Một thứ trưởng nói VN 'đủ số tiến sỹ chỉ thiếu chất lượng'
Một thứ trưởng giáo dục ở Việt Nam xác nhận chỉ tiêu 'đào tạo tiến sỹ' nhà nước đặt ra về cơ bản là đủ con số nhưng 'chất lượng thì còn có vấn đề'.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga được báo Thanh Niên (25/11/2016) trích lời nói rằng chỉ tiêu đào tạo 20 nghìn tiến sỹ từ 2010 đến 2020 ở Việt Nam nay đã đạt khoảng 10 nghìn.
"Có thể nói, về số lượng tiến sĩ, đến thời điểm này cơ bản chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu của đề án trên. Nhưng về chất lượng thì còn có vấn đề."
Theo ông, này là lúc "cần phải quan tâm vấn đề chất lượng".
Nhưng ông Ga cũng nói với nhà báo rằng khoản tiền đầu tư chỉ có 15 triệu đồng (chừng 700 USD) cho nghiên cứu sinh tiến sỹ một năm mà Bộ Tài chính Việt Nam phê duyệt là không đủ.
"Vấn đề của chúng ta là nguồn lực có giới hạn trong khi đầu tư dàn trải thành thử chỉ có thể đầu tư mỗi nghiên cứu sinh (NCS) trong nước là 15 triệu đồng/năm. Giờ thì đã thấy rõ không ổn."
Ông Ga cho hay khi bàn về một đề án gọi là Đề án 911, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã thiết kế định mức tối thiểu 210 triệu đồng/NCS (3 năm, mỗi năm 70 triệu đồng)
Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đề nghị mức 70 triệu VND một năm cho ba năm đào tạo tiến sỹ nhưng không được thông qua.
Bằng cấp và quan chức
Báo chí Việt Nam những năm qua đã đề cập nhiều đến vấn đề chất lượng của các chương trình đào tạo tiến sỹ và cho rằng chúng không đủ đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế của nước này.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong báo cáo năm 2014 'Vietnam Development Report' cũng dành một phần dài về nhu cầu giáo dục dạy nghề, giảng dạy đại học và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trên đại học.
Theo đó, chỉ có 10 phần trăm giảng viên đại học ở Việt Nam (tính đến hết 2013) là có bằng tiến sỹ.
Ngân hàng Thế giới không nói hẳn ra rằng các đại học cần phục vụ xã hội và kinh tế tốt hơn nhưng gợi ý giáo dục đại học và trên đại học cần gắn liền với nghiên cứu ứng dụng thiết thực cho nền kinh tế.
World Bank nêu ra số liệu chỉ chừng 37 phần trăm các đại học có quan hệ gì đó với các cơ sở công nghệ, kinh doanh.
Các chuẩn quốc tế định nghĩa rằng ngoài các nghiên cứu thuần tuý lý thuyết cao cấp, bằng tiến sỹ phải gắn liền với các hoạt động nghiên cứu ra sản phẩm (research and development) hoặc giảng dạy.
Chất lượng của bằng cấp được bộc lộ ra qua quá trình đưa công trình vào ứng dụng chứ không phải chỉ là ghi nhận một quá trình học tập.
Còn về chi phí, được biết đào tạo tiến sỹ ở Singapore tốn chừng 15-25 nghìn USD một năm.
Nếu lấy con số thấp nhất là 15 nghìn thì vẫn nhiều hơn ở Việt Nam chừng 20 lần.
Một vấn đề nữa liên quan đến khác biệt giữa chất lượng và số lượng của đào tạo khoa học tại Việt Nam là truyền thống khoa cử.
Chế độ phong kiến Việt Nam, theo hình mẫu Trung Hoa, có hệ thống thi cử nhằm tuyển quan lại cho bộ máy chính quyền chứ không để làm khoa học.
Ngày nay tại Việt Nam vẫn tiếp tục có sự liên quan chặt chẽ giữa tiêu chuẩn thăng tiến trong bộ máy và học hàm, học vị.
Chẳng hạn một số văn bản nhà nước về bổ nhiệm cán bộ quy định rõ, "trưởng phòng phải có bằng đại học trở lên, phó trưởng khoa, phó giám đốc trung tâm phải có bằng thạc sỹ trở lên, trưởng khoa, giám đốc trung tâm phải có bằng tiến sỹ..."
Nhu cầu thăng tiến tạo ra thị trường bằng giả, gồm cả bằng tiến sỹ.
Chẳng hạn hồi 2014, Đại học Thái Nguyên bị ngành giáo dục điều tra sau vụ lùm xùm 'bằng tiến sỹ giá 200 triệu", theo trang VnExpress.
BBC