binh Dã chiến 210 và các hệ thống phản pháo hàng loạt (MLRS) M270A1 tại doanh trại Casey ở Dongducheon, phía bắc Seoul.
Quan đội Bắc Hàn dù đông đảo nhưng chủ yếu trang bị khí tài cũ kỹ của Liên sô từ những năm 1950 và 1960. Lợi thế duy nhất của họ chỉ là số lượng. Lực lượng đáng sợ nhất của Bắc Hàn là hàng nghìn xe tăng và hệ thống pháo. Xe tăng tiên tiến nhất của Bắc Hàn có khoảng 500 chiếc được chế tạo theo phiên bản yếu kém của xe tăng T-62, T-72 Liên sô. Phần còn lại là các mẫu T-55, T-62 của Trung Quốc. Không có loại xe tăng nào trong số này có thể đọ với các xe tăng K1, K1A1 và K1A2 của Nam Hàn với gần 1.600 chiếc, chưa kể tới xe tăng K2 Black Panther.
Về không quân, Bắc Hàn vẫn còn xử dụng MiG-17, MiG-19 và MiG-21, 35 tiêm kích MiG-29 Fulcrum đời đầu do tập đoàn Mikoyan chế tạo. Trong khi đó, Nam Hàn xử dụng chiến đấu cơ F-16C/D Fighting Falcon, F-15K Strike Eagle, FA-50. Những chiếc F-35 sắp được chuyển giao cho Nam Hàn trong thời gian tới.
Về hệ thống phòng không, Bắc Hàn vẫn còn xử dụng các hệ thống từ thời Liên sô. Nay Bắc Hàn đang sao chép hệ thống phòng không uy lực S-300 và 9K37 Buk của Nga. Đây là những hệ thống rất khó đối phó. Nam Hàn cần đầu tư trang bị nhiều hơn các hệ thống phòng không đánh chặn tầm cao PAC-3 hoặc hệ thống phòng không MEADS của Lockheed Martin.
Theo tác giả, nếu chiến tranh xảy ra, quân đội Nam Hàn hoàn toàn có đủ khả năng để đối phó với Bắc Hàn, trừ phi cuộc xung đột này trở thành cuộc đối đầu hạt nhân hoặc Trung Quốc can thiệp.
HẠT NHÂN, SỰ SỐNG CÒN CỦA BẮC HÀN
Trên tạp chí Foreign Policy, giáo sư Andrei Lankov, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Tổng hợp Kookmin ở Seoul, cho rằng người phương Tây đang nghĩ rang Kim Jong Un đã mất trí khi đe dọa Mỹ bằng chiến tranh hạt nhân trong khi đất nước đang rất nghèo khó. Nhưng ông nói:
"Hành động của Bắc Hàn có vẻ bất thường khi nhìn từ bên ngoài, nhưng thực ra chính quyền Kim Jong-Un đang có những động thái hoàn toàn hợp logic và rất cần thiết để sống còn."
Trước đây, sau khi bào chế được Plutorium, Bắc Hàn không chỉ chế bom hạt nhân mà còn bán cho Lybia và Syria để chế bom hạt nhân như Bắc Hàn. Nhưng trước áp lực của Mỹ, năm 2003 Lybia đã từ bỏ chương trình hạt nhân vì tin vào những lời hứa hẹn của các quốc gia Tây phương. Tuy nhiên, sau khi không còn bom hạt nhân, năm 2011 các quốc gia Tây phương với chiêu bài “bảo vệ người dân” đã mở cuộc hành quân đánh chiếm Lybia và giết Tổng thống Gaddafi. Syria cũng đã hủy bỏ lò chế tạo hạt nhân ở tỉnh Dayr ar Zawr, nhưng khi Mỹ định tấn công vào Syria thì Nga can thiệp kịp thời nên Assad sống còn đến này nay. Với kinh nghiệm xương máu đó, Kim Jong-Un chẳng những không bỏ võ khí hạt nhân mà còn phát triển nó để dọa các quốc gia Tây phương rằngnếu chết thì hai bên cùng chết”. Iran cũng đang học bài học của Lybia và Syria.
Hôm 27.4.2017 hãng tin CNN cho biết ông Sok Chol-won, giám đốc của Viện Nghiên cứu Nhân quyền tại Học viện Khoa học Xã hội của Bắc Hàn đã tuyên bố rằng các cuộc thử nghiệm hạt nhân ở Bắc Hàn sẽ “không bao giờ ngừng lại” chừng nào Mỹ tiếp tục có “động thái gây hấn”. Ông nói:
Cuộc thử nghiệm hạt nhân là một phần rất quan trọng trong nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh của vũ khí hạt nhân. Chừng nào Mỹ tiếp tục có những động thái gây hấn, chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng thử nghiệm đầu đạn hạt nhân và tên lửa”.
Với tình trạng nghèo nàn như hiện nay, Bắc Hàn lấy tiền đâu mà theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa? Theo The Wire của Anh, Bắc Hàn đã phát triển một nền kinh tế ngoài vòng luật pháp như buôn bán ma túy, thuốc lá giả, dược phẩm giả hay dược phẩm nhái, thuốc mê, thuốc an thần, văn hóa phẩm đồi trụy, sừng tê giác, ngà voi, xuất khẩu than, xuất khẩu lao động,...  Sau đó Bắc Hàn chuyển sang sản xuất tiền giả, tấn công mạng các tổ chức tài chính quốc tế để ăn cắp ngoại tệ, v.v. Nói một cách tổng quát, Bắc Hàn dám làm bất cứ thứ gì có thể đem lại ngoại tệ, bất chấp luật pháp.
BẮC HÀN LÀ CON BÀI CỦA NGA
Sau khi Nga chiếm được phần Viễn Đông trong thế kỷ 19, Triều Tiên có biên giới khoảng 40 km với Nga và Nga rất quan tâm đến bán đảo Triều Tiên. Cuộc cạnh tranh về bán đảo Triều Tiên đưa đến cuộc chiến tranh Nga – Nhật năm 1904. Sau Thế Chiến II, Nga bảo vệ phần đất Bắc Hàn từ vĩ tuyến 38 trở lên. Nhưng sau khi Liên sô sụp đổ vào năm 1999, Nga lơ là Bắc Hàn và giao cho Trung Quốc. Các mối quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự giữa Nga và Bắc Hàn đã suy giảm thậm chí gần bằng 0.
Khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền vào năm 2000, để tăng cường ảnh hưởng và uy tín quốc tế, Nga can dự trở lại vào bán đảo Triều Tiên thông qua việc phục hồi những mối quan hệ với Bắc Hàn. Ông Putin đã đến thăm Bình Nhưỡng trong các năm 2000, 2001, 2002 và 2011. Vào năm 2003, Nga trở thành một thành viên sáng lập của cuộc đàm phán 6 bên. Trong hai năm 2014 và 2015, các mối quan hệ Nga-Bắc Hàn đã phát triển mạnh.
Để đối đầu với chủ trương bao vây kinh tế Nga của Tổng Thống Obama, Nga quyết định mở rộng biên giới hơn. Về kinh tế, vào tháng 5/2014 Nga đồng ý xóa bỏ cho Bắc Hàn 90% số nợ trị giá 11 tỷ USD vào thời Liên sô. Nga đưa ra những khoản đầu tư tổng cộng 25 tỷ USD trong 20 năm, vào ngành công nghiệp mỏ và cơ sở hạ tầng công nghiệp của Bắc Hàn để đổi lấy đặc quyền tiếp cận nguồn khoáng sản dồi dào của Bắc Hàn. Tháng 11/2015, Moskva và Bình Nhưỡng đã ký một thỏa thuận về “ngăn chặn hành động quân sự nguy hiểm”. Nga cũng cho các chuyên viên về hạt nhân của Bắc Hàn qua Nga nghiên cứu về hạt nhân. Bắc Hàn trở thành con rối của Nga, được dùng để đối phó với các áp lực của Mỹ, và cả với Trung Quốc nếu cần.
Hôm 19.4.20127 Nga đã phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ Bắc Hàn thử tên lửa mới nhất và áp dụng các biện pháp chế tài, trong khi đó Trung Quốc lại đồng ý. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố: “Chúng tôi không chấp nhận các cuộc phiêu lưu hạt nhân và đạn đạo của Bình Nhưỡng…, tuy nhiên điều này không có nghĩa hễ vi phạm luật pháp quốc tế thì dùng đến vũ lực”.
BẮC HÀN LÀ CON BÀI CỦA TRUNG QUỐC
Vế kinh tế, Trung Quốc hiện đóng góp 90% hoạt động thương mại của Bắc Hàn. Khoảng 75% trong số 4,15 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Bắc Hàn là sang Trung Quốc. 76% kim ngạch nhập khẩu cũng là từ Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc được coi là nước có nhiều ảnh hưởng đến Bắc Hàn nhất.
Về quân sự, theo Reuters, những chiếc xe quân sự Bắc Hàn đang sử dụng cho nhiệm vụ chở hỏa tiễn do Công ty Sinotruk của Trung Quốc sản xuất. Các hỏa tiễn tầm ngắn mà Bắc Hàn mới đưa ra diễn hành được nhận diện là hỏa tiễn của Trung Quốc, mặc dầu Trung Quốc cãi chánh, Năm 2016, Reuters cũng phát hiện Bắc Hàn dùng xe tải HOWO của hãng Sinotruk để chở hệ thống pháo di động mới.
Giáo sư Mohan Malik thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu nhận định: Tôi cho rằng Trung Quốc, hơn bất cứ một nước nào khác, chú ý đến Bình Nhưỡng nhiều nhất, và Quân đội Giải phóng Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng hơn bất cứ quân đội của nước nào khác để thiết lập một chế độ thân Bắc Kinh trong trường hợp chế độ ở Bắc Hàn bị sụp đổ, và Trung Quốc sẽ nỗ lực thắng cuộc chiến Triều Tiên để thiết lập uy quyền trên bán đảo này.”
Tuy nhiên, có chuyên gia đã ví quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Hàn cũng gióng như giữa Hoa Kỳ với Israel. Nếu Israel nhiều khi cũng trở chứng với Hoa Kỳ thì Bắc Hàn thỉnh thoảng cũng làm như thế đối với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Vương Nghị đã kêu gọi Bắc Hàn trước tiên cần phải ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, còn Mỹ cần phải ngưng các cuộc tập trận ở Nam Hàn. Ông lập luận rằng vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chủ yếu là giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ.
BẮC HÀN CŨNG LÀ CON BÀI CỦA MỸ
Theo National Interest, Bình Nhưỡng luôn đe dọa sẽ thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực, và điều này đã kích động thành lập liên minh chiến lược giữa Mỹ và Nam Hàn. Nam Hàn trở thành một tiền đồn của Mỹ không chỉ để ngăn chận sự hiếu chiến của Bình Nhưỡng mà còn ngăn chận cả sự phát triển quân sự của cả Nga lẫn Trung Quốc ở trong vùng.
Theo Viện Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Seoul, ít hơn 50% số dân số Nam Hàn ủng hộ ý tưởng thống nhất với Bắc Hàn vì lo ngại rằng sự thống nhất này sẽ chất thêm lên vai họ gánh nặng tài chính. Ông Aleksandr Zhebin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Hàn của Viện Viễn Đông, cho rằng ngoài khía cạnh kinh tế, còn có lợi ích địa chính trị của Mỹ trong khu vực cũng gây cản trở cho sự thống nhất. Ông nói:
Đó là điều rõ ràng. Bất kỳ chuyến viếng thăm khu vực châu Á -Thái Bình Dương của đại diện Mỹ đều dẫn đến sự gia tăng căng thẳng ở đó. Rõ ràng là Mỹ không quan tâm đến việc tái lập quan hệ và hòa giải giữa Bắc và Nam. Điều đó không phục vụ lợi ích của Washington. Nếu Seoul và Bình Nhưỡng thiết lập sự hợp tác và sự căng thẳng giữa hai miền biến mất, thì Mỹ sẽ mất cái cớ chính về mối đe dọa từ phía Bắc Hàn. Trong khi đó, đối với Hoa Kỳ đó là lý do chính và gần như duy nhất để giải thích tại sao Mỹ đang gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực. Núp dưới cái cớ về sự căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, Washington xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Bắc Á Châu và biện minh cho sự hiện diện của lực lượng quân sự lớn gần biên giới Nga và Trung Quốc”.
Ngoài ra, việc la to chuyện thảm họa hạt nhân Bắc Hàn cũng giúp Mỹ gạ bán thêm vũ khí, nhất là hỏa tiển THAAD, cho Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan.
NẾU CHIẾN TRANH XẢY RA THÌ SAO?
National Interest nhận định trong trường hợp chính quyền Bắc Hàn mất kiểm soát, Trung Quốc chắc chắn sẽ can thiệp quân sự vào nước này. Trung Quốc cũng đã liên tục khẳng định rằng việc quân đội Mỹ tiến vào lãnh thổ Bắc Hàn là không thể chấp nhận được.
Sự thực là hiện nay Nam Hàn không sở hữu quân đội đủ lớn để giải quyết tất cả các tình huống bất ngờ. Trong trường hợp đó, việc Mỹ triển khai sức mạnh là điều cần thiết. Quân đội Mỹ sẽ cùng quân đội Nam Hàn tiến sang Bắc Hàn bằng cách đổ bộ vào các bờ biển của nước này. Vì sự đối phó trên không và trên biển của Bắc Hàn chẳng đáng kể gì nên quân đội Trung Quốc sẽ phải hành động để ngăn chặn các cuộc đổ bộ của liên quân Mỹ-Nam Hàn.
Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều thấy rõ tình huống nói trên nên không bên nào muốn chiến tranh xảy ra ở bán đảo Triều Tiên.
Ngày 4.5.2017
Lữ Giang