Lòng dũng cảm của Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền


Lòng dũng cảm của Đức Tổng Giám Mục
Philipphê Nguyễn Kim Điền

 Lm. Augustinô Hồ Văn Quý
   Nguyên bí thư tòa TGM Huế (1969-1972) và giám đốc Đại chủng viện Huế (1975-1977)
 
   Năm 1981, trong chuyến viếng thăm “Ad limina” của các Giám mục Việt Nam, khi tiếp kiến các Giám mục, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã gọi Đức Cha Nguyễn Kim Điền là “vị Tổng Giám mục dũng cảm” (le vaillant Archevêque). Danh hiệu này đã làm chính quyền cộng sản Việt Nam càng quyết tâm triệt hạ cho kỳ được Đức Tổng Nguyễn Kim Điền.
   Nhưng những người biết rõ Đức Tổng đều không lạ gì: tự bản chất ngài không có gì là “dũng cảm”; ngài luôn tránh đối đầu, bao giờ cũng chờ chực những dấu hiệu thiện chí nhỏ nhặt nhất của nhà cầm quyền để tỏ thái độ nhân nhượng. Đặc biệt ngài bị ám ảnh bởi nỗi sợ bị cô lập và lo không được ai ủng hộ lập trường của mình. Vì vậy tính “dũng cảm” của ngài chỉ có thể giải thích được nhờ hai sự kiện, mà chúng tôi sẽ triển khai trong bài viết này.
   · Thứ nhất là Đức Tổng Điền đã được dư luận hàng giáo sĩ Huế ủng hộ đến cùng. Chính Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, bằng những nhận xét có vẻ tình cờ, đã làm cho ngài tin tưởng rằng mình đi đúng đường lối. Một lần, ngài nghe kể về Đức Hồng y Wojtyla (sau là Giáo hoàng Gioan-Phaolô II) trả lời Đức Cha Nguyễn Văn Thuận vào khoảng năm 1974 về thái độ phải có với chính quyền cộng sản: “Cộng tác và đề kháng” (collaborer et résister). Đức Tổng Điền mừng rỡ kể lại cho mấy linh mục câu nói của Đức Thánh Cha. Chuyện tới tai công an, thế là trong buổi nói chuyện của Mặt trận Tổ quốc Bình Trị Thiên tại kỳ tĩnh tâm (2 tháng/lần) của linh mục Huế (1), ông Hoàn ủy viên Mặt trận tuyên bố thẳng thừng: “Làm gì có chuyện nghịch lý như vậy: collaborer et résister!” Chừng đó cũng đủ để Đức Tổng Điền nao núng lo sợ mình đã bị hố. Ngài nôn nóng chờ dịp gặp Đức Thánh Cha. Khi gặp được ngài hỏi ngay: có phải Đức Thánh Cha đã nói câu “collaborer et résister” đó không ? Đức Gioan-Phaolô II trả lời, dùng một kiểu nói mạnh hơn gấp bội: “Collaborer en résistant” (2).
   Ngay từ những ngày đầu sau “Giải phóng 1975”, Đức Tổng Điền đã cố gắng bằng nhiều cách bày tỏ ý muốn nhân nhượng đó. Trong Thư chung đầu tiên cho đoàn chiên đang hồi hương sau cuộc sơ tán, ngài đã dùng câu khẩu hiệu “Tiến lên xã hội chủ nghĩa”, làm cho nhiều linh mục ở tận bên châu Âu lấy làm ngán ngẩm lo sợ cho tương lai Giáo hội Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Riêng tại Huế, khi có người thắc mắc, ngài đã trả lời cách thoải mái: đó là “politique de la main tendue” - chính sách bắt tay (với cộng sản), được đề xướng thời Đức Thánh Cha Phaolô VI với Quốc vụ khanh Villot rồi Casaroli, và cũng có tên là “chính sách với Đông Âu” (Ostpolitik) (3).
   Hai hành động của Đức Tổng Điền hỗ trợ cho những ngôn từ kể trên. Một lần ngài triệu tập các linh mục cư trú trong thành phố Huế và thuyết cho các vị 10 phút về nghĩa vụ “bác ái” đối với cán bộ từ miền Bắc vào không có nhà ở. Ngài kết luận: phải nhượng cơ sở cho chính quyền, yêu cầu các cha bỏ phiếu góp ý. Kết quả: đa số cho ý kiến phủ quyết (một vị lớn tuổi còn ghi thêm vào phiếu: “không nhượng chi hết!”) Lý do quá dễ hiểu, nhiều vị đã nói toạc ra: nếu muốn “bác ái”, thì những người phải được quan tâm trước tiên là vợ con của “ngụy quân ngụy quyền” đã bị tước đoạt tài sản gia cư!...
   Lần khác là vào năm 1977: cha quản xứ Xuân Long được chính quyền yêu cầu cho mượn khuôn viên (gồm nhà và đất) ngôi trường giáo xứ (4). Cơ sở giáo xứ thuộc quyền Giám mục, cha quản xứ bèn trình Đức Cha, thầm mong ngài không cho; nhưng cũng phải trình bày hết sự thật: họ muốn dùng ngôi trường đó làm xưởng dệt chiếu, xây dựng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho dân chúng xã nhà. Đức Cha quá mừng mà chấp thuận: không thể tìm được lý do nhân đạo hơn thế! Để trấn an lương tâm, ngài dặn cha xứ phải ghi trong văn bản một điều kiện: khi tuyển chọn công nhân xưởng dệt chiếu, phải dành ưu tiên cho dân Công giáo trong vùng. Điều kiện đó được dễ dàng chấp nhận, bởi lẽ nuốt lời hứa đâu phải là chuyện khó; hơn nữa những người lãnh đạo chính quyền xã để ký văn bản đó biết sẽ còn tại chức cho đến khi nào? Kết quả: ngày nay, sau 30 năm “giải phóng” cả nước và thành phố Huế, ban lãnh đạo chính quyền xã đã thay đổi đến năm lần bảy lượt, mà xưởng dệt vẫn chưa sản xuất được một cọng chiếu nào!... Lại còn thừa thắng xông lên, chiếm luôn đám đất trồng cỏ tranh giữa ngôi trường và nhà thờ, vốn là nguồn thu nhập chủ yếu của giáo xứ!... làm nhà ở cho cán bộ (có cả cán bộ cao cấp ngành công an).
   · Lối hành xử lừa đảo lật lọng đó của chính quyền cộng sản chính là sự kiện thứ hai đưa đẩy Đức Cha Philipphê đến tính cách “dũng cảm” mà thực sự không có trong bản chất bẩm sinh của ngài.
   Càng ngày ngài càng thấy rõ điều này: thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng những cử chỉ hiền từ nhân ái có thể hoán cải được một số cá nhân cán bộ đảng viên. Cá thể chỉ là số không trước tập thể, tức cái gọi là “giai cấp vô sản”. Khi có chỉ thị của lãnh đạo đảng và nhà nước, không được từ một thủ đoạn tàn độc nào đối với những người của các tôn giáo mà trong riêng tư mình có thể có cảm tình hoặc khâm phục.
   Một thời gian ngắn sau “Giải phóng 1975”, nhà nước cộng sản cho nổ “vụ Vinh Sơn” (12-02-1976 tại Sài gòn): “bọn đội lốt thầy tu” dùng nhà thờ Vinh Sơn làm ổ phản động, in bạc giả v.v... Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình được đưa đi xem xét phòng thánh nhà thờ Vinh Sơn: trong tủ đồ lễ có cả đồ lót của phụ nữ! Lúc ấy nhiều người hay chuyện - trong số có Đức Tổng Điền - đã thấy ngay màn dàn cảnh lố bịch đến buồn cười: những “cha cố” hủ hóa đó không kiếm được nơi nào khác ngoài tủ đồ lễ để cất áo xống đời thường hay sao?
   Bài học đó đã giúp ích rất nhiều cho Đức Cha Philipphê. Hơn một năm sau (4-1977), nổ ra vụ “Hai bài phát biểu” của Đức Tổng. Đầu đuôi là thế này: Ủy ban Mặt trận thành phố Huế mời họp một số chức sắc Phật giáo và Công giáo; mục đích là phổ biến tin tức và hình ảnh về một vụ xấu xa của Phật giáo. Một ni cô Phật giáo đã tự thiêu để phản đối chính quyền; khi đem giảo nghiệm tử thi đã cháy đen thì phát hiện ra tu sĩ đó đang có thai: rõ ràng là để phi tang một vụ bê bối giữa giới ni sư, các thầy đã một công hai việc thiêu sát ni cô để xách động chống cộng! Đức Tổng Điền đứng lên phát biểu trước tiên. Ngài bắt đầu bằng câu: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, ám chỉ đến vụ Vinh Sơn: mặc dầu không có kiến thức sâu rộng về động vật học, Đức Cha cũng đủ sáng suốt để biết rằng những hình ảnh như vậy có thể lấy được dễ dàng nơi các phòng hộ sinh và dịch vụ phá thai (có thưởng: kế hoạch hóa gia đình!) (5).
   Vụ Vinh Sơn đã giúp ngài tránh được những lời phát biểu hàm hồ. Sau đó, một phái đoàn sư sãi đến xin yết kiến ngài tại tòa Giám mục: để tỏ lòng biết ơn và khâm phục sâu sắc, các vị đã quỳ mọp khấu đầu lạy ngài!
   Tư thế của ngài đối với chính quyền cộng sản đã xấu hẳn đi từ đây. Nhưng ngài vẫn không từ bỏ ước mơ cải thiện tư thế đó bằng những cử chỉ thân thiện đến mềm yếu. Cơ hội đến với ngài (1985) khi chính quyền tỉnh tổ chức một chuyến tham quan thủ đô Hà Nội (chương trình dĩ nhiên bao gồm mục “vào lăng viếng Bác”) cho các thầy và các cha; họ yêu cầu ngài chỉ định một danh sách sáu linh mục tham gia đoàn (con số “sáu” không chút ngẫu nhiên: có 6 giáo hạt, tức 6 cha hạt trưởng). Ngài đã tỏ ra tích cực trong việc chỉ định, đến nỗi nhiều linh mục trong giáo phận đã coi đây là lệnh của Đấng Bản quyền mà theo giáo luật phải tuân phục.
   Các linh mục được chỉ định đứng trước một sự lựa chọn khó khăn đến nhức nhối: nếu chấp hành lệnh Bề trên, thì sẽ mắc bẫy cộng sản, vì chắc chắn kịch bản “tham quan” đó giấu ẩn nhiều chiêu thức ma quái khó lường; nhưng nếu làm theo xác tín của mình (= đây không phải là trường hợp Giám mục có quyền ra lệnh) thì sẽ làm cho Đức Cha lo âu phiền muộn vì lập trường ngài đã chọn là: bằng mọi giá không trái ý chính quyền... như chính ngài đã nói khi được mách có khả năng các cha không chấp hành: “Như vậy là căng rồi đó, khổ quá!”
   Ơn trên soi sáng, sáu vị linh mục sau khi hội ý với nhau đã nghĩ ra được một tuyệt chiêu: cùng ký tên vào một lá thư ngắn gởi Mặt trận. Đại ý: chúng tôi được biết Đức Tổng Giám mục năm nay cũng như nhiều năm qua đã không được phép tham dự cuộc họp thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đó là sinh hoạt hệ trọng bậc nhất của Giáo hội Việt Nam, thế mà chúng tôi lại đi tham quan giải trí đó đây: thật là chuyện mâu thuẫn và vô lý. Vì vậy chúng tôi xin trả lời: chúng tôi xin kiếu!
   Đức Cha nhẹ nhõm hả hê: các cha nhận trách nhiệm trong việc từ chối này, không phải để đối lập với Đức Cha, mà trái lại để ủng hộ Đức Cha! Ngài vội vã nhắn với những cha đang lo sợ đã làm Đức Cha giận: “Cám ơn lắm, không giận đâu!” (nguyên văn).
   Từ nay Đức Tổng Nguyễn Kim Điền chỉ còn một hướng đi: dũng cảm thực sự và cụ thể.
   Trong thời gian “120 ngày làm việc với công an (từ 5-4 đến 15-10-1984), ngài thường thổ lộ với người thân tín sau một ngày làm việc: tạ ơn Chúa đã cho qua một ngày vững vàng, cầu mong Chúa cho ngày mai cũng được như vậy. Thật là khiêm nhượng: không dám nói trước là mình sẽ vững vàng mãi mãi bao lâu còn phải ngồi trước cán bộ công an (6).
   Khi ra đi mỗi sáng, ngài ôm sẵn một gói hành lý nhỏ vừa bằng chiếc mũ đựng những đồ dùng cá nhân cần thiết: biết đâu ngày hôm đó ngài sẽ bị bắt đem đi luôn ! Ngài chờ đón và chấp nhận tình huống này. Tâm trạng này thật là dũng cảm, vì những lý do mà ít người biết đến:
   1) Ngài mang trong cơ thể cả trăm thứ bệnh đòi hỏi thuốc men đặc biệt và chế độ ăn uống riêng. Thử hỏi: vào tù làm gì kiếm được thuốc thang và thức ăn đặc biệt đó? Nhưng ngài đã chấp nhận ngay cả cái chết, vì Thiên Chúa, vì Giáo hội.
   2) Ngài tin như đinh đóng cột vào huyền thoại “Cộng sản toàn năng”, có đủ thủ đoạn để khiến người ta khai thú bất cứ điều gì họ muốn. Có lần ngài cho biết về thuốc sự thật (sérum de vérité): “Tôi được biết, khi bị chích thuốc đó vào rồi, đương sự nằng nặc đòi khai báo, thậm chí van lạy để người ta nghe khai!”.
   Thật ra kẻ cho ngài thông tin này đã đọc câu chuyện “khoa học giả tưởng” đó trong tập truyện tranh Tin tin & Milou mang tên “Vol 714 pour Sydney”. Nhưng Đức Cha đâu có biết đó là chuyện giả tưởng: đấy chính là công lớn của ngài, ngài thật xứng với danh hiệu “Tổng Giám mục dũng cảm”.
  
 
   Chú thích:
(1) Nhiều linh mục Huế không ưa các buổi nói chuyện này, coi đó là dịp để công an ghi sổ về thái độ của từng cá nhân...
(2) Những ai từng làm thầy dạy môn Pháp văn đều biết kiểu nói như vậy có thể dịch được ba cách: “cộng tác trong khi đề kháng”, “vừa cộng tác vừa đề kháng”, và “cộng tác bằng cách đề kháng”. Kể cả cách hiểu thứ ba cũng có thể vận dụng được ở đây (có vẻ nghịch lý đó, nhưng phân tích kỹ, sẽ thấy hợp lý hoàn toàn!).
(3) Đức Hồng y Wyszynski đã có lần phê bình chính sách đó như sau: “Tối thiểu là yêu cầu đừng có đè nặng lên thập giá của chúng tôi!” Về vai trò của Đức Hồng y Wyszynski trong giai đoạn này, Đức Hồng y Wojtyla đã nói với Đức Cha Thuận trong lần gặp gỡ kể trên: “Đó là con người của Chúa quan phòng” (C’est l’homme providentiel).
(4) Xưa gọi là trường Sohier, ghi công Đức Cha Sohier (tên Việt là Bình, 1862-1876), người đã đặt tòa Giám mục tại Xuân Long (còn gọi là Kim Long). Nền của tòa Giám mục vẫn còn thấy được ở đó ngày nay.   
(5) Bào thai các động vật có xương sống trong những tuần lễ đầu khó phân biệt nhau, trừ phi dưới con mắt chuyên gia: đây là một bằng chứng hỗ trợ cho thuyết tiến hóa. Thành ra nếu không có hình ảnh phôi thai người, cộng sản vẫn có thể dùng hình ảnh phôi thai chó, heo, bò... thuộc những tuần lễ đầu tiên mà đánh lừa được.
(6) Ngày xưa: Khôn ngoan ra trước cửa quan mới biết! Ngày nay: Có gan ra trước công an mới biết!