Nhớ Nguyễn Trường Tộ
nhân kỷ niệm 180 năm
ngày sinh của tiên
sinh (1828-2008)
|
Trần Đức
Hà
23.11.2008
|
|
Cùng chung giáo xứ chính toà Xã Đoài, giáo họ chúng tôi
chỉ cách làng Bùi Chu một con sông. Tuổi thơ của tôi gắn bó với dòng
sông, đồng ruộng và cả những tháp chuông xứ Đoài. Những lúc rảnh
rỗi, khi đàn trâu được ăn no cỏ và đang tắm mình trong dòng nước mát
của dòng kênh Gai hiền hoà, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi lại rủ nhau
lội qua sông để sang bên kia thăm lăng Nguyễn Trường Tộ. Một lăng mộ
được lập ở cuối làng mà nay những hộ dân đã bắt đầu cư trú xung
quanh.
Cái thời chăn trâu thơ dại ấy cũng chẳng biết gì ngoài
cái mộ mang có tên tuổi một con người được ghi ở mộ chí, chỉ biết
ngôi mộ này đẹp nhất ở những làng lân cận, được khảm đá đen đẹp đẽ.
Tuổi thơ qua đi, giờ khôn lớn tôi mới biết cái tầm vĩ đại của con
người nằm dưới ngôi mộ cuối làng Bùi ngày nào.
Vài hàng tiểu sử
Phaolô Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 tại giáo họ Bùi
Chu, nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Giáo họ
Bùi Chu là một giáo họ có truyền thống lịch sử lâu đời nhất nhì ở
giáo phận Vinh. Lịch sử còn ghi lại giáo họ được phát sinh cuối thế
kỷ XVII với việc cha Matinô Mật từ Kiên Lao, Nam Định được điều về
coi sóc mục vụ giáo xứ Bùi Chu. Bùi Chu trở thành một cứ điểm truyền
giáo sầm uất ở Nghệ An. Đất xứ Nghệ “địa linh nhân kiệt” cùng với
truyền thống đạo hạnh của ông cha đã hun đúc trong con người Nguyễn
Trường Tộ tấm lòng yêu mến Thiên Chúa, yêu giáo hội, yêu quê hương,
đất nước.
Từ thuở nhỏ, Nguyễn Trường Tộ đã được bố là Nguyễn Quốc
Thư cho đi học chữ Nho. Nổi tiếng với tên gọi là Trạng Tộ. Tinh
thông Nho học nhưng ông không đi làm quan bởi một lẽ mang danh người
Công giáo vả lại ông cũng nhận thấy đường lối khoa cử không còn
thiết thực đối với xã hội và đất nước nữa.
Khi Nguyễn Trường Tộ bắt đầu đến tuổi trưởng thành thì
cũng là lúc cuộc bách hại đạo đang lên tới mức quyết liệt. Lúc này,
giáo phận Vinh được thành lập (1846) trên cơ sở tách ra từ giáo phận
Tây Đàng Ngoai và Đức Cha Gauthier Ngô Gia Hậu được cử làm Giám mục
tiên khởi. Việc tiếp xúc thân mật với Đức Cha Hậu là một cơ hội
thuận lợi để cho ông tiến tới tiếp cận với nền văn minh Phương Tây.
Ông đã được mời vào dạy chữ Hán cho Đức Cha trong chủng viện Tân Ấp.
Cuộc bách hại đạo dữ dội nổi lên và chiếu chỉ “phân
tháp” là biện pháp tàn bạo đánh vào người Việt Nam công giáo. Đức
Cha Gauthier Hậu buộc lòng phải tạm rời xa đoàn chiên dấu yêu của
mình. Nguyễn Trường Tộ được Ngài đưa đi lánh nạn ở Hồng Kông,
Singapore, Malaisia, Thuỵ Sỹ, Ý, Pháp và ông có thời gian học tập ở
Pari trong vòng 2 năm.
Quãng thời gian bôn ba nước ngoài là thời gian quí báu
để ông có thể học hỏi những điều hay chuẩn bị cho công cuộc canh tân
sau này. Ông đã cố gắng miệt mài học hỏi những tiến bộ trong văn
minh phương Tây với khát vọng đem những cái đó về để thay đổi đất
nước theo chiều hướng phát triển.
Năm 1861, ông miễn cưỡng làm chức từ hàn (phiên dịch)
cho Pháp và khi đô đốc Bonard đẩy mạnh chiến tranh xâm lược thì ông
không làm cho Pháp nữa. Vì quãng thời gian này mà sau nhiều sử gia
đã đánh giá không đúng về con người Nguyễn Trường Tộ.
Ông đã có công trong việc giúp cho dân làng Xuân Mỹ có
được mảnh đất mới trù phú tránh được khí độc. Những công trình xây
dựng của ông vẫn còn ghi dấu ấn đó là nhà nguyện của dòng Phaolô Sài
Gòn (1862-1863), Dinh Giám mục Xã Đoài (1864-1866). Cùng thời gian
này, ông đã giúp Tổng đốc An Tĩnh - Hoàng Tá Viêm đào kênh Sắt, một
công trình xưa nay nhiều thế hệ Việt Nam chưa làm được. Điều đáng
nhấn mạnh ở đây là bầu nhiệt huyết của ông qua những bản điều trần
chứa chan tinh thần yêu nước, vì dân tộc.
Tâm huyết của một đời người
Cả đời của Nguyễn Trường Tộ dành tâm huyết trong 58 bản
triều trần dâng lên vua Tự Đức qua Đại thần Trần Tiễn Thành. Những
bản điều trần khi nào cũng được vua phê chói lọi nhưng lại nhanh
chóng rơi vào quên lãng. Có người từng ví những bản điều trần đó như
là tiếng kêu trong hoang mạc của Gioan Tẩy Giả hay là tiếng gà gáy
sớm của một giai đoạn mới trong lịch sử Việt Nam. Tư tưởng canh tân
của Nguyễn Trường Tộ khá toàn diện, các nhà canh tân cùng thời đa
phần đều lặp lại những vấn đề ông từng đề cập, hầu như đề cập đến
mọi vấn đề, ta có thể tựu chung lại ở những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, ông rất quan tâm đến tình trạng phát triển
kinh tế bởi vì kinh tế có phát triển thì đất nước mới vững mạnh (dân
giàu nước mạnh). Nói như lý thuyết Xã hội chủ nghĩa thường nói thì
Phương Tây hơn hẳn Việt Nam về một phương thức sản xuất, cần làm
giảm bớt khoảng cách phân chia này bằng việc quan tâm mở mang công –
thương, đẩy mạnh giao thương với nước ngoài, phát triển ngành nghề
nông nghiệp truyền thống.
Thứ hai về mặt xã hội, ông đề xuất cải cách phong tục,
đề xuất một lối sống mới, chủ trương coi trọng nhân dân, thiết lập
các trại tế bần làm nơi cưu mang những số phận bất hạnh. Ông cũng
kêu gọi mở mang việc học tập trong toàn quốc kết hợp với việc thay
đổi nội dung giáo dục, thay thế chữ Hán bằng chữ quốc âm…
Thứ ba là về việc bang giao với nước ngoài, ông chủ
trương liên kết với nhiều quốc gia hùng mạnh để tạo nên mối quan hệ
bạn bè với mình. Ông phân tích để triều đình biết lợi dụng những mâu
thuẫn trong khối thực dân đế quốc để giành cho mình những lợi ích
nhất định. Kết thân với nhiều nước trong tư tưởng của Nguyễn Trường
Tộ cũng tương tự như chính sách “gió chiều nào theo chiều ấy” của
Chulalongkon, nhà vua Thái. Một hệ quả tích cực là hầu hết các nước
châu Á đều nằm dưới ách thực dân thì chỉ có Nhật Bản và Thái Lan
không bị ai đô hộ cả.
Tôi tin rằng, nếu như được giao phó binh quyền thì
Nguyễn Trường Tộ chắc chắn sẽ trở thành nhà quân sự đại tài. Một
nguyên tắc chủ đạo trong nghệ thuật quân sự của ông là "chủ hoà"
nhưng không có tư tưởng "chủ hàng". Ông khuyên triều đình cải tu võ
bị, trọng võ trọng văn, ưu ái người lính, biên soạn binh pháp, đào
tạo sĩ quan, mua sắm tàu thuyền vũ khí, xây dựng phòng tuyến cả ở
thành thị lẫn nông thôn, đề phòng quân Pháp xâm lược lan ra cả
nước... Đồng thời, ông cũng đưa ra những quyết sách hợp lý để thúc
đẩy nền quân sự nước nhà tiến lên.
Trong khuôn khổ một bài viết ngắn không thể đề cập hết
những tâm huyết mà Nguyễn Trường Tộ đã dày công, miệt mài sáng tạo
ngỏ hầu giúp ích cho đất nước, công việc của ông như con ong cần mẫn
suốt đời tạo nên mật ngọt cho đời.
Tiếc thay, khát vọng mang lại sự hùng cường cho dân tộc
của một tín đồ Công giáo nhiệt thành nơi quê hương xứ Nghệ lại không
trở thành hiện thực vì những lý do khách quan và chủ quan.
Gần 140 năm sau ngày mất, nhìn lại con người Nguyễn
Trường Tộ
Lịch sử là ông thầy dạy khôn và nó sẽ là người đưa ra
nhận xét cuối cùng đối với một nhân vật, một hiện tượng hay một sự
kiện lịch sử. Đương thời, Nguyễn Trường Tộ không được vua quan nhà
Nguyễn kể cả giới sỹ phu xứ Nghệ coi trọng chỉ vì ông là người Công
giáo và đến lúc chết ông phải đau đớn thốt lên:
“Một bước sa cơ, ngàn đời ôm hận
Quay đầu ngoảnh lại cơ đồ bỗng hóa trăm năm”…
Lịch sử đến nay đã có những nhận xét đánh giá trân trọng
những tâm huyết và lòng yêu nước nồng nàn của ông. Ngày nay, giới sử
học đều ca ngợi nhân cách sống và mức độ vĩ đại của những đề nghị
canh tân của Nguyễn Trường Tộ đối với đất nước. Cuộc cải cách của
Nguyễn Trường Tộ khởi xướng nếu được thực hiện sẽ thay đổi bộ mặt
nước ta tương xứng với nước Nhật của Minh Trị Thiên Hoàng hay như
Thái Lan thời Chulalongkon. Một nhóm nhân sỹ quê hương đứng đầu là
Từ Ngọc - Nguyễn Lân đã cho xây dựng lại ngôi mộ của Nguyễn Trường
Tộ. Khuôn viên ngôi mộ được tu bổ sạch đẹp hơn và hiện nay đã được
công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Hiện nay, nhiều thành
phố, thị xã đều có đường mang tên Nguyễn Trường Tộ; không ít trường
học mang tên người Công giáo yêu nước này.
Nguyễn Trường Tộ trong tôi
Tạm biệt thời chăn trâu thơ dại bên những dòng sông,
cánh đồng, những tháp chuông nhà thờ, tôi lên học cấp hai ở trường
làng. Ngôi mộ ở cuối làng Bùi Chu vẫn cuốn hút tôi. Tôi có dịp tìm
hiểu sâu hơn về cuộc đời của một đồng hương lại là đồng đạo khi tiếp
cận với những tư liệu viết về ông. Kể cũng thật lạ với hình ảnh một
chú bé con lớp 6 lúc nào cũng nghiền ngẫm cuốn“Nguyễn Trường Tộ tiểu
thuyết” của tác giả Thanh Đạm hay là “Nguyễn Trường Tộ, con người và
di thảo” của Linh mục Trương Bá Cần. Tôi đọc hoài mà không biết
chán, khi nào rảnh rỗi lại lấy sách đọc tiếp.
Ở môi trường Đại học, Nguyễn Trường Tộ vẫn là một nhân
vật rất cuốn hút tôi. Trong một bài tập khoa học đầu tiên của thời
sinh viên tôi chọn ngay đề tài “Nguyễn Trường Tộ với vấn đề cải
cách giáo dục”. Đề tài của tôi được thầy cô giáo trong Khoa Lịch
sử đánh giá cao và cho đăng ngay vào Nội san nhà Sử học trẻ. Hiện
nay, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của ông, tôi đều cố gắng
tìm về hay là tham dự các buổi hội thảo giới thiệu về thân thế, con
người và sự nghiệp của vị tiên sinh họ Nguyễn.
Ông đã ra đi cách đây gần 140 năm nhưng những tư tưởng
canh tân đổi mới của ông vẫn mang một giá trị thực tiễn lớn lao. Xã
hội hôm nay vẫn còn nhiều vấn đề có thể áp dụng theo cái nhìn của
Nguyễn Trường Tộ. Hôm nay đứng trước mộ cụ ở làng Bùi Chu, xin thắp
nén hương lòng của bậc con cháu, một người đồng hương, người đồng
đạo kính gửi cụ Nguyễn Trường Tộ. Một con người xứng đáng lưu danh
muôn đời vì suốt đời cụ đã:
“Kính Chúa yêu người hằng tạc dạ,
Trung vua mến nước vốn ghi lòng”...