Gs Lê Hữu Mục
Montréal, Canada
Kẻ sĩ Chu An(1292-1370)
Chu
An là người làng Quang Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà
Đông, sinh ngày 15.8 năm Nhâm Thìn (1292), mất ngày 26
tháng11 năm Canh Tuất (1370). Ông đậu Thái học sinh năm
1314 nhưng không ra làm quan, thích ở nhà dạy học. Học
trò nghe tiếng đến học rất đông, trong đó có những
nhân vật nổi tiếng như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát.
-
Tư tưởng của Chu An
Những
buổi chiều trên quê hương.
Trong số 7 bài thơ còn sót lại của Chu An thì đã có 5
bài nói về buổi chiều, đó là những bài từ số 1 đến
số 5. Tác giả nói đến một buổi chiều vắng vẻ ở
núi Chí Linh, những cảnh núi rừng trải rộng trong cô
tịch, con đường ngập cỏ không có một bóng người
qua, tiếng chim thước ở xa chìm đắm trong mây khói (Chí
Linh sơn tạp hứng).
Đây cũng là hình ảnh buổi chiều trên sông Thanh Lương,
tục gọi là sông Vạn; bóng chiều vắt ngang lưng núi,
thuyền đánh cá từng đôi một trở về theo dọc bờ
sông, tác giả một mình thui thủi nghe gió thổi vi vu và
ngắm nước thủy triều đang dâng lên từng ngọn nhỏ
(Thanh
Lương giang).
Có khi tác giả lững thững đi bộ một mình trên núi
Tiên Du, nhìn núi Lạn Khả mịt mù trong sương khói, xa xa
có tiếng sáo văng vẳng giữa bầu trời bát ngát mênh
mông, trong khi chim chiều bay vội trong sương mờ, con cá
lạnh lẽo nhảy vọt lên trên làn nước suối xanh biếc;
thế rồi tiếng sáo loãng dần cùng với thời gian lặng
lẽ qua, làm cho núi Phật Tích phía tây đã đìu hiu lại
càng thêm vắng vẻ (Nhật
tịch bộ Tiên Du Sơn tùng kính).
Buổi chiều còn quạnh quẽ hơn khi tác giả đứng một
mình trong chiếc quán nhỏ bên sông, vẩn vơ đứng đếm
những chiếc thuyền từ ngoài khơi trở về; gió thổi
mạnh từ đầu ghềnh đưa tiếng sáo của ai lên cao vút,
bóng chiều đã trở về trên vẻ nhợt nhạt của màu
nắng hồng; trời tối dần, nhìn ra xa chỉ thấy dằng
dặc một màu xanh mênh mông, như công danh hoang đường đã
rơi rụng, như cuộc đời làm quan xưa kia chỉ là một
cuộc phiếm du, không như bây giờ, cuộc đời tự do biết
bao, tự đi tự lại không có gì có thể ngăn giữ được,
chẳng khác gì con chim âu đang vùng vẫy trong muôn trùng
sóng biếc (Giang
Đình Tác).
Buổi chiều với ánh trăng non cũng ấp ủ một nỗi buồn
dằng dặc như vậy. Trăng nước bên cầu đùa giỡn với
bóng chiều hôm, hoa sen với lá sen, nương tựa vào nhau
lặng lẽ. Cá chơi ở ao xưa, rồng bây giờ ở đâu? Mây
đùn đầu núi trơ trọi, hạc chưa bay về. Cây quế già
theo gió đưa hương thơm trên đường đá, trong khi những
lá rêu non đẫm nước che lấp cả cánh cửa thông. Lòng
của tác giả chưa lạnh lẽo như tro nguội, bởi vậy,
mỗi lần nghe nói về thượng hoàng Trần Minh Tông là
nước mắt của tác giả lại lã chã tuôn rơi giữa sự
tịch mịch của buổi chiều (Miệt
Trì).
Bài thơ cuối cùng nầy nói về buổi chiều đã bắt đầu
ngả sang một chủ đề khác mạnh mẽ hơn, sáng sủa hơn,
có ánh sáng chiếu về làm nẩy nở mầm hy vọng mới.
Những
mùa ánh sáng:
Ngay trong những bài thơ trên tả cảnh buổi chiều, ánh
sáng không bao giờ vắng bóng; ta chỉ thấy dâng lên qua
khung cảnh của bài thơ một không khí tịch mịch êm đềm,
một thế giới quạnh quẽ xa xôi trong đó tiếng sáo vút
lên như đưa tâm hồn vượt khỏi những kích thước tầm
thường của trần gian để bay đến những chân trời
rộng lớn. Từ những thế giới nầy ánh sáng rực rỡ
chiếu ra theo những luồng gió mát bắt đầu trổi cùng
tiếng nhạc ve vào hội. Ánh sáng hắt ra từ màu hoa sen,
từ màu trắng của măng tre bắt đàu chớm nở như một
tâm hồn trinh bạch (Sơ
Hạ).
Ánh sáng còn toả ra từ màu xanh biếc của cỏ làm cho
trời đất chếnh choáng như say rượu, màu đỏ hồng rực
rỡ thấm vào cánh hoa làm cho giọt sương rung rinh chiếu
ánh sáng như từ một viên ngọc quý (Xuân
Đán).
Những
ý chí phục vụ sắt son:
Từ dịch khoảng năm 1366 để phản đối sự lộng hành
của bảy tên quyền thần, Chu An đã thực hiện một cách
ngoạn mục tinh thần phục vụ của Hưng Minh Vương Trần
Quốc Tảng, của Trương Hán Siêu, của các thi sĩ trong
thi xã Bích Động. Bài Thất
trảm sớ
đã không còn nữa để cho ta phân tích đầy đủ tư
tưởng của Chu An, nhưng căn cứ trên 7 bài thơ còn lại,
ta cũng có thể một phần nào hiểu được ý chí phục
vụ của Chu An. Trước hết, việc từ dịch của ông
không phải là một thái độ bất hợp tác: ông chỉ muốn
phân biệt nhiệm vụ và quyền lợi, bởi vì sự hiện
diện của ông ở triều đình tuy bảo vệ quyền lợi của
cá nhân ông nhưng lại gây nguy hại cho đại cuộc, trong
khi đó, việc từ dịch của ông không mảy may xúc phạm
trọng trách vệ đạo của một nho sĩ xác tín như ông,
nếu tại chức là một nhiệm vụ, thì từ dịch cũng là
một nhiệm vụ, khi nhà nho biết khước từ quyền lợi
cá nhân. Bởi vậy, trong bài Xuân
Đán,
Chu An thành thật bộc lộ niềm tha thiết của ông đối
với sự trường tồn của triều đại nhà Trần; cũng
như những đám mây đang chờn vờn trên đỉnh núi Chí
Linh, ông vẫn ngày đêm quyến luyến với tất cả những
gì có liên hệ tới triều chính mặc dù tuổi tác đã
cao:
Mây
côi, thân lão, non còn vẩn.
Giếng
cũ, lòng già, sóng hết lan.
Trong
bài Miệt
Trì
nói về chiếc ao ba ba (dịch chữ Miệt trì) ở núi Phụng
Hoàng, trước kia ở ranh giới huyện Phụng Sơn, xứ Kinh
Bắc, tác giả đã có dịp so sánh xã hội đời Trần với
một chiếc ao ba ba, chỉ có cá chơi ở ao xưa, còn rồng
thì đi vắng, chỉ có mây đùn trên đầu núi trơ trọi,
còn hạc thì chưa thấy bay về; cây quế già theo gió đưa
hương thơm trên đường đá, trong khi những tảng rêu non
đẫm nước che lấp cả cánh cửa thông; tác giả kết
luận rằng trước cái cảnh trái ngược ấy, tấc lòng
riêng của ông chưa lạnh lùng như tro nguội; cho nên khi
liên tưởng đến những chuyện tốt đẹp mà chế độ
nhà Trần đã thực hiện vào thời thượng hoàng Trần
Minh Tông, những chuyện hoàn toàn tương phản với sự
thật phủ phàng đời Trần Dụ Tông, Chu An chỉ biết gạt
thầm giọt lệ một cách đau đớn. Bài thơ cho ta thấy
rõ ràng lòng gắn bó của Chu An với triều đại nhà
Trần; những lời phê phán của ông hướng về những
hành động điên cuồng của Trần Dụ Tông và của tập
đoàn bợ đỡ chung quanh xuất phát từ lòng phục vụ
nhiệt thành, từ một con người ý thức được nhiệm vụ
của mình là phải hoạt động bất cứ vào địa vị nào
để giúp vua cứu nước:
Tấc
lòng chưa nguội như tro đất,
Nghe
chuyện tiên hoàng giọt lệ sa.
Giọt
lệ sa
(Hán văn: lệ ám huy) đó có phải là hành động tiêu cực
không? Dĩ nhiên xét về phương diện chính trị, thì đó
hiển nhiên là một hành đông tiêu cực và chẳng những
chỉ là tiêu cực mà thôi, mà còn tỏ ra yếu đuối nữa;
nhưng ta cũng phải biết rằng Chu An là một nhà nho mà sự
phục tùng đối với nhà vua bao giờ cũng là tuyệt đối.
Ở vào một trường hợp như Chu An, khi đã từ dịch mà
không bị bọn tham nhũng trả thù thì uy tín có thể đã
gọi là to lớn; còn chuyện làm cách mạng để lật đổ
chính quyền thì chưa chắc lúc nào cũng là một biện
pháp hay, cho nên công việc mà Chu An phải làm là phải
cải hoá Trần Dụ Tông trước đã; sau đấy, dùng hành
động và văn chương để tố cáo trước dư luận những
ý đồ xấu xa của bọn tham ô. Bài thơ Miệt
Trì
là một bản cáo trạng hùng hồn lên án những hành động
của loài cá, của rong rêu, nghĩa là của bọn thầy
thuốc Trâu Canh, bọn hoạn quan Phạm Nghiêu- Từ, bọn
trụy lạc Bùi Khoan và Trần Ngô Lang, bọn nhà giàu Nguyễn
Chế. Nếu bài Thất
trảm sớ
đã không được nhà vua để mắt tới thì một bài thơ
như bài Miệt
trì
bắt buộc nhà vua phải đọc, bắt buộc nhà vua phải
suy nghĩ về những hành động xấu xa của mình, như
những Cung định vương Phủ, Cung định vương Kính, công
chúa Thiên Ninh, Băng hồ Trần Nguyên Đán là những người
lật đổ Dương Nhật Lễ năm 1370. Nói tóm tắt dù đã
từ dịch và sống một cách âm thầm trong đồi núi Chí
Linh, Chu An đã không bao giờ ngừng hoạt động để phục
hồi uy tín của triều đình; ông đã sử dụng những
biện pháp văn hóa như giáo dục và vân chương để huấn
luyện và cảnh giác ý thức quật khởi của quần chúng,
chứng thực ý chí phục vụ của nhà nho Chu An lúc nào
cũng bền vững một niềm sắt son.
Niềm
tin vào thanh niên
Để thực hiện chương trình giúp nước cứu dân ấy,
Chu An mong đợi vào lòng hăng hái tham gia của thanh niên.
Ông đã mô tả kì vọng của ông trong bài Sơ
hạ:
Vắng
vẻ nhà rừng tỉnh giấc trưa,
Sân
hòe gió mát một luồng đưa.
Lũy
xưa én kiếm bay sau trước,
Tiếng
mới ve kêu đến nhặt thưa.
Điểm
nước sen khe không vẻ tục,
Vượt
rào măng trúc chẳng tài vừa.
Ôm
đàn, ngồi lặng, sinh lười biếng,
Sách
nát trên bàn, gió giở tờ.
Bài
thơ thoát ra một sinh khí khỏe mạnh,. sinh khí của hè ấm
áp thay thế cho mùa xuân lạnh lẽo, của tuổi thanh niên
đang vươn dậy như mâng trúc vượt rào của tuổi trẻ
tươi đẹp như đóa sen rừng rực rỡ trong lòng suối
xanh. Thanh niên đây là những người lớp trẻ như Nguyễn
Ứng Long, Trần đình Thâm, Phạm Nhân Khanh, hoặc những
người trưởng thành hơn như những Trần Phủ, sinh năm
1321, sau 1370 là vua Trần Nghệ Tông, Trần Nguyên Đán sinh
năm 1337, sau 1372, là vua Trần Diệu Tông. Họ đã chứng
kiến được thái độ can đảm của Chu An khi từ dịch
họ đã được đọc những bài thơ hùng hồn mạnh mẽ
kích thích tinh thần tranh đấu của họ; họ đã nhận
định được tình thế để thi hành những việc phải
thi hành. Họ đã tham gia vào phong trào văn học phê phán
triều đại Trần Dụ Tông mà những nhà văn tiêu biểu
là tam Phạm (Phạm Ngô, Phạm Tông Mai, Phạm Sư Mạnh),
Nguyễn Tử Thanh, Lê Quát, Đỗ Tử Vi, Chu Đường Anh.
Tháng 11 nâm Canh Tuất (1370) họ đã lật đổ Dương Nhật
Lễ, và Chu An vội vã chống gậy đến mừng đại diện
của họ là Cung Định Vương Phủ vừa lên ngôi niên hiệu
là Trần Duệ Tông. Họ đã làm đúng như lời mơ ước
của Chu An.
-
Giá trị của Chu An
A-
Một
nhà giáo có giáo trình
Giá trị nổi bật của Chu An không phải là ông đã có
bằng thái học sinh tức tiến sĩ, và được chính quyền
mời làm Quốc tử giám tư nghiệp, mà chính là vì ông đã
soạn thảo một giáo trình có giá trị đối với các
sinh đồ đương thời và nhất là đối với các giai cấp
nhân dân, đó là cuốn Tứ
thư huyết ước.
Tác phẩm đã thất truyền vì manh tâm phá hoại văn hoá
Việt Nam của quân xâm lược nhà Minh, nhưng căn cứ trên
nhan đề của tác phẩm cũng đủ thấy rằng tác giả
không muốn cùng lí ở chỗ phồn văn mà chỉ muốn chú
trọng về thực hành, lấy điều minh đạo hoá dân làm
gốc . Tinh thần trọng thực hành ấy chắc chắn đã thúc
đẩy tác giả quan niệm và giải quyết những vấn đề
mà Nho giáo đã đặt ra trong thực tế chính trị và văn
hoá Việt Nam, hun đúc tinh thần độc lập, tự cường
mà nho sĩ cần phải có trong sinh hoạt hằng ngày. Một
môn sinh của Chu An, Trần Phủ, sau nầy là vua Trần Nghệ
Tông đã nói: "Trần triều ta lập quốc đã tự có
pháp độ riêng, chứ không theo của nhà Tống. Bởi vì
Nam - Bắc đều tự chủ lấy mình, không nên phỏng chép
của nhau" . Nhận định của Trần Nghệ Tông cho ta
kết luận tinh thần Nho giáo chi phối sự soạn thuật Tứ
thư thuyết ước
là tinh thần Chu Công Đán, thần tượng của Hồ Quý Ly,
chứ không phải là Khổng Tử, Mạnh Tử, hay các danh nho
đời Tống. Giáo trình triết học của Chu An đã gây một
vùng ảnh hưởng quan trọng về chính trị và văn học.
B-
Một nhà chính trị nhiệt thành
.Tham gia chính quyền vào lúc mà một người khác bắt đầu
sửa soạn để rút lui, Chu An hiểu rõ thế nào là chính
trị; và nhà làm chính trị không phải là một người
chạy theo chính quyền để làm một tay sai ngoan ngoãn, mà
ngược lại, phải là người soi sáng cho chính quyền đi
theo những nguyên tắc chính trị đã được tiên nho chủ
trương; khi chính quyền không thi hành những vấn đề đã
qui định, phải có can đảm đứng lên để phản kháng.
Về điểm nầy, Chu An là một điểm son trong lịch sử
chính trị Việt Nam. Ông đã tham gia vào sinh hoạt chính
trị để thiết lập trật tự và ổn định tình thế;
ông đã kêu gọi nhà cầm quyền triệt hạ bọn tham ô;
ông đã phản kháng chính quyền bằng đơn xin từ dịch;
nhưng ngay trong đời sống ẩn dật của một nhà chính
trị vì tình thế đã trở thành đối lập, Chu An vẫn
theo dõi những biến chuyển của thời cuộc, vẫn chú
trọng đến những hoạt động của triều đình và sẵn
sàng tái hợp tác nếu Trần Dụ Tông trở lại chấp nhận
những đề nghị của ông. Tư tưởng và hành động của
Chu An về phương diện chính trị đã soi sáng những sáng
tác văn học của ông và thế hệ 1343 - 1370.
C-
Một nhà văn nhập cuộc.
Nhập cuộc là tính chất căn bản của văn chương nói
chung, nhưng trong những tác phẩm của Chu An, nó đã mang
một thuộc tính đấu tranh quyết liệt. Đối tượng của
Chu An là những người đồng thời: ông viết để diễn
đạt những hi vọng và những phẫn nộ của chính ông và
của họ, không phải với tính cách là một thực thể
siêu hình như trong quan điểm văn học của Tế Xuyên, mà
với tính cách là một con người có tự do đương đầu
với mọi hình thức độc tài sa đoạ, bất công, tham
nhũng. Nhờ ở những phát giác của ông, con người có
thể tự nhìn thấy được mình, nhận ra vị trí của
mình bên cạnh người khác, và nhờ đấy, có thể tự
vượt. Tác phẩm văn chương của Chu An là một tổng hợp
giữa phủ định và dự định, phủ định hiện tại
với những dữ kiện không mấy tốt đẹp và dự định
phác họa một trật tự trong tương lai. Có thể nói, với
Chu An, văn học đã tự ý thức được văn học; sự chủ
quan của Chu An đã diễn dịch được một cách sâu xa
những nguyện vọng và nhu cầu tập thể; lời kêu gọi
của ông đã kích thích tinh thần yêu tự do của thanh
niên và đã làm cho họ bật dậy để thực hiện và duy
trì sự thống trị của tự do. Chu An là một nhà văn
nhập cuộc đích thực.
D
- Vị
trí của Chu An trong văn học
Những nhận xét trên khẳng định vị trí ưu đãi của
Chu An trên diễn đàn văn học; ông là một tư nghiệp có
tinh thần văn hoá cao, một nhà trí thức biết nhận định
về thời đại mình và nhất là một nhà văn có tư
tưởng sâu xa cô đọng. Tư tưởng của ông không nằm
rời rạc trong tác phẩm; hình thức của 7 bài thơ còn
lại chính là ý tưởng của Chu An, nó phát triển theo
những tiềm năng u trầm của nó và tự choàng vào mình
một hình thể; Chu An đã sử dụng tất cả những tiềm
năng ấy về phương diện nhạc tính cũng như về nội
dung khái niệm, nối kết từ ngữ bằng ẩn dụ và hình
ảnh, trói buộc chúng bằng nhịp điệu và sáng chế ra
những biểu tượng chưa từng có trong những tác phẩm
văn chương có trước ông. Những người đồng thời với
Chu An đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của ông về tư
tưởng cũng như về bút pháp, ta có thể nói tới họ để
hiểu rõ thế hệ Chu An hơn.